Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Sứ điệp Phục sinh của Đức Thánh Cha và Phép Lành ‘Urbi et Orbi’

Sứ điệp Phục sinh của Đức Thánh Cha và Phép Lành ‘Urbi et Orbi’

‘Đức Giê-su là Thiên Chúa; Chúa Cha đã cho Người trỗi dậy và Người sống giữa chúng ta muôn đời.’

1 tháng Tư, 2018
Sứ điệp Phục sinh của Đức Thánh Cha và Phép Lành ‘Urbi et Orbi’
© Vatican Media
Đức Thánh Cha Phanxico ban Phép Lành Phục sinh “Urbi et Orbi’ – cho Thành Roma và toàn thế giới – vào trưa Chúa nhật, 1 tháng Tư, 2018, từ ban công trung tâm chính diện của Vương cung Thánh đường của Vatican.

Sứ điệp Phục sinh của Đức Thánh Cha và Phép Lành ‘Urbi et Orbi’

Dưới đây là văn bản sứ điệp của ngài do Vatican cung cấp

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Phục sinh hạnh phúc!

Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chết!

Thông điệp này âm vang lên trên khắp Giáo hội hoàn vũ, cùng với bài ca Alleluia: Đức Giê-su là Thiên Chúa; Chúa Cha đã cho Người trỗi dậy và Người sống muôn đời giữa chúng ta.

Chúa Giê-su đã tiên báo về cái chết và sự phục sinh của Ngài bằng hình ảnh của hạt lúa mì. Người nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24). Và đây đúng là những gì đã xảy ra: Chúa Giê-su, hạt lúa mì được Thiên Chúa gieo trong những luống đất trên trần gian, đã chết, đã bị giết bởi tội của trần gian. Người ở lại trong mồ hai ngày; nhưng cái chết của Người chứa đựng toàn bộ sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa, đã được giải thoát và tỏ lộ vào ngày thứ ba ngày mà chúng ta cử hành hôm nay: sự Phục sinh của Chúa Ki-tô.

Người Ki-tô hữu chúng ta tin và biết rằng sự phục sinh của Đức Ki-tô là niềm hy vọng thật cho trần gian, niềm hy vọng không làm thất vọng. Nó là sức mạnh của hạt lúa mì; sức mạnh của tình yêu đó, một tình yêu khiêm nhường và cho đi đến tận cùng, và từ đó canh tân toàn bộ thế giới. Sức mạnh này tiếp tục trổ sinh hoa trái cho hôm nay trong những luống đất lịch sử của chúng ta, mang dấu của quá nhiều hành động bất công và bạo lực. Nó làm trổ sinh hoa trái hy vọng và phẩm giá ở những nơi có sự túng thiếu và loại trừ, đói khát và thất nghiệp, ở những nơi có người di cư và tị nạn (thường xuyên bị từ chối bởi văn hóa loại bỏ hôm nay), những nạn nhân của nạn buôn bán ma túy, buôn bán người và những hình thức nô lệ hiện đại.

Hôm nay chúng ta hãy khẩn xin hoa trái hòa bình xuống trên toàn thế giới, bắt đầu từ mảnh đất Syria thân yêu và chịu đựng đau khổ quá lâu, dân tộc đã bị xé toạc bởi cuộc chiến không có hồi chấm dứt. Phục sinh này, ước mong cho ánh sáng của Đức Ki-tô phục sinh soi dẫn lương tâm của tất cả các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự, để nhanh chóng có sự chấm dứt tàn sát như đang diễn ra, xin cho luật nhân đạo được tôn trọng và những sự cứu trợ được tạo điều kiện thuận tiện đến được cùng với những cứu trợ khẩn cấp cho anh chị em của chúng ta, đồng thời bảo đảm được những điều kiện phù hợp cho sự trở về của những người di tản.

Chúng ta hãy khẩn xin hoa trái của sự hòa giải cho Vùng Đất Thánh, trong những ngày này cũng đang chịu đựng những vết thương của cuộc xung đột đang liên tục diễn ra không tha cho cả những người yếu đuối nhất, cầu cho Yemen và cho toàn thể Trung Đông, để sự đối thoại và sự tôn trọng lẫn nhau có thể chiến thắng những chia rẽ và bạo lực. Mong sao những anh chị em trong Đức Ki-tô của chúng ta là những người phải thường xuyên lãnh chịu những bất công và bách hại, trở thành những chứng nhân sáng chói của Chúa Phục sinh và của cái thiện chiến thắng cái ác.

Sứ điệp Phục sinh của Đức Thánh Cha và Phép Lành ‘Urbi et Orbi’
Hôm nay chúng ta hãy cầu khẩn hoa trái của niềm hy vọng cho những người đang mong mỏi một đời sống xứng đáng với phẩm giá hơn, đặc biệt là những người trong các khu vực thuộc lục địa Châu Phi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn đói, những cuộc xung đột địa phương, và khủng bố. Ước mong sự bình an của Chúa Phục sinh chữa lành những vết thương ở Nam Sudan và mở cửa những tâm hồn để bước đến đối thoại và hiểu biết lẫn nhau. Chúng ta không quên những nạn nhân của cuộc xung đột đó, đặc biệt là trẻ em! Ước mong sẽ không thiếu tính đoàn kết với tất cả những người bị cưỡng bức rời bỏ mảnh đất quê hương của họ và thiếu thốn những nhu cầu căn bản nhất cho cuộc sống.

Chúng ta khẩn cầu hoa trái của sự đối thoại cho bán đảo Triều tiên, để cho những cuộc thảo luận đang diễn ra có thể tiến đến sự hòa hợp và hòa bình trong vùng. Cầu mong cho những người chịu trách nhiệm trực tiếp biết hành động với sự khôn ngoan và sự phân định để thúc đẩy những điều tốt đẹp cho người dân Triều tiên và xây dựng những mối quan hệ tin tưởng trong cộng đồng quốc tế.

Chúng ta cũng hãy khẩn xin hoa trái hòa bình cho Ukraine, để củng cố được những bước đi tiến đến sự hòa hợp, và được tạo điều kiện thuận tiện bởi những sáng kiến nhân đạo rất cần cho người dân.

Chúng ta cũng hãy cầu xin hoa trái của sự an ủi cho người dân Venezuela, như các đức giám mục đã viết, họ đang sống trong tình trạng như “ở nước ngoài” ngay trong chính quốc gia của họ. Nguyện xin cho dân tộc đó, nhờ sức mạnh phục sinh của Chúa Giê-su, tìm được một con đường công bằng, hòa bình và nhân văn để nhanh chóng vượt qua được những khủng hoảng chính trị và nhân đạo đang kìm kẹp đất nước. Mong sao luôn có sự chào đón và hỗ trợ cho những người con của đất nước đó, những người bị cưỡng bức rời bỏ mảnh đất quê hương của họ.

Nguyện xin Đức Ki-tô Phục sinh mang đến hoa trái của sự sống mới cho các trẻ em, những em vì hậu quả của chiến tranh và nạn đói, đã lớn lên không có hy vọng, thiếu giáo dục và chăm sóc sức khỏe, và cho những người lớn tuổi bị gạt bỏ do một loại văn hóa ích kỷ tẩy chay những ai không còn “hữu dụng.”

Chúng ta cũng hãy khẩn xin hoa trái của sự khôn ngoan cho những người mang trọng trách chính trị trên thế giới, để họ luôn biết tôn trọng nhân phẩm, hoạt động tích cực để theo đuổi thiện ích chung, và bảo đảm sự phát triển và an toàn cho công dân của họ.

Anh chị em thân mến,

Lời mà những người phụ nữ nghe thấy tại ngôi mộ cũng là lời nói với chính chúng ta: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (Lc 24:5-6). Cái chết, sự cô đơn, và sợ hãi không phải là lời nói cuối cùng. Có một lời khác vượt trổi trên chúng, một lời duy nhất từ Thiên Chúa: đó là lời của sự phục sinh (x. Gioan Phaolo II, Kết thúc Chặng đàng Thánh giá, 18 tháng Tư 2003). Nhờ sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa, nó “xua tan những sự xấu xa, quét sạch mọi tội, lấy lại sự trong sạch cho người sa ngã, và niềm vui cho người than khóc, đập tan lòng hận thù, thúc đẩy sự hòa hợp và hạ gục kẻ quyền thế” (Easter Proclamation).

Chúc anh chị em Phục sinh hạnh phúc!

© Libreria Editrice Vatican




[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/4/2018]

Người đã sống lại! Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Canh thức Phục sinh (Toàn văn)

Người đã sống lại! Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Canh thức Phục sinh (Toàn văn)

‘Đừng sợ, hãy theo ta.’

31 tháng Ba, 2018
Người đã sống lại! Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Canh thức Phục sinh (Toàn văn)
Vatican Media Screenshot
Dưới đây là văn bản bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Canh thức Phục sinh ngày 31 tháng Ba, 2018, trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô. Ngài cũng thực hiện các bí tích nhập môn Ki-tô giáo cho tám thành viên mới của Giáo hội từ Albania, Ý, Nigeria, Peru, và Hoa kỳ.

Người đã sống lại! Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Canh thức Phục sinh (Toàn văn)
Văn bản bài giảng của Vatican cung cấp:

Chúng ta bắt đầu việc cử hành nghi thức này bên ngoài, đứng trong bóng tối của đêm đen và giá lạnh. Chúng ta cảm thấy một sự im lặng u ám trước cái chết của Chúa, một sự im lặng mà mỗi chúng ta có thể cảm nhận, một sự im lặng ngấm sâu vào tâm hồn của mỗi người môn đệ, họ đứng câm lặng trước thập giá.

Đây là thời khắc mà người môn đệ đứng lặng câm trong nỗi đau đớn trước cái chết của Chúa Giê-su. Có thể nói được lời nào trong một giây phút như vậy? Người môn đệ chỉ biết giữ câm lặng với cảm thức về những phản ứng của riêng mỗi người trong thời khắc quyết định của sự sống của Chúa. Đứng trước sự bất công của bản án cho Thầy, các môn đệ của Người chỉ biết câm nín. Trước những lời vu khống và làm chứng gian mà Thầy phải chịu, các môn đệ của Người chẳng nói được lời nào. Trong suốt những giờ thử thách đau đớn của Cuộc Thương Khó, các môn đệ của Người cảm thấy sự bất lực của họ không dám liều cược mạng sống của họ để nói thay cho Thầy. Còn hơn thế nữa, họ không thừa nhận Người: họ bỏ trốn, họ thoát thân, họ giữ im lặng (x. Ga 18:25-27).

Đó là đêm câm lặng của những người môn đệ bị tê liệt và không biết phải làm gì giữa quá nhiều những hoàn cảnh đau thương và chán chường. Đó cũng là tình trạng của những người môn đệ hôm nay, lặng câm trước những hoàn cảnh mà chúng ta không thể kiểm soát được, nó khiến chúng ta cảm thấy, và thậm chí tệ hơn nữa, tin rằng chẳng có thể làm gì để đảo ngược lại tất cả những bất công mà các người anh chị em của chúng ta đang phải chịu đựng trên da thịt của họ.

Đó là đêm câm lặng của những người môn đệ bị mất phương hướng vì họ bị đưa vào vòng xoáy theo thói thường cướp mất đi ký ức, dập tắt hy vọng và khiến họ nghĩ rằng “mọi việc đều diễn ra theo cách này.” Những người môn đệ đó đã bị đánh gục, họ chẳng có gì để nói và cuối cùng xem như “chuyện bình thường” và xem thường lời của Cai-pha: “Các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt?” (Ga 11:50).

Giữa sự im lặng của chúng ta, sự im lặng bao trùm, sỏi đá bắt đầu lên tiếng (x. Lk 19:40) [1] và dọn đường cho thông điệp vĩ đại nhất mà lịch sử chưa từng được nghe: “Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy” (Mt 28:6). Tảng đá trước mồ lên tiếng và công bố sự khởi đầu của một con đường mới cho tất cả mọi người. Chính tạo vật là vật tiên phong làm âm vang cuộc chiến thắng của sự sống vượt trên tất cả những điều đã cố gắng dập tắt và bóp nghẹt niềm vui của Tin mừng. Tảng đá trước mồ là vật đầu tiên nhảy mừng theo cách của nó và vang lên một bài ca ngợi khen và kinh phục của niềm vui và hy vọng trong đó tất cả chúng ta đều được mời gọi cùng dự phần.

Người đã sống lại! Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Canh thức Phục sinh (Toàn văn)
Hôm qua, chúng ta đã cùng với những người phụ nữ chiêm ngắm “Đấng đã bị đâm thâu cạnh sườn” (x. Ga 19:36; x. Dcr 12:10). Hôm nay, chúng ta lại được mời gọi cùng với các bà ngắm nhìn ngôi mộ trống và lắng nghe lời của Thiên Thần: “Các bà đừng sợ … vì Người đã trỗi dậy” (Mt 28:5-6). Những lời đó tác động mạnh đến lòng tin và sự chắc chắn sâu thẳm nhất của chúng ta, tác động đến cách chúng ta đánh giá và đương đầu với những biến cố trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt cách chúng ta quan hệ với người khác. Ngôi mộ trống thách đố chúng ta và trấn tĩnh lại tinh thần của chúng ta. Trên tất cả nó làm chúng ta phải suy nghĩ, nó động viên chúng ta tín thác và tin tưởng rằng Thiên Chúa “hiện ra” trong mọi hoàn cảnh và với mọi người, và tin rằng ánh sáng của Người có thể chiếu dọi đến những góc ít được mong chờ nhất và bí mật nhất của cuộc sống chúng ta. Người đã trỗi dậy từ cõi chết, từ một nơi không ai có một chút chờ gì, và bây giờ Người lại chờ đợi chúng ta – như Người đã làm với những người phụ nữ – để cho chúng ta có thể cùng chung phần với Người trong công cuộc giải thoát. Trên nền tảng này và với sức mạnh này, người Ki-tô hữu chúng ta hãy đặt cuộc sống và năng lực của chúng ta, trí óc của chúng ta, tình cảm và ý chí của chúng ta, phục vụ cho việc khám phá ra, và còn hơn thế là tạo ra những con đường của phẩm giá.

Người không có ở đây … Người đã trỗi dậy! Đây là thông điệp giữ vững niềm hy vọng của chúng ta và biến nó thành những hành động bác ái cụ thể. Chúng ta rất cần phải để cho tính mỏng giòn của chúng ta được xức dầu bởi kinh nghiệm này! Chúng ta rất cần phải để cho đức tin của chúng ta được hồi sinh! Chúng ta rất cần phải để cho những chân trời thiển cận của mình được thách đố và canh tân bởi thông điệp này! Đức Ki-tô đã trỗi dậy, và cùng với Người, Người làm cho niềm hy vọng và sự sáng tạo của chúng ta trỗi dậy để chúng ta có thể đối mặt với những vấn đề hiện tại với ý thức rằng chúng ta không cô đơn.

Mừng Phục sinh tức là một lần nữa chúng ta tin rằng Thiên Chúa liên tục đi vào lịch sử riêng của chúng ta, thách đố “những nguyên tắc” của chúng ta, đó là những lối suy nghĩ và hành động theo cách làm cho chúng ta cuối cùng trở nên tê liệt. Mừng Phục sinh tức là cho phép Chúa Giê-su chiến thắng nỗi sợ hãi hèn nhát rất thường xuyên tấn công chúng ta và cố gắng chôn vùi mọi niềm hy vọng của chúng ta.

Tảng đá trước cửa mồ được chia sẻ điều này, những người phụ nữ trong Tin mừng được chia sẻ điều này, và bây giờ lời mời gọi một lần nữa được gửi đến cho anh chị em và cho tôi. Một lời mời gọi hãy phá vỡ những thói quen của chúng ta và canh tân lại cuộc sống, những quyết định, và đời sống của chúng ta. Một lời mời gọi hướng trực tiếp đến nơi chúng ta đang đứng, điều chúng ta đang làm và bản thân con người của chúng ta, với “mức độ sức mạnh” của mỗi chúng ta. Chúng ta có muốn chia sẻ thông điệp sự sống này hay chúng ta muốn đơn giản tiếp tục đứng câm lặng trước những biến cố như khi chúng xảy ra?

Người không có ở đây … Người đã trỗi dậy! Và Người đợi anh chị em ở Ga-li-lê. Người mời gọi anh chị em hãy quay trở lại thời gian và địa điểm của tình yêu ban đầu của mỗi người và Người nói với anh chị em: Đừng sợ, hãy theo Ta.

[1] “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên”.


[00518-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/4/2018]