Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 28.01.2024: Chúa Giêsu xua đuổi quỷ, không đối thoại với hắn!

Chúa Giêsu xua đuổi quỷ, không đối thoại với hắn!

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 28.01.2024: Chúa Giêsu xua đuổi quỷ, không đối thoại với hắn!

*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay, Chúa Nhật, ngày 28 tháng Một năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Thiếu niên Công giáo Tiến hành của Giáo phận Rome đã có mặt, cùng với các nhà giáo dục và cha mẹ các bạn trẻ, và bạn bè đồng trang lứa từ các trường học và giáo xứ trong thành phố, đã kết thúc “Đoàn lữ hành Hòa bình”, tháng Giêng truyền thống, mà họ dành riêng cho chủ đề hòa bình. Vào cuối giờ đọc kinh Truyền Tin là phần đọc thông điệp thay mặt cho ACR của Rome.

Có những xiềng xích biến chúng ta thành nô lệ, tàn phá sức lực, thậm chí đẩy chúng ta vào chủ nghĩa tiêu dùng và làm xói mòn lòng tự trọng của chúng ta, nhưng vẫn có ánh sáng ở cuối đường hầm: có một phương thuốc hữu hiệu để chống lại chúng. Vào Chúa Nhật cuối cùng của tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về những cám dỗ này và cho chúng ta chìa khóa để đương đầu với chúng.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

______________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu giải thoát một người bị “thần ô uế” nhập (xem Mc 1:21-28), hành hạ và khiến người đó phải la hét (xem các câu 23, 26). Đây là cách ma quỷ hành động, đây là cách hắn hành động: hắn muốn chiếm hữu chúng ta để “trói buộc tâm hồn chúng ta”. Để trói buộc tâm hồn chúng ta: đây là điều ma quỷ muốn. Chúng ta phải rất cẩn thận với những “xiềng xích” bóp nghẹt tự do của chúng ta, vì ma quỷ luôn cướp đi tự do của chúng ta. Chúng ta hãy thử kể tên một số loại xiềng xích có thể trói buộc tâm hồn chúng ta.

Cha đang nghĩ đến những thói nghiện ngập, nó biến chúng ta thành nô lệ và khiến chúng ta liên tục không thỏa mãn, tàn phá sức lực, của cải và các mối quan hệ của chúng ta. Một xiềng xích khác mà cha đang nghĩ đến là những trào lưu thống trị cổ súy việc theo đuổi những chủ nghĩa cầu toàn, chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa khoái lạc quá quắt, những thứ khiến con người trở thành hàng hóa và phá hỏng các mối tương quan. Và còn nhiều xiềng xích hơn nữa: có những cám dỗ và căn bệnh làm xói mòn lòng tự trọng, xói mòn sự bình an, cũng như khả năng lựa chọn và yêu thương sự sống. Một xiềng xích khác nữa đó là sự sợ hãi, khiến chúng ta nhìn về tương lai với thái độ bi quan, bất mãn, luôn đổ lỗi cho người khác. Và rồi, có một loại xiềng xích rất xấu xí, đó là sự sùng bái ngẫu tượng quyền lực, tạo ra những xung đột và sử dụng vũ khí để giết hại hoặc sử dụng sự bất công kinh tế và thao túng tư tưởng.

Nhiều xiềng xích là của chúng ta, thực sự có rất nhiều xiềng xích trong cuộc sống của chúng ta.

Và Chúa Giêsu đã đến để giải thoát chúng ta khỏi tất cả những xiềng xích này. Hôm nay, đối mặt với ma quỷ đang thách thức Ngài bằng cách hét lên: “Chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” (c. 24), Chúa Giêsu trả lời: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” (câu 25). Chúa Giêsu có quyền trừ quỷ. Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi sức mạnh của sự dữ nhưng – chúng ta hãy cẩn thận – Người xua trừ ma quỷ nhưng Người không bao giờ đàm phán với hắn! Chúa Giêsu không bao giờ đàm phán với ma quỷ và khi bị cám dỗ trong sa mạc, câu trả lời của Chúa Giêsu luôn là những lời trong Kinh thánh, không bao giờ là một cuộc đối thoại. Thưa anh chị em: với ma quỷ thì đừng đối thoại! Hãy cẩn thận: không thể có đối thoại với ma quỷ, vì nếu anh chị em bắt đầu nói chuyện với hắn, hắn sẽ luôn chiến thắng. Hãy cẩn thận.

Vậy chúng ta phải làm gì khi cảm thấy bị cám dỗ và đè nặng? Đàm phán với ma quỷ chăng? Không: không đàm phán với hắn.

Chúng ta phải kêu cầu Chúa Giêsu: chúng ta hãy kêu cầu Ngài từ những nơi mà chúng ta cảm thấy những xiềng xích của sự dữ và sợ hãi đang thắt chặt nhất.

Một lần nữa, nhờ quyền năng Thần Khí của Chúa, hôm nay Người muốn nói với thần ô uế: “Lui đi, hãy để tâm hồn đó được bình an, không được chia rẽ thế giới, không được chia rẽ gia đình và cộng đồng của chúng ta; hãy để họ sống bình an để hoa trái Thần Khí của Ta có thể nảy nở ở đó, chứ không phải hoa trái của các ngươi - đây là điều Chúa Giêsu nói. Hãy để tình yêu thương, niềm vui, sự hiền lành ngự trị giữa họ, và thay vì bạo lực và những tiếng hét thù hận, hãy có tự do và hòa bình.

Chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi có thực sự muốn thoát khỏi những xiềng xích trói buộc tâm hồn tôi không? Ngoài ra, tôi có khả năng nói “không” với những cám dỗ của sự dữ trước khi chúng len lỏi vào tâm hồn tôi không? Cuối cùng, tôi có khẩn cầu Chúa Giêsu, cho phép Ngài hành động trong tôi, chữa lành tôi từ bên trong không?

Xin Đức Thánh Trinh nữ gìn giữ chúng ta khỏi sự dữ.

_______________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Ba năm qua, những tiếng kêu đau đớn và tiếng ồn ào của vũ khí đã thay thế những tiếng cười vốn là nét đặc trưng của dân tộc Myanmar. Tôi chung lời kêu gọi với một số giám mục Myanmar “để những loại vũ khí hủy diệt có thể được biến thành công cụ cho sự phát triển con người và công lý”. Hòa bình là một cuộc hành trình, và tôi mời gọi tất cả các bên liên quan thực hiện các bước đối thoại và thể hiện sự hiểu biết để đất nước Myanmar có thể đạt được mục tiêu hòa giải huynh đệ. Việc vận chuyển viện trợ nhân đạo phải được cho phép để bảo đảm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của mỗi người.

Điều tương tự cũng phải xảy ra ở Trung Đông, ở Palestine và Israel, và bất cứ nơi nào có xung đột: người dân phải được tôn trọng! Tôi luôn nghĩ đến tất cả các nạn nhân, đặc biệt là những người dân thường thiệt mạng vì cuộc chiến ở Ukraine. Xin hãy lắng nghe tiếng kêu cầu hòa bình của họ: đó là tiếng kêu của những người đã mệt mỏi vì bạo lực và mong muốn chiến tranh chấm dứt. Đó là một thảm họa cho các dân tộc và một thất bại cho nhân loại!

Tôi cảm thấy nhẹ người khi biết tin các nữ tu và những người bị bắt cóc cùng với họ ở Haiti vào tuần trước đã được thả. Tôi yêu cầu phải được trả tự do cho những người vẫn đang bị giam giữ, và có thể chấm dứt mọi hình thức bạo lực. Mọi người phải đóng góp vào sự phát triển hòa bình của đất nước này, là điều cần có sự hỗ trợ mới từ cộng đồng quốc tế.

Cha xin bày tỏ sự gần gũi với cộng đoàn nhà thờ Santa Maria ở Istanbul đã hứng chịu một cuộc tấn công vũ trang trong giờ Lễ làm một người chết và một số người bị thương.

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Bệnh phong. Tôi động viên những người đang tham gia hỗ trợ và tái hòa nhập xã hội cho những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này, mặc dù căn bệnh đã giảm bớt, vẫn là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất và ảnh hưởng đến những người nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất.

Xin gửi lời chào đến tất cả anh chị em đến từ Rome, Ý và nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt là các sinh viên của Viện “Puente Ajuda” ở Olivenza (Tây Ban Nha) và các sinh viên của Viện “Sir Michelangelo Refalo” ở Gozo.

Bây giờ cha nói với các con là những thiếu niên Công giáo Tiến hành thuộc các giáo xứ và trường học Công giáo ở Rome. Các con đến đây khi kết thúc “Đoàn lữ hành Hòa bình”, qua đó các con đã suy ngẫm về lời kêu gọi trở thành những người bảo vệ Công trình Sáng tạo là món quà của Thiên Chúa. Cảm ơn sự hiện diện của các con! Và cảm ơn các con vì cam kết xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Bây giờ chúng ta cùng lắng nghe thông điệp mà những người bạn của các con đang ở bên cạnh cha sẽ đọc.

[Đọc thông điệp]

Cha chúc tất cả anh chị em ngày Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Anh chị em thấy các thiếu niên, những đứa con của Công giáo Tiến hành, thật giỏi! Hãy can đảm lên! Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/1/2024


Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

yorgil | Shutterstock

V. M. Traverso

28/01/24


Hai đài phun nước kiểu Baroque giúp tạo cảm giác đối xứng hài hòa đã được nhiều nhiếp ảnh gia chụp lại trong các năm qua.

Khi dạo quanh Quảng trường Thánh Phêrô, thật khó có thể rời mắt khỏi khung cảnh ngoạn mục của mái vòm mang tính biểu tượng của vương cung thánh đường cao vút phía sau cột tháp của Ai Cập tại quảng trường. Nhưng quảng trường nổi tiếng nhất thế giới sẽ không được như vậy nếu không có hai đài phun nước tráng lệ mang đến cảm giác đối xứng hài hòa được các nhiếp ảnh gia từ khắp nơi trên thế giới ghi hình.

Hai đài phun nước nằm ở hai phía đối diện cột tháp là tác phẩm của các bậc thầy phong cách Baroque là Carlo Moderno và Gian Lorenzo Bernini. Người La Mã cổ đại thường xây dựng đài phun nước như một cách để tôn vinh những người cai trị và trang trí các nơi công cộng, một truyền thống được Giáo hội Công giáo mở rộng.

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

Đài phun nước ở phía bên phải quảng trường được Đức Giáo hoàng Phaolô V đặt làm vào năm 1612 và được kiến trúc sư Carlo Maderno hoàn thành vào năm 1614.

Đài phun nước ở phía bên phải của cột tháp được xây dựng trước. Nó được Đức Giáo hoàng Phaolô V ủy quyền vào năm 1612 và hoàn thành vào năm 1614. Đức Giáo hoàng Phaolô V giám sát chặt chẽ việc khôi phục một trong những cống dẫn nước quan trọng nhất của Rome, cống dẫn nước Trajan, và ở đầu cuối cùng của nó xây dựng một “đài phun nước chính” tên là Acqua Paola, được thiết kế để cung cấp nước cho một phần của Rome nằm bên hữu ngạn sông Tiber.

Nước đến từ “đài phun nước chính” này, nằm ở độ cao 741 feet (gần 226 m) so với mực nước biển trên đỉnh đồi Janiculum, có thể cung cấp nước cho các đài phun nước và nhà tắm công cộng nằm ở độ cao thấp hơn thông qua hệ thống đường dẫn nước ngầm. Hệ thống này bảo đảm cung cấp đủ nước cho dự án đài phun nước mới ở quảng trường Vatican.

Năm 1612, Đức Phaolô V thuê kiến trúc sư Baroque Carlo Maderno, người nổi tiếng vì đã hoàn thiện một số thiết kế mặt tiền của Đền Thánh Phêrô, xây dựng công trình trên một đài phun nước hiện có trước đó. Kiến trúc sư Maderno xây một chân đế hình bát giác và đặt một cái bể lớn lên trên cùng với các bậc và cột để ngăn nước tràn. Một bệ trang trí với bốn cuộn đá được đặt trên nóc của chiếc bể La Mã cũ và trên cùng là một chiếc bể nhỏ hơn ốp phủ vảy đá.

Cấu trúc “giống như cây nấm” này cho phép nước chảy xuống từ đỉnh đài phun nước và khi chạm vào mặt trên của bể cao hơn, nước sẽ bắn ra và lấp lánh qua các vảy đá.

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

Đài phun nước ở phía bên trái của quảng trường được Đức Giáo hoàng Clement X ủy quyền năm 1667 và được kiến trúc sư Gian Lorenzo Bernini hoàn thành 10 năm sau đó.

Ở phía bên trái quảng trường là đài phun nước được xây dựng bởi kiến trúc sư lừng danh Gian Lorenzo Bernini theo phong cách Baroque, người nghệ sĩ đằng sau mái tán bằng đồng mạ vàng tuyệt đẹp của Đền thờ Thánh Phêrô. Kiến trúc sư Bernini được Đức Giáo hoàng Clement X yêu cầu xây đài phun nước thứ hai vào năm 1667, 50 năm sau khi đài phun nước Maderno được xây dựng. Phải mất 10 năm để xây dựng đài phun nước thứ hai, được tạo hình như bản sao chính xác theo mẫu tác phẩm của Maderno. Như vậy, quảng trường nổi tiếng nhất thế giới giờ đây đã có đài phun nước “song sinh” ở hai bên cột tháp và lối vào vương cung thánh đường.

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

Hai đài phun nước kiểu Baroque giúp tạo cảm giác đối xứng hài hòa được nhiều nhiếp ảnh gia ghi hình trong nhiều năm qua.

Cả hai đài phun nước đều hoạt động mà không cần sử dụng máy bơm nhờ trọng lực và hệ thống van áp suất.

Hai đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên khắp Châu Âu, trong đó có kiến trúc sư Jacques-Ignace Hittorff, người xây dựng “Fontaines de la Concorde” ở Paris và một số đài phun nước Peterhof, ở St. Petersburg do Sa Hoàng ủy quyền.

Ngày nay, đài phun nước đôi, hoạt động liên tục kể từ khi được xây dựng vào thế kỷ 17, trừ một thời gian gián đoạn ngắn trong đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2017, là một trong những địa danh được chụp nhiều nhất ở Rome.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/1/2024]