Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

Toàn văn huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha: Lời mời gọi hãy vui lên

Toàn văn huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha: Lời mời gọi hãy vui lên

Vatican Media Screenshot

Toàn văn huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha: Lời mời gọi hãy vui lên

‘Hãy luôn mừng vui lên trong Chúa’

13 tháng Mười Hai, 2020 15:57

JIM FAIR


Thế giới có thể phải đối mặt với nhiều điều phiền muộn nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở thế giới hôm nay rằng lời mời gọi hãy vui lên là đặc điểm của Mùa Vọng.

Những lời của ngài trước giờ đọc Kinh Truyền Tin buổi trưa với nhóm người hành hương tập trung theo sự giãn cách xã hội trong Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha nói, “Và chiều kích này của niềm vui hiện rõ lên đặc biệt vào hôm nay, Chúa Nhật Thứ Ba, mở đầu bằng lời khuyên của Thánh Phaolô: Chúa càng gần bên chúng ta, chúng ta càng cảm thấy mừng vui; càng xa Ngài, chúng ta càng thấy buồn. “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Entrance Antiphon; x. Phil 4: 4, 5),” Đức Thánh Cha nói. “Chúa càng gần bên chúng ta, chúng ta càng cảm thấy mừng vui; càng xa Ngài, chúng ta càng thấy buồn”

Đức Giáo Hoàng tiếp tục nhắc nhở những người đang lắng nghe về nhiều nguồn vui trong mùa này cho đến ngày giáng sinh của Đức Kitô:
  • “Sự mong đợi Chúa Giêsu hạ sinh mà chúng ta trải nghiệm thật hân hoan … 
  • “Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay trình bày cho chúng ta một người trong Kinh Thánh – không kể Đức Mẹ và Thánh Giuse – cảm nghiệm đầu tiên và trọn vẹn nhất về sự mong đợi Đấng Mêxia và niềm vui khi thấy Người đến: đương nhiên, chúng ta đang nói đến Gioan Tẩy Giả (x. Ga 1: 6-8, 19-28)…
  • “Đây là điều kiện đầu tiên cho niềm vui của người Kitô hữu: không tập trung vào bản thân và đặt Chúa Giêsu vào trung tâm
  • “Hành trình của niềm vui không phải là một cuộc dạo chơi trong công viên. Cần phải làm việc để luôn được vui tươi…
  • “Và niềm vui phải là nét đặc trưng cho đức tin của chúng ta. Và trong những giờ phút đen tối, niềm vui đó trong tâm hồn, khi biết rằng Chúa đang ở với tôi, rằng Chúa ở với chúng ta, rằng Chúa đã Phục sinh… 
  • “Chúa! Chúa! Chúa! Đây là trung tâm của đời sống chúng ta, và đây là trung tâm của niềm vui của chúng ta.”

Đức Thánh Cha kết luận bằng lời thúc giục các tín hữu hãy vui mừng và nhờ có niềm vui đó mà lan truyền niềm vui của Đức Kitô.

Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh):

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Lời mời gọi hãy vui lên là đặc điểm của Mùa Vọng: mong đợi sự hạ sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta đang trải qua thật hân hoan, giống như khi chúng ta chờ đợi sự viếng thăm của một người mà chúng ta rất đỗi yêu thương, chẳng hạn một người bạn lâu ngày chúng ta chưa gặp, một người thân…. Chúng ta đang hân hoan chờ đợi. Và chiều kích này của niềm vui hiện rõ lên đặc biệt vào hôm nay, Chúa Nhật Thứ Ba, mở đầu bằng lời khuyên của Thánh Phaolô: Chúa càng gần bên chúng ta, chúng ta càng cảm thấy mừng vui; càng xa Ngài, chúng ta càng thấy buồn. “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Entrance Antiphon; x. Phil 4: 4, 5). Chúa càng gần bên chúng ta, chúng ta càng cảm thấy mừng vui; càng xa Ngài, chúng ta càng thấy buồn. Đây là một nguyên tắc dành cho người Kitô hữu. Có lần một triết gia đã nói điều đại khái như thế này: “Tôi không hiểu ngày nay làm sao người ta có thể tin được, vì những người nói rằng họ tin đều mang khuôn mặt đưa đám tang. Họ không làm chứng niềm vui Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô”. Nhiều Kitô hữu có khuôn mặt đó, đúng, khuôn mặt đưa đám tang, một khuôn mặt buồn bã…. Nhưng Chúa Kitô đã sống lại! Chúa Kitô yêu thương bạn! Và bạn không có niềm vui? Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về điều này và hãy hỏi: “Tôi có vui mừng vì Chúa ở gần tôi, vì Chúa yêu tôi, vì Chúa đã cứu chuộc tôi không?”.

Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay trình bày cho chúng ta một người trong Kinh Thánh – không kể Đức Mẹ và Thánh Giuse – cảm nghiệm đầu tiên và trọn vẹn nhất về sự mong đợi Đấng Mêxia và niềm vui khi thấy Người đến: đương nhiên, chúng ta đang nói đến Gioan Tẩy Giả (x. Ga 1: 6-8, 19-28)…

Thánh sử giới thiệu Ngài một cách trang trọng: “Có một người được Chúa sai đến…. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng ”(c. 6-7). Gioan Tẩy Giả là chứng nhân đầu tiên của Chúa Giêsu, bằng lời nói và bằng món quà là mạng sống của ông. Tất cả các sách Phúc âm đều thống nhất cho thấy rằng ông đã hoàn thành sứ mệnh của ông bằng cách giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng được Thiên Chúa sai đến, đã được các Tiên tri hứa. Gioan là một nhà lãnh đạo trong thời đại của ông. Danh tiếng của ông đã lan khắp miền Giuđê và xa hơn nữa, đến tận Galilê. Nhưng ông không đầu hàng cám dỗ lôi kéo sự chú ý về bản thân dù chỉ thoáng qua trong chốc lát: ông luôn hướng về Đấng sẽ đến. Ông nói: “Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (câu 27). Luôn luôn hướng về Chúa. Giống như Đức Mẹ: luôn luôn hướng về Chúa: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Chúa luôn ở trung tâm. Các Thánh luôn hướng về Chúa. Và ai không hướng về Chúa thì không thánh thiện! Đây là điều kiện đầu tiên cho niềm vui của người Kitô hữu: không tập trung vào bản thân và đặt Chúa Giêsu vào trung tâm. Đây không phải là sự xa cách, vì Chúa Giêsu là trung tâm; Ngài là ánh sáng mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của mỗi người nam và nữ đến với thế giới này. Cũng chính động lực của tình yêu khiến tôi thoát ra khỏi chính mình không phải để đánh mất bản thân mà để tìm lại chính mình, trong khi tôi cho đi bản thân, trong khi tôi tìm kiếm điều tốt đẹp nơi người khác.

Gioan Tẩy Giả đã trải qua một hành trình dài để đến làm chứng cho Chúa Giêsu. Hành trình của niềm vui không phải là một cuộc dạo chơi trong công viên. Cần phải làm việc để luôn được vui tươi. Gioan đã bỏ tất cả mọi thứ trong tuổi trẻ của mình, để đặt Chúa vào vị trí đầu tiên, để lắng nghe Lời Người với trọn tâm trí và tất cả sức lực của mình. Gioan lui vào hoang mạc, trút bỏ mọi thứ thừa thãi, để được tự do đi theo luồng gió của Chúa Thánh Thần. Tất nhiên, một số đặc điểm tính cách của ông là riêng biệt, không thể lặp lại; không thể đề nghị những tính cách đó cho tất cả mọi người. Nhưng chứng tá của ông là mẫu mực cho bất cứ ai muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của mình và tìm thấy niềm vui thực sự. Đặc biệt, Gioan Tẩy Giả là gương mẫu cho những người trong Giáo Hội, những người được kêu gọi để loan báo Chúa Kitô cho người khác: họ chỉ có thể làm như vậy bằng cách thoát ra khỏi con người mình và thoát khỏi tính thế gian, bằng cách không lôi cuốn mọi người về phía mình nhưng hướng họ đến với Chúa Giêsu.

Đây là niềm vui: hướng về Chúa Giêsu. Và niềm vui phải là đặc điểm cho đức tin của chúng ta. Và niềm vui phải là nét đặc trưng cho đức tin của chúng ta. Và trong những giờ phút đen tối, niềm vui đó trong tâm hồn, khi biết rằng Chúa đang ở với tôi, rằng Chúa ở với chúng ta, rằng Chúa đã Phục sinh. Chúa! Chúa! Chúa! Đây là trung tâm của đời sống chúng ta, và đây là trung tâm của niềm vui của chúng ta. Hôm nay hãy suy nghĩ thật kỹ: tôi phải cư xử thế nào? Tôi có phải là một người vui tươi, biết cách truyền đạt niềm vui của một người Kitô hữu không, hay tôi luôn giống như những con người buồn bã, như cha đã nói đến ở trên, những con người dường như đang ở trong đám tang? Nếu tôi không có niềm vui của đức tin, tôi không thể làm chứng và những người khác sẽ nói: “Nhưng nếu đức tin quá buồn như vậy, thà đừng có nó còn hơn”.

Giờ đây, khi cầu đọc Kinh Truyền Tin, chúng ta thấy tất cả những điều này được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Trinh nữ Maria: Mẹ âm thầm chờ đợi Ngôi Lời Cứu độ của Chúa; Mẹ chào đón Ngôi Lời; Mẹ lắng nghe Ngôi Lời; Mẹ chịu thai Ngôi Lời. Trong Mẹ, Thiên Chúa trở nên gần gũi. Đây là lý do tại sao Giáo hội gọi Đức Maria là “căn nguyên niềm vui của chúng ta”.

_______________________________________________

Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến, cha gửi lời chào tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương.

Cha đặc biệt xin chào mừng nhóm anh chị em đến với tư cách là đại diện của các gia đình và thiếu nhi của Roma, nhân dịp làm phép các tượng “Chúa Hài đồng Giêsu”, một sự kiện do Centro Oratori Romani tổ chức. Năm nay rất ít anh chị em và thiếu nhi đến đây do đại dịch, nhưng cha biết rằng nhiều thiếu nhi và thanh thiếu niên đã tập trung tại các trung tâm thanh thiếu niên và tại nhà và đang theo dõi chúng ta qua các phương tiện truyền thông. Cha gửi lời chào đến mọi người và cha làm phép cho các tượng Chúa Giêsu, sẽ được đặt trong Hang đá Chúa giáng sinh, một dấu chỉ của hy vọng và niềm vui. Trong thinh lặng, chúng ta làm phép cho tượng Hài Nhi Giêsu: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Khi anh chị em và các con cầu nguyện tại nhà, trước Hang đá Chúa giáng sinh cùng với gia đình, hãy cho phép bản thân được cuốn hút bởi sự dịu dàng của Hài nhi Giêsu, sinh ra cảnh nghèo nàn và mong manh giữa chúng ta, để ban cho chúng ta tình yêu của Người.

Chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Đừng quên niềm vui! Người Kitô hữu vui tươi trong lòng, ngay cả trong những thử thách. Họ vui mừng vì họ được ở gần Chúa Giêsu: chính Người đem đến cho chúng ta niềm vui. Và, xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng. Arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/12/2020]


Từ Thánh Nicholas đến Thánh Stêphanô: gặp gỡ các vị thánh của Giáng sinh

Từ Thánh Nicôla đến Thánh Stêphanô: gặp gỡ các vị thánh của Giáng sinh

Các thánh tích liên quan đến lễ hội Yuletide thu hút các tín hữu hiểu sâu hơn về cảnh Chúa giáng sinh.

Từ Thánh Nicholas đến Thánh Stêphanô: gặp gỡ các vị thánh của Giáng sinh


Cha Joseph Marquis, cha sở Nhà thờ Thánh Tâm Byzantine, nơi có đền thờ ở Livonia, Michigan, đã sưu tầm được bộ sưu tập thánh tích của các thánh. Bộ sưu tập bao gồm, theo chiều kim đồng hồ từ hàng trên bên trái, máng cỏ Giáng sinh của Chúa Giêsu và xương của những Nhà Thông thái, Thánh Nicholas và Thánh Stêphanô. (photo: Courtesy of Father Joseph Marquis)

Patti Armstrong 

6 tháng Mười Hai, 2020


Giáng sinh là mùa trao tặng, nên lẽ đương nhiên nó cũng là mùa của các thánh. Tại Đền thờ các Thánh ở Livonia, tiểu bang Michigan, nơi có khoảng 200 thánh tích, nhiều thánh tích là của những vị thánh đã hiến mạng sống của họ — theo nghĩa đen — cho Đức Kitô, và một số vị thánh này thường gắn liền với lễ Giáng sinh.

Cha Joseph Marquis, cha sở Nhà thờ Thánh Tâm Byzantine, nơi có đền thờ, đã chọn nhiều thánh tích để trưng bày trong các hòm đựng thánh tích được chế tạo riêng rất đẹp, và đang trưng bày nhiều thánh tích gắn liền với mùa thánh này để tôn kính trong các Giờ Chầu mỗi Thứ Tư từ 1 đến 4 giờ chiều.

Một số thánh tích quý giá của lễ Giáng sinh liên quan trực tiếp với Gia đình Thánh. Cha Marquis nói với Register, “Tôi có một mảnh vỡ được tin là lấy từ máng cỏ của Chúa Giêsu tại thời điểm Ngài được các đạo sĩ đến thăm. Nó được đặt trong hòm thánh tích cùng với các thánh tích của Ba Vua, Melchior, Gaspar [còn gọi là Caspar] và Balthazar.”

Cha cũng có một mảnh đá nhỏ lấy từ một vị trí trong hang ở Bêlem được xác định là nơi Chúa Giêsu sinh ra. Trong hầm bên dưới Nhà thờ Giáng sinh của Bêlem, một ngôi sao 14 cánh bằng bạc, được gắn trên sàn đá cẩm thạch của hầm, đánh dấu địa điểm ra đời của Chúa Giêsu. Cha Marquis giải thích: “Vào đầu những năm 90, họ đã đặt một ngôi sao mới vào vị trí nơi Chúa Hài đồng sinh ra.”

“Một giáo dân đã lấy một mảnh đá từ đó và đưa cho tôi.”

Một mảnh khăn che mặt của Đức Mẹ được đặt trong hộp đựng phía dưới một kính lúp để có thể nhìn thấy các đường dệt và có một mảnh đá sa thạch nhỏ từ nhà của Thánh Giuse ở Nadarét.

Một bức ảnh thánh của Nga mô tả Thánh Anna và Gioakim với má của các ngài chạm vào nhau, có tên là Sự thụ thai của Thánh Anna, tượng trưng cho sự thụ thai Đức Maria, được tôn kính vào Đại Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ngày 8 tháng Mười Hai. Ảnh thánh này chứa các mảnh xương của Thánh Anna, và cũng có một hòm thánh tích bằng kính pha lê chứa một vài mảnh xương của thánh nữ.

Ngoài ra, một số thánh tử đạo có thánh tích tại đền thờ sẽ được đem ra để tôn kính trong mùa Giáng sinh:

Thánh Anrê Tông đồ, là anh (em) của Thánh Phêrô qua đời vào năm 60, được mừng kính ngày 30 tháng Mười Một. Hai anh em được Chúa Giêsu kêu gọi khi đang đánh cá trên biển hồ Galilê để theo Ngài, hứa rằng Ngài sẽ biến họ thành những ngư phủ chài lưới người.

“Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá” (Mt 4:18). Sách ghi chép lại rằng ngài chịu chết bằng cách bị đóng đinh trên một cây thập tự hình chữ X, ngài yêu cầu cây thập tự đó vì cảm thấy không xứng đáng trên cây thập tự giống như của Chúa Giêsu.

Thánh Tarcisius là một cậu bé 12 tuổi, con trai duy nhất của người mẹ góa trong thế kỷ thứ ba. Các Kitô hữu tập trung tham dự Thánh lễ hàng ngày tại một nơi bí mật trong hầm mộ vì đó là thời kỳ bách hại. Một phó tế đem Mình Thánh đến cho các Kitô hữu bị kết án trong tù. Đến một ngày không còn phó tế, Thánh Tarcisius tình nguyện mang Mình Thánh đến cho các tù nhân. Trên đường đi, một nhóm thiếu niên không phải là Kitô hữu đề nghị cậu tham gia trò chơi với chúng, nhưng cậu từ chối. Các thiếu niên nhận thấy Tarcisius đang mang theo thứ gì đó và muốn xem nó là gì. Khi cậu chối, chúng đánh cậu. Một Kitô hữu khác đến giải cứu cho Tarcisius và đưa cậu trở lại hầm mộ, nhưng cậu đã chết trên đường vì những vết thương trên mình.

Thánh Stêphanô là một phó tế ở Giêrusalem, người đã chết vị bị ném đá vào năm 36 tại Giêrusalem. Ngày Lễ của ngài là 26 tháng Mười Hai. Trong Công vụ 6 của Tân Ước, Stêphanô được nhắc đến là người tham gia việc phân phối của cải cho các bà góa Hy Lạp. Bắt đầu từ câu 8, người ta thấy Stêphanô thực hiện các phép lạ và rao giảng tại một hội đường. Một số thành viên của hội đường tranh cãi với những lời giảng dạy của ông và buộc tội ông phạm thượng. Stêphanô bị bắt. Tại phiên tòa xử, ông đã tố cáo các nhà chức trách Do Thái đang ngồi xét xử ông và sau đó bị ném đá đến chết. Sự tử đạo của ông được Saulô thành Tarsus chứng kiến, người sau này trở lại và được gọi là Thánh Phaolô.

Thánh Lucy là một trinh nữ tử đạo xuất thân trong một gia đình giàu có ở Syracuse, nước Ý, vào năm 283. Lễ kính thánh nhân ngày 13 tháng Mười Hai.

Thánh nữ đã dâng hiến sự trinh trắng của mình cho Thiên Chúa, nhưng mẹ của thánh nữ, bà Eutychia, đã sắp đặt một cuộc hôn nhân cho con gái của bà. Lucy cầu nguyện tại mộ Thánh Agatha xin thay đổi suy nghĩ của thân mẫu, và sau khi căn bệnh xuất huyết kéo dài của mẹ thánh nữ được chữa khỏi, bà đồng ý để Lucy dâng mình cho Chúa. Nhưng chàng rể bị từ chối đã tố cáo Lucy theo đạo Kitô. Viên Thống đốc quyết định buộc cô vào con đường mại dâm, nhưng khi những lính canh đến tìm cô, Lucy đã bất động. Thậm chí cả các con bò cũng không thể nào khiến thánh nữ nhúc nhích. Thống đốc sau đó ra lệnh giết thánh nữ. Thánh nữ bị tra tấn, và đôi mắt của thánh nữ bị móc. Lucy sau đó bị chất củi xung quanh để thiêu chết, nhưng ngọn lửa nhanh chóng tắt. Tiếp theo thánh nữ bị đâm chết bằng một con dao găm. Khi xác thánh nữ chuẩn bị được chôn cất, người ta phát hiện thấy rằng đôi mắt của thánh nữ đã được phục hồi một cách kỳ diệu.

Thánh Jucunda qua đời năm 466 tại Reggio di Lombardia, nước Ý. Theo điều tra của Cha Marquis về cuộc đời của thánh nữ, ngài đã chết trong giờ phụng vụ Thánh Thể lúc nửa đêm khi nhà thờ bị đốt cháy. Một vị giám mục đang cử hành phụng vụ thì họ nghe thấy tiếng lách cách ở cửa và nhận ra họ đã bị khóa nhốt bên trong. “Thánh Jucanda đã cố gắng đưa đức giám mục ra ngoài, vì không có giám mục, chúng ta không có linh mục và không có các bí tích,” Cha Marquis giải thích.

Thánh Nicôla là hình mẫu thánh thiện cho ông già Noel. Ngài là một giám mục Công giáo ngoài đời thực sinh vào thế kỷ thứ ba tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, người được gọi là Santa Claus (Ông già Noel) từ tên Sinter Klaas, mà người Hà Lan đặt cho vị thánh yêu quý của họ, Thánh Nicôla. Mặc dù danh tiếng của ngài đã bị lu mờ vì những sự liên tưởng với chủ đề Giáng sinh, nhưng thực tế, ngài là một vị thánh đã qua đời ngày 6 tháng Mười Hai năm 345, ở tuổi 75, và ngài vẫn truyền cảm hứng cho niềm vui của sự cho đi.

Lòng sùng mộ các thánh của Cha Marquis thật sự bắt đầu từ tuổi thơ, qua lòng yêu mến sâu sắc đối với Thánh Nicôla. Việc tìm kiếm các thánh tích của Thánh Nicôla vài năm trước đã giúp cha bắt đầu sưu tầm những thánh tích khác, đặc biệt là các thánh tử đạo từ thời Giáo hội sơ khai.

Cha Marquis nói: “Đời sống cầu nguyện của tôi đã thực sự mạnh mẽ kể từ khi tôi có được các thánh tích. “Tôi tin rằng các thánh đó đang cầu nguyện cho tôi và với tôi. Tôi nghĩ rằng thánh tích rất quan trọng và cho thấy nổi lên sự quan tâm đến các vị thánh, đặc biệt là trong giới trẻ.”

Xin các thánh truyền cảm hứng cho chúng ta — và chúng ta hãy ghi nhớ trong lòng câu nói của Thánh Nicôla, “Người cho đi mọi món quà tốt và hoàn hảo kêu gọi chúng ta hãy bắt chước sự cho đi của Thiên Chúa, bởi ân sủng, nhờ đức tin, và điều này không phải của chính chúng ta.”

Các thánh tích đều được trưng bày tại Nhà thờ Thánh Tâm Byzantine, nhưng Cha Marquis sẽ tổ chức một chuyến viếng riêng cho các nhóm từ bốn người trở lên. Thông tin liên lạc của cha có thể được tìm thấy trên trang web All Saints Shrine.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/12/2020]