Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

TOÀN VĂN HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Lễ Đức Mẹ Lên Trời

TOÀN VĂN HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Lễ Đức Mẹ Lên Trời

© Vatican Media

TOÀN VĂN HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Lễ Đức Mẹ Lên Trời

‘Như Mẹ Maria, nếu chúng ta nhớ đến những điều cao cả mà Thiên Chúa đã làm, nếu ít nhất mỗi ngày một lần chúng ta “ngợi khen” Người, thì chúng ta sẽ thực hiện được một bước tiến khổng lồ’

15 tháng Tám, 2020 12:44

ZENIT STAFF

 
Dưới đây là bản dịch (ND: tiếng Anh) chính thức của Vatican huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay từ cửa sổ phòng làm việc của ngài với các tín hữu đứng giãn cách trong Quảng trường Thánh Phêrô, trước giờ đọc Kinh Truyền tin:

* * *

Trước Kinh truyền tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Khi con người đặt chân lên mặt trăng, người phi hành gia nói một câu nổi tiếng: “Đó là một bước đi nhỏ của một con người, nhưng là một bước tiến khổng lồ của nhân loại.” Về bản chất, con người đã đạt đến mục tiêu lịch sử. Nhưng hôm nay, trong sự Lên Trời của Mẹ Maria, chúng ta mừng một bước tiến hoàn toàn lớn lao hơn nhiều. Đức Madonna đã đặt chân vào Thiên đàng: Mẹ đến đó không chỉ là phần thiêng liêng, nhưng cả thân xác của Mẹ, với toàn bộ con người của Mẹ. Bước đi nhỏ của Đức Nữ trinh khiêm hạ của làng Nadarét là một bước tiến khổng lồ cho nhân loại. Tiến lên được mặt trăng chẳng giúp ích cho chúng ta bao nhiêu nếu chúng ta không sống như anh chị em của nhau trên Trái đất. Nhưng việc một người trong chúng ta đã ngụ cư cả thân xác trên nước Trời cho chúng ta hy vọng: chúng ta hiểu rằng chúng ta rất quý giá, lại được nâng lên. Chúa không cho phép thân xác chúng ta tan biến vào hư không. Với Thiên Chúa, không điều gì bị mất đi! Nơi Mẹ Maria, mục tiêu đã đạt được và chúng ta có trước mắt mình lý do tại sao chúng ta trải qua hành trình: không phải để đạt được những thứ ở hạ giới này, là những thứ rồi cũng tan biến, nhưng để đạt được quê hương trên Trời, là đời đời. Và Đức Mẹ là ngôi sao dẫn đường cho chúng ta. Mẹ đã đến đó trước. Như Công đồng dạy chúng ta, Mẹ rạng ngời “như một dấu chỉ của niềm hy vọng chắc chắn và niềm an ủi cho Dân Chúa trong cuộc lữ hành trên dương thế” (Hiến chế Lumen gentium, 68).

Đức Mẹ khuyên nhủ chúng ta điều gì? Trong Tin mừng hôm nay điều đầu tiên Mẹ nói là : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1:46). Chúng ta nghe đã quen những lời này, nên có lẽ không còn chú ý đến ý nghĩa của nó. “Ngợi khen” theo nghĩa đen là “làm cho vĩ đại,” làm cho lớn lao. Mẹ Maria “tán dương Thiên Chúa”: không phải là làm lớn các vấn đề mà chắc chắn khi còn ở dương thế Mẹ cũng chẳng thiếu, nhưng là tán dương Thiên Chúa. Thay vì vậy, không biết bao nhiêu lần chúng ta lại để cho bản thân bị áp đảo bởi những khó khăn và bị nhận chìm bởi những nỗi sợ hãi! Đức Mẹ thì không vậy, vì Mẹ đặt Thiên Chúa là sự vĩ đại trên tất cả trong cuộc sống. Từ đó mà bài ca Ngợi khen (Magnificat) tuôn trào, niềm vui mừng được sinh ra từ đây: không phải từ sự thiếu vắng những khó khăn, là những điều chẳng sớm thì muộn cũng sẽ có, nhưng là niềm hân hoan được sinh ra từ sự hiện hữu của Thiên Chúa là Đấng trợ giúp chúng ta, là Đấng luôn ở gần chúng ta. Vì Thiên Chúa là vĩ đại. Và trên hết, Thiên Chúa nhìn đến người hèn mọn. Chúng ta là sự yếu đuối của tình yêu của Người: Thiên Chúa nhìn đến và yêu thương kẻ hèn mọn.

Thật vậy, Mẹ Maria nhận rằng Mẹ là bé mọn và tán tụng “những điều cao cả” (c. 49) mà Chúa đã làm cho Mẹ. Đó là những điều gì? Trước hết là ân sủng bất ngờ của sự sống: Mẹ Maria đồng trinh nhưng thụ thai; và bà Êlisabét cũng vậy, là một người già, mà vẫn mang thai một hài nhi. Thiên Chúa thực hiện những kỳ công nơi những người bé mọn, nơi những người không tin rằng họ là vĩ đại nhưng dành không gian rộng lớn trong cuộc sống của họ cho Thiên Chúa. Người trao ban rộng rãi lòng thương xót của Người cho những ai tin tưởng nơi Người, và nâng cao những ai khiêm nhu. Mẹ Maria ngợi khen Chúa về điều này.

Và chúng ta – chúng ta có thể tự hỏi bản thân – chúng ta có nhớ đến việc ngợi khen Thiên Chúa không? Chúng ta có tạ ơn Người vì những điều vĩ đại Người đã làm cho chúng ta hay không? Vì những điều Người ban cho chúng ta mỗi ngày, vì Người luôn yêu thương chúng ta và tha thứ cho chúng ta, vì lòng nhân từ của Người? Và vì đã ban cho chúng ta Thân Mẫu của Người, vì những anh chị em Người đã đặt trên hành trình của chúng ta, và vì Người đã mở cửa Nước Trời cho chúng ta không? Chúng ta có tạ ơn Chúa, ngợi khen Chúa vì những điều này không? Nếu chúng ta quên sự tốt lành, tâm hồn chúng ta bó hẹp lại. Như Mẹ Maria, nếu chúng ta nhớ đến những điều cao cả mà Thiên Chúa đã làm, nếu ít nhất mỗi ngày một lần chúng ta “ngợi khen” Người, thì chúng ta sẽ thực hiện được một bước tiến khổng lồ. Một lúc nào đó trong ngày chúng ta thưa: “Con ngợi khen Chúa,” và thưa rằng “Chúc tụng Chúa,” và đó là một lời nguyện ngợi khen vắn tắt. Đây là lời chúc tụng Thiên Chúa. Với lời nguyện vắn tắt này, tâm hồn chúng ta sẽ rộng mở, niềm vui sẽ tăng lên.

Chúng ta hãy xin Đức Mẹ là Cánh cửa Thiên Đàng ban cho ơn biết bắt đầu mỗi ngày bằng việc hướng mắt về Trời, về Thiên Chúa, và thưa với Người: “Tạ ơn Chúa!” như những người bé mọn nói với những người vĩ đại. “Cảm ơn anh chị em.”

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/8/2020]


5 truyền thống văn hóa mừng Lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời

5 truyền thống văn hóa mừng Lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời

5 truyền thống văn hóa mừng Lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời

Public Domain

 

Theresa Civantos Barber

14 tháng Tám, 2020


Dưới đây là cách dễ dàng kết hợp các phong tục lịch sử hân hoan trong việc kỷ niệm ngày lễ này tại nhà.

Mặc dù mãi đến năm 1950 tín điều Đức Mẹ hồn xác Lên Trời mới chính thức được xác định, nhưng ngay từ những ngày đầu của Giáo hội các tín hữu biết và tin rằng Đức Mẹ đã được cất lên Thiên đàng. Thật vậy, ngày 15 tháng Tám là một trong những ngày lễ kính Đức Mẹ lâu đời nhất!

Qua các thế kỷ, nhiều cách sùng kính bình dân đã phát triển để tôn vinh Đức Trinh Nữ trong ngày thánh này. Ở một số quốc gia, những người phụ nữ có tên Maria tôn vinh thánh bổn mạng bằng bữa tiệc tổ chức tại nhà cho bạn bè và hàng xóm của họ; các thị trấn tổ chức những đám rước và lễ hội với hoa, âm nhạc và nhảy múa.

Theo truyền thống, ngày Lễ Đức Mẹ lên Trời là Ngày Lễ buộc ở nhiều nơi; ngay cả với thời điểm miễn trừ hiện tại, ngày lễ này là thời điểm thích hợp để tham dự Thánh lễ nếu bạn có thể, theo dõi Thánh lễ trực tuyến, hoặc đọc Phụng vụ Lời Chúa tại nhà với gia đình. Bạn cũng có thể đọc Kinh Mân côi năm Sự Mừng, suy tư đặc biệt về mầu nhiệm thứ năm, “Đức Maria được thưởng trên nước Thiên Đàng, Nữ Vương Thiên Đàng và Trần thế”.

Dưới đây là 5 cách mừng kính ngày lễ này theo lịch sử, cùng với những cách thức để kết hợp các truyền thống trong gia đình của bạn.


1. ĐỨC BÀ THẢO MỘC VÀ HOA

Người ta tin rằng các loại thảo mộc được hái vào tháng Tám là có công dụng tốt nhất, vì vậy, nhiều nhà thờ theo truyền thống tổ chức “làm phép cho các loại thảo mộc” vào ngày này. Ở Ba Lan, ngày này được biết đến trong lịch sử với tên gọi Lễ Đức Bà Thảo một và Hoa, và người Ba Lan ở Mỹ thường tiếp nối truyền thống theo một cách mới, với tên gọi là Lễ Đức Bà Hoa. Theo các lễ mừng truyền thống, trẻ em sẽ hát thánh ca bằng tiếng Ba Lan và tiếng Anh tại nhà thờ, và sau đó cha mẹ các em nhảy múa theo điệu nhạc truyền thống của Ba Lan.

Gia đình bạn có thể dâng các loại thảo mộc và hoa lên ảnh Đức Mẹ trong khi hát thánh ca trong nhà của bạn, sau đó là nhảy múa!


2. RƯỚC KIỆU QUA THÀNH PHỐ

Ở Ý, người dân thị trấn đi theo đoàn rước tượng Đức Mẹ qua các đường phố đến nhà thờ. Siena nổi tiếng với cuộc đua ngựa “Palio di Siena”, một cuộc đua ngựa chưa thuần, vô luật lệ và đầy phấn khích ở quảng trường của thành phố. Những người tham gia và nhiều người tham dự mặc trang phục thời trung cổ, và thành phố ngập tràn các đồ trang trí và người xem, làm cho cuộc đua hàng năm trở thành một truyền thống đáng yêu.

Trẻ nhỏ thích cuộc đua ngựa giả đầy hào hứng ở sân sau hoặc trong phòng khách, hoặc đơn giản bạn có thể theo đám rước kiệu và ca vang những bài thánh ca.


3. VƯƠNG MIỆN BẰNG HOA

Ở Bồ Đào Nha, lễ hội hàng năm trong ngày lễ này được gọi là Romeria. Một ban kèn đồng, trống truyền thống và kèn túi (nhạc dân ca vùng Galicia) đồng tấu trong khi các bức tượng Mẹ Maria, Nữ Vương các Thiên thần, được đội triều thiên trong các nhà thờ.

Dâng hoa lên Đức Mẹ là một truyền thống thường được cử hành vào tháng Năm, nhưng chẳng có lý do gì để không tôn vinh Đức Mẹ vào bất kỳ ngày nào trong năm, và Lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời là một ngày vô cùng thích hợp! Vì vậy, nếu bạn chưa bao giờ dâng hoa lên Đức Mẹ vào tháng Năm, thì Giáo hội luôn hỗ trợ bạn: Đây là một dịp phù hợp theo phụng vụ để dâng hoa lên Đức Mẹ. Bạn có thể làm một triều thiên bằng hoa cho tượng Đức Mẹ, hoặc xem các bản in Tượng Đức Mẹ này với triều thiên nhỏ xíu.


4. DÂNG HOA TRÁI ĐẦU MÙA

Ở Armenia có phong tục dâng “hoa trái đầu mùa” của vụ thu hoạch lên Chúa, theo gương của Aben trong Kinh thánh, người đã dâng của lễ xứng đáng. Vì vậy, ngày Chúa nhật cận với Lễ Đức Mẹ lên Trời được dành riêng để làm phép vườn nho. Một phong tục đáng khen là kiêng ăn nho cho đến sau khi làm phép, khi đó những mâm xếp đầy trái cây được mang vào nhà thờ, được làm phép và trao cho từng thành viên trong cộng đoàn mang về nhà. Ở một số nơi, các lễ hội được tổ chức trong vườn nho.

Ăn nho trong ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời là một cách ăn mừng đơn giản và thú vị! Để phù hợp với tinh thần của ngày lễ, bạn có thể dâng lời cầu nguyện đặc biệt để tạ ơn vì muôn ơn lành rộng rãi của Chúa.


5. CẦU HÔN

Ở một số vùng của Pháp, có phong tục cầu hôn vào ngày 15 tháng Tám, khi đó các đôi đính ước cầu xin Mẹ Maria chúc phúc cho tương lai chung sống của họ. Người trẻ theo truyền thống thích các buổi dã ngoại và tiệc tùng, và sau khi rước tượng Đức Mẹ qua làng, họ sẽ nhảy múa bên ánh sáng của những đống lửa. Nếu bạn đang dự định việc đính hôn thì Lễ Đức Mẹ lên Trời sẽ là một ngày hoàn hảo để cầu hôn, bạn có nghĩ vậy không?


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/8/2020]