Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Chúa Giê-su thanh tẩy Đền thờ Giê-ru-sa-lem

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Chúa Giê-su thanh tẩy Đền thờ Giê-ru-sa-lem

Thái độ của Người ‘kêu gọi chúng ta sống một cuộc đời không tìm kiếm những lợi thế và lợi ích cá nhân, nhưng vì vinh quang của Thiên Chúa là tình yêu’

4 tháng Ba, 2018
Huấn từ Kinh Truyền Tin: Chúa Giê-su thanh tẩy Đền thờ Giê-ru-sa-lem
THÀNH PHỐ VATICAN, 4 THÁNG BA, 2018 (Zenit.org). - Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *


Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Tin mừng hôm nay, theo trình thuật của Thánh Gioan, trình bày câu chuyện trong đó Chúa Giê-su xua đuổi những người buôn bán trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem (x. Ga 2:13-25). Hành động của Người như vầy, Người cầm lấy một đoạn dây thừng và lật đổ các bàn, và nói rằng: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán!” (c. 16). Hành động rất dứt khoát này, được thực hiện gần ngày Lễ Vượt qua, đã tạo một ấn tượng rất lớn đối với đám đông và gây ra lòng thù hận nơi những nhà cầm quyền tôn giáo và tất cả những người cảm thấy mối lợi ích kinh tế của họ bị đe dọa. Vậy chúng ta giải thích hành động đó như thế nào? Đó chắc chắn không phải là một hành động bạo lực. Sự thật nó không cần đến sự can thiệp của những người bảo vệ trật tự công cộng – của cảnh sát. Không! Hành động đó với ngụ ý như một hành động tiêu biểu của các tiên tri, những người nhân danh Chúa, tố cáo những sự ngược đãi và những sự quá đáng. Câu hỏi đặt ra từ các nhà cầm quyền. Quả thật, người Do thái hỏi Chúa Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” (c. 18), cụ thể là ông lấy quyền gì mà làm những điều này? Dường như họ đòi một dấu lạ để cho thấy Người thực sự hành động nhân danh Thiên Chúa.

Để giải thích hành động của Chúa Giê-su thanh tẩy nhà của Chúa, các môn đệ của Người dùng một câu trích dẫn trong sách thánh, trong Thánh vịnh 69: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. (c. 9); Thánh vịnh cũng nói: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.” Câu Thánh vịnh này là một lời khẩn cầu trợ giúp trong tình huống vô cùng nguy hiểm vì lòng căm thù của kẻ địch: tình huống Chúa Giê-su sẽ trải qua trong Cuộc Thương khó của Người. Sự nhiệt tâm vì Chúa Cha và vì công cuộc của Người sẽ đưa Người lên cây thập giá: sự nhiệt tâm của Người vì yêu đã khiến Người hy sinh chính Thân mình, chứ không phải tình yêu giả tạo cho rằng phục vụ Thiên Chúa bằng bạo lực. Quả thật, “dấu chỉ” mà Chúa Giê-su sẽ đưa ra, để làm bằng chứng cho quyền năng của Người, chính là cái Chết và sự Phục sinh của Người. Người nói, “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” (c. 19). Và tác giả Tin mừng ghi chú: “Nhưng đền thờ Chúa Giê-su muốn nói ở đây chính là Thân thể Người” (c. 21). Với cuộc Vượt qua của Chúa Giê-su một sự tôn thờ mới bắt đầu, trong một đền thờ mới, sự tôn thờ tình yêu, và đền thờ mới là chính Người.

Thái độ của Chúa Giê-su, được tường thuật chi tiết trong trang phúc âm hôm nay, kêu gọi chúng ta sống một cuộc đời không tìm kiếm những lợi thế và lợi ích cá nhân, nhưng vì vinh quang của Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta được kêu gọi phải luôn ghi tạc những lời mạnh mẽ của Chúa Giê-su: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán!” (c. 16). Thật khủng khiếp nếu Giáo hội rơi vào thái độ biến nhà của Chúa thành một cái chợ. Những lời này cũng giúp chúng ta loại bỏ mối nguy hiểm biến linh hồn chúng ta, là nơi cư ngụ của Thiên Chúa, thành một chốn chợ búa, luôn tìm kiếm ích lợi cho bản thân thay vì sống trong tình yêu quảng đại và đoàn kết. Lời dạy này của Chúa Giê-su luôn hợp thời, không những cho những cộng đoàn hội thánh nhưng còn cho từng cá nhân, cho các cộng đồng dân sự và cho xã hội. Thật ra, cám dỗ muốn tận dụng những cơ hội tốt, đôi khi thuộc trách nhiệm của mình để tìm kiếm lợi ích riêng là rất phổ biến, chứ chưa nói đến những lợi ích hoàn toàn bất hợp pháp. Nó là một sự nguy hiểm rất lớn, đặc biệt khi nó biến chính Thiên Chúa và sự thờ phụng Người thành công cụ, hay sự phục vụ con người, hình ảnh của Người. Đó là lý do tại sao Chúa Giê-su sử dụng “những hành động mạnh” lúc đó, để đánh động chúng ta biết tránh sự nguy hiểm chết người này.

Nguyện xin Mẹ Maria Đồng Trinh hỗ trợ chúng ta trong cam kết biết lấy Mùa Chay là cơ hội tốt để tôn vinh Thiên Chúa là Chúa duy nhất cho cuộc đời của chúng ta, tống khứ khỏi tâm hồn và khỏi công việc của chúng ta mọi hình thức của ngẫu thần.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Chúa Giê-su thanh tẩy Đền thờ Giê-ru-sa-lemHuấn từ Kinh Truyền Tin: Chúa Giê-su thanh tẩy Đền thờ Giê-ru-sa-lem
Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, những người từ Roma, từ nước Ý và từ nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt những anh chị em hành hương từ các giáo phận Granada, Malaga, và Cordoba, thuộc Tây Ban nha. Cha xin chào các nhóm giáo xứ, trong đó có các tín hữu từ Spinaceto, Milan, và Naples, cũng như các bạn trẻ của Azzano Mella và các ứng viên Thêm sức của giáo phận Vicenza. Cha động viên chúng con — cha động viên! — hãy làm chứng tá cho Tin mừng với niềm vui, đặc biệt giữa những bạn bè của mình.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/3/2018]


Chuyến đi đến Geneva của Đức Thánh Cha làm nổi bật ‘sự hợp tác phong phú’ với Hội đồng Đại kết các Giáo hội

Chuyến đi đến Geneva của Đức Thánh Cha làm nổi bật ‘sự hợp tác phong phú’ với Hội đồng Đại kết các Giáo hội

Tại cuộc họp báo ngày 2 tháng Ba về chuyến đi ngày 21 tháng Sáu của Đức Giáo hoàng đến thành phố của Thụy sĩ, Đức Hồng y Kurt Koch nói rằng chuyến đi nhằm giúp Giáo hội Công giáo và Hội đồng Đại kết “tiếp tục cùng nhau trả lời cho những thách đố của thời đại chúng ta”

Chuyến đi đến Geneva của Đức Thánh Cha làm nổi bật ‘sự hợp tác phong phú’ với Hội đồng Đại kết các Giáo hội
Đức Thánh Cha Francis
Pubblicato il 02/03/2018
Ultima modifica il 02/03/2018 alle ore 14:42
JOSHUA J. MCELWEE
VATICAN CITY

Chuyến đi một ngày của Đức Thánh Cha Phanxico đến Geneva vào tháng Sáu sẽ là một dịp để làm nổi bật “sự hợp tác lâu đời và phong phú” giữa Giáo hội Công giáo Roma và Hội đồng Đại kết các Giáo hội, ngài Chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hợp nhất Ki-tô hữu nói.

Tại cuộc họp báo ngày 2 tháng Ba về chuyến đi ngày 21 tháng Sáu của Đức Giáo hoàng đến thành phố của Thụy sĩ, Đức Hồng y Kurt Koch nói rằng chuyến đi nhằm giúp Giáo hội Công giáo và Hội đồng Đại kết “tiếp tục cùng nhau trả lời cho những thách đố của thời đại chúng ta.”

Phát ngôn viên Vatican, Greg Burke, khẳng định về chuyến đi đã được lên lịch của Đức Thánh Cha đến Geneva ngày 2 tháng Ba. Chuyến thăm viếng, sẽ rơi vào dịp kỷ niệm 70 năm của Hội đồng Đại kết, trước đó đã được công bố bởi các giới chức Thụy sĩ.

Đức Phanxico sẽ là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm trụ sở của Hội đồng Đại kết, tiếp nối những chuyến thăm của các Đức Giáo hoàng Phaolo VI năm 1969 và Gioan Phaolo năm 1984.

Đức Hồng y Koch nói chương trình cho chuyến đi của Đức Phanxico vẫn đang được thảo luận nhưng chắc chắn Đức Phanxico sẽ gặp gỡ tổng thống Liên bang Thụy sĩ, ông Alain Berset, và một Thánh Lễ cho cộng đoàn Công giáo ở Geneva. 

Mục sư Olav Fykse Tveit, tổng thư ký của Hội đồng Đại kết, nói tại buổi họp báo rằng tổ chức của ông xem chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Phanxico “như là một dấu hiệu hy vọng … cho tất cả những ai mong muốn và cầu nguyện cho sự hiệp nhất của giáo hội trên thế giới và cho những người hoạt động và cầu nguyện cho hòa bình và công bằng.”

“Chúng tôi xem đây là một sự khích lệ rất lớn,” mục sư Tveit nói. “Nó là một sự khẳng định về trọng tâm chung của chúng tôi hướng đến nhu cầu của nhân loại và cùng chung sức làm những việc chúng tôi có thể.”

Hội đồng Đại kết các Giáo hội được thành lập năm 1948 như là một tổ chức quốc tế các giáo hội Ki-tô và với mục tiêu thúc đẩy sự hiệp nhất trong tình bằng hữu, sự phục vụ và sứ mạng. Thành viên của tổ chức thuộc 348 nhà thờ Tin lành, Anh giáo, Chính thống giáo và các truyền thống Công giáo cổ xưa.

Giáo hội Công giáo Roma không phải là một thành viên nhưng có sự đối thoại chính thức với hội đồng và hợp tác với tổ chức trong nhiều chương trình.

Được hỏi lý do tại sao Giáo hội Công giáo không trở thành một thành viên của Hội đồng Thế giới, mục sư Tveit nói: “Chúng tôi sống rất tốt với mối quan hệ mà chúng tôi có hôm nay.”

Ngài nói, “Chúng tôi không chú trọng đến vấn đề thành viên nhưng chúng tôi tập trung vào những gì chúng tôi có thể cùng nhau làm.”

Bài này được đăng lần đầu trên NCR và được phép đăng lại ở đây

[Joshua J. McElwee là phóng viên Vatican của NCR. Địa chỉ email của ông là jmcelwee@ncronline.org. Theo dõi ông trên Twitter: @joshjmac.] 


[Nguồn: vaticaninsider]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/3/2018]