Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nhắc lại câu trả lời của Mẹ Maria trong biến cố Truyền tin (Toàn văn)

Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nhắc lại câu trả lời của Mẹ Maria trong biến cố Truyền tin (Toàn văn)

© Vatican Media

Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nhắc lại câu trả lời của Mẹ Maria trong biến cố Truyền tin (Toàn văn)

‘Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’

20 tháng Mười Hai, 2020 14:49

JIM FAIR


Trong huấn từ Kinh Truyền Tin ngày 20 tháng Mười Hai, 2020 Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại việc Đức Maria chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa khi thiên thần loan báo Mẹ hãy “mừng vui lên” trong biến cố Truyền Tin.

Những lời của Đức Thánh Cha được trình bày trước giờ đọc Kinh Truyền Tin với đám đông giới hạn do đại dịch tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài giải thích rằng câu trả lời của Đức Maria vượt xa hơn sự chấp nhận đơn thuần: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích, “Không, Mẹ không thể hiện một sự chấp nhận yếu ớt và cam chịu, nhưng Mẹ thể hiện một khao khát đầy nhiệt huyết, một mong muốn mạnh mẽ. Mẹ không thụ động, mà chủ động. Mẹ không thể hiện sự cam chịu trước Chúa, nhưng Mẹ tự ràng buộc mình với Thiên Chúa. Mẹ là một người nữ đang yêu được chuẩn bị để phục vụ Thiên Chúa một cách trọn vẹn và ngay lập tức.”

Đức Thánh Cha tiếp tục động viên những người đang lắng nghe tại quảng trường và khắp nơi trên thế giới thông qua các phương tiện truyền thông hãy vượt xa hơn việc chấp nhận những khó khăn như đại dịch. Đáp lại không phải bằng cách phàn nàn mà bằng cách làm điều gì đó cho người có ít hơn.


Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh).

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Vào Chúa Nhật Thứ Tư và là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng này, một lần nữa Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta trình thuật về biến cố Truyền Tin. “Mừng vui lên!”, Sứ thần nói với Đức Maria “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1:28, 31). Đó dường như là một thông báo về niềm vui tinh tuyền, được định sẵn để làm cho Đức Trinh Nữ được hạnh phúc. Giữa những người phụ nữ thời đó, có người nào không mơ đến việc được trở thành mẹ của Đấng Mêsia? Nhưng cùng với niềm vui, những lời đó báo trước một thử thách lớn đối với Mẹ Mary. Tại sao? Vì khi ấy Mẹ đã “thành hôn” (câu 27); Mẹ chưa kết hôn. Mẹ đã thành hôn với Giuse. Trong tình huống như vậy, Luật Môisê quy định không được có quan hệ hay sống thử. Vì thế, khi có người con trai, Mẹ Maria đã phạm Luật, và hình phạt dành cho phụ nữ thật khủng khiếp: bị ném đá (x. Đnl 22: 20-21). Chắc chắn, thông điệp của Chúa sẽ phủ đầy ánh sáng và sức mạnh trong lòng Mẹ Maria; tuy nhiên, Mẹ thấy mình phải đứng trước một quyết định quan trọng: thưa “vâng” với Chúa là mạo hiểm mọi thứ, thậm chí cả mạng sống của mình, hoặc từ chối lời mời gọi và tiếp tục cuộc sống bình thường của mình.

Mẹ làm gì? Mẹ đã trả lời như sau: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Nhưng trong ngôn ngữ viết của Tin Mừng, nó không chỉ đơn giản là cụm từ “xin cứ làm”. Cách diễn đạt này thể hiện một mong muốn mạnh mẽ, nó cho thấy ý chí rằng một điều gì đó sẽ xảy ra. Nói cách khác, Mẹ Maria không nói: “Nếu điều đó phải xảy ra, thì hãy cứ để nó xảy ra… nếu không có cách nào khác …”. Nó không phải là sự cam chịu. Không, Mẹ không thể hiện một sự chấp nhận yếu ớt và cam chịu, nhưng Mẹ thể hiện một khao khát đầy nhiệt huyết, một mong muốn mạnh mẽ. Mẹ không thụ động, mà chủ động. Mẹ không thể hiện sự cam chịu trước Chúa, nhưng Mẹ tự ràng buộc mình với Thiên Chúa. Mẹ là một người nữ đang yêu được chuẩn bị để phục vụ Thiên Chúa một cách trọn vẹn và ngay lập tức. Mẹ có thể yêu cầu thêm chút thời gian để suy nghĩ về điều đó, hoặc thậm chí yêu cầu giải thích thêm về những gì sẽ xảy ra; Mẹ có thể đặt ra một số điều kiện… Nhưng thay vì vậy, Mẹ đã không mất thời gian, Mẹ không bắt Chúa phải chờ đợi, Mẹ không trì hoãn.

Không biết bao nhiêu lần – bây giờ chúng ta hãy nghĩ về bản thân mình – không biết bao nhiêu lần cuộc sống chúng ta được xây tạo nên bởi những sự trì hoãn, thậm chí cả đời sống thiêng liêng! Ví dụ, tôi biết cầu nguyện là tốt cho tôi, nhưng hôm nay tôi không có thời gian… ngày mai… khi nói “ngày mai, ngày mai, ngày mai” là chúng ta trì hoãn mọi việc: tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai. Tôi biết giúp đỡ người khác là quan trọng, vâng, tôi phải làm điều đó: tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai. Hôm nay, trước thềm lễ Giáng sinh, Mẹ Maria mời gọi chúng ta đừng trì hoãn, nhưng hãy nói “xin vâng”. “Tôi phải cầu nguyện!” “Vâng, tôi sẽ tìm kiếm và cầu nguyện”. “Tôi phải giúp đỡ người khác chứ? “Đúng”. Tôi sẽ làm điều đó như thế nào? Và tôi làm điều đó, mà không trì hoãn nó lại. Mọi tiếng “xin vâng” đều có cái giá là một điều gì đó, mỗi tiếng “xin vâng” đều có cái giá của nó, nhưng nó luôn luôn nhẹ hơn cái giá của tiếng “xin vâng” can đảm và dứt khoát mà Mẹ phải trả, lời “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”, đã mang lại ơn cứu độ cho chúng ta.

Vậy chúng ta có thể nói lời “xin vâng” gì? Thay vì phàn nàn trong những thời điểm khó khăn này, về những gì đại dịch đã ngăn cản chúng ta làm, chúng ta hãy làm điều gì đó cho những người có ít hơn: không phải món quà thứ mấy mươi cho bản thân và bạn bè của chúng ta, mà cho một người đang cần mà không ai nghĩ đến! Và một lời khuyên nữa: để Chúa Giêsu được sinh ra trong chúng ta, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn, chúng ta hãy đi cầu nguyện, chúng ta đừng để mình bị cuốn theo chủ nghĩa tiêu dùng. “À, tôi phải mua quà, tôi phải làm thế này, thế kia”. Sự quay cuồng làm mọi điều, thêm nữa và thêm nữa. Chính Chúa Giêsu mới là quan trọng. Chủ nghĩa tiêu thụ không được tìm thấy trong máng cỏ Bêlem: chỉ có thực tại, nghèo khó, yêu thương. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để trở nên giống như Mẹ Maria: thoát khỏi sự dữ, biết chào đón, sẵn sàng đón nhận Chúa.

Xin Chúa hãy làm cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Đây là lời cuối cùng của Đức Trinh Nữ cho Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, và đó là lời mời gọi anh chị em hãy thực hiện một bước đi thật sự hướng tới Giáng Sinh. Vì nếu sự giáng sinh của Chúa Giêsu không chạm đến đời sống của chúng ta – của tôi, của ông, của bà, của chúng ta, của mọi người – nếu nó không chạm đến cuộc sống của chúng ta, nó lướt qua chúng ta một cách vô ích. Trong giờ Kinh Truyền Tin bây giờ, chúng ta cũng hãy nói lên rằng “xin để Lời Người được hoàn tất trong con”: Xin Mẹ giúp chúng ta nói điều đó bằng đời sống của chúng ta, bằng cách tiếp cận của chúng ta trong những ngày cuối cùng này để chuẩn bị cho Giáng sinh.

____________________________________________

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến, đại dịch coronavirus đã gây ra sự đau khổ đặc biệt cho những người lao động trên biển. Nhiều người trong số họ – ước tính khoảng 400.000 người trên toàn thế giới – bị mắc kẹt trên các con tàu, ngoài các điều khoản hợp đồng, và không thể trở về nhà. Cha cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Stella Maris, an ủi những người này và tất cả những người trong hoàn cảnh khó khăn, và tôi kêu gọi các chính phủ làm tất cả những gì có thể để giúp họ trở về với những người thân yêu của họ.

Năm nay, các nhà tổ chức đã có ý tưởng thú vị khi tổ chức “bài trí 100 hang đá Chúa Giáng Sinh dưới hàng hiên Colonnade”. Có rất nhiều sự sắp xếp tái hiện cảnh Chúa giáng sinh đích thực là một bài giáo lý về đức tin của dân Chúa. Cha mời gọi anh chị em đến viếng thăm các cảnh Chúa giáng sinh dưới hàng hiên Colonnade, để hiểu được cách mọi người cố gắng tái hiện cảnh Chúa Giêsu được sinh ra như thế nào thông qua nghệ thuật. Những chiếc máng cỏ dưới hàng cột Colonnade là một bài giáo lý tuyệt vời cho đức tin của chúng ta.

Cha xin chào tất anh chị em, người Roma, và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia, các gia đình, nhóm giáo xứ, các hội đoàn và cá nhân tín hữu. Ước mong Lễ Giáng sinh, hiện đã đến rất gần, là một dịp để mỗi chúng ta đổi mới tâm hồn, cầu nguyện, hối cải, tiến bước trong đức tin và tình huynh đệ giữa chúng ta. Chúng ta hãy nhìn xung quanh mình, đặc biệt chúng ta hãy nhìn đến những người đang gặp khó khăn: người anh em đau khổ, dù ở bất cứ đâu, cũng là một người trong chúng ta. Người đó là Chúa Giêsu trong máng cỏ: người chịu đau khổ là Chúa Giêsu. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về điều này. Hãy để Giáng sinh là sự gần gũi với Chúa Giêsu, trong người anh em, chị em này. Ở đó, nơi người anh em đang cần giúp đỡ, chính là cảnh Chúa giáng sinh mà chúng ta tiến tới trong tình liên đới. Đây chính là cảnh Chúa giáng sinh sống động: cảnh Chúa giáng sinh nơi chúng ta thực sự gặp gỡ Đấng Cứu Chuộc trong những người đang gặp khó khăn. Vì thế, chúng ta hãy tiến bước hướng về đêm thánh và chờ đợi sự kiện toàn của mầu nhiệm Cứu độ.

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và tạm biệt anh chị em!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/12/2020]


Câu chuyện phép lạ của một tu sĩ được Thánh Giuse cứu thoát

Câu chuyện phép lạ của một tu sĩ được Thánh Giuse cứu thoát

Câu chuyện phép lạ của một tu sĩ được Thánh Giuse cứu thoát

Gentile da Fabriano | Public Domain

Philip Kosloski

18/12/20

Vị tu sĩ người Tây Ban Nha được cứu thoát khi một cụ già bí ẩn, dắt một con lừa, hiện ra với tu sĩ.

Thánh Giuse nổi tiếng là một người bảo trợ, và qua các thế kỷ rất nhiều người đã cầu khẩn sự chuyển cầu của ngài khi họ gặp nguy khốn.

Một trong những câu chuyện như vậy được kể trong quyển sách Sùng kính Thánh Giuse của thế kỷ 19. Tác giả giải thích cách một tu sĩ người Tây Ban Nha đang trên đường về tu viện và trong tình trạng nguy hiểm bị giết.

Một tu sĩ thuộc Tu viện Montserrat, ở Tây Ban Nha, có lòng sùng kính Thánh Giuse rất mạnh mẽ và đặc biệt đối với mầu nhiệm hành trình của ngài vào Ai Cập cùng với Chúa Giêsu và Mẹ của Người. Vào một buổi tối muộn đang trên đường trở về tu viện, vị tu sĩ bị lạc đường giữa các ngọn núi. Đêm tối đang ập xuống và người tu sĩ thấy mình có nguy cơ trở thành mồi cho các loài thú hoang hoặc những kẻ cướp quấy nhiễu những khu vực hoang vắng. Trong bước đường cùng vị tu sĩ phó thác bản thân cho Thánh Giuse, thì đột nhiên tu sĩ gặp một ông cụ trang nghiêm dắt một [con lừa] với một người phụ nữ ngồi trên lưng nó đang ẵm một hài nhi trên tay.

Vị tu sĩ hỏi cụ ông đường trở về tu viện.

Người lạ mặt trả lời, “Nếu thầy theo tôi, dù đêm có đen tối và đường đi khó khăn, tôi sẽ chỉ cho thầy, vì tôi biết rõ đường đi.”

Cụ già không quen biết, cùng với con lừa của cụ và người phụ nữ trên lưng lừa ẵm hài nhi, dẫn người tu sĩ trở lại tu viện và bất chợt “biến mất.”

Vị tu sĩ, “cảm nhận chắc chắn đó là Thánh Giuse, người đang bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đã đưa mình thoát khỏi tình cảnh hiểm nghèo. Những lời thánh thiện của các ngài vẫn khắc sâu trong lòng vị tu sĩ đến mức ông vẫn giữ được hương vị ngọt ngào của những lời đó cho đến ngày hấp hối.”

Bất kể tính xác thực của câu chuyện này như thế nào, nó nhắc nhở chúng ta rằng Thánh Giuse là một đấng chuyển cầu có thần thế và có thể cứu giúp chúng ta trong lúc nguy nan.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/12/2020]