Thứ Ba, 28 tháng 1, 2020

Toàn văn bài giảng Chúa nhật Lời Chúa thứ nhất của Đức Thánh Cha Phanxico

Toàn văn bài giảng Chúa nhật Lời Chúa thứ nhất của Đức Thánh Cha Phanxico
Copyright: Vatican Media

Toàn văn bài giảng Chúa nhật Lời Chúa thứ nhất của Đức Thánh Cha Phanxico

‘Hôm nay Chúa Giê-su nói lại cùng những lời đó với anh chị em: “Hãy can đảm, Ta ở đây với con, hãy cho phép Ta đi vào và đời sống của con sẽ biến đổi’”

26 tháng Một, 2020 10:43

Chúa nhật hôm nay ngày 26 tháng Một năm 2020 đánh dấu Chúa nhật Lời Chúa thứ nhất kể từ ngày thiết lập bởi Đức Thánh Cha Phanxico. Trong tông thư Aperuit Illis, Đức Thánh Cha chỉ định ngày lễ hàng năm luôn rơi vào Chúa nhật Thứ Ba Mùa Thường niên. Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:


***

“Đức Giê-su bắt đầu rao giảng” (Mt 4:17). Với những lời này tác giả Tin mừng Mát-thêu giới thiệu sứ vụ của Chúa Giê-su. Đấng là Lời Chúa đã đến để nói với chúng ta, bằng chính những lời của Người và bằng chính đời sống của Người. Trong Chúa nhật Lời Chúa thứ nhất này, chúng ta hãy quay trở lại cội cội nguồn việc rao giảng của Ngài, quay trở lại nguồn mạch ban đầu của Lời sự sống. Tin mừng hôm nay (Mt 4:12-23) giúp chúng ta biết được cách thức, địa điểmnhững người mà Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng.

1. Người đã bắt đầu như thế nào? Bằng cách diễn tả đơn giản: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (c. 17). Đây là thông điệp chính của tất cả những bài giảng của Chúa Giê-su: để nói với chúng ta rằng Nước Trời đã đến gần. Điều này mang ý nghĩa gì? Nước Trời có nghĩa là triều đại của Thiên Chúa, tức là cách thức Thiên Chúa trị vì qua mối quan hệ của Người với chúng ta. Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng Nước Trời đã đến gần, rằng Thiên Chúa đã đến gần. Đây là tính mới mẻ, thông điệp đầu tiên: Thiên Chúa không xa cách chúng ta. Đấng cư ngụ trên Nước Trời đã xuống trần gian; Ngài trở thành người phàm. Người đã phá tan những bức tường và rút ngắn những khoảng cách. Bản thân chúng ta không xứng đáng với điều này: Người đã xuống để gặp gỡ chúng ta.

Đây là một tin vui: Thiên Chúa xuống để trực tiếp thăm viếng chúng ta, bằng cách trở thành phàm nhân. Ngài không ôm lấy tình trạng của con người chúng ta vì nghĩa vụ nhưng vì yêu. Vì yêu, Người đã mang lấy bản tính con người chúng ta, vì người ta sẽ ôm giữ lấy những gì người ta yêu thương. Thiên Chúa mang lấy bản tính con người vì Người yêu thương chúng ta và khao khát tặng ban cho chúng ta ơn cứu độ, vì nếu chỉ một mình và đơn độc thì chúng ta không thể hy vọng đạt được. Người muốn ở lại với chúng ta và ban cho chúng ta vẻ đẹp của sự sống, bình an trong tâm hồn, niềm vui được tha thứ và cảm nhận được yêu thương.

Bây giờ chúng ta có thể hiểu được yêu cầu rõ ràng mà Chúa Giê-su đưa ra: “Hãy sám hối,” nói một cách khác là “Hãy thay đổi đời sống của bạn.” Thay đổi đời sống của bạn, vì một đời sống mới đã bắt đầu. Thời gian bạn sống cho riêng bản thân đã qua đi. Hôm nay Chúa Giê-su nói lại cùng những lời đó với anh chị em: “Hãy can đảm, Ta ở đây với con, hãy cho phép Ta đi vào và đời sống của con sẽ biến đổi.” Đó là lý do tại sao Chúa tặng ban cho bạn Lời của Người, để bạn có thể đón nhận nó như một lá thư tình Người đã viết cho bạn, để giúp bạn nhận ra rằng Người đang ở bên cạnh bạn. Lời của Người an ủi và động viên chúng ta. Đồng thời nó thách đố chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi vòng cương tỏa của tính ích kỷ và kêu gọi chúng ta hãy hoán cải. Vì Lời Người có sức mạnh biến đổi đời sống chúng ta và dẫn dắt chúng ta ra khỏi bóng tối để bước vào ánh sáng.

2. Nếu chúng ta xem xét đến địa điểm Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng, chúng ta thấy rằng Người bắt đầu từ chính những nơi khi đó bị cho là ở “trong bóng tối.” Cả bài đọc một và Tin mừng kể cho chúng ta về những người “ngồi trong miền đất và bóng tối của sự chết.” Họ là những cư dân của “Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, con đường ra biển, miền bên kia sông Gio-đan, vùng đất của dân ngoại” (Mt 4:15-16; cf. Is 8:23-9:1). Miền Ga-li-lê của dân ngoại, đây là nơi Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ rao giảng của Người, được đặt cho tên này vì nó bao gồm những người thuộc các sắc tộc khác nhau và là quê hương của nhiều dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa đa dạng. Nó đúng là “con đường ra biển,” một ngã tư đường. Các ngư phủ, người buôn bán và ngoại kiều đều cư ngụ ở đó. Nó hoàn toàn không phải là nơi để tìm được sự thuần khiết tôn giáo của dân tộc được chọn. Nhưng Chúa Giê-su đã bắt đầu từ đó: không phải từ sân chính điện của đền thờ Giê-ru-sa-lem, nhưng từ phía đối diện của đất nước, từ Ga-li-lê của dân ngoại, từ miền biên giới, từ vùng ngoại vi.

Tại đây có một thông điệp cho chúng ta: lời của ơn cứu độ không đi tìm kiếm những nơi còn nguyên vẹn, sạch sẽ và an toàn. Thay vì vậy, lời đi vào những nơi phức tạp và tối tăm trong cuộc sống của chúng ta. Bây giờ, cũng như lúc đó, Thiên Chúa muốn đến thăm những nơi chúng ta cho rằng Ngài sẽ chẳng bao giờ đặt chân tới. Và không biết bao nhiêu lần chính chúng ta là những người đóng cửa, muốn giữ kín sự hỗn độn của chúng ta, mặt tối và tính hai mặt của chúng ta. Chúng ta khóa kín giữ chúng ở bên trong, đến với Chúa bằng những lời kinh thuộc lòng, cảnh giác vì sợ rằng sự thật của Người sẽ khuấy động tâm hồn chúng ta. Nhưng như Tin mừng hôm nay nói với chúng ta: “Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (c. 23). Người đi qua tất cả vùng đa dạng và phức tạp đó. Cũng vậy, Người không e sợ khám phá địa hình tâm hồn của chúng ta và đi vào những góc cuộc đời gồ ghề nhất và khó khăn nhất. Người biết rằng chỉ riêng lòng thương xót của Người là có thể chữa lành cho chúng ta, chỉ riêng sự hiện diện của Người có thể biến đổi chúng ta và chỉ riêng lời Người có thể đổi mới chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy mở rộng những con đường ngoằn ngoèo của tâm hồn chúng ta cho Người, là Đấng bước đi dọc theo “con đường cạnh biển hồ”; chúng ta hãy chào đón lời Người vào trong tâm hồn chúng ta, lời đó thì “sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi … và phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12).

3. Cuối cùng, Chúa Giê-su bắt đầu nói với những ai? Tin mừng nói rằng, “Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: ‘Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá’” (Mt 4:18-19). Những người đầu tiên được gọi là các ngư phủ; không phải là những người được lựa chọn cẩn thận vì khả năng của họ hoặc là những người sốt sắng cầu nguyện trong đền thờ, nhưng là những con người lao động bình thường.

Chúng ta hãy suy nghĩ về điều Chúa Giê-su nói với họ: tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người. Ngài đang nói với những ngư dân, sử dụng ngôn ngữ để họ dễ hiểu. Cuộc sống của họ thay đổi ngay lập tức. Người kêu gọi họ tại chính nơi của họ và với chính con người của họ, để làm cho họ trở thành những người chia sẻ sứ vụ của Người. “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (c. 20). Tại sao lại ngay lập tức? Vì họ cảm thấy bị lôi cuốn. Họ không vội vã vì họ nhận được một mệnh lệnh, nhưng vì họ bị cuốn hút bởi tình yêu. Để theo Chúa Giê-su, chỉ với việc thiện thôi là chưa đủ; chúng ta phải lắng nghe tiếng gọi của Người mỗi ngày. Người, Đấng duy nhất biết rõ chúng ta và yêu thương chúng ta trọn vẹn, dẫn đưa chúng ta để đặt chúng ta vào chiều sâu của cuộc sống; cũng như Người đã làm với các môn đệ lắng nghe tiếng Người.

Đó là lý do tại sao chúng ta cần lời của Người: để chúng ta có thể nghe thấy, giữa hàng ngàn tiếng nói khác trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, rằng lời đó nói với chúng ta không phải về vật chất, nhưng về sự sống.

Anh chị em thân mến, hãy dành không gian trong đời sống chúng ta cho Lời Chúa! Mỗi ngày, chúng ta hãy đọc một hoặc hai câu Kinh Thánh. Chúng ta hãy bắt đầu với Tin mừng: chúng ta hãy để Tin mừng mở ra trên bàn, mang nó trong túi chúng ta, đọc nó trên điện thoại, và cho phép nó truyền cảm hứng cho chúng ta mỗi ngày. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng Thiên Chúa rất gần gũi với chúng ta, rằng Người xua tan bóng tối của chúng ta, và dẫn đưa cuộc sống chúng ta đi vào những dòng nước sâu bằng tình yêu lớn lao.

[Văn bản của Vatican cung cấp (bản tiếng Anh)] [Ngôn ngữ chính: tiếng Ý]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/1/2020]


Theo dõi diễn văn Tuần hành Phò Sự sống lịch sử của Tổng thống Trump: “Mọi con người xứng đáng được bảo vệ”

Theo dõi diễn văn Tuần hành Phò Sự sống lịch sử của Tổng thống Trump: “Mọi con người xứng đáng được bảo vệ”

25 tháng Một, 2020

Một khoảnh khắc phi thường và mạnh mẽ trong lịch sử Hoa Kỳ!
Tổng thống Donald Trump phát biểu và tham dự cuộc Tuần hành phò Sự sống thường niên lần thứ 47 tại Thủ đô Washington D.C. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một tổng thống Hoa kỳ phát biểu trực tiếp tại cuộc Tuần hành Phò Sự sống.

Các tổng thống đã gọi điện đến cuộc tuần hành, nhưng chưa có tổng thống nào thật sự tham dự.

Các đám đông hoan hô với lòng tri ân khi Tổng thống Trump phát biểu trước hàng ngàn người diễu hành bảo vệ sự sống.

Mời các bạn lắng nghe bài diễn văn lịch sử và mạnh mẽ dưới đây:




Dưới đây là toàn văn phát biểu:

“Thật là vinh dự rất lớn cho tôi khi trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử tham dự cuộc Diễu hành Phò Sự sống. Chúng ta ở đây vì một lý do rất đơn giản: bảo vệ sự sống của mọi đứa trẻ, đã sinh ra và chưa sinh – để thi hành tiềm năng của Chúa trao ban.

“Trong suốt 47 năm, người Mỹ thuộc mọi nền tảng đến từ mọi miền của đất nước để đứng lên vì sự sống, và hôm nay với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ, tôi thật sự tự hào được đứng lên cùng các bạn.

“Tôi xin chào đón hàng chục nghìn người – đây là một con số khổng lồ các học sinh trung học và sinh viên đại học, những người đã đón các chuyến xe buýt đường dài để đến đây trong điện Capitol quốc gia chúng ta. Và để làm cho các bạn cảm thấy tốt hơn nữa, có hàng chục ngàn người bên ngoài mà chúng tôi thấy trên đường đi vào.”

“Chúng ta có một nhóm người khổng lồ bên ngoài. Hàng ngàn và hàng ngàn người muốn đến đây. Đây là một thành công lớn. Người trẻ là trung tâm điểm của cuộc Diễu hành Phò Sự sống, và chính thế hệ của các bạn đang làm cho nước Mỹ trở thành quốc gia bảo vệ gia đình, bảo vệ sự sống.

“Phong trào sự sống được dẫn đầu bởi những người phụ nữ mạnh mẽ, những nhà lãnh đạo tôn giáo tuyệt vời, và những sinh viên dũng cảm mang theo di sản của những người tiên phong đi trước chúng ta, những người nâng dậy lương tâm dân tộc chúng ta và bảo vệ quyền của công dân chúng ta.

“Các bạn ôm lấy những người mẹ bằng sự quan tâm và lòng trắc ẩn. Các bạn được truyền sức mạnh bởi lời cầu nguyện, và được thúc đẩy bởi tình yêu tinh tuyền, vị tha. Chúng ta vô cùng biết ơn – đây là những con người tuyệt vời.”

“Tất cả chúng ta ở đây đều hiểu được một chân lý muôn đời – mỗi đứa trẻ là một món quà quý báu và thánh thiêng từ Thiên Chúa. Chúng ta phải cùng nhau bảo vệ, yêu thương, và bênh vực cho phẩm giá và tính thánh thiêng của mọi sự sống con người. Khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh của một em bé trong cung lòng người mẹ, chúng ta thoáng nhìn thấy sự uy nghi của công trình tạo dựng của Chúa.

“Khi chúng ta ẵm một trẻ thơ vừa sinh trong vòng tay, chúng ta hiểu được tình yêu vô tận mà mỗi đứa trẻ mang đến cho một gia đình. Khi chúng ta theo dõi một đứa trẻ phát triển, chúng ta nhìn thấy sự huy hoàng chiếu tỏa từ mỗi linh hồn con người. Một sự sống thay đổi thế giới, từ gia đình của tôi, và tôi có thể nói với các bạn rằng tôi xin gửi đến sự yêu thương – và tôi gửi đến tình yêu lớn, rất lớn.

“Từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tôi đã thực hiện một hành động lịch sử là bênh vực cho các gia đình người Mỹ và bảo vệ thai nhi. Trong tuần lễ đầu tiên của nhiệm kỳ, tôi khôi phục và mở rộng chính sách Mexico City, và chúng ta đã đưa ra một quy tắc bảo vệ sự sống mang tính bước ngoặt để kiểm soát việc sử dụng quỹ người nộp thuế Title X.

“Tôi thông báo với Quốc hội rằng tôi sẽ phủ quyết bất kỳ luật định nào làm suy yếu các chính sách bảo vệ sự sống hoặc khuyến khích hủy hoại sự sống con người.

“Tại Liên Hợp Quốc, tôi đã trình bày rõ rằng các quan chức toàn cầu không được tấn công quyền tối thượng của những quốc gia bảo vệ sự sống vô tội. Những trẻ em chưa chào đời chưa bao giờ có được một người bảo vệ mạnh mẽ hơn trong Nhà Trắng.

Như Kinh Thánh nói cho chúng ta biết, mỗi người được “tạo dựng một cách kỳ diệu.”

“Chúng ta đã có hành động quyết định để bảo vệ quyền tự do tôn giáo – rất quan trọng. Quyền tự do tôn giáo bị tấn công trên toàn thế giới, và nói một cách thẳng thắn, bị tấn công rất mạnh trong quốc gia của chúng ta. Các bạn nhìn thấy điều đó rõ hơn bất cứ ai, nhưng chúng ta đang ngăn chặn nó

“Chúng ta chăm sóc cho các bác sĩ, y tá, giáo viên, và các nhóm như Các Tiểu muội của Người nghèo. Chúng ta đang duy trì việc nhận con nuôi trên nền tảng đức tin, và để bảo vệ các tài liệu thành lập của chúng ta, chúng tôi đã phê chuẩn 187 thẩm phán liên bang là những người áp dụng hiến pháp theo như văn bản đã viết, bao gồm hai thẩm phán Tòa án Tối cao: Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh

“Chúng ta đang bảo vệ quyền của các sinh viên bảo vệ sự sống được tự do phát biểu trong khuôn viên trường đại học. Và nếu các trường đại học muốn có tiền đóng thuế của liên bang, thì họ phải ủng hộ quyền thuộc Tu chính Hiến pháp được nói lên suy nghĩ của bạn, và nếu họ không ủng hộ, họ sẽ phải chịu mức phạt tài chính rất lớn, điều mà họ sẽ không sẵn sàng trả.

“Thật đáng buồn, phe cực tả đang tích cực hoạt động để xóa bỏ các quyền được Thiên Chúa tặng ban, đóng cửa các tổ chức từ thiện có nền tảng tôn giáo, cấm các nhà lãnh đạo tôn giáo không xuất hiện nơi quảng trường công, và bịt miệng những người Mỹ tin vào sự thánh thiêng của sự sống.

“Họ đi theo tôi vì tôi đang chiến đấu cho các bạn, và chúng ta đang chiến đấu cho những người không có tiếng nói. Và chúng ta sẽ chiến thắng, vì chúng ta biết cách để chiến thắng.

“Tất cả chúng ta đều biết cách để chiến thắng. Các bạn đã chiến thắng trong một thời gian dài


“Chúng ta cùng nhau trở thành tiếng nói cho những người không có tiếng nói.


“Khi nói đến phá thai, những người dân chủ (và các bạn biết điều này – các bạn đã nhìn thấy những gì xảy ra) đã nắm giữ những vị trí cực đoan và quá khích nhất, được thực hiện và chứng kiến trong đất nước này suốt nhiều năm và nhiều thập kỷ, và các bạn thậm chí có thể nói trong suốt nhiều thế kỷ.

“Gần như mọi người thuộc nhóm dân chủ trong Quốc hội hiện nay đều ủng hộ việc phá thai được tài trợ bởi người đóng thuế suốt quãng đường cho đến lúc sinh.

“Năm ngoái, các nhà lập pháp ở New York đã cổ vũ cho việc thông qua luật cho phép xé thai nhi tách khỏi bụng bà mẹ cho đến khi sinh. Sau đó, chúng ta có trường hợp của thống đốc dân chủ của bang Virginia – khối cộng đồng Virginia.

“Chúng ta yêu thích khối cộng đồng Virginia, nhưng chuyện gì đang xảy ra ở Virginia? Thống đốc tuyên bố rằng ông sẽ xử tử một đứa bé sau khi sinh. Các bạn hãy nhớ điều đó.

“Các nhà dân chủ tại Thượng viện thậm chí đã chặn luật cung cấp sự chăm sóc y tế cho những em bé sống sót sau các vụ phá thai bất thành. Đó là lý do tại sao tôi kêu gọi Quốc hội (hai trong số các thượng nghị sĩ vĩ đại của chúng ta ở đây – có rất nhiều nghị sĩ của chúng ta ở đây) bảo vệ phẩm giá của sự sống và thông qua luật cấm phá thai muộn đối với những thai nhi có thể cảm thấy đau đớn trong bụng mẹ.

“Năm nay, cuộc Diễu hành Phò Sự sống là kỷ niệm 100 năm tu chính lần thứ 19, vĩnh viễn công nhận quyền của phụ nữ được bầu cử ở Hoa Kỳ, và được hiến pháp Hoa Kỳ đưa ra. Thật là một biến cố vĩ đại.

“Ngày nay, hàng triệu phụ nữ phi thường trên khắp nước Mỹ đang sử dụng sức mạnh của những lá phiếu của mình để đấu tranh cho quyền và tất cả các quyền của họ như đã được đưa ra trong Tuyên ngôn Độc lập – đó là quyền đối với sự sống.

“Với tất cả các phụ nữ ở đây hôm nay: sự xả thân và vai trò lãnh đạo của các bạn đã nâng cao toàn thể quốc gia chúng ta, và chúng tôi cảm ơn các bạn vì điều đó.

“Hàng chục ngàn người Mỹ tập trung ngày hôm nay, không chỉ đứng lên vì sự sống, nhưng chính tại đây họ cùng nhau đứng lên vì nó một cách đầy tự hào, và tôi muốn cảm ơn mọi người vì điều đó. Các bạn đứng vì sự sống mỗi ngày.

“Các bạn cung cấp nhà ở, giáo dục, việc làm và sự chăm sóc y tế cho những phụ nữ mà các bạn phục vụ. Các bạn tìm được những gia đình yêu thương cho các trẻ em cần một mái ấm suốt đời. Các bạn tổ chức những bữa tiệc cho những người mẹ đang chờ sinh. Các bạn xem đó là sứ mạng của cuộc sống của mình để giúp lan tỏa ân sủng của Thiên Chúa.

“Và với tất cả các bà mẹ ở đây hôm nay, chúng tôi chúc mừng các bạn và chúng tôi tuyên bố rằng các bà mẹ là những anh hùng.

“Sức mạnh, sự tận tụy và nghị lực của các bạn là sức mạnh của đất nước chúng ta, và nhờ các bạn, đất nước chúng ta đã được ban phúc với những tâm hồn tuyệt vời là những người đã thay đổi tiến trình của lịch sử loài người.

“Chúng ta không thể biết những người công dân của chúng ta sẽ đạt được gì, ngay cả những trẻ em chưa sinh: những ước mơ họ sẽ xây dựng, những kiệt tác họ sẽ tạo ra, những khám phá họ sẽ thực hiện. Nhưng chúng ta biết chắc điều này: mọi sự sống đều mang yêu thương đi vào thế giới này. Mỗi đứa trẻ đều mang lại niềm vui cho một gia đình. Mỗi con người đều xứng đáng được bảo vệ.

“Và trên hết, chúng ta biết rằng mỗi linh hồn con người là thánh thiêng và mọi sự sống của con người, được sinh ra và chưa được sinh ra, đều được tạo dựng theo hình ảnh thánh của Thiên Chúa Toàn năng.

“Chúng ta cùng nhau bảo vệ chân lý này trên khắp miền đất tráng lệ của chúng ta, chúng ta sẽ giải phóng những ước mơ của người dân chúng ta, và với hy vọng quyết tâm, chúng ta mong chờ mọi phước lành sẽ đến từ vẻ đẹp, từ tài năng, mục tiêu, tính cao thượng, và ân sủng của mỗi trẻ em Mỹ.

“Tôi xin cảm ơn các bạn. Đây là một giây phút rất đặc biệt. Thật tuyệt vời được đại diện cho các bạn. Tôi yêu tất cả các bạn. Và tôi nói với cảm xúc thật sự: cảm ơn các bạn, Chúa chúc phúc cho các bạn và Chúa chúc phúc cho nước Mỹ!”



[Nguồn: churchpop]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/1/2020]