Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

Đức Thánh Cha Phanxico nói, ‘Những bài học luân lý của Thánh Gioan Phaolo II năm 1991 là vô cùng phù hợp ngày nay’

Đức Thánh Cha Phanxico nói, ‘Những bài học luân lý của Thánh Gioan Phaolo II năm 1991 là vô cùng phù hợp ngày nay’
Copyright: Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico nói, ‘Những bài học luân lý của Thánh Gioan Phaolô II năm 1991 là vô cùng phù hợp ngày nay’

Đức Phanxico có bài chia sẻ với các tham dự viên trong Hội thảo ‘Những hình thức đoàn kết mới: Hướng tới sự bao gồm, hòa nhập và đổi mới của tình huynh đệ,” được tổ chức bởi Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội

06 tháng Hai, 2020 09:08

Hội thảo “Những hình thức đoàn kết mới: Hướng tới sự bao gồm, hòa nhập và đổi mới của tình huynh đệ,” được tổ chức bởi Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội hôm Thứ Tư, 5 tháng Hai năm 2020, trong Biệt thự Casina Pio IV của Vatican.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxico với các tham dự viên trong hội thảo.


* * *

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Xin chào (buổi chiều) anh chị em,

Tôi mong muốn bày tỏ lời cảm ơn với anh chị em về buổi họp này. Chúng ta hãy nhân cơ hội đầu năm mới để xây dựng những cầu nối, những cây cầu thúc đẩy sự phát triển của một tầm nhìn hỗ trợ từ các ngân hàng, các nguồn tài chính, các chính phủ và những quyết định kinh tế. Chúng ta rất cần nhiều tiếng nói, từ cách nhìn đa chiều, có khả năng nghĩ đến những chiều kích đa dạng của vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến các dân tộc và những nền dân chủ của chúng ta.

Tôi muốn bắt đầu với một báo cáo về số liệu. Thế giới thì giàu có, nhưng người nghèo lại gia tăng chung quanh chúng ta. Theo những báo cáo chính thức, lợi tức tính theo đầu người toàn cầu năm nay sẽ đạt gần US$12.000. Tuy nhiên, hàng trăm triệu người vẫn ngụp lặn trong cái nghèo khổ cùng cực và thiếu lương thực, thiếu nhà ở, chăm sóc y tế, trường học, điện, thiếu nước uống và những dịch vụ vệ sinh môi trường phù hợp. Ước tính rằng khoảng 5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ chết trong năm nay vì sự bần cùng. 260 triệu trẻ khác sẽ không được học hành do thiếu những nguồn lực, vì chiến tranh và di cư.

Tình hình này làm cho hàng triệu người dễ dàng trở thành nạn nhân của nạn buôn người và những hình thức nô lệ mới, chẳng hạn lao động cưỡng bức, mại dâm và buôn bán nội tạng. Họ chẳng có một quyền hoặc sự bảo đảm nào; họ thậm chí không có được tình bạn và gia đình. Những thực tại này không thể trở thành một động cơ để gây tuyệt vọng, nhưng để hành động.

Thông điệp hy vọng then chốt mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em chính là điều này: đó là về những vấn đề có thể giải quyết được chứ không phải việc thiếu tài nguyên. Chẳng có thuyết định mệnh nào kết án chúng ta về sự bất công chung. Tôi xin lặp lại điều này: chúng ta không bị kết án với sự bất công chung. Điều này tạo tính khả thi cho một cách thức mới để gánh vác lấy các biến cố, cho phép chúng ta tìm thấy và đưa ra những câu trả lời sáng tạo cho sự đau khổ có thể tránh được của rất nhiều người vô tội, trong nhiều trường hợp điều đó hàm ý phải thừa nhận rằng chúng ta vấp phải sự thiếu ý chí và thiếu những quyết định thay đổi mọi thứ và chính yếu là những vấn đề ưu tiên. Chúng ta có trách nhiệm phải cho phép bản thân mình bị chất vấn và để những thước đo thoát khỏi con mắt chúng ta, và nhìn những thực tại này dưới một ánh sáng mới. Một thế giới giàu có và một nền kinh tế đầy sinh lực có thể chấm dứt, và phải chấm dứt sự nghèo khổ. Những mô hình phát triển có thể được sinh ra và được kích thích, có khả năng bao gồm, nuôi dưỡng, chữa lành và bảo bọc những người bé mọn nhất của xã hội thay vì loại bỏ họ. Chúng ta phải chọn điều gì và chọn ai để trao quyền ưu tiên: nếu chúng ta thúc đẩy tính nhân văn đối với các cơ cấu kinh tế xã hội cho toàn xã hội, hay ngược lại chúng ta tạo lực đẩy cho một hệ thống dẫn đến kết cục là sự biện minh cho một số thủ đoạn nào đó, chỉ thành công trong việc làm gia tăng mức độ bất công và bạo lực xã hội. Sự giàu có và công nghệ được tích lũy bởi nhân loại, cũng như tầm quan trọng và giá trị mà quyền con người đạt được, không cho phép bào chữa. Chúng ta phải ý thức rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm.

Nếu sự nghèo khổ cùng khốn tồn tại giữa sự giàu có (cũng ở mức cực đại), đó là vì chúng ta đã cho phép hố sâu ngăn cách ngày càng lớn và trở nên lớn nhất trong lịch sử. 50 người giàu nhất thế giới có một gia sản tương đương US$2,2 nghìn tỷ. 50 người đó có thể cung cấp tài chính cho việc chăm sóc y tế và giáo dục cho tất cả mọi trẻ em nghèo trên thế giới, có thể thông qua thuế, qua những sáng kiến bác ái hoặc cả hai. 50 người đó có thể cứu thoát hàng triệu mạng sống mỗi năm.

Tôi đã gọi đó là sự toàn cầu hóa sự thờ ơ, “sự ù lì.” Thánh Gioan Phaolo II đặt tên cho nó: những cấu trúc của tội. Những cấu trúc như vậy tìm được một môi trường thuận tiện cho sự phát triển khi Ích Chung bị giới hạn hoặc thu hẹp vào những khu vực đặc biệt, [...] Đó là ngẫu thần đồng tiền, sự tham lam và đầu cơ tích trữ. Và thực tế này, bây giờ được đưa vào vòng xoáy công nghệ tăng theo cấp số nhân, làm gia tăng các bước về tốc độ giao dịch và khả năng tạo thu nhập chưa từng có trước đây nhưng không được liên kết với các quá trình sản xuất hoặc với nền kinh tế thực. Aristotle bày tỏ vui mừng về sự phát minh ra tiền và cách sử dụng nó, nhưng ông mạnh mẽ lên án việc đầu cơ tài chính, vì với việc đầu cơ như vậy, “bản thân tiền trở thành động lực, đánh mất mục đích thật sự của nó, đó là tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và sản xuất” (Chính trị, I, 10, 1258 b).

Tương tự như vậy, và theo lẽ phải được soi dẫn bởi đức tin, Giáo lý Xã hội của Giáo hội tôn vinh những hình thức nhà nước và ngân hàng — nhiều lần được tạo ra dưới sự bảo vệ của họ — khi họ hoàn thành mục tiêu của họ, nói tóm lại đó là tìm kiếm ích chung, công bằng xã hội, hòa bình cũng như sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân và một cộng đồng con người, và mọi con người. Tuy nhiên, Giáo hội cảnh báo rằng những cơ quan bác ái này, cả nhà nước lẫn tư nhân, có thể rơi vào những cấu trúc của tội. Các cấu trúc của tội ngày nay bao gồm cắt giảm thuế liên tục cho những người giàu nhất, thường được biện minh dưới danh nghĩa đầu tư và phát triển; những ốc đảo thuế tạo thu nhập cho tư nhân và doanh nghiệp, và khả năng tham nhũng của một số công ty lớn nhất thế giới, không ít lần cùng đồng điệu với lĩnh vực chính trị thuộc hệ thống cai trị.

Mỗi năm, hàng trăm ngàn triệu đô la, đáng lẽ phải được trả bằng thuế để cung cấp tài chính cho việc chăm sóc y tế và giáo dục, lại được tích lũy trong các ốc đảo thuế, từ đó cản trở cơ hội phát triển phù hợp và bền vững của tất cả các chủ thể xã hội. Những người cùng khổ ở các quốc gia chịu nợ lớn phải mang gánh nặng thuế quá mức, và cắt giảm các dịch vụ xã hội trong khi chính phủ của họ trả các khoản nợ đã được ký một cách mơ hồ và không bền vững. Trên thực tế, nợ công được ký có thể trở thành yếu tố gây thiệt hại và làm tổn hại cho kết cấu xã hội.

Cũng như có một sự vô trách nhiệm chung liên quan đến thiệt hại này do nền kinh tế và xã hội gây ra, thì cũng có một sự đồng trách nhiệm truyền cảm hứng và hy vọng để tạo ra một bầu khí huynh đệ và niềm tin được đổi mới bao trùm trên toàn bộ hành trình tìm kiếm những giải pháp đổi mới và đầy nhân văn.

Thật tốt đẹp khi chúng ta nhớ lại rằng một phép thuật hoặc luật vô hình không xuất hiện, đó là luật ép buộc chúng ta phải trở nên thờ ơ hoặc tê liệt khi đối mặt với sự bất công. Và thậm chí còn ít có khả năng hơn đối với lý tính của kinh tế cho rằng con người chỉ đơn thuần là một kẻ tích lũy những lợi ích cá nhân hoàn toàn xa lạ với tình trạng xã hội tính của anh ta.

Những bài học luân lý của Thánh Gioan Phaolo II năm 1991 thật vô cùng hợp thời cho ngày nay: “Nguyên tắc rõ ràng là các khoản nợ phải được thanh toán. Tuy nhiên, thật không hợp lý khi đòi hỏi hoặc yêu sách họ phải trả nợ khi người mang nợ buộc phải chấp nhận các lựa chọn chính trị dẫn đến sự đói khổ và tuyệt vọng cho tất cả mọi người dân. Người ta không thể yêu sách những khoản nợ theo hợp đồng phải được trả bằng những hy sinh không kham nổi. Trong những trường hợp đó, cũng như nó đang xảy ra một phần — cần phải tìm cách để giảm, hoãn lại hoặc xóa bỏ nợ, phù hợp với quyền căn bản của các dân tộc đối với phương tiện sinh sống và sự tiến bộ” (Thông điệp Centesimus Annus, § 35).

Trên thực tế, Những Mục tiêu Phát triển Bền vững được tất cả các quốc gia nhất trí thông qua cũng công nhận điểm này, và kêu gọi tất cả các dân tộc “giúp đỡ những nước đang phát triển đạt được tính bền vững lâu dài của khoản nợ thông qua các chính sách phối hợp nhằm thúc đẩy sự tài trợ cho khoản nợ, xóa nợ và cơ cấu lại nợ, theo cách phù hợp, và để giải quyết vấn đề nợ nước ngoài của các nước nghèo nhất, để giảm bớt sự lo lắng đối với khoản nợ: (ODS 17, 4).

Những hình thức đoàn kết mới, ngày nay đang kêu gọi chúng ta, phải bao gồm yếu tố này, nếu chúng ta nghĩ về thế giới của các ngân hàng và tài chính: trong việc hỗ trợ sự phát triển của các dân tộc bị thiệt thòi và sự cân bằng của các quốc gia có mức sống và mức độ phát triển nhất định với những quốc gia không thể đảm bảo nhu cầu tối thiểu cần thiết cho người dân của họ. Chính tình đoàn kết và kinh tế tạo ra sự hòa hợp, mà không phải là sự chia rẽ, cùng với nhận thức lành mạnh và rõ ràng về tính đồng trách nhiệm.

Ở đây cần phải khẳng định rằng cấu trúc tội lỗi lớn nhất là chính ngành công nghiệp chiến tranh, vì chính tiền bạc và thời gian phục vụ cho sự chia rẽ và cái chết. Mỗi năm thế giới mất hàng tỷ đô la để trang bị vũ khí và bạo lực, những khoản tiền đó đáng lẽ sẽ chấm dứt nghèo đói và mù chữ nếu chúng được định hướng lại. Tiên tri I-sai-a đưa ra lời chân lý nhân danh Đức Chúa cho toàn thể nhân loại khi ông thấy trước ngày của Đức Chúa, khi đó, “họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2:4). Chúng ta hãy làm theo lời ngôn sứ!

Hơn 70 năm trước, Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp quốc đã cam kết rằng tất cả các quốc gia thành viên hãy chăm sóc người nghèo trong miền đất và quê hương của họ và trên toàn thế giới, tức là ngôi nhà chung. Các chính phủ thừa nhận rằng sự bảo trợ xã hội, thu nhập cơ bản, chăm sóc y tế cho tất cả mọi người và giáo dục phổ quát là quyền vốn có của phẩm giá căn bản con người, và do đó, là quyền căn bản của con người. Những quyền về kinh tế này và môi trường an toàn cho tất cả mọi người là thước đo cơ bản nhất cho sự đoàn kết con người. Và tin đáng mừng là, năm 1948, khi những mục tiêu này chưa đạt được ngay lúc đó, thì ngày nay, trong một thế giới phát triển hơn và liên kết nhiều hơn, chúng đã đạt được. Tất cả các bạn, những người rất sẵn lòng tập họp ở đây, là những nhà lãnh đạo tài chính và chuyên gia kinh tế của thế giới. Cùng với các đồng nghiệp của mình, các bạn giúp thiết lập những quy định thuế toàn cầu, thông báo cho công chúng toàn cầu về điều kiện kinh tế của chúng ta và tư vấn về ngân sách cho các chính phủ trên thế giới. Các bạn trực tiếp nhìn thấy những bất công của nền kinh tế toàn cầu hiện tại của chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau làm việc để chấm dứt những bất công này. Khi các tổ chức tín dụng đa phương tư vấn cho các quốc gia, điều quan trọng là suy xét đến các khái niệm cao cả về công bằng tài chính, ngân sách công chịu trách nhiệm về nợ của họ, và trên hết là sự thăng tiến hiệu quả và vai chính của những người nghèo nhất trong khuôn khổ xã hội. Nhắc nhở họ về trách nhiệm cung cấp sự hỗ trợ phát triển cho các quốc gia nghèo và xóa nợ cho các quốc gia mắc nợ lớn nhất. Nhắc nhở họ về mệnh lệnh phải ngăn chặn biến đổi khí hậu do con người gây ra, như tất cả các quốc gia đã hứa, để chúng ta không phá hủy nền tảng của Ngôi Nhà Chung.

Một đạo đức mới dẫn đến sự nhận thức về tính cần thiết của tất cả mọi người cam kết cùng nhau hợp tác để đóng cửa các ốc đảo thuế, tránh được việc trốn tránh và rửa tiền là hình thức cướp bóc xã hội, cũng như nói với các quốc gia về tầm quan trọng của việc bảo vệ công lý và ích chung đặt trên lợi ích của các công ty và các công ty đa quốc gia hùng mạnh nhất (vì nó bóp nghẹt và cản trở sản xuất địa phương). Thời gian hiện tại thúc bách và kêu gọi thực hiện một bước đi từ luận lý thiển cận và đối kháng, khi cơ chế duy nhất được phép là giải pháp cho những xung đột, đến một luận lý khác có khả năng thúc đẩy mối quan hệ tương hỗ tạo điều kiện cho văn hóa gặp gỡ trong đó nền tảng vững chắc của cấu trúc tài chính quốc tế được đổi mới. Trong bối cảnh này, nơi với sự phát triển của một số khu vực xã hội và tài chính đã đạt đến mức chưa từng thấy trước đây, và việc nhớ lại những lời của Thánh Lu-ca là quan trọng như thế nào: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12:48ff.). Và thật là nguồn cảm hứng lớn khi lắng nghe Thánh Am-brô-si-ô, ngài suy nghĩ theo Tin mừng: “Ông [người giàu] không cho người nghèo những gì là của riêng ông [khi ông làm phúc bố thí] nhưng không đang cho đi những gì thuộc về người đó. Vì, tài sản chung được trao tặng cho mọi người sử dụng, thì chỉ mình ông sử dụng nó” (Naboth 12:53). Đây là vận mệnh chung của của cải, nền tảng của sự công bằng kinh tế và xã hội và cũng là của ích chung.

Tôi rất vui về sự hiện diện của các bạn ở đây hôm nay. Chúng ta cùng vui mừng biết rằng chính chúng ta là những người đồng tham gia vào công cuộc của Thiên Chúa, là công cuộc có thể thay đổi tiến trình lịch sử vì lợi ích của phẩm giá của mỗi con người hôm nay và ngày mai, đặc biệt những người bị loại trừ, và vì lợi ích lớn cho nền hòa bình. Với lòng khiêm tốn và sự khôn ngoan, chúng ta cùng nhau cố gắng phục vụ công bằng quốc tế và liên thế hệ. Chúng ta có niềm hy vọng vô bờ vào giáo huấn của Chúa Giê-su dạy rằng người có tinh thần nghèo khó thì được chúc phúc và hạnh phúc, vì Nước Trời là của họ (x. Mt 5:3), điều đó đã bắt đầu ở đây và ngay lúc này.

Cảm ơn các bạn rất nhiều! Và đừng quên cầu nguyện cho tôi. Tôi khẩn xin ơn lành của Chúa đổ xuống trên các bạn và gia đình.

[Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha] [Bản dịch (tiếng Anh) bài chia sẻ của Đức Thánh Cha của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/2/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 1-5/2/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 1-5/2/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 1-5/2/2020


2 tháng Hai: Những ai luôn hướng mắt về Chúa Giê-su sẽ học được cách sống để phục vụ. Họ không chờ đợi người khác bắt đầu, nhưng bước ra để tìm người anh em. #ConsecratedLife

2 tháng Hai: Hôm nay chúng ta cử hành #Ngày Đời sống Thánh hiến. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nam nữ tận hiến là những người đã dâng mình cho Chúa và anh chị em qua việc phục vụ mỗi ngày: ước mong rằng họ sẽ mãi trung thành với tình yêu của Đức Ki-tô. http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2020/documents/papa-francesco_20200201_omelia-vitaconsacrata.html

2 tháng Hai: #Tin mừng trong ngày (Lc 2:22-40), Lễ Dâng Chúa trong Đền thờ, cho chúng ta thấy sự kinh ngạc của Mẹ Maria, Thánh Giu-se, ông Si-mê-on và bà An-na với những gì xảy ra trước mặt họ. Khả năng biết kinh ngạc làm cho sự gặp gỡ của chúng ta với Chúa trổ sinh hoa trái.

3 tháng Hai: Không thể vượt qua sự cô đơn bằng cách khép kín lòng mình, nhưng bằng cách kêu lên với Chúa, vì Chúa nghe thấy tiếng khóc của những ai thấy mình cô đơn.

4 tháng Hai: Thưa anh chị em, trong những lúc khi chúng ta xa rời Chúa, thật tốt nếu chúng ta nghe thấy tiếng nói này trong lòng: “Con của ta, con đang làm gì vậy? Đừng tự giết mình. Ta đã chết cho con rồi.” #HomilySantaMarta

4 tháng Hai: Văn kiện về Tình Huynh đệ của Con người, được ký kết cách đây một năm, đã viết lên một trang mới trong cuộc đối thoại giữa các tôn giáo và những người thiện chí. Là anh chị em với nhau, chúng ta phải nói “không” với bạo lực, và cùng nhau thúc đẩy hòa bình, sự sống, và tự do tôn giáo.

5 tháng Hai: Có một sự nghèo nàn mà chúng ta phải chấp nhận, đó là sự nghèo nàn của hữu thể chúng ta, và một sự nghèo khó mà chúng ta phải tìm kiếm - một sự nghèo khó cụ thể - nghèo khó những của cải trần gian, để được tự do và yêu thương. #GeneralAudience #Beatitudes




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 6/2/2020]