Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: ‘Chớ làm chứng dối’

Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: ‘Chớ làm chứng dối’
© Vatican Media

Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: ‘Chớ làm chứng dối’

Giáo lý về Điều Răn thứ Tám

14 tháng Mười Một, 2018 14:36

Ngày 14 tháng Mười Một, 2018, Buổi Tiếp Kiến Chung được tổ chức trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về Các Điều Răn, trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: “Chớ làm chứng dối” (Trích Phúc âm: Tin mừng theo Thánh Mát-thêu 5:14-16).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: ‘Chớ làm chứng dối’

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý hôm nay, chúng ta sẽ phân tích về Điều Răn Thứ Tám trong Mười Điều Răn: “Chớ làm chứng gian chống lại anh em.”

Điều Răn này — như Giáo lý trình bày — “ngăn cấm việc bóp méo sự thật trong các mối quan hệ của chúng ta với tha nhân” (s. 2464). Sống với những cách giao tiếp giả dối là rất tồi tệ vì nó là chướng ngại cho các mối quan hệ, và vì thế, nó cản trở tình yêu. Nơi nào có sự giả dối thì không có tình yêu, tình yêu không được thể hiện ở đó. Và khi chúng ta nói về sự giao tiếp giữa con người với con người, chúng ta không chỉ muốn nói đến lời nói nhưng cả những cử chỉ, thái độ, thậm chí cả những sự im lặng, và sự vắng mặt. Con người lên tiếng nói bằng chính bản thân và hành động của anh ta. Chúng ta luôn luôn giao tiếp. Chúng ta luôn sống trong sự giao tiếp và chúng ta liên tục bị đứng ở giữa những sự thật và sự dối trá.

Nhưng nói sự thật có nghĩa là gì? Có phải nó nghĩa là sự chân thành và chính xác từng chi tiết không? Thật ra, như vậy vẫn chưa đủ, vì con người có thể chân thành trong lỗi lầm, hoặc họ có thể chính xác trong từng chi tiết nhưng không đưa đến ý nghĩa trọn vẹn. Đôi khi chúng ta tự bào chữa cho mình bằng cách nói rằng: “Nhưng tôi đã nói lên những gì tôi cảm nhận!” Đúng, nhưng bạn đã làm cho quan điểm của bạn thành tuyệt đối. Hoặc “Tôi chỉ nói lên sự thật!” Có thể là như vậy, nhưng bạn đã tiết lộ những chi tiết kín đáo và cá nhân. Sự nói hành phá hoại không biết bao nhiêu tình hiệp nhất vì nó không thích hợp hoặc rất thiếu tế nhị! Còn hơn thế, nói hành là sát nhân, và Thánh Gia-cô-bê Tông đồ đã nói về điều này trong Thư của ngài. Những kẻ nói hành là kẻ giết người: họ giết người khác vì cái lưỡi của họ sắc như lưỡi dao. Hãy cảnh giác! Một người nói hành là một kẻ khủng bố vì cái lưỡi của họ quăng ra quả bom rồi lặng lẽ bỏ đi, nhưng điều mà trái bom được quăng ra bằng lời nói kia phá hủy danh dự của người khác. Đừng quên: nói hành nói xấu là giết người.

Vậy sự thật là gì? Đây là câu hỏi của Philatô, ngay khi Chúa Giê-su đang thi hành Điều Răn Thứ Tám trước mặt ông ta (x. Ga 18:38). Quả thật, câu “Chớ làm chứng gian chống lại anh em của ngươi” thuộc ngôn ngữ của tòa án. Các Tin mừng tường thuật lên đến đỉnh điểm trong trình thuật Cuộc Thương Khó, cái Chết, và sự Phục sinh của Chúa Giê-su; và trong trình thuật về phiên toà, về việc kết án.

Bị Philatô chất vấn, Chúa Giê-su nói: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật” (Ga 18:37). Và Chúa Giê-su “làm chứng” cho điều này bằng Cuộc Thương khó và Cái Chết của Người. Tác giả Tin mừng Mác-cô tường thuật rằng “viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: ‘Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!’” (15:39). Đúng vậy, Người rất rõ ràng, Người rất rõ ràng: bằng cái chết của mình, Chúa Giê-su đã tỏ lộ Chúa Cha, lòng thương xót và tình yêu trung tín của Người.

Sự thật được thể hiện trọn vẹn trong con người của Chúa Giê-su (x. Ga 14:6), trong cách sống và cái chết của Người, hoa trái của mối quan hệ của Người với Chúa Cha. Cuộc sống làm con cái của Thiên Chúa, Người là Đấng phục sinh cũng trao tặng nó cho chúng ta bằng cách gửi đến Chúa Thánh Thần Đấng là Thần Khí của sự thật, Đấng chứng thực trong tâm hồn chúng ta rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta (x. Rm 8:16).

Trong mỗi hành động của mình, con người khẳng định hoặc chối bỏ sự thật — từ những tình huống nhỏ mỗi ngày đến những lựa chọn khó khăn. Nhưng tất cả luôn có chung một luận lý: đó là luận lý mà cha mẹ và ông bà dạy chúng ta rằng chúng ta không được nói dối.

Chúng ta hãy tự hỏi bản thân: những sự thật nào chứng thực cho các công việc của người Ki-tô hữu chúng ta, những lời nói hoặc những lựa chọn của chúng ta? Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có làm chứng cho sự thật không, hay tôi một chút nào đó là kẻ nói dối nhưng lại ngụy trang như sự thật? Mỗi người phải tự hỏi bản thân mình. Những người Ki-tô hữu chúng ta không phải là những người ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng ta là con cái của Cha trên trời, Đấng tốt lành và không lừa dối chúng ta và đặt vào trong tim chúng ta tình thương yêu đối với những người anh em. Sự thật này chẳng cần phải nói nhiều trong các bài diễn văn; nó là một cách sống, nó là một con đường sống, và nó được nhìn thấy trong từng hành động nhỏ (x. Gc 2:18). Người đàn ông này là một người của sự thật, người phụ nữ này là một người của sự thật: người ta có thể nhìn thấy điều đó. Nhưng làm sao được, nếu người đó không lên tiếng nói? Nhưng ông ấy hoặc bà ấy có hành động theo sự thật. Ông ấy/ Bà ấy nói sự thật, hành động với sự thật — một cách sống rất tốt cho chúng ta.

Sự thật là sự mạc khải tuyệt vời của Thiên Chúa, của dung nhan Thiên Chúa Cha, và của tình yêu vô biên của Người. Sự thật này phù hợp với lý trí của con người nhưng hoàn toàn vượt trội hơn nó, vì nó là một quà tặng cho trần gian và được nhập thế trong Đức Ki-tô chịu đóng đinh và sống lại; nó được thể hiện cụ thể nơi những người mà nó thuộc về và thể hiện qua những thái độ của người ấy.

Không làm chứng dối có nghĩa là sống như là con cái của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ khắc chế bản thân, không bao giờ nói dối; hãy sống như con cái của Thiên Chúa, hãy làm cho sự thật vĩ đại được nổi bật lên trong mỗi hành động: rằng Thiên Chúa là Cha và chúng ta tin tưởng nơi Người. Tôi tin tưởng Thiên Chúa: đây là sự thật vĩ đại. Từ lòng tin của chúng ta nơi Thiên Chúa, Đấng là Cha và yêu thương tôi, yêu thương tôi, sự thật trong tôi được sinh ra và trở thành một con người của sự thật, và không còn là một con người của sự gian dối.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/11/2018]


Đức Thánh Cha sẽ thăm Ma-rốc vào tháng Ba 2019

Đức Thánh Cha sẽ thăm Ma-rốc vào tháng Ba 2019
Pope Outside Papal Flight - Screenshot

Đức Thánh Cha sẽ thăm Ma-rốc tháng Ba 2019

Đức Thánh Cha người Argentina sẽ thăm các thành phố Rabat và Casablanca

13 tháng Mười Một, 2018 12:39

Đức Thánh Cha sẽ thực hiện chuyến Tông du đến Ma-rốc vào đầu năm 2019. Hôm nay 13 tháng Mười Một, 2018, ông Greg Burke, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, thông báo về chuyến đi sắp tới đến quốc gia với đại đa số là người Hồi giáo.

“Nhận lời mời của Đức Vua Mohammed VI và các giám mục, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ thực hiện chuyến tông du đến Ma-rốc từ ngày 30 đến 31 tháng Ba năm 2019, thăm các thành phố Rabat và Casablanca.”

“Chương trình của chuyến đi sẽ được công bố sau.”

Đã có sự đồn đoán trong năm 2018 rằng Đức Thánh Cha sẽ nhận lời mời đến thăm Ma-rốc nhân dịp Hội nghị Liên Chính phủ của Liên Hợp quốc Thông qua Công ước Toàn cầu về chương trình Di trú An toàn, có Trật tự và Định kỳ vào tháng Mười Hai 2018.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/11/2018]