Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

GIÁO HUẤN KINH TRUYỀN TIN: Sự Phục Sinh

GIÁO HUẤN KINH TRUYỀN TIN: Sự Phục Sinh

Ngài đưa ra những thỉnh cầu về điều kiện tốt hơn cho nhà tù, chăm sóc tạo vật, nhắc đến Lễ Phong Chân Phước cho 38 vị Tử Đạo Albania
6 tháng 11, 2016
Pope Francis during the Angelus of 23 august 2015
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài giáo huấn hôm nay của Đức Thánh Cha Phanxico trước và sau Kinh Truyền Tin giữa trưa với những người tập họp ở Quảng trường Thánh Phê-rô.
__
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Chỉ vài ngày sau Lễ Các Thánh và Các Linh Hồn, Tin mừng Chúa nhật hôm nay lại mời gọi chúng ta một lần nữa suy tư về mầu nhiệm phục sinh từ cõi chết. Tin mừng (Lc 20.27-38) trình bày việc Chúa Giê-su đối mặt với một số người thuộc phái Xa-đốc, những người này không tin vào sự phục sinh, và quan niệm về mối quan hệ với Thiên Chúa thuần túy trên chiều kích cuộc sống trần thế. Và sau đó, để nhạo báng sự sống lại và đưa Chúa Giê-su vào thế bí, họ trình bày cho Ngài một trường hợp ngớ ngẩn và nghịch lý: một phụ nữ có bảy đời chồng, tất cả các người chồng đều là anh em với nhau, mỗi người đều lần lượt chết. Và rồi một câu hỏi gài bẫy Chúa Giê-su: ‘Vậy, trong ngày sống lại, người phụ nữ đó sẽ là vợ ai’ (c. 33)?
Chúa Giê-su không rơi vào bẫy và tái khẳng định chân lý của sự sống lại, ngài giải thích rằng sự tồn tại sau khi chết sẽ khác với thực tại trên trần gian. Ngài nói rõ cho họ biết rằng anh không thể áp dụng những tiêu chuẩn của trần gian này cho những thực hữu vượt ra ngoài tầm và lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta nhìn thấy trong cuộc sống này. Vì Ngài nói: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” (cc. 34-35). Bằng những lời này, Chúa Giê-su muốn giải thích rằng nơi trần gian này, chúng ta sống trong những thực tại tạm bợ, nó sẽ qua đi; nhưng ngược lại, trong đời sau, sau khi sống lại, chúng ta sẽ không có cái chết nằm đợi ở phía chân trời và chúng ta sẽ sống mọi điều theo chiều kích của Thiên Chúa, thậm chí là những mối quan hệ của con người, được tôn lên đến mức cao đẹp. Ngay cả với hôn nhân, một dấu chỉ và là khí cụ của tình yêu của Thiên Chúa trên trần gian này, sẽ được chuyển thành ánh sáng chiếu rọi trong sự Hiệp nhất vinh quang của các Thánh trên Thiên đàng.
“Những con cái của thiên đàng và phục sinh” không phải là một số ít được đặc ân, nhưng là tất cả mọi người, vì ơn cứu độ được Chúa Giê-su mang đến là dành cho mọi người. Và đời sống phục sinh cũng sẽ giống như đời sống của các thiên thần (c. 36), nghĩa là, tất cả đều được hòa trộn vào ánh sáng của Thiên Chúa, hoàn toàn cung hiến để ca khen Người, trong cõi vĩnh hằng ngập tràn niềm vui và an bình. Nhưng hãy cẩn thận! Sự sống lại không chỉ là sự kiện của việc sống lại sau khi chết, nhưng nó là một đời sống mới mà chúng ta đã từng trải nghiệm trong ngày hôm nay; nó là sự chiến thắng vượt qua tất cả những gì mà chúng ta đã có thể nhìn thấy trước. Sự sống lại là nền tảng và hy vọng của đức tin Ki-tô hữu! Nếu không có điều gì liên quan đến thiên đàng và sự sống vĩnh hằng, Ki-tô giáo sẽ chỉ là những bài học luân lý, triết lý sự sống. Nhưng thông điệp của đức tin Ki-tô giáo đến từ trời, nó được Thiên Chúa mặc khải và vượt ra ngoài thế giới này. Tin vào sự sống lại là một điều rất quan trọng, để mọi hành động của tình yêu Ki-tô hữu tạm bợ và mau qua của chúng ta, sẽ trở thành một hạt giống được nở hoa trong vườn hoa của Thiên Chúa, và đơm hoa kết trái của sự sống vĩnh hằng.
Nguyện xin Mẹ Đồng trinh Maria, Nữ vương thiên đàng và dương thế, củng cố cho chúng ta sự hy vọng vào sự sống lại, và giúp chúng ta sống xứng đáng hơn, qua những công việc tốt lành, qua Lời của Con của Mẹ, đã được gieo trong lòng chúng ta.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của Deborah Castellano Lubov]

Sau Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mế,
Nhân dịp Năm Thánh của tù nhân hôm nay, tôi muốn đưa ra một thỉnh cầu để cải thiện những điều kiện sống của các tù nhân trên toàn thế giới, để nó thể hiện sự tôn trọng trọn vẹn nhân phẩm của người tù nhân. Ngoài ra, tôi muốn nhắc lại tầm quan trọng của việc phản ánh được tính cần thiết làm sao để luật hình sự không chỉ để trừng phạt, nhưng là mở đường ra hy vọng và triển vọng tái hội nhập người phạm tội trở lại xã hội. Một cách rất đặc biệt, tôi xin đề nghị các giới chức dân sự của mỗi quốc gia xem xét kỹ lưỡng để có thể đưa ra, trong Năm Thánh Lòng Thương xót này, một hành động khoan dung cho các tù nhân, những người được xem như đủ điều kiện để hưởng được sự khoan hồng này.
Hai ngày trước, Hiệp định Paris về khí hậu của hành tinh đã đi vào hiệu lực. Bước đột phá này chứng minh rằng nhân loại có đủ khả năng làm việc với nhau trong việc bảo vệ Tạo vật (Tông huấn Laudato si‘ 13), để đưa kinh tế vào phục vụ con người và để xây dựng hòa bình và công bằng. Và ngày mai ở Marrakech, Morocco, một phiên họp mới của hội nghị về khí hậu nhằm mục đích đưa hiệp định này vào thi hành cùng với nhiều vấn đề khác. Tôi hy vọng rằng trách nhiệm của chúng ta về việc chăm sóc ngôi nhà chung sẽ dẫn lối cho toàn bộ tiến trình này.
Hôm qua ở Shkodra, Albania, 38 vị tử đạo đã được phong chân phước; hai giám mục, nhiều linh mục và tu sĩ, một chủng sinh và một vài giáo dân, họ là nạn nhân của sự bách hại khốc liệt của chính thể vô thần đã thống trị quốc gia đó trong một thời gian dài của thế kỷ trước. Họ đã chọn chịu tù đày, chịu tra tấn và cuối cùng là cái chết, để giữ vững đức tin vào Chúa Ki-tô và Giáo hội. Nguyện xin mẫu gương của các ngài giúp chúng ta tìm được sức mạnh nơi Thiên Chúa, Người luôn có sự hỗ trợ trong những lúc nguy nan, và khơi gợi nên thái độ tốt lành, tha thứ và hòa bình.
Cha xin chào tất cả những khách hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau: các gia đình, các nhóm giáo xứ, hội đoàn. Đặc biệt, cha xin chào các tín hữu Sydney và San Sebastián de los Reyes, Quỹ Trung tâm Académico Romano và Cộng đoàn Công giáo Venezuela ở Ý; cũng như các nhóm từ Adria-Rovigo, Mendrisio, Roccadaspide, Nova Siri, Pomigliano D’Arco và Picerno.
Cha xin chúc tất cả một ngày Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Xin chúc bữa trưa ngon miệng và chào tạm biệt!
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của Deborah Castellano Lubov]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 07/11/2016]

GIÁO HUẤN KINH TRUYỀN TIN: Sự Phục Sinh
GIÁO HUẤN KINH TRUYỀN TIN: Sự Phục Sinh
GIÁO HUẤN KINH TRUYỀN TIN: Sự Phục Sinh
GIÁO HUẤN KINH TRUYỀN TIN: Sự Phục Sinh






Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh của Các Tù Nhân

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh của Các Tù Nhân

‘Bằng cách học từ những lỗi lầm của quá khứ, các bạn có thể mở ra một chương mới cho cuộc đời của các bạn.’
6 tháng 11, 2016
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh của Các Tù Nhân
CTV Screenshot
Dưới đây là bản dịch của Vatican bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ mừng Năm Thánh của Các Tù Nhân:
__
Thông điệp của Lời của Chúa hôm nay muốn đem đến cho chúng ta đó chính là sự hy vọng.
Một trong bảy anh em bị kết án tử hình bởi Vua An-ti-ô-khô Ê-pi-phan nói “hy vọng sẽ được Thiên Chúa cho sống lại” (2 Macc 7:14). Những lời này thể hiện đức tin của những vị tử đạo, dù bị đau khổ hay bị tra tấn, họ vẫn kiên vững trông về tương lai. Tương lai của họ là một niềm tin phản ánh lòng khao khát đạt được một đời sống mới, qua việc nhận biết Thiên Chúa là nguồn mạch hy vọng.
Trong Tin mừng, chúng ta đã nghe Chúa Giê-su đánh đổ một lý lẽ vặn vẹo tầm thường bằng một câu trả  lời đơn giản nhưng trọn vẹn mà những người Xa-đốc đặt ra trước Ngài. Câu trả lời của Ngài – “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20:38) – tỏ lộ dung nhan đích thực của Thiên Chúa, Người khao khát duy nhất sự sống cho tất cả con cái của Người. Hy vọng được tái sinh trong một đời sống mới là điều chúng ta phải mang lấy trong lòng, nếu chúng ta sẵn sàng tín trung với những giáo huấn của Chúa Giê-su.
Hy vọng là một ân sủng của Thiên Chúa. Nó được đặt vào sâu thẳm trong con tim của con người để tỏa sáng trong cuộc sống này, nhưng lại thường bị ngăn trở và những đám mây che phủ, từ đó dẫn đến nhiều hoàn cảnh buồn bã và đau khổ. Chúng ta cần  phải nuôi dưỡng những cội nguồn của niềm hy vọng của chúng ta để chúng có thể trổ sinh hoa trái; căn bản nhất đó là sự tin chắc vào tình gần gũi và lòng thương xót của Thiên Chúa, cho dù chúng ta đã phạm những tội lỗi như thế nào. Không có một góc nhỏ nào trong tâm hồn của chúng ta không được tình yêu Thiên Chúa chạm đến. Khi một người mắc sai phạm, thì lòng thương xót của Chúa Cha lại hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết, đánh thức sự ăn năn thống hối, tha thứ và hòa giải.
Hôm nay chúng ta mừng Năm Thánh cho các bạn và với các bạn, những người anh em chị em đang ở trong tù. Lòng thương xót, là một cách diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, là điều chúng ta cần phải suy nghĩ sâu xa hơn. Chắc chắn, phạm luật thì phải trả giá, và mất tự do là phần thời gian tồi tệ nhất của cuộc đời, vì nó có ảnh hưởng quá sâu đến chúng ta. Tất cả các bạn, đừng mất niềm tin vào hy vọng. Trả giá cho sai phạm chúng ta đã làm là một chuyện, nhưng mặt khác lại là “hơi thở” của hy vọng, điều mà các bạn đừng để cho bất cứ ai hay bất cứ điều gì làm lu mờ nó. Con tim của chúng ta luôn khát khao điều thiện. Chúng ta đang mắc nợ lòng thương xót mà Thiên Chúa không ngừng thể hiện cho chúng ta, vì Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta (Augustine, Sermo 254:1).
Trong thư gửi giáo đoàn Roma, Thánh Tông đồ Phaolo nói về Thiên Chúa là “Thiên Chúa của hy vọng” (15:13). Phaolo hầu như cũng muốn nói với chúng ta rằng chính Thiên Chúa, Người cũng đang hy vọng. Điều này dường như là nghịch lý, nhưng nó là sự thật: Thiên Chúa hy vọng! Lòng thương xót của Người không để Người được nghỉ ngơi. Người giống như người cha trong dụ ngôn, ông luôn hy vọng sự trở về của đứa con đã té ngã bên vệ đường (Lc 15:11-32). Thiên Chúa không hề nghỉ ngơi cho đến khi Ngài tìm được con chiên lạc (Lc 15:5). Vì thế, nếu Thiên Chúa hy vọng thì đừng ai đánh mất hy vọng. Vì hy vọng là sức mạnh giúp duy trì sự tiến bước. Nó là sức mạnh để dấn bước tiến lên về tương lai và một cuộc sống mới. Nó là sự động viên để nhìn về tương lai, để tình yêu mà chúng ta được biết, với tất cả những vấp ngã của chúng ta, có thể chỉ cho chúng ta một con đường mới. Nói tóm lại, hy vọng là một chứng cứ của sức mạnh của lòng thương xót của Thiên Chúa nằm sâu trong con tim của chúng ta. Lòng thương xót đó mời gọi chúng ta hướng nhìn về phía trước và vượt qua được sự lệ thuộc của chúng ta vào tội lỗi và tội ác qua đức tin và sự phó thác hoàn toàn trong Ngài.
Các bạn thân mến, hôm nay là Năm thánh của các bạn! Hôm nay, trong cái nhìn của Thiên Chúa, nguyện xin cho niềm hy vọng của các bạn nhen nhóm lên một nguồn mới. Một Năm Thánh luôn mang đến một công bố tự do mới (Lev 25:39-46). Nó không phải tùy thuộc vào quyền của tôi ban cho các bạn, nhưng đó là bổn phận của Giáo hội, một điều Giáo hội không thể từ bỏ, là đánh thức lên trong các bạn lòng khát khao tự do đích thực. Đôi khi, một thái độ giả hình nào đó dẫn đưa người ta đến việc xem các bạn như là những người hoàn toàn sai quấy, những người chỉ có nhà tù mới là câu trả lời cuối cùng. Chúng ta không suy nghĩ về khả năng người ta có thể thay đổi cuộc sống; chúng ta đặt một chút niềm tin vào sự phục hồi. Nhưng theo cách này chúng ta lại quên rằng tất cả chúng ta đều là những tội nhân và thường chúng ta không ý thức được rằng chúng ta cũng đều là những tù nhân. Có những lúc chúng ta bị khóa chặt mình trong những thành kiến của riêng chúng ta hoặc làm nô lệ cho những ngẫu tượng của một nhận thức sai lầm về hạnh phúc. Có những lúc chúng ta bị nhốt trong những hệ tư tưởng của riêng chúng ta hoặc tuyệt đối hóa các luật lệ cho dù chúng có đè bẹp con người. Có những lúc, chúng ta tự giam hãm chúng ta đàng sau những bức tường của chủ nghĩa cá nhân và tự mãn, tước đi mất chân lý làm cho chúng ta được tự do. Chỉ ngón tay chống lại một ai đó đã mắc sai phạm không thể là một bằng chứng để che đậy những sự mâu thuẫn của riêng chúng ta.
Chúng ta biết rằng dưới nhãn quan của Thiên Chúa không ai có thể cho mình là công chính (Rom 2:1-11). Nhưng không ai có thể sống mà không chắc chắn tìm được sự tha thứ! Người trộm ăn năn, bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giê-su, được theo Ngài vào thiên đàng (Lk 23:43). Vì vậy, nguyện xin không ai trong các bạn để mình bị chôn vùi vào trong quá khứ! Sự thật là, cho dù chúng ta muốn thì chúng ta cũng không bao giờ có thể viết lại quá khứ. Nhưng lịch sử bắt đầu hôm nay, và nhìn về tương lai, vẫn chưa được viết, nhờ ơn sủng của Thiên Chúa và trách nhiệm cá nhân của các bạn. Bằng cách học từ những lỗi lầm của quá khứ, các bạn có thể mở ra một chương mới cho cuộc đời của các bạn. Chúng ta đừng bao giờ rơi vào cám dỗ của lối suy nghĩ cho rằng chúng ta không thể được tha thứ. Bất cứ những gì. Bất cứ những gì lòng chúng ta tố cáo chúng ta, nhỏ hay lớn, thì “Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng của chúng ta (1 Ga 3:20). Chúng ta không cần một điều gì khác ngoài sự tín thác bản thân vào lòng thương xót của Người.
Đức tin, cho dù có nhỏ bằng một hạt cải, cũng có thể dời núi non (Mt 17:20). Đã bao nhiêu lần sức mạnh của đức tin làm cho chúng ta có thể thốt lên lời xin lỗi trong những hoàn cảnh bất nhân. Những người đã và đang chịu đựng những bạo lực và lạm dùng, trên chính bản thân họ, hay trên những người thân yêu của họ, hay tài sản của họ … có những vết thương mà chỉ có quyền năng của Thiên Chúa, lòng thương xót của Người, mới có thể chữa lành. Nhưng khi bạo lực đối mặt với sự tha thứ, ngay cả những tâm hồn của những người đã làm những sai phạm vẫn có thể bị chế ngự bởi tình yêu chiến thắng trên mọi mọi tội lỗi. Bằng cách này, giữa những nạn nhân và giữa những người phạm lỗi với họ, Thiên Chúa làm nổi lên những chứng tá thật và những lao công của lòng thương xót.
Hôm nay, chúng ta tôn kính Mẹ Đồng Trinh Maria nơi hình tượng này, thể hiện Mẹ ẵm Chúa Giê-su trên tay, cùng với một dây xích bị đứt; nó là một dây xích của tình trạng bị nô lệ và cầm tù. Nguyện xin Mẹ Maria luôn nhìn đến mỗi con người các bạn bằng tình yêu thương của một người mẹ. Nguyện xin Mẹ cầu bầu cho các bạn, để con tim các bạn có thể trải nghiệm được sức mạnh của sự hy vọng một đời sống mới, một đời sống xứng đáng để sống trong tình trạng hoàn toàn tự do và phục vụ anh em.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý]
Copyright – Libreria Editrice Vaticana

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 07/11/2016]

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh của Các Tù Nhân
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh của Các Tù Nhân
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh của Các Tù Nhân
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh của Các Tù Nhân
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh của Các Tù Nhân
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh của Các Tù Nhân
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh của Các Tù Nhân
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh của Các Tù Nhân
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh của Các Tù Nhân