Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

Hội Nghị Biển: Quản lý, Bảo vệ, Bảo tồn và Phục hồi những Môi trường Sinh thái Biển và Ven biển

 
Hội Nghị Biển: Quản lý, Bảo vệ, Bảo tồn và Phục hồi những Môi trường Sinh thái Biển và Ven biển
Đức Hồng y Peter Cardinal Turkson, Khâm sứ và Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc
Trình bày của Hồng y Peter Cardinal Turkson,
Tổng trưởng Thánh Bộ thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện,
Trưởng Phái đoàn Tòa Thánh tại Hội nghị Liên hợp quốc Ủng hộ việc Thi hành SDG 14:
Bảo tồn và Sử dụng Lâu dài Đại dương, Biển và những Tài nguyên Biển cho sự Phát triển Bền vững
Phiên Thảo luận 2:
Quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phục hồi những hệ sinh thái biển và ven biển
New York, 6 tháng Sáu, 2017
Thưa ông Chủ tịch,
Những hoạt động của con người trên các đại dương sẽ có thể gia tăng trong tương lai. Các lộ trình biển sẽ tiếp tục chịu đựng mật độ giao thông đông hơn. Các tuyến đường hàng hải mới sẽ mở ra do những đòi hỏi vận tải lớn hơn trong ngành đánh bắt hải sản, quặng mỏ, thăm dò và khoan dầu và khí đốt tự nhiên. Sẽ diễn ra ngày càng nhiều những thăm dò các nguồn tài nguyên biển cho cả mục đích khoa học và thương mại. Công nghệ cũng sẽ cải tiến, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho việc tiếp cận và sử dụng tốt hơn đối với những nguồn tài nguyên như vậy.
Khi điều này cho thấy một thách đố lớn hơn để làm cho các đại dương, biển và những tài nguyên biển của chúng ta bền vững, nó cũng thể hiện một cơ hội lớn để nâng cao kiến thức và nghiên cứu liên quan đến biển, để phát triển những chiến lược bảo vệ tốt hơn và những kỹ thuật gọn nhẹ để đối lại với sự suy giảm môi trường chẳng hạn như a-xít hóa đại dương, và để cải thiện đời sống của những người lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên biển liên quan đến an ninh lương thực, môi trường sống và phương kế sinh nhai. Mong sao thách đố này được tận dụng để cải thiện những chính sách, luật pháp và quy định của chúng ta và thái độ xây dựng sự thịnh vượng kinh tế và xã hội đi song song với tính bền vững của môi trường.
Phải khuyến khích một thái độ sử dụng những nguồn tài nguyên biển bền vững hơn, hiệu quả hơn ở cấp độ toàn cầu và địa phương, trong khi những tiêu chuẩn ban hành các văn bản dưới luật quốc tế và quốc gia phải thật mạnh để giảm thiểu những hoạt động tàn phá. Ví dụ, đưa ra những ưu đãi thuế, chuyển đổi mục đích những khoản trợ cấp có hại hoặc không hiệu quả, và điều chỉnh những nhu cầu về vốn để khuyến khích các tổ chức tài chính gia tăng việc cho vay vốn cho những đầu tư tốt cho môi trường biển tất cả đều có thể đẩy nhanh những thay đổi về việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phục hồi những hệ sinh thái biển và ven biển.
Chúng ta không thể nói về các hệ sinh thái biển và ven biển mà không xét đến những con người sống ở đó, vì môi trường con người và môi trường tự nhiên phát triển hoặc suy giảm cùng với nhau. Trong Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa), Đức Thánh Cha Phanxico nói về sự cần thiết phải có một “khoa sinh thái học xã hội toàn diện, một khoa thực sự tôn trọng những chiều kích con người và xã hội” [1] của thiên nhiên. “Chúng ta không thể chống lại sự suy giảm môi trường một cách thỏa đáng,” ngài nhấn mạnh, “nếu chúng ta không chú ý đến những nguyên nhân liên quan đến sự suy giảm thuộc con người và xã hội … Ví dụ, sự cạn kiệt những trữ lượng đánh bắt cá đặc biệt làm tổn thương đến những cộng đồng ngư nghiệp nhỏ mà không có những phương thức để thay thế cho các nguồn tài nguyên đó; ô nhiễm nước đặc biệt ảnh hưởng đến người nghèo là những người không thể mua được nước đóng chai; và mực nước biển tăng cao chủ yếu ảnh hưởng đến những người dân bần cùng vùng duyên hải là những người không có nơi nào khác để đi.” [2]
Thưa ông Chủ tịch,
Những cấu trúc quản lý biển hiện tại hầu hết được thiết lập theo từng khu vực dựa trên việc sử dụng, và một khoảng trống tồn tại liên quan đến những cơ quan lãnh đạo với toàn trách nhiệm bảo tồn hay một phần trách nhiệm bảo tồn. Khi chúng ta cân nhắc đến những lỗ hổng pháp luật, những khác biệt giữa sự bảo tồn và tính bền vững phải được giải quyết.
Liên quan đến vấn đề này, Phái đoàn của tôi nhận thấy Liên Hợp quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phục hồi những hệ sinh thái biển và ven biển. Vì vậy, một sự tiếp cận hiệu quả hơn và thống nhất hơn của LHQ là rất cần. Ví dụ, việc mở rộng các điều khoản tham chiếu cho CÁC ĐẠI DƯƠNG CỦA LHQ như là cơ chế liên ngành tại Liên Hợp quốc sẽ là phù hợp nhất.
Xin cảm ơn ông Chủ tịch.
1. Đức Thánh Cha Phanxico, Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa), 137.
2. Đức Thánh Cha Phanxico, Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa), 48.

[Nguồn: holyseemission]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 07/06/2017]
  

Phi hành gia NASA Mike Massimino theo đuổi những giấc mơ khó thực hiện và nhìn thấy vẻ tuyệt mỹ thượng giới xung quanh chúng ta

Phi hành gia NASA Mike Massimino theo đuổi những giấc mơ khó thực hiện và nhìn thấy vẻ tuyệt mỹ thượng giới xung quanh chúng ta

06 tháng Sáu, 2017

Phi hành gia NASA Mike Massimino theo đuổi những giấc mơ khó thực hiện và nhìn thấy vẻ tuyệt mỹ thượng giới xung quanh chúng ta
Lúc còn bé bạn có bao giờ có một ước mơ mà cuối cùng bạn thấy nó là điều kỳ cục và không thể đạt được? Mike Massimino đã có giấc mơ như vậy.
Ngày 20 tháng Bảy, 1969, khi là một cậu bé 6 tuổi lớn lên ở Long Island, New York, cậu theo dõi Neil Armstrong đi bộ trên mặt trăng. Sự hào hứng chiếm trọn tâm hồn cậu, và cậu quyết định trở thành một phi hành gia khi lớn lên.
Tuy nhiên, vài năm sau, sự bất hợp lý của ước mơ đó xúi giục cậu phải từ bỏ, đặc biệt vì cậu sợ độ cao, sợ nước, không thích bóng tối, không thể nhìn rõ v.v..
Nhưng tính bất hợp lý không có nghĩa là không thể. Hôm nay, Mike Massimino là một phi hành gia về hưu của NASA người đã hai lần đi bộ trong không gian, cứu viễn vọng kính Hubble, và thậm chí đã tìm được một tầm nhìn mới về Thiên Chúa và thiên đàng trong giai đoạn này.
Vào năm 1983, sau khi xem bộ phim “The Right Stuff,” đam mê của Massimino tham gia vào chương trình không gian nhen nhóm trở lại. Trong một buổi phỏng vấn của “Christopher Closeup” về quyển hồi ký đoạt giải thưởng Christopher Phi hành gia: hành trình khó thực hiện của một phi hành gia mở khóa những bí mật của vũ trụ,” ông kể lại, “Những ý tưởng căn bản tôi rút ra được từ bộ phim là tình thân giữa các phi hành gia và cảnh nhìn về trái đất. Đó là điều tôi muốn nhiều hơn bất kỳ điều gì.”
Massimino trưởng thành trong môi trường bao quanh bởi ý nghĩa của tình thân đó vì cha của ông là một thanh tra cứu hỏa, ông sống trong “tình anh em, chị em tại sở cứu hỏa.” Mục tiêu cao hơn của tiếng gọi đó cũng nổi lên trong ông: “Lý tưởng của những con người cùng chung sức làm việc thiện với nhau … Không phải là ra ngoài kia rồi cố tìm cách kiếm tiền hoặc tìm kiếm danh tiếng, nhưng cố làm một điều gì đó hữu ích cho xã hội để làm cho thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.”
Từ khi chương trình không gian mở rộng, tạo thêm chỗ trống cho nhiều nhà khoa học và kỹ sư hơn, Massimino, người sẽ tốt nghiệp với văn bằng kỹ sư, vẫn tự hỏi liệu giấc mơ ngày xưa của cậu sẽ có thể trở thành sự thật một ngày nào đó hay không. Nhưng, một sự hòa trộn giữa tính khiêm nhường và thiếu tự tin làm cho cậu không đủ can đảm để có thể trở thành một phi hành gia. “Có rất nhiều người muốn làm công việc này và họ đủ năng lực để làm. Để được chọn vào vị trí, thực sự phải có một yếu tố may mắn mới được.”
Sự may mắn, chăm chỉ làm việc, và lời khuyên hữu ích từ người thầy dày dạn kinh nghiệm thúc đẩy Massimino dấn tới và cuối cùng đưa anh đạt được mục tiêu. Anh được NASA chọn là một ứng viên phi hành gia năm 1996, và bay chuyến đầu tiên vào không gian trên Phi thuyền con thoi Columbia năm 2002, với sứ mạng bảo dưỡng viễn vọng kính Hubble.
Quá hồi hộp với ý nghĩ được rời khỏi những ranh giới của trái đất, nó cũng mang đến nỗi sợ hãi. Massimino nói với tôi, “Ngày mà bạn bay vào không gian, khả năng ở mức độ cao nhất đó sẽ là ngày cuối cùng của bạn. Nó là điều nguy hiểm nhất đối với bạn.”
Trong quyển “Phi hành gia,” Massimino viết rằng trong những tuần cuối cùng trước khi phóng phi thuyền, ông bước từ “một người Công giáo giữ đạo chừng mực” thành “người Công giáo sùng đạo nhất trong tiểu bang Texas.” Những bà con họ hàng người Mỹ gốc Ý của ông bắt đầu gửi tới tấp cho ông những món quà tôn giáo để chuyển tải lời chúc bình an: một tượng nhỏ Mẹ Maria và Chúa Con, “một huy hiệu Thánh Christopher, huy hiệu Thánh Michael, một tấm ảnh Thánh Padre Pio, một trong những thánh giá của Đức Bà Loreto, các tràng chuỗi mân côi, các thiệp cầu nguyện.”
Massimino cũng bắt đầu đi xưng tội thường xuyên hơn vì ông muốn có “một linh hồn thanh sạch.” Và là một người chồng và người cha của hai đứa con, ông cũng nhìn đến gia đình với một ý nghĩa sâu sắc hơn bao giờ hết về sự yêu thương và trân trọng.
Thật vui mừng, mọi việc diễn ra tốt đẹp, không chỉ với việc phóng phi thuyền nhưng cả với sứ mạng sửa chữa viễn vọng kính Hubble. Trách nhiệm của một dự án quan trọng như vậy đè nặng trên Massimino: “Chúng tôi đứng ngay trên lằn ranh có thể phá hủy tất cả, Tony. Bàn chân của tôi đặt sai vị trí có thể phá vỡ toàn bộ viễn vọng kính … Hubble không chỉ dành cho các nhà khoa học thu thập dữ liệu rồi xuất bản trên báo; nó mở ra những bí mật của vũ trụ. Nó cho chúng ta thấy những gì ở ngoài kia, sự kỳ diệu của vũ trụ và tạo vật mà chúng ta không thể tiếp cận. Hubble cho phép chúng ta đến được với những khám phá kỳ diệu này. Những vấn đề như sự tồn tại của các lỗ đen, các hành tinh và những thái dương hệ khác, năng lượng đen, vật chất đen, kích thước và tuổi của vũ trụ … Ngay cả nếu bạn không có sự trân trọng bất kỳ điều gì trong đó, bạn chỉ cần nhìn những bức ảnh tuyệt mỹ của mọi vật ngoài kia, vũ trụ quá đẹp.”
Quang cảnh trong những lần đi bộ ngoài không gian có một ảnh hưởng lớn về tâm linh đối với Massimino. Nhìn thấy các ngôi sao và mặt trăng và sự bao la của vũ trụ là một sự kinh hoàng, nhưng nhìn về Trái đất từ một khoảng cách lớn như vậy làm cho ông so sánh nó với “cái nhìn từ trời xuống.”
Ông kết luận, “Lúc đó, một ý nghĩ khác đến với tôi liên quan đến đức tin rằng là một người cha, là cha mẹ, chúng ta phải cố gắng tạo ra cho gia đình một mái nhà xinh đẹp và một môi trường tốt lành để lớn lên. Khi tôi nhìn thấy hành tinh quê hương của chúng ta, tôi nghĩ Thiên Chúa Cha của chúng ta yêu chúng ta quá đỗi đến mức đã ban cho chúng ta một nơi quá đẹp như vậy để sinh sống. Tôi thực sự tin rằng chúng ta đang sống trong một thiên đàng. Tôi cố lắm cũng có thể tưởng tượng thiên đàng như thế nào, nhưng tôi không thể tưởng tượng bất kỳ bất cứ điều gì đẹp hơn hành tinh của chúng ta và tôi nghĩ chúng ta thực sự phải biết trân trọng những gì chúng ta có … Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải biết trân trọng những gì chúng ta có ở xung quanh chúng ta và biết trân trọng những buổi hoàng hôn và bình minh và những đàn chim và những loài động vật, và gia đình của chúng ta và tất cả mọi điều xung quanh chúng ta vì thật sự có quá nhiều những cái đẹp.”

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 07/06/2017]