Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ đau buồn sau khi Hagia Sophia được tuyên bố là một Đền thờ Hồi giáo

Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ đau buồn sau khi Hagia Sophia được tuyên bố là một Đền thờ Hồi giáo
Đức Thánh Cha Phanxico và Tổng thống Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ kỳ trong Thành Vatican City ngày 5 tháng Hai năm 2018. (Vatican Media.)

12 tháng Bảy, 2020

Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ đau buồn sau khi Hagia Sophia được tuyên bố là một Đền thờ Hồi giáo

Ý kiến của Đức Thánh Cha tiếp theo sau các bài viết trên các phương tiện truyền thông Kitô giáo Chính thống đặt câu hỏi tại sao Vatican không có bình luận về quyết định này.

Catholic News Agency
THÀNH VATICAN — Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ đau buồn của ngài hôm Chúa nhật theo sau quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ chuyển đổi nhà thờ chính tòa Hagia Sophia trước đây của Giáo hội Chính thống thành một đền thờ Hồi giáo.

Trong phần bình luận ứng khẩu sau giờ đọc Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng ngày 12 tháng Bảy là Chủ nhật Biển, là thời gian Giáo hội hoàn vũ cầu nguyện cho những người đi biển.

“Và biển đưa tôi đi xa hơn một chút trong những suy nghĩ: về Istanbul. Tôi nghĩ đến Hagia Sophia, và tôi rất buồn,” ngài nói, theo một bản dịch không chính thức được Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cung cấp.

Đức Giáo hoàng dường như đề cập đến quyết định của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã ký sắc lệnh ngày 10 tháng Bảy, biến tòa lâu đài của thế kỷ thứ sáu thành nơi thờ phụng của Hồi giáo.

Sắc lệnh của tổng thống đã được ký trong vòng ít giờ sau phán quyết của tòa án vào thứ Sáu, trong đó tuyên bố rằng một nghị định của chính phủ 80 năm trước là bất hợp pháp khi nó chuyển đổi tòa nhà từ đền thờ Hồi giáo thành một bảo tàng.

Ý kiến của Đức Thánh Cha tiếp theo sau các bài viết trên những phương tiện truyền thông Kitô giáo Chính thống đặt câu hỏi tại sao Vatican không có bình luận về quyết định này.

Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew của Constantinople, vị lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống Đông phương, đã nói rằng tình trạng là một bảo tàng trước đây của tòa nhà làm cho nó trở thành “nơi biểu tượng của sự gặp gỡ, đối thoại, đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa Kitô giáo và Hồi giáo.”

Trong một bài giảng ngày 30 tháng Sáu, ngài nói rằng Hagia Sophia, một di sản thế giới của UNESCO, “không chỉ thuộc về những người sở hữu nó trong hiện tại, nhưng thuộc về cả nhân loại.”


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/7/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico nói về những khả năng trong dụ ngôn về người gieo hạt

Đức Thánh Cha Phanxico nói về những khả năng trong dụ ngôn về người gieo hạt
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico nói về những khả năng trong dụ ngôn về người gieo hạt

Là ‘mẹ’ của tất cả các dụ ngôn

12 tháng Bảy, 2020 13:01
 
Trong huấn từ Kinh Truyền tin ngày 12 tháng Bảy, 2020, Đức Thánh Cha Phanxico suy tư về bài tin mừng trong ngày, dụ ngôn nổi tiếng về người gieo giống. Quả thật, ngài nói rằng dụ ngôn đó có thể là “mẹ” của các dụ ngôn.

Nói với đám đông “giãn cách xã hội” trong Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nhắc lại những loại đất khác nhau mà hạt giống rơi xuống và cách chúng mô tả thái độ của con người nghe và đón nhận Lời Chúa. Chúng ta có phải là đất sỏi đá, đất bên vệ đường, đất gai góc, hay đất tốt?

Đức Thánh Cha cảnh báo, “Chúng ta thường bị phân tán bởi quá nhiều sự đam mê, bởi quá nhiều cám dỗ, và rất khó để phân biệt trong số nhiều giọng nói và tiếng nói, đâu là tiếng của Thiên Chúa, lời duy nhất làm cho chúng ta trở nên tự do. Đây là lý do cho thấy điều quan trọng là phải tập thói quen lắng nghe Lời Chúa, đọc Lời Chúa. Và cha quay lại với lời khuyên: luôn giữ bên mình một quyển sách Tin mừng, quyển Tin mừng bỏ túi, để trong túi áo, trong túi xách … và mỗi ngày đọc một đoạn ngắn, để anh chị em có thói quen đọc Lời Chúa, hiểu rõ về hạt giống mà Chúa tặng ban cho anh chị em, và suy nghĩ về loại đất đón nhận hạt giống đó.”


Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (bản tiếng Anh):

Anh chị em thân mến,

Chào anh chị em!

Trong Tin mừng Chúa nhật tuần này (x. Mt 13:1-23), Chúa Giêsu trình bày cho đám đông một Dụ ngôn – dụ ngôn mà tất cả chúng ta đều biết rõ – dụ ngôn về người gieo hạt, người gieo hạt trên bốn loại đất khác nhau. Lời Chúa, được tượng trưng bởi những hạt giống không phải là Lời trừu tượng mà là chính Đức Kitô, Lời của Chúa Cha trở thành nhục thể trong lòng Mẹ Maria. Vì thế, ôm lấy Lời của Chúa có nghĩa là ôm lấy con người của Đức Kitô; chính Đức Kitô.

Có nhiều cách để đón nhận Lời Chúa. Chúng ta có thể đón nhận như đường đi, nơi chim chóc ngay lập tức sà xuống và ăn mất hạt giống. Đây là sự phân tán, một mối nguy hiểm rất lớn của thời đại chúng ta. Bị bủa vây bởi những chuyện rỉ tai, bởi nhiều hệ tư tưởng, bởi những cơ hội liên tiếp bị phân tán trong và ngoài nhà, chúng ta có thể đánh mất giá trị của sự thinh lặng, của sự suy tư, của sự đối thoại với Chúa, đến mức chúng ta có nguy cơ đánh mất niềm tin, không đón nhận được Lời Chúa, vì chúng ta nhìn thấy mọi thứ, bị phân tán bởi mọi thứ, bởi những điều thuộc thế gian.

Một khả năng khác: chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa giống như đất sỏi đá, chỉ có một chút đất. Ở đó hạt giống nảy mầm nhanh chóng, nhưng chúng ngay lập tức héo úa, vì chúng không thể đâm rễ sâu. Đây là hình ảnh của những người đón nhận Lời Chúa với sự nhiệt tình nhất thời, nó chỉ lưu lại một cách hời hợt; nó không thấm đẫm được Lời Chúa. Do đó, khi gặp khó khăn đầu tiên, chẳng hạn sự bất an hoặc lo âu của cuộc sống, thì đức tin còn non yếu đó tan vỡ, giống như hạt giống héo tàn khi rơi vào giữa sỏi đá.

Và một khả năng thứ ba mà Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn – chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa giống như mảnh đất có những bụi gai mọc lên. Và những bụi gai đó là bề ngoài giả dối của tiền bạc, sự thành công, những lo toan trần thế … Ở đất đó, Lời phát triển được một chút, nhưng bị chèn ép, nó không khỏe mạnh được, và nó chết hoặc không trổ sinh hoa trái.

Cuối cùng – khả năng thứ tư – chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa giống như đất tốt. Ở đây, và chỉ có ở đây thì hạt giống đâm rễ sâu và sinh hoa kết trái. Hạt giống rơi xuống trên đất màu mỡ này tượng trưng cho những người nghe Lời Chúa, ôm lấy Lời Chúa, gìn giữ Lời Chúa trong lòng, và đem ra thực hành mỗi ngày.

Dụ ngôn Người gieo giống này phần nào đó là ‘mẹ’ của tất cả các dụ ngôn, vì nó nói về việc lắng nghe Lời Chúa. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Lời Chúa là hạt giống tốt và đầy kết quả tốt; và Chúa gieo hạt giống khắp nơi, chẳng quan tâm đến sự lãng phí. Tấm lòng của Chúa là như vậy! Mỗi người chúng ta là mảnh đất trên đó hạt giống của Lời Chúa rơi xuống; chẳng ai bị loại trừ! Lời Chúa được trao tặng cho mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi thuộc loại đất nào? Tôi có giống như đường đi, như đất sỏi đá, như bụi gai? Nhưng nếu chúng ta muốn, chúng ta có thể trở thành đất tốt, được gieo hạt và chăm bón cẩn thận, để giúp hạt giống Lời Chúa chín mọng. Hạt đó đã hiện hữu trong tâm hồn chúng ta, nhưng làm cho nó sinh hoa kết trái còn tùy thuộc vào chúng ta; nó tùy thuộc vào cái ôm của chúng ta dành cho hạt giống này.

Chúng ta thường bị phân tán bởi quá nhiều sự đam mê, bởi quá nhiều cám dỗ, và rất khó để phân biệt giữa nhiều giọng nói và tiếng nói, đâu là của Thiên Chúa, lời duy nhất làm cho chúng ta trở nên tự do. Đây là lý do cho thấy điều quan trọng là phải tập thói quen lắng nghe Lời Chúa, đọc Lời Chúa. Và cha quay trở lại với lời khuyên: luôn giữ bên mình một quyển sách Tin mừng, quyển Tin mừng bỏ túi, để trong túi áo, trong túi xách … và mỗi ngày đọc một đoạn ngắn, để anh chị em có thói quen đọc Lời Chúa, hiểu rõ về hạt giống mà Chúa tặng ban cho anh chị em, và suy nghĩ về loại đất đón nhận hạt giống đó.

Xin Mẹ Maria Đồng trinh, mẫu gương hoàn hảo của đất tốt và màu mỡ, qua sự chuyển cầu của Mẹ giúp chúng ta trở thành mảnh đất luôn sẵn sàng và không có gai hoặc sỏi đá, để chúng ta có thể sinh hoa kết trái tốt lành cho chính chúng ta và cho anh chị em của chúng ta.

______________________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Ngày Chủ nhật Biển rơi và Chúa nhật thứ hai của tháng Bảy này. Tôi xin gửi lời chào trân trọng đến tất cả anh chị em làm việc trên biển, đặc biệt những người đang phải xa cách với người thân yêu và đất nước của họ. Tôi xin chào tất cả anh chị em tập trung tham dự Thánh Lễ sáng nay tại cảng Civitavecchia-Tarquinia.

Và biển đưa tôi đi xa hơn một chút trong những suy nghĩ: về Istanbul. Tôi nghĩ đến Hagia Sophia, và tôi rất buồn.

Cha xin chào tất cả anh chị em, tín hữu từ Roma và anh chị em hành hương từ những quốc gia khác nhau, đặc biệt là các gia đình từ Phong trào Focolari. Cha gửi lời chào với lòng tri ân các đại diện của Mục vụ Sức khỏe của Giáo phận Roma, suy nghĩ đến nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân là những người đã, và đang ở bên cạnh các bệnh nhân, trong thời gian đại dịch. Cảm ơn! Cảm ơn về những gì anh chị em đã làm, và những gì anh chị em đang làm. Cảm ơn anh chị em!

Và cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/7/2020]