Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Cha Primo Mazzolari: ngôn sứ của một bước đi ‘quá xa’

Cha Primo Mazzolari: ngôn sứ của một bước đi ‘quá xa’

Tiểu sử của tôi tớ Chúa, Primo Mazzolari, nhân chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxico đến Bozzolo
19 tháng Sáu, 2017
Cha Primo Mazzolari: ngôn sứ của một bước đi ‘quá xa’
Bozzolo, San Pietro / Wikimedia Commons - Massimo Telò, CC BY-SA 3.0
Thứ Ba, ngày 20 tháng Sáu, 2017, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ đến thăm Bozzolo, ở Italy. Ngài sẽ dừng chân cầu nguyện tại mộ của Cha Primo Mazzolari trong nhà thờ giáo xứ.
Nhân dịp này, chúng tôi có tiểu sử vắn tắt những chặng quan trọng nhất trong cuộc đời của linh mục, “bạn của người nghèo,” người mà Đức Phao-lô VI mô tả như là ngôn sứ của một bước đi “quá xa.”
Theo bài viết của Paolo delli Carri cho trang piemontesacro.it, cha Primo Mazzolari sinh ngày 13 tháng Một năm 1890 ở Boschetto, thuộc tỉnh Cremona, trong một gia đình nông dân. Ngài cảm nhận và đi theo ơn gọi linh mục rất sớm, đến mức khi ngài mới 10 tuổi ngài đã vào Tiểu Chủng viện Cremona, và ngài ở đây cho đến khi được Tiến chức linh mục ngày 24 tháng Tám năm 1912.
Vị linh mục trẻ được bổ nhiệm làm cha xứ Spinadesco, sau đó cha bất ngờ được gọi về Tiểu Chủng viện Cremona, để dạy môn Văn chương.
Lúc đó, Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ và Cha Primo ngay lập tức chống lại “trạng thái tâm lý” quân phiệt của người Đức.
Chiến sự đánh dấu cha là một người đàn ông và cũng là một linh mục. Cha hiểu rằng phải tìm kiếm hòa bình bằng bất cứ giá nào, đến mức cha thường xuyên nói rằng: “Nếu như nói với chúng tôi rằng có những cuộc chiến công bằng và có những cuộc chiến bất công, thì các nhà thần học đã dạy chúng ta rằng chúng ta không được giết người vì bất kỳ lý do gì, rằng sự tàn sát luôn luôn là vô ích, và nếu họ đã huấn luyện chúng ta theo một con đường ngược lại rất rõ ràng, đúng đắn và can đảm, thì thay vì để chúng tôi ở tiền tuyến, chúng tôi thà trở về những quảng trường.”
Cha rời quân đội năm 1920 và được bổ nhiệm làm cha xứ ở Bozzolo, thuộc tỉnh Mantua. Hai năm sau cha được chuyển đến làm cha sở tại Cicognara, suốt 10 năm ở đây, cha thể hiện phong cách như một “linh mục của xã hội,” tổ chức lớp học tối cho các nông dân và mở một thư viện. Năm 1932 cha được bổ nhiệm làm cha sở ở Bozzolo.
Trong suốt thời gian này cha viết nhiều tác phẩm, nhiều tác phẩm trong số đó bị ngăn cản bởi Văn phòng Giáo quyền và Chính quyền Phát-xít.
Sự chống đối của cha với Chủ nghĩa Phát-xít, đã bắt đầu thậm chí trước cuộc tuần hành ở Roma, được thấy qua những phần quan trọng: cha không muốn hát bài Te Deum cho cuộc tấn công đẩy lui Mussolini; cha không muốn bỏ phiếu cho một danh sách chỉ có phe Phát-xít, chọc tức sự phẫn nộ của nhóm quân đội đã nổ ba phát đạn vào cửa sổ nhà ngài, nhưng không làm cha bị thương.
Sự chống đối của cha Primo nhắm vào tất cả, kể cả giới giáo sĩ “có hơi nghiêng” đến hoạt động có hướng độc tài Phát-xít. Năm 1824 cha viết: “Tôi cảm thấy trách nhiệm của tôi phải tuyên bố một cách công khai sự quan tâm đến những người bị áp bức.”
Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa Phát-xít và trung thành với sự Đối kháng, cha bị buộc phải sống dưới lòng đất cho đến ngày giải phóng.
Năm 1949, cha thành lập tạp chí “Adesso,” xuất bản định kỳ cho đến năm 1951, khi đó cha bị “treo chén” theo yêu cầu của Tòa Thánh.
Trong số nhiều bài viết của cha, một tác phẩm nặc danh xuất bản năm 1955 Bạn không được giết người. Luận thuyết của cha Primo nhấn mạnh rằng sự cần thiết phải có hòa bình phải cắm rễ thật chặt vào đời sống của một Ki-tô hữu, và không được để một chỗ nào cho bạo lực. Cha viết: “Từ đó những khác biệt sẽ nổi lên giữa những cuộc chiến công bằng và bất công, phòng thủ và phòng ngừa, phản động và cách mạng. Mọi cuộc chiến đều là sự tàn sát, là sự sỉ nhục đối với Thiên Chúa và con người.”
Đức Hồng y Montini, là Giáo hoàng Phao-lô VI tương lai, gọi ngài đến giảng tại Milan năm 1957. Chính Đức Giáo hoàng Montini, nói về Cha như sau: “Bước đi của cha là một bước đi quá xa và chúng ta cố giữ cha lại một chút. Vì vậy mà cha đau khổ, và chúng ta cũng vậy. Đây là vận số của các ngôn sứ.”
Với triều đại của Đức Gio-an XXIII, “tư tưởng hiện đại” của Cha Mazzolari tìm được một mảnh đất màu mỡ, làm cho ngài trở thành “người loan báo” cho những cải tổ của Công đồng Vatican II. Đức Hồng y Roncalli và Đức Hồng y Montini chào đón cha Primo, ngài luôn để vị trí đầu tiên cho Lời của Chúa. Điều này quá quen thuộc với cha đến mức, khi trở thành Giáo hoàng, Đức Roncalli mô tả cha như là “kèn trumpet của Chúa Thánh Thần.”
Cha Primo Mazzolari, vị linh mục xứ đơn sơ cho những người đơn sơ, qua đời ngày 12 tháng Tư năm 1959, trong nhà dưỡng già “Thánh Camillus” ở Cremona.
Năm 2015 án phong Chân phước cho cha được chính thức mở.
Sau đây là một số tác phẩm của ngài: The Most Beautiful Adventure (Cuộc phiêu lưu đẹp nhất) (1934); The Samaritan (Người Sa-ma-ri) (1938); The Estranged (Người ly thân) (1938); Between the Embankment and the Forest (Giữa bờ đê và khu rừng) (1938); Time to Believe (1941); Commitment to Christ (Cam kết với Đức Ki-tô) (1943).
Những người bạn của ngài gồm: Nhà sáng lập Cộng đoàn Nomadelfia, Cha Zeno Saltini; Linh mục thi sĩ David Maria Turoldo; thị trưởng thành Florence Giorgio La Pira và nhà văn Luigi Santucci.
Nguồn: Paolo delli Carri per piemontesacro.it

[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 20/06/2017]


TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Các Thánh, những chứng nhân và bạn của niềm hy vọng

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Các Thánh, những chứng nhân và bạn của niềm hy vọng

‘Chúng ta có thể nên Thánh vì Chúa giúp chúng ta; chính Người giúp chúng ta’
21 tháng Sáu, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Các Thánh, những chứng nhân và bạn của niềm hy vọng
Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9.10 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, nơi Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu đến từ Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha suy tư về chủ đề: “Các Thánh, những chứng nhân và bạn của niềm hy vọng” (x. Heb. 11:40-12,2a).
Sau phần tóm tắt bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong ngày Rửa tội của chúng ta, lời khẩn cầu của các Thánh lại vang lên cho chúng ta. Trong giây phút đó chúng ta là những đứa trẻ, được bồng ẵm trên tay của cha mẹ. Ngay trước khi thực hiện phép xức dầu gia nhập hội thánh, biểu tượng của sức mạnh của Thiên Chúa chống lại ác tà, vị linh mục mời gọi mọi người cầu nguyện cho người chuẩn bị chịu phép Rửa, khẩn cầu sự can thiệp của các Thánh. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta được tặng quà bởi nhóm các anh chị “lớn tuổi” hơn chúng ta — các Thánh — những vị đã đi qua cùng con đường của chúng ta, các ngài biết được những vất vả cực nhọc của chúng ta và mãi mãi sống trong vòng tay ôm ấp của Thiên Chúa. Thư gửi tín hữu Do thái mô tả nhóm hỗ trợ này ở xung quanh chúng ta bằng cụm từ “vô số những chứng nhân” (12,[1]). Vì thế các Thánh là: vô số những chứng nhân.
Cuộc chiến chống lại ác tà, chúng ta những người Ki-tô hữu không tuyệt vọng. Ki-tô giáo gieo trồng một sự tin tưởng không thể lay chuyển; nó không tin rằng những sức mạnh của cái xấu và chia rẽ có thể thắng thế. Câu nói cuối cùng của lịch sử con người không phải là lòng thù hận, nó không phải cái chết, không phải chiến tranh. Trong mọi giây phút của cuộc đời chúng ta được giúp đỡ bởi bàn tay của Thiên Chúa và bởi sự hiện hữu kín đáo của tất cả những tín hữu đã “đi trước chúng ta với dấu chỉ của đức tin” (Giáo luật Roma). Sự hiện hữu của các ngài trước hết kể cho chúng ta biết rằng đời sống của người Ki-tô hữu không phải là một lý tưởng hão huyền. Và đồng thời, nó an ủi chúng ta: chúng ta không cô đơn, Giáo hội được xây dựng bởi muôn vàn anh chị em, thường là vô danh, những người đã đi trước chúng ta, và nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, họ vẫn can dự vào công việc với những người còn đang ở dưới thế.
Sự can thiệp của các Thánh trong ngày Rửa tội không phải là lần duy nhất đánh dấu con đường của đời sống Ki-tô hữu. Khi một đôi hôn nhân thánh hiến tình yêu của họ trong Bí tích Hôn phối, lại một lần nữa cầu bầu cho họ — lần này là một đôi – đó là sự can thiệp của các Thánh. Và sự cầu bầu này là nguồn vững tin cho hai bạn trẻ bắt đầu “hành trình” đời sống vợ chồng. Một người yêu thương thực sự mang khát khao và can đảm nói lên lời “mãi mãi,” – “mãi mãi” — nhưng biết rằng người đó cần phải có ơn sủng của Đức Ki-tô và sự trợ giúp của các Thánh, để có thể sống được đời sống vợ chồng mãi mãi. Không phải như một số người nói: “Cho đến khi nào còn yêu.” Không: là mãi mãi! Nếu không, thà họ đừng kết hôn còn tốt hơn – hoặc là mãi mãi hoặc là không. Vì thế, trong nghi thức hôn phối chúng ta khẩn cầu sự hiện diện của các thánh. Và trong những lúc khó khăn, chúng ta cần phải có lòng can đảm hướng mắt nhìn về Trời, nghĩ đến rất nhiều những Ki-tô hữu đã phải trải qua đau khổ và luôn giữ cho áo rửa tội của họ được tinh sạch, giặt nó trong Máu của Con Chiên (x. Kh 7:14): đó là Lời của sách Khải huyền. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta: mỗi khi chúng ta thiếu thốn liền có một trong các Thiên Thần của Ngài đến giúp chúng ta đứng dậy và chuyển sự an ủi đến cho chúng ta — “Thiên Thần” đôi lúc với một khuôn mặt và trái tim của con người, vì các Thánh của Chúa luôn luôn ở đây, ẩn giữa chúng ta. Điều này rất khó hiểu và khó hình dung, nhưng các Thánh hiện diện trong đời sống của chúng ta. Và khi một người cầu khẩn một vị Thánh đó chính là vì vị Thánh đó đang ở bên chúng ta.
Các linh mục cũng giữ một ký ức về sự can thiệp của các Thánh trên họ. Đó là một trong những giây phút xúc động nhất trong nghi thức Tiến chức. Ứng viên nằm trên mặt nền và úp mặt xuống đất. Và toàn thể cộng đoàn, chủ xướng là Đức Giám mục, khẩn cầu sự can thiệp của các Thánh. Một con người có thể bị đè bẹp dưới sức nặng của sứ vụ được trao phó, nhưng khi nghe biết rằng toàn thể Thiên đàng đang hỗ trợ đàng sau người ấy, và ơn sủng của Thiên Chúa luôn dư tràn vì Chúa Giê-su luôn tín trung, người đó liền bình tâm và phấn khởi. Chúng ta không cô đơn.
Và chúng ta là gì? Chúng ta là bụi tro khao khát Nước Trời. Sức mạnh của chúng ta rất yếu, nhưng mầu nhiệm của ơn sủng hiện hữu trong đời sống của người Ki-tô hữu thì vô cùng mạnh mẽ. Chúng ta trung thành với trần gian này, nơi mà Chúa Giê-su yêu từng giây của cuộc sống của Ngài, nhưng chúng ta biết và hy vọng vào sự biến đổi của thế giới, vào sự viên mãn sau cùng nơi không còn nước mắt, sự ác và đau khổ nữa.
Nguyện xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta sự hy vọng được nên Thánh. Tuy nhiên, có thể một trong anh chị em hỏi tôi: “Thưa cha, chúng ta có thể trở nên thánh mỗi ngày được không?” Được, chúng ta có thể. “Nhưng như thế có nghĩa chúng ta phải cầu nguyện suốt ngày không?” Không, nó có nghĩa là chúng ta phải chu toàn bổn phận của chúng ta trong ngày, cầu nguyện, đi làm, chăm sóc con cái. Tuy nhiên, mọi việc phải được làm với tâm hồn rộng mở ra với Thiên Chúa, để công việc – cả trong những khi bệnh tật và đau khổ, cả trong những lúc khó khăn – được hướng tới Thiên Chúa, và từ đó chúng ta có thể nên thánh. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sự hy vọng nên Thánh. Chúng ta không được nghĩ đó là một điều khó khăn, rằng phạm tội thì dễ hơn làm thánh! Không. Chúng ta có thể nên Thánh vì có Chúa giúp chúng ta; chính Người giúp chúng ta.
Đó là một món quà lớn mà mỗi người chúng ta có thể tặng cho thế giới. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sủng tin tưởng mạnh mẽ nơi Người để chúng ta trở thành hình ảnh của Đức Ki-tô trên trần gian này. Lịch sử của chúng ta đang cần có những “nhà thần bí”: những người từ chối mọi sự thống trị, khát khao bác ái và huynh đệ; những người sống chấp nhận một phần đau khổ, vì họ nhận lấy đau khổ của người khác. Tuy nhiên, không có những con người này thì trần gian không có hy vọng. Vì vậy, tôi mong rằng – và cũng là mong cho chính bản thân tôi – rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng nên Thánh.
Cảm ơn anh chị em!
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/06/2017]