Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 31 tháng 7, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 31 tháng 7, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 31 tháng Bảy, 2022

___________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trong Tin Mừng của phụng vụ hôm nay, có một người đưa ra lời thỉnh cầu này với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi” (Lc 12:13). Đây là một tình huống rất thường xảy ra. Những vấn đề tương tự vẫn còn phổ biến. Không biết bao nhiêu anh chị em, không biết bao nhiêu thành viên trong cùng một gia đình, thật đáng buồn đã cãi nhau về tài sản thừa kế, có thể không bao giờ nói với nhau câu nào!

Trả lời cho người đó, Chúa Giêsu không giải đáp những chi tiết cụ thể, nhưng đi vào gốc rễ của sự chia rẽ do việc sở hữu của cải. Ngài nói thật rõ ràng: “phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (câu 15). “Phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”. Lòng tham là gì? Đó là sự thèm khát của cải không kiềm chế được, luôn khao khát sự giàu có. Đây là một căn bệnh phá hủy con người, bởi vì sự thèm khát của cải tạo ra cơn nghiện. Trước hết, những người có nhiều tiền của không bao giờ thỏa mãn, họ luôn muốn nhiều hơn, và chỉ muốn cho bản thân họ. Nhưng theo con đường này, người đó không còn tự do: người đó bị trói buộc, trở thành nô lệ của một điều đáng lẽ là phục vụ họ để được sống tự do và thanh thản. Thay vì được đồng tiền phục vụ, người đó trở thành tôi tớ của tiền. Lòng tham cũng là một căn bệnh nguy hiểm cho xã hội – do lòng tham mà ngày nay chúng ta đã tiến đến những nghịch lý khác: một sự bất công chưa từng thấy trong lịch sử, trong đó một số ít người có quá nhiều và rất nhiều người có quá ít hoặc không có gì. Chúng ta cũng hãy xét các cuộc chiến tranh và xung đột. Sự thèm khát tài nguyên và của cải hầu như luôn ẩn sau chúng. Không biết bao lợi lộc đứng đằng sau cuộc chiến! Chắc chắn, một trong những lợi lộc đó là buôn bán vũ khí. Sự buôn bán này là một điều ô nhục mà chúng ta đừng bao giờ đầu hàng.

Hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết rằng trung tâm của tất cả những điều này không chỉ là một số người có quyền lực, hoặc một số hệ thống kinh tế nhất định. Trung tâm là lòng tham trong tâm hồn của mọi người. Do đó, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: Tôi đang ở đâu trong mối ràng buộc với tài sản, với của cải? Tôi có phàn nàn về những gì tôi thiếu, hay tôi biết cách bằng lòng với những gì mình đang có? Nhân danh tiền bạc hoặc cơ hội, tôi có bị cám dỗ hy sinh các mối quan hệ và hy sinh thời gian cho người khác không? Và một lần nữa, liệu tôi có hy sinh tính hợp pháp và tính lương thiện trên bàn thờ của lòng tham hay không? Tôi dùng chữ “bàn thờ”, bàn thờ của lòng tham, nhưng tại sao tôi lại dùng chữ bàn thờ? Bởi vì của cải vật chất, tiền bạc, sự giàu có, có thể trở thành một sự sùng bái, một sự sùng bái ngẫu tượng thật sự. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta bằng những lời rất mạnh mẽ. Ngài nói, ngươi không thể làm tôi hai chủ, và – chúng ta phải cẩn thận – Ngài không nói về Thiên Chúa và ma quỷ, không, thậm chí không nói đến người tốt và kẻ xấu, nhưng là Thiên Chúa và của cải (x. Lc 16:13). Chúng ta có thể đoán chừng rằng Ngài sẽ nói bạn không thể làm tôi hai chủ là Thiên Chúa và ma quỷ, không: Thiên Chúa và của cải. Của cải là để phục vụ chúng ta, được; còn phục vụ của cải thì không – đó là sự sùng bái ngẫu tượng, đó là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa.

Như vậy, chúng ta có thể cho rằng không ai được ước muốn làm giàu? Chắc chắn là bạn có thể; hơn nữa ước muốn làm giàu là đúng. Thật tuyệt vời khi trở nên giàu có, nhưng là giàu có trước mặt Thiên Chúa! Chúa là người giàu nhất trên tất cả. Ngài giàu lượng từ bi, giàu lòng thương xót. Sự giàu có của Ngài không làm nghèo bất kỳ ai, không tạo ra những cuộc cãi vã và những chia rẽ. Đó là sự giàu có biết cho đi, biết phân phát, biết chia sẻ. Thưa anh chị em, tích lũy của cải vật chất là không đủ để sống hạnh phúc, vì như Chúa Giêsu nói rằng mạng sống không được bảo đảm trong những gì người ta sở hữu (x. Lc 12:15). Thay vào đó, nó phụ thuộc vào các mối quan hệ tốt – với Thiên Chúa, với tha nhân, và thậm chí với những người có ít hơn. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: Với tôi, tôi muốn làm giàu theo cách nào? Tôi muốn làm giàu trước mặt Thiên Chúa hay theo lòng tham? Và, quay lại chủ đề thừa kế, tôi muốn để lại gia sản gì? Tiền trong ngân hàng, của cải vật chất, hay những con người hạnh phúc xung quanh tôi, những công việc tốt lành không bị lãng quên, những con người tôi đã giúp đỡ để lớn lên và trưởng thành?

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta hiểu được của cải thật sự của sự sống là gì, của cải tồn tại mãi mãi.

____________________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Sáng hôm qua, tôi trở về Roma sau chuyến tông du sáu ngày đến Canada. Tôi dự định sẽ nói về chuyến đi trong buổi Tiếp kiến Chung vào thứ Tư tới đây. Nhưng bây giờ tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả những anh chị em đã giúp cho cuộc hành hương sám hối này được thực hiện, từ các Nhà hữu trách Dân sự, các vị Tù trưởng của các Dân tộc Bản địa, và các Giám mục Canada. Tôi chân thành cảm ơn tất cả anh chị em đã đồng hành cùng tôi trong lời cầu nguyện. Cảm ơn tất cả anh chị em!

Ngoài ra, cũng trong chuyến đi này, tôi vẫn không ngừng cầu nguyện cho người dân Ukraine đang bị đau khổ và hành hạ, xin Chúa giải thoát họ khỏi thảm họa chiến tranh. Nếu người ta nhìn vào những gì đang xảy ra dưới con mắt khách quan, cân nhắc đến tác hại mà chiến tranh mang lại mỗi ngày cho những người dân đó, và thậm chí cho toàn thế giới, thì thấy rằng điều hợp lý duy nhất cần phải làm là dừng lại và đàm phán. Cầu mong sự khôn ngoan truyền cảm hứng cho những bước đi cụ thể hướng tới hòa bình.

Tôi xin gửi lời chào đến anh chị em người Roma và người hành hương. Xin gửi lời chào đặc biệt đến các tập sinh của Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu sắp sửa tuyên khấn lần đầu; nhóm Công giáo Tiến hành đến từ Barletta; các bạn trẻ đến từ Giáo phận Verona; thanh thiếu niên nam nữ của Unità pastoral “Pieve di Scandiano”; và nhóm “Gonzaga” đến từ Carimate, Montesolaro, Figino và Novedrate, đã bộ hành qua Via Francigena.

Nhân ngày lễ Thánh Inhaxiô thành Loyola, tôi xin gửi lời chào đến các tu sĩ Dòng Tên của tôi. Hãy tiếp tục tiến bước cách nhiệt thành và hân hoan trong việc phục vụ Chúa. Hãy can đảm!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/8/2022]


Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Canada – Nghi thức chào đón, thăm xã giao Toàn quyền Canada, gặp gỡ Thủ tướng và các giới chức chính quyền dân sự, đại diện các dân tộc bản địa và Ngoại giao đoàn tại lâu đài Citadelle de Québec, 27.07. 2022

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Canada – Nghi thức chào đón, thăm xã giao Toàn quyền Canada, gặp gỡ Thủ tướng và các giới chức chính quyền dân sự, đại diện các dân tộc bản địa và Ngoại giao đoàn tại lâu đài Citadelle de Québec, 27.07. 2022

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Canada – Nghi thức chào đón, thăm ngoại giao Toàn quyền Canada, gặp gỡ Thủ tướng và các giới chức chính quyền dân sự, đại diện các dân tộc bản địa và Ngoại giao đoàn tại lâu đài Citadelle de Québec, 27.07. 2022

*******

Nghi thức chào đón tại lâu đài Citadelle de Québec

Sáng nay, sau khi dâng Lễ riêng và tạm biệt ban nhân viên tại Chủng viện Thánh Giuse, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe hơi đến Sân bay Quốc tế Edmonton, vào lúc 9 giờ 10 (17 giờ 10 Roma), ngài khởi hành trên chuyến bay A330/ITA Airways, hướng về Québec.

Khi đến nơi lúc 14 giờ 23 (20.43 giờ Roma), ngài được một số giới chức chính quyền địa phương tiếp đón và di chuyển bằng xe hơi đến tòa tổng giám mục.

Nghi thức chào đón, chuyến thăm ngoại giao Toàn quyền Canada, gặp gỡ Thủ tướng và giới chức chính quyền dân sự, đại diện các dân tộc bản địa và Ngoại giao đoàn tại lâu đài Citadelle de Québec đã bị hoãn lại khoảng một giờ để chờ tất cả những người tham dự từ Edmonton có mặt.

Lúc 16 giờ 20 (22:20 giờ Roma), Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến lâu đài Citadelle de Québec, tư dinh của Toàn quyền, nơi diễn ra lễ nghênh đón.

Đức Thánh Cha được bà Mary Simon, toàn quyền của Canada, chào đón trong sân của lâu đài Citadelle de Québec.

Sau Lễ nghi thức duyệt đội danh dự, quốc ca và phần giới thiệu của các phái đoàn, họ tiến đến hội trường nơi diễn ra cuộc gặp gỡ riêng.

___________________________________

Thăm ngoại giao bà Toàn quyền Canada và gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ tại lâu đài Citadelle del Québec

Lúc 17.00 (23.00 giờ Roma) diễn ra chuyến thăm xã giao bà Mary Simon, Toàn quyền Canada. Trong thời gian đó diễn ra cuộc gặp gỡ ngắn giữa Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và Thủ tướng Justin Trudeau, với sự có mặt của Đức Tổng Giám mục Edgar Peña Parra, Đại diện phủ Quốc vụ khanh, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher là Bộ trưởng Quan hệ với Các Quốc gia và các Tổ chức Quốc tế, và Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Sứ thần Tòa thánh tại Canada.

Cuối buổi chào xã giao, sau phần giới thiệu gia đình của Bà Toàn quyền, ngài Thủ tướng có cuộc họp riêng cùng với Đức Giáo hoàng trong khi bà Toàn quyền gặp gỡ Đức Hồng y Quốc vụ khanh, với sự có mặt của ngài Đại diện phủ Quốc vụ khanh, ngài Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia và các Tổ chức Quốc tế, và Sứ thần Tòa thánh.

Kết thúc cuộc họp riêng, Đức Thánh Cha, bà Toàn quyền và Thủ tướng tiến ra sân thượng để chụp ảnh chính thức. Sau đó, sau khi ký Sổ Danh dự, họ chuyển đến hội trường để gặp gỡ các giới chức chính quyền dân sự, đại diện các dân tộc bản địa và các thành viên của Ngoại giao đoàn.

___________________________________

Gặp gỡ các giới chức chính quyền dân sự, đại diện các dân tộc bản địa và Ngoại giao đoàn tại lâu đài Citadelle de Québec

Vào lúc 18.00 (00.00 giờ Roma), Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các giới chức chính quyền dân sự, đại diện các dân tộc bản địa và các thành viên của Phái đoàn Ngoại giao tại lâu đài Citadelle de Québec.

Sau lời chào của Thủ tướng Justin Trudeau, và bà Toàn quyền Canada Mary Simon, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc diễn từ của ngài.

Cuối cùng, bà Toàn quyền và Thủ tướng tháp tùng Đức Giáo hoàng ra cổng và chào tạm biệt. Sau đó, Đức Thánh Cha di chuyển đến tòa tổng giám mục bằng xe giáo hoàng, tại đây ngài dùng bữa tối riêng.

Sau đây là diễn từ của Đức Giáo hoàng trong cuộc gặp với các giới chức chính quyền dân sự, đại diện các dân tộc bản địa, và các thành viên của Đoàn ngoại giao.

___________________________________

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa Bà Toàn quyền,

Thưa ông Thủ tướng,

Thưa các nhà chức trách dân sự và tôn giáo,

Thưa quý vị đại diện các dân tộc bản địa,

Thưa các thành viên của Ngoại giao đoàn,

Thưa quý ông quý bà!

Tôi xin chào thân ái quý vị và tôi xin cảm ơn Bà Mary Simon và Ngài Justin Trudeau vì những lời rất đẹp của quý vị. Tôi rất vui khi có thể đến để ngỏ lời với quý vị là những người giữ trọng trách phục vụ người dân của đất nước vĩ đại này, nơi “từ biển này sang biển khác”, thể hiện một di sản thiên nhiên vô cùng đặc biệt. Giữa nhiều vẻ đẹp của đất nước, tôi nghĩ đến những khu rừng phong bao la và ngoạn mục làm cho vùng nông thôn Canada trở nên đầy màu sắc và đa dạng cách độc đáo. Tôi muốn lấy điểm bắt đầu là biểu tượng vô cùng đặc biệt của vùng đất này là chiếc lá phong, bắt đầu từ con dấu của Québec, nhanh chóng lan rộng để trở thành biểu tượng trên quốc kỳ.

Sự phát triển đó diễn ra trong thời gian gần đây, nhưng những cây phong lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ trong quá khứ, trở lại thời kỳ trước khi những người thực dân đặt chân đến vùng đất Canada. Các dân tộc bản địa chiết xuất nhựa cây phong, từ đó họ pha chế thành loại siro tốt lành cho sức khỏe. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến mối quan tâm liên tục và miệt mài của họ trong việc bảo vệ đất đai và môi trường, trung thành với tầm nhìn hài hòa của tạo hóa như một quyển sách mở ra dạy cho con người biết yêu mến Đấng Tạo Hóa và sống hòa hợp với các loài thụ tạo khác.

Chúng ta có thể học được nhiều điều từ khả năng chăm chú lắng nghe Thiên Chúa, con người và thiên nhiên. Và chúng ta cần điều đó, đặc biệt là trong sự quay cuồng chóng mặt và điên cuồng của thế giới ngày nay, được đánh dấu bằng “sự tăng tốc” không ngừng, điều này gây khó khăn cho sự phát triển nhân văn thật sự, bền vững và toàn diện (xem Tông huấn Laudato Si’, 18), và cuối cùng tạo ra “một xã hội mệt mỏi và vỡ mộng”, khó có thể khôi phục lại hương vị của sự chiêm nghiệm, những mối quan hệ đích thực, sự huyền nhiệm của việc ở bên nhau. Chúng ta rất cần lắng nghe và đối thoại với nhau, để thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân đang thịnh hành, khỏi những phán xét vội vàng, khỏi sự hung hăng lan rộng và sự cám dỗ phân chia thế giới thành người tốt và kẻ xấu! Những chiếc lá phong với kích thước lớn, có tác dụng hấp thụ không khí ô nhiễm và từ đó cung cấp oxy, mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tạo vật và trân quý những giá trị bổ ích có trong các văn hóa của người bản địa. Chúng có thể truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta và giúp chữa lành các khuynh hướng nguy hại của sự bóc lột. Bóc lột tạo vật, bóc lột các mối quan hệ, bóc lột thời gian và đặt hoạt động của con người thuần túy trên những gì cho thấy là hữu ích và sinh lợi nhuận.

Tuy nhiên, những giáo huấn vô cùng quan trọng này đã bị chống đối dữ dội trong quá khứ. Trên hết tôi nghĩ đến những chính sách đồng hóa và bầu cử, bao gồm cả hệ thống trường học nội trú, đã gây hại cho nhiều gia đình bản địa bằng cách tàn phá ngôn ngữ, văn hóa và thế giới quan của họ. Trong cái hệ thống tồi tệ đó, được thúc đẩy bởi các nhà cầm quyền thời đó, đã chia cắt nhiều trẻ em ra khỏi gia đình của chúng, các cơ sở Công giáo địa phương có một phần trong đó. Vì lý do này, tôi xin bày tỏ sự xấu hổ và đau buồn sâu sắc, và cùng với các giám mục của đất nước này, tôi lặp lại lời xin tha thứ cho những điều sai trái của rất nhiều người Kitô hữu đã làm đối với người dân bản địa.

Thật bi thảm khi một số tín hữu, như đã xảy ra trong giai đoạn lịch sử đó, tuân theo các lề thói của thế gian hơn là theo Phúc âm. Đức tin Kitô giáo đã đóng một vai trò nền tảng trong việc hình thành nên những lý tưởng cao cả nhất của Canada, nổi bật qua lòng mong muốn xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người dân. Đồng thời, khi thừa nhận lỗi lầm của chúng ta, cần phải cùng nhau làm việc để hoàn thành mục tiêu mà tôi biết là tất cả quý vị đều chia sẻ: thúc đẩy các quyền hợp pháp của người dân bản địa và ủng hộ các tiến trình chữa lành và hòa giải giữa họ và những người không phải là người bản địa của đất nước. Điều đó được phản ánh trong cam kết trả lời theo cách phù hợp trước những lời kêu gọi của Ủy ban Sự thật và Hòa giải, cũng như trong việc quan tâm công nhận quyền của các dân tộc bản địa.

Tòa thánh và các cộng đoàn Công giáo địa phương cam kết cách cụ thể để thúc đẩy các nền văn hóa bản địa thông qua những hình thức đồng hành tinh thần thiết thực và thích hợp, bao gồm việc chú ý đến những truyền thống văn hóa, phong tục, ngôn ngữ và tiến trình giáo dục của họ, theo tinh thần của Tuyên ngôn về Quyền của các Dân tộc bản địa của Liên hợp quốc. Chúng tôi mong muốn đổi mới mối quan hệ giữa Giáo hội và các dân tộc bản địa của Canada, một mối quan hệ được ghi dấu bằng tình yêu thương đã sinh hoa kết trái sum suê, và cũng thật bi thảm, đã tạo ra những vết thương rất sâu mà chúng tôi cam kết thấu hiểu và chữa lành. Tôi rất biết ơn vì đã được gặp gỡ và lắng nghe nhiều vị đại diện của các dân tộc bản địa trong những tháng gần đây ở Roma, và để có thể tái tạo lại mối quan hệ tốt đẹp đã được thiết lập ở đó ngay tại Canada này. Thời gian chúng ta dành cho nhau đã tạo ấn tượng mạnh đối với tôi và để lại mong muốn thiết tha là trả lời cho sự phẫn nộ và xấu hổ trước những đau khổ mà người dân bản địa đã phải chịu đựng, đồng thời tiến bước trên hành trình huynh đệ và kiên trì với tất cả người dân Canada, theo sự thật và công lý, hoạt động để chữa lành và hòa giải, và không ngừng được truyền cảm hứng bởi niềm hy vọng.

“Lịch sử đau khổ và khinh miệt” đó là kết quả của não trạng thực dân, “không dễ dàng chữa lành”. Thật vậy, nó phải làm cho chúng ta nhận ra rằng “việc thực dân hóa vẫn chưa kết thúc; ở nhiều nơi nó đã được biến đổi, ngụy trang và che giấu” (Querida Amazonia, 16). Đây là trường hợp của các hình thức thực dân hóa ý thức hệ. Trước đây, não trạng thực dân không tôn trọng đời sống cụ thể của con người và áp đặt những mô hình văn hóa đã định sẵn; tuy nhiên ngày nay cũng vậy, có nhiều hình thức thực dân hóa ý thức hệ xung đột với thực tại cuộc sống, bóp nghẹt sự gắn bó tự nhiên của các dân tộc với những giá trị của họ, và cố gắng đánh bật các truyền thống, lịch sử và các ràng buộc tôn giáo của họ. Não trạng này, cho rằng những trang đen tối của lịch sử đã bị bỏ lại phía sau, trở nên cởi mở với “nền văn hóa loại bỏ” đã đánh giá quá khứ hoàn toàn dựa trên một số phạm trù đương đại. Kết quả là một kiểu văn hóa san phẳng mọi thứ, làm cho mọi thứ đều bằng nhau, thể hiện sự bất khoan dung với những khác biệt và tập trung vào thời điểm hiện tại, vào các nhu cầu và quyền của những cá nhân, trong khi thường sao lãng nghĩa vụ của mình đối với những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong anh chị em của chúng ta: người nghèo, người di cư, người già, người bệnh, trẻ chưa chào đời… Họ là những người bị lãng quên trong “các xã hội giàu có”; họ là những người bị gạt sang một bên như những chiếc lá khô để bị đốt đi, giữa sự thờ ơ chung.

Thay vào đó, những tán lá đa sắc phong phú của cây phong nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của tổng thể, tầm quan trọng của việc phát triển các cộng đồng con người không theo cách đồng nhất tẻ nhạt, mà thực sự cởi mở và hòa nhập. Và cũng như mọi chiếc lá đều là nền tảng cho tán lá sum suê của cành, mỗi gia đình trong vai trò là tế bào thiết yếu của xã hội đều phải có quyền của họ, vì “tương lai của nhân loại phải qua gia đình” (THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Familiaris Consortio, 86). Gia đình là thực thể xã hội cụ thể đầu tiên, nhưng nó đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố: bạo lực gia đình, tốc độ lao động điên cuồng, tư duy chủ nghĩa cá nhân, đam mê sự nghiệp, thất nghiệp, sự cô đơn và cô lập của người trẻ, bỏ rơi người già và người đau yếu… Các dân tộc bản địa có nhiều điều để dạy chúng ta về việc chăm sóc và bảo vệ gia đình; trong đó, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã học cách nhận biết đúng sai, trung thực, chia sẻ, sửa chữa lỗi lầm, bắt đầu lại, an ủi nhau và hòa giải. Mong rằng những điều sai quấy mà người dân bản địa phải chịu đựng, là điều mà chúng ta thấy xấu hổ, trở thành một lời cảnh báo cho chúng ta hôm nay, đừng sao lãng việc quan tâm đến gia đình và quyền của họ chỉ vì lợi ích cá nhân và năng suất cao hơn.

Chúng ta trở lại với lá phong. Trong thời chiến, những người lính sử dụng các lá đó để băng bó và làm dịu vết thương. Ngày nay, trước sự điên cuồng vô nghĩa của chiến tranh, một lần nữa chúng ta cần phải chữa lành những hình thức thù địch và chủ nghĩa cực đoan cũng như chữa lành các vết thương của lòng thù hận. Một chứng nhân của những hành động bạo lực bi thảm trong quá khứ gần đây đã nhận xét rằng “hòa bình có bí mật của riêng nó: đừng bao giờ thù ghét bất cứ ai. Nếu chúng ta muốn sống, chúng ta đừng bao giờ thù ghét” (Phỏng vấn Edith Bruck, Avvenire, 8 tháng 3 năm 2022). Chúng ta không cần phải chia thế giới thành bạn và thù, không tạo ra những khoảng cách và một lần nữa vũ trang đến tận răng: một cuộc chạy đua vũ trang và các chiến lược răn đe sẽ không mang đến hòa bình và an ninh. Chúng ta đừng hỏi mình làm cách nào để theo đuổi chiến tranh, nhưng hãy hỏi bản thân làm cách nào để ngăn chặn chúng. Và để ngăn chặn tất cả các dân tộc không bị bắt làm con tin một lần nữa và bị kìm kẹp trong những cuộc chiến tranh lạnh khủng khiếp vẫn đang gia tăng. Những gì chúng ta cần là các chính sách sáng tạo và có tầm nhìn xa có khả năng thoát ra khỏi các phạm trù đối kháng để đưa ra câu trả lời cho những thách thức toàn cầu.

Trên thực tế, những thách thức lớn trong thời đại của chúng ta như hòa bình, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của đại dịch và phong trào di cư quốc tế, tất cả đều có một điểm chung: chúng là những thách thức toàn cầu; chúng liên quan đến tất cả mọi người. Và vì tất cả chúng đều cần có sự xem xét tổng thể, nên chính trị không thể bị giam hãm trong những lợi ích đảng phái. Chúng ta cần phải có khả năng nhìn xa tới bảy thế hệ đến sau chúng ta, như truyền thống khôn ngoan của người bản địa dạy, chứ không chỉ về lợi ích trước mắt, về các cuộc bầu cử tiếp theo, hoặc ủng hộ cuộc vận động hành lang này hay vận động hành lang kia. Nhưng chúng ta cũng cần quan tâm đến khao khát của người trẻ đối với tình huynh đệ, công lý và hòa bình. Để gìn giữ ký ức và sự khôn ngoan, chúng ta cần lắng nghe người già, nhưng để tiến tới tương lai, chúng ta cũng cần ôm lấy những ước mơ của người trẻ. Họ xứng đáng có một tương lai tốt đẹp hơn so với tương lai mà chúng ta đang chuẩn bị cho họ; họ xứng đáng được tham gia vào các quyết định về việc xây dựng thế giới hôm nay và mai sau, và đặc biệt là việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta; về điểm này, các giá trị và lời dạy của các dân tộc bản địa rất quý giá. Ở đây, tôi xin đánh giá cao cam kết đáng khen ngợi đang được thực hiện ở cấp địa phương trong việc bảo vệ môi trường. Thậm chí có thể nói rằng các biểu tượng được vẽ từ thiên nhiên, chẳng hạn như huy hiệu fleur-de-lis trên lá cờ của Tỉnh Québec này và lá phong trên quốc kỳ, khẳng định ơn gọi về sinh thái của Canada.

Khi Ủy ban tạo quốc kỳ thành lập đánh giá hàng nghìn bản vẽ phác được gửi đến cho mục đích đó, nhiều bản vẽ là của những con người bình thường, thật ngạc nhiên khi thấy rằng hầu hết tất cả các bản vẽ đều có hình ảnh của chiếc lá phong. Sự hội tụ về biểu tượng chung này giúp tôi tìm ra một từ quan trọng cho tất cả người dân Canada: tính đa văn hóa. Tính đa văn hóa là nền tảng cho sự gắn kết của một xã hội đa dạng như những màu sắc lốm đốm của các tán lá cây phong. Với nhiều điểm góc cạnh, chiếc lá phong gợi lên cho chúng ta về một khối đa diện; nó cho chúng tôi biết rằng quý vị là những người có khả năng hội nhập, để những người mới đến có thể tìm thấy một vị trí trong sự hợp nhất đa dạng đó và đưa ra những đóng góp của riêng họ (xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 236). Tính đa văn hóa là một thách thức liên tục: nó bao gồm việc chấp nhận và bao dung tất cả các yếu tố khác biệt hiện có, đồng thời tôn trọng các truyền thống và văn hóa đa dạng của họ, và không bao giờ nghĩ rằng tiến trình này đã hoàn thiện. Về vấn đề này, tôi bày tỏ sự cảm kích trước lòng quảng đại thể hiện qua việc tiếp nhận nhiều người di cư từ Ukraine và Afghanistan. Cũng cần phải vượt qua những lời hoa mỹ về nỗi sợ hãi đối với người nhập cư, và cho họ cơ hội thực tế để tham gia vào xã hội, tùy theo khả năng của đất nước. Muốn vậy, không thể thiếu các quyền và nền dân chủ. Nhưng cũng phải đối mặt với não trạng cá nhân chủ nghĩa và nhớ rằng cuộc sống nói chung dựa trên những điều kiện tiên quyết mà hệ thống chính trị không thể tự tạo ra. Ở đây, văn hóa bản địa cũng giúp ích rất nhiều trong việc nói về tầm quan trọng của các giá trị xã hội. Giáo hội Công giáo, với chiều kích phổ quát, sự quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nhất, phục vụ cho sự sống con người ở mọi giai đoạn của nó, từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, rất vui mừng được cống hiến những đóng góp cụ thể của mình.

Trong những ngày này, tôi đã nghe nói về nhiều người túng thiếu đến gõ cửa các giáo xứ. Ngay cả ở một đất nước phát triển và thịnh vượng như Canada, rất chú trọng đến trợ cấp xã hội, vẫn có nhiều người vô gia cư tìm đến các nhà thờ và ngân hàng lương thực để nhận được sự giúp đỡ căn bản đáp ứng nhu cầu của họ, mà chúng cũng không quên rằng nó không hoàn toàn về vật chất. Những anh chị em này khiến chúng ta phải suy ngẫm về nhu cầu cần có những nỗ lực cấp thiết để khắc phục sự bất công từ tận gốc rễ đang tàn phá thế giới của chúng ta, trong đó sự dồi dào các món quà của tạo vật được không được phân phối cách công bằng. Điều đáng hổ thẹn là phúc lợi do sự phát triển kinh tế không mang đến lợi ích cho tất cả các thành phần của xã hội. Và thực sự đáng buồn là chính trong các dân tộc bản địa, chúng ta thường tìm thấy nhiều chỉ số về nghèo túng, cùng với những chỉ số tiêu cực khác, chẳng hạn như tỷ lệ đi học thấp và ít có khả năng sở hữu một căn nhà và sự chăm sóc sức khỏe. Mong rằng hình biểu tượng chiếc lá phong, thường xuất hiện trên nhãn các sản phẩm của đất nước, sẽ là động lực khuyến khích mọi người đưa ra các quyết định về kinh tế và xã hội nhằm thúc đẩy sự tham gia và quan tâm đến những người thiếu thốn.

Chúng ta phải đương đầu với những thách thức cấp bách ngày nay bằng cách làm việc chung, sát cánh với nhau. Tôi xin cảm ơn quý vị vì lòng hiếu khách, sự quan tâm và tôn trọng, và trong tình quý mến, tôi bảo đảm rằng Canada và người dân Canada thật sự gần gũi với trái tim tôi.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/7/2022]