Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 18 tháng 4, 2022

Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 18 tháng 4, 2022

Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Thứ Hai Phục sinh, 18 tháng Tư, 2022

*****

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Những ngày trong Tuần Bát nhật Phục sinh giống như một ngày duy nhất trong đó niềm vui Phục sinh được kéo dài. Theo đó, Tin Mừng của phụng vụ hôm nay tiếp tục cho chúng ta biết về Đấng Đã Sống lại, việc Người đã hiện ra với những người phụ nữ đi ra mộ (x. Mt 28:8-15). Chúa Giêsu đến gặp và chào các bà. Sau đó, Chúa nói hai điều, hai lời khuyên mà chúng ta cũng cần phải đón nhận như một món quà Phục sinh.

Đầu tiên Người trấn an các bà bằng những lời đơn sơ: “Chị em đừng sợ” (câu 10). Chúa biết rằng nỗi sợ hãi là kẻ thù hàng ngày của chúng ta. Ngài cũng biết rằng sự sợ hãi của chúng ta ẩn giấu đằng sau nỗi sợ hãi to lớn, sợ chết: sợ bị héo tàn dần, sợ mất người thân yêu, sợ đau ốm, sợ không thể chống chọi thêm nữa ... Nhưng trong Lễ Phục sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết. Vì vậy, không một ai khác có thể nói với chúng ta cách thuyết phục hơn: “Đừng sợ.” Chúa nói điều này ngay bên cạnh ngôi mộ mà Người từ đó bước ra vinh thắng. Ngài mời gọi chúng ta bước ra khỏi ngôi mộ của những nỗi sợ hãi của chúng ta. Anh chị em lắng nghe thật kỹ: hãy bước ra khỏi ngôi mộ của những nỗi sợ hãi của chúng ta, vì những sợ hãi của chúng ta giống như những ngôi mộ, chúng chôn vùi chúng ta. Người biết rằng sự sợ hãi luôn rình rập trước cửa tâm hồn chúng ta, và chúng ta cần nghe được chính mình nói rằng đừng sợ, đừng sợ vào buổi sáng Phục sinh cũng như vào buổi sáng mỗi ngày, “đừng sợ”. Hãy can đảm. Thưa anh chị em là những người tin vào Đấng Kitô, đừng sợ! Chúa Giêsu nói: “Thầy đã nếm trải cái chết vì anh em, Thầy đã gánh lấy nỗi đau đớn của anh em. Bây giờ Thầy sống lại để nói với anh em: Thầy ở đây với anh em mãi mãi. Đừng sợ!” Đừng sợ.

Nhưng chúng ta chống lại nỗi sợ hãi bằng cách nào? Điều thứ hai Chúa Giêsu nói với những người phụ nữ có thể trợ giúp chúng ta: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (câu 10) Hãy đi và báo. Nỗi sợ hãi luôn khiến chúng ta khóa chặt trong bản thân mình, trong khi Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta ra ngoài và sai chúng ta đến với người khác. Đây là giải pháp. Chúng ta có thể tự nhủ, nhưng tôi không có khả năng làm điều này! Nhưng hãy nghĩ xem, những phụ nữ đó có lẽ không phải là những người thích hợp nhất và được chuẩn bị để công bố sự sống lại, nhưng đó không phải là vấn đề đối với Chúa. Ngài quan tâm đến việc chúng ta ra đi và loan báo. Ra đi và loan báo. Bởi vì niềm vui Phục sinh không được giữ cho riêng mình. Niềm vui của Đức Kitô được củng cố bằng cách cho đi, và việc chia sẻ nó sẽ nhân lên gấp bội. Nếu chúng ta mở lòng và đón nhận Tin Mừng, tâm hồn chúng ta sẽ rộng mở và vượt qua nỗi sợ hãi. Đây là bí mật: chúng ta loan báo và vượt qua nỗi sợ hãi.

Bản văn hôm nay kể lại rằng việc loan báo có thể vấp phải một trở ngại: sự giả dối. Phúc Âm thuật lại một “lời loan báo trái ngược” của những người lính canh giữ mộ Chúa Giêsu. Tin Mừng cho biết họ đã được trả “một số tiền lớn” (câu 12), một khoản tiền hậu hĩnh, và nhận được những chỉ dẫn này: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.” (câu 13) ‘Anh đang ngủ ư? Khi ngủ anh có nhìn thấy người ta đến lấy trộm xác như thế nào không?’ Có một mâu thuẫn ở đó, nhưng là một mâu thuẫn mà ai cũng tin vì liên quan đến tiền. Đó là sức mạnh của đồng tiền, là một chúa tể khác mà Chúa Giêsu nói rằng chúng ta không bao giờ được phục vụ nó. Đây là sự giả dối, luận lý che giấu chống lại việc loan báo sự thật. Đó cũng là một lời nhắc nhở cho chúng ta: sự giả dối – trong lời nói và trong cuộc sống – chúng làm hư hỏng việc loan báo, chúng làm tha hóa bên trong, dẫn đưa trở lại ngôi mộ. Sự giả dối đưa chúng ta đi ngược lại, chúng dẫn đến cái chết, đến ngôi mộ. Thay vào đó, Đấng Phục sinh muốn chúng ta bước ra khỏi ngôi mộ của sự giả dối và lệ thuộc. Trước Thiên Chúa Phục Sinh, có một “chúa” khác – chúa tiền bạc làm vấy bẩn và hủy hoại mọi thứ, đóng cánh cửa dẫn đến ơn cứu độ. Điều này hiện diện ở khắp mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày với cám dỗ tôn thờ thần tiền.

Anh chị em thân mến, đúng là chúng ta thấy chướng tai gai mắt khi qua tin tức, chúng ta phát hiện ra sự lừa lọc và dối trá trong cuộc sống của con người và xã hội. Nhưng chúng ta cũng hãy đặt tên cho sự không rõ ràng và giả tạo mà chúng ta có trong bản thân mình! Và chúng ta hãy đặt bóng tối và sự giả tạo của mình trước ánh sáng của Chúa Giêsu Phục Sinh. Người muốn đưa những điều giấu kín ra ánh sáng để làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân rõ ràng và minh bạch cho niềm vui của Tin Mừng, cho sự thật sẽ làm cho anh chị em được tự do (x. Ga 8:32).

Xin Mẹ Maria, Mẹ của Đấng Phục sinh, giúp chúng ta vượt qua những sợ hãi và ban cho chúng ta lòng say mê sự thật.

__________________________

Sau giờ đọc Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng …

Anh chị em thân mến!

Một lần nữa chúc mừng Phục sinh Hạnh phúc đến tất cả anh chị em, người Roma và anh chị em hành hương đến từ các quốc gia khác nhau!

Nguyện xin ân sủng của Chúa Phục Sinh ban niềm an ủi và hy vọng cho tất cả những ai đang đau khổ: ước mong không ai bị bỏ rơi! Ước mong những cuộc cãi vã, chiến tranh và tranh chấp sẽ nhường chỗ cho sự thấu hiểu và hòa giải. Hãy luôn gạch dưới từ này: hòa giải, bởi vì những gì Chúa Giêsu đã làm trên đồi Canvê và với sự Phục sinh của Ngài là để hòa giải tất cả chúng ta với Chúa Cha, với Thiên Chúa và với nhau. Hòa giải.

Thiên Chúa đã chiến thắng trong trận chiến quyết định chống lại ác thần: hãy để Người chiến thắng! Chúng ta hãy từ bỏ những kế hoạch của con người, hãy cho phép chúng ta được chuyển sang những kế hoạch của Người vì hòa bình và công bằng.

Cha cảm ơn tất cả những anh chị em đã gửi những lời chúc tốt đẹp đến cha trong những ngày vừa qua. Cha đặc biệt tri ân những lời cầu nguyện của anh chị em! Cha cầu xin Chúa, nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, ban thưởng cho mỗi người những ân tứ của Người.

Chiều nay, tại quảng trường đây, cha sẽ gặp gỡ hơn năm mươi ngàn thanh thiếu niên đến từ khắp nước Ý. Một dấu chỉ rất đẹp của hy vọng! Và hiện đã có một số thanh thiếu niên! Đó là lý do tại sao Quảng trường được chuẩn bị theo cách này.

Cha cầu chúc mọi người sống những ngày Phục Sinh trong bình an và niềm vui đến từ Chúa Kitô Phục Sinh. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!

(Dưới quảng trường: Hoan hô Đức Thánh Cha!!)

Đức Thánh Cha trả lời: Chào các con thanh thiếu niên của Immacolata!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/4/2022]


Người Châu Âu xin Nga không tấn công các địa điểm tôn giáo ở Ukraine

Người Châu Âu xin Nga không tấn công các địa điểm tôn giáo ở Ukraine

Người Châu  u xin Nga không tấn công các địa điểm tôn giáo ở Ukraine

@donbass.pravoslavniy

John Burger 

18/04/22 - updated on 04/18/22


Những nơi như vậy “là vô cùng quan trọng đối với các cộng đồng tôn giáo đa dạng của đất nước, hơn bao giờ hết trong thời kỳ khủng hoảng”.

Đại diện các tôn giáo của hai tổ chức Châu Âu cho biết họ kinh hoàng trước sự tàn phá của chiến tranh đối với các địa điểm tôn giáo và nơi thờ tự ở Ukraine, bao gồm các nhà thờ, hội đường Do Thái và đền thờ Hồi giáo.

Những nơi như vậy “là vô cùng quan trọng đối với các cộng đồng tôn giáo đa dạng của đất nước, hơn bao giờ hết trong thời kỳ khủng hoảng”, tuyên bố của các thành viên Hội đồng Châu Âu và Tổ chức Hợp tác và An ninh Châu Âu (OSCE) công bố ngày 13 tháng Tư.

Bản tuyên bố, được ký bởi các đại diện liên tôn của mỗi tổ chức, cho biết: “Là đại diện của hai tổ chức cam kết thúc đẩy đối thoại hòa bình, chúng tôi kêu gọi Nga dừng việc phá hủy các địa điểm tôn giáo và nơi thờ tự, cùng với việc giết hại bừa bãi hàng chục ngàn thường dân, đã cấu thành tội ác chống lại nhân loại.”

Các đại diện bao gồm Rabbi Andrew Baker, Đại diện Văn phòng Chống Chủ nghĩa bài Do Thái của OSCE, và Đại sứ Mehmet Paçacı, Đại diện Văn phòng Chống lại sự Bất khoan dung và Phân biệt đối xử đối với người Hồi giáo của OSCE.

Các đại diện cho biết họ khóc thương các nạn nhân chiến tranh và “xót xa hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa và đất nước của họ phía sau để tìm kiếm nơi nương tựa và an toàn ở Ukraine, ở Châu Âu và nhiều nơi khác.”

Họ nói: “Trẻ em, phụ nữ và người già đặc biệt dễ bị tổn thương. Nhiều nạn nhân của cuộc chiến phải chịu những tổn thương tâm lý sâu sắc.”

Tính đến ngày 14 tháng Tư, Tổ chức Văn hóa của Liên hợp quốc, UNESCO, đã xác nhận thiệt hại đối với 102 “tài sản văn hóa”, bao gồm 47 tòa nhà tôn giáo, 9 bảo tàng viện, 28 tòa nhà lịch sử, 3 nhà hát, 12 đài tưởng niệm và 3 thư viện, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine ngày 24 tháng Hai. Một số địa điểm có niên đại từ đầu thời trung cổ. Cho đến nay, UNESCO cho biết, chưa có di sản văn hóa thế giới nào bị hư hại.

Vào đầu tháng Ba, tình báo quân sự cho rằng quân đội Nga đang chuẩn bị một cuộc không kích vào Nhà thờ Chánh tòa Thánh Sophia ở Kyiv có từ thế kỷ 11. Cho đến nay, điểm mốc này đã được bỏ qua.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/4/2022]