Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 (2 đến 6 tháng 8 năm 2023) – Thánh Lễ Ngày Giới trẻ Thế giới tại công viên Parque Tejo, 06.08.2023

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 (2 đến 6 tháng 8 năm 2023) – Thánh Lễ Ngày Giới trẻ Thế giới tại công viên Parque Tejo, 06.08.2023

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 (2 đến 6 tháng 8 năm 2023) – Thánh Lễ Ngày Giới trẻ Thế giới tại công viên Parque Tejo, 06.08.2023

*******

Sáng nay, sau khi rời Tòa Khâm sứ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã di chuyển bằng xe hơi đến công viên Parque Tejo để dâng Thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37.

Sau khi xe chở Đức Thánh Cha chạy một số vòng đi giữa các bạn trẻ, ngài chủ tế dâng Thánh Lễ ngày Lễ Chúa Hiển dung.

Sau lời cảm ơn của Đức Hồng Y Manuel Clemente, Thượng Phụ Lisbon, và công bố Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô có bài giảng.

Cuối Lễ, sau lời chào của Đức Hồng Y Kevin Joseph Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, Đức Thánh Cha đã trao thánh giá WYD cho một số đại diện của giới trẻ năm châu, và công bố địa điểm và năm của Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo.

Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha gửi lời chào các bạn trẻ và người hành hương hiện diện. Tiếp đó, sau phép lành cuối lễ, ngài lên xe trở lại Tòa Khâm sứ Lisbon.

Theo các nhà chức trách, khoảng 1,5 triệu người đã tham dự Thánh lễ ở Parque Tejo.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ và lời dẫn nhập của ngài trước kinh kính Đức Mẹ:

______________________________________________

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Sau những ngày thú vị này, chắc chắn chúng ta cảm thấy muốn lặp lại lời của Thánh Tông đồ Phêrô trên núi Hiển dung: “Lạy Ngài, chúng con ở đây thật là hay!” (Mt 17:4). Thật vậy, thật tốt biết bao khi được chia sẻ kinh nghiệm này với Chúa Giêsu, với nhau, và cùng nhau cầu nguyện với tâm hồn hoan hỷ. Giờ đây, chúng ta cũng hãy đặt ra một câu hỏi quan trọng: Chúng ta sẽ mang điều gì khi trở về để tiếp tục cuộc sống hàng ngày?

Cha muốn trả lời câu hỏi này bằng ba động từ, rút ra từ đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe: tỏa sáng, lắng nghe và không sợ hãi. Chúng ta sẽ đem những gì trở về với chúng ta? Cha sẽ trả lời bằng ba từ này: tỏa sáng, lắng nghe và không sợ hãi.

Trước hết: tỏa sáng. Chúa Giêsu biến hình. Tin Mừng cho chúng ta biết: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời” (Mt 17:2). Trước đó không lâu, Người đã báo trước về cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Người, làm tan vỡ hình ảnh của các môn đệ về một Đấng Thiên Sai quyền năng và thuộc về thế gian, đồng thời làm hỏng những kỳ vọng của họ. Giờ đây, để giúp họ đón nhận chương trình yêu thương mà Chúa dành cho mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu đem ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi, nơi Người biến hình. Qua luồng ánh sáng rực rỡ này, Chúa Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ bước vào đêm đen của cuộc Khổ nạn.

Các bạn trẻ thân yêu, ngày nay chúng ta cũng cần một điều gì đó từ sự bùng nổ ánh sáng này, để nó có thể đổ đầy niềm hy vọng trong chúng ta khi chúng ta đứng trước nhiều sự thất bại mỗi ngày và trước bóng tối tấn công chúng ta trong cuộc sống, và đáp lại chúng bằng ánh sáng phục sinh của Chúa Giêsu. Vì Người là ánh sáng không bao giờ tắt, ánh sáng chiếu soi ngay cả giữa đêm đen. Như linh mục Ezra đã nói, Thiên Chúa đã soi sáng cho đôi mắt của chúng ta (xem Ezra 9:8). Thiên Chúa của chúng ta soi sáng: Ngài soi sáng tầm nhìn của chúng ta, tâm hồn của chúng ta, tâm trí của chúng ta, ước muốn của chúng ta để làm điều gì đó với cuộc sống của mình. Ánh sáng của Chúa luôn chiếu soi.

Tuy nhiên, cha muốn nói với các bạn rằng chúng ta không tỏa sáng bằng cách đặt mình dưới ánh đèn sân khấu, vì loại ánh sáng đó gây chói mắt. Không, chúng ta không thể soi sáng người khác bằng cách chiếu một hình ảnh hoàn hảo, tề chỉnh, tao nhã về bản thân, hoặc bằng cách tỏ ra đầy quyền lực và thành công, mạnh mẽ nhưng không có ánh sáng. Không, chúng ta chiếu tỏa ánh sáng – chúng ta tỏa sáng – bằng cách chào đón Chúa Giêsu vào lòng và học cách yêu thương như Người. Yêu như Chúa Giêsu: đó là điều làm cho chúng ta tỏa sáng, làm cho chúng ta thực hiện những công việc của tình yêu. Các bạn ơi, cha đang nói với các bạn sự thật: bất cứ khi nào các bạn thực hiện những công việc yêu thương, các bạn sẽ trở thành ánh sáng. Nhưng ngay giây phút bạn ngừng yêu thương người khác và trở nên quy ngã, bạn đã dập tắt ánh sáng của mình.

Động từ thứ hai là lắng nghe. Trên núi, một đám mây sáng ngời bao phủ các môn đệ. Và điều đó nói với chúng ta điều gì, đám mây mà từ đó Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu … hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17:5). Hãy vâng nghe lời Người. Vâng nghe Chúa Giêsu, đó là bí mật của cuộc sống. Hãy lắng nghe những gì Chúa Giêsu đang nói với bạn. “Nhưng tôi không biết Chúa đang nói gì với tôi”. À, hãy cầm lấy Tin mừng và đọc ở đó những gì Chúa Giêsu đang nói, những gì Ngài đang nói với tâm hồn của bạn. Vì Chúa có lời ban sự sống đời đời cho chúng ta, Người mặc khải rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Thiên Chúa là tình yêu. Ngài chỉ cho chúng ta con đường yêu thương. Hãy lắng nghe Chúa Giêsu; bằng không, ngay cả khi chúng ta khởi hành trên những con đường có vẻ là yêu thương với những ý định tốt, thì cuối cùng những con đường đó sẽ bị coi là ích kỷ trá hình dưới vỏ bọc của tình yêu. Hãy cẩn thận với sự ích kỷ đội lốt yêu thương! Hãy lắng nghe Chúa Giêsu, vì Người chỉ cho bạn con đường nào là con đường của tình yêu. Hãy lắng nghe Người.

Từ ngữ đầu tiên: tỏa sáng, vậy thì hãy trở nên rạng ngời; sau đó, lắng nghe để không đi sai đường; cuối cùng là từ thứ ba: không sợ hãi. Đừng sợ hãi. Chúng ta thường gặp những lời này trong Kinh Thánh, trong các Tin Mừng: “Đừng sợ”. Đây là những lời cuối cùng Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong lúc Biến hình: “Đừng sợ!” (Mt 17:7).

Là những người trẻ tuổi, các bạn đã trải qua những ngày hân hoan này – cha sắp nói về vinh quang, và thực sự những cuộc gặp gỡ của chúng ta là một hình thức vinh quang. Các bạn có những ước mơ tuyệt vời, nhưng thường sợ rằng chúng có thể không thành hiện thực; có những lúc các bạn nghĩ rằng mình không đủ sức đương đầu với thử thách, đó là một kiểu bi quan đôi khi có thể đánh bại chúng ta. Là những người trẻ, các bạn có thể bị cám dỗ thoái chí vào lúc này, nghĩ rằng mình không thể đạt được, hoặc che giấu nỗi đau của mình bằng một nụ cười. Là những người trẻ tuổi, các bạn muốn thay đổi thế giới – và thật tuyệt vời khi các bạn muốn thay đổi thế giới – các bạn muốn làm việc cho công lý và hòa bình. Bạn cống hiến tất cả sức lực và sự sáng tạo của cuộc đời mình cho việc này, nhưng dường như vẫn chưa đủ. Tuy nhiên, Giáo hội và thế giới cần các bạn, những người trẻ tuổi, như đất cần mưa. Với tất cả các bạn, hỡi những bạn trẻ thân yêu, là hiện tại và là tương lai, giờ đây Chúa Giêsu nói với tất cả các bạn: “Đừng sợ”, “Đừng sợ!”.

Giờ đây, trong giây phút thinh lặng ngắn, mỗi người trong các con hãy lặp lại những lời này trong lòng mình: “Đừng sợ!”

Các con giới trẻ thân yêu, cha muốn nhìn vào mắt từng người chúng con và nói: Đừng sợ. Cha nói với các con một điều khác, cũng rất đẹp: không phải là cha nữa mà là chính Chúa Giêsu đang nhìn các con. Chúa biết tấm lòng của từng người các con, từng cuộc đời của các con; Ngài biết niềm vui, nỗi buồn, thành công và thất bại của các con. Chúa thấu biết tâm hồn các con. Hôm nay, Người nói với các con, tại Lisbon, tại Ngày Giới trẻ Thế giới này: “Đừng sợ, hãy can đảm lên, đừng sợ!”.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/8/2023]


Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 (2 đến 6 tháng 8 năm 2023) – Canh thức với các bạn trẻ tại công viên Parque Tejo, 08.05.2023

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 (2 đến 6 tháng 8 năm 2023) – Canh thức với các bạn trẻ tại công viên Parque Tejo, 08.05.2023

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 (2 đến 6 tháng 8 năm 2023) – Canh thức với các bạn trẻ tại công viên Parque Tejo, 08.05.2023

*******

Gặp gỡ riêng với các thành viên Dòng Tên tại trường Colégio de S. João de Brito

Vào buổi chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô rời Tòa Khâm sứ và di chuyển bằng xe đến trường Colégio de S. João de Brito, nơi ngài gặp riêng các thành viên Dòng Tên ở Bồ Đào Nha. Sau đó, ngài lên xe trở lại Tòa Khâm sứ, nơi ngài ăn tối riêng. Sau đó Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến công viên Parque Tejo để dự buổi canh thức với các bạn trẻ.


Canh thức với giới trẻ tại công viên Parque Tejo

Tối nay, lúc 20 giờ 15 (21 giờ 15 Roma), Đức Thánh Cha Phanxicô đến công viên Parque Tejo để dự buổi canh thức với các bạn trẻ. Sau một vài vòng chạy quanh đám đông trên xe giáo hoàng, lúc 20 giờ 45 (21 giờ 45 ở Roma), buổi canh thức bắt đầu. Sau một bài thánh ca và một phút cầu nguyện thông qua nghệ thuật thể hiện qua ba màn, Gặp gỡ, Trỗi dậy và Ra đi, Đức Thánh Cha đọc diễn từ của ngài.

Cuối cùng, sau Chầu Mình Thánh, một số bài hát và phép lành cuối, Đức Thánh Cha đã lên xe trở về Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Lisbon. Theo chính quyền địa phương, khoảng 1,5 triệu người đã có mặt tại buổi Canh thức ở công viên Parque Tejo.

Sau đây là bài huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi canh thức với các bạn trẻ:

_________________________________________

Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào (buổi tối) anh chị em!

Cha thật vui được nhìn thấy tất cả các con! Cảm ơn các con đã thực hiện cuộc hành hương để đến đây! Cha nghĩ đến Đức Trinh nữ Maria, người cũng đã lên đường để đến thăm bà Êlisabét: “Bà Maria vội vã lên đường” (Lc 1:39). Chúng ta có thể thắc mắc, tại sao Mẹ Maria lại lên đường và vội vã đi thăm người chị họ của mình? Chắc chắn, Mẹ Maria vừa biết tin bà Êlisabét có thai, nhưng Mẹ cũng thế; vậy tại sao lại đi, nếu không có ai yêu cầu Mẹ phải đi? Mẹ Maria làm điều mà Mẹ không được yêu cầu làm, và điều Mẹ không phải làm. Mẹ Maria đi vì Mẹ yêu thương, và “ai yêu thương, tung tăng, chạy nhảy và vui mừng” (The Imitation of Christ, III, 5). Đó là những gì tình yêu làm đối với chúng ta.

Niềm vui của Mẹ Maria nhân đôi: Mẹ vừa nhận được sứ điệp của Thiên thần rằng Mẹ sẽ chào đón Đấng Cứu chuộc trần gian, và Mẹ cũng được báo tin rằng người chị họ của Mẹ đang mang thai. Điều này thật thú vị: thay vì nghĩ về bản thân, Mẹ nghĩ về người khác. Tại sao? Bởi vì niềm vui có tính lan truyền, niềm vui không chỉ dành cho một người, mà là chia sẻ điều gì đó với người khác. Cha hỏi các con: những người ở đây, những người đã đến để gặp gỡ người khác, để tìm thấy sứ điệp của Chúa Kitô, để tìm thấy ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống, các con sẽ giữ tất cả những điều này cho riêng mình hay các con chia sẻ nó với những người khác? Các con nghĩ sao? Chắc chắn là để chia sẻ với người khác, vì niềm vui là sự lan truyền! Tất cả chúng ta hãy cùng nhau lặp lại điều đó: niềm vui là lan truyền! Và vì vậy chúng ta chia sẻ niềm vui này với những người khác.

Bây giờ, niềm vui này mà chúng ta có được, mà người khác đã giúp chúng ta nhận được nó. Vậy chúng ta hãy nhìn lại tất cả những gì chúng ta đã nhận được, vì nó đã chuẩn bị cho tâm hồn chúng ta vui mừng. Mỗi người chúng ta, nếu hồi tưởng lại, có thể nhớ lại những người đã từng là tia sáng trong đời mình: cha mẹ, ông bà, bạn bè, các linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo lý viên, lãnh đạo giới trẻ, thầy cô, v.v.. Họ là “những cội nguồn” niềm vui của chúng ta. Giờ đây mỗi người chúng ta hãy dành ít phút thinh lặng để nghĩ đến những người đã cho chúng ta điều gì đó trong cuộc đời, những người như cội nguồn của niềm vui của chúng ta…

Có phải những khuôn mặt và câu chuyện đã hiện lên trong tâm trí? Niềm vui đã đến với chúng ta là những gì chúng ta phải chia sẻ, nhờ những cội nguồn này, vì chúng ta có nguồn gốc của niềm vui. Tương tự như vậy, chúng ta cũng có thể trở thành nguồn gốc niềm vui cho người khác. Đó không phải là mang đến một niềm vui thoáng qua, niềm vui chốc lát; đó là mang đến một niềm vui tạo ra nguồn cội. Chúng ta hãy đặt câu hỏi, làm cách nào để chúng ta có thể trở thành cội nguồn của niềm vui?

Niềm vui không được tìm thấy trong một thư viện bị khóa kín, cho dù việc học là cần thiết! Niềm vui nằm ở một nơi khác. Nó không được giữ trong ổ khóa và chìa khóa, mà phải được tìm kiếm, phải được khám phá. Nó phải được tìm thấy trong cuộc đối thoại với người khác, nơi chúng ta chia sẻ những nguồn cội của niềm vui mà chúng ta đã nhận được. Và đôi khi, điều này thật mệt mỏi. Cho cha hỏi các con một câu: các con thỉnh thoảng có cảm thấy mệt mỏi không? Hãy nghĩ về những gì xảy ra khi chúng ta trở nên mệt mỏi: chúng ta không muốn làm bất cứ điều gì; chúng ta bỏ cuộc (như chúng ta nói trong tiếng Tây Ban Nha), bởi vì chúng ta không muốn tiếp tục và chúng ta đầu hàng, dừng bước và gục ngã. Các con có tin rằng những người vấp ngã trong cuộc sống, những người đã trải qua thất bại, những người thậm chí phạm phải sai lầm nghiêm trọng hoặc kinh khủng, thì cuộc đời của họ đã kết thúc? KHÔNG! Vậy họ phải làm gì? Họ phải đứng dậy! Bây giờ có một điều rất thâm sâu mà cha muốn các con ghi nhớ và mang theo bên mình: những người đến từ dãy núi Alps, những người thích leo núi, có một bài hát rất hay như sau: “Trong nghệ thuật leo núi, vấn đề quan trọng không phải là không té ngã, mà là không nằm im khi ngã”. Thật là đẹp!

Những người ngã và nằm im là đã rút lui khỏi cuộc sống, đã đóng chặt cửa, đóng cánh cửa hy vọng và ước muốn, và nằm im trên mặt đất. Và khi chúng ta thấy bất kỳ người bạn nào của chúng ta đã vấp ngã, chúng ta phải làm gì? Hãy nâng họ lên. Khi chúng ta cần phải nâng ai đó lên hoặc giúp đỡ họ, các con có để ý cách chúng ta thực hiện việc đó không? Chúng ta phải cúi xuống nhìn họ. Đó là lần duy nhất, là trường hợp duy nhất mà chúng ta được phép cúi nhìn người khác từ trên cao, khi chúng ta thể hiện việc giúp họ đứng dậy. Tuy nhiên, chúng ta thường thấy người ta nhìn chúng ta từ trên cao, hoặc dò xét chúng ta! Thật buồn. Thay vì vậy, cách duy nhất, tình huống duy nhất được phép nhìn người khác từ trên cao là... à, các con nói cho cha biết rồi đó, lớn lên nào: là giúp họ đứng dậy.

Và đó là điều như cách thức hành trình của cuộc sống diễn ra, cách chúng ta tiếp tục tiến về phía trước. Trong cuộc sống, để hoàn thành mọi việc, chúng ta phải rèn luyện bản thân để tiếp tục hành trình. Đôi khi, chúng ta cảm thấy không muốn tiếp tục, chúng ta cảm thấy không muốn cố gắng; chúng ta cóp-pi bài trong các kỳ thi vì chúng ta cảm thấy không muốn học hoặc chúng ta không đạt được kết quả như mong muốn. Cha không biết ai trong các con thích bóng đá không… Cha thì có! Hãy nghĩ xem cần phải tập luyện biết bao nhiêu mới ghi được bàn thắng; cần biết bao nhiêu nỗ lực để đạt được một kết quả nhất định. Trong cuộc sống cũng vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể làm những gì chúng ta muốn, nhưng chúng ta phải làm những gì dẫn đưa chúng ta đến việc đáp trả lại ơn gọi mà chúng ta cảm nhận sâu thẳm trong mình – và mỗi người đều có ơn gọi của riêng mình. Hãy tiếp tục tiến bước. Và nếu chúng ta ngã, chúng ta hãy đứng dậy, hoặc ai đó sẽ giúp chúng ta đứng dậy; chúng ta đừng ngã và nằm im ở đó; và chúng ta hãy rèn luyện bản thân, rèn luyện để tiếp tục tiến lên phía trước. Tất cả những điều này là có thể, không phải vì chúng ta tham gia một khóa học về đi bộ – không có khóa học nào có thể dạy chúng ta cách hành trình trong cuộc sống – thay vào đó chúng ta học, chúng ta học từ cha mẹ, ông bà, chúng ta học từ bạn bè, trao cho nhau bàn tay trợ giúp. Chúng ta học biết về cuộc sống, và điều đó huấn luyện chúng ta cách tiến bước trên hành trình.

Cha để lại cho các con những suy tư này. Hãy tiến bước; nếu các con vấp ngã, đứng dậy; bước đi với một mục tiêu trong đầu và rèn luyện mỗi ngày trong cuộc sống của các con. Ở đời không có gì là miễn phí, cái gì cũng phải trả giá. Chỉ có một điều miễn phí: đó là tình yêu của Chúa Giêsu! Vì vậy, với món quà nhưng không này mà chúng ta có – tình yêu của Chúa Giêsu – và với khát khao muốn tiếp tục cuộc hành trình, chúng ta hãy bước đi trong hy vọng, chúng ta hãy ghi nhớ đến cội nguồn của mình và tiến bước mà không sợ hãi. Đừng sợ. Cảm ơn các con!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/8/2023]