Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

Những kẻ phá hoại đốt bức tượng Đức Mẹ 75 tuổi tại Giáo xứ ở Boston

Những kẻ phá hoại đốt bức tượng Đức Mẹ 75 tuổi tại Giáo xứ ở Boston

13 tháng Bảy, 2020
Những kẻ phá hoại đốt bức tượng Đức Mẹ 75 tuổi tại Giáo xứ ở Boston@CatholicConnect, Instagram

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!

Những kẻ phá hoại đã đốt bức tượng Đức Mẹ phía ngoài Giáo xứ Thánh Phêrô ở Boston vào đêm Thứ Bảy. Phòng Cảnh sát Boston đang điều tra vụ việc như là một trường hợp cố tình phá hoại.

Sở Cứu hỏa Boston nói với các sĩ quan rằng “một nghi can vô danh đã đốt những bông hoa bằng nhựa được đặt trong tay bức tượng, khiến cho mặt và thân trên của tượng bị cháy.”

75 năm trước giáo xứ xây bức tượng để đón chào sự trở về của những chiến binh Đệ nhị Thế chiến và để tưởng nhớ những tử sĩ trong chiến tranh.

Cha sở John Currie của Nhà thờ Thánh Phêrô nói với WCVB Channel 5 Boston: “Có quá nhiều chia rẽ, quá nhiều căm thù, và quá nhiều vụ đánh lẫn nhau.”

“Hy vọng từ việc này, chúng ta có thể có một dấu chỉ từ Thiên Chúa rằng chúng ta cần phải tiếp tục nhấn mạnh vào vấn đề hòa giải, hiệp nhất, và hòa bình.”

Dưới đây là những tấm ảnh của bức tượng bị cháy:



Cha John Currie cầu nguyện bên cạnh tượng hôm Chúa nhật.

Cha nói, “Đây rõ ràng là một ai đó có tâm lý không bình thường, một người có linh hồn bấn loạn. Tôi biết rằng Đức Mẹ trên thiên đàng đang nhìn xuống linh hồn đó, hoặc bất kỳ người nào đó, và nói rằng, “Mẹ yêu con.”

“Nếu bạn cần giúp đỡ, hãy đến để được giúp đỡ. Chúng tôi ở đây cho các bạn.”



Tổng Giáo phận Boston cũng đăng một thông báo.

“Người chịu trách nhiệm của sự phạm thượng đối với tượng Đức Mẹ rõ ràng là một linh hồn bị bấn loạn. Mẹ Maria đại diện cho tất cả những gì tốt lành và tinh tuyền trong thế giới chúng ta,” phát ngôn viên nói.

“Chúng tôi tin tưởng vào cơ quan chấp pháp địa phương điều tra vấn đề này … Chúng tôi cầu nguyện cho người hoặc những người chịu trách nhiệm.”

Dưới đây là bản tin tường thuật của WCVB Channel 5 Boston:



Phòng Cảnh sát Boston yêu cầu những người có thông tin hãy liên hệ với Đường dây Cung cấp Thông tin Tội phạm.

Dưới đây là toàn văn thông cáo:


Xin cầu nguyện cho sự bình an trong đất nước chúng con! Lạy Mẹ là Nữ vương Hòa bình, xin cầu cho chúng con!


[Nguồn: churchpop]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/7/2020]


Thông điệp Chủ nhật Biển của Vatican

Thông điệp Chủ nhật Biển của Vatican
Card. Peter Turkson, Archive Zenit

Thông điệp Chủ nhật Biển của Vatican

Cầu nguyện cách đặc biệt cho những người hoạt động trên biển phải làm việc xa quê hương, xa người thân yêu & Giáo hội địa phương

06 tháng Bảy, 2020 11:05

Dưới đây là thông điệp được công bố bởi Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện của Vatican (bản tiếng Anh) cho “Chúa nhật biển”, sẽ được kỷ niệm vào ngày 12 tháng Bảy, 2020:

* * *

Thông điệp Chúa nhật Biển 2020

(12 tháng Bảy 2020)

Anh chị em trong Đức Kitô thân mến, thưa các vị tuyên úy, các thiện nguyện viên, bạn bè và những người ủng hộ Stella Maris, việc kỷ niệm Chúa nhật Biển năm nay đáng lẽ ra phải là một dịp vui mừng vì là dịp kỷ niệm 100 năm vào tháng Mười ở Glasgow – Scotland (bây giờ phải hoãn đến năm 2021). Đúng hơn là nó sẽ được kỷ niệm trong một thời gian ngoại thường và đầy thách đố, điều mà Đức Thánh Cha Phanxico đã diễn tả trong những lời này: “Cũng như các môn đệ trong Tin mừng, chúng ta bị rơi vào một trận cuồng phong vô cùng bất ngờ. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta ở trên cùng một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời lại rất quan trọng và cần thiết, tất cả chúng ta được kêu gọi để cùng nhau chèo chống, mỗi chúng ta cần phải an ủi người khác. Trên con thuyền này … là tất cả chúng ta[1].

Tâm hồn chúng ta hướng về những người bà con họ hàng và bạn bè của không biết bao nhiêu nạn nhân coronavirus (trong số đó có rất nhiều người đi biển) và chúng ta cảm thấy đau buồn và mất phương hướng trước những bấp bênh về tương lai.

Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa hoàn toàn và buộc phải thực hiện lệnh phong tỏa mở rộng đối với nhiều doanh nghiệp trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus. Tuy nhiên, ngành hàng hải vẫn tiếp tục hoạt động, cộng thêm với muôn vàn thách thức đối với đời sống vốn đã có nhiều trắc trở của những người đi biển, và đặt họ lên hàng đầu trong cuộc chiến chống coronavirus.

Những chiếc tàu đang vận chuyển gần 90% sản phẩm vô cùng cần thiết để tiếp tục cuộc sống bình thường của chúng ta như thuốc men và thiết bị y tế trong những hoàn cảnh vô cùng mệt mỏi, vẫn phải lệ thuộc vào biển. Trước khi dừng hẳn, ngành công nghiệp tàu biển đã phải cố gắng thuyết phục các chính phủ và những nhà chức trách cảng mở cửa, nơi họ có thể cho khách lên bờ một cách an toàn. Đồng thời, họ khẩn trương cố tìm mọi cách để ngăn chặn sự lây lan giữa các hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu đã trở thành những ổ dịch COVID-19.

Bất kể vai trò căn bản mà những người đi biển góp phần cho nền kinh tế toàn cầu, một vai trò có ý nghĩa to lớn và cần các tổ chức và thể chế cố gắng duy trì trong cuộc khủng hoảng COVID-19, các chính sách và luật pháp hiện hành và phổ biến chỉ lướt qua chúng một cách đơn thuần. Đó là lý do tại sao Chúa nhật Biển là cơ hội để chúng ta xem xét lại vai trò của những người đi biển, và nhớ lại một số vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của họ và trở nên nặng nề hơn bởi sự nghi ngờ và sợ bị lây nhiễm.

Trong hoàn cảnh chưa từng có này, các thuyền viên, những người đã trải qua sáu đến mười tháng trên tàu, đã phải chịu đựng sự bất tiện rất lớn khi thời gian làm việc của họ bị kéo dài, dẫn đến gia tăng sự mệt mỏi cá nhân và xa cách quá lâu những người thân yêu và sự thoải mái trong gia đình. Ước tính, mỗi tháng có 100.000 người đi biển kết thúc hợp đồng và mong muốn được bay về nhà đã bị ngăn lại do sự bùng phát của COVID-19 và việc đóng cửa các biên giới và các chuyến bay. Cũng vì vậy, hàng ngàn người đi biển sẵn sàng lên đường với một hợp đồng mới đã bị mắc kẹt trong các khách sạn và ký túc xá trên toàn cầu, buộc phải lệ thuộc từng bữa vào các tổ chức bác ái đối với các nhu cầu cơ bản của họ như thực phẩm, đồ dùng vệ sinh, thẻ điện thoại, v.v.

Vì thiếu vắng những chuyến tàu rời cảng, và hạn chế những chuyến tàu cập bến, những người đi biển bị kẹt trên các tàu hàng chịu đựng sự cô lập, sự căng thẳng rất lớn về thể xác và tinh thần khiến rất nhiều thủy thủ đi đến bờ vực của sự suy nhược tinh thần, và thật đáng buồn đã tự tử.

Chúng tôi có báo cáo về nhiều trường hợp người đi biển với những tình trạng y tế nghiêm trọng không liên quan đến COVID-19 và có thể phải điều trị suốt đời. Những người này vẫn cần được chăm sóc y tế khẩn cấp tại các bệnh viện cấp quốc gia trên đất liền, không may bị từ chối hoặc trì hoãn cho đến khi họ phải nằm trên cáng. Hơn nữa, những người đi biển trở về nhà sau một hành trình dài và đầy kịch tính phải trải qua thời gian cách ly hoặc bị phân biệt đối xử hoặc kỳ thị ở đất nước của họ, bởi vì họ bị coi là những người mang virus corona.

Thật buồn, chúng tôi cũng phải xót xa trước sự thật rằng trong khi những người đi biển đã phải nỗ lực để giữ cho những chuỗi cung ứng luân chuyển bằng sự cống hiến và những hy sinh to lớn của cá nhân, một số chủ tàu vô trách nhiệm, các cơ quan quản lý thuyền viên và những người quản lý lấy lý do đại dịch để từ chối nghĩa vụ của họ bảo đảm quyền lao động của người đi biển, bao gồm tiền lương thích đáng và cải thiện những môi trường làm việc an toàn và bảo đảm cho họ.

Theo một báo cáo trong ba tháng đầu năm 2020 đã chứng kiến các vụ tấn công của cướp biển tăng 24%, và những vụ tấn công bất thành so với cùng kỳ năm 2019. Rõ ràng, coronavirus không làm dừng lại các vụ cướp có vũ trang và chúng tiếp tục là mối đe dọa đối với những người đi biển, làm tăng thêm những lo lắng và e sợ về cuộc sống vốn đã phải chịu áp lực của những bấp bênh do virus corona gây ra.

Trước tất cả những kinh nghiệm nêu trên của người đi biển mô tả một môi trường sinh kế đầy nguy hiểm, bây giờ chúng ta phải xét đến mối đe dọa thật sự của việc mất ngay cả sinh kế bấp bênh này, vì với nhiều người điều đó có nghĩa là mất thu nhập hoàn toàn và không có khả năng gánh những trách nhiệm xã hội và gia đình như, thanh toán các hóa đơn, học hành của con cái, phúc lợi của gia đình.

Đứng trước vấn đề trên, việc kỷ niệm Chúa nhật Biển một cách đặc biệt của người Kitô hữu mời gọi tất cả chúng ta thực hiện “sự lựa chọn ưu ái dành cho những người đi biển nghèo”, một cam kết sống tình liên đới với họ. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gọi tình liên đới là một “đức tính”, và định nghĩa nó là một “cam kết liên tục đối với hạnh phúc của người khác”. Đây phải trở thành thái độ của chúng ta dành cho những người đi biển này; vì họ không nghèo chỉ vì cuộc sống của họ liên tục đối diện với hiểm nguy, nhưng như vậy chính là để đảm bảo sự luân chuyển của hàng hóa cho nền kinh tế toàn cầu được dồi dào, thật xứng đáng với lòng quý trọng và biết ơn của chúng ta.

Vì lý do này, chúng tôi muốn nhắc lại thông điệp của Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế Kitack Lim: “Bạn không đơn độc. Bạn không bị lãng quên.

Bạn không đơn độc: Các vị tuyên úy Stella Maris và các thiện nguyện viên luôn ở bên các bạn mọi nơi, không nhất thiết phải ở trong nhóm nhưng với “vai trò tuyên úy từ xa” luôn kết nối với các bạn thông qua phương tiện truyền thông xã hội, luôn sẵn sàng trả lời cuộc gọi của các bạn, với sự lắng nghe đầy lòng trắc ẩn và cầu nguyện cho sự hạnh phúc và an toàn của các bạn và gia đình các bạn.

Bạn không bị lãng quên: Các vị tuyên úy Stella Maris và thiện nguyện viên sẽ ở bên các bạn trong những tháng tới khi sự kiên cường của các bạn bị thử thách và chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng những nhu cầu về vật chất và tinh thần của các bạn. Chúng tôi sẽ luôn ở bên các bạn, lên tiếng cho những điều các bạn lo lắng, bảo vệ quyền lao động và quyền con người của các bạn và ngăn chặn sự phân biệt đối xử.

Bạn không đơn độc. Bạn không bị lãng quên: vì tháng Tám sắp tới, ý chỉ cầu nguyện chung bày tỏ mối quan tâm lớn đối với nhân loại, và sứ mạng của Giáo hội của Đức Giáo hoàng Phanxico, được dành riêng cho Thế giới Hàng hải. Tất cả các cộng đoàn Công giáo trên khắp thế giới sẽ được mời gọi để cầu nguyện cho tất cả những người làm việc và sống trên biển, trong đó có các thủy thủ, ngư dân và gia đình của họ.

Chúng tôi xin phó thác cho Mẹ Maria Sao Biển, sự hạnh phúc của những người dân biển, sự cam kết và cống hiến của các tuyên úy và thiện nguyện viên, và chúng ta cầu xin Đức Mẹ bảo vệ chúng ta khỏi mọi hiểm nguy, đặc biệt là thoát khỏi sự dữ của COVID-19.

Hồng y Peter A. Turkson

Tổng trưởng

Thông thường, Chúa nhật Biển được tổ chức vào Chúa nhật thứ hai của tháng Bảy. Đó là một ngày được dành riêng để ghi nhớ và cầu nguyện theo cách đặc biệt cho những người dân biển làm việc trên biển, phải xa cách đất nước của họ, xa người thân yêu và Giáo hội địa phương. Chúng ta biết rằng, do tình hình khó khăn bởi sự lây lan COVID-19 toàn cầu, một số hội Stella Maris quốc gia đã quyết định dời lễ kỷ niệm ngày Chúa nhật Biển đến một ngày về sau. Vì lý do đó, thông điệp này có thể được sử dụng bất cứ lúc nào.

[1] Giờ cầu nguyện ngoại thường, 27 tháng Ba 2020

[Văn bản của Vatican (bản tiếng Anh)]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRIKHOAN 7/7/2020]