Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Tuyên bố của tổ chức Bác ái Công giáo ACN Quốc tế về việc chuyển Hagia Sophia thành đền thờ Hồi giáo

Tuyên bố của tổ chức Bác ái Công giáo ACN Quốc tế về việc chuyển Hagia Sophia thành đền thờ Hồi giáo
Chủ tịch Điều hành ACN Quốc tế, Tiến sĩ Thomas Heine-Geldern.

Tuyên bố của tổ chức Bác ái Công giáo ACN Quốc tế về việc chuyển Hagia Sophia thành đền thờ Hồi giáo

‘ACN xem việc chuyển đổi Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi giáo với mối quan ngại sâu sắc’

24 tháng Bảy, 2020 16:00

Chủ tịch điều hành của ACN Quốc tế, Tiến sĩ Thomas Heine-Geldern, đã đưa ra tuyên bố dưới đây liên quan đến quyết định của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho phép đền Hagia Sophia ở Istanbul được sử dụng làm đền thờ Hồi giáo:

“ACN xem việc chuyển đổi Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi giáo với mối quan ngại sâu sắc. Một lần nữa, một vấn đề tôn giáo đang được khai thác cho mục đích củng cố quyền lực chính trị trong nước. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan rõ ràng đang cố gắng cải thiện danh tiếng cá nhân của mình bằng biện pháp này, là biện pháp vốn bị chỉ trích rộng rãi trên toàn thế giới, đồng thời chuyển hướng sự chú ý thoát khỏi các vấn đề nội bộ của đất nước.

ACN hoàn toàn hiểu được sự tổn thương mà biện pháp này đã khơi lên giữa những người Kitô hữu sống ở Thổ Nhĩ Kỳ và khắp Trung Đông. Nó chỉ làm tăng thêm sự yếu thế và bất lợi hiện nay của các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác trong toàn khu vực. Bất chấp những phản đối chống lại, và như vậy bất chấp các quy định rõ ràng của hiến pháp, các nhóm thiểu số này thường bị coi là công dân hạng hai và ngày càng bị ngấm ngầm phá hoại về cội nguồn và bản sắc của họ.

Đồng thời, ACN nhìn đến phản ứng tiêu cực của nhiều quốc gia và chính trị gia liên quan đến quyết định này với một chút hoài nghi. Mặc dù đã có làn sóng phẫn nộ lớn đối với việc tái chuyển đổi mục đích của một cơ sở thuộc tôn giáo, nhưng trong một số trường hợp, các hành vi bạo lực và phân biệt đối xử được nhà nước hậu thuẫn chống lại người Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác ở nhiều nước trên thế giới thường có rất ít hoặc không có phản ứng.

ACN một lần nữa nhắc lại rằng quyền tự do tôn giáo trọn vẹn của con người gắn liền với phẩm giá không thể tách rời của nhân vị, do đó, tổ chức kêu gọi tất cả các chính phủ quốc gia, và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, tích cực bảo vệ quyền này.

ACN cũng lên án các hình thức chủ nghĩa dân tộc cực đoan ngày càng tăng mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, thường được thúc đẩy bởi các hệ tư tưởng tôn giáo nào đó. Từ đó dẫn đến kết quả là những thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số ở các quốc gia này thường bị coi là người xa lạ và như kẻ thù, ngay cả khi tổ tiên của họ đã sống ở những vùng đất này từ rất lâu trước khi những người hiện chiếm đa số nắm quyền trên của họ.

ACN đặc biệt kêu gọi các quốc gia phương Tây rút ra bài học từ lịch sử Trung Đông trong thế kỷ 20 và không giữ im lặng trước sự phá hủy quyền sống căn bản của các nhóm thiểu số, cho dù ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan hoặc những nơi khác. So với sự đàn áp đẫm máu thường xuyên này, việc tái chuyển đổi mục đích của cơ sở tôn giáo quan trọng này là một vấn đề tương đối nhỏ, những tác động cụ thể vẫn chưa được biết.”

*********

ACN là một tổ chức bác ái mục vụ Công giáo quốc tế và là tổ chức giáo hoàng, hỗ trợ các tín hữu ở bất cứ nơi nào bị bắt bớ, bị áp bức hoặc thiếu thốn. Hiện nay, tổ chức bác ái cung cấp sự hỗ trợ tại hơn 140 quốc gia, thông qua thông tin, cầu nguyện và các dự án hỗ trợ vật chất, bất cứ nơi nào Giáo hội Công giáo bị đàn áp hoặc thiếu các nguồn lực vật chất cho sứ mệnh mục vụ của mình.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/7/2020]


Chân phước Luigi Novarese: Khi 9 tuổi, các bác sĩ nói rằng trường hợp của cậu bé là vô vọng

Chân phước Luigi Novarese: Khi 9 tuổi, các bác sĩ nói rằng trường hợp của cậu bé là vô vọng

Chân phước Luigi Novarese: Khi 9 tuổi, các bác sĩ nói rằng trường hợp của cậu bé là vô vọng

24 tháng Bảy, 2020

Nhưng mẹ của ngài chạy đến với Đức Trinh Nữ để xin cứu giúp và cuối cùng ngài làm việc trong Phủ Quốc vụ khanh Vatican.

Luigi Novarese sinh ngày 29 tháng Bảy năm 1914 tại Casale Monferrato, nằm ở phía bắc nước Ý. Cậu là người con thứ chín và là con út của ông Giust Carlo Novarese và bà Teresa Sassone. Thân phụ của Luigi qua đời vì bệnh viêm phổi trước sinh nhật đầu tiên của cậu bé. Thân mẫu cậu là một người Công giáo sùng đạo, gánh lấy trách nhiệm của mình và cố gắng hết sức để giữ cho gia đình được ổn định. Bà đang xoay sở khá tốt thì vào năm 1923, Luigi mắc một căn bệnh đe dọa đến tính mạng. Cậu được chẩn đoán mắc bệnh lao xương. Các bác sĩ nói với mẹ cậu rằng không có cách điều trị, và chẳng có hy vọng.

Nhưng mẹ Luigi không thể chấp nhận điều đó. Bà quyết tâm cứu con và làm mọi cách có thể, tiết kiệm từng đồng xu có thể được để chữa cho đứa con trai đang sắp chết. Và bà có một vũ khí mà các bác sĩ không có: bà chạy đến Đức Trinh Nữ và cầu xin Mẹ cứu giúp Luigi bình phục.

Các bác sĩ nói với bà rằng bà nên chấp nhận thực tế là con trai bà bị bệnh ở giai đoạn cuối và sẽ không sống được. Bà Teresa Sassone vẫn không nao núng và tiếp tục cầu nguyện.

Theo gương mẹ, Luigi phát triển lòng sùng kính sâu sắc với Đức Mẹ. Cậu viết một lá thư cho Cha Filippo Rinaldi, vị đứng đầu Dòng Don Bosco vào thời điểm đó, xin ngài nói với các sinh viên cầu nguyện cho cậu. Cha Rinaldi hứa với Luigi rằng các học sinh sẽ cầu xin sự chuyển cầu của Thánh Gioan Bosco và Đức Mẹ Hằng Cứu giúp

Vào ngày 17 tháng Năm năm 1931, Luigi Novarese rời bệnh viện lần cuối. Khi đó cậu 17 tuổi. Bệnh đã hết, và các bác sĩ không thể giải thích được. Tuy nhiên căn bệnh khiến cho một chân của Luigi Rút bị ngắn hơn chân kia. Nó khiến cậu phải mang một chiếc giày đặc biệt cho đến hết đời. Cậu chẳng hề bận tâm về điều đó.

Suốt thời gian nhiều lần nằm viện, Luigi rất ấn tượng với công việc của các bác sĩ và quyết tâm sẽ trở thành bác sĩ, nếu cậu còn sống. Cậu đã thay đổi ý định vào năm 1935 lúc cậu 21 tuổi, khi thân mẫu cậu qua đời. Luigi nghĩ về việc mẹ cậu đã cầu nguyện liên lỷ cho sự bình phục của cậu như thế nào và nhận ra rằng cậu có thể phục vụ Chúa bằng cách dâng sự đau khổ của mình cho những người bị bệnh nặng. Cậu vào chủng viện tại Casale Monferrato, nước Ý. Từ đó, cậu chuyển đến Đại học Capranica ở Roma và hoàn thành các môn học. Cậu được thụ phong linh mục tại Đền Thánh Gioan Lateran ngày 17 tháng Mười Hai năm 1938.

Khi còn là sinh viên, Luigi Novarese đã lấy bằng Thần học và Giáo luật. Ngày 1 tháng Năm năm 1942, Đức Ông Giovanni Montini, là Giáo hoàng Phaolo VI tương lai, đã đề nghị Luigi làm việc trong ban nhân viên của ngài tại Phủ Quốc Vụ khanh Vatican. Cha Novarese ở đó đến ngày 12 tháng Năm năm 1970.

Ngày 17 tháng Năm năm 1943, khi còn là nhân viên của Phủ Quốc vụ khanh, Cha Luigi thành lập Liên đoàn Linh mục Thánh Mẫu. Năm 1947, ngài đồng sáng lập Hội Thiện nguyện viên cho người Đau khổ, và vào năm 1950 thành lập hội Lao công thầm lặng Thánh giá. Năm 1952, ngài thành lập hội Anh Chị em bệnh nhân.

Ngài có nhiều việc cần phải làm, và ngài đã xin được phép của Đức Giáo hoàng Piô XII để dành một giờ phát sóng trên Đài phát thanh Vatican dành riêng cho người bệnh. Năm 1962, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã đặt Cha Novarese phụ trách tất cả các bệnh viện của Ý. Sau đó, vào năm 1970, cha được giao phụ trách lĩnh vực y tế của Hội đồng Giám mục Ý, và cha phục vụ ở đó cho đến năm 1977. Trong thời gian này, cha đã gặp Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II, và khi họ gặp nhau, Đức Thánh Cha đã ôm cha.

Cha Luigi Novarese qua đời ngày 20 tháng Bảy năm 1984, hiện nay là ngày lễ kính của ngài. Cha chuẩn bị bước sang tuổi 70. Cha được phong Chân phước ngày 11 tháng Năm năm 2013, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phaolo Ngoại thành ở Roma, Ý, bởi Đức Hồng y Tarcisio Bertone, với sự chuẩn nhận của Đức Giáo hoàng Phanxico. Chân phước Luigi là thánh bổn mạng của hội Tông đồ Người đau khổ, Hội Thiện nguyện viên cho người Đau khổ, Liên đoàn Linh mục Thánh Mẫu, và hội Anh Chị em bệnh nhân.

Đây là một điểm lưu ý thú vị bên lề: Bậc Đáng kính Angiolino Bonetta, nạn nhân ung thư 14 tuổi được đề cập trên Aleteia ngày 22 tháng Bảy, đã được Chân phước Luigi Novarese đến thăm vào năm 1962, trong thừa tác vụ của hội Tông đồ Người đau khổ của ngài.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/7/2020]