Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Những lời chúc Giáng sinh của Đức Hồng y Parolin tại Nhà thương Nhi đồng Bambino Gesu của Vatican ở Roma

Những lời chúc Giáng sinh của Đức Hồng y Parolin tại Nhà thương Nhi đồng Bambino Gesu của Vatican ở Roma
© Vatican Media

Những lời chúc Giáng sinh của Đức Hồng y Parolin tại Nhà thương Nhi đồng Bambino Gesu của Vatican ở Roma

‘Qua những bệnh nhi, chúng ta dấn thân phục vụ Hài nhi Giê-su, Con Thiên Chúa, Đấng quá tin tưởng chúng ta đến nỗi phó thác bản thân Người trong tay chúng ta: trong bàn tay Mẹ Maria, trong bàn tay Thánh Giu-se, trong bàn tay của tất cả chúng ta’

28 tháng Mười Hai, 2018 00:22

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Zenit những lời chúc Giáng sinh của Đức Hồng y Phê-rô Parolin, Quốc Vụ khanh Vatican, ngày 21 tháng Mười Hai, 2018, trong chuyến thăm đến Nhà thương Nhi đồng Bambino Gesu của Roma.


* * *

Lời chào gửi tới ban nhân viên của Nhà thương Bambino Gesu


Tôi xin gửi đến tất cả anh chị em có mặt ở đây, và tới toàn thể cộng đoàn trong Nhà thương Nhi đồng Bambino Gesu, những lời chúc mà tôi đã gửi đến trong Thánh Lễ vừa dâng.

Như hàng năm, tôi đến đây để chúc anh chị em những lời nguyện ước tốt đẹp, những lời chúc chân thành và nồng ấm cho một Giáng sinh hạnh phúc và một Năm Mới bình an. Nguyện xin Chúa Giê-su, Đấng sinh ra cho chúng ta tại Bê-lem, đổ tràn đầy niềm vui và bình an cho anh chị em, an ủi những người đang chịu sự đau khổ trong lòng và ước mong rằng những khát khao tốt lành của anh chị em được trở thành hiện thực! Tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp đến gia đình và tất cả những người thân yêu của anh chị em. Nhà thương của chúng ta được cung hiến cho Chúa Hài đồng Giê-su: đó là một trực giác rất tuyệt vời của các vị sáng lập, ngay từ ban đầu được động viên bởi phép lành của Đức Giáo hoàng Piô IX. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng mỗi ngày ở đây đều phảng phất không khí Giáng sinh.

Mừng Hài nhi Giê-su trong ngày sinh nhật của Người nhắc chúng ta nhớ đến một tiếng gọi với hai sứ mạng mà chúng ta phải trả lời.

Trước hết, đó là tiếng gọi sứ mạng chính của chúng ta, là sự phục vụ những bệnh nhi đau yếu, đặc biệt là những bé trong tình trạng mong manh nhất. Chúng ta đều ý thức rằng việc điều trị kêu gọi một cam kết không ngừng trong công tác nghiên cứu và sự đầu tư liên tục để đáp ứng cho mọi cấp độ chuyên môn. Thách đố đối với chúng ta là phải tìm ra được cách điều trị phù hợp cho mọi người, kể cả những bệnh không thể chữa lành, vì tất cả đều có quyền hưởng một đời sống xứng đáng dù là ngắn. Trong bối cảnh này, tôi nghĩ đến những sự đầu tư thuộc về cấu trúc để đáp ứng và sẽ đáp ứng cho sự phát triển của Nhà thương để có đủ khả năng đưa ra những phương pháp điều trị tốt hơn: những công cuộc phát triển Sant’ Onofrio và Palidoro, thực hiện Trung tâm Villa Luisa và Villa Pamphili, trụ sở chính của Alicorni Palace. Những cấu trúc đa dạng cho thấy sự phong phú của một cộng đồng mong muốn phát triển, cân nhắc đến toàn bộ hệ thống và không chỉ chú ý đến một chiều kích duy nhất.

Qua những bệnh nhi, chúng ta dấn thân phục vụ Hài nhi Giê-su, Con Thiên Chúa, Đấng quá tin tưởng chúng ta đến nỗi phó thác bản thân Người trong tay chúng ta: trong bàn tay Mẹ Maria, trong bàn tay Thánh Giu-se, trong bàn tay của tất cả chúng ta.

Tôi rất yêu quý công việc trong Nhà thương này, vì thật ra nó là Nhà thương của Giáo hoàng, luôn giữ vững mục tiêu của mình là đặt những điều mà tôi gọi là “những động lực siêu nhiên” lên hàng đầu. Điều này không có nghĩa là bỏ đi “động lực của con người,” chẳng hạn như công việc, đồng lương, sự thực hiện những khát khao chuyên môn của con người, v.v.. Đây là phần thuộc bản tính con người chúng ta. Vì vậy, không thể chối bỏ chúng, nhưng là sống những điều đó theo một cách đặc biệt, theo một phong cách đặc thù, theo chiều kích phục vụ, theo chiều kích bất tư lợi và trao tặng món quà bản thân, và đó chính là trung tâm của Tin mừng. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào hoặc cam kết trong bất kỳ hành động nào, tôi mời gọi từng người chúng ta, tất cả mọi người từ quản lý và những người thực hiện những công tác phục vụ — không có việc nào là quan trọng hay ít quan trọng trước mắt Thiên Chúa, vì tất cả đều tùy thuộc vào thiện ý đúng đắn, tùy thuộc vào lòng trung thực và tình yêu dành cho những việc đang làm –, trước hết hãy tự hỏi bản thân rằng chúng ta có thật sự đang cố gắng thực thi theo Tin mừng hay không.

Và tiếp theo là tiếng gọi thứ hai. Tin mừng kể cho chúng ta rằng Con Thiên Chúa đến và cư ngụ giữa mọi người, vì tất cả đều là khách thể cho tình yêu vô bờ của Người, và theo một cách đặc biệt đối với “những người sau rốt” của thế gian; họ được đại diện bởi các mục đồng là những người đầu tiên đón nhận lời loan báo của Thiên Thần, và họ liền vội vã lên đường để gặp Trẻ thơ của Bê-lem. Chúng ta không được quên dấu chỉ quan trọng này của Giáng sinh, đó là tiếng gọi chúng ta hãy “đến với những người sau rốt.” Vì vậy, tôi rất vui khi Nhà thương nỗ lực mở rộng ra với các vùng ngoại vi, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxico để trở thành Nhà thương cho trẻ em trên thế giới.

Cùng với Giáng sinh này chúng ta đang tiến đến gần một giai đoạn quan trọng trong lịch sử của anh chị em: kỷ niệm 150 năm ngày thành lập nhà thương nhi đồng lâu đời nhất của nước Ý. Nó là một chặng đường vô cùng quan trọng giúp chúng ta có một kỷ niệm hạnh phúc của quá khứ, để sống hiện tại một cách vững vàng và bước tới tương lai với lòng can đảm và đầy hy vọng. Thật vậy, ký ức là hành trang giúp con người vượt ra ngoài bản thân để hướng đến những chân trời mới. Ký ức cùng với sự phân định xây dựng nhận thức rằng những thách đố, những trở ngại, những khó khăn và kể cả những bi kịch tồn tại, thường có vẻ như lớn hơn sức mạnh của chúng ta, nhưng nếu Chúa ở cùng chúng ta, thì chúng ta chẳng có gì phải sợ. Và Chúa ở cùng chúng ta; Người là Đấng Ê-ma-nu-el. Chúng ta cùng lặp lại lời của ngôn sứ I-sai-e: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta: Đấng Cứu Độ các ngươi sẽ mau đến. Tại sao các ngươi lại chìm đắm trong buồn bã? Tại sao các ngươi lại ngập chìm trong đau buồn? Người sẽ cứu ngươi; đừng sợ: Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là Đấng Thánh của dân Israel, Đấng Cứu độ ngươi!”

Với những lời này, một lần nữa tôi xin gửi đến những lời chúc tốt đẹp cho một Giáng sinh hạnh phúc và một Năm mới bình an và chúng ta sẽ gặp lại nhau ngày 19 tháng Ba để mừng kỷ niệm Nhà thương tròn 150 tuổi.

Xin cảm ơn anh chị em.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/12/2018]


Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lễ Thánh Gia Thất

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lễ Thánh Gia Thất

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lễ Thánh Gia Thất

‘Gia đình là một kho báu: Phải luôn giữ gìn và bảo vệ gia đình’

30 tháng Mười Hai, 2018 15:04

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 30 tháng Mười Hai, 2018, trước và sau Kinh Truyền Tin với những người có mặt trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *


Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta mừng Lễ Thánh Gia Thất, và phụng vụ mời gọi chúng ta suy tư về những kinh nghiệm của Mẹ Maria, Thánh Giu-se, và Chúa Giê-su, được kết hiệp bởi một tình yêu mạnh mẽ và được tạo sinh lực bởi niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa. Trích đoạn phúc âm hôm nay ( (x. Lc 2:41-52) tường thuật hành trình của gia đình Na-da-rét lên Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt qua. Tuy nhiên, khi về cha mẹ nhận thấy không có mặt cậu con trai 12 tuổi trong đoàn. Sau ba ngày tìm kiếm và lo âu, các ngài đã tìm được cậu trong Đền thờ, ngồi giữa các Luật sĩ, chăm chú thảo luận với họ. Nhìn thấy cảnh đó, Mẹ Maria và Thánh Giu-se “sửng sốt” (c. 48) và Mẹ Ngài bày tỏ nỗi lo âu rằng: “Cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (nt.). Sửng sốt — các ngài “đã sửng sốt” — và lo âu – “lo âu, cha con và mẹ” — là hai điểm mà cha muốn anh chị em thật chú ý: sửng sốt và lo âu.

Trong gia đình Na-da-rét, sự sửng sốt không bao giờ bị mất đi, ngay cả trong giây phút lo lắng nhất đó là lạc mất cậu bé Giê-su: đó là khả năng biết sửng sốt trước sự tỏ lộ dần của Con Thiên Chúa. Đó cũng là sự sửng sốt của các thầy Luật sĩ trong Đền thờ, sửng sốt trước sự hiểu biết và những câu trả lời của Ngài (c. 47). Vậy sửng sốt là gì? Sửng sốt mang ý nghĩa gì? Sửng sốt và ngạc nhiên là hai thái độ trái ngược lại với thái độ xem mọi việc như chuyện đương nhiên; nó là thái độ trái ngược với việc giải thích thực tại chung quanh chúng ta, và kể cả lịch sử, chỉ dựa theo những tiêu chuẩn của chúng ta. Và một người có thái độ như vậy sẽ không biết được ngạc nhiên là như thế nào, sửng sốt là gì. Sửng sốt là biết mở lòng ra với người khác, hiểu được những lý do của họ: thái độ này rất cần thiết để chữa lành những mối quan hệ có nguy cơ bị sụp đổ giữa con người, và nó là thái độ không thể thiếu được để chữa lành những vết thương mở trong phạm vi gia đình. Khi có những vấn đề xảy ra trong gia đình, chúng ta cứ mặc nhiên cho là mình đúng và chúng ta đóng chặt cánh cửa trước mặt người khác. Thay vì vậy, thật vô cùng tốt đẹp nếu suy nghĩ: “Vậy mặt tốt của người này là gì?” Và hãy ngạc nhiên trước “mặt tốt” đó. Và nó sẽ giúp cho sự hiệp nhất của gia đình. Nếu anh chị em có những vấn đề trong gia đình thì hãy nghĩ đến những mặt tốt của người bà con họ hàng mà anh chị em đang có vấn đề với họ, và hãy ngạc nhiên trước điều đó. Và như vậy nó sẽ giúp chữa lành được những vết thương trong gia đình.

Yếu tố thứ hai mà cha muốn rút lấy trong Tin mừng là sự lo âu mà Mẹ Maria và Thánh Giu-se cảm nhận khi các ngài không tìm được Chúa Giê-su. Sự lo âu này cho thấy vai trò trung tâm của Chúa Giê-su trong Gia đình Thánh. Đức Nữ Đồng Trinh và phu quân của Mẹ đã đón nhận người Con, các ngài bảo vệ Người và chứng kiến sự phát triển của Người từng ngày, sự khôn ngoan, và ơn sủng ở giữa các ngài, nhưng Người chiếm vị trí trung tâm trong trái tim của cha mẹ Người; và dần dần tình thương yêu và sự thấu hiểu của hai ngài lớn lên trong mối quan hệ với Người. Như vậy anh chị em thấy được tại sao gia đình Na-da-rét là gia đình thánh: vì Chúa Giê-su được đặt ở vị trí trung tâm trong gia đình; mọi sự chú ý và quan tâm lo lắng của Mẹ Maria và Thánh Giu-se đều dành cho Người.

Sự lo âu mà các ngài cảm nhận trong suốt ba ngày bị lạc mất Chúa Giê-su cũng phải biến thành sự lo âu của chúng ta khi chúng ta xa cách Người, khi chúng ta xa cách Chúa Giê-su. Chúng ta cần phải cảm thấy lo âu khi chúng ta quên Chúa Giê-su quá ba ngày, không cầu nguyện, không đọc Tin mừng, không cảm thấy cần có sự hiện diện của Người và tình bạn ủi an của Người. Và thường thường các ngày của tôi trôi qua chẳng nhớ gì đến Chúa Giê-su, và như vậy thật tệ, nó rất tệ. Chúng ta phải cảm thấy lo âu khi những điều này xảy ra. Mẹ Maria và Thánh Giu-se đi tìm Người và thấy Người trong Đền thờ đang giảng giải sách thánh. Cũng vậy, chúng ta có thể gặp gỡ với Thầy Chí Thánh và đón nhận sứ điệp cứu độ của Người, đặc biệt trong Nhà Chúa. Trong Thánh Lễ, chúng ta có một trải nghiệm sống động của Đức Ki-tô. Người nói với chúng ta, Người ban cho chúng ta Lời của Người, Người soi sáng chúng ta, Người soi sáng đường đi của chúng ta; Người ban cho chúng ta thân mình Người trong Bí tích Thánh Thể và từ đó chúng ta kín múc được sinh lực để đương đầu với những khó khăn mỗi ngày.

Và hôm nay chúng ta hãy trở về nhà với hai từ này: sửng sốt và lo âu. Tôi có khả năng biết sửng sốt trước những điểm tốt của người khác không, và từ đó giải tỏa được các vấn đề trong gia đình? Tôi có thấy lo âu khi tôi xa rời Chúa Giê-su không?

Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi gia đình trên thế giới, đặc biệt cho những gia đình đang thiếu sự bình an và hòa hợp vì nhiều lý do khác nhau. Và chúng ta hãy phó thác họ dưới sự bảo trợ của Gia đình Thánh Na-da-rét.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lễ Thánh Gia Thất

Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Chúng ta cùng cầu nguyện cho những anh chị em ở đất nước Cộng hòa Dân chủ Congo đang chịu đựng sự tấn công của dịch Ebola. Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ cam kết duy trì môi trường hòa bình, nó giúp khả năng thực hiện được những cuộc bầu cử thường kỳ và hòa bình. Chúng ta cùng đọc kinh: “Kính mừng Maria …”

Cha xin chào tất cả mọi người, người Roma và khách hành hương; các nhóm giáo xứ, các hội đoàn, và các bạn trẻ. Xin gửi lời chào đặc biệt hôm nay đến các gia đình đang hiện diện tại đây. Chúng ta cùng vỗ tay chúc mừng các gia đình ở đây — và tất cả các gia đình đang tham dự ở nhà qua truyền hình và radio. Gia đình là một kho báu: Phải luôn giữ gìn và bảo vệ gia đình. Ước mong rằng Gia đình Thánh Na-da-rét luôn bảo vệ và soi sáng cho hành trình của anh chị em.

Cha xin chào các Tu sĩ Dòng Đức Bà Thương Xót đã đến đây cùng với các thừa tác viên từ nhiều vùng trên khắp nước Ý, cũng như các tín hữu từ Legnaro và Gragnano. Cha chào các hướng đạo sinh của Villabate; các thiếu niên ứng sinh Thêm sức của Codogne (giáo phận Vittorio Veneto) và một số giáo xứ thuộc giáo phận Bergamo: Curno, Palazzago, Gromlongo, Barzana, Almenno. Và cha xin chào hai nhóm các chị Nữ tu với cờ của Tây Ban nha và cờ của Ba lan.

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc và ngày cuối năm bình an. Hãy tiễn năm cũ trong bình an.

Một lần nữa cha cảm ơn những lời chúc mừng và cầu nguyện của anh chị em. Và xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho cha.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/12/2018]


Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

Ai cập: Đức Thánh Cha gửi lời chia buồn đến các nạn nhân trong vụ tấn công kinh hoàng

Đức Thánh Cha Phanxico cầu nguyện, Vatican Media

Ai cập: Đức Thánh Cha gửi lời chia buồn đến các nạn nhân trong vụ tấn công kinh hoàng

Bốn người bị sát hại ngày 28 tháng Mười Hai, 2018 trong vụ bạo lực xỷ ra gần Giza

29 tháng Mười Hai, 2018 22:37

Dưới đây là bức điện tín chia buồn gửi tới các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày 28 tháng Mười Hai năm 2018 gần Giza, được Đức Hồng y Phê-rô Parolin, Quốc Vụ Khanh, thay mặt Đức Thánh Cha Phanxico gửi đến Tổng thống nước Cộng hòa Ai cập, Abdel Fattah Al Sisi:


Điện tín

Kính gửi ngài Abdel Fattah Al Sisi

Tổng thống nước Cộng hòa Ai cập

Cairo

Đức Giáo hoàng Phanxico vô cùng đau buồn khi nghe tin vụ đánh bom khủng bố mới đây gần Giza. Lên án hành động vô nghĩa và tàn ác, đồng thời ngài cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, cho những người bị thương và cho các nhân viên cấp cứu đang hỗ trợ cấp cứu. Tin tưởng rằng tất cả sẽ cùng làm việc để vượt qua được bạo lực bằng tình đoàn kết và hòa bình, Đức Giáo hoàng Phanxico khẩn xin những ơn lành của nước trời đổ xuống trên đất nước và dân tộc Ai cập.

Hồng y Phê-rô Parolin

Quốc Vụ Khanh


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/12/2018]


Tuyên bố của Phái đoàn Tòa Thánh tại Phiên họp thứ 24 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về sự Biến đổi Khí hậu (COP24)

Tuyên ngôn của Phái đoàn Tòa Thánh tại Phiên họp thứ 24 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về sự Biến đổi Khí hậu (COP24)
Vatican Media Screenshot

Tuyên bố của Phái đoàn Tòa Thánh tại Phiên họp thứ 24 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về sự Biến đổi Khí hậu (COP24)

‘Đức tin và lý trí cùng đồng hành giúp chúng ta đưa ra được những lựa chọn tích cực cho lối sống, cho cách điều hành nền kinh tế, và xây dựng một tình đoàn kết toàn cầu thật sự cần thiết để tránh được cuộc khủng hoảng khí hậu này’

19 tháng Mười Hai, 2018 13:18

Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican Tuyên ngôn của Phái đoàn Tòa Thánh tại Phiên họp thứ 24 của Hội nghị Liên Hợp quốc về sự Biến đổi Khí hậu (COP24) tại Katowice, Ba lan, 2-15 tháng Mười Hai, 2018:


*****


Vatican, 19 tháng Mười Hai 2018

Trong Tông huấn Laudato Si’, về việc Chăm sóc cho Ngôi nhà Chung của Chúng ta, Đức Giáo hoàng Phanxico nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tăng cường tính trách nhiệm đối với những chính sách liên quan đến sự biến đổi khí hậu đang là vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu: đối với môi trường, xã hội, kinh tế, chính trị và sự phân chia tài nguyên (xem trong các số 181 và 23-26).

Các nhà lãnh đạo toàn cầu nhóm họp tại Katowice về COP 24 đã cố gắng tìm được ý chí chung để gạt sang một bên những lợi ích kinh tế và chính trị ngắn hạn và hoạt động vì ích chung. Sau những tranh luận dài và phức tạp, họ đã đi đến sự thống nhất một bộ quy ước về việc áp dụng Hiệp ước Paris được thông qua năm 2015. Chúng tôi rất biết ơn những nhà lãnh đạo của các Nhà nước và các bên liên quan đã đóng góp cho cuộc đối thoại đa phương này và soạn thảo quyển quy ước. Sự thống nhất về văn kiện sau cùng, khá phức tạp và được trình bày chi tiết, cho thấy sự quyết tâm đối với những cam kết đã đưa ra ba năm trước tại Paris và tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các quốc gia.

Nhưng đáng tiếc, chúng ta cũng phải lưu ý rằng quyển quy ước không phản ánh đúng được sự cấp bách phải giải quyết sự biến đổi khí hậu, nó “đại diện cho một trong những thách đố chính gia đình nhân loại đang phải đối mặt ngày nay” (Tông huấn LS, 25). Ngoài ra, quyển quy ước dường như làm giảm bớt các quyền con người, là yếu tố then chốt trong việc phản ánh khuôn mặt biến đổi khí hậu của con người, nó ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất trên trái đất. Tiếng kêu của họ và của trái đất đòi buộc phải có thêm quyết tâm và tính cấp bách lớn hơn.

Phái đoàn Tòa Thánh, do Hồng y Phê-rô Parolin Quốc Vụ Khanh dẫn đầu, đã phân tích rõ việc thăng tiến phẩm giá của nhân vị, giảm bớt tình trạng đói khổ bằng cách thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện, và giảm nhẹ những tác động của sự biến đổi khí hậu qua cách cùng chung tay với tinh thần trách nhiệm thực hiện những biện pháp áp dụng và làm giảm bớt. Chúng ta cần một giai đoạn chuyển tiếp phù hợp cho tất cả các bên tùy theo trách nhiệm của họ dựa trên nguyên tắc công bằng.

Thật đáng buồn, theo Báo cáo Đặc biệt IPCC công bố tháng Mười 2018 cho biết chúng ta có trách nhiệm phải giữ giới hạn nhiệt độ tăng toàn cầu trung bình ở mức 1,5°C cao hơn các mức độ trước thời công nghiệp.

Vì vậy, chúng tôi động viên phải có nhiều quyết tâm lớn hơn trong việc cam kết phần Đóng góp Quốc gia Tự quyết (NDCs) và những cơ cấu mạnh hơn hướng đến việc giảm bớt lượng khí thải nhà kính, kiểm soát sự khử carbon của nền kinh tế hiện nay lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, công khai chia sẻ cách mỗi quốc gia ứng dụng những cam kết của họ, giải quyết vấn đề tổn thất và tàn phá, củng cố những trách nhiệm tài chính vững chắc, và thúc đẩy giáo dục bền vững, nâng cao ý thức trách nhiệm, và thay đổi lối sống.

Đức tin và lý trí cùng đồng hành giúp chúng ta đưa ra được những lựa chọn tích cực cho lối sống, cho cách điều hành nền kinh tế, và xây dựng một tình đoàn kết toàn cầu thật sự cần thiết để tránh được cuộc khủng hoảng khí hậu này.

[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/12/2018]


Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Phép lành ‘Urbi et Orbi’ của Đức Thánh Cha

Phép lành ‘Urbi et Orbi’ của Đức Thánh Cha
© PHOTO.VA - Osservatore Romano

Phép lành ‘Urbi et Orbi’ của Đức Thánh Cha

‘Nguyện xin Trẻ thơ chúng ta chiêm ngắm trong máng cỏ hôm nay, trong một đêm đông giá lạnh, ghé mắt trông đến tất cả mọi người con trên thế giới, từng con người mong manh và bị loại trừ. Ước mong rằng tất cả chúng ta đón nhận được sự bình an và an ủi từ sự hạ sinh của Đấng Cứu Thế, và trong tâm tình biết rằng chúng ta được yêu thương bởi một Cha Trên Trời, một lần nữa nhận ra chúng ta là anh chị em của nhau và cùng chung sống với tinh thần đó!’

25 tháng Mười Hai, 2018 12:35

Trưa hôm nay, từ hành lang trung tâm chính diện Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha gửi đến các tín hữu tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô Sứ điệp Giáng sinh dưới đây.


Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em Giáng sinh Hạnh phúc!

Xin gửi đến anh chị em tín hữu Roma, xin gửi đến anh chị em những người hành hương, và xin gửi đến tất cả những anh chị em được kết nối với chúng ta từ mọi miền của thế giới, cha xin công bố lại tin vui của Bê-lem: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14).

Cũng như các mục đồng là những người đầu tiên vội vã đến hang chiên bò, chúng ta hãy dừng lại và sửng sốt trước dấu chỉ mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta: “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12). Chúng ta hãy quỳ gối và tôn thờ trong thinh lặng.

Trẻ thơ được sinh cho chúng ta bởi Đức Trinh nữ Maria có điều gì để nói với chúng ta? Thông điệp phổ quát của Giáng sinh là gì? Đó chính là Thiên Chúa là Cha nhân từ và tất cả chúng ta là anh chị em.

Chân lý này là nền tảng của quan điểm Ki-tô giáo về nhân loại. Nếu không có tình huynh đệ mà Đức Giê-su Ki-tô đổ xuống trên chúng ta thì mọi nỗ lực cho một thế giới công bình hơn sẽ thất bại, và thậm chí những chương trình và dự án tốt nhất của chúng ta có nguy cơ trở nên vô hồn và trống rỗng.

Vì lý do này, ước mong của cha cho một Giáng sinh hạnh phúc là ước mong về tình huynh đệ.

Tình huynh đệ giữa các cá nhân của mọi dân tộc và văn hóa.

Tình huynh đệ giữa những con người với quan niệm khác nhau, nhưng vẫn tôn trọng và lắng nghe nhau.

Tình huynh đệ giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau. Chúa Giê-su đến để tỏ lộ dung nhan của Thiên Chúa cho tất cả mọi người đi tìm kiếm Ngài.

Dung nhan của Thiên Chúa đã được tỏ lộ nơi khuôn mặt một con người. Dung nhan đó không xuất hiện nơi một thiên thần, nhưng nơi một con người, hạ sinh trong một thời điểm và một địa điểm rất đặc biệt. Qua sự nhập thể của Người, Con Thiên Chúa cho chúng ta biết rằng ơn cứu độ đến qua sự yêu thương, sự đón nhận, sự tôn trọng con người nghèo nàn của chúng ta, điều mà tất cả chúng ta đều có chung trong sự đa dạng rất lớn về sắc tộc, ngôn ngữ, và văn hóa. Tuy nhiên tất cả chúng ta đều là anh chị em trong gia đình nhân loại!

Vậy thì những khác biệt của chúng ta không phải là một sự phương hại hay một sự nguy hiểm; chúng là một nguồn mạch của sự phong phú. Cũng như khi một nghệ sĩ chuẩn bị tác tạo một bức tranh ghép: người đó phải có thật nhiều viên đá đủ màu sắc hơn là chỉ có một vài màu!

Kinh nghiệm của gia đình dạy cho chúng ta biết điều này: dù là anh chị em nhưng tất cả chúng ta đều khác nhau. Không phải lúc nào chúng ta cũng đồng thuận, nhưng có một mối dây không thể phá vỡ kết hiệp chúng ta, và tình yêu của cha mẹ giúp chúng ta biết yêu thương nhau. Đối với gia đình nhân loại rộng lớn cũng tương tự như vậy, nhưng ở đây Thiên Chúa là “cha mẹ” của chúng ta, là nền tảng và là sức mạnh của tình huynh đệ chúng ta.

Ước mong rằng Giáng sinh này giúp chúng ta tái khám phá được những mối dây huynh đệ liên kết chúng ta với nhau là những cá nhân và kết hiệp mọi dân tộc. Mong ước cho dân tộc Israel và Palestine tái khôi phục đối thoại và cam kết đi theo một hành trình hòa bình để có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột trên bảy mươi năm đã xé nát mảnh đất được Chúa chọn để tỏ lộ dung nhan tình yêu của Người.

Ước mong rằng Chúa Hài đồng Giê-su cho đất nước Syria thân yêu và bị xáo trộn một lần nữa tìm lại được tình huynh đệ sau những năm dài chiến tranh. Ước mong rằng cộng đồng quốc tế làm việc một cách kiên quyết để tìm ra một giải pháp chính trị có thể gạt bỏ được những chia rẽ và lợi ích phe nhóm, để dân tộc Syria, đặc biệt là những người đã bị buộc phải rời bỏ mảnh đất quê hương và tìm chỗ tị nạn ở nơi khác, có thể hồi hương và sống trong hòa bình trên đất nước quê hương của họ.

Những suy nghĩ của cha hướng về Yemen, với hy vọng rằng cuộc ngừng bắn do cộng đồng quốc tế can thiệp cuối cùng có thể mang đến sự an lòng cho tất cả các trẻ em và những người đã kiệt sức vì chiến tranh và đói kém.

Cha cũng nghĩ đến Châu Phi, nơi hàng triệu người phải trở thành người tị nạn hoặc di tản và đang cần sự trợ giúp nhân đạo và an ninh lương thực. Nguyện xin Hài Nhi Thánh, Đức Vua Hòa Bình, dập tắt những tiếng vũ khí và cho phép ánh bình minh mới của tình huynh đệ chiếu rọi trên toàn lục địa, chúc phúc cho những nỗ lực của tất cả những người đang cố gắng thúc đẩy những con đường hòa giải trong đời sống chính trị và xã hội.

Ước mong Giáng sinh củng cố những mối dây huynh đệ hiệp nhất bán đảo Triều Tiên và giúp cho con đường nối lại mối quan hệ hữu nghị được thực hiện gần đây sẽ tiếp tục và đạt được những giải pháp chung cho phép sự phát triển và thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Ước mong mùa hồng phúc này giúp cho Venezuela một lần nữa tìm lại được sự hòa hợp xã hội và giúp tất cả mọi thành phần trong xã hội cùng hoạt động trong tình huynh đệ vì sự phát triển của đất nước và cứu trợ cho những vùng dân cư nghèo đói nhất.

Nguyện xin Đức Chúa vừa Hạ sinh đem đến sự bình an cho đất nước Ukraine thân yêu, đang khao khát tìm lại được nền hòa bình lâu bền còn khá xa vời. Chỉ với một nền hòa bình biết tôn trọng quyền của mọi dân tộc thì đất nước mới phục hồi từ những đau khổ mà nó đã phải gánh chịu và tìm lại được những điều kiện sống đúng phẩm giá cho người dân của đất nước. Cha xin thể hiện tình hiệp thông gần gũi với những cộng đồng Ki-tô giáo trong vùng, và cha cầu xin để họ có thể phát triển những mối quan hệ huynh đệ và tình bạn.

Trước Chúa Hài đồng Giê-su, ước mong rằng người dân của đất nước Nicaragua thân yêu một lần nữa lại nhìn nhau như anh chị em, để những sự chia rẽ và bất hòa sẽ không thắng thế, nhưng tất cả mọi người có thể thăng tiến sự hòa giải và cùng nhau xây dựng tương lai của đất nước.

Cha cũng muốn nhắc đến tất cả các dân tộc đang phải trải qua những hình thức thuộc địa hóa về hệ tư tưởng, văn hóa và kinh tế, và chứng kiến sự tự do và bản sắc của họ bị đánh đổi, cũng như những dân tộc trải qua sự đói kém và thiếu những điều kiện về giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Một suy nghĩ rất đặc biệt xin gửi đến những anh chị em mừng Chúa ra đời trong những hoàn cảnh khó khăn, nếu không nói là thù địch, đặc biệt ở những nơi mà cộng đồng Ki-tô giáo là nhóm thiểu số, thường rất dễ bị xúc phạm và không được xét đến. Xin Chúa ban ơn để họ, và tất cả các nhóm thiểu số, có thể được sống trong hòa bình và nhìn thấy quyền của họ được công nhận, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo.

Nguyện xin Trẻ thơ mà chúng ta chiêm ngắm trong máng cỏ hôm nay, trong một đêm đông giá lạnh, ghé mắt trông đến tất cả mọi người con trên thế giới, từng con người mong manh và bị loại trừ. Ước mong rằng tất cả chúng ta đón nhận được sự bình an và an ủi từ sự giáng trần của Đấng Cứu Thế, và trong tâm tình biết rằng chúng ta được yêu thương bởi một Cha Trên Trời, một lần nữa nhận ra chúng ta là anh chị em của nhau và cùng chung sống với tinh thần đó!

[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/12/2018]


Pakistan: ‘Người Ki-tô hữu là một cộng đồng rất nghèo, sống trong những điều kiện bán-nô-lệ’

Pakistan: ‘Người Ki-tô hữu là một cộng đồng rất nghèo, sống trong những điều kiện bán-nô-lệ’

Pakistan: ‘Người Ki-tô hữu là một cộng đồng rất nghèo, sống trong những điều kiện bán-nô-lệ’

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pakistan nhấn mạnh rằng việc đối thoại liên tôn là vô cùng quan trọng cho nền hòa bình

20 tháng Mười Hai, 2018 09:23

Đức Tổng Giám mục Giu-se Arshad thuộc giáo phận Islamabad-Rawalpindi và cũng là chủ tịch Hội đồng Giám mục Pakistan. Nhưng các trách vụ quan trọng không ngăn cản ngài đến với những người nghèo nhất và thiếu thốn nhất. Ngài được hội bác ái Công giáo quốc tế và Quỹ Giáo hoàng Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn (ACN International) phỏng vấn trong một chuyến thăm gần đây đến nhà thờ chính tòa Thánh Phaolô ở Faisalabad. Trường hợp đáng lưu tâm nhất là Asia Bibi, một phụ nữ Ki-tô hữu bị kết án tội báng bổ và bị cầm tù gần 8 năm trong phòng tử tội cho đến khi được tha bổng cách đây vài tuần, ngài nhấn mạnh đến lý do tại sao Giáo hội Công giáo luôn chú ý rất nhiều đến sự cần thiết của đối thoại liên tôn và những hoạt động vì hòa bình trong một đất nước đã bị xé nát vì những tai họa của chủ nghĩa cực đoan, tham nhũng và bạo lực khủng bố.

Tân Thủ tướng Imran Khan đang cố gắng giải quyết một số vấn đề rất hệ trọng trong quốc gia, trong đó có nạn thất nghiệp, đặc biệt đối với giới trẻ, nạn tham nhũng và sự gia tăng dân số nhanh chóng. Pakistan hiện dân số đã lên hơn 200 triệu người. Khẩu hiệu bầu cử của ông KHan là “Chúng ta cùng nhau loại trừ nạn tham nhũng.” Nó là một thông điệp có âm hưởng tốt đối với dân chúng, vì họ đã nhìn thấy những tài nguyên kinh tế của đất nước và nguồn tiền dành cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe đã bị rút ruột. Chúng tôi tin rằng đây có thể là một cơ hội tốt để phát triển và cải thiện đời sống của người dân.


Thưa Đức cha, tình hình hiện tại của Giáo hội ở Pakistan như thế nào?

Chín mươi lăm phần trăm dân số là người Hồi giáo, và số còn lại thuộc nhiều nhóm thiểu số khác nhau, trong đó có Ki-tô giáo, Ấn giáo, Sikhs và Parsees. Người Công giáo có khoảng 1,5 triệu, và tổng số người Ki-tô hữu trong đó có nhiều thệ phái Tin lành là khoảng 6 triệu người, hoặc chiếm khoảng 2% trong tổng số. Người Ki-tô hữu đại diện cho một khu vực những người bần cùng của cộng đồng, rất nhiều người chỉ có những việc làm rất bấp bênh, thường trong các điều kiện bán-nô-lệ. Mục tiêu chung cho chúng tôi là giáo dục để chúng tôi có thể cải thiện đời sống của người dân và cho thấy rằng người Ki-tô hữu cũng là một phần của xã hội, được bình đẳng về phẩm giá và có thể góp phần trong những công việc đòi hỏi kỹ năng. Về lý thuyết, theo luật, cộng đồng chúng tôi được cho chỉ tiêu đại diện 5 phần trăm vị trí trong các trường công, nhưng nhiều khi chúng tôi không thể giữ đủ các vị trí này, vì thiếu người có bằng cấp cần thiết.


Xin Đức cha cho biết về đời sống đức tin của người Ki-tô hữu ở Pakistan?

Người tín hữu có đức tin rất đơn sơ nhưng vô cùng mạnh mẽ. Bất chấp những vấn đề về sự tiếp cận với giáo dục và thiếu những cơ hội, người giáo hữu rất trung thành với Tin mừng, và các nhà thờ luôn đầy người. 90 phần trăm người Công giáo đều tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa nhật, và nhiều người đi lễ trong suốt tuần. Tôi cũng phải nói thêm rằng nhiều người không thể tham dự Thánh Lễ các Chúa nhật do thiếu nhà thờ và linh mục làm mục vụ cho họ.


Xin Đức cha cho chúng tôi biết ý kiến của người về trường hợp Asia Bibi?

Giáo hội Công giáo chúng tôi tôn trọng luật pháp của đất nước và tôn trọng hệ thống pháp lý. Tòa án tối cao ở Islamabad đã đưa ra phán quyết. Họ có quyền pháp lý cao nhất trong nước và chúng ta phải tôn trọng quyết định của Tòa án Tối cao.


Có phải người Ki-tô hữu đang chịu đau khổ do hậu quả của chủ nghĩa cực đoan do một số nhóm Hồi giáo?

Vâng, gần như chắc chắn. Chúng tôi đã bị những vụ tấn công vào các nhà thờ, và người Ki-tô hữu cảm thấy bị đe dọa bởi luật báng bổ. Những luật này thường được sử dụng để trả thù cá nhân, tố cáo gian người khác. Nhưng trong thực tế, sẽ chẳng có vấn đề gì nếu các giới chức địa phương xử lý nhanh các trường hợp như vậy. Đây là lý do tại sao đối thoại liên tôn là chìa khóa để làm việc chung với các giáo sĩ Hồi giáo, các nhà lãnh đạo Hồi giáo, để kiểm tra những chiến dịch tố cáo gian và giúp làm lắng dịu những yếu tố mang tính cực đoan. Nếu chúng tôi không thành công trong việc trả lời kịp thời cho những vụ cáo gian như vậy thì người ta đôi khi sẽ nắm lấy luật và dẫn đến kết cục là giết hại người bị tố cáo. Tôi có biết một số trường hợp như vậy vì tôi cũng là người đứng đầu của Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục.

Trong bối cảnh của Pakistan, đối thoại liên tôn là vô cùng quan trọng. Giáo hội Công giáo đang đi đầu trong vấn đề này. Chúng tôi đang cố gắng tìm ra những lĩnh vực mà chúng tôi có thể cùng hoạt động chung – Hồi giáo, Ki-tô giáo, Ấn giáo, Sikhs, Parsees và các tôn giáo thiểu số khác. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng khi chúng tôi cùng chia sẻ cuộc sống thì chúng tôi sẽ hiểu nhau nhiều hơn. Nó là một tiến trình chậm, và tôi tin rằng cần phải có thêm nhiều hoạt động nữa giữa các cá nhân. Mục tiêu của chúng tôi là mang lại hòa bình và chống lại chủ nghĩa cực đoan.


Đức cha có lời nhắn gửi gì đến những mạnh thường quân của ACN?

Tôi xin bày tỏ lòng tri ân của tôi đến tất cả những nhà hảo tâm đang giúp đỡ cho cộng đồng chúng tôi. Các giáo phận Công giáo ở Pakistan phải lao động rất vất vả để gây quỹ duy trì hoạt động. Chúng tôi sở hữu ít nguồn tài nguyên nên với sự giúp đỡ và tình đoàn kết của quý vị, chúng tôi có thể hỗ trợ một số người nghèo nhất trong xã hội. Chúng tôi không nhận cứu trợ từ bất kỳ các cá nhân hoặc những tổ chức nào khác ở Pakistan.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/12/2018]


Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Lễ Thánh Stê-pha-nô (Toàn văn)

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Lễ Thánh Stê-pha-nô (Toàn văn)
CTV Screenshot

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Lễ Thánh Stê-pha-nô (Toàn văn)

‘Thánh Stê-pha-nô là người đầu tiên theo những bước chân tử đạo của Thầy Chí Thánh; ngài đã chết như Chúa Giê-su phó thác sự sống cho Thiên Chúa và tha thứ cho những kẻ hành hình ngài’

26 tháng Mười Hai, 2018 13:28

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của phóng viên Vatican của Zenit, Deborah Castellano Lubov, bài huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước và sau Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô nhân ngày Lễ Thánh Stê-pha-nô, 26 tháng Mười Hai, 2018:


* * *


TRƯỚC KINH TRUYỀN TIN:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Niềm vui Giáng sinh vẫn còn ngập tràn tâm hồn chúng ta: lời loan báo vĩ đại rằng Đức Ki-tô sinh ra cho chúng ta tiếp tục mang đến sự bình an cho thế giới. Trong không khí hân hoan này, hôm nay chúng ta mừng Lễ Thánh Stê-pha-nô, vị phó tế và tử đạo tiên khởi. Có vẻ hơi kỳ lạ một chút khi tưởng nhớ Thánh Stê-pha-nô ngay sau sinh nhật của Chúa Giê-su, vì nó là sự trái ngược giữa niềm vui của Bê-lem và thảm kịch của Stê-pha-nô, bị ném đá ở Giê-ru-sa-lem trong cuộc bách hại đầu tiên chống lại Giáo hội vừa được hình thành. Sự thật không phải như vậy, vì Hài Đồng Giê-su là Con Thiên Chúa làm người, Đấng sẽ cứu độ nhân loại bằng cái chết trên Thập giá. Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm Người được bọc trong tã đặt trong máng cỏ; sau khi bị đóng đinh, Người sẽ lại được quấn trong vải liệm đặt trong mồ.

Thánh Stê-pha-nô là người đầu tiên theo những bước chân tử đạo của Thầy Chí Thánh; ngài đã chết như Chúa Giê-su phó thác sự sống cho Thiên Chúa và tha thứ cho những kẻ hành hình ngài. Hai thái độ: ngài phó thác sự sống cho Chúa và tha thứ. Khi đang bị ném đá, ngài nói: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con” (Cv 7: 59). Những lời này rất giống với những lời được Đức Ki-tô thốt lên trên Thập giá: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23: 46). Thái độ của Thánh Stê-pha-nô trung thành noi theo hành động của Chúa Giê-su, là một lời mời gọi gửi đến từng người chúng ta biết lấy niềm tin để đón nhận từ bàn tay của Thiên Chúa những gì cuộc sống đem đến có khi tốt đẹp và thậm chí là không đẹp. Sự sống chúng ta không chỉ được ghi dấu với những biến cố hạnh phúc – chúng ta biết điều này – nhưng cũng với những thời gian khó khăn và mất mát. Nhưng lòng tín thác vào Chúa giúp chúng ta biết chấp nhận những thời gian khó khăn và sống những thời gian đó như một cơ hội để phát triển đức tin và xây dựng những mối quan hệ với anh em của chúng ta. Đó là việc biết phó thác bản thân trong bàn tay của Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta biết là một người Cha giàu lòng nhân từ với con cái của Người.

Thái độ thứ hai mà Stê-pha-nô noi gương Chúa Giê-su trong giây phút đau đớn cực độ trên Thánh giá là tha thứ. Ngài không nguyền rủa những kẻ hành hình ngài, nhưng cầu nguyện cho họ: “Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này" (Cv 7:60). Chúng ta được kêu gọi hãy học nơi ngài sự tha thứ, luôn luôn tha thứ, và tất cả chúng ta điều biết điều đó thật không dễ dàng. Sự tha thứ mở rộng tâm hồn, tạo ra sự chia sẻ, trao tặng bình an và hòa bình. Thánh Stê-pha-nô tử đạo tiên khởi chỉ cho chúng ta thấy con đường để đi vào những mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau trong gia đình, trong trường học, trong nơi làm việc, trong giáo xứ và trong các cộng đồng. Hãy luôn mở lòng để tha thứ. Luận lý của sự tha thứ và lòng thương xót luôn chiến thắng và mở ra những chân trời hy vọng. Nhưng sự tha thứ được gieo trồng qua sự cầu nguyện, nó giúp chúng ta giữ đôi mắt nhìn lên Chúa Giê-su. Stê-pha-nô đã có thể tha thứ những kẻ giết ngài vì được đầy ơn Thánh Thần, đăm đăm nhìn trời và nhìn thấy Thiên Chúa (x. Cv 7.55). Từ lời cầu nguyện biến thành sức mạnh để chịu phúc tử đạo. Chúng ta phải liên lỷ cầu xin Thánh Thần rót đổ trên chúng ta ơn sủng của sức kiên cường giúp chữa lành những nỗi sợ hãi, những yếu đuối, những thói nhỏ nhen và mở rộng tâm hồn chúng ta biết tha thứ. Luôn luôn tha thứ!

Chúng ta hãy khẩn xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ và Thánh Stê-pha-nô: sự chuyển cầu của các ngài giúp chúng ta luôn tín thác bản thân cho Chúa, đặc biệt trong những lúc khó khăn, và hỗ trợ chúng ta quyết tâm trở thành những con người có khả năng tha thứ.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Deborah Castellano Lubov]


SAU KINH TRUYỀN TIN:

Anh chị em thân mến, 

Cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia khác. Cha nhắc lại cho tất cả anh chị em sự ước nguyện rằng việc chiêm ngắm Chúa Hài đồng Giê-su, trung tâm điểm của các Lễ Giáng sinh, sẽ đánh thức những thái độ huynh đệ và chia sẻ trong gia đình và các cộng đồng.

Trong những ngày này, cha đã nhận được nhiều lời cầu chúc từ Roma và nhiều nơi khác trên thế giới. Cha không thể trả lời từng người, nhưng cha cầu nguyện cho mỗi người. Vì vậy, hôm nay cha gửi đến anh chị em và tất cả mọi người lòng tri ân chân thành, đặc biệt đối với món quà là lời cầu nguyện mà rất nhiều anh chị em thực hiện. Cảm ơn anh chị em rất nhiều!

Xin chúc ngày Lễ Thánh Stê-pha-nô hạnh phúc và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Deborah Castellano Lubov]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/12/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 12-26/12, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 12-26/12, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 12-26/12, 2018



12 tháng Mười Hai: Chúng ta hãy khẩn nài Đức Nữ Đồng Trinh Maria, Đức Mẹ Guadalupe, tiếp tục đồng hành và bảo vệ các dân tộc trên lục địa Châu Mỹ. #VirgendeGuadalupe

13 tháng Mười Hai: Ngay cả khi chúng ta cầu nguyện một mình thì chúng ta cũng cùng chung lời cầu nguyện với tất cả dân Chúa.

14 tháng Mười Hai: Đây là bước đầu tiên để phát triển trên hành trình đức tin: lắng nghe. Trước khi nói, hãy lắng nghe.

15 tháng Mười Hai: Cuộc sống chúng ta sẽ tỏa sáng khi nó được trao đi trong sự phục vụ. Bí mật của niềm vui là sống để phục vụ.

16 tháng Mười Hai: Vui mừng, cầu nguyện và tạ ơn là ba cách để chúng ta chuẩn bị mừng Giáng sinh theo tinh thần đích thực nhất. #Advent

18 tháng Mười Hai: Chúa Giê-su hiểu rõ nỗi đau đớn của việc không được chào đón. Ước mong rằng tâm hồn chúng ta không khép chặt như những ngôi nhà ở Bê-lem. #Internationalmigrantsday

19 tháng Mười Hai: Mùa Vọng là thời gian cho chúng ta chuẩn bị đón Chúa đến, vị Hoàng tử Hòa bình. Nó là thời gian xây dựng hòa bình với chính bản thân và với tha nhân. #Advent

20 tháng Mười Hai: Thiên Chúa đi vào lịch sử và thực hiện theo cách truyền thống của Người: bất ngờ. Thiên Chúa của những điều bất ngờ luôn làm chúng ta ngạc nhiên. #SantaMarta

21 tháng Mười Hai: Ước mong rằng những biểu tượng của cảnh hang đá và cây Giáng sinh giúp chúng ta suy tư về ánh sáng và sự hiền dịu của Thiên Chúa đi vào đời sống gia đình. #Christmas


22 tháng Mười Hai: Chúng ta hãy phó thác bản thân cho Đức Mẹ để Mẹ giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn chào đón Hài nhi Giê-su giáng lâm. #Christmas


23 tháng Mười Hai: Ánh sáng của cây thông Giáng sinh nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa Giê-su là ánh sáng của trần gian, là ánh sáng của linh hồn chúng ta quét sạch bóng tối của lòng thù hận và tạo không gian cho sự tha thứ. #Christmas


25 tháng Mười Hai: Chúa Giê-su đã sinh ra vì chúng ta! Hãy đến, hỡi tất cả những ai đang tìm kiếm dung nhan của Thiên Chúa. Người đang ở đây, Trẻ thơ nằm trong máng cỏ.

26 tháng Mười Hai: Giáo hội phát triển với máu đào của các vị tử đạo, là những người nam và nữ đã dâng mạng sống cho Chúa Giê-su. Ngày nay có rất nhiều người, cho dù họ chẳng được nhiều người quan tâm.



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/12/2018]


Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Lễ Canh thức Giáng sinh

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Lễ Canh thức Giáng sinh
Screenshot CTV - Image Of Child Jesus And Gospel

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Lễ Canh thức Giáng sinh

‘Chúa rất thích được chờ đợi, nhưng chúng ta không thể chờ đợi Người bằng cách nằm ngủ trên ghế sô-pha’

24 tháng Mười Hai, 2018 11:43

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) văn bản bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ Canh thức Giáng sinh trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô.


* * *


Thánh Giu-se cùng hiền thê của ngài là Mẹ Maria đi “lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem” (Lc 2:4). Tối nay, chúng ta cũng vậy, cũng đi lên Bê-lem, để khám phá ra mầu nhiệm Giáng sinh tại đó.

1. Bê-lem: có nghĩa là ngôi nhà lương thực. Trong “nhà” này, hôm nay Chúa muốn gặp gỡ toàn thể nhân loại. Người biết rằng chúng ta cần lương thực để sống. Nhưng Người cũng biết rằng những của ăn nuôi sống của thế gian không làm thỏa mãn tâm hồn. Trong Kinh Thánh, tội nguyên tổ của con người chính là vì của ăn: Sách Sáng Thế ký thuật lại rằng tổ tông của chúng ta “hái trái cây mà ăn” (x. 3:6). Họ đã hái mà ăn. Con người trở nên tham lam và phàm ăn. Trong thời đại của chúng ta, đối với nhiều người thì ý nghĩa của cuộc sống được tìm thấy trong sự sở hữu, trong sự dư thừa quá mức những thứ thuộc vật chất. Lòng tham vô độ in dấu trong toàn bộ lịch sử con người, thật là nghịch lý ngay trong thời đại chúng ta, một số ít người thì ăn uống một cách lãng phí vô độ trong khi quá nhiều người khác phải lê bước chân mà chẳng có được ít lương thực cần thiết để tồn tại.

Bê-lem là một bước ngoặt làm thay đổi dòng lịch sử. Ở đó Thiên Chúa hạ sinh trong một máng cỏ trong ngôi nhà lương thực. Dường như Người muốn nói rằng: “Này Ta đây như lương thực của các con.” Người không lấy đi, nhưng là tặng ban cho chúng ta lương thực để ăn; Người không cho chúng ta một thứ gì đó tầm thường, nhưng là chính thân mình Người. Ở Bê-lem, chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa không lấy đi sự sống, nhưng tặng ban nó. Với chúng ta ngay từ khi sinh ra đã quen với việc lấy mà ăn, Chúa Giê-su nói: “Hãy cầm lấy mà ăn. Đây là mình Thầy” (Mt 26:26). Thân mình bé nhỏ của Trẻ thơ Bê-lem nói với chúng ta, chỉ cho chúng ta một con đường mới để sống: không phải bằng thái độ phàm ăn và tích trữ, nhưng là thái độ chia sẻ và trao tặng. Thiên Chúa hạ mình trở nên bé nhỏ để Người có thể trở thành lương thực cho chúng ta. Qua việc ăn chính mình Người là bánh hằng sống, thì chúng ta được tái sinh trong tình yêu, và phá vỡ được vòng xoáy của của tính tham lam và vơ vét. Từ “ngôi nhà lương thực”, Chúa Giê-su đưa đưa chúng ta trở về nhà để chúng ta trở nên gia đình của Thiên Chúa, trở thành anh chị em của tha nhân. Đứng trước máng cỏ, chúng ta hiểu rằng lương thực của sự sống không phải là của cải vật chất nhưng là tình yêu, không phải là sự tham lam nhưng là tình bác ái, không phải là sự phô trương nhưng là tính đơn sơ.

Chúa biết rằng chúng ta cần có lương thực mỗi ngày. Đó là lý do Người tặng ban chính mình Người cho chúng ta hàng ngày: từ máng cỏ Bê-lem đến phòng Tiệc Ly ở Giê-ru-sa-lem. Cả ngày hôm nay nữa, trên bàn thờ Người trở thành tấm bánh bẻ ra cho chúng ta; Người gõ cửa nhà chúng ta, đi vào và cùng ngồi ăn với chúng ta (x. Kh 3:20). Trong ngày Giáng sinh, chúng ta trên dương thế đón nhận Chúa Giê-su là bánh từ trời. Đó là một tấm bánh không bao giờ hư nát, nhưng làm cho chúng ta ngay từ bây giờ có được sự nếm trải trước về cuộc sống trường sinh.

Ở Bê-lem, chúng ta khám phá ra rằng sự sống của Thiên Chúa có thể đi vào tâm hồn của chúng ta và cư ngụ ở đó. Nếu chúng ta chào đón món quà đó thì lịch sử sẽ thay đổi, bắt đầu từ mỗi người chúng ta. Vì khi nào Chúa Giê-su cư ngụ trong tâm hồn chúng ta thì trung tâm của cuộc sống không còn là bản ngã ích kỷ và đói khát, nhưng là Đấng sinh ra và sống cho tình yêu. Đêm hôm nay, khi chúng ta nghe những lời kêu gọi hãy đến Bê-lem là ngôi nhà lương thực, thì chúng ta hãy tự hỏi mình: Lương thực cuộc sống của tôi là gì? Điều mà tôi không thể thiếu đó là gì? Có phải đó là Thiên Chúa, hay là một điều gì khác? Rồi khi chúng ta bước vào trong chuồng chiên bò, cảm nhận thấy một hương thơm ngát mới của sự sống, hương thơm của sự giản dị nơi sự nghèo khó mong manh của Hài nhi Mới sinh, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có thật sự cần có những thứ vật chất này và những công thức sống phức tạp không? Tôi có thể xoay sở được mà không cần đến những thứ dư thừa này và sống một đời sống đơn giản hơn không? Ở Bê-lem, chung quanh nơi Chúa Giê-su hạ sinh, chúng ta còn thấy những người đã trải qua một hành trình: Mẹ Maria, Thánh Giu-se và các mục đồng. Chúa Giê-su là lương thực cho hành trình. Người không thích những bữa ăn dài mất thời gian, nhưng bảo chúng ta hãy nhanh chóng đứng dậy khỏi bàn ăn để phục vụ, giống như chiếc bánh được bẻ ra cho những người khác. Chúng ta hãy tự hỏi mình: Trong Giáng sinh tôi có bẻ tấm bánh của tôi cho những người không có bánh không?

2. Sau ý nghĩa Bê-lem là ngôi nhà lương thực, chúng ta cùng suy tư về Bê-lem là thành trì vua Đa-vít. Tại đó cậu thiếu niên Đa-vít cũng là một mục đồng, và cũng đã được Thiên Chúa chọn để trở thành một người mục tử và người lãnh đạo dân Người. Vào ngày Giáng sinh, trong thành trì Vua Đa-vít, chính các mục đồng là những người chào đón Chúa Giê-su giáng trần. Tin mừng kể cho chúng ta biết đêm hôm đó “khiến họ kinh khiếp hãi hùng” (Lc 2:9), nhưng Thiên Thần nói với họ “anh em đừng sợ” (c. 10). Chúng ta đã bao nhiêu lần nghe câu: “Anh em đừng sợ” trong các Tin mừng? Dường như Thiên Chúa liên tục lặp đi lặp lại lời này khi Người đi tìm chúng ta. Vì ngay từ đầu, do tội mà chúng ta sợ Thiên Chúa; sau khi phạm tội ông A-đam nói: “Con sợ hãi nên con lẩn trốn” (St 3:10). Bê-lem là liệu pháp để chữa cho căn bệnh này, vì dù con người liên tục lặp đi lặp lại chữ “không”, thì Thiên Chúa liên tục nói “có.” Người sẽ luôn luôn là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Và vì sợ rằng sự hiện diện của Người gây nên nỗi khiếp sợ, Người đã biến mình thành một Trẻ thơ mong manh. Đừng sợ: lời này không được nói với các thánh nhân nhưng với các mục đồng, những con người đơn sơ trong thời đó chắc chắn không nổi tiếng về phong thái tao nhã và lòng đạo hạnh. Con Vua Đa-vít hạ sinh giữa các mục đồng để nói với chúng ta rằng sẽ không bao giờ có bất kỳ ai còn cô đơn và bị bỏ rơi; chúng ta có một Đấng Chăn Chiên chinh phục mọi sự khiếp sợ và yêu thương tất cả chúng ta, không loại trừ một ai.

Các mục đồng của Bê-lem cũng nói cho chúng ta biết cách đi đến để gặp gỡ Thiên Chúa. Họ canh thức suốt đêm: họ không ngủ, nhưng thực hiện điều mà Chúa Giê-su thường kêu gọi chúng ta làm, đó chính là hãy tỉnh thức (x. Mt 25:13; Mc 13:35; Lc 21:36). Họ giữ thái độ cảnh giác và chú ý trong bóng đêm; và vinh quang của Thiên Chúa “chiếu tỏa chung quanh” (Lc 2:9). Đây cũng là trường hợp của chúng ta. Đời sống chúng ta có thể được in dấu bằng sự chờ đợi, mà giữa bóng tối ảm đạm của các vấn đề khó khăn vẫn đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa và khao khát được Người đến viếng thăm; rồi chúng ta sẽ đón nhận được sự sống của Người. Hay cuộc sống của chúng ta được in dấu bằng sự thèm muốn, trong đó tất cả những thứ vật chất trở thành sức mạnh riêng và khả năng của chúng ta; và tâm hồn chúng ta bị cản trở không nhận được ánh sáng của Thiên Chúa. Chúa rất thích được chờ đợi, nhưng chúng ta không thể chờ đợi Người bằng cách nằm ngủ trên ghế sô-pha. Các mục đồng ngay lập tức khởi hành: chúng ta được kể rằng họ “liền hối hả ra đi” (c. 16). Họ không chỉ đứng im tại chỗ như những người nghĩ rằng họ đã đến nơi và chẳng cần phải làm gì nữa. Thay vì vậy họ lên đường; họ để lại đàn chiên của họ không được bảo vệ; họ dám phiêu lưu vì Thiên Chúa. Và sau khi nhìn thấy Chúa Giê-su, dù họ không phải là những người giỏi ăn nói, họ vẫn ra đi và loan báo về sự giáng sinh của Người, để “nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên” (c. 18).

Tỉnh thức, lên đường, phiêu lưu, kể lại vẻ đẹp: tất cả đây là những hành động của tình yêu. Đấng Chăn Chiên Lành, Đấng đến trong ngày Giáng sinh để trao tặng sự sống của Người cho đàn chiên, sau đó vào ngày Phục sinh đã hỏi Phê-rô, và qua ông là hỏi tất cả chúng ta câu hỏi quyết định: “Anh có mến thầy không?” (Ga 21:15). Tương lai của đòan chiên sẽ tùy thuộc vào cách trả lời cho câu hỏi đó. Đêm nay chúng ta được yêu cầu hãy đáp lại cho Chúa Giê-su bằng câu: “Con yêu Người.” Câu trả lời của mỗi người là vô cùng quan trọng cho toàn thể đoàn chiên.

“Nào chúng ta sang Bê-lem” (Lc 2:15). Với những lời này, các mục đồng lên đường. Lạy Chúa, cả chúng con nữa cũng muốn đi đến Bê-lem. Ngày hôm nay cũng vậy, con đường ngược lên đồi dốc: dốc cao của tính ích kỷ cần phải được san phẳng, và chúng ta không được lạc đường hoặc rơi vào tính trần tục hưởng thụ.

Lạy Chúa, con muốn đi đến Bê-lem, vì Người đang đợi con ở đó. Con muốn nhận ra rằng Chúa đang nằm trong máng cỏ kia là lương thực đời sống của con. Con rất cần hương thơm dịu dàng của tình yêu của Người, để về phần con lại có thể trở thành tấm bánh bẻ ra cho thế giới. Xin hãy vác con trên vai của Người, Đấng Chăn Chiên Lành; được Người yêu thương, con có thể yêu thương anh chị em của con và cầm lấy bàn tay của họ. Rồi Giáng sinh sẽ là ngày mà con có thể thưa với Người: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (x. Ga 21:17).

[Văn bản chính: tiếng Anh] [Văn bản của Vatican]

Copyright © libreria editrice vaticana


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/12/2018]


Đức Thánh Cha tặng phòng khám chữa bệnh mới cho người nghèo và người hành hương nhân dịp Giáng sinh

Đức Thánh Cha tặng phòng khám chữa bệnh mới cho người nghèo và người hành hương nhân dịp Giáng sinh


Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm trung tâm dành cho người vô gia cư ở Dublin, Ireland, 25 tháng Tám, 2018. (Vatican Media)


Đức Thánh Cha tặng phòng khám chữa bệnh mới cho người nghèo và người hành hương nhân dịp Giáng sinh

Phòng khám chữa bệnh “Ambulatorio-Madre di Misericordia”, nghĩa là Phòng Khám chữa bệnh của Đức Mẹ Hằng Thương Xót, của Đức Thánh Cha nằm dưới hàng cột của Quảng trường Thánh Phê-rô sẽ phục vụ chăm sóc sức khỏe và sơ cứu cho người nghèo, người vô gia cư và người hành hương.

Robin Gomes
Đức Thánh Cha Phanxico đã tặng một phòng khám chữa bệnh mới như là món quà Giáng sinh cho người vô gia cư và người hành hương bố trí ngay bên cạnh hàng cột trong Quảng trường Thánh Phê-rô trong Vatican.

Với tên gọi “Ambulatorio-Madre di Misericordia”, hoặc Phòng Khám Chữa Bệnh của Đức Mẹ Hằng Thương Xót, phòng khám này thay thế cho trung tâm San Martino phục vụ sơ cứu cho người vô gia cư từ tháng Hai năm 2016, với một khu nhà tắm và hớt tóc mới được thêm vào gần đây.

Trong một thông báo, Văn phòng Bác ái Giáo hoàng của Đức Thánh Cha do Đức Hồng y Konrad Krajewski người Ba lan nói rằng sáng kiến được lên kế hoạch và thực hiện bởi Phủ Toàn quyền của Nhà nước Vatican cùng hợp tác với Phòng Vệ sinh và Sức khỏe của Vatican. 


Thăm khám và xét nghiệm y khoa

Được bố trí trong một không gian nhỏ trước đây thuộc về Văn phòng Bưu điện Vatican, Ambulatorio-Madre di Misericordia có ba phòng khám tổng quát, một văn phòng, hai phòng tắm và một phòng chờ.

Các phòng được lắp đặt các thiết bị và máy mới đủ khả năng kiểm tra tổng quát toàn diện và thực hiện một số xét nghiệm cho các bệnh nhân.

Phòng khám sẽ mở cửa ba ngày một tuần – thứ Hai, thứ Năm và thứ Bảy. Một bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị các bệnh về bàn chân và mắt cá sẽ trực các buổi sáng thứ Hai. Phòng khám cũng sẽ phục vụ sơ cứu cho các người hành hương trong những buổi tiếp kiến chung tại Vatican hoặc những sự kiện khác trong Quảng trường và Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô.


Phục vụ tình nguyện và thực tập

Toàn bộ hoạt động phục vụ ở đây do các bác sĩ, các chuyên gia và nhân viên chăm sóc sức khỏe thiện nguyện của Vatican, của Đại học Tor Vergata của Roma, “Associazione Medicina Solidale” (Hiệp hội Y khoa Đoàn kết) của Ý và Hiệp hội Chuyên khoa Chẩn đoán và Điều trị bệnh về chân.

Ambulatorio-Madre di Misericordia cũng sẽ cung cấp cơ hội thực tập cho các sinh viên và nghiên cứu sinh của Khoa Y Đại học Tor Vergata. 


Những bất ngờ của Đức Thánh Cha

Nhân dịp Ngày Người Nghèo Thế giới của Giáo hội Công giáo, 18 tháng Mười Một, một trung tâm khám chữa bệnh lưu động được dựng tạm thời trong Quảng trường Thánh Phê-rô, cho phép người nghèo và thiếu thốn đến để được kiểm tra và thăm khám bởi các chuyên gia. Đức Thánh Cha Phanxico bất ngờ đến thăm phòng khám, và ngài cũng làm như vậy trong các trường hợp tương tự trong quá khứ, dành thời gian nói chuyện với các bệnh nhân và những nhân viên tình nguyện.

Một hoạt động Giáng sinh khác gần đây của Đức Thánh Cha là cung cấp và dùng bữa trưa với người nghèo và người vô gia cư thuộc thị trấn duyên hải Ostia của Roma ngày 18 tháng Mười Hai được tài trợ bởi cảnh sát tài chính của Ý, Guardia di Finanza, tại Castelporziano gần Ostia.


Những hình ảnh của Phòng Khám Chữa bệnh "Ambulatorio-Madre di Misericordia"


Đức Thánh Cha tặng phòng khám chữa bệnh mới cho người nghèo và người hành hương nhân dịp Giáng sinhĐức Thánh Cha tặng phòng khám chữa bệnh mới cho người nghèo và người hành hương nhân dịp Giáng sinhĐức Thánh Cha tặng phòng khám chữa bệnh mới cho người nghèo và người hành hương nhân dịp Giáng sinhĐức Thánh Cha tặng phòng khám chữa bệnh mới cho người nghèo và người hành hương nhân dịp Giáng sinhĐức Thánh Cha tặng phòng khám chữa bệnh mới cho người nghèo và người hành hương nhân dịp Giáng sinhĐức Thánh Cha tặng phòng khám chữa bệnh mới cho người nghèo và người hành hương nhân dịp Giáng sinh

[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/12/2018]


Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018

Đức Thánh Cha chào ban nhân viên và các gia đình Vatican: Chúc mừng Giáng sinh!

Đức Thánh Cha chào ban nhân viên và các gia đình Vatican: Chúc mừng Giáng sinh!
© Vatican Media

Đức Thánh Cha chào ban nhân viên và các gia đình Vatican: Chúc mừng Giáng sinh!

Hãy ngắm nhìn Đấng rất hạnh phúc trong cảnh hang đá – Đấng đầy niềm vui!

21 tháng Mười Hai, 2018 16:34

Đây không phải là bữa tiệc Giáng sinh công sở theo đúng nghi thức. Quả thật, nó chỉ là một bữa tiệc Giáng sinh bình thường như mọi bữa tiệc khác.

Ngày 21 tháng Mười Hai, 2018, Đức Thánh Cha Phanxico đến chào các nhân viên và gia đình của họ trong Sảnh đường Phaolô VI. Lần này không chỉ là những người có doanh thu hay lợi nhuận cao nhất, nhưng có hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Người được chọn lần này không phải là người có doanh thu cao nhất hay lợi nhuận lớn nhất, nhưng là một người có thành tựu hoàn toàn khác.

Đức Thánh Cha nói, “Cha muốn đến chào mọi thành viên các gia đình, nhưng ưu tiên lần này là dành cho bà cố 93 tuổi, cùng với con gái của bà bây giờ đã làm bà nội bà ngoại, và cha mẹ và hai con. Gia đình rất đẹp là như vậy. Và anh chị em làm việc cho gia đình, cho con cái, để nuôi sống gia đình. Đó là một ơn sủng! Hãy bảo vệ gia đình. Và chúc tất cả anh chị em một Giáng sinh tràn đầy niềm vui!”

Đức Thánh Cha chào ban nhân viên và các gia đình Vatican: Chúc mừng Giáng sinh!

Đức Thánh Cha nói về sự hạnh phúc và niềm vui. Ngài chỉ vào hang đá đặt câu hỏi, và trả lời: “Ai là người hạnh phúc?”

“Đức Mẹ và Thánh Giu-se ngập tràn niềm vui: các ngài nhìn vào Trẻ thơ Giê-su và các ngài hạnh phúc, vì sau cả muôn ngàn lo lắng, các ngài đã đón nhận món quà này của Thiên Chúa, với lòng tin tưởng rất lớn và tràn đầy tình yêu.

“Rồi các mục đồng là những người đầy niềm vui. Các mục đồng cũng rất thánh thiện, chắc chắn như vậy, vì họ đáp lời loan báo của các thiên thần và ngay lập tức hối hả đến chuồng chiên bò và họ nhận ra dấu chỉ của Trẻ thơ trong máng cỏ.

“Rồi, trong một số hang đá, những hang đá lớn hơn có rất nhiều nhân vật khác với đủ ngành nghề: thợ sửa giày, thợ rèn, thợ làm bánh … vân vân. Và mọi người đều hạnh phúc.”

Đức Phanxico tiếp tục nói rằng mọi người trong cảnh hang đá đều hạnh phúc vì họ “bị lây nhiễm” niềm vui của biến cố. Và rõ ràng là những người đang tham dự sự kiện hôm nay cũng bị lây niềm vui của biến cố.

Đức Thánh Cha nói rằng trong những nơi làm việc có thể có những vấn đề xảy ra: sự mệt mỏi, chuyện ngồi lê mách lẻo, một “không khí nặng nề.” Nhưng ngài khen ngợi niềm vui mà nhiều người lao động mang đến trong công việc hàng ngày của họ. Họ mang đến “sự bình an” cho công việc.

“Và sự bình an đó từ đâu đến? Luôn luôn từ Ngài, là Đức Giê-su, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài là nguồn mạch của niềm vui, vừa cho cá nhân mỗi người và cho gia đình, và cả công việc,” Đức Phanxico kết luận.

“Vì vậy lời chúc của cha là: hãy sống thánh thiện, hãy sống hạnh phúc. Nhưng đừng là những vị thánh in trên các tấm thiệp! Hãy là những vị thánh bình thường, những vị thánh bằng xương bằng thịt, với cá tính riêng, lỗi lầm riêng, thậm chí cả tội lỗi – chúng ta hãy xin tha thứ và lại tiếp tục tiến tới – nhưng hãy sẵn sàng để cho bản thân chúng ta được “lây nhiễm” bởi sự hiện diện của Chúa Giê-su ở giữa chúng ta, sẵn sàng đến với Ngài như các mục đồng, để nhìn thấy biến cố này, dấu chỉ phi thường mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta.”

Đức Thánh Cha chào ban nhân viên và các gia đình Vatican: Chúc mừng Giáng sinh!

Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Cảm ơn anh chị em đã đến, nhiều anh chị em có cả gia đình cùng đi theo. Cha muốn đến chào mọi thành viên các gia đình, nhưng ưu tiên lần này là dành cho bà cố 93 tuổi, cùng với con gái của bà bây giờ đã làm bà nội bà ngoại, và cha mẹ và hai con. Gia đình rất đẹp là như vậy. Và anh chị em làm việc cho gia đình, cho con cái, để nuôi sống gia đình. Đó là một ơn sủng! Hãy bảo vệ gia đình. Và chúc tất cả anh chị em một Giáng sinh tràn đầy niềm vui!

Giáng sinh là một lễ của niềm vui, nhưng chúng ta thường thấy rằng nhiều người, và có thể là chính chúng ta, bị bủa vây giữa quá nhiều thứ, và cuối cùng không còn niềm vui, và nếu có đi nữa thì nó cũng chỉ là bề ngoài thôi. Tại sao như vậy?

Cha nhớ đến một câu của Léon Bloy, nhà văn người Pháp: “Bi kịch duy nhất trong đời sống là không trở nên thánh” (The Woman Who was Poor (người phụ nữ nghèo), xem Tông huấn Gaudete et exsultate, 34). Vì vậy, trái ngược lại với sự buồn bã là niềm vui, và nó có mối liên hệ chặt chẽ với sự nên thánh. Để có niềm vui của Giáng sinh, hãy trở nên tốt lành, hay ít nhất có khao khát trở nên tốt lành.

Chúng ta hãy nhìn đến hang đá. Ai là người hạnh phúc trong hang đá? Cha muốn hỏi các thiếu nhi con cái của anh chị em, các bé rất thích ngắm nhìn các nhân vật tí hon … và thậm chí có khi xê dịch vị trí các nhân vật, làm cho các người bố có khi giận điên cả lên, vì đã sắp xếp rất kỹ rồi!

Vậy ai là người hạnh phúc trong cảnh hang đá? Đức Mẹ và Thánh Giu-se ngập tràn niềm vui: các ngài nhìn vào Trẻ thơ Giê-su và các ngài hạnh phúc, vì sau cả muôn ngàn lo lắng, các ngài đã đón nhận món quà này của Thiên Chúa, với lòng tin tưởng rất lớn và tràn đầy tình yêu. Các ngài “tràn đầy” sự thánh thiện và niềm vui. Và anh chị em chắc sẽ nói với cha rằng: Dĩ nhiên rồi! Vì các ngài là Đức Mẹ và Thánh Giu-se mà! Thì đúng như vậy, nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng mọi việc đều dễ dàng đối với các ngài: thánh nhân không phải sinh ra đã là thánh nhưng các ngài trải qua thời gian mới trở nên thánh, và Đức Mẹ và Thánh Giu-se cũng như vậy.

Rồi các mục đồng là những người đầy niềm vui. Các mục đồng cũng rất thánh thiện, chắc chắn như vậy, vì họ đáp lời loan báo của các thiên thần và ngay lập tức hối hả đến chuồng chiên bò và họ nhận ra dấu chỉ của Trẻ thơ trong máng cỏ, mà điều này không phải dễ nhận ra. Đặc biệt, trong cảnh hang đá có một mục đồng còn bé, người này đang hướng mắt nhìn máng cỏ với khuôn mặt mơ màng như xuất thần: người mục đồng đó diễn tả niềm vui kinh ngạc của những người chào đón mầu nhiệm của Chúa Giê-su với một tâm hồn trẻ thơ. Đây là một đặc điểm của sự nên thánh: duy trì được khả năng biết sửng sốt, biết ngạc nhiên trước những món quà của Thiên Chúa, trước những “sự bất ngờ” của Ngài, và món quà lớn lao nhất, sự bất ngờ mãi luôn mới đó chính là Chúa Giê-su. Sự bất ngờ vĩ đại đó chính là Thiên Chúa!

Rồi, trong một số hang đá, những hang đá lớn hơn có rất nhiều các nhân vật với đủ ngành nghề: thợ sửa giày, thợ rèn, thợ làm bánh … vân vân. Và mọi người đều hạnh phúc. Tại sao? Vì họ “bị nhiễm” niềm vui của biến cố mà họ đang dự phần vào, đó là sự ra đời của Chúa Giê-su. Vì vậy công việc của họ cũng được thánh hóa bởi sự hiện hữu của Chúa Giê-su, bởi sự giáng trần của Ngài ở giữa chúng ta.

Đức Thánh Cha chào ban nhân viên và các gia đình Vatican: Chúc mừng Giáng sinh!

Và điều này cũng khiến chúng ta phải nghĩ đến công việc của mình. Đương nhiên, công việc luôn luôn có yếu tố của sự mệt mỏi. Đây là điều bình thường. Như ở quê nhà của cha, cha biết có người không bao giờ ngơi nghỉ. Có người làm ra vẻ làm việc, nhưng thật sự lại chẳng làm gì, người đó chẳng bao giờ nỗ lực. Anh chị em hiểu đó! Nhưng nếu mỗi con người chỉ thể hiện một chút sự thánh thiện của Chúa Giê-su, nó chỉ là một chút, một tia sáng rất nhỏ – như một nụ cười, một sự quan tâm nhỏ, một cử chỉ nhã nhặn, một lời xin lỗi – thì toàn bộ môi trường làm việc sẽ trở nên “dễ thở hơn,” phải không? Và không khí nặng nề mà con người chúng ta tạo ra do tính kiêu ngạo, sự khép kín, và thành kiến sẽ giảm bớt đi, và công việc được cải thiện hơn, hiệu quả tốt hơn.

Có một điều làm chúng ta rất buồn trong công việc và làm cho môi trường làm việc trở nên nặng nề đó là thói ngồi lê buôn chuyện. Xin đừng nói xấu về người khác, đừng ngồi lê buôn chuyện. “Đúng, nhưng tôi không thích người đó, người kia …” Vậy thì, hãy cầu nguyện cho người đó, nhưng đừng nói xấu họ, xin đừng làm thế vì như vậy là phá hủy; nó phá hủy tình bạn. Và thay vì chỉ trích người này hay người kia, thì tốt hơn là giữ im lặng. Nếu anh chị em có điều gì đó không đồng ý với người đó, hãy đến và trao đổi trực tiếp. Nhưng đừng nói xấu về người đó. “À, nhưng thưa cha, vấn đề ngồi lê buôn chuyện là tự nhiên …” Nhưng có một loại thuốc rất tốt để tránh không ngồi lê buôn chuyện, cha mách cho anh chị em: hãy cắn lưỡi của mình. Khi nào thấy muốn buôn chuyện, hãy cắn lưỡi mình và như vậy, anh chị em sẽ không buôn chuyện nữa.

Ngay cả tại nơi làm việc vẫn có “thánh nhân hàng xóm” (xem Gaudete et exsultate, 6-9). Đương nhiên ngay trong Vatican này, cha có thể làm chứng về điều này. Cha biết một số anh chị em là mẫu gương cho cuộc sống; họ làm việc cho gia đình và luôn luôn nở nụ cười, với sự cần cù rất đẹp đó. Sự thánh thiện là khả thi. Sự thánh thiện là có thể thực hiện được. Đây là Giáng sinh thứ sáu của cha với vai trò là Giám mục của Roma, và cha nói rằng cha được biết một số vị thánh đang sống ở đây. Những vị thánh sống đời sống Ki-tô hữu tốt lành, và nếu họ làm điều gì đó không tốt họ liền xin lỗi. Và rồi họ tiếp tục tiến bước cùng với gia đình. Mọi người đều có thể sống theo cách đó. Đó là một ơn sủng, và nó rất đẹp. Thường thường họ là những con người không thích phô trương; giản dị, khiêm nhường, nhưng họ làm rất nhiều sự tốt đẹp trong công việc và trong các mối quan hệ với người khác. Và họ là những con người của niềm vui; không phải vì họ luôn cười lớn, không phải, nhưng vì họ có một sự bình an thẳm sâu trong tâm hồn và họ biết cách chuyển tải cho người khác. Và sự bình an đó từ đâu đến? Luôn luôn từ Ngài, là Đức Giê-su, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài là nguồn mạch của niềm vui, vừa cho cá nhân mỗi người và cho gia đình, và cả công việc.

Vì vậy lời chúc của cha là: hãy sống thánh thiện, hãy sống hạnh phúc. Nhưng đừng là những vị thánh in trên những tấm thiệp! Hãy là những vị thánh bình thường, những vị thánh bằng xương bằng thịt, với cá tính riêng, lỗi lầm riêng, thậm chí cả tội lỗi – chúng ta hãy xin tha thứ và lại tiếp tục tiến tới – nhưng hãy sẵn sàng để cho bản thân chúng ta bị “lây nhiễm” bởi sự hiện diện của Chúa Giê-su ở giữa chúng ta, sẵn sàng đến với Ngài như các mục đồng, để nhìn thấy biến cố này, dấu chỉ phi thường mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta. “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân” (Lc 2: 10). Liệu chúng ta sẽ đến gặp Ngài? Hay chúng ta để cho mình bị bủa vây bởi nhiều điều khác?

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng sợ nên thánh. Cha bảo đảm với anh chị em đó là con đường của niềm vui. Chúc tất cả anh chị em Giáng sinh tràn đầy niềm vui!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/12/2018]