Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Đức Hồng y Parolin tại LHQ: Không có hòa bình, không thể có sự phát triển con người trọn vẹn

Đức Hồng y Parolin tại LHQ: Không có hòa bình, không thể có sự phát triển con người trọn vẹn

Quốc Vụ Khanh Vatican đọc diễn văn khai mạc phiên họp 71 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
23 tháng 9, 2016
Mons. Parolin before to be nominate cardinal (Foto archive)
ZENIT - HSM
Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, hôm thứ Năm đọc diễn văn khai mạc Phiên họp 71 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Dưới đây là văn bản chính:
***
cardinal parolin
Thưa ông Chủ tịch,
Năm ngoái, trong diễn văn cũng trong Hội trường này, Đức Giáo hoàng Phanxico đã vạch rõ Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững 2030 như là “một dấu chỉ quan trọng của sự hy vọng.” Chỉ vài ngày trước [1], ngài đã nhắc lại sự trân trọng của ngài trước những hành động được thực hiện năm trước của Liên Hiệp Quốc, cổ vũ tất cả hãy đưa những mục tiêu đầy triển vọng này vào thực hành: “Việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta đòi hỏi một sự đồng tâm nhất trí về chính trị toàn cầu ngày một nhiều hơn. Theo dòng hoạt động này, tôi rất hài lòng vì vào tháng 9 năm 2015 các quốc gia trên thế giới đã thông qua Những Mục tiêu Phát triển Bền vững, và vào tháng 12 năm 2015, họ đã phê chuẩn Hiệp định Paris về thay đổi khí hậu, đã đặt ra mục tiêu đòi hỏi khắt khe, nhưng là căn bản cho việc ngăn chặn sự nóng lên của nhiệt độ toàn cầu. Bây giờ các chính phủ cần phải tuân thủ những cam kết họ đã đưa ra, đồng thời các doanh nghiệp cũng phải gánh trách nhiệm của họ. Đây là việc mọi công dân kiên quyết yêu cầu điều này phải được thực hiện, và thậm chí bảo vệ cho những mục tiêu nhiều triển vọng hơn.” [2]
Thành tựu của Chương trình Nghị sự 2030 gồm một giả định quan trọng của trách nhiệm về phía các Chính phủ và sự cam kết của tất cả mọi người cho thiện ích chung. Sự cam kết này bắt buộc phải nhận ra được nhu cầu đấu tranh không chỉ cho những mục tiêu kinh tế vĩ mô to lớn nhưng còn cho những kết quả cụ thể, lâu dài, và được phân chia một cách công bằng. Tuy nhiên, nếu không có một tình hình tài chính ổn định, những đầu tư lâu dài và một sự giám định thương mại giúp sự phát triển nội địa, Chương trình Nghị sự 2030 sẽ không thể đạt được.
Đức Giáo hoàng Phanxico nhấn mạnh rằng “chính trị và kinh tế, xã hội và văn hóa không thể bị thống trị bởi những suy nghĩ chỉ nhắm vào những lợi ích ngắn hạn và tài chính hoặc bầu chọn tức thời. Thay vì vậy, họ cần phải được chuyển hướng một cách khẩn thiết sang thiện ích chung, trong đó bao gồm tính bền vững và chăm sóc tạo vật. Một trường hợp cụ thể là “món nợ sinh thái” giữa bán cầu nam và bán cầu bắc. Để trả lại cho món nợ này đòi hỏi việc đối xử với môi trường của các quốc gia nghèo hơn bằng sự quan tâm và cung cấp những nguồn tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để giúp họ đối phó với sự thay đổi khí hậu và thúc đẩy sự phát triển bền vững.” [3]
Chúng ta phải luôn nhớ rằng sự phát triển – đặc biệt là phát triển con người toàn diện – không thể bị áp đặt. Mọi con người, từng cá nhân, phải là những tác nhân chính của Chương trình Nghị sự 2030. Năm trước, cũng trong hội trường này, Đức Giáo hoàng Phanxico khẳng định rằng việc này “bao hàm và đòi hỏi quyền giáo dục, … đây là điều phải được bảo đảm trước hết và trên hết qua sự tôn trọng và củng cố thêm quyền căn bản của gia đình để giáo dục con cái, cũng như quyền của các nhà thờ và các tổ chức xã hội ủng hộ và trợ giúp các gia đình trong việc giáo dục con cái của họ.” [4]  Vì thế, Đức Giáo hoàng tiếp tục, “biện pháp và chỉ số ứng dụng đơn giản nhất và tốt nhất cho Chương trình Nghị sự Phát triển sẽ là quyền sử dụng hiệu quả, thực tế và cấp thời, một phần trong tất cả, những sản phẩm vật chất và tinh thần: nhà ở, việc làm được tôn trọng giá trị và được trả lương xứng đáng, thực phẩm và nước uống phù hợp, tự do tôn giáo và, nói một cách tổng quát, sự tự do tinh thần và giáo dục.” [5]
Một tiến trình như vậy sẽ đem lại sự phát triển con người toàn diện – một khái niệm bao gồm, nhưng không bị làm cạn kiệt bởi, sự phát triển kinh tế – phải kích thích, qua sáng kiến từ nhiều phía, những hệ thống tài chính bổ sung và thay thế có khả năng bảo đảm được những nguồn tài chính dễ tiếp cận và duy trì lâu dài cho những người nghèo nhất.
Như Đức Giáo hoàng Phanxico đã nói ở đây năm ngoái, “Những trụ cột của sự phát triển con người toàn diện có một nền tảng chung, đó là quyền được sống,” [6] điều được diễn tả là “việc thấy giá trị của thân xác của một người trong phái tính nữ hay phái tính nam của nó là cần thiết (Thông điệp Chúc tụng Chúa - Laudato Si’, 155), và tuyệt đối tôn trọng sự sống trong mọi giai đoạn và mọi chiều kích của nó.” [7]
Hơn nữa, nếu không có hòa bình thì không có sự phát triển con người trọn vẹn. Chỉ hai ngày trước ở Assisi, Đức Giáo hoàng Phanxico cùng với rất đông các nhà lãnh đạo tôn giáo khác của thế giới, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đối thoại như là con đường đặc quyền để trở thành những nhà xây dựng hòa bình. Những xung đột không chỉ làm cho kết quả đạt được của Những Mục tiêu Phát triển Bền vững ở cấp độ miền là hoàn toàn không khả thi, mà nó còn phá hủy rất nhiều nguồn lực con người, là nguồn lực sản xuất và di sản văn hóa. Ngày nay, cũng giống như trong các thập niên 1950, 60 và 70, đang có sự tái diễn mối đe dọa của xung đột vũ khí nguyên tử với những hậu quả khủng khiếp của nó.
Hậu quả to lớn và bất hạnh của chiến tranh là một đường xoắn ốc đi xuống, trong đó thường không có lối thoát, làm bùng nổ một sự gia tăng sự phân cực chính trị ở mức độ toàn cầu và thu hẹp những không gian trong đó cộng đồng quốc tế có thể đề xuất những giải pháp hiệu quả cho nền hòa bình bền vững và dài lâu.
Trong số những nhân tố làm suy giảm sự chung sống của xã hội trong các quốc gia và ngầm phá hoại toàn thể cộng đồng quốc tế, chúng ta phải tính toán đến tai họa của chủ nghĩa khủng bố. Trong những năm gần đây, chúng ta đã nhìn thấy sự di căn của chủ nghĩa khủng bố ở rất nhiều nơi trên thế giới. Những vùng lân cận của Syria và Iraq đã và đang trở thành những nạn nhân của vô số những hành động man rợ. Vượt ra khỏi vùng Trung Đông, những hành động tàn ác của chủ nghĩa khủng bố đã gieo rắc sự sợ hãi trong đời sống hàng ngày của quá nhiều người trên trái đất này.
Ở Trung Đông, chúng ta nhìn thấy những hậu quả khủng khiếp của vòng xoáy chiến tranh: nhiều mạng sống đã bị phá hủy; các chính phủ bị sụp đổ; những cuộc ngừng bắn bị phá vỡ; những sáng kiến hòa bình bất thành; và những nỗ lực bị thất bại trong việc giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột ở Syria, Iraq và Libya, để tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tranh chức vụ tổng thống ở Li-băng, và để giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestin. Sự thất bại liên tục này làm mất đi những hy vọng và cam kết của tất cả những người xem khu vực đó là linh thiêng và thánh thiêng.
Chúng ta cũng có thể chứng kiến những thất bại này trong những xung đột kéo dài đang tiếp tục đè nặng và lấy đi sự sống của quá nhiều người ở Nam Sudan, vùng Great Lakes, và bây giờ là hai năm rưỡi ở Đông Ukraina. Dù tình hình ở những nơi này đã được chú ý rất  nhiều và đã gây ra sự đau khổ quá lớn cho con người, chúng ta vẫn còn quá xa để giải quyết được những nguyên nhân gốc rễ. Gần như là chúng ta đã chấp nhận tình trạng xung đột, chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố như là một phần của sự bình thường mới của chúng ta.
Vượt ra ngoài tính cấp bách cần thiết của những cuộc ngừng bắn, của sự tôn trọng phẩm giá và quyền của những dân tộc đang bị ảnh hưởng, và của việc cứu trợ nhân đạo, cũng cần phải tạo điều kiện cho sự đàm phán  với những bên có trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp trong những cuộc xung đột. Thật cảm kích về kết quả tích cực ở Colombia, Tòa thánh thực sự hy vọng rằng, qua việc tạo thuận lợi của cộng đồng quốc tế, nhiều hình thức liên lạc và đối thoại sẽ được theo đuổi để giải quyết những xung đột đang xảy ra.
Đặc biệt, ngay từ đầu của cuộc xung đột ở Syria, Tòa thánh đã mời tất cả các bên đến đối thoại, và cộng đồng quốc tế không dành nỗ lực trong việc tạo điều kiện để chấm dứt bạo lực và thúc đẩy những điều kiện đối thoại nhằm mục tiêu tìm ra được một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, Syria đã bị tàn phá bởi đủ loại các nhóm vũ trang. Sự hỗn loạn vũ trang phải dừng lại để hòa bình có cơ may diễn ra, và trên hết, để những cứu trợ nhân đạo có thể đến được với những người đang rất cần đến nó. Tòa thánh tin rằng điều này là khả thi miễn là có quyết tâm chính trị đem đến hồi kết cho cuộc chiến.
Bất kể những khó khăn hiện tại, chúng ta vẫn có thể tìm được ở Li-băng một sức thuyết phục rằng thiện ích chung đòi hỏi sự tham gia và hợp tác của mọi thành phần của xã hội, đặt trên nền tảng luật pháp và ý kiến cho rằng các thể chế được xây dựng trên sự tôn trọng phẩm giá vốn có của từng con người. Thỏa thuận hiến pháp của Li-băng, trong đó các nhóm sắc tộc, văn hóa và tôn giáo đa dạng đều có giá trị và góp phần vào sự chung sống hòa bình, cũng có thể là một mô hình cho một giải pháp chính trị trong vùng.
Tòa thánh cũng tin rằng ở Trung đông một cam kết đổi mới luật pháp và tự do tôn giáo và chung sống là một con đường hiệu quả nhất để bảo vệ phẩm giá của tất cả mọi người. Trong bối cảnh này, Thỏa thuận Toàn cầu 2015 mà Tòa thánh đã ký kết với Palestine và sau đó được cả hai bên thông qua đưa và vào trong đạo luật bảo vệ nhân quyền căn bản nhất, trong đó có tự do tôn giáo, quyền chung sống hòa bình, và sự tự do công khai tuyên xưng niềm tin tôn giáo của một người. Trong tình hình phức tạp của Trung Đông, và đặc biệt ở Iraq và Syria, Tòa thánh giữ quan điểm rằng Thỏa thuận Toàn cầu với Palestine có thể phục vụ như một mô hình cho các Quốc gia khác có cấu trúc xã hội tương tự.
Trong bối cảnh của những nỗ lực đổi mới để lấy lại tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, Tòa thánh xin lặp lại lời thỉnh cầu cả Hai Bên tránh những biện pháp giải quyết đơn phương hoặc không hợp pháp dưới bất kỳ hình thức nào có thể tạo ra những trở ngại cho việc tìm kiếm hòa bình và tiến đến giải pháp hai Chính phủ.
Khi chúng ta nhìn đến hiện tượng di cư cưỡng bức, chúng ta thấy trước mắt chúng ta một lượng dân số đang di chuyển lớn hơn dân số của nhiều Chính phủ đang có đại diện ở đây: 65 triệu người đã bị buộc phải di tản ra khỏi nhà cửa và cộng đồng của họ, vì bách hại, vì xung đột, vì bạo lực và nạn đói lan tràn, và những vùng đất hoang tàn. Một lời khen ngợi xin gửi đến đất nước Li-băng và Jordan vì lòng bao dung mà họ dành cho tất cả những người phải trốn chạy khỏi chiến tranh và tàn phá ở Iraq và Syria cũng như Thổ Nhĩ kỳ, hiện đang là nơi tạm trú của hàng triệu người tị nạn Syria.
Vượt ra ngoài sự quan tâm cấp bách cần thiết của việc tìm cách giải quyết những nguyên nhân của sự di dân cưỡng bức, chúng ta phải lưu ý rằng sự di cư và phát triển được liên kết rất chặt chẽ với nhau. Những hậu quả của sự di cư ồ ạt của những người tị nạn và di dân đe dọa làm suy yếu cam kết của chúng ta về những giá trị của tình đoàn kết và lòng bao dung cho những người thiếu thốn. Những giá trị này nằm ở trung tâm của Năm thánh Đặc biệt Lòng Thương xót mà Đức Giáo hoàng Phanxico đã mở ra trên toàn thế giới. Như Đức Giáo hoàng Phanxico đã nhấn mạnh, “Lòng thương xót là giới răn căn bản cư ngụ trong trái tim của mỗi người biết nhìn một cách chân thành vào đôi mắt của những người anh em chị em trên hành trình cuộc sống,”[8] đặc biệt là những người bé mọn nhất và cô thế nhất.
Dẫn đưa sự chú ý đặc biệt đến những người đang bị cầm tù, Đức Giáo hoàng đã nhắc lại lời thỉnh cầu của ngài “đến lương tâm của các nhà lãnh đạo để họ có thể đi đến một đồng lòng quốc tế nhắm đến loại bỏ án tử hình.”[9]
Nếu không có sự tôn trọng sự sống đích thực và tuyệt đối, sẽ không có sự phát triển thực sự nhân bản, trọn vẹn và bền lâu. Để thúc đẩy sự phát triển này, Đức Giáo hoàng Phanxico đã thiết lập một Bộ mới của Tòa thánh, mục đích của việc thiết lập Bộ này là thúc đẩy công bằng, hòa bình, bảo vệ môi trường, và chăm sóc những người thiếu thốn nhất. Người nghèo và người thiếu thốn là khuôn mặt nhân loại của sự phát triển bền vững mà chúng ta cần hơn bao giờ hết luôn đặt trước tầm nhìn của chúng ta, để chúng ta có thể trở nên những tác nhân đầy trách nhiệm của một xã hội công bằng hơn và thực sự nhân bản hơn.
Xin cảm ơn quý vị.
[1] Message of His Holiness Pope Francis for the Celebration of the World Day of Prayer for the Care of Creation, 1 September 2016.
[2][7] Ibid.
[8] Pope Francis, Misericordiae Vultus Bull of Indiction of the Extraordinary Jubilee of Mercy (11 April 2015),  2.
[9] Ibid.

[Nguồn:  zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 24/09/2016]



Bài Chia sẻ của Đức Thánh Cha với các Nhà báo Ý

Bài Chia sẻ của Đức Thánh Cha với các Nhà báo Ý

“Chỉ có một số ít ngành nghề có sức ảnh hưởng lớn đối với xã hội như ngành báo chí”
22 tháng 9, 2016
pope francis
Trong một buổi Tiếp kiến, Đức Thánh Cha Phanxico đã gặp gỡ Hội đồng các Nhà báo Quốc gia. Sau diễn từ của Chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thông là Đức ông Dario E. Vigano và Chủ tịch Hội đồng, ông Enzo Iacopino, Đức Thánh Cha đã có bài chia sẻ dưới đây với những người có mặt.
Kính thưa quý vị,
Tôi xin cảm ơn chuyến viếng thăm của quý vị. Đặc biệt, tôi xin chân thành cảm ơn ngài Chủ tịch về những lời mà ông đã giới thiệu buổi họp của chúng ta hôm nay. Tôi cũng xin cảm ơn Đức ông Chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thông về những lời của ngài.
Chỉ có một số ngành nghề có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội như ngành báo chí. Người phóng viên có vai trò vô cùng quan trọng, đồng thời tính trách nhiệm cũng rất cao. Về một mặt nào đó quý vị là người viết “bản nháp đầu tiên của lịch sử,” xây dựng nên chương trình tin tức và dẫn đưa mọi người hiểu được các biến cố sự việc. Và điều này vô cùng quan trọng. Thời gian thay đổi và cách làm việc của nhà báo cũng thay đổi. Cho dù báo giấy và truyền hình đã mất sức hút trong truyền thông tin tức của thế giới số – đặc biệt đối với giới trẻ – khi các nhà báo có trình độ chuyên môn cao, họ vẫn giữ trụ cột chính, một yếu tố cốt lõi cho cho sức sống của một xã hội tự do và đa nguyên. Trước những thay đổi trong thế giới truyền thông, Tòa thánh cũng đã và đang trải qua một tiến trình cải tổ hệ thống truyền thông, mà qua đó anh chị em cũng hưởng lợi; Quốc vụ viện Truyền thông sẽ là điểm tham khảo tất yếu cho công việc quý giá của quý vị.
Hôm nay tôi xin chia sẻ với quý vị một suy tư về một số nét đặc trưng của nghề làm báo, và làm sao để nó phục vụ tốt hơn cho xã hội chúng ta đang sống. Thật vô cùng quan trọng cho tất cả chúng ta hãy tạm dừng lại và suy tư về những gì chúng ta đang làm và cách chúng ta làm. Trong đời sống tu đức, việc này thường được thực hiện dưới hình thức của một ngày tĩnh tâm, của một sự suy tư nội tâm sâu thẳm. Tôi nghĩ rằng trong đời sống hoạt động chuyên môn cũng cần điều này, một chút thời gian dừng lại và suy tư. Chắc chắn nó không dễ trong lãnh vực báo chí, một ngành nghề phải sống với “những thời khắc chuyển tải” cấp tốc và “ngày hết hạn.” Nhưng ít nhất cũng một phút ngắn ngủi, chúng ta cố gắng suy tư một chút về thực tại của ngành báo chí.
Tôi xin dừng lại trên ba yếu tố: yêu sự thật, một yếu tố quan trọng cho tất cả mọi người, đặc biệt các nhà báo; sống với nghề, một yếu tố tốt đẹp vượt ra ngoài những luật lệ và quy định; và tôn trọng nhân phẩm, một điều chắc chắn khó khăn hơn nhiều so với những gì một người có thể nghĩ đến lúc đầu.
Yêu sự thật không chỉ có nghĩa là khẳng định nó, nhưng là sống cho sự thật, làm chứng tá cho sự thật bằng công việc — vì vậy, sống và làm việc luôn đính kết lại với nhau thể hiện trên các từ ngữ anh chị em sử dụng trong một mục báo hay một chương trình truyền hình. Câu hỏi ở đây là buộc phải hay không buộc phải trung thực với chính bản thân và những người khác. Mối quan hệ là trọng tâm của truyền thông. Điều này thậm chí còn đúng hơn nữa cho những người chọn truyền thông làm nghề nghiệp. Và không có mối quan hệ nào có thể đứng vững và tồn tại với thời gian nếu nó được đặt trên sự bất lương. Tôi nhận thấy rằng trong ngành báo chí ngày nay – một dòng chảy liên tục các biến cố sự kiện tin tức tường thuật 24 giờ một ngày và 7 ngày 1 tuần – không phải luôn luôn dễ dàng đến được với sự thật, hay ít nhất là đến gần với sự thật. Trong đời sống không phải tất cả đều là trắng hoặc đen. Trong ngành báo chí cũng vậy, quan trọng là phải có khả năng phán đoán giữa những bóng xám mờ mờ của các sự việc mà người phóng viên được yêu cầu tường thuật. Những cuộc tranh luận chính trị, và thậm chí nhiều cuộc xung đột ít khi có bản tin đưa ra được những động lực phân định rõ ràng, giúp chúng ta nhận định tách bạch và chắc chắn ai sai ai đúng. Những mâu thuẫn đôi khi va chạm nhau; về bản chất, thực tế chúng được sinh ra từ những khó khăn của sự tổng hợp giữa nhiều lập trường khác nhau. Đây là công việc, chúng ta có thể nói nó là sứ mệnh – đồng thời rất khó khăn và cần thiết – của người làm báo: tiếp cận sự thật của sự việc càng gần càng tốt và không bao giờ viết hay nói một điều gì mà người đó biết, theo lương tâm, không đúng sự thật.
Yếu tố thứ hai: sống với nghề nghiệp chuyên môn trước hết – vượt ra ngoài những gì chúng ta có thể tìm thấy được viết trong các luật quy định đạo đức nghề nghiệp – là thấu hiểu, là thấm nhuần ý nghĩa sâu xa của công việc. Từ đây ngăn chặn được nhu cầu không đưa nghề nghiệp đi thuận theo chuỗi lợi ích đảng phái, bất kể là kinh tế hay chính trị. Vì vậy, nhiệm vụ của ngành báo chí, tôi khẳng định chắc chắn rằng – qua sự quan tâm, thận trọng đi tìm sự thật – là làm phát triển chiều kích xã hội của con người, thúc đẩy xây dựng quyền và trách nhiệm công dân thực sự. Do đó, theo cách đánh giá của chân trời rộng lớn này, thì hoạt động trong ngành nghề chuyên môn không chỉ mang nghĩa hồi đáp lại những điều quan tâm thuộc một phạm trù nào đó bằng pháp lý, nhưng còn là luôn mang trong tim một cấu trúc khung của một xã hội dân chủ. Theo dòng lịch sử, nó phải luôn luôn giúp chúng ta biết phản ánh lại rằng những chế độ chuyên chính – theo bất kỳ khuynh hướng hay “sắc thái” nào – không những luôn tìm cách điều khiển phương tiện truyền thông, mà còn áp đặt những luật lệ mới cho ngành báo chí.
Và thứ ba: tôn trọng nhân phẩm là điều quan trọng trong mọi ngành nghề, và một mặt nào đó rất đặc biệt với ngành báo chí, vì sau một bản tường thuật đơn giản một sự kiện nào đấy sẽ có những tình cảm, những cảm xúc, và nói tóm lại, đời sống của những cá nhân. Tôi thường nói về các loại tin đồn như là “chủ nghĩa khủng bố”, về việc con người có thể giết nhau bằng cái lưỡi. Nếu điều này là đúng cho mỗi cá nhân con người, trong gia đình hoặc nơi làm việc, thì nó lại còn đúng hơn nữa cho các nhà báo, vì tiếng nói của họ có thể đến được với tất cả mọi người, và đây là một vũ khí vô cùng mạnh mẽ. Ngành báo chí phải luôn tôn trọng phẩm giá con người. Một bài báo xuất bản hôm nay và, ngày mai, nó sẽ được thay bằng một bài báo khác, nhưng đời sống của một con người bị phỉ báng một cách bất công có thể bị phá hủy mãi mãi. Sự phê bình chắc chắn là hợp pháp, và tôi xin nói thêm rằng, rất cần thiết, phải vạch mặt mọi tội lỗi, nhưng phải luôn luôn làm việc này với sự tôn trọng người khác, tôn trọng đời sống người đó, tôn trọng tình cảm người đó. Ngành báo chí không thể trở thành một “vũ khí phá hủy” con người và thậm chí là dân tộc. Nó cũng không được làm lan tràn sự sợ hãi trước những thay đổi và những hiện tượng như tình trạng di cư cưỡng bức do chiến tranh và đói nghèo.
Tôi hy vọng rằng ngành báo chí khắp nơi và đang mở rộng là một khí cụ xây dựng, một nhân tố của lợi ích chung, một đòn bẩy cho những tiến trình hòa giải, có khả năng từ bỏ những cám dỗ kích động xung khắc bằng một ngôn ngữ thổi bùng lên ngọn lửa chia rẽ, nhưng, thay vào đó là thúc đẩy văn hóa gặp gỡ. Xin anh chị em những nhà báo hãy nhắc nhở mọi người mỗi ngày rằng không có xung đột nào không thể giải quyết được nhờ những con người có thiện chí.
Tôi xin cảm ơn về buổi họp mặt này. Tôi xin chúc mọi điều tốt lành cho công việc của anh chị em. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em. Tôi xin sát cánh với anh chị em trong lời cầu nguyện và sự đồng cảm của tôi, và xin anh chị em, xin cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý]  [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

[Nguồn:zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/09/2016]