Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước Kinh Lạy Nữ Vương ngày 28.05.2023: Với ơn Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu giải thoát các môn đệ khỏi sự sợ hãi

Với ơn Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu giải thoát các môn đệ khỏi sự sợ hãi

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước Kinh Lạy Nữ Vương

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước Kinh Lạy Nữ Vương ngày 28.05.2023: Với ơn Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu giải thoát các môn đệ khỏi sự sợ hãi
© Vatican Media

*******

Lúc 12 giờ trưa hôm nay, Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông Tòa để đọc Kinh Lạy Nữ Vương với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

_____________________________________________


Trước Kinh Lạy Nữ Vương

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Lễ Hiện Xuống hôm nay, Tin Mừng đưa chúng ta lên phòng tiệc ly, nơi các tông đồ trú ẩn sau cái chết của Chúa Giêsu (Ga 20:19-23). Vào buổi chiều Lễ Vượt Qua, Đấng Phục Sinh đã hiện ra chính trong hoàn cảnh bao trùm bởi sợ hãi và thống khổ đó, Ngài thổi hơi trên họ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (c. 22). Bằng cách này, với ơn Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu giải thoát các môn đệ khỏi nỗi sợ hãi, khỏi nỗi sợ hãi đang giam cầm các ông ở trong nhà, và Người giải thoát các ông để các ông có thể ra đi trở thành chứng nhân và người loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy suy tư một chút về những việc Thần Khí làm: Ngài giải thoát khỏi nỗi sợ hãi.

Tin Mừng nói các môn đệ đã đóng kín cửa “vì sợ” (c. 19). Cái chết của Chúa Giêsu làm họ bàng hoàng, những giấc mơ của họ bị tan vỡ, những hy vọng của họ tan biến. Và họ khép kín ở bên trong. Không chỉ trong căn phòng đó, mà trong lòng, trong tâm hồn. Cha muốn nhấn mạnh vào điều này: khép kín bên trong. Chúng ta có thường xuyên đóng cửa lòng mình không? Đã bao lần, vì một hoàn cảnh khó khăn nào đó, vì một vấn đề cá nhân hay gia đình nào đó, vì một sự đau khổ đang ghi đậm dấu trên chúng ta hay vì cái ác mà chúng ta đang hít thở xung quanh mình, chúng ta có nguy cơ dần dần rơi vào trạng thái mất hy vọng và thiếu can đảm để tiếp tục không? Điều này xảy ra nhiều lần. Và rồi, giống như các tông đồ, chúng ta tự đóng cửa lòng mình, nhốt mình trong mê cung của những lo lắng. Thưa anh chị em, việc “đóng cửa lòng” này xảy ra khi, trong những tình huống khó khăn nhất, chúng ta để cho sự sợ hãi lấn át và để cho tiếng huyên náo của nó chi phối bên trong chúng ta. Như vậy, nguyên nhân là sự sợ hãi: sợ không thể đối phó, sợ phải đối mặt với những trận chiến hàng ngày một mình, sợ mạo hiểm rồi sau đó phải thất vọng, sợ đưa ra những quyết định sai lầm. Thưa anh chị em, sợ hãi gây trở ngại, sợ hãi làm tê liệt. Và nó cũng làm cô lập: hãy nghĩ đến nỗi sợ hãi người khác, sợ những người xa lạ, những người khác biệt, những người suy nghĩ theo một cách khác. Và thậm chí có thể sợ hãi Thiên Chúa: cho rằng Người sẽ trừng phạt tôi, rằng Người sẽ nổi giận với tôi… Nếu chúng ta nhường chỗ cho những nỗi sợ hãi sai lầm này, những cánh cửa sẽ khép lại: cánh cửa tâm hồn, cánh cửa xã hội, và thậm chí những cánh cửa của Giáo hội! Ở đâu có sự sợ hãi, ở đó có sự khép kín. Và điều này chẳng giải quyết được gì.

Tuy nhiên, Tin Mừng trao tặng cho chúng ta phương thuốc của Đấng Phục Sinh: Chúa Thánh Thần. Ngài giải thoát chúng ta khỏi những ngục tù sợ hãi. Khi lãnh nhận Thần Khí, các tông đồ – chúng ta mừng lễ hôm nay – ra khỏi phòng tiệc ly và đi vào thế giới để tha tội và loan báo Tin Mừng. Nhờ Ngài, nỗi sợ hãi bị đánh bại và những cánh cửa mở ra. Bởi vì đây là điều Chúa Thánh Thần làm: Ngài làm cho chúng ta cảm nhận sự gần gũi của Thiên Chúa, và từ đó, tình yêu của Ngài xua tan sợ hãi, soi sáng đường đi, an ủi, nâng đỡ trong nghịch cảnh. Vì thế, đứng trước những nỗi sợ hãi và khép kín, chúng ta hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần cho chúng ta, cho Giáo hội và cho toàn thế giới: hãy để một Lễ Hiện Xuống mới dập tắt những nỗi sợ hãi đang tấn công chúng ta và làm sống lại ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa.

Xin Đức Maria Rất Thánh, người đầu tiên được tràn đầy Chúa Thánh Thần, chuyển cầu cho chúng ta.

____________________________________________


Lời của Đức Thánh Cha sau Kinh Lạy Nữ Vương

Anh chị em thân mến!

Ngày 22 tháng Năm vừa qua là lễ tưởng nhớ 150 năm ngày mất của một trong những nhân vật lỗi lạc nhất của nền văn học, văn hào Alessandro Manzoni. Thông qua các tác phẩm, ông lên tiếng nói cho các nạn nhân và những người thấp kém nhất: họ luôn ở dưới bàn tay bảo vệ của Đấng Quan phòng, Đấng “tạo dựng và giết chết, Đấng trừng phạt và chữa lành trong yêu thương”; và cũng được nâng đỡ bởi sự gần gũi của các mục tử trung thành của Giáo hội, hiện diện trong các trang kiệt tác của văn hào Manzoni.

Cha mời gọi anh chị em cầu nguyện cho những người dân sống ở biên giới giữa Myanmar và Bangladesh, bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão lốc: hơn tám trăm ngàn người, ngoài ra còn có nhiều người Rohingya đang sống trong những điều kiện vô cùng bấp bênh. Tôi xin thể hiện sự gần gũi với những người dân này, đồng thời tôi xin ngỏ lời với các nhà lãnh đạo, để họ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận viện trợ nhân đạo, và tôi kêu gọi tinh thần đoàn kết của con người và giáo hội để giúp đỡ những anh chị em này của chúng ta.

Cha thân ái chào tất cả anh chị em, người Roma và những anh chị em hành hương đến từ Ý và nhiều quốc gia, đặc biệt là các tín hữu đến từ Panama và cuộc hành hương của tổng giáo phận Tulancingo, Mexico, mừng lễ Nuestra Señora de los Angeles; cũng như nhóm đến từ Novellana, Tây Ban Nha. Cha cũng xin chào các tín hữu của Celeseo, Padua và Bari, và cha gửi lời chúc lành đến những người tập trung tại Bệnh viện Gemelli để cổ vũ những sáng kiến về tình huynh đệ với các bệnh nhân.

Thứ Tư tới, cuối tháng Năm, tại các đền thánh Đức Mẹ trên khắp thế giới, giờ cầu nguyện được chuẩn bị tại các đền thánh Đức Mẹ trên toàn thế giới để hỗ trợ những chuẩn bị cho Phiên họp Thường kỳ tiếp theo của Thượng Hội đồng Giám mục. Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với giai đoạn quan trọng này của Thượng hội đồng với sự bảo vệ từ mẫu của Mẹ. Và chúng ta cũng phó thác cho Mẹ khát vọng hòa bình của rất nhiều dân tộc trên khắp thế giới, đặc biệt là của Ukraine đang bị bao vây.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt anh chị em!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/5/2023]


Bài giảng Lễ Hiện Xuống của Đức Thánh Cha: Rối loạn và bất hòa? Chúa Thánh Thần chính là sự hòa hợp

Bài giảng Lễ Hiện Xuống của Đức Thánh Cha: Rối loạn và bất hòa? Chúa Thánh Thần chính là sự hòa hợp

Bài giảng Lễ Hiện Xuống của Đức Thánh Cha: Rối loạn và bất hòa? Chúa Thánh Thần chính là sự hòa hợp
Antoine Mekary | ALETEIA

Kathleen N. Hattrup

28/05/23


Từ khởi thủy của công trình sáng tạo và trong mọi thời gian, Ngài làm cho các thực thể được tạo dựng chuyển từ tình trạng lộn xộn sang trật tự, từ phân tán sang gắn kết, từ hỗn loạn sang hòa hợp.

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Lễ Hiện xuống tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 28 tháng 5 năm 2023.

Sau đây là bài giảng Lễ của ngài:

_____________________________________


Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Thánh Thần đang hoạt động. Chúng ta thấy Ngài hành động theo ba cách: trong thế giới mà Ngài đã tạo dựng, trong Giáo hội, và trong lòng chúng ta.

1. Trước hết, trong thế giới Ngài đã tạo dựng, trong thụ tạo. Ngay từ đầu, Chúa Thánh Thần đã hoạt động. Chúng ta cầu nguyện bằng Thánh Vịnh (104:30): “Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên.” Quả thật, Ngài là Creator Spiritus (x. THÁNH AUGUSTINÔ, In Ps. XXXII, 2.2), Thần Khí Sáng Tạo: trong nhiều thế kỷ, Giáo hội đã kêu cầu với Ngài như vậy. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hỏi: Thần Khí làm gì trong việc tạo dựng thế giới? Nếu mọi sự đều có nguồn gốc từ Chúa Cha, và nếu mọi sự được tạo dựng nhờ Chúa Con, thì vai trò cụ thể của Thánh Thần là gì? Một Đại Giáo Phụ của Giáo Hội, Thánh Basiliô, đã viết: “nếu bạn cố gắng loại bỏ Thánh Thần ra khỏi thụ tạo, thì mọi sự trở nên lộn xộn và sự sống của chúng trở nên bất kham và thiếu trật tự” (De Sancto Spiritu, XVI, 38). Đó là vai trò của Thần Khí: Ngay từ khởi thủy và trong mọi lúc, Ngài làm cho các thực thể được tạo dựng chuyển từ tình trạng lộn xộn sang trật tự, từ phân tán sang gắn kết, từ hỗn loạn sang hòa hợp. Chúng ta luôn thấy cách hành động này trong đời sống Giáo hội. Nói một cách dễ hiểu, Ngài mang đến sự hòa hợp cho thế giới; bằng cách này, Ngài “điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất” (Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 26; Tv 104:30). Ngài đổi mới trái đất, nhưng anh chị em nghe thật kỹ: Ngài làm điều này không phải bằng cách thay đổi thực tại, mà bằng cách làm hài hòa nó. Đó là “phong cách” của Ngài, bởi vì chính Ngài là sự hài hòa: ipse harmonia est (x. THÁNH BASILIÔ, In Ps. XXIX, 1).

Trong thế giới của chúng ta ngày nay, có quá nhiều bất hòa, chia rẽ quá lớn. Tất cả chúng ta đều “được kết nối”, nhưng lại thấy mình bị ngắt kết nối với nhau, bị tê liệt bởi sự thờ ơ và bị bao trùm bởi sự cô độc. Quá nhiều chiến tranh, quá nhiều xung đột: Dường như sự ác mà chúng ta có thể gây ra là ngoài sức tưởng tượng! Nhưng thực tế, thúc đẩy sự thù địch của chúng ta là tà thần chia rẽ, là ma quỷ, tên của hắn có nghĩa là “kẻ chia rẽ”. Vâng, đứng trước và vượt quá sự dữ của chúng ta, sự chia rẽ của chính chúng ta, là có ác thần là “tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ” (Kh 12:9). Hắn vui mừng trong xung đột, bất công, vu khống; đó là niềm vui của hắn. Để chống lại cái ác của sự bất hòa, những nỗ lực của chúng ta để xây dựng sự hòa hợp là không đủ. Do đó, Chúa, tại đỉnh điểm của cuộc Vượt Qua từ cái chết đến sự sống, ở tột đỉnh của ơn cứu độ, đã tuôn đổ Thần Khí tốt lành của Người trên thế giới được tạo dựng: Chúa Thánh Thần, Đấng chống lại tà thần chia rẽ vì Ngài là sự hòa hợp, Thần Khí của sự hiệp nhất, Đấng mang đến hòa bình. Chúng ta hãy khẩn cầu Thánh Thần tuôn đổ hàng ngày trên toàn thế giới, trên cuộc sống của chúng ta và trên bất kỳ hình thức chia rẽ nào!

2. Cùng với công việc của Ngài trong thụ tạo, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội, bắt đầu từ ngày Lễ Ngũ Tuần. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý rằng Chúa Thánh Thần không bắt đầu Giáo hội bằng cách đưa ra cho cộng đoàn những luật lệ và quy tắc, nhưng bằng cách ngự xuống trên mỗi tông đồ: mỗi người nhận được những ân sủng đặc biệt và những đoàn sủng khác nhau. Sự dồi dào các ân tứ khác nhau như vậy có thể tạo ra sự lẫn lộn, nhưng cũng như trong tạo vật, Chúa Thánh Thần thích tạo ra sự hòa hợp từ sự đa dạng. Sự hòa hợp của Thánh Thần không phải là một mệnh lệnh bắt buộc, đồng nhất; trong Giáo hội chắc chắn có một trật tự, nhưng nó “được cấu trúc phù hợp với sự đa dạng của các ân tứ của Chúa Thánh Thần” (THÁNH BASILIÔ, De Spiritu Sancto, XVI, 39). Tại Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình những lưỡi lửa: Ngài ban cho mỗi người khả năng nói các ngôn ngữ khác nhau (x. Cv 2:4) và hiểu được những điều người khác nói bằng ngôn ngữ của mình (x. Cv 2:6.11).

Tóm lại, Thần Khí không tạo ra một ngôn ngữ duy nhất, một ngôn ngữ giống nhau cho tất cả mọi người. Ngài không loại bỏ những khác biệt hoặc văn hóa, nhưng làm mọi sự trở nên hòa hợp mà không biến chúng thành sự đồng nhất tẻ nhạt. Và điều này buộc chúng ta phải dừng lại và suy ngẫm vào thời điểm hiện tại, khi sự cám dỗ của việc “lùi bước” tìm cách đồng nhất hóa mọi thứ thành những nguyên tắc thuần túy mang tính hình thức mà không có chút thực chất nào. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này: Thần Khí không bắt đầu với một chương trình được phác thảo rạch ròi như chúng ta vẫn thường bị cuốn vào các kế hoạch và dự án của mình. Không, Ngài bắt đầu bằng cách tặng ban những ơn cách nhưng không và dồi dào. Thật vậy, vào ngày Lễ Ngũ Tuần đó, như Kinh Thánh nhấn mạnh, “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2:4). Tất cả đều được tràn đầy: Đó là cách đời sống Giáo hội bắt đầu, không phải từ một kế hoạch tỉ mỉ và chi tiết, nhưng từ kinh nghiệm của mọi người về tình yêu của Thiên Chúa. Đó là cách Thánh Thần tạo ra sự hòa hợp; Ngài mời gọi chúng ta trải nghiệm sự kinh ngạc trước tình yêu của Ngài và những ơn của Ngài hiện hữu nơi những tha nhân. Như Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí… chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1Cr 12:4.13). Để nhìn thấy mỗi anh chị em trong đức tin của chúng ta là một phần của cùng một cơ thể mà tôi cũng là thành viên: đây là cách tiếp cận hòa hợp của Thần Khí, đây là con đường mà Ngài chỉ dạy cho chúng ta!

Và Thượng hội đồng hiện đang diễn ra là – và phải là – một hành trình phù hợp với Thần Khí, không phải là một Nghị viện để đòi hỏi các quyền và các nhu cầu phù hợp với chương trình hành động của thế giới, cũng không phải là một dịp để thuận theo chiều gió thổi, nhưng là cơ hội để ngoan ngoãn với hơi thở của Thánh Thần. Vì trên đại dương của lịch sử, Giáo hội chỉ ra khơi cùng với Ngài, vì ngài là “linh hồn của Giáo hội” (THÁNH PHAOLÔ VI, Diễn Từ tại Sacred College, ngày 21 tháng Sáu năm 1976), là trung tâm của tính hiệp hành, là động lực của việc rao giảng Tin mừng. Không có Thánh Thần, Giáo Hội không có sự sống, đức tin chỉ là giáo điều, luân lý chỉ là nghĩa vụ, công việc mục vụ chỉ là sự cực nhọc. Đôi khi chúng ta nghe những người được gọi là nhà tư tưởng hoặc nhà thần học, những người đề xuất các lý thuyết giống như toán học khiến chúng ta phát lạnh vì chúng thiếu Thần Khí bên trong. Trái lại, với Chúa Thánh Thần, đức tin là sự sống, tình yêu của Chúa thuyết phục chúng ta, và niềm hy vọng được tái sinh. Chúng ta hãy đặt Chúa Thánh Thần trở lại trung tâm của Hội Thánh; nếu không, tâm hồn chúng ta sẽ không được thiêu đốt bởi tình yêu mến Chúa Giêsu, mà bởi lòng yêu chính bản thân chúng ta. Chúng ta hãy đặt Chúa Thánh Thần ở đầu và ở trung tâm của công việc của Thượng Hội Đồng. Vì “chính Ngài là Đấng mà Giáo Hội ngày nay cần đến nhất! Chúng ta hãy thưa với Ngài mỗi ngày: Xin hãy đến!” (x. ID., Tiếp kiến chung, ngày 29 tháng Mười Một năm 1972). Và chúng ta hãy cùng nhau hành trình vì, như trong Lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần ngự xuống khi “mọi người tề tựu ở một nơi” (x. Cv 2:1). Đúng vậy, để tỏ lộ Ngài với thế giới, Ngài đã chọn thời gian và địa điểm khi tất cả đều tề tựu lại với nhau. Vì thế, để được tràn đầy Thần Khí, Dân Chúa phải cùng nhau hành trình, “thực hiện Thượng Hội Đồng”. Đó là cách sự hòa hợp trong Giáo hội được đổi mới: bằng cách đồng hành với Thánh Thần ở trung tâm. Thưa anh chị em, chúng ta hãy xây dựng sự hòa hợp trong Giáo hội!

3. Cuối cùng, Chúa Thánh Thần tạo sự hòa hợp trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta nhìn thấy điều này trong Tin Mừng, vào buổi chiều Phục Sinh, Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20:22). Ngài ban Thánh Thần chính vì một mục đích: tha thứ tội lỗi, hòa giải tâm trí và hòa hợp những tâm hồn bị tổn thương bởi sự dữ, bị tan nát vì những thương tích, bị lạc lối bởi mặc cảm tội lỗi. Chỉ có Thánh Thần mới phục hồi sự hòa hợp trong tâm hồn, vì Ngài là Đấng tạo nên “sự mật thiết với Thiên Chúa” (THÁNH BASILIÔ, De Spiritu Sancto, XIX, 49). Nếu chúng ta muốn hòa hợp, chúng ta hãy tìm kiếm Ngài, không tìm những sự thay thế của thế gian. Chúng ta hãy khẩn cầu Chúa Thánh Thần mỗi ngày. Chúng ta hãy bắt đầu ngày mới bằng cách cầu nguyện với Ngài. Chúng ta hãy trở nên ngoan ngoãn với Ngài!

Và hôm nay, trong ngày lễ Chúa Thánh Thần, chúng ta tự hỏi mình: Tôi có ngoan ngoãn trước sự hài hòa của Thánh Thần không? Hay tôi theo đuổi những dự án, những ý tưởng của riêng tôi mà không cho phép bản thân được Ngài uốn nắn và thay đổi? Cách sống đức tin của tôi có ngoan ngoãn với Thánh Thần hay ngoan cố? Tôi có cố chấp bám víu vào các bản văn hay cái gọi là học thuyết chỉ là những cách thể hiện lạnh lùng của cuộc sống không? Tôi có vội phán xét không? Tôi có chỉ ngón tay và đóng sầm cửa lại trước mặt người khác, coi mình là nạn nhân của mọi người và mọi thứ không? Hay tôi chào đón sức mạnh hòa hợp và sáng tạo của Thánh Thần, “ân sủng toàn vẹn” mà Ngài khơi dậy, sự tha thứ của Ngài mang đến bình an cho chúng ta? Và đáp lại, tôi có tha thứ không? Tha thứ là dọn chỗ cho Thánh Thần ngự đến. Tôi có thúc đẩy sự hòa giải và xây dựng tình hiệp thông hay không, hay tôi luôn dè chừng, chõ mũi vào các vấn đề và gây tổn thương, thù oán, chia rẽ và đổ vỡ? Tôi có tha thứ, thúc đẩy sự hòa giải và xây dựng hiệp thông không? Nếu thế giới bị chia rẽ, nếu Giáo hội bị phân cực, nếu các tâm hồn bị tan vỡ, chúng ta đừng lãng phí thời gian để chỉ trích người khác và tức giận với nhau; thay vào đó, chúng ta hãy khẩn cầu Thánh Thần. Ngài có thể giải quyết tất cả những điều này.

Lạy Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Chúa Giêsu và của Chúa Cha, nguồn mạch vô tận của sự hòa hợp, chúng con xin phó thác thế giới cho Ngài; chúng con tận hiến Giáo hội và tâm hồn của chúng con. Xin hãy đến, Thần Khí Tạo dựng, sự hòa hợp của nhân loại, hãy đổi mới bộ mặt trái đất. Xin hãy đến, Đấng là nguồn Ân sủng, sự hòa hợp của Giáo hội, xin làm cho chúng con nên một trong Ngài. Xin hãy đến, Thần Khí tha thứ và hòa hợp tâm hồn, xin biến đổi chúng con, điều chỉ duy nhất mình Ngài mới có thể, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/5/2023]


Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2023

Sứ điệp của Đức Thánh Cha: Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo 13.05.2023

“Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta ‘đổi mới mặt đất này’”

Sứ điệp của Đức Thánh Cha: Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo

Sứ điệp của Đức Thánh Cha: Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo 13.05.2023

*******

Dưới đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo, sẽ được cử hành vào ngày 1 tháng 9 năm 2023:

___________________________________________


SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO VIỆC CHĂM SÓC THỤ TẠO


1 Tháng Chín 2023

Sứ điệp của Đức Thánh Cha


Anh chị em thân mến!

“Hãy để Công lý và Hòa bình tuôn trào” là chủ đề của Mùa Sáng tạo đại kết năm nay, lấy cảm hứng từ những lời của tiên tri Amôt: “Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (5:24).

Hình ảnh gợi nhiều sự liên tưởng được Tiên tri Amôt sử dụng nói với chúng ta về những điều Thiên Chúa mong muốn. Chúa muốn công lý ngự trị; nó cần thiết cho đời sống của chúng ta trong tư cách là con cái của Thiên Chúa được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, giống như nước rất cần thiết cho đời sống thể chất của chúng ta. Công lý này phải tuôn trào ở bất cứ nơi nào cần đến nó, không ẩn sâu dưới lòng đất cũng như không biến mất như nước bốc hơi trước khi nó có thể mang lại nguồn bổ dưỡng. Thiên Chúa muốn mọi người cố gắng trở nên công bằng trong mọi hoàn cảnh, sống theo luật pháp của Ngài và nhờ đó giúp sự sống triển nở. Khi chúng ta “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (Mt 6:33), duy trì mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa, với con người và thiên nhiên, thì công lý và hòa bình mới có thể tuôn trào như nguồn nước tinh khiết không bao giờ cạn, nuôi dưỡng nhân loại và muôn loài thụ tạo.

Vào một ngày hè đẹp trời của tháng Bảy năm 2022, trong chuyến hành hương đến Canada, tôi đã suy ngẫm về điều này trên bờ hồ Lac Ste. Anne ở Alberta. Hồ nước đó đã và đang là nơi hành hương của nhiều thế hệ người dân bản địa. Xung quanh là những tiếng trống, tôi suy nghĩ: “Biết bao nhiêu trái tim đã đến đây với nỗi khao khát khắc khoải, trĩu nặng bởi gánh nặng cuộc đời, và tìm thấy ở dòng nước này niềm an ủi và sức mạnh để tiếp tục! Ở đây, đắm mình trong tạo vật, chúng ta cũng có thể cảm nhận được một nhịp đập khác: nhịp đập trái tim hiền mẫu của trái đất. Giống như trái tim của những đứa trẻ trong lòng mẹ cùng hòa nhịp đập với trái tim của người mẹ, để phát triển thành người, chúng ta cần làm hài hòa nhịp sống của chính mình với nhịp sống của tạo vật, mang lại cho chúng ta sự sống”. [1]

Trong Mùa Thụ tạo này, chúng ta hãy tập trung vào nhịp tim đó: nhịp tim của chính chúng ta và của những người bà và người mẹ của chúng ta, nhịp tim của thụ tạo và nhịp tim của Thiên Chúa. Ngày nay những nhịp đập đó không hòa hợp nữa; chúng không hòa hợp trong công lý và hòa bình. Quá nhiều anh chị em của chúng ta không được uống nước từ dòng sông hùng vĩ đó.

Chúng ta hãy lưu tâm đến lời kêu gọi của chúng tôi để sát cánh cùng các nạn nhân của sự bất công về môi trường và khí hậu, đồng thời chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa chống lại thụ tạo.

Những tác động của cuộc chiến này có thể được nhìn thấy ở nhiều dòng sông đang khô cạn. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã từng nhận xét rằng: “các sa mạc bên ngoài trên thế giới đang gia tăng, bởi vì các sa mạc bên trong đã trở nên quá rộng lớn”. [2] Lòng tham của chủ nghĩa tiêu dùng, được thúc đẩy bởi những trái tim ích kỷ, đang phá vỡ vòng tuần hoàn nước của hành tinh. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch không kiểm soát và nạn phá rừng đang đẩy nhiệt độ lên cao hơn và dẫn đến tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Tình trạng thiếu nước đáng báo động đang ngày càng ảnh hưởng đến các cộng đồng nhỏ ở nông thôn và các đô thị lớn. Ngoài ra, các ngành công nghiệp bóc lột đang làm cạn kiệt và gây ô nhiễm nguồn nước ngọt của chúng ta thông qua các hoạt động cực đoan như fracking (thủy lực cắt phá) để khai thác dầu khí, các dự án khai thác lớn không được kiểm soát và chăn nuôi thâm canh. “Chị Nước”, theo cách nói của Thánh Phanxicô Assisi, bị cướp bóc và biến thành “một thứ hàng hóa tuân theo quy luật thị trường” (Tông huấn Laudato Si’, 30).

Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc đã tuyên bố rằng hành động cấp bách hơn ngay bây giờ đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội tạo ra một thế giới bền vững và công bằng hơn. Chúng ta có thể và chúng ta phải ngăn chặn điều xấu nhất xảy ra. “Thật vậy, có thể làm được nhiều điều” (nt., 180), miễn là chúng ta đến với nhau như rất nhiều dòng suối, suối nhỏ và lạch, cuối cùng hợp nhất thành một dòng sông hùng vĩ để tưới mát cho sự sống của hành tinh kỳ diệu của chúng ta và gia đình nhân loại của chúng ta cho các thế hệ mai sau. Vì vậy, chúng ta hãy chung tay và thực hiện những bước đi táo bạo để “Công lý và Hòa bình tuôn trào” trên khắp thế giới của chúng ta.

Chúng ta có thể đóng góp vào dòng sông hùng vĩ của công lý và hòa bình trong Mùa Thụ tạo này bằng cách nào? Chúng ta có thể làm gì, đặc biệt với tư cách là các cộng đoàn Kitô hữu, để hàn gắn ngôi nhà chung của chúng ta để một lần nữa nó tràn đầy sức sống? Chúng ta phải làm điều này bằng cách quyết tâm biến đổi con tim, lối sống của chúng ta và những chính sách công điều khiển xã hội của chúng ta.

Trước hết, chúng ta hãy hòa vào dòng sông hùng vĩ bằng cách biến đổi trái tim mình. Đây là nền tảng cho bất kỳ sự biến đổi nào khác xảy ra; đó là sự “hoán cải sinh thái” mà Thánh Gioan Phaolô II đã khuyến khích chúng ta thực hiện: đổi mới mối tương quan của chúng ta với tạo vật để chúng ta không còn coi nó như một đối tượng để khai thác mà thay vào đó hãy trân trọng nó như một món quà thiêng liêng từ Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta cần phải nhận biết rằng cách tiếp cận toàn diện để tiến tới sự tôn trọng môi trường bao gồm bốn mối tương quan: với Chúa, với anh chị em của chúng ta hôm nay và ngày mai, với tất cả thiên nhiên và với chính chúng ta.

Với mối tương quan đầu tiên trong các mối tương quan này, Đức Bênêđictô XVI đã nói về nhu cầu cấp thiết phải biết thừa nhận rằng tạo vật và sự cứu chuộc liên kết với nhau không thể tách rời: “Đấng Cứu Thế là Đấng Tạo Hóa và nếu chúng ta không tuyên xưng Thiên Chúa trong sự vĩ đại toàn vẹn của Ngài – là Đấng Tạo Hóa và là Đấng Cứu Thế – chúng ta cũng làm giảm giá trị của ơn cứu chuộc”. [3] Tạo vật nói đến hành động kỳ diệu, vĩ đại của Thiên Chúa trong việc tạo dựng ra hành tinh và vũ trụ hùng vĩ, xinh đẹp này từ hư không, và kết quả liên tục của hành động đó, mà chúng ta trải nghiệm như một món quà vô tận. Trong phụng vụ và cầu nguyện của cá nhân trong “đại thánh đường tạo vật”, [4] chúng ta hãy nhớ đến Người nghệ sĩ vĩ đại, người đã tạo ra vẻ đẹp đó, và suy ngẫm về sự nhiệm mầu của quyết định đầy yêu thương khi tạo dựng nên vũ trụ.

Thứ hai, chúng ta hãy thêm vào dòng chảy của dòng sông hùng vĩ này bằng cách thay đổi lối sống của chúng ta. Bắt đầu từ sự kinh ngạc đầy lòng biết ơn đối với Đấng Tạo Hóa và tạo vật của Ngài, chúng ta hãy ăn năn về “những tội lỗi sinh thái” của chúng ta, như hiền huynh của tôi là Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew đã thúc giục. Những tội này gây hại cho thế giới thiên nhiên và đồng loại của chúng ta. Với sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa, chúng ta hãy áp dụng lối sống bớt lãng phí và những tiêu thụ không cần thiết, đặc biệt là đối với những sản phẩm có quy trình sản xuất độc hại và không bền vững. Chúng ta hãy hết sức chú ý đến những thói quen và quyết định kinh tế của mình để tất cả đều có thể phát triển – con người đồng loại của chúng ta dù họ ở đâu, cũng như các thế hệ tương lai. Chúng ta hãy hợp tác với công trình sáng tạo đang diễn ra của Thiên Chúa thông qua các lựa chọn tích cực: sử dụng các nguồn tài nguyên cách điều độ và điềm đạm, xử lý và tái chế chất thải, đồng thời tận dụng nhiều hơn các sản phẩm và dịch vụ sẵn có có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Cuối cùng, để dòng sông hùng vĩ tiếp tục chảy, chúng ta phải thay đổi các chính sách công điều hành xã hội của chúng ta và định hình đời sống cho lớp người trẻ tuổi hôm nay và ngày mai. Các chính sách kinh tế thúc đẩy sự giàu có đáng hổ thẹn cho một số ít người có đặc quyền và làm suy giảm các điều kiện cho nhiều người khác, báo hiệu sự kết thúc của hòa bình và công lý. Rõ ràng là các quốc gia giàu có hơn đã mắc một “món nợ sinh thái” phải hoàn trả (x. Tông huấn Laudato Si’, 51). [5] Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh COP28 tại Dubai từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 12 tháng Mười Hai tới phải lắng nghe khoa học và thiết lập bước chuyển đổi cách nhanh chóng và công bằng để chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch. Theo những cam kết được thực hiện trong Thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu, việc cho phép tiếp tục thăm dò và mở rộng cơ sở hạ tầng của nhiên liệu hóa thạch là rất vô lý. Chúng ta hãy lên tiếng để ngăn chặn sự bất công này đối với người nghèo và con cái của chúng ta, những người sẽ phải gánh chịu các tác động xấu nhất của sự biến đổi khí hậu. Tôi kêu gọi tất cả những người có thiện chí hãy hành động phù hợp với những quan điểm này về xã hội và thiên nhiên.

Một quan điểm tương đồng khác liên quan đến cam kết của Giáo hội Công giáo đối với tính hiệp hành. Năm nay, ngày bế mạc Mùa Thụ tạo là 4 tháng Mười nhằm ngày lễ kính Thánh Phanxicô Assisi, sẽ trùng với dịp khai mạc Thượng hội đồng về sự hiệp hành. Như những dòng sông trong thiên nhiên, được nuôi dưỡng bởi vô số những con suối nhỏ cũng như những dòng suối và lạch lớn hơn, tiến trình hiệp hành đã bắt đầu vào tháng Mười năm 2021 mời gọi tất cả mọi người tham gia ở cấp độ cá nhân hoặc cộng đồng, hợp nhất trong dòng sông hùng vĩ của sự suy tư và đổi mới. Toàn thể Dân Chúa đang được mời gọi tham gia vào một hành trình đối thoại hiệp hành và hoán cải.

Cũng vậy, giống như một lưu vực sông với nhiều phụ lưu nhỏ và lớn, Giáo hội là sự hiệp thông của rất nhiều các Giáo hội địa phương, các cộng đồng dòng tu và các hội đoàn rút ra từ cùng một nguồn nước chung. Mỗi nguồn thêm vào sự đóng góp độc đáo và không thể thay thế của nó, cho đến khi tất cả cùng nhau chảy vào đại dương bao la của lòng thương xót đầy yêu thương của Thiên Chúa. Cũng giống như một dòng sông là nguồn sống cho môi trường xung quanh, Giáo hội hiệp hành của chúng ta phải là nguồn sống cho ngôi nhà chung của chúng ta và tất cả cư dân của nó. Giống như cách mà một dòng sông mang lại sự sống cho mọi loại động vật và thực vật, Giáo hội hiệp hành phải mang lại sự sống bằng cách gieo rắc công lý và hòa bình ở mọi nơi Giáo hội đến.

Tại Canada, vào tháng Bảy năm 2022, tôi đã nói về Biển hồ Galilee, nơi Chúa Giêsu đã chữa lành và an ủi cho nhiều người và công bố “một cuộc cách mạng của tình yêu”. Tôi được biết Hồ Lac Ste. Anne cũng là một nơi chữa lành, an ủi và yêu thương, một nơi “nhắc nhở chúng ta rằng tình huynh đệ là đích thực nếu nó hiệp nhất những người ở xa nhau, [và] thông điệp về sự hiệp nhất mà nước Trời gửi xuống trần gian không e sợ những khác biệt, nhưng mời gọi chúng ta đến với tình bằng hữu, liên kết những khác biệt, để cùng nhau khởi sự lại từ đầu, bởi vì tất cả chúng ta đều là những người lữ hành trên một hành trình”. [6]

Trong Mùa Thụ tạo này, với tư cách là những người môn đệ của Chúa Kitô trên hành trình hiệp hành chung của chúng ta, chúng ta hãy sống, làm việc và cầu nguyện để ngôi nhà chung của chúng ta một lần nữa tràn đầy sức sống. Xin Chúa Thánh Thần một lần nữa bay lượn trên mặt nước và dẫn lối cho những nỗ lực của chúng ta để “đổi mới mặt đất này” (x. Tv 104:30).

Rôma, Đền Thánh Gioan Lateran, 13 tháng Năm, 2023

PHANXICÔ

___________________________________________________________________

[1] Homily at Lac Ste. Anne, Canada, 26 July 2022.




[5] “A true ‘ecological debt’ exists, particularly between the global north and south, connected to commercial imbalances with effects on the environment, and the disproportionate use of natural resources by certain countries over long periods of time” ( Laudato Si’, 51).

[6] Homily at Lac Ste. Anne, Canada, 26 July 2022.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/5/2023]


Hội nghị Thượng đỉnh G7: Thư gửi Đức Giám mục Hiroshima của Đức Thánh Cha

“Việc sử dụng năng lượng nguyên tử là một tội ác chống lại tương lai”

Hội nghị Thượng đỉnh G7: Thư gửi Đức Giám mục Hiroshima của Đức Thánh Cha

Hội nghị Thượng đỉnh G7: Thư gửi Đức Giám mục Hiroshima của Đức Thánh Cha

Vatican News


*******

Đức Thánh Cha trong bức thư của ngài gửi Đức Giám mục của Hiroshima, thành phố chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G7 của các nền kinh tế lớn nhất thế giới cho đến Chúa nhật:
Thư của Đức Thánh Cha

________________________________________


Gửi Đức Cha Alexis-Mitsuru Shirahama

Giám mục Hiroshima

Khi Hội nghị thượng đỉnh G7 nhóm họp tại Hiroshima để thảo luận các vấn đề cấp bách mà cộng đồng toàn cầu hiện đang phải đối mặt, tôi xin gửi đến Đức Cha sự gần gũi tinh thần và lời cầu nguyện của tôi cho kết quả của Hội nghị thượng đỉnh. Việc lựa chọn Hiroshima làm địa điểm của cuộc họp này là vô cùng quan trọng, trước mối đe dọa tiếp tục sử dụng vũ khí nguyên tử. Tôi nhớ lại ấn tượng ghi sâu trong tôi sau chuyến viếng thăm đầy cảm xúc đến Đài tưởng niệm Hòa bình trong chuyến thăm Nhật Bản năm 2019. Đứng đó cầu nguyện trong thinh lặng và nghĩ đến những nạn nhân vô tội của cuộc tấn công nguyên tử cách đây nhiều thập kỷ, tôi xin nhắc lại niềm tin vững chắc của Tòa Thánh rằng “việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh ngày nay, hơn bao giờ hết, là một tội ác không chỉ chống lại phẩm giá của con người, mà còn chống lại tất cả tương lai cho ngôi nhà chung của chúng ta” (Diễn từ tại Đài tưởng niệm Hòa bình, ngày 24 tháng 11 năm 2019).

Đó là một tương lai mà những người có trách nhiệm đang quan tâm hiện nay, đặc biệt là sau kinh nghiệm của chúng ta về đại dịch toàn cầu và những cuộc xung đột vũ trang xảy ra dai dẳng ở nhiều khu vực khác nhau, bao gồm cả cuộc chiến tàn khốc hiện đang diễn ra trên vùng đất của Ukraine. Các biến cố trong vài năm qua đã cho thấy rõ rằng chỉ cùng với nhau, trong tình huynh đệ và liên đới, thì gia đình nhân loại của chúng ta mới có thể tìm được cách chữa lành các vết thương và xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình.

Thật vậy, ngày càng cho thấy rất rõ rằng trong thế giới đa cực của thế kỷ 21, việc theo đuổi hòa bình có liên quan chặt chẽ với nhu cầu cấp thiết đối với nền an ninh và suy nghĩ về các phương cách hiệu quả nhất để bảo đảm cho điều đó. Suy nghĩ đó nhất thiết phải xét đến thực tế rằng nền an ninh toàn cầu cần phải toàn diện, có khả năng bao trùm các vấn đề như sự tiếp cận lương thực và nước, tôn trọng môi trường, chăm sóc sức khỏe, các nguồn năng lượng và phân phối công bằng sản vật của thế giới. Một khái niệm toàn diện về an ninh có thể phục vụ để đặt nền móng vững chắc cho chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế giữa các chủ thể chính phủ và phi chính phủ, trên cơ sở mối liên hệ chặt chẽ giữa các vấn đề này, để cho thấy sự cần thiết phải cùng nhau áp dụng một cách tiếp cận hợp tác đa phương có trách nhiệm.

Hiroshima, như là “một biểu tượng của ký ức”, mạnh mẽ tuyên bố rằng vũ khí nguyên tử là không thích đáng để đối phó hiệu quả trước các mối đe dọa lớn ngày nay đối với hòa bình và bảo đảm an ninh quốc gia và quốc tế. Chúng ta rất cần phải xem xét đến tác động thảm khốc về nhân đạo và môi trường do việc sử dụng vũ khí nguyên tử gây ra, cũng như việc lãng phí và phân bổ kém nguồn nhân lực và kinh tế trong quá trình phát triển. Chúng ta cũng không được đánh giá thấp những tác động của bầu không khí sợ hãi và nghi ngờ nảy sinh từ việc sở hữu chúng, điều này làm tổn hại đến sự phát triển của bầu không khí tin tưởng và đối thoại với nhau. Trong bối cảnh này, vũ khí nguyên tử và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác đại diện cho một cấp số nhân của những rủi ro chỉ mang lại ảo tưởng về hòa bình.

Tôi luôn nhớ đến Đức Cha và những người được trao phó cho Đức Cha chăm sóc mục vụ trong lời cầu nguyện, tôi cùng với Đức Cha cầu nguyện cho Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima sẽ thể hiện tầm nhìn xa trông rộng trong việc đặt nền móng cho nền hòa bình dài lâu và an ninh bền vững và ổn định. Với tâm tình biết ơn vì những nỗ lực của Đức Cha trong việc phục vụ công lý và hòa bình, tôi gửi đến Đức Cha lời chúc lành.

Rôma, Đền Thánh Gioan Lateran, 19 tháng Năm, 2023

PHANXICÔ



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/5/2023]


Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023

Tại sao mỗi WYD (Ngày Giới trẻ Thế giới) lại khác nhau: quan điểm của một nhà báo kỳ cựu (phỏng vấn)

Tại sao mỗi WYD (Ngày Giới trẻ Thế giới) lại khác nhau: quan điểm của một nhà báo kỳ cựu (phỏng vấn)

Tại sao mỗi WYD (Ngày Giới trẻ Thế giới) lại khác nhau: quan điểm của một nhà báo kỳ cựu (phỏng vấn)

Isabella H. de Carvalho

25/05/23


Một nhà báo người Bồ Đào Nha đã tham dự 13 kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới - đều đặn mỗi kỳ kể từ năm 1989! Lần này chị sẽ tường thuật về một WYD trên quê hương của chị và Đức Thánh Cha đã chọn viết bốn trang để giới thiệu quyển sách của chị.

Từ Tây Ban Nha đến Philippines đến Hoa Kỳ, chị Aura Miguel đã tham dự và đưa tin về các Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) kể từ năm 1989. Là một nhà báo kỳ cựu đưa tin về Vatican và Giáo hội cho đài phát thanh Bồ Đào Nha Radio Renascença, chị là chuyên gia về đại hội thanh niên Công giáo, sự kiện thu hút khoảng 1 triệu người. Vì WYD tiếp theo sẽ được tổ chức tại quê hương Lisbon của chị, vào đầu tháng Tám, chị đã xuất bản một quyển sách về các kỳ đại hội trước với tựa đề “Um Longo Caminho até Lisboa: Jornadas Mundiais da Juventude” (Một con đường dài đến Lisbon: Ngày Giới trẻ Thế giới).

Cuốn sách có lời tựa của Đức Thánh Cha Phanxicô viết và hiện chỉ có bản bằng tiếng Bồ Đào Nha. Miguel đã nói chuyện với Aleteia về điều khiến sự kiện này trở nên đặc biệt đối với tất cả những người tham gia và những kỳ vọng của chị đối với WYD Lisbon.


Chị nghĩ có điều gì đặc biệt hoặc độc đáo về WYD năm nay ở Lisbon?

Miguel: Đây là một bí mật; mỗi WYD đều khác nhau và thật tuyệt khi được chứng kiến. Bối cảnh luôn thay đổi. Chẳng hạn, trong WYD ở Santiago de Compostela (Tây Ban Nha) năm 1989, Châu Âu vẫn là một lục địa bị chia cắt. Trong lần tiếp theo ở Częstochowa (Ba Lan) năm 1991, Bức tường Berlin sụp đổ nên lần đầu tiên có những thanh niên Công giáo đến từ Nga. Một ví dụ khác là khi Đức Gioan Phaolô II đến WYD ở Toronto vào năm 2002, không lâu sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9. Luôn có những tranh cãi và phản đối trước khi một vị giáo hoàng đến nhưng kết quả cuối cùng thật ngoạn mục. WYD là một sự kiện rất lớn, hiếm có và độc đáo, người ta sẽ không thấy được mức độ nó lớn như thế nào cho đến khi họ tận mắt chứng kiến.

Lisbon rất đẹp. Nó nằm bên một con sông và hướng về phía đại dương. Có Châu Phi ở một bên và Châu Mỹ ở bên kia. Đây là những chân trời mà Đức Thánh Cha yêu cầu chúng tôi mở rộng. Tôi chắc chắn rằng bất cứ điều gì Đức Thánh Cha mang đến cho WYD lần này sẽ giúp ích rất nhiều cho những người trẻ để họ có thể sống đức tin của họ trong thời hiện đại, với tất cả những thách thức mà họ phải đối mặt hôm nay.


Chị nghĩ phần quan trọng nhất của WYD đối với các bạn trẻ là gì?

Miguel: Theo tôi, khía cạnh quan trọng nhất là trải nghiệm cá nhân của mỗi người. Chính những cuộc gặp gỡ đó sẽ mở toang những chân trời. Những người trẻ Công giáo đã và đang trên hành trình chuẩn bị để đến đích điểm đó và họ biết tại sao họ ở đó.

Do sự tục hóa, là một người Công giáo ngày nay gần giống như lội ngược dòng. Điều này đã xảy ra từ năm 2000 nhưng ngày nay nó càng trở nên rõ ràng hơn. Tôi nhớ đã phỏng vấn một thanh niên ở Rôma trong WYD 2000 và cậu ta nói với tôi: “Bất chợt tôi nhìn quanh và thấy có 1 triệu người giống như tôi, đi xưng tội, đi Lễ vào các Chúa nhật, và không phải là những người ngoài hành tinh như những người ở trường của tôi muốn làm cho tôi tin tưởng.”

Đây là sự nhận thức đang trổi lên, đó là những con người đa dạng. Mọi người thật sự khác nhau, họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng đồng thời họ cũng hợp nhất trong kinh nghiệm tuyệt vời này vì Đức Thánh Cha.


Chị nghĩ thông điệp của Đức Thánh Cha gửi cho những người trẻ Công giáo sẽ là gì?

Miguel: Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết lời tựa cho quyển sách của tôi và đó là điều tuyệt vời nhất về nó! Khi tôi gặp ngài trong một chuyến tông du giáo hoàng, tôi xin ngài viết vài lời cho quyển sách của tôi về WYD. Thay vì vậy, ngài đã gửi bốn trang cho lời nói đầu! Tôi hy vọng những chủ đề mà ngài đề cập đến trong các trang sách này là những điều ngài sẽ phát triển ở Lisbon.

Ngài nói rằng ngày nay chúng ta đang ở trong giai đoạn thay đổi của thời đại. Cách thể hiện của xã hội chúng ta ngày càng ít mang tính Kitô giáo hơn, nghĩa là có những thách thức mới cho các thế hệ mới. Ngài giải thích rằng người trẻ được gọi là “cư dân kỹ thuật số”, và vì vậy họ có nguy cơ tự cô lập mình mỗi ngày. Tôi nghĩ một trong những mục tiêu của WYD này là khuyến khích những người trẻ tuổi đừng “dựa ban công”, nghĩa là không đứng trên ban công nhìn mọi thứ trôi qua mà hãy ôm lấy thực tại để khám phá ra những điều đáng sống vì nó.

Tôi nghĩ trong lời nói đầu này Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý một thái độ mà ngài sẽ đề xuất trong WYD. Ngài trích lời một vị linh mục người Ý, Cha Lorenzo Milani, nói rằng “Tôi quan tâm, tôi quan tâm, tôi chăm sóc.” Sau đại dịch COVID-19 khiến mọi người bị cách ly, thái độ nghĩ rằng chúng ta phải cùng nhau mới có thể tự cứu mình là điều rất quan trọng. Người trẻ được mời gọi hãy quan sát xung quanh họ một cách trọn vẹn, và trong thực tại đó, họ gặp gỡ Chúa Kitô. Ngay cả trong bối cảnh kỹ thuật số mà chúng ta đang sống, chúng ta được kêu gọi làm cho nó trở nên nhân bản hơn.

Đức Thánh Cha nói rằng “Những Đại hội Giới trẻ Thế giới đã và đang là liều thuốc giải cho tình trạng ‘dựa ban công’, là liều thuốc giải cho chất gây mê khiến người ta thích ghế trường kỷ hơn, thích sự thờ ơ hơn.” Đức Thánh Cha muốn lay động giới trẻ qua WYD để họ có thể mở rộng các chân trời của họ. Tôi hy vọng điều này xảy ra ở Lisbon!


Chị nghĩ tại sao Đức Thánh Cha kêu gọi các bạn trẻ đến với nhau?

Miguel: Mục tiêu chính là củng cố và làm sống lại cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Sự gặp gỡ đó mang tính cá nhân sâu sắc và đôi khi Chúa rất kín đáo. Ngài âm thầm làm những phép lạ trong lòng mỗi người mà chúng ta thường không nhận thấy. Tôi có một cô con gái đỡ đầu từng là ca sĩ nhạc jazz và là giáo viên. Ngày nay, nhờ trải nghiệm của cháu tại WYD Madrid năm 2011, cháu hiện là một nữ đan sĩ hạnh phúc.

Có rất nhiều ví dụ như thế. Nhiều bạn trẻ đến vì đại hội rất vui và họ muốn ở với các bạn trẻ Công giáo có cùng suy nghĩ với họ. Nhưng rồi họ bất ngờ mở lòng đón nhận đề nghị mà đức giáo hoàng mang đến. Đây là phần hấp dẫn nhất về WYD và tôi nghĩ Lisbon cũng sẽ như vậy.


Tại sao chị quyết định viết một quyển sách về WYD?

Miguel: Đối với mỗi chuyến tông du giáo hoàng mà tôi có mặt, tôi có một thư mục với tất cả các tài liệu mà tôi thu thập được, vì vậy tôi có một kho lưu trữ lớn với hơn 100 chuyến đi. Kho lưu trữ này bao gồm 13 kỳ WYD mà tôi đã tham dự. WYD đã diễn ra trên tất cả các châu lục, tràn ngập màu sắc, sự sống và những sự kiện bất ngờ.

Hiện có nhiều thế hệ đã tham dự WYD kể từ khi Đức Gioan Phaolô II bắt đầu cuộc phiêu lưu này 40 năm về trước vào năm 1983. Tôi quyết định viết quyển sách như một cẩm nang cho sự kiện này. Mỗi chương là riêng biệt và dành riêng cho một kỳ đại hội. Tôi đã gặp một số người lớn tuổi nói với tôi: “Tôi nhớ WYD mà chị viết, tôi đã ở đó.” Ngược lại, những người trẻ có thể chưa từng tham dự bất kỳ WYD nào và tò mò về nó cũng có thể đọc cuốn sách này. Nó dành cho bất kỳ ai muốn biết thêm về sự phong phú của những cuộc đại hội này.

Tôi cũng muốn mọi người nhận ra mọi thứ khác trước như thế nào. Ban đầu không có điện thoại di động. Để gọi đến Lisbon từ Ba Lan, anh phải đợi một giờ ở bưu điện. Đó là một thực tại và bối cảnh khác. Vì vậy, mỗi chương có một phần dành riêng cho những gì đang xảy ra vào thời điểm đó trên thế giới, trong Giáo hội và ở Bồ Đào Nha. Rồi có một phần gọi là “Quan trọng nhất” nơi tôi đưa ra bản tóm tắt những phần hay nhất về những điều đức giáo hoàng nói trong các bài huấn từ của ngài. Ngoài ra còn có một phần với kinh nghiệm của riêng tôi trong vai trò là một nhà báo với những người tôi đã gặp và những điều thú vị đã xảy ra.


Chị có thể chia sẻ một giai thoại?

Miguel: Ở Santiago de Compostela năm 1989, nhà vệ sinh thật kinh khủng vì chúng là nhà vệ sinh di động và nước bị hạn chế. Thêm nữa, trời mưa nên mọi thứ rất trơn trượt và đầy bùn đất. Có một vài người bạn của tôi biết tôi ở trong khách sạn nên họ lên kế hoạch lén lút tìm cách bí mật sử dụng phòng tắm của tôi để tắm. Ngoài việc gặp gỡ các giám mục và các thành viên của Giáo hội, còn có những khoảnh khắc buồn cười này.

Một giai thoại khác mà tôi viết là lần đầu tiên tôi được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay đi dự kỳ WYD ở Rio de Janeiro (Brazil) vào năm 2013. Tất cả các nhà báo đều tự giới thiệu. Tôi nói với ngài rằng tôi rất vui được cùng đồng hành với ngài trong chuyến đi đó và tôi đã đưa tin về tất cả các kỳ WYD cho đến thời điểm đó, ngoại trừ kỳ đầu tiên ở Buenos Aires (Argentina) vào năm 1983. Ngài trả lời rằng kỳ đại hội ở Buenos Aires, quê hương của ngài, là kỳ duy nhất ngài có tham dự.


Người Công giáo ở Bồ Đào Nha đã sẵn sàng cho sự kiện này như thế nào? Bầu không khí như thế nào?

Miguel: Cho đến bây giờ mọi thứ vẫn còn ở cấp giáo phận. Các tranh ảnh WYD đã chuyển đi qua khắp các giáo phận. Cũng có rất nhiều sự chuẩn bị từ các tình nguyện viên, có hàng ngàn người đã đăng ký và sẽ sẵn sàng giúp đỡ.

Hiện tại cũng đã có hơn 600.000 người đăng ký tham dự nhưng tôi nghĩ con số này sẽ tiếp tục tăng lên khi ngày đến gần. Kinh nghiệm của tôi là khi các sự kiện WYD thực sự bắt đầu, những bạn trẻ còn lưỡng lự sẽ bắt đầu tham gia. Người Bồ Đào Nha chúng tôi yêu bãi biển và tháng Tám chính là thời điểm trong năm mà mọi người rời thành phố để đi về miền biển. Nhiều bạn trẻ có thể đang chần chừ vì không muốn bỏ những ngày nghỉ. Tuy nhiên, khi họ nhận ra điều này là xứng đáng, tôi nghĩ họ sẽ tham gia.

Tại các giáo xứ, người lớn cũng được khuyến khích mở rộng cửa nhà và chào đón các bạn trẻ. Đức Giáo hoàng cũng đã gửi đến một thông điệp nói rằng việc để người khác ở trong nhà và bỏ kỳ nghỉ của bạn có thể tạo ra sự khó chịu nhưng nhấn mạnh rằng đó là một sự phong phú. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời và tôi đã nhìn thấy nó trong các kỳ đại hội trước. Đó là một cách để người lớn tham gia vào WYD.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/5/2023]


Diễn từ của Đức Thánh Cha trước phái đoàn Hiệp hội Nông dân Trẻ (ASAJA): “Các bạn là những nhà sinh thái học đầu tiên”: Bài diễn từ đầy trải nghiệm và tuyệt hay của Đức Thánh Cha Phanxicô về ơn gọi của người nông dân

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước phái đoàn Hiệp hội Nông dân Trẻ (ASAJA)

“Các bạn là những nhà sinh thái học đầu tiên”: Bài diễn từ đầy kinh nghiệm và tuyệt hay của Đức Thánh Cha Phanxicô về ơn gọi của người nông dân


Diễn từ của Đức Thánh Cha trước phái đoàn Hiệp hội Nông dân Trẻ (ASAJA).


14 tháng Năm, 2023 10:23

ZENIT STAFF



(ZENIT News / Vatican City, 05.14.2023).- Hôm thứ Bảy, ngày 13 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp một Phái đoàn của Hiệp hội Nông dân Trẻ Tây Ban Nha.

Sau đây là diễn từ của ngài.

_________________________________________________


Tôi cảm ơn các bạn vì chuyến viếng thăm này, vì sự hăng hái mà các bạn thể hiện đối với công việc ở nông thôn và đối với gia súc, và sự phục vụ mà các bạn mong muốn cung cấp cho xã hội.

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước phái đoàn Hiệp hội Nông dân Trẻ

Như trong rất nhiều khía cạnh của cuộc sống, việc bảo vệ môi trường không được xây dựng thuần túy bởi những báo cáo học thuật của các chuyên gia, cũng không bởi các bản tin và dự án thông tin tiếp cận người dân thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Những điều này có thể là cần thiết, chúng có thể có ích lợi nếu chúng được thực hiện với lương tâm, nhưng chúng không chiếm vị trí hàng đầu.

Các bạn biết rằng Argentina về cơ bản là một quốc gia chăn nuôi gia súc và mặc dù tôi đến từ thành phố nhưng tôi đã có cơ hội tìm hiểu thực tế của vùng nông thôn. Điều này cho phép tôi nhận ra rằng những nhà sinh thái học đầu tiên của một khu vực, của một quốc gia, một Châu lục chính là các bạn, những người ở trong đấu trường, những người ở trong cuộc: những người làm việc với động vật, thực vật, những người cùng sống với chúng từng ngày và biết về các vấn đề cũng như sự phát triển của chúng.

Tôi nhớ có một lần, tại Khoa Thần học, một sinh viên sinh ra ở thành phố, sống ở thành phố và toàn bộ cuộc đời, đến và nói, “một con bò sắp chết,” vì trong Khoa chúng tôi có một cánh đồng và có gia súc. “Một con bò sắp chết và không có ai chịu trách nhiệm,” và khi đó đã vào chiều muộn thứ Bảy. Tôi đứng dậy và đi xem con bò, con bò tội nghiệp đang đứng đó sinh con, và cậu sinh viên người thành phố kia, lớn lên trên nền xi măng từ nhỏ, không biết chút gì về cách phân biệt một con bò sắp chết với một con bò đang sinh con. Ở đó, tôi nhận ra rằng có những kiến thức chỉ đạt được thông qua cuộc sống và sự trải nghiệm.

Các bạn không thuộc lòng các câu khẩu hiệu, các bạn sống bằng cách nhìn lên bầu trời và từ khi thức dậy đến khi đi ngủ, các bạn nhận ra trong tiếng chiêm chiếp, tiếng rống hay tiếng hí, các bạn nghe thấy niềm vui hay nỗi sợ hãi, sự khao khát hay sự thỏa mãn của thiên nhiên xung quanh các bạn. Đây là một vinh dự và rõ ràng là một trách nhiệm to lớn.

Nếu các bạn suy nghĩ về điều đó, ơn gọi mà Thiên Chúa dành cho các bạn khiến các bạn trở thành những chứng nhân cho một hệ sinh thái toàn diện mà thế giới ngày nay đang cần. Một ơn gọi từ nguyên thủy, bởi vì nó bắt nguồn từ những lời của Thiên Chúa trong Sách Sáng Thế khi Ngài mời gọi nhân loại cộng tác vào công việc của công trình tạo dựng thông qua việc làm của họ (x. St 1:28-31). Một ơn gọi đa diện, vì nó kết hợp mối quan hệ trực tiếp với trái đất, việc chăm sóc trái đất và trồng cấy, với việc phục vụ xã hội.

Vậy thì Chúa đòi hỏi các bạn điều gì trong công việc này, trong hoạt động này? Chúa yêu cầu các bạn hãy nghĩ về nông thôn như một món quà, như một thứ gì đó đã được trao ban cho các bạn và các bạn sẽ để lại cho con cái của mình; hãy nghĩ về sản vật như một món quà mà Chúa gửi đến dân của Người để thỏa mãn cơn đói và cơn khát của họ, thông qua các bạn và công việc của các bạn. Một cơn đói không chỉ là bánh ăn, mà còn là Thiên Chúa, mà để thỏa mãn cơn đói đó, Người đã không ngần ngại biến chính mình thành của ăn, trở nên xác phàm, từ đó chạm đến tâm hồn con người (x. Mt 4:3-4; Ga 6:55-57).

Từ giá trị nền tảng này, điều mà tôi cảm ơn các bạn, dẫn đến trách nhiệm được giao phó trước hết cho các bạn, nhưng cũng cho tất cả những người tham gia vào quy trình sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm, theo cách thức nào đó. Cần phải làm việc sao cho lợi ích to lớn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta không bị biến thành vũ khí — chẳng hạn, bằng cách hạn chế việc cung cấp lương thực đến các nhóm dân cư đang trong vùng xung đột — hoặc thành một cơ chế đầu cơ, thao túng giá cả và tiếp thị sản phẩm cho mục đích duy nhất là đạt được lợi nhuận lớn hơn. Đây là điều chúng ta phải lên án, điều phải làm cho tâm hồn chúng ta đau đớn; những loài vật mà các bạn chăm sóc với sự tận tụy như vậy không đáng phải chịu điều đó, những người mà các bạn nhiệt tình làm việc vì họ không đáng phải chịu, Thiên Chúa không đáng phải chịu điều đó. Nó xúc phạm đến họ và nó xúc phạm đến các bạn.

Nhưng các bạn đừng nản lòng: mọi ơn gọi đều có thập giá của nó, con người chấp nhận nỗ lực làm việc chăm chỉ, với các loài động vật thì không có ngày nghỉ, đình công cũng không. Càng khó chấp nhận sự không hiểu biết của những người không biết coi trọng một vấn đề thiết yếu cho cuộc sống như việc sản xuất lương thực, hoặc những người chỉ thích tìm kiếm thủ phạm hơn là giải pháp.

Tôi xin trao phó công việc mà các bạn đang thực hiện cho Đức Trinh Nữ Maria, để các bạn luôn cảm thấy gần gũi với Chúa Giêsu, Đấng trên thập giá đã hiến dâng Thịt và Máu Người để trở nên của ăn, trở nên sự sống để ban dồi dào cho chúng ta. Hãy tiến bước và trở thành những thi sĩ của trái đất. Cảm ơn các bạn.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/5/2023]


Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô ngày 24.05.2023: “Dù chúng ta có thể gục ngã, nhưng chúng ta luôn có thể trỗi dậy”

“Dù chúng ta có thể gục ngã, nhưng chúng ta luôn có thể trỗi dậy”

Tiếp tục chủ đề giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ tại buổi Tiếp kiến chung

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô ngày 24.05.2023: “Dù chúng ta có thể gục ngã, nhưng chúng ta luôn có thể trỗi dậy”

Vatican Media


*******

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9 giờ sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha, tiếp tục chủ đề giáo lý Nhiệt huyết Rao giảng Tin Mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung suy niệm về chủ đề “Các chứng nhân: Thánh Anrê Kim Taegon” (Bài Tin mừng: Mt 10:24-25,27).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện. Sau đó, ngài đưa ra lời kêu gọi nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc, trùng với lễ Đức Trinh Nữ Maria Phù hộ các Giáo hữu, được tôn kính và khẩn cầu tại Đền thánh Đức Mẹ Sheshan ở Thượng Hải.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

_______________________________________


Bài Giáo lý. Nhiệt huyết rao giảng Tin mừng: Lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 14. Các chứng nhân : Thánh Anrê Kim Taegon

Anh chị em thân mến!

Trong những bài giáo lý mà chúng ta đang thực hiện, chúng ta đặt mình vào trường học của một số vị thánh, là những chứng nhân gương mẫu, dạy chúng ta lòng nhiệt thành tông đồ. Chúng ta nhớ rằng chúng ta đang nói về lòng nhiệt thành tông đồ, là điều chúng ta phải có để loan báo Tin Mừng.

Hôm nay chúng ta sẽ tìm thấy tấm gương vĩ đại của một vị thánh đầy nhiệt huyết loan báo Tin mừng ở một miền đất xa xôi, cụ thể đó là Giáo hội Hàn Quốc. Chúng ta hãy nhìn vào vị tử đạo người Hàn Quốc và là vị linh mục đầu tiên, Thánh Anrê Kim Taegon.

Nhưng, vị linh mục đầu tiên người Hàn Quốc đó: chắc anh chị em biết đôi điều? Việc rao giảng Tin mừng ở Hàn Quốc được thực hiện bởi giáo dân! Chính những giáo dân được rửa tội đã truyền bá đức tin, không có linh mục, vì họ không có linh mục. Rồi về sau … nhưng việc loan báo Tin mừng đầu tiên được thực hiện bởi giáo dân. Liệu chúng ta có khả năng làm việc như vậy không? Anh chị em hãy suy nghĩ về điều đó: rất lý thú. Và đây là một trong những linh mục đầu tiên, Thánh Anrê. Cuộc đời của ngài đã và vẫn là một bằng chứng hùng hồn cho việc loan báo Tin Mừng, về lòng nhiệt thành đối với việc này.

Khoảng 200 năm trước, đất nước Hàn quốc là nơi xảy ra cuộc bách hại vô cùng khốc liệt: các Kitô hữu bị bách hại và tiêu diệt. Vào thời điểm đó, tin vào Chúa Giêsu Kitô ở Hàn Quốc có nghĩa là sẵn sàng làm chứng tá thậm chí cho đến chết. Cụ thể, từ gương của Thánh Anrê Kim, chúng ta có thể rút ra hai khía cạnh cụ thể trong cuộc đời của ngài.

Đầu tiên là cách ngài thường đến gặp gỡ các tín hữu. Trước bối cảnh rất đáng sợ, thánh nhân buộc phải tiếp cận các Kitô hữu cách kín đáo, và luôn có mặt những người khác, như thể họ đã nói chuyện với nhau một lúc. Sau đó, để khẳng định căn tính Kitô giáo của người đối thoại với mình, Thánh Anrê sẽ thực hiện các phương cách sau: trước hết, có một dấu hiệu nhận biết đã được thỏa thuận trước đó: “Bạn sẽ gặp người Kitô hữu này, và người đó sẽ có dấu hiệu này trên trang phục hoặc trong bàn tay của anh ta.” “Và sau đó, ngài sẽ bí mật đặt câu hỏi — nhưng tất cả đều nói thì thầm — “Anh/Chị có phải là môn đệ của Chúa Giêsu không?” Vì những người khác đang theo dõi cuộc nói chuyện, thánh nhân phải nói nhỏ giọng, chỉ nói một vài lời, những lời vô cùng quan trọng. Vì vậy, đối với Thánh Anrê, cụm từ tóm tắt toàn bộ căn tính Kitô giáo là “môn đệ của Chúa Kitô”. “Ông/Bà có phải là môn đệ của Đức Kitô không?” — nhưng bằng một giọng rất nhỏ vì nó rất nguy hiểm. Ở đó cấm người ta theo Kitô giáo.

Thật vậy, làm môn đệ của Chúa có nghĩa là đi theo Ngài, đi theo con đường của Ngài. Và ngườ Kitô hữu tự bản chất là người rao giảng và làm chứng cho Chúa Giêsu. Mọi cộng đồng Kitô hữu đều nhận được căn tính này từ Chúa Thánh Thần, và toàn thể Giáo hội cũng vậy, kể từ ngày Lễ Hiện Xuống (x. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad gentes, 2). Chính từ Thần Khí mà chúng ta nhận được lòng nhiệt huyết, nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng, lòng nhiệt thành tông đồ cao cả này; đó là món quà của Thần Khí Đấng ban tặng. Và ngay cả khi bối cảnh xung quanh không thuận lợi — như bối cảnh của Hàn Quốc đối với Thánh Anrê — thì nó cũng không thay đổi; ngược lại, nó càng trở nên có giá trị hơn. Thánh Anrê Kim và các tín hữu Hàn quốc khác đã chứng minh rằng việc làm chứng cho Tin Mừng trong thời gian bị bách hại có thể mang lại nhiều hoa trái cho đức tin.

Bây giờ chúng ta hãy xét đến một ví dụ cụ thể thứ hai. Khi còn là chủng sinh, Thánh Anrê đã phải tìm cách lén lút đón các linh mục truyền giáo từ nước ngoài. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì chế độ thời đó nghiêm cấm tất cả người nước ngoài tiến vào lãnh thổ. Đó là lý do tại sao, trước đây, rất khó tìm được một linh mục đến làm công việc truyền giáo: giáo dân đảm nhận việc truyền giáo.

Một lần — hãy suy nghĩ về những gì Thánh Anrê đã làm — có một lần, ngài đi bộ trong tuyết, bụng đói, quá lâu đến nỗi ngài kiệt sức ngã xuống đất, có nguy cơ bất tỉnh và chết cóng. Lúc ấy, ngài bỗng nghe có tiếng nói: “Hãy đứng dậy, bước đi!” Nghe thấy giọng nói đó, Anrê sực tỉnh, thoáng thấy có gì đó giống như bóng dáng một người đang hướng dẫn mình.

Kinh nghiệm này của vị chứng nhân vĩ đại người Hàn Quốc làm cho chúng ta hiểu được một khía cạnh rất quan trọng của lòng nhiệt thành tông đồ; đó chính là can đảm đứng dậy khi bị vấp ngã.

Nhưng các thánh có vấp ngã không? Có! Thật vậy, từ những thời gian ban đầu. Hãy nghĩ về Thánh Phêrô: ngài đã phạm tội rất lớn phải không? Nhưng ngài đã tìm được sức mạnh trong lòng thương xót của Chúa và đứng dậy. Và ở Thánh Anrê, chúng ta thấy được sức mạnh này: ngài đã ngã xuống về mặt thể xác, nhưng ngài có sức mạnh để đi, đi tiếp, đi để mang thông điệp tiến về phía trước.

Cho dù hoàn cảnh có thể khó khăn đến đâu — và quả thực, đôi khi dường như không còn chỗ cho sứ điệp Tin Mừng — chúng ta không được bỏ cuộc, và không từ bỏ việc theo đuổi điều trọng yếu trong đời sống Kitô hữu của chúng ta: đó là truyền giáo.

Đây là con đường. Và mỗi người chúng ta hãy tự suy nghĩ về bản thân: “Còn tôi thì sao, tôi có thể rao giảng Tin Mừng bằng cách nào?” Anh chị em nhìn vào những người vĩ đại này và anh chị em nghĩ đến sự nhỏ bé của mình, chúng ta xét đến sự nhỏ bé của chúng ta: truyền giáo cho gia đình, truyền giáo cho bạn bè, nói về Chúa Giêsu – nhưng nói về Chúa Giêsu và loan báo Tin mừng với một trái tim tràn đầy niềm vui, tràn đầy sức mạnh. Và điều này được trao ban bởi Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy chuẩn bị đón nhận Chúa Thánh Thần trong Lễ Hiện Xuống sắp tới, và xin Ngài ban ơn đó, ơn can đảm làm việc tông đồ, ơn loan báo Tin Mừng, để luôn mang sứ điệp của Chúa Giêsu tiến bước. Cảm ơn anh chị em.

_______________________________________________________

LỜI KÊU GỌI

Hôm nay là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc. Ngày này trùng với lễ Đức Trinh Nữ Maria Đấng Phù hộ các Giáo hữu, được tôn kính và khẩn cầu tại Đền Đức Mẹ Sheshan ở Thượng Hải. Nhân dịp này, tôi xin bảo đảm luôn nhớ đến và bày tỏ sự gần gũi của tôi với các anh chị em của chúng ta ở Trung Quốc, chia sẻ niềm vui và hy vọng của họ. Tôi suy nghĩ cách đặc biệt về tất cả những người đau khổ, các mục tử và tín hữu, để trong sự hiệp thông và tình liên đới của Giáo hội hoàn vũ, họ có thể cảm nhận được sự an ủi và khích lệ. Và tôi mời gọi mọi người cùng dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa để Tin Mừng của Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh được loan báo một cách trọn vẹn, đẹp đẽ và tự do, sinh hoa kết trái vì lợi ích của Giáo hội Công giáo và toàn thể xã hội Trung Quốc.

Tôi xin gửi lời chào thân ái đến những anh chị em hành hương nói tiếng Ý. Đặc biệt, tôi xin gửi lời chào đến Hội Thừa Sai Bác Ái, Ban Tổ Chức Các Sự Kiện Đặc Biệt của Rôma, Nhóm Ung Bướu Nhi Khoa của Bệnh viện Đa Khoa Bari, và Trường Chúa Quan Phòng của Rôma.

Cuối cùng, như thường lệ, cha ngỏ lời với các bạn trẻ, các bệnh nhân, ông bà cao tuổi và những đôi vợ chồng mới cưới. Hôm nay là lễ Đức Mẹ được tôn kính dưới tước hiệu “Mẹ Phù hộ các Giáo hữu”. Các con giới trẻ thân yêu, xin Mẹ Maria giúp các con củng cố lòng trung thành của các con với Chúa Kitô mỗi ngày. Thưa các ông bà cao tuổi và anh chị em bệnh nhân, xin Mẹ ban ơn an ủi và bình an cho ông bà và anh chị em. Xin Mẹ động viên các con, những đôi vợ chồng mới cưới, biết đưa giới răn yêu thương vào cuộc sống hàng ngày của các con. Lễ Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu là một ơn gọi vô cùng mật thiết đối với Thánh Don Bosco: xin gửi lời chào và nhớ đến Gia đình Salêdiêng, cảm ơn vì tất cả những gì họ làm cho Giáo hội.

Và một lần nữa nỗi buồn lại ập đến với tất cả chúng ta vì Ukraine bị hành hạ: ở đó có quá nhiều đau khổ. Chúng ta đừng quên họ. Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Maria Phù hộ các Giáo hữu để Mẹ có thể gần gũi với người dân Ukraine.

Và cha ban phép lành cho tất cả anh chị em.

____________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha xin gửi lời chào thân ái đến những anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham dự buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Anh, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Canada và Hoa Kỳ. Trong thời gian chúng ta chuẩn bị mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tôi khẩn xin dồi dào ân sủng của Chúa Thánh Thần đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/5/2023]