Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico Ngày Lương thực Thế giới 2018

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico Ngày Lương thực Thế giới 2018
YouTube Screenshot

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico Ngày Lương thực Thế giới 2018

‘Những hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta: một thế giới không có nạn đói vào năm 2030 là có thể’

16 tháng Mười, 2018 16:32

Ngày 16 tháng Mười, 2018, — Ngày Lương Thực Thế Giới — Đức Thánh Cha Phanxico bám sát theo chủ đề của sự kiện: Những hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta: một thế giới không có nạn đói vào năm 2030 là có thể.

Lời của Đức Thánh Cha được gửi trong một lá thư đến Giáo sư José Graziano da Silva, Tổng Giám đốc của Tổ chức Lương Nông nhân Ngày Lương thực Thế giới 2018. Và nó là một minh chứng cho cam kết kiên trì của Tòa Thánh đối với Chương trình Phát triển Bền vững 2030 của Liên Hợp quốc.

Theo LHQ, 815 triệu người trên thế giới phải đi ngủ với cái bụng đói, trong khi 1,9 tỷ người bị thừa cân. Ngày Lương thực Thế giới là ngày kêu gọi các chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, và các cá nhân cùng chung sức đạt được mục tiêu loại trừ nạn đói vào năm 2030.

Đức Thánh Cha nói, “Trong bối cảnh quốc tế hôm nay, việc kỷ niệm thường niên Ngày Lương thực Thế giới nhấn mạnh đến những thiếu thốn, những khát khao, những hy vọng của hàng triệu người thiếu lương thực mỗi ngày. Thật đáng buồn, ngày càng có thêm nhiều người góp phần vào con số rất lớn những người không có gì, hoặc hầu như chẳng có gì, để ăn.

“Chủ đề quan tâm của chúng ta năm nay, Những hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta: một thế giới không có nạn đói vào năm 2030 là có thể, trở thành một tiếng kêu khẩn thiết về trách nhiệm đối với tất cả những bên tham gia trong hiệp ước với các mục tiêu của Chương trình Phát triển Bền vững 2030, một tiếng kêu xé lòng làm chúng ta thoát khỏi cơn ngủ mê thường làm chúng ta tê liệt và cản bước chúng ta. Không thể đợi đến một ngày khác, và chỉ hài lòng với một khối thông tin khổng lồ hoặc thỏa mãn sự tò mò.”

Đức Thánh Cha kiên trì kêu gọi loại trừ nạn đói. Tuy nhiên tiến trình vẫn tiếp tục diễn ra rất chậm, Đức Khâm sứ, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza cho biết trong Phiên họp thứ 73 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc, Chương trình Nghị sự Ủy ban Thứ Hai Mục 26: Sự Phát triển Nông nghiệp, an ninh lương thực, và dinh dưỡng tại New York, ngày 12 tháng Mười, 2018.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico Ngày Lương thực Thế giới 2018

Toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Lương thực Thế giới

Kính gửi Giáo sư José Graziano da Silva

Tổng Giám đốc của Tổ chức Lương Nông

cho Ngày Lương thực Thế giới 2018

Kính thưa ông Tổng Giám đốc đáng kính,

1. Trong bối cảnh quốc tế hôm nay, việc kỷ niệm thường niên Ngày Lương thực Thế giới nhấn mạnh đến những thiếu thốn, những khát khao, những hy vọng của hàng triệu người thiếu lương thực mỗi ngày. Thật đáng buồn, ngày càng có thêm nhiều người góp phần vào con số rất lớn những người không có gì, hoặc hầu như chẳng có gì, để ăn. Đáng lẽ ra nó phải thể hiện ngược lại, nhưng các thống kê gần đây là bằng chứng đáng buồn cho sự đoàn kết quốc tế đang có vẻ nguội lạnh. Và khi thiếu sự đoàn kết, ngày nay mọi người đều ý thức được rằng những giải pháp thuộc kỹ thuật và các dự án, kể cả những quốc gia phát triển nhất, không đủ khả năng để đương đầu với sự buồn phiền và sự cay đắng của những người đang đau khổ vì họ không thể tự nuôi sống bản thân và sống theo con đường khỏe mạnh.

Chủ đề quan tâm của chúng ta năm nay, Những hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta: một thế giới không có nạn đói vào năm 2030 là có thể, trở thành một tiếng kêu khẩn thiết về trách nhiệm đối với tất cả những bên tham gia trong hiệp ước với các mục tiêu của Chương trình Phát triển Bền vững 2030, một tiếng kêu xé lòng làm chúng ta thoát khỏi cơn ngủ mê thường làm chúng ta tê liệt và cản bước chúng ta. Không thể đợi đến một ngày khác, và chỉ hài lòng với một khối thông tin khổng lồ hoặc thỏa mãn sự tò mò. Chúng ta phải “có ý thức một cách đau khổ, dám biến những gì đang xảy ra cho thế giới hôm nay trở thành sự đau khổ của riêng mình và từ đó mới khám phá ra điều mà mỗi chúng ta có thể góp phần thực hiện trong đó” (Tông huấn Laudato Si΄, 19). Do đó, tất cả chúng ta đều được mời gọi, đặc biệt là Tổ chức Lương Nông, các Chính phủ thành viên, các cơ quan và tổ chức quốc tế và quốc gia, xã hội dân sự và tất cả những người thiện chí, hãy nhân đôi cam kết của chúng ta để không một người nào bị thiếu lương thực thiết yếu, cả về số lượng lẫn chất lượng.

2. Người nghèo đang mong chờ nơi chúng ta một sự giúp đỡ hiệu quả để họ thoát khỏi cảnh nghèo khổ, không đơn thuần chỉ là những lời tuyên bố hay những thỏa thuận, mà sau khi đã nghiên cứu thật chi tiết những gốc rễ của sự nghèo khổ của họ, chỉ đưa đến kết quả duy nhất là những sự kiện trọng thể, những cam kết không bao giờ trở thành hiện thực, hoặc những ấn bản phát hành vô cùng ấn tượng cuối cùng chỉ để tăng thêm các chỉ mục trong thư viện. Trong thế kỷ 21 này chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực công nghệ, khoa học, truyền thông, và cơ sở hạ tầng, chúng ta phải cảm thấy xấu hổ vì không đạt được những sự tiến bộ tương tự về con người và sự đoàn kết, để từ đó làm thỏa mãn được các nhu cầu căn bản của những người thua thiệt nhất. Chúng ta cũng không thể tự an ủi bản thân rằng đã đối phó được với những tình hình khẩn cấp và những hoàn cảnh tuyệt vọng của những người thiếu thốn nhất. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi phải tiến xa hơn nữa. Chúng ta có thể và chúng ta phải làm tốt hơn nữa cho những người bị thua thiệt. Chúng ta phải chuyển thành hành động cụ thể để tai họa của nạn đói biến mất hoàn toàn. Điều này đòi hỏi những chính sách hợp tác cho sự phát triển, như Chương trình Nghị sự 2030 đã vạch ra, hướng đến những nhu cầu thực tế của người nghèo. Một điều cần thiết nữa là phải quan tâm đặc biệt đến các mức độ của sản lượng nông nghiệp, việc tiếp cận với các thị trường lương thực, tham gia tích cực trong những sáng kiến và hành động, và trên hết khi đến giai đoạn đưa ra những quyết định thì điều đó phải trở nên hiện thực, khi tất cả các quốc gia đều được bình đẳng về phẩm giá. Một điều quan trọng nữa là cần phải hiểu rằng, trước câu hỏi về việc đối phó hiệu quả với những nguyên nhân của nạn đói kém, thì những bài tuyên bố hùng hồn sẽ không triệt tiêu được tai họa này. Cuộc chiến chống lại nạn đói đòi hỏi khẩn thiết nguồn cấp vốn quảng đại, hủy bỏ những rào cản thương mại, và trên hết là kiên cường đối phó với sự biến đổi khí hậu, những khủng hoảng kinh tế và chiến tranh xung đột.

3. Một trong những nguyên tắc phải trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống và cam kết của chúng ta là sự vững tin rằng “thời gian lớn hơn không gian” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 222), nghĩa là chúng ta phải thúc đẩy các tiến trình được duy trì vượt thời gian với sự minh bạch, sự vững tin và sự kiên trì. Tương lai không phải là ở đâu đó trên các tầng mây nhưng nó được xây dựng bằng những tiến trình thúc đẩy và đồng hành của tình nhân loại mạnh mẽ hơn. Chúng ta có thể mơ ước đến một tương lai không có sự đói khổ, nhưng điều này chỉ trở nên có cơ sở khi chúng ta gắn kết với những tiến trình cụ thể, những mối quan hệ trọng yếu, những kế hoạch hiệu quả, và những cam kết thật sự. Sáng kiến Không có Nạn đói năm 2030 cung cấp một khuôn khổ đầy triển vọng cho việc này, và nó sẽ được áp dụng để hoàn thiện mục tiêu thứ hai của Những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Chương trình 2030, đó là tìm cách “chấm dứt nạn đói, đạt được sự an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, và thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững.” Một số người có thể nói rằng chúng ta vẫn còn mười hai năm phía trước để thực hiện điều này. Tuy nhiên, người nghèo không thể chờ đợi được nữa. Những hoàn cảnh cùng cực của họ không cho phép điều này. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cấp bách hành động, theo con đường hợp tác và có trật tự. Lợi điểm của những đề xuất này ở chỗ chúng đưa ra những mục đích rõ ràng, những mục tiêu có thể đo lường được, và những chỉ số chính xác. Chúng ta biết rằng chúng ta phải kết hợp hài hòa giữa hai cách hỗ trợ, những hoạt động dài hạn và ngắn hạn, để đối phó với những thực tại cụ thể của những người hôm nay đang gánh chịu cuộc tấn công đầy đau khổ và đau đớn của nạn đói và suy dinh dưỡng.

4. Nếu trong những năm qua các hoạt động của Tổ chức Lương Nông (FAO) và các cơ quan quốc tế khác đã cho thấy rõ sự căng thẳng giữa chương trình dài hạn và ngắn hạn, để nhiều chương trình và những can thiệp khác nhau có thể đến được cùng một khu vực, ngày nay chúng ta biết rất rõ rằng điều không kém phần quan trọng là phải kết hợp cả những mức độ toàn cầu và địa phương để đối phó với thách đố của nạn đói kém. Với ý nghĩa này, Chương trình Hành động 2030, cùng với Những Mục tiêu Phát triển Bền vững, và sáng kiến Không có Nạn đói, đòi hỏi các thực thể quốc tế, như FAO, phải gắn kết các Chính phủ thành viên để họ có thể thực hiện và áp dụng các sáng kiến ở tầm mức địa phương. Những chỉ số toàn cầu sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu cam kết của chúng ta không phù hợp với thực tại của địa phương. Vì thế, điều quan trọng là những ưu tiên và các biện pháp có trong các chương trình quan trọng phải được thiết lập thật vững chắc và chia sẻ rộng rãi, để tránh những cách tiếp cận mang tính cá nhân, cùng nhau kiên vững đối mặt với thách đố chống lại nạn đói và sự đau khổ. Việc này phải được thực hiện trong bối cảnh có sự ủng hộ thích hợp của các tổ chức, của xã hội, và kinh tế nhằm đưa ra những sáng kiến và giải pháp hiệu quả để người nghèo không còn cảm thấy bị bỏ rơi.

5. Chúng ta thật sự có những phương tiện và khuôn khổ thỏa đáng để những từ ngữ đẹp và những ước mong tốt lành có thể trở thành một chương trình hành động thực chất dẫn đến việc xóa bỏ hiệu quả nạn đói trên thế giới của chúng ta. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần những nỗ lực chung, những tâm hồn chính trực, và sự kiên trì và dứt khoát để biến vấn đề của người khác thành vấn đề của chính mình. Tuy nhiên, khi có những vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến nhân loại, thì chúng ta thường vấp phải những trở ngại rất lớn khi giải quyết các vấn đề đó. Chúng ta tìm thấy những rào cản không thể tránh được từ sự do dự hoặc chậm trễ, và tình trạng thiếu nhiệt huyết về phía những nhà lãnh đạo chính trị có trách nhiệm, họ thường chỉ bận tâm duy nhất đến vấn đề bầu cử hoặc chỉ tập trung vào những cách nhìn thiên vị, tạm thời hoặc giới hạn. Đang thiếu những ý chí chính trị nền tảng. Điều đang rất cần bây giờ là ý chí sẵn sàng chấm dứt nạn đói, và điều này chắc chắn sẽ không xảy ra nếu không có một nhận thức về đạo đức chung giữa tất cả mọi dân tộc và mọi niềm tin tôn giáo, trong đó ích lợi trọn vẹn của con người được đặt vào trung tâm của tất cả mọi sáng kiến đồng thời “làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình.” Chúng ta đang nói về một hành động đặt nền tảng trên tính đoàn kết giữa mọi dân tộc và những phương cách diễn tả cách giải quyết của con người.

6. Chuyển từ lời nói thành hành động để tiêu diệt nạn đói không chỉ đòi hỏi sự quyết định dứt khoát của chính trị và những kế hoạch hiệu quả. Cũng vậy, cần phải vượt qua được bước tiếp cận theo cách đối phó bằng cách tạo không gian cho một tầm nhìn chủ động hơn. Một tầm nhìn thiếu sâu sắc và ngắn hạn có thể gây ra những phản ứng tức thời. Theo cách này chúng ta bỏ quên những khía cạnh thuộc cấu trúc che lấp tấn thảm kịch của nạn đói: sự bất bình đẳng quá lớn, sự phân chia bất công các tài nguyên của thế giới, những hậu quả của sự biến đổi khí hậu và những xung đột đẫm máu không bao giờ chấm dứt tàn phá nhiều khu vực, và đây chỉ là một vài ví dụ về những nguyên nhân của nó. Chúng ta cần phải phát triển một bước tiến chủ động hơn và bền vững với thời gian hơn, chúng ta cần gia tăng những nguồn vốn đổ vào cho công cuộc thúc đẩy hòa bình và sự phát triển của các dân tộc. Chúng ta cần ngăn chặn ngành thương mại vũ khí và các loại vũ trang hủy diệt để có thể nghe thấy được tiếng của những người đang kêu lên một cách tuyệt vọng, nhìn thấy họ bị bỏ rơi bên những vùng ngoại vi của cuộc sống và sự phát triển. Nếu chúng ta thật sự muốn người dân trên thế giới chấp nhận quan điểm này, thì một mệnh lệnh đòi hỏi rằng xã hội dân sự, truyền thông, và các cơ quan giáo dục phải cùng chung sức đi theo một hướng đúng. Từ nay đến năm 2030 chúng ta còn 12 năm để đặt ra những sáng kiến táo bạo và kiên định; không nhượng bộ bằng những sự bột phát nhất thời hay những đề mục ngắt quãng và qua nhanh, nhưng là kiên trì đối mặt với nạn đói và những nguyên nhân gây ra nó trong tinh thần đoàn kết, công bằng, và kiên định.

7. Thưa ông Tổng Giám đốc, đây là một số suy tư mà tôi mong muốn chia sẻ với những người không cho phép bản thân đầu hàng thái độ thờ ơ; những người nghe thấy tiếng khóc của những con người không có được các điều cần thiết tối thiểu để sống một cuộc sống có phẩm giá. Về phần mình, Giáo hội Công giáo, trong cách thi hành sứ mạng mà Thiên Chúa Đấng Sáng Lập đã trao phó, đang chiến đấu mỗi ngày trên khắp thế giới để chống lại nạn đói và suy dinh dưỡng theo nhiều cách khác nhau và qua nhiều cơ cấu và tổ chức của mình, luôn ghi nhớ rằng những người chịu đựng cảnh cùng khổ không có gì khác chúng ta. Họ cùng chung da thịt và máu huyết. Cho nên họ xứng đáng có được một bàn tay thân thiện trợ giúp và hỗ trợ họ, để không ai bị bỏ rơi đằng sau, để trên thế giới chúng ta tình đoàn kết huynh đệ có thể triển nở giá trị và vị thế của nó, thoát khỏi những khẩu hiệu bóng bẩy thiếu sự thực tế.

Tôi cầu xin Đấng Toàn năng rằng hành trình tiên phong và thúc đẩy những hành động cụ thể cho một tương lai với sự chung sống hòa bình và tốt đẹp được tràn đầy ơn lành của Người, vì ích lợi của chúng ta và ích lợi của các thế hệ tiếp nối.

Viết từ Vatican, 16 tháng Mười 2018

© Libreria Editrice Vatican




[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/10/2018]


Trung quốc: ‘Chúng tôi cảm nhận Giáo hội là một gia đình,’ hai đức Giám mục Trung quốc nói tại thượng hội đồng

Trung quốc: ‘Chúng tôi cảm nhận Giáo hội là một gia đình,’ hai đức Giám mục Trung quốc nói tại thượng hội đồng
Chinese Bishops In Vatican News Studio

Trung quốc: ‘Chúng tôi cảm nhận Giáo hội là một gia đình,’ hai đức Giám mục Trung quốc nói tại thượng hội đồng

Trong một phỏng vấn với Vatican Radio-Vatican News

15 tháng Mười, 2018 16:42

“Chúng tôi cảm nhận Giáo hội là một gia đình,” hai đức Giám mục Trung Quốc tham dự Thượng Hội đồng về Giới trẻ nói, Đức ông Giu-se Guo Jincai, Giám mục Chengde (Hebei), và Đức ông Gioan Tẩy giả Yang Xiaoting, Giám mục Yan’an (Shaanxi), trong phỏng vấn ngày 13 tháng Mười, 2018, của Vatican Radio-Vatican News. Hai ngài cũng là hai Giám mục đầu tiên của Trung Quốc tham dự một Thượng Hội đồng Giám mục, trình bày cho ban biên tập tiếng Trung hoa.

“Là một Giám mục Trung Quốc, tôi rất hạnh phúc lần đầu tiên được tham dự một Thượng Hội đồng. Chúng tôi cảm nhận Giáo hội là một gia đình và chúng tôi đón nhận được sự chào đón nồng hậu,” Đức Giám mục Giu-se Guo Jincai nói. “Đối với các Giám mục Trung Hoa, Thượng Hội đồng này là rất hợp thời và các chủ điểm được thảo luận là những gì chúng tôi đang rất cần cho việc đào tạo ơn gọi,” Đức Giám mục Gioan Tẩy Giả Yang nói thêm.

Ngài giải thích rằng, theo cách nói về sự phân định, Trung Quốc cũng đang đứng trước những vấn đề tương tự như các quốc gia khác trên thế giới: “Chúng tôi hoạt động trên lĩnh vực đào tạo, dạy giáo lý, về tầm quan trọng của khái niệm về ơn gọi, nó không chỉ cho những người sống đời thánh hiến nhưng cũng cho cả giáo dân.”

Đức Giám mục Guo Jincai cho biết mỗi giáo xứ có một Văn phòng Đồng hành với những đôi vợ chồng mới cưới và mới đính hôn. “Toàn gia đình và ơn gọi của gia đình liên quan đến sự phát triển của Giáo hội và với sự phục vụ của xã hội. Đó là lý do tại sao nền tảng vững chắc của gia đình là rất tốt cho tất cả xã hội. Chúng ta phải cầu nguyện cho gia đình và cho ơn gọi này để cùng với đức tin, những lời giao ước trong hôn nhân có thể được giữ vững.” Liên quan đến vấn đề này, một số giáo phận Trung Quốc đưa ra những khóa học thường kỳ và đào tạo về luân lý hôn nhân, để hỗ trợ người trẻ, Đức Giám mục Yang nói thêm.

Đức Giám mục Guo Jincai nói rằng ngài thật sự xúc động với chủ điểm về ơn gọi như là “tiếng gọi của Thiên Chúa.” “Thiên Chúa kêu gọi mỗi người vì mỗi người chúng ta được Người tạo dựng nên. Hiện tại chúng ta cảm thấy trách nhiệm khó khăn hơn đối với chủ điểm về ơn gọi của người trẻ. Chúng tôi được kêu gọi để rao giảng Tin mừng, củng cố đức tin và phục vụ xã hội, đưa ra những đóng góp cho đất nước.” Đức Giám mục tin rằng lắng nghe giới trẻ “làm cho họ không còn cảm thấy cô đơn. Họ sẽ không cảm thấy không có hy vọng khi họ vấp phải những khó khăn vì Giáo hội sẽ luôn luôn là gia đình của họ và sẽ luôn đồng hành với họ.”

Cuối cùng, các ngài đưa ra một thông điệp cho người trẻ Công giáo Trung Quốc: “Những người anh em trẻ trong đức tin thân mến, mục tiêu chân thành nhất của chúng tôi trong Thượng Hội đồng này là lắng nghe tiếng nói của các bạn trẻ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, kể cả những bạn trẻ Trung Quốc. Chúng tôi cầu nguyện cho các bạn và chúng tôi sẽ đồng hành với các bạn, lắng nghe những thiếu thốn của các bạn. Chúng tôi sẽ giúp chăm sóc mục vụ cho các bạn, cũng như Chúa Giê-su Phục sinh đã lắng nghe và đồng hành với hai môn đệ trẻ trên đường đến Êmau,” Đức Giám mục Guo Jincai nói.

Đức Giám mục Gioan Tẩy Giả Yang nhấn mạnh rằng các bạn trẻ “mong đợi một thông điệp vui mừng,” từ Thượng Hội đồng này. “Tôi muốn chia sẻ khát khao của mình với người trẻ của Trung Hoa Đại lục. Thượng Hội đồng này là cho người trẻ trên toàn thế giới và cũng cho người trẻ Trung quốc. Tại đây có sự bàn luận về việc đồng hành, về việc tìm kiếm những câu trả lời cho các vấn đề của người trẻ , để hướng dẫn người trẻ trong đức tin. Tôi muốn nói với các bạn rằng: Giáo hội cần người trẻ. Giáo hội yêu người trẻ và trên hết Giáo hội nhìn thấy rằng tất cả mọi người trẻ là tương lai của Giáo hội. Chúa yêu người trẻ; chúng tôi, các Giám mục cũng yêu người trẻ.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/10/2018]