Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Người Công giáo Thái Lan háo hức được gặp Đức Thánh Cha Phanxico

Người Công giáo Thái Lan háo hức được gặp Đức Thánh Cha Phanxico
© Fides

Người Công giáo Thái Lan háo hức được gặp Đức Thánh Cha Phanxico

Chuyến thăm 3 ngày trong Tháng Mười Một

03 tháng Mười, 2019 11:48

Người Công giáo ở Thái Lan đang chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxico đến đất nước này. Đức Thánh Cha Phanxico sẽ thực hiện chuyến thăm 3 ngày đến Thái Lan vào tháng Mười Một, trước chuyến thăm đến Nhật Bản từ 23 đến 26 tháng Mười Một.

Đức Hồng y Francis-Xavier Kriengsak Kovithavanij, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thái Lan nói tại một buổi họp báo qua video: “Theo lời mời của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và các Giám mục Thái Lan, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ thực hiện chuyến Tông du đến Vương quốc Thái Lan từ 20 đến 23 Tháng Mười Một năm 2019. Chương trình chuyến thăm sẽ được công bố sau.”

Theo ghi chú của các giám mục, Đức Thánh Cha sẽ dâng hai Thánh Lễ chung, một cho người Công giáo Thái Lan và một cho giới trẻ Công giáo, và cũng sẽ thăm các cộng đoàn Công giáo ở Thái Lan. Đức ông Wissanu Thanya-anan, phó tổng thư ký Hội đồng Giám mục, nói rằng các Thánh Lễ có thể sẽ được tổ chức trong các sân vận động vì ước tính sẽ có rất đông người Công giáo tham dự. Đức Thánh Cha Phanxico cũng sẽ gặp gỡ các Trưởng lão Tăng già của Thái Lan, Vua Maha Vajiralongkorn, tân vương của đất nước, ngài cho biết thêm.

Đức Tổng Giám mục Paul Tschang In-Nam, khâm sứ tại Thái Lan nói: “Đức Thánh Cha rất vui mừng được đến thăm Thái Lan như là một người hành hương hòa bình và để thúc đẩy đối thoại liên tôn.”

Chuyến thăm Thái Lan sẽ trùng hợp vào dịp kỷ niệm 350 năm thiết lập “Vùng truyền giáo Xiêm La” của Đức Giáo hoàng Clement IX, năm 1669 để trông nom công cuộc thừa sai Công giáo trong nước. Đúng dịp này, đức tin Công giáo thật sự cắm rễ ở Thái Lan. Ngoài ra, năm nay cũng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Thái Lan và Tòa thánh vào năm 1969. Cuối cùng, chúng tôi cũng nhớ lại kỷ niệm 35 năm chuyến thăm Thái Lan gần đây nhất của một Giáo hoàng, là Đức Gioan Phaolo II vào năm 1984.

Đức tin Công giáo được giới thiệu đầu tiên ở Xiêm (tên cũ của Thái Lan) bởi các nhà thừa sai dòng Đa-minh năm 1567 khi Ayutthaya vẫn còn là kinh đô của đất nước. Một vùng truyền giáo được chính thức thành lập dưới triều đại của Đức Giáo hoàng Clement IX ngày 4 tháng Sáu, 1669. Kể từ đó, các nhà thừa sai cũng đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của dân tộc, hoạt động trong nhiều công cuộc xã hội.

Chị Catherine Mala, đại diện giáo dân, nói với Fides: “Người Thái vô cùng tri ân Đức Thánh Cha về chuyến thăm sắp tới: chúng tôi đang mong ngóng được gặp ngài là một người mang đến thông điệp hòa bình.”

Christopher Angsakul, một giáo dân Công giáo khác, nói: “Thật là một cơ hội tuyệt vời cho tất cả chúng tôi được đón Đức Thánh Cha. Giới trẻ vô cùng phấn khởi về chuyến thăm của ngài, chúng tôi sẽ chào đón ngài với một tâm hồn rộng mở, sẵn sàng tương tác với ngài.”

Ngày nay, theo dữ liệu cung cấp cho Fides bởi Văn phòng Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục, cộng đồng Công giáo thiểu số chỉ chiếm 0.58% dân số Thái Lan, (69 triệu dân đa phần là Phật giáo) với 388.468 người theo đạo, 524 nhà thờ, 436 giáo xứ, và 662 linh mục.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/10/2019]


Đức Thánh Cha nêu rõ những ích lợi – và những rủi ro – của công nghệ tiên tiến

Đức Thánh Cha nêu rõ những ích lợi – và những rủi ro – của công nghệ tiên tiến
© Vatican Media

Đức Thánh Cha nêu rõ những ích lợi – và những rủi ro – của công nghệ tiên tiến

Gặp gỡ các tham dự viên của Hội nghị ‘Lợi ích chung trong kỷ nguyên kỹ thuật số’

27 tháng Chín, 2019 16:17

Ngày 27 tháng Chín, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Những phát triển đáng kể trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, ngày càng mở rộng những ứng dụng quan trọng trong tất cả các phạm vi hoạt động của con người. Vì lý do này, những thảo luận mở rộng và cụ thể về chủ đề này bây giờ là cần thiết hơn bao giờ hết.”

Diễn từ của Đức Thánh Cha trong Khán phòng Clementine của Điện Tông tòa Vatican, nơi ngài gặp gỡ các tham dự viên trong hội nghị “Lợi ích chung trong kỷ nghiên kỹ thuật số,” do Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa và Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện diễn ra tại Vatican từ 26 đến 28 tháng Chín năm 2019.

Đức Thánh Cha đề cập đến Tông huấn Laudato Si’ của ngài và nhấn mạnh đến tiềm năng lớn do công nghệ mới mang lại, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, ngài nhắc cửa tọa nhớ đến tầm quan trọng của việc thi hành đạo đức trong những phương pháp mới.

“Trong Tông huấn của tôi về việc chăm sóc cho ngôi nhà chung, tôi đã chỉ ra một sự đối lập căn bản,” Đức Thánh Cha nhắc đến “ích lợi không thể bàn cãi mà nhân loại sẽ có thể gặt hái được từ sự tiến bộ của công nghệ (x. Tông huấn Laudato Si’, 102) tùy thuộc vào mức độ mà những khả năng mới dành cho chúng ta được sử dụng theo con đường đạo đức (x. nt., 105). Tính tương quan này đòi hỏi một sự phát triển phù hợp về tính trách nhiệm và những giá trị đi kèm với sự tiến bộ khổng lồ của công nghệ đang diễn ra.

“Bằng không, một mô hình thống trị – “mô hình kỹ trị” (x. nt., 111) – hứa hẹn mang đến một sự tiến bộ vượt ngoài tầm kiểm soát và vô hạn sẽ được áp đặt và có thể sẽ loại bỏ những yếu tố phát triển khác, với những rủi ro lớn hơn cho toàn thể nhân loại.”

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người tham dự (bản tiếng Anh):



Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa các Đức Hồng y,

Thưa anh chị em,

Tôi xin chào đón anh chị em đang tham dự cuộc họp về chủ đề “Lợi ích chung trong Kỷ nguyên Kỹ Thuật số,” do Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện và Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa tổ chức. Tôi xin cảm ơn Đức Hồng y Turkson và Đức Hồng y Ravasi về sáng kiến này. Những phát triển đáng kể trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, ngày càng mở rộng những ứng dụng quan trọng trong tất cả các phạm vi hoạt động của con người. Vì lý do này, những thảo luận mở rộng và cụ thể về chủ đề này bây giờ là cần thiết hơn bao giờ hết.

Trong Tông huấn của tôi về việc chăm sóc cho ngôi nhà chung, tôi đã chỉ ra một sự đối lập căn bản. Những ích lợi không thể bàn cãi mà nhân loại sẽ có thể gặt hái được từ sự tiến bộ của công nghệ (x. Tông huấn Laudato Si’, 102) tùy thuộc vào mức độ mà những khả năng mới dành cho chúng ta được sử dụng theo con đường đạo đức (x. nt., 105). Sự tương quan này đòi hỏi một sự phát triển phù hợp về tính trách nhiệm và những giá trị đi kèm với sự tiến bộ khổng lồ của công nghệ đang diễn ra.

Bằng không, một mô hình thống trị – “mô hình kỹ trị” (x. nt., 111) – hứa hẹn mang đến một sự tiến bộ vượt ngoài tầm kiểm soát và vô hạn sẽ được áp đặt và có thể sẽ loại bỏ những yếu tố phát triển khác, với mối những rủi ro lớn hơn cho toàn thể nhân loại. Bằng công việc của mình, anh chị em đã tìm cách ngăn chặn điều này và làm cho văn hóa gặp gỡ và sự đối thoại liên ngành trở nên cụ thể.

Nhiều người trong anh chị em là những chuyên gia quan trọng trong các lĩnh vực khoa học ứng dụng khác nhau: ngành công nghệ, ngành kinh tế, ngành robot, xã hội học, truyền thông, và an ninh mạng, cũng như triết học, đạo đức và thần học luân lý. Trong các lĩnh vực này, anh chị em lên tiếng nói không những cho hàng loạt những lĩnh vực rộng lớn nhưng cho cả những sự nhạy cảm khác nhau và những bước tiếp cận đa dạng khi đứng trước các vấn đề nổi lên trong những lĩnh vực chuyên môn của anh chị em, từ những hiện tượng như trí tuệ nhân tạo.Tôi rất cảm kích trước việc anh chị em mong muốn gặp gỡ nhau trong cuộc đối thoại bao gồm và đầy hoa trái giúp mọi người học hỏi từ nhau và không cho phép bất kỳ ai khép kín lòng mình trước những phương pháp luận đã đặt trước.

Mục tiêu chính anh chị em đặt ra cho mình đầy tham vọng: đạt đến tiêu chuẩn của các giới hạn đạo đức căn bản có khả năng cung cấp những hướng dẫn trong các vấn đề đạo đức xảy ra cùng với việc sử dụng công nghệ rộng rãi. Tôi biết rằng công việc đó thật khó cho anh chị em, là những người đại diện đồng thời cho tính toàn cầu hóa và sự chuyên môn về kiến thức, để vạch định những nguyên tắc cốt yếu cho một ngôn ngữ có thể được chấp nhận và chia sẻ giữa tất cả mọi người. Vì vậy đừng nản lòng khi tìm kiếm con đường đạt đến một mục tiêu như vậy, tập trung vào giá trị đạo đức cho những thay đổi đang diễn ra liên quan đến các nguyên tắc được nêu trong Những Mục tiêu Phát triển Bền vững do Liên Hợp quốc đề ra. Thật vậy, những lĩnh vực then chốt mà anh chị em đang khám phá sẽ có một tác động trực tiếp và thật sự trên đời sống của hàng triệu người.

Chúng ta cùng có chung niềm tin rằng con người đang đối mặt với những thách thức chưa từng có và hoàn toàn mới. Các vấn đề mới đòi hỏi những giải pháp mới. Tôn trọng những nguyên tắc và truyền thống phải luôn được trải nghiệm trong sự trung thực sáng tạo, không bắt chước một cách cứng nhắc hoặc theo chủ nghĩa giảm lược lỗi thời. Vì vậy, tôi nhận thấy điểm đáng khen ngợi khi anh chị em không e sợ tuyên bố những nguyên tắc đạo đức thuộc lý thuyết và thực hành, có những lúc với độ chính xác thật sự, để những thách đố về đạo đức có thể được giải quyết theo đúng bối cảnh lợi ích chung. Lợi ích chung là một thiện ích mọi người đều khao khát, và chẳng có hệ thống đạo đức nào xứng đáng với tên gọi nếu nó không nhìn thấy điểm thiện ích đó là một trong những điểm tham chiếu trọng yếu.

Những vấn đề anh chị em được kêu gọi để phân tích liên quan đến toàn nhân loại và đòi hỏi những giải pháp có thể mở rộng cho toàn nhân loại.

Một ví dụ điển hình là robot trong công xưởng. Về một mặt, chúng đánh dấu chấm hết cho những loại công việc khó khăn, nguy hiểm và nhàm chán – là những công việc xuất hiện ngay từ khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp trong thế kỷ mười chín – chúng thường gây ra sự khổ sở, chán nản, và kiệt sức. Về mặt khác, robot có thể trở thành một công cụ mang tính hiệu quả vượt trội thuần túy, chỉ dùng để làm gia tăng lợi nhuận và thặng dư, và có thể lấy mất việc làm của hàng ngàn người, đưa phẩm giá của họ vào sự nguy hiểm.

Một ví dụ khác là những lợi ích và rủi ro liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo được nhìn thấy trong những tranh luận về các vấn đề xã hội chính yếu. Về một mặt, nó có thể cho phép việc truy cập lớn hơn đến nguồn thông tin đáng tin cậy và do vậy bảo đảm sự chắc chắn cho những phân tích chính xác. Về mặt khác, nó có thể truyền bá những ý kiến thiên lệch và dữ liệu giả đầu độc những tranh cãi của công chúng và thậm chí thao túng những ý kiến của hàng triệu người, tới mức độ gây nguy hiểm cho các thể chế bảo đảm sự chung sống hòa bình của người dân. Vì lý do này, sự phát triển công nghệ, điều mà tất cả chúng ta đã thấy, đòi hỏi chúng ta phải tìm lại và giải thích những thuật ngữ đạo đức mà người khác đã truyền lại cho chúng ta.

Nếu sự tiến bộ của công nghệ trở thành nguyên nhân của những sự bất bình đẳng ngày càng lớn, thì nó không phải là sự phát triển thật và đúng nghĩa. Nếu cái được gọi là sự phát triển công nghệ của con người trở thành kẻ thù của ích chung, thì điều này sẽ dẫn đến một sự thoái trào đáng tiếc trở về một mô hình của tình trạng chưa khai hóa được điều khiển bởi luật của những kẻ mạnh nhất. Các bạn thân mến, vì vậy tôi xin cảm ơn, vì qua công việc của mình các bạn dấn thân trong những nỗ lực thúc đẩy nền văn minh, với mục tiêu làm giảm dần những bất bình đẳng về kinh tế, giáo dục, công nghệ, xã hội và văn hóa.

Các bạn đã đặt một nền tảng đạo đức vững chắc cho công việc bảo vệ phẩm giá của mọi nhân vị, vững tin rằng ích chung không thể tách rời khỏi lợi ích rõ ràng của mỗi cá nhân. Công việc của các bạn sẽ tiếp tục cho tới khi không còn ai là nạn nhân của một hệ thống không biết trân trọng phẩm giá thuộc bản chất và sự đóng góp của mỗi người, cho dù nó có tiến bộ và hiệu quả.

Một thế giới tốt hơn là điều có thể đạt được nhờ vào sự phát triển công nghệ nếu nó được đồng hành bởi một nền luân lý đạo đức được truyền cảm hứng từ tầm nhìn về ích chung, một nền luân lý đạo đức của sự tự do, trách nhiệm, và huynh đệ, có khả năng thúc đẩy sự phát triển trọn vẹn của con người trong mối tương quan với người khác và với toàn thể tạo vật.

Các bạn thân mến, tôi cảm ơn các bạn về cuộc họp này. Tôi đồng hành với các bạn bằng sự chúc lành. Xin Chúa chúc lành cho tất cả các bạn. Và tôi xin các bạn cũng cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/9/2019]