Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Đức Thánh Cha gặp gỡ Maradona và những cầu thủ khác trước trận bóng bác ái

Đức Thánh Cha gặp gỡ Maradona và những cầu thủ khác trước trận bóng bác ái

Pope Francis speaks to Diego Maradona ahead of a charity soccer match on Wednesday. - AFP
Đức Thánh Cha Phanxico nói chuyện với Diego Maradona trước trận bóng đá từ thiện hôm thứ Tư. - AFP
13/10/2016 14:52
(Vatican Radio) Chiều thứ Tư Đức Thánh Cha Phanxico đã gặp gỡ với huyền thoại bóng đá Diego Maradona và các cầu thủ khác trong “Trận bóng vì hòa bình và tình đoàn kết” sẽ diễn ra ngay tối hôm đó tại Sân vận động Olimpico của Roma.
Trong số các cầu thủ chơi trong trận bóng có Ronaldinho, Roberto Carlos, Aldair, Cafu, Claudio Lopez, Hernán Crespo, Zambrotta, Rui Costa, Juan Sebastián Verón, Fabio Capello, Aitor Karanka, và Francesco Totti.
Đội Trắng do Karanka và Ronaldinho dẫn dắt đã hạ đội Xanh dương của Capello, Maradona, và Totti với tỷ số 4-3.
Trận bóng được khởi xướng bởi các tổ chức ‘Scholas occurrentes’, Comunità Amore e Libertà, Centro Sportivo Italiano và Unitalsi. Số tiền thu được sẽ được dùng để giúp đỡ các nạn nhân động đất ở Trung Ý.

[Nguồn:  en.radiovaticana.va]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/10/2016]



Vatican lặp lại sự phản đối việc hợp pháp hóa ma túy

Vatican lặp lại sự phản đối việc hợp pháp hóa ma túy

Archbishop Bernardito Auza, the Permanent Observer of the Holy See to the United Nations - AP
Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc - AP
08/10/2016 17:48
(Vatican Radio) Vatican hôm thứ Năm tái khẳng định sự phản đối với việc hợp pháp hóa sử dụng ma túy như là một phương tiện để chống lại nghiện ma túy.
Đức Tổng Giám mục Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc nói trong phiên họp Ủy ban Đại Hội đồng Liên Hợp quốc về kiểm soát ma túy quốc tế.
“Tòa Thánh tin rằng việc chống lại ma túy phải được hướng dẫn bởi những nguyên tắc căn bản của sự tôn trọng nhân phẩm, của việc ngăn ngừa từ đầu, và của vai trò của gia đình như là bức tường thành cho cả việc ngăn ngừa ma túy và việc điều trị nghiện,” Tổng Giám mục Auza nói.
Dưới đây là toàn văn bài trình bày
Trình bày của H.E. Tổng giám mục Bernardito Auza
Sứ thần, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh
Phiên họp thứ 71 của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, Ủy ban thứ Ba
Chương trình nghị sự Mục 106: Ngăn ngừa tội phạm và pháp lý tội phạm, và
Mục 107: Kiểm soát ma túy quốc tế
New York, 6 tháng 10, 2016

Thưa bà Chủ tịch,
Tôi rất hân hạnh được chung lời với các diễn giả trước xin chúc mừng bà và các thành viên khác trong ban chấp hành Ủy ban thuộc nhiệm kỳ của bà.
Tòa Thánh chia sẻ mạnh mẽ quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết vấn đề ma túy thế giới và tích cực đẩy mạnh một xã hội thoát khỏi việc lạm dụng ma túy, một xã hội trong đó mọi người có thể có đời sống khỏe mạnh, vui hưởng hòa bình và sống trong sự hòa hợp xã hội. Các giới chức quốc gia và quốc tế phải cương quyết chống lại buôn bán ma túy. Trong diễn văn trước Đại Hội đồng năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxico miêu tả buôn bán ma túy như là một một hình thức chiến tranh mới chống lại xã hội, một cuộc chiến “bị coi như là chuyện đương nhiên với sức kháng cự vô cùng yếu ớt,” một phần vì sự tham nhũng ở nhiều mức độ. Những tội ác của buôn bán ma túy đang mở rộng vì, như Đức Giáo hoàng đã phân tích rõ, “buôn lậu thuốc phiện, theo tính tự nhiên của  nó, sẽ kèm theo việc buôn người, rửa tiền, buôn bán vũ khí, bóc lột trẻ em và những hình thức tham nhũng khác.”
Việc sản xuất và buôn lậu các loại ma túy trái phép tuân theo luật cung cầu: buôn lậu ma túy tồn tại vì có một thị trường sinh lợi khổng lồ được tạo ra bởi những cá nhân nghiện các loại ma túy bị cấm. Vì thế, ngăn ngừa và chống lại việc tiêu thụ những loại ma túy như vậy là chìa khóa để ngăn ngừa và chống lại việc sản xuất và buôn bán.
Về vấn đề này, phái đoàn của tôi mong muốn tái khẳng định sự phản đối của Tòa Thánh về việc hợp pháp hóa sử dụng ma túy như là một phương tiện để chống lại nghiện ma túy. Như Đức Thánh Cha Phanxico đã trình bày trong diễn văn tháng 6 năm 2014 của ngài trước Hội nghị Thi hành Luật Ma túy Quốc tế tại Roma, “Cuộc chiến chống lại ma túy không thể chiến thắng bằng ma túy. Ma túy là một tội ác, và với tội ác không có sự đầu hàng cũng không có sự thỏa hiệp.”
Thưa bà Chủ tịch,
Tòa Thánh tin rằng việc chống lại ma túy phải được hướng dẫn bởi những nguyên tắc căn bản của sự tôn trọng nhân phẩm, của việc ngăn ngừa từ đầu, và của vai trò của gia đình như là bức tường thành cho cả việc ngăn ngừa ma túy và việc điều trị nghiện.
Sự tôn trọng nhân phẩm của mọi con người phải là cốt lõi hàng đầu của mọi sự kiểm soát ma túy quốc tế và chiến dịch ngăn chặn tội phạm. Những cá nhân đã bị rơi vào nghiện ngập ma túy phải được đối xử bằng sự thương cảm và thấu hiểu. Rất nhiều tổ chức Công giáo và các dòng tu đã hoạt động tích cực trong các lĩnh vực ngăn ngừa và phục hồi, chọn những biện pháp ngăn ngừa bắt đầu bằng việc giáo dục trẻ em và giới trẻ từ bỏ cám dỗ của một ảo giác thích thú được tạo ra bởi việc sử dụng ma túy, hoặc miếng mồi của những đồng tiền dễ kiếm từ việc buôn bán ma túy.
Sự đau khổ của một con nghiện ma túy không chỉ giới hạn ở cá nhân người nghiện; nó chôn vùi cả gia đình và toàn xã hội. Gia đình là nơi đầu tiên chịu đựng đau khổ từ những thành viên sử dụng các chất nghiện này, với những hậu quả là bạo lực, suy sụp về kinh tế và những hành động bất thường khác có thể dẫn đến sự đổ vỡ gia đình.
Vì lý do này, Tòa Thánh nhấn mạnh tuyệt đối đến tầm quan trọng của gia đình như là tảng đá gốc cho sự ngăn ngừa, điều trị, phục hồi, tái hòa nhập và những chiến lược sức khỏe. Gia đình hình thành một nền tảng gốc của một xã hội. Lạm dụng ma túy trái phép phá hủy cấu trúc của từng gia đình và của toàn thể các cộng đồng, cuối cùng sẽ dẫn đến việc làm mất ổn định xã hội. Vì thế Tòa Thánh ủng hộ những chương trình, như đã được nêu ra trong Báo cáo của ông Tổng Thư ký, “nhằm mục tiêu ngăn ngừa những nhân tố nguy hiểm từ hậu quả của việc phạm tội và lạm dụng ma túy nơi giới trẻ bằng việc củng cố những kỹ năng làm cha mẹ.”
Thưa bà Chủ tịch,
Để có thể ngăn ngừa nghiện ma túy, điều quan trọng không chỉ là nói “không” với ma túy. Nó cũng vô cùng quan trọng phải biết nói “có” với sự sống, với sự yêu thương, với gia đình, với tất cả những điều tốt đẹp và khỏe mạnh để có được sự vui hưởng trọn vẹn cuộc sống.
Xin cảm ơn bà Chủ tịch.

[Nguồn:  en.radiovaticana.va]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/10/2016]



Đức Thánh Cha: Ki-tô hữu phải luôn luôn trên hành trình làm việc thiện

Đức Thánh Cha: Ki-tô hữu phải luôn luôn trên hành trình làm việc thiện

Pope Francis during Mass at the Casa Santa Marta - OSS_ROM
Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh lễ tại nhà nguyện Casa Santa Marta - OSS_ROM
13/10/2016 11:32
(Vatican Radio) Người Ki-tô hữu luôn luôn cảm thấy nhu cầu cần được tha thứ và trên hành trình đến gặp gỡ với Thiên Chúa. Đó là những lời chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh lễ sáng Thứ Năm tại nhà nguyện Casa Santa Marta. Đức Thánh Cha vẽ nên chân dung của người Ki-tô hữu tốt lành mà, như ngài nói, phải luôn cảm thấy cần sự chúc lành của Thiên Chúa và ra đi làm việc thiện.
“Người Ki-tô được chúc phúc bởi Chúa Cha, Đấng là Thiên Chúa,” Đức Thánh Cha nói trong bài giảng lấy ý từ Thư của Thánh Phaolo gửi Ê-phê-sô, trong Bài đọc Một hôm thứ Năm. Tập trung vào “những đặc điểm của sự chúc phúc này,” ngài nói rằng “người Ki-tô hữu là người được chọn.”
Chúa Cha chọn chúng ta từng người từng người một, Người yêu chúng ta và ban cho chúng ta một cái tên. Thiên Chúa gọi chúng ta từng người một, “không phải như là một đám đông bao la.” Đức Thánh Cha nhắc lại, “chúng ta đã được chọn, được mong chờ bởi Chúa Cha.”
“Hãy nghĩ đến một đôi vợ chồng, khi đang chờ đợi một đứa con ra đời: ‘Trông nó sẽ như thế nào? Nó sẽ cười như thế nào? Rồi nói chuyện ra sao?’ Nhưng cha dám nói rằng chúng ta, mỗi người chúng ta, đã được Chúa Cha ước mơ như một người cha và một người mẹ đã chờ đợi đứa con chào đời của mình. Và điều này cho chúng ta một sự bảo đảm rất lớn. Chúa Cha mong muốn chúng ta, không phải là một đám đông người, không, từng người, từng người, từng người, mỗi người chúng ta. Và nền tảng đó là cơ sở của mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta nói đến một Chúa Cha yêu thương chúng ta, đã chọn chúng ta, đã cho chúng ta một cái tên."
Đức Thánh Cha tiếp tục, điều cũng phải lưu ý rằng khi một người Ki-tô hữu “không cảm thấy được chọn bởi Chúa Cha.” Nhưng họ cảm thấy họ thuộc về một cộng đoàn, “thì nó cũng giống như một người hâm mộ của một câu lạc bộ bóng đá.” “Người hâm mộ – Đức Thánh Cha nhận xét – đang chọn lựa đội bóng và thuộc về đội bóng đó.”
Người Ki-tô hữu đích thực luôn cảm thấy cần sự tha thứ của Thiên Chúa
Vì thế, người Ki-tô hữu “được chọn, hay là một ước mơ từ Thiên Chúa.” Và khi chúng ta sống theo cách này, Đức Thánh Cha nói thêm, “con tim chúng ta ngập tràn sự an ủi,” chúng ta không cảm thấy bị “bỏ rơi”. “Phần thứ hai của sự chúc phúc của người Ki-tô hữu là cảm nhận sự tha thứ. “Một người nào đó không cảm nhận thấy sự tha thứ,” Đức Thánh Cha cảnh báo, không phải là “Ki-tô hữu đích thực”:
“Tất cả chúng ta đều đã được tha thức bằng giá máu của Đức Ki-tô. Nhưng tôi được tha thứ điều gì? Nó là một ký ức và là một sự nhắc nhớ về những điều xấu mà chúng ta làm, không phải người bạn của tôi làm, không phải người hàng xóm, mà là chính chúng ta làm. ‘Tôi đã làm những gì xấu trong cuộc đời?’ Thiên Chúa đã tha thứ tất cả những điều này. Ở đây, tôi được chúc phúc, tôi là một Ki-tô hữu. Nghĩa là, phần đầu tiên: tôi được chọn, được mơ đến bởi Thiên Chúa, với một cái tên Thiên Chúa ban tặng cho tôi, được Thiên Chúa yêu. Phần thứ hai: được Thiên Chúa tha thứ.”
Người Ki-tô hữu không bao giờ đứng im, nhưng luôn trên hành trình làm điều thiện
Phần thứ ba, Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục: người Ki-tô hữu “là một người tiến bước về tới sự hoàn thiện, tiến bước đến sự gặp gỡ với Đức Ki-tô Người đã cứu chuộc chúng ta”:
“Người Ki-tô hữu không thể đứng im. Người Ki-tô hữu phải luôn tiến bước, anh ta phải bước đi. Người Ki-tô hữu đứng im là người Ki-tô hữu đã đón nhận tài năng nhưng lại sợ cuộc sống, sợ bị mất, sợ ông chủ, sợ mất sự thoải mái, chôn giấu nó đi. Người đó an tâm và trải qua đời sống chẳng đi đến đâu. Người Ki-tô hữu là một con người trên bước hành trình, một con người tiến bước, con người luôn luôn làm điều thiện, cố gắng làm việc thiện và tiến bước.”
Đức Thánh Cha tóm tắt, đây là giá trị của Người Ki-tô hữu: “được chúc phúc, vì họ đã được chọn, vì họ đã được tha thứ và tiến bước trên hành trình.” Ngài kết luận, chúng ta không phải vô danh, chúng ta không tự kiêu, để rồi không có nhu cầu cần sự tha thứ. Chúng ta không đứng im.” “Nguyện xin Thiên Chúa – trong lời khẩn cầu - luôn ở cùng chúng ta qua ân sủng của sự chúc phúc mà Người đã ban tặng cho chúng ta, đó là sự chúc phúc của giá trị của người Ki-tô hữu.”

[Nguồn:  en.radiovaticana.va]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/10/2016]