Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Thư của các Nghị phụ Thượng Hội đồng gửi giới trẻ

Thư của các Nghị phụ Thượng Hội đồng gửi giới trẻ
Vatican Media Photo

Thư của các Nghị phụ Thượng Hội đồng gửi giới trẻ

‘Những yếu đuối của chúng ta không thể làm nhụt chí chúng con; những sa ngã và tội lỗi của chúng ta không thể trở thành một chướng ngại cho lòng tín thác của chúng con. Giáo hội là mẹ của chúng con, Giáo hội không bỏ rơi chúng con …’

28 tháng Mười, 2018 11:44

Lúc 10 giờ sáng nay, 28 tháng Mười, 2018, Đức Thánh Cha chủ tế Thánh Lễ trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô bế mạc Đại Hội đồng Thông thường của Thượng Hội đồng Giám mục về “Giới trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi.’

Trong Lễ Bế mạc, thư của các Nghị phụ đã viết gửi các bạn trẻ trong suốt thời gian diễn ra Thượng Hội đồng được đọc lên.

Dưới đây là bản dịch lá thư (tiếng Anh) của Vatican:


***


Thư của các Nghị Phụ Thượng Hội đồng gửi các bạn trẻ

Chúng tôi những Nghị Phụ gửi đến các bạn trẻ trên toàn thế giới, một lời hy vọng, tin tưởng và an ủi. Trong những ngày này, chúng ta đã tập họp với nhau để lắng nghe tiếng nói của Chúa Giê-su, “Đức Ki-tô luôn mãi trẻ trung,” và nhận ra nhiều tiếng nói của chúng con trong Người, những tiếng reo hò hân hoan, những tiếng kêu lên của chúng con, và những giây phút thinh lặng của chúng con.

Chúng ta biết rất rõ sự đi tìm kiếm những điều thuộc nội tâm của chúng con, những niềm vui và những hy vọng, những đau đớn và khổ não tạo nên niềm khát khao mãnh liệt của chúng con. Bây giờ chúng ta muốn chúng con hãy lắng nghe một lời từ chúng ta: chúng ta muốn trở thành những người chia sẻ niềm vui với chúng con, để những mong chờ của chúng con có thể trở thành hiện thực. Chúng ta chắc chắn rằng với nhiệt huyết của cuộc sống chúng con, chúng con sẽ sẵn sàng can dự vào để những ước mơ của chúng con có thể trở thành hiện thực và định hình trong lịch sử của chúng con.

Những yếu đuối của chúng ta không thể làm nhụt chí chúng con; những sa ngã và tội lỗi của chúng ta không thể trở thành một chướng ngại cho lòng tín thác của chúng con. Giáo hội là mẹ của chúng con, Giáo hội không bỏ rơi chúng con; Giáo hội sẵn sàng đồng hành với chúng con trên những con đường mới, trên những con đường cao hơn nơi những luồng gió của Thần Khí thổi mạnh hơn – quét sạch những làn sương mù của sự thờ ơ, sự thiển cận và thoái chí.

Khi trần gian mà Thiên Chúa quá yêu thương đến nỗi đã ban cho chúng ta Con Một của Người là Chúa Giê-su, bị cuốn hút vào những thứ thuộc vật chất, và những sự thành công chóng qua, vào những khoái lạc, và khi trần gian đè bẹp những người hèn mọn nhất, chúng con phải giúp nó đứng lên và một lần nữa hướng ánh mắt nhìn về tình yêu, về cái đẹp, về chân lý và công bằng.

Trong suốt một tháng, chúng ta đã cùng đồng hành với một số người chúng con và với rất nhiều bạn trẻ khác cùng hiệp nhất với chúng ta trong lời cầu nguyện và tình cảm. Chúng ta ước mong được tiếp tục hành trình của giây phút này trên mọi miền của trái đất nơi Chúa Giê-su gửi chúng ta đến như là những môn đệ thừa sai.

Giáo hội và thế giới đang rất cần lòng nhiệt huyết của chúng con. Hãy chọn người bạn đồng hành với chúng con là những người mong manh nhất, người nghèo và những người bị thương tổn bởi cuộc sống.

Chúng con là hiện tại; hãy là một tương lai tươi sáng hơn.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/10/2018]


Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II: ‘Đừng sợ’

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II: ‘Đừng sợ’
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II - Wikipedia

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II: ‘Đừng sợ’

Kỷ niệm 40 năm bài diễn từ nhậm chức giáo hoàng

22 tháng Mười, 2018 16:44

“Anh chị em thân mến, đừng e sợ việc chào đón Đức Ki-tô và chấp nhận quyền năng của Người. Hãy giúp Đức Giáo hoàng và tất cả những người mong muốn phục vụ Đức Ki-tô và với sức mạnh của Người để phục vụ nhân vị và toàn thể nhân loại. Đừng sợ! Hãy mở cửa thật rộng cho Đức Ki-tô, cho sức mạnh giải thoát của Người để mở cửa biên giới các Chính phủ, các hệ thống kinh tế và chính trị, những lĩnh vực bao la thuộc văn hóa, văn minh, và sự phát triển. Đừng sợ! Đức Ki-tô biết rõ ‘những gì có trong con người’. Chỉ mình Người biết điều đó.”

Đây là những lời của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II mà chúng ta đã nghe thấy nhiều lần trong suốt triều đại giáo hoàng dài và nổi bật của ngài. Nhưng lần đầu tiên ngài nói những lời đó với cương vị là Giáo hoàng đúng vào ngày này 40 năm về trước, 22 tháng Mười, 1978, trong bài diễn từ nhậm chức trước các đám đông tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô. Ngài được bầu chọn ngày 16 tháng Mười năm 1978, và phục vụ đến khi qua đời ngày 2 tháng Tư năm 2005.

Đức Gioan Phaolo II là vị giáo hoàng với triều đại phục vụ dài thứ hai trong lịch sử hiện đại sau Đức Giáo hoàng Piô IX, ngài đã phục vụ gần 32 năm từ 1846 đến 1878. Chào đời tại Ba lan, Đức Gioan Phaolo II là vị giáo hoàng đầu tiên không phải người Ý kể từ thời Đức Giáo hoàng Adrian VI người Hà lan, phục vụ từ năm 1522 đến 1523.

Ngày 2 tháng Tư, 2017, kỷ niệm 12 năm ngày qua đời của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II, và Đức Thánh Cha Phanxico đã tỏ lòng tôn kính đối với ngài hôm nay trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư khi ngài chào những khách hành hương người Ba lan trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Đức Gioan Phaolo II đã trao cho thế giới hai thông điệp lớn: đó là thông điệp Chúa Giê-su giàu lòng thương xót và thông điệp Fatima. Thông điệp đầu tiên được mừng trong dịp Năm Thánh Đặc Biệt Lòng Chúa Thương Xót; thông điệp thứ hai, liên quan đến sự chiến thắng ma quỷ của Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria, “là dịp kỷ niệm 100 năm những lần Mẹ hiện ra tại Fatima đã nhắc nhở chúng ta.”

“Chúng ta hãy đón nhận những Thông điệp này để các thông điệp sẽ đổ đầy tâm hồn chúng ta” và “chúng ta hãy mở rộng những cánh cửa cho Đức Ki-tô,” ngài nhắc lại những lời của Đức Giáo hoàng người Ba lan ngay sau khi được bầu chọn.

“Những năm vừa qua đã giúp chúng ta hiểu được lý do tại sao Đức Gioan Phaolo II lại đi vào lòng người; ngài sống với chúng ta và ký ức của ngài luôn luôn sống động. Lòng yêu mến dành cho ngài được thể hiện qua những người đến viếng mộ của ngài và khẩn xin sự chuyển cầu của ngài, Đức ông Slawomir Oder nói, Đức ông là Cáo Thỉnh viên án phong thánh của Đức Gioan Phaolo II, trong một phỏng vấn với Cơ quan SIR Agency trong tối trước ngày kỷ niệm 12 năm qua đời của ngài, lúc 9:37 tối ngày 2 tháng Tư, 2005.

“Những tình cảm thể hiện trong giây phút ngài trút hơi thở cuối cùng, đó là sự mất đi một người thân yêu, vẫn còn đọng lại, nhưng với ý thức rằng dù trong trường hợp nào thì ngài vẫn luôn gần gũi với chúng ta và cùng bước đi trên hành trình với chúng ta,” Đức ông Oder khẳng định. “Là một Cáo Thỉnh viên, tôi có thể nói rằng cho đến hôm nay, nhiều năm sau khi ngài qua đời, tôi vẫn nhận được rất nhiều những dấu chỉ thể hiện tình cảm đối với Đức Gioan Phaolo II và các lá thư để lại trên mộ của ngài, là mục đích của rất nhiều người hành hương. Đức Giáo hoàng Wojtyla đã đánh dấu một kỷ nguyên trong đời sống Giáo hội và các thế hệ người Ki-tô hữu: chúng ta chắc chắn luôn mang hình ảnh ngài trong tâm hồn,” ngài nói.

Đức Gioan Phaolo vẫn có thể nói điều gì cho hôm nay, trong Giáo hội của Đức Thánh Cha Phanxico? “Thông điệp trung tâm của Giáo hội, điều mà Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục làm sáng tỏ, phù hợp với đặc sủng của ngài và làm phong phú thêm với kinh nghiệm, sự thông thái, và sự thánh thiện của riêng ngài,” Đức ông Oder trả lời. Lời kêu gọi mà chúng ta nghe thấy ngay buổi đầu của triều đại của Đức Thánh Cha người Ba lan — ‘Đừng sợ, hãy mở rộng các cửa cho Đức Ki-tô’ –, chúng ta vẫn tiếp tục nghe lặp đi lặp lại ngày nay, trong Giáo hội do Đức Thánh Cha Phanxico dẫn dắt, như là một lời mời gọi đi đến với tính xác thực của đời sống và tinh thần Ki-tô giáo, và chân nhận sự hiện hữu của Đức Ki-tô trong Giáo hội và trong những người anh em của chúng ta đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn,” ngài nói thêm.

Trên cơ sở thống kê thuần túy, triều đại giáo hoàng của ngài thật đáng kinh ngạc. Ngài là một trong những nhà lãnh đạo thế giới di chuyển nhiều nhất trong lịch sử, đến thăm 129 quốc gia trong suốt triều đại của ngài. Ngài tuyên phong 1.340 chân phước và 483 vị thánh, hơn cả tổng số những vị được tuyên phong bởi các đấng tiền nhiệm của ngài trong suốt năm thế kỷ trước đó. Tính đến lúc ngài qua đời, ngài đã nâng số Hồng y trong Hồng y đoàn lên nhiều nhất, và một số lớn giám mục trên toàn thế giới, và truyền chức nhiều linh mục.

Dưới sự dẫn dắt của ngài, Giáo hội đã sửa lại giáo luật và phát hành Giáo lý Giáo hội Công giáo; những bài viết của riêng ngài thì rất đồ sộ. Ngài giúp làm cho Giáo hội đóng một vai quan trọng trong các vấn đề quốc tế, trong đó có sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu.


******


BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLO II

TRONG LỄ NHẬM CHỨC GIÁO HOÀNG

Quảng trường Thánh Phê-rô

Chúa nhật, 22 tháng Mười 1978


1. “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16). Đây là những lời của Si-mon, con ông Giô-na, trong vùng Caesarea Philippi. Đúng, những lời này phát ra từ chính miệng lưỡi của ông, với một lòng tin vững chắc và sâu thẳm — nhưng cội nguồn của những lời đó lại không phải từ chính trong con người của ông mà ra: “... vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17). Đó là những lời của Đức tin.

Đây là những lời đánh dấu sự khởi đầu sứ vụ của Phê-rô trong lịch sử cứu độ, trong lịch sử của Dân Chúa. Từ giây phút đó, từ giây phút tuyên xưng Đức tin đó, lịch sử ơn cứu độ và lịch sử của Dân Chúa bước sang một chiều kích mới: thể hiện chính mình trong chiều kích lịch sử của Giáo hội.

Chiều kích hội thánh của lịch sử Dân Chúa có nguồn gốc, thật ra là được sinh ra, từ những lời tuyên xưng đức tin này, và được liên kết mật thiết với người tuyên bố lời này: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.”

2. Trong ngày hôm nay và tại nơi đây cùng những lời này một lần nữa phải được vang lên và được lắng nghe:

“Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Thật đúng như vậy, anh chị em và các con thân yêu, những lời này phải được đặt lên hàng đầu.

Nội dung của những lời này tỏ lộ trước mắt chúng ta mầu nhiệm của Thiên Chúa Hằng sống, mầu nhiệm mà Chúa Con đem chúng ta đến gần. Quả thật, không một ai đã đưa Thiên Chúa Hằng sống đến gần với con người và tỏ lộ ra như Ngài đã làm. Trong tầm mức hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa, trong hành trình chúng ta đến với Chúa, chúng ta hoàn toàn được liên kết với sức mạnh của những lời này: “Ai nhìn thấy Ta là nhìn thấy Cha Ta.” Người là Đấng vô biên, Đấng chúng ta không thể hiểu thấu, Đấng từ ngữ không thể mô tả hết, đã đến gần chúng ta trong Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, sinh ra bởi Đức Maria Trinh Nữ trong máng cỏ Bêlem.

Tất cả anh chị em, những người vẫn còn đang đi tìm kiếm Thiên Chúa, tất cả anh chị em những người đã có được gia tài vô giá là niềm tin, và cả những anh chị em đang bị dằn vặt bởi sự hoài nghi: hôm nay trong nơi thánh thiêng này, xin hãy lắng nghe lại một lần nữa những lời được thốt lên bởi Simon Phê-rô. Đức tin của Giáo hội đặt trong những lời đó. Thật vậy, cùng trong những lời đó là một chân lý mới, chân lý cuối cùng và thật nhất về Con Người: Con Thiên Chúa Hằng sống — “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

3. Hôm nay đức tân Giám mục Roma long trọng khởi đầu thừa tác vụ của ngài và sứ mạng của Phê-tô. Thật vậy, đây là thành trì nơi Phê-rô hoàn tất và kiện toàn sứ mạng được Thiên Chúa trao phó.

Chúa nói với ông những lời này: “ … Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21:18).

Phê-rô đã đến Roma!

Có gì khác nữa ngoài sự vâng phục trước những sự thôi thúc đón nhận từ Thiên Chúa đã hướng dẫn và mang ông đến thành trì này, là trung tâm của Đế quốc? Có lẽ người ngư phủ của Ga-li-lê không muốn đến đây. Có lẽ ông thích ở lại đó hơn, trên những bờ của Hồ Genesareth, cùng với con thuyền và những tấm lưới của ông. Nhưng được Thiên Chúa soi dẫn, vâng lời trước những thôi thúc của Người, ông đã đến đây!

Theo một truyền thống cổ xưa (được diễn tả tuyệt vời theo lối văn học trong một tiểu thuyết của Henryk Sienkiewicz), Phê-rô muốn rời khỏi Roma trong thời kỳ bách hại của Nêrô. Nhưng Chúa đã can thiệp: Người đến gặp ông. Phê-rô nói chuyện với Người và hỏi. “Quo vadis, Domine?” — “Lạy Chúa, Người đang đi đâu?” Và Chúa trả lời ông không chút chần chừ: “Ta đang đến Roma để chịu đóng đinh một lần nữa.” Phê-rô đã quay trở lại Roma và ở đây cho đến khi chịu đóng đinh.

Vâng, thưa anh chị em và các con thân yêu, Roma là Ngai tòa của Phê-rô. Xuôi theo dòng thời gian các thế kỷ trôi qua các vị Giám mục tiếp tục kế nhiệm ngài trên Ngai tòa này. Hôm nay, một vị tân Giám mục đến Ngai tòa của Phê-rô ở Roma, một Giám mục vô cùng lo lắng, vì ý thức về sự bất xứng của mình. Và làm sao một người không thể run lên trước sự vĩ đại của tiếng gọi đó và trước sứ mạng hoàn vũ trên Ngai tòa Roma này!

Trên Ngai tòa Phê-rô ở Roma hôm nay vị Giám mục kế nhiệm không phải là một người Roma. Một Giám mục là người con của Ba lan. Nhưng từ giây phút này ngài cũng trở thành một công dân của Roma. Vâng — một người Roma. Ngài trở thành một người Roma cũng bởi vì ngài là người con của một dân tộc với lịch sử từ buổi bình minh đầu tiên, và với những truyền thống hàng ngàn năm được in dấu bởi sự kết nối sống động, mạnh mẽ, liền lạc và sâu sắc với Ngai tòa Phê-rô, một dân tộc luôn mãi trung thành với Ngai tòa Phê-rô này. Chương trình của Thiên Chúa Quan Phòng thật huyền nhiệm biết bao!

4. Trong những thế kỷ trước, khi Đấng Kế nhiệm Thánh Phê-rô lên ngôi thì ngọc miện ba tầng giáo hoàng triregnumor được đặt trên đầu ngài. Đức Giáo hoàng gần đây nhất đội ngọc miện là Đức Phaolo VI năm 1963, nhưng sau nghi thức gia miện trọng thể thì ngài không bao giờ sử dụng lại ngọc miện ba tầng nữa và để cho các Đấng Kế nhiệm tự do quyết định về vấn đề này.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo I, ký ức về ngài vẫn luôn sống động trong tâm hồn chúng ta, ngài không muốn có ngọc miện ba tầng; và vị Kế nhiệm của ngài hôm nay cũng muốn như vậy. Đây không phải là thời gian để quay trở lại với một nghi thức và một đồ vật được nhìn một cách không đúng như là biểu tượng về thế quyền của Giáo hoàng.

Thời đại của chúng ta kêu gọi chúng ta, thúc giục chúng ta phải hướng mắt lên Thiên Chúa và chìm đắm trong sự suy niệm khiêm nhường và thành kính về mầu nhiệm quyền năng tối thượng của chính Đức Ki-tô.

Người là Đấng được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, là con của Bác thợ mộc (như người ta gọi Người), là Con Thiên Chúa Hằng sống (được tuyên xưng bởi Phê-rô), đến để làm cho tất cả chúng ta trở thành “một vương quốc tư tế.”

Công đồng chung Vatican II đã nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm quyền năng này và sự thật rằng sứ mạng của Đức Ki-tô là Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế tiếp tục trong Giáo hội. Mọi người, toàn thể Dân Chúa, đều cùng chia sẻ chung sứ mạng gồm ba chức vụ này. Có lẽ trong quá khứ, ngọc miện, vương miện ba tầng đó, được đặt trên đầu của Giáo hoàng để diễn tả rằng nó là biểu tượng cho chương trình của Chúa dành cho Giáo hội của Người, cụ thể là tất cả phẩm trật thánh chức của Giáo hội của Chúa Ki-tô, tất cả “quyền năng thánh” được thi hành trong Giáo hội, không gì khác ngoài sự phục vụ, phục vụ với một mục đích duy nhất: để bảo đảm rằng toàn thể Dân Chúa cùng chia sẻ trong sứ mạng ba chức vụ này của Đức Ki-tô và luôn luôn ở lại trong quyền năng của Chúa; một quyền năng không xuất phát từ quyền lực của thế gian này nhưng từ mầu nhiệm Thập giá và Phục sinh.

Quyền năng tuyệt đối nhưng ngọt ngào và dịu êm của Chúa trả lời cho toàn bộ những điều sâu thẳm nhất của nhân vị, cho những khát vọng cao quý nhất của con người về trí tuệ, ý chí và tâm hồn. Quyền năng đó không nói bằng ngôn ngữ của sức mạnh nhưng diễn tả nó trong đức ái và sự thật.

Đấng tân Kế nhiệm Thánh Phê-rô trên Tòa Thánh Roma, hôm nay xin dâng lên một lời cầu nguyện tha thiết, khiêm nhường và tín thác: Lạy Chúa Ki-tô, xin hãy biến con trở thành một người phục vụ và luôn trung thành phục vụ cho quyền năng duy nhất của Người, là người phục vụ cho quyền năng ngọt ngào của Người, là người phục vụ cho quyền năng muôn đời của Người. Xin hãy biến con trở thành một người phục vụ, người phục vụ cho những người phục vụ của Người.

5. Anh chị em thân mến, đừng e sợ việc chào đón Đức Ki-tô và chấp nhận quyền năng của Người. Hãy giúp Đức Giáo hoàng và tất cả những người mong muốn phục vụ Đức Ki-tô và với sức mạnh của Người để phục vụ nhân vị và toàn thể nhân loại. Đừng sợ! Hãy mở cửa thật rộng cho Đức Ki-tô, cho sức mạnh giải thoát của Người để mở cửa biên giới các Chính phủ, các hệ thống kinh tế và chính trị, những lĩnh vực bao la thuộc văn hóa, văn minh, và sự phát triển. Đừng sợ! Đức Ki-tô biết rõ ‘những gì có trong con người’. Chỉ mình Người biết điều đó.

Vì con người ngày nay thường không hiểu rõ những gì ẩn chứa trong con người mình, trong những góc sâu thẳm của tâm trí và tâm hồn. Và do vậy con người thường không chắc chắn về ý nghĩa của cuộc sống họ trên trần gian này. Con người bị tấn công bởi sự hoài nghi, một sự hoài nghi sau đó chuyển thành thất vọng. Vì vậy, chúng con xin Người, chúng con van xin Người với lòng khiêm nhường và tín thác, xin để cho Đức Ki-tô nói với nhân loại. Chỉ mình Ngài có lời sự sống, vâng, lời của sự sống trường sinh.

Cũng trong hôm nay toàn Giáo hội mừng “Khánh nhật Truyền giáo”; nghĩa là Giáo hội cầu nguyện, suy niệm và hành động để lời sự sống của Đức Ki-tô có thể vươn tới tất cả mọi người và được họ đón nhận như một thông điệp của hy vọng, của ơn cứu độ, và giải phóng hoàn toàn.

6. Tôi cảm ơn tất cả anh chị em hiện diện tại đây cùng tham dự nghi thức trọng thể nhận thừa tác vụ của người Kế vị Thánh Phê-rô.

Tôi chân thành cảm ơn các vị Nguyên thủ các Quốc gia, Đại diện các Giới chức, và Phái đoàn các Chính phủ đã cho tôi niềm vinh dự qua sự hiện diện của quý vị.

Xin cảm ơn các Đức Hồng y của Giáo hội.

Xin cảm ơn các Huynh đệ trong hàng Giám mục.

Xin cảm ơn các linh mục.

Cha xin gửi lời cảm ơn đến Anh Chị em Tu sĩ của các Dòng và Hội đoàn.

Cha xin cảm ơn anh chị em người Roma.

Cha xin cảm ơn anh chị em hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới.

Xin cảm ơn tất cả anh chị em được kết nối với Nghi thức Thánh này qua raido và truyền hình.

7. Cha có đôi lời với anh chị em, những người đồng hương thân yêu của cha, những anh chị em hành hương đến từ Ba lan, các Huynh đệ Giám mục cùng Đức Hồng y dẫn đầu, các Linh mục, anh chị em Tu sĩ Nam Nữ của các Dòng và Tu hội Ba lan — đến tất cả anh chị em đại diện của Ba lan ở khắp nơi trên thế giới.

Cha có thể nói được gì với anh chị em đến từ miền Krakow của cha, từ Tòa Thánh Stanislaus mà cha là người kế nhiệm trong suốt 14 năm? Cha có thể nói được gì? Tất cả những gì cha có thể nói cũng sẽ mờ nhạt dần nếu so với những cảm xúc trong tâm hồn cha, và trong tâm hồn của anh chị em, ngay lúc này.

Vì vậy, chúng ta hãy bỏ lời nói sang một bên. Chúng ta hãy giữ sự thinh lặng trước mặt Chúa, sự thinh lặng trở thành lời cầu nguyện. Cha xin anh chị em: hãy ở cùng cha! Tại Jasna Gora và khắp nơi. Đừng bỏ Đức Giáo hoàng người hôm nay cầu nguyện bằng những lời của một nhà thơ: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, Mẹ là người bảo vệ cho Czestochowa tỏa sáng và chiếu tỏa ánh quang tại Ostrabrama”. Và cha gửi đến anh chị em cùng những lời đó trong giây phút đặc biệt này.

8. Đó là một lời thỉnh cầu và một tiếng kêu gọi cầu nguyện cho tân Giáo hoàng, một lời thỉnh cầu được diễn đạt bằng ngôn ngữ Ba lan. Cha cũng có cùng một lời thỉnh cầu gửi đến mọi người con của Giáo hội Công giáo. Xin hãy nhớ đến cha hôm nay và luôn mãi trong lời cầu nguyện của anh chị em!

Cha xin bày tỏ lòng yêu mến và hết lòng tận tụy với các anh chị em Công giáo trên những vùng đất nói tiếng Pháp. Cha phải nhờ cậy đến sự hỗ trợ của tình con thảo vô bờ của anh chị em. Ước mong anh chị em phát triển trong đức tin! Tôi cũng gửi những lời chào thân ái và chân thành đến tất cả anh chị em không cùng tôn giáo. Tôi tin rằng những tình cảm thiện chí của họ sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho sứ mạng tinh thần của tôi, và nó là yếu tố cần thiết cho sự hạnh phúc và hòa bình của thế giới.

Nhân danh Đức Ki-tô cha gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em nói tiếng Anh. Cha phải dựa vào sự hỗ trợ của lời cầu nguyện và thiện chí của anh chị em để thi hành sứ mạng phục vụ Giáo hội và nhân loại của cha. Nguyện xin Đức Ki-tô ban ơn sủng và sự bình an của Người cho anh chị em, phá đổ những rào chắn của sự chia rẽ và làm cho tất cả nên một trong Người.

[Đức Thánh Cha nói những lời tương tự bằng tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tiệp Khắc, tiếng Nga, tiếng Ukranian và tiếng Lithuanian].

Tôi xin hân hoan chào Huynh đệ các Giáo hội và Cộng đồng Ki-tô hữu, và đặc biệt tôi gửi lời chào tất cả anh chị em hiện diện tại đây, đang chờ đợi sự gặp gỡ riêng; nhưng bây giờ tôi chân thành tri ân vì sự tham dự của anh chị em trong nghi thức long trọng này.

Và cha thỉnh cầu tất cả mọi người — với mỗi người.

— xin cầu nguyện cho cha!

— giúp cha để cha có thể phục vụ anh chị em! Amen.

© Copyright 1978 – Libreria Editrice Vaticana



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/10/2018]