Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Đức Thánh Cha Phanxico khen ngợi các linh mục, tu sĩ, người sống đời tận hiến, chủng sinh, giáo lý viên ở Bangkok

Đức Thánh Cha Phanxico khen ngợi các linh mục, tu sĩ, người sống đời tận hiến, chủng sinh, giáo lý viên ở BangkokPope Francis Applauds Priests, Religious, Consecrated, Seminarians, Catechists in Bangkok
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico khen ngợi các linh mục, tu sĩ, người tận hiến, chủng sinh, giáo lý viên ở Bangkok

‘Cha tin rằng lịch sử từng ơn gọi của chúng ta được đánh dấu bởi những người đã giúp chúng ta khám phá và phân định được ngọn lửa của Thần Khí.’

22 tháng Mười Một, 2019 16:18

“Cha tin rằng lịch sử từng ơn gọi của chúng ta được đánh dấu bởi những người đã giúp chúng ta khám phá và phân định được ngọn lửa của Thần Khí. Thật tốt đẹp và đồng thời điều quan trọng là phải có tấm lòng biết ơn.”

Đúng vậy, lửa và lòng biết ơn là những điểm chính trong thông điệp Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra ngày 22 tháng Mười Một năm 2019, cho các linh mục, tu sĩ, những người nam nữ sống đời tận hiến, các chủng sinh và giáo lý viên tại Giáo xứ Thánh Phê-rô ở Bangkok. Đó là một cuộc gặp gỡ quan trọng trong chuyến tông du từ ngày 21 đến 23 của Đức Giáo hoàng đến Thái Lan và là một một cuộc gặp gỡ tạo ra sự phản ứng đầy nhiệt huyết từ những người tham dự.

Deborah Castellano Lubov, phóng viên Vatican của ZENIT, tường thuật chuyến đi từ Chuyên cơ Giáo hoàng.

Đức Thánh Cha đề cập đến chứng ngôn của Benedetta Donoran, là một tín hữu Công giáo trở lại, chia sẻ chứng ngôn đầy xúc động của chị trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha nói: “Khi cha lắng nghe chị ấy, cha cảm thấy tri ân cuộc sống của tất cả những nhà truyền giáo, nam và nữ, những người với cuộc đời phục vụ đã để lại dấu ấn của họ. Benedetta, con kể cho chúng ta về những nữ tu Nữ tử Bác ái. Và cha muốn trước hết bày tỏ lòng tri ân đối với tất cả những anh chị em tận hiến, với sự tử đạo thầm lặng của lòng trung thành và cam kết mỗi ngày, đã làm trổ sinh hoa trái dồi dào. Cha không biết liệu họ có thể đánh giá hoặc nếm trải được hoa trái của sự cam kết đó hay không, nhưng rõ ràng, đời sống của họ đã mang lại quá nhiều điều thiện hảo.”

Đức Thánh Cha động viên những người đang lắng nghe tiếp tục tìm kiếm những con đường mới để chia sẻ Tin mừng. Ngài nói việc này có thể bao gồm cả âm nhạc cũng như lời nói. Và ngài khuyến khích họ giữ thái độ tích cực, thân mật.

Đức Thánh Cha nói, “Rất nhiều người trong số anh chị em tìm cách để nhìn thấy vẻ đẹp ở những nơi người khác chỉ nhìn thấy sự khinh miệt, hoặc ruồng bỏ hay như một đối tượng để thỏa mãn tình dục. Bằng cách này, anh chị em trở thành một dấu chỉ cụ thể cho Lòng thương xót của Chúa, sống động và hoạt động: một dấu chỉ của sự xức dầu của Đấng Thánh trong những vùng đất này.”


Dưới đây là toàn văn bài nói chuyện của Đức Thánh Cha, của Vatican cung cấp:

******

Cha xin cảm ơn Đức cha Giu-se [Pradhan Sridarunil] vì những lời chào mừng của ngài. Cha rất vui được gặp gỡ tất cả anh chị em, để lắng nghe anh chị em, để chia sẻ niềm vui của anh chị em và cảm nhận được cách thức Thần Khí đang hoạt động giữa chúng ta. Cha cảm ơn tất cả anh chị em: các giáo lý viên, linh mục, nam nữ tận hiến, và các chủng sinh, vì món quà thời gian ở bên nhau này.

Đức Thánh Cha Phanxico khen ngợi các linh mục, tu sĩ, người sống đời tận hiến, chủng sinh, giáo lý viên ở BangkokPope Francis Applauds Priests, Religious, Consecrated, Seminarians, Catechists in Bangkok

Cảm ơn Benedetta vì đã chia sẻ về cuộc sống và chứng tá của chị. Khi cha lắng nghe chị ấy, cha cảm thấy tri ân cuộc sống của tất cả những nhà truyền giáo, nam và nữ, những người với cuộc đời phục vụ đã để lại dấu ấn của họ. Benedetta, con kể cho chúng ta về những nữ tu Nữ tử Bác ái. Và cha muốn trước hết bày tỏ lòng tri ân đối với tất cả những anh chị em tận hiến, với sự tử đạo thầm lặng của lòng trung thành và sự cam kết mỗi ngày, đã trổ sinh hoa trái dồi dào. Cha không biết liệu họ có thể đánh giá hoặc nếm trải được hoa trái của sự cam kết đó hay không, nhưng rõ ràng, đời sống của họ đã mang lại quá nhiều điều thiện hảo. Họ là một lời hứa của hy vọng. Vì lý do này, ngay khi bắt đầu cuộc họp của chúng ta, cha đặc biệt yêu cầu anh chị em hãy ghi nhớ tất cả những giáo lý viên và những người nam nữ tận hiến cao tuổi đã dẫn đưa chúng ta vào tình yêu và tình bạn của Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng ta hãy cảm ơn họ và các thành viên cao tuổi trong cộng đồng của chúng ta, những người không thể có mặt ở đây hôm nay. Hãy nói với những vị cao niên không thể hiện diện ở đây hôm nay rằng Giáo hoàng gửi đến họ một lời chúc phúc tri ân, và ngược lại xin họ lời chúc phúc.

Cha tin rằng lịch sử từng ơn gọi của chúng ta được đánh dấu bởi những người đã giúp chúng ta khám phá và phân định được ngọn lửa của Thần Khí. Thật tốt đẹp, đồng thời điều quan trọng là phải có tấm lòng biết ơn. “Lòng biết ơn luôn luôn là một vũ khí mạnh mẽ. Chỉ khi chúng ta biết chiêm niệm và cảm nhận lòng biết ơn chân thành đối với tất cả những điều mà chúng ta đã trải nghiệm được tình yêu, sự rộng lượng, sự gắn bó và tin tưởng của Chúa, cũng như sự tha thứ, sự kiên nhẫn, độ lượng và từ bi của Người, thì chúng ta mới cho phép Thần Khí ban cho chúng ta sự tươi mới để canh tân (và không đơn giản là chắp vá) cuộc sống và sứ mạng của chúng ta” (Thư gửi các Linh mục, 4 tháng Tám 2019). Vì vậy, chúng ta hãy nghĩ về họ với lòng tri ân, và thừa hưởng từ nền tảng của họ, chúng ta cũng có thể cảm thấy được kêu gọi để trở thành những người giúp mang đến sự sống mới mà Chúa ban tặng cho chúng ta. Cũng như những người được kêu gọi để làm trổ sinh hoa trái tông đồ, được kêu gọi dũng cảm đấu tranh cho những điều làm đẹp lòng Chúa và cho những điều mà vì nó Ngài đã hiến mạng sống, chúng ta hãy xin ơn để trái tim chúng ta cùng chung nhịp đập với trái tim của Người. Cha thậm chí xin anh chị em hãy để mình bị thương tích bởi cùng một tình yêu; chịu cùng cuộc khổ nạn vì Chúa Giê-su và Vương quốc của Ngài.

Đức Thánh Cha Phanxico khen ngợi các linh mục, tu sĩ, người sống đời tận hiến, chủng sinh, giáo lý viên ở BangkokPope Francis Applauds Priests, Religious, Consecrated, Seminarians, Catechists in Bangkok

Ở đây tất cả chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào để chúng ta có thể gieo cấy sức năng phong phú tông đồ? Đây là một câu hỏi rất hay mà mỗi chúng ta có thể tự đặt ra cho mình, và từ trong tâm hồn chúng ta có thể tìm câu trả lời cho chúng.

Sơ đang thông dịch lại những gì không có trong văn bản vì cha không dễ dàng giao tiếp với anh chị em thông qua thiết bị này; nó không dễ. Nhưng anh chị em có thiện chí. Cảm ơn anh chị em.

Benedetta, con đã nói về việc Chúa cuốn hút con đến với Ngài trước hết bằng vẻ đẹp. Đó là vẻ đẹp của bức ảnh Đức Mẹ, với ánh mắt nhìn đặc biệt xuyên thấu tâm hồn con và khiến con muốn hiểu rõ hơn về Mẹ. Người nữ đó là ai? Nó chẳng phải là vấn đề từ ngữ, hoặc những tư tưởng trừu tượng hoặc phép tam đoạn luận lạnh lùng. Tất cả bắt đầu với một cái nhìn, một cái nhìn mỹ miều làm con say đắm. Sự khôn ngoan tuyệt vời được ẩn giấu trong lời nói của con. Chúng ta hãy tỉnh táo trước cái đẹp, tỉnh táo trước ý thức về điều kỳ diệu có khả năng mở ra những chân trời mới và đặt ra những câu hỏi mới. Một đời sống tận hiến không có khả năng mở lòng trước những điều kỳ diệu thì mới chỉ là một nửa cuộc đời. Cha muốn lặp lại điều này một lần nữa. Một đời sống tận hiến không có khả năng mở lòng trước điều kỳ diệu mỗi ngày – mở lòng trước niềm vui và nỗi buồn, nhưng mở ra cho những điều kỳ diệu – thì chỉ là một nửa cuộc đời. Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta và sai chúng ta đi vào thế giới để áp đặt những bổn phận với mọi người, hoặc đặt lên vai họ những gánh nặng nặng nề hơn những gánh nặng họ đã có, mà chúng thì có rất nhiều, nhưng để chia sẻ niềm vui, một chân trời mới, tươi đẹp, đầy ngạc nhiên. Cha rất thích những lời của Đức Benedict XVI, những lời không những cha cho là rất đúng mà còn là lời tiên tri cho thời đại chúng ta: Giáo hội không phát triển bằng cách chiêu dụ tín đồ nhưng bằng sự cuốn hút (Tông huấn Evangelii Gaudium, 14). “Rao giảng Đức Ki-tô có nghĩa là thể hiện cho thấy rằng việc tin tưởng và đi theo Ngài không phải là một điều thuộc sự thật và đúng đắn, nhưng còn là một điều rất đẹp – dễ thương – có thể phủ đầy cuộc sống với niềm vui huy hoàng và sâu thẳm, ngay cả giữa những khó khăn” (nt., 167).

Và điều này có nghĩa là chúng ta không ngại tìm kiếm những biểu tượng và hình ảnh mới, vì thể loại âm nhạc đặc biệt đó có thể giúp đánh thức sự kinh ngạc trong dân tộc Thái mà Chúa muốn ban tặng cho chúng ta. Chúng ta đừng e sợ tiếp tục hội nhập văn hóa Tin Mừng. Chúng ta cần tìm kiếm những con đường mới để rao truyền Lời, những con đường có thể động viên và đánh thức khao khát muốn biết Chúa. Người đó là ai? Những con người đi theo một người đã bị đóng đinh là ai?

Khi cha chuẩn bị cho buổi gặp gỡ này, cha đã đọc được, với sự đau đớn, rằng đối với nhiều người thì Ki-tô giáo là một tôn giáo nước ngoài, một tôn giáo cho người nước ngoài. Điều này phải thúc bách chúng ta tìm ra những cách để tuyên xưng đức tin “bằng tiếng địa phương,” giống như một người mẹ hát những bài hát ru cho con mình. Với tình cảm thân thương tương tự, chúng ta hãy cho đức tin một khuôn mặt và thân thể của Thái Lan, điều này bao hàm nhiều điều hơn là chỉ thực hiện những bản dịch. Đó là vấn đề để cho Tin Mừng được cởi bỏ bộ trang phục đẹp nhưng là của nước ngoài; để cho nó “hát” với thể loại âm nhạc bản địa của vùng đất này và truyền cảm hứng cho tâm hồn của anh chị em chúng ta với cùng một vẻ đẹp khiến trái tim chúng ta rực cháy. Cha khuyến khích anh chị em hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, với Đấng mà vẻ tuyệt mỹ của ánh mắt nhìn đã làm Benedetta say đắm ngay lần đầu tiên, và thưa lên với sự vững tin như trẻ thơ: “Xin cầu bầu cho chúng con ngay lúc này một nhiệt tâm mới được tuôn đổ từ sự phục sinh, để chúng con có thể mang đến cho mọi người Tin Mừng của sự sống chiến thắng sự chết. Xin ban cho chúng con một lòng can đảm thánh thiện để tìm kiếm những con đường mới, để món quà của vẻ tuyệt mỹ không phai nhạt có thể đến được với mọi người nam và nữ” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 288). Ánh mắt Mẹ Maria thúc bách chúng ta cùng nhìn đến nơi Mẹ nhìn, hướng mắt của chúng ta theo ánh mắt nhìn kia và làm bất cứ điều gì Người nói với chúng ta (x. Ga 2:1-12). Ánh mắt của Người là một ánh mắt quyến rũ vì nó có thể nhìn thấu qua những gì thuộc hình thức bên ngoài để tìm kiếm và tôn vinh vẻ đẹp đích thực hiện diện trong mỗi con người. Như Tin Mừng dạy chúng ta, đó là một cái nhìn phá vỡ mọi thuyết tiền định, thuyết định mệnh và những tiêu chuẩn. Ở nơi mà nhiều người chỉ nhìn thấy một kẻ có tội, một kẻ phạm thượng, một kẻ thu thuế, một kẻ bất lương hay thậm chí là một kẻ phản bội, nhưng Chúa Giê-su lại có thể nhìn thấy các tông đồ. Đó là vẻ đẹp tuyệt vời mà ánh mắt của Người mời gọi chúng ta đi loan báo, một ánh mắt đi vào, làm biến đổi và phát huy những điều tốt đẹp nhất nơi người khác.

Đức Thánh Cha Phanxico khen ngợi các linh mục, tu sĩ, người sống đời tận hiến, chủng sinh, giáo lý viên ở BangkokPope Francis Applauds Priests, Religious, Consecrated, Seminarians, Catechists in Bangkok

Về những hào hứng ban đầu trong ơn gọi của anh chị em, nhiều người trong những năm đầu tham gia vào các hoạt động của những người trẻ muốn đưa Tin mừng vào thực hành và đi vào các thành phố để thăm những người túng thiếu, người bị bỏ rơi và thậm chí những người bị khinh miệt, trẻ mồ côi và người già. Chắc chắn nhiều người trong anh chị em đã được Chúa đến thăm, Người đã làm cho anh chị em thấy rằng Người đang kêu gọi anh chị em cho đi tất cả, để bản thân mình lùi lại phía sau, và chính ngay giây phút đó là để tìm lại chính mình. Trên khuôn mặt của những người chúng ta gặp gỡ trên đường phố, chúng ta có thể khám phá được vẻ đẹp của việc đối xử với nhau như anh chị em. Chúng ta không còn thấy họ là những trẻ mồ côi, người bị bỏ rơi, bị ruồng bỏ hay bị khinh miệt. Bây giờ mỗi người trong số họ có khuôn mặt của “một người anh em, một người chị em được Đức Giê-su Ki-tô cứu chuộc. Làm một Ki-tô hữu là như thế! Có thể hiểu sự nên thánh bằng cách nào khác ngoài việc nhìn nhận cách sống động về phẩm giá của mỗi con người này không?” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 98). Cha muốn động viên tất cả mọi người trong anh chị em, là những người đã dành cả cuộc đời phục vụ Chúa Giê-su trong những người anh chị em mỗi ngày, như Đức cha Giu-se nói lên một cách tự hào khi giới thiệu về anh chị em. Rất nhiều người trong số anh chị em tìm cách để nhìn thấy vẻ đẹp ở những nơi người khác chỉ nhìn thấy sự khinh miệt, hoặc ruồng bỏ hay như một đối tượng để thỏa mãn tình dục. Bằng cách này, anh chị em trở thành một dấu chỉ cụ thể cho Lòng thương xót của Chúa, sống động và hoạt động: một dấu chỉ của sự xức dầu của Đấng Thánh trong những vùng đất này.

Việc xức dầu như vậy kêu gọi sự cầu nguyện. Sức năng phong phú tông đồ đòi hỏi và được duy trì bởi sự trung thành với việc cầu nguyện liên lỷ. Cầu nguyện liên lỷ như những người cao tuổi không ngừng đọc Kinh Mân côi. Có bao nhiêu người trong chúng ta đón nhận đức tin từ ông bà của chúng ta, từ việc nhìn thấy họ làm những công việc nhà, với chuỗi tràng hạt trong tay, thánh hóa cả ngày của họ. Đây là sự nguyện ngắm trong hành động, làm cho Thiên Chúa trở thành một phần trong những công việc nhỏ nhặt mỗi ngày. Điều vô cùng quan trọng là Giáo hội ngày nay có thể loan báo Tin mừng cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, không do dự và không sợ hãi (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 23); như một dân tộc mà mỗi buổi sáng, trong cuộc trò chuyện mặt đối mặt với Thiên Chúa, lại được sai đi. Không có cầu nguyện, đời sống và sứ mạng của chúng ta sẽ mất hết ý nghĩa, mất đi sức mạnh và sự nhiệt thành. Nếu bạn đang bỏ lỡ việc cầu nguyện thì bất kỳ công việc nào bạn làm đều trở nên vô nghĩa, sẽ không có sức mạnh, không có giá trị. Cầu nguyện là trung tâm của mọi việc.

Thánh Phaolo VI nói rằng một trong những trở ngại tệ hại nhất cho việc rao giảng phúc âm là thiếu sự nhiệt thành (x. Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 80). Hãy đọc số 80 của Tông huấn Evangelii Nuntiandi

Đối với các tu sĩ, các linh mục và các giáo lý viên, sự nhiệt thành đó được nuôi dưỡng bằng một cuộc gặp gỡ kép, gặp gỡ với dung nhan của Thiên Chúa và với khuôn mặt của anh chị em của mình. Chúng ta cũng cần phải tìm được không gian để có thể trở về cội nguồn và uống những mạch nước trao ban sự sống. Đắm mình trong vô số trách nhiệm, ước mong rằng chúng ta có thể luôn tìm kiếm được nơi yên tĩnh để chúng ta có thể nhớ, qua việc cầu nguyện, rằng Chúa đã cứu thoát thế giới và chúng ta có trách nhiệm làm cho mọi người cảm nhận được ơn cứu độ này, trong sự kết hợp với Người,.

Một lần nữa, cha cảm ơn anh chị em vì đời sống của anh chị em, cha cảm ơn anh chị em vì chứng tá và cam kết quảng đại của anh chị em. Cha xin anh chị em đừng đầu hàng trước cám dỗ cho rằng anh chị em là con số ít ỏi. Thay vì vậy, hãy nghĩ đến bản thân anh chị em là những công cụ nhỏ bé, nhỏ bé trong bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa. Và ngài sẽ viết lên những trang đẹp nhất của lịch sử cứu độ ở cácvùng đất này bằng cuộc đời của anh chị em.

Xin hãy nhớ cầu nguyện cho cha, và kêu gọi những anh chị em khác cũng làm như vậy.

Cảm ơn anh chị em.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn:zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/11/2019]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 1-10/11/2019

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 1-10/11/2019


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 1-10/11/2019


1 tháng Mười Một: Sự kính nhớ các Thánh khiến chúng ta hướng ánh mắt nhìn về Thiên đàng: không phải để quên đi những thực tại của trần gian, nhưng để đối mặt với chúng bằng sự can đảm và niềm hy vọng. #AllSaintsDay

2 tháng Mười Một: Hôm nay chúng ta tưởng nhớ những người đã đi trước chúng ta, trong niềm hy vọng được gặp gỡ họ, được đi đến nơi chúng ta sẽ tìm được tình yêu đã tạo dựng nên chúng ta và chờ đợi chúng ta: tình yêu của Chúa Cha. #AllSoulsDay

3 tháng Mười Một: #Tin mừng hôm nay (Lc 19:1-10) cho chúng ta biết rằng cái nhìn đầy thương xót của Chúa chạm đến chúng ta thậm chí trước khi chúng ta nhận biết rằng chúng ta cần ánh mắt đó để được cứu độ.

4 tháng Mười Một: Nên thánh là hoa trái của ơn sủng của Thiên Chúa và của câu trả lời tự do của chúng ta. Nên thánh là một ân ban và là một tiếng gọi.

5 tháng Mười Một: Chúng ta đối diện với sự lựa chọn này nhiều lần trong cuộc sống: tôi có đón nhận lời mời gọi của Chúa hay tôi khóa mình trong những lạc thú, trong những sự nhỏ nhen của tôi? Chúng ta hãy xin Chúa ban cho ơn biết luôn luôn đón nhận lời mời vào dự bữa tiệc của Ngài, là bữa tiệc nhưng không. #SantaMarta

6 tháng Mười Một: Các bạn thân mến, trong tháng Mười Một này, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho người đã chết. Chúng ta hãy phó thác những thành viên trong gia đình, bạn bè và người quen thuộc của chúng ta cho Chúa, đặc biệt trong Thánh Lễ, cảm nhận họ gần gũi với chúng ta trong cộng đoàn thiêng liêng của Giáo hội. #GeneralAudience

7 tháng Mười Một: Niềm hy vọng của người Ki-tô hữu, được nuôi dưỡng bằng ánh sáng của Đức Ki-tô, làm cho sự phục sinh và sự sống chiếu tỏa ngay cả trong những bóng đêm đen tối nhất của thế gian.

8 tháng Mười Một: Đức tin kêu gọi một hành trình, một sự “bước ra ngoài”. Sự thanh tẩy diễn ra trên hành trình cuộc sống, một hành trình thường đi ngược lên đồi dốc, vì nó dẫn lên trên cao.

9 tháng Mười Một: Cầu nguyện luôn luôn khơi gợi những tình cảm huynh đệ, nó phá vỡ những rào chắc, vượt qua những biên giới, tạo ra những cầu nối vô hình nhưng là có thật và đầy hiệu quả, và mở ra những chân trời hy vọng.

10 tháng Mười Một: Lắng nghe những lời đơn giản và rất rõ ràng của Chúa Giê-su về sự sống sau khi chết trong #Tin mừng hôm nay (Lc 20:27-38) cho chúng ta sự an ủi và hy vọng lớn lao. Chúng ta rất cần điều này trong thời đại chúng ta, rất giàu có kiến thức về vũ trụ nhưng quá nghèo nàn trong sự khôn ngoan về sự sống đời đời.




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/11/2019]


Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Renault tặng Đức Thánh Cha chiếc Dacia Duster, “được cải biến” thành xe giáo hoàng

Renault tặng Đức Thánh Cha chiếc Dacia Duster, “được cải biến” thành xe giáo hoàng



28/11/2019


Nhóm Renault tặng Đức Thánh Cha Phanxico một chiếc xe giáo hoàng mới. Nó là chiếc Dacia Duster được sửa lại phù hợp theo nhu cầu của giáo hoàng. Nó có năm chỗ ngồi và không gian đủ rộng để đứng chào người hành hương trong quảng trường.

Đức Thánh Cha Phanxico thân ái chào phái đoàn đến tặng ngài chiếc xe. Hiện tại, mọi điều còn lại chỉ là chờ xem ngài có sử dụng chiếc xe của Romania này không.

Trong các sự kiện ở Vatican, ngài thường sử dụng loại xe với không gian thùng xe mở. Mẫu xe này cho phép ngài để cho các thiếu nhi leo lên xe và chạy vòng quanh quảng trường.

Đây là chiếc xe ngài được tặng gần đây nhất. Nó không đủ rộng để có thêm người đi cùng, nhưng nó là mẫu xe tốt cho môi trường sinh thái nhất mà ngài được tặng cho đến nay. Vì nó là một mẫu xe điện.

Javier Romero

Dịch (tiếng Anh): Rachel Dobrzynski



[Nguồn: romereports]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/11/2019]


Bangkok: Đức Thánh Cha kêu gọi tôn trọng, quý trọng, hợp tác với nhau giữa các tôn giáo

Bangkok: Đức Thánh Cha kêu gọi tôn trọng, quý trọng, hợp tác với nhau giữa các tôn giáo
© Vatican Media

Bangkok: Đức Thánh Cha kêu gọi sự tôn trọng, quý trọng, hợp tác với nhau giữa các tôn giáo

Diễn từ trước các nhà lãnh đạo Ki-tô giáo và lãnh đạo các tôn giáo khác tại Đại học Chulalongkorn của Bangkok

22 tháng Mười Một, 2019 17:37

Ngày 22 tháng Mười Một năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tôn trọng, quý trọng và hợp tác với nhau giữa các tôn giáo trong bài diễn từ trước các nhà lãnh đạo Ki-tô giáo và lãnh đạo các tôn giáo khác tại Đại học Chulalongkorn của Bangkok.

Đó là một điểm dừng quan trọng trong ngày thứ hai bận rộn của ngài trong chuyến tông du từ ngày 21 đến 23 tháng Mười Một đến Thái Lan.

Deborah Castellano Lubov, phóng viên Vatican của ZENIT tường thuật chuyến đi trên Chuyên cơ Giáo hoàng.

Giáo sư Tiến sĩ Bundit Eur-aryh, Chủ tịch Đại học Chulalongkorn nói: “Đại học Chulalongkorn, trường đại học đầu tiên của Thái Lan, được thành lập năm 1917 và được đặt theo tên của Đức vua Chulalongkorn, vô cùng tri ân vì Giáo hoàng đã đưa vào trong lịch trình bận rộn cuộc gặp gỡ này với cộng đồng học thuật chúng tôi và một loạt các ngành khác trong xã hội Thái Lan.”

Vị chủ tịch của đại học nói thêm: “Tầm nhìn của Đức vua Chulalongkorn là cung cấp nền giáo dục đại học cho sinh viên thuộc mọi tầng lớp bất kể giới tính, địa vị xã hội, sắc tộc hay kinh tế, hoặc niềm tin tôn giáo, và thật là một vinh dự to lớn cho trường đại học của chúng tôi trong dịp viếng thăm Thái Lan chính thức của Giáo hoàng, gần bốn thập kỷ sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo năm 1984, chúng tôi tập trung tại đây để học và đón nhận từ sự khôn ngoan của Giáo hoàng, lòng từ bi đối với các dân tộc nghèo và bị thua thiệt trên toàn thế giới, mối quan tâm sâu sắc của người đối với việc chăm sóc và bảo vệ môi trường thiên nhiên của chúng ta, và sự kiên trì của người đối với cuộc đối thoại liên tôn đầy ý nghĩa và việc xây dựng hòa bình giữa các tôn giáo, giữa các quốc gia và các nền văn hóa.”

Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Sự cần thiết của lòng tôn trọng, quý trọng và sự hợp tác với nhau giữa các tôn giáo trở nên vô cùng cấp bách cho nhân loại ngày nay. Thế giới của chúng ta phải đối mặt với những thách thức phức tạp như toàn cầu hóa về kinh tế và tài chính, và những hậu quả nặng nề của nó đối với sự phát triển của các cộng đồng địa phương; những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ – thúc đẩy một thế giới tốt đẹp hơn thuộc bề ngoài – và sự tồn tại dai dẳng của những xung đột dân sự bi thương dẫn đến các phong trào di cư, người tị nạn, nạn đói và chiến tranh. Rồi chúng ta cũng phải đối mặt với sự xuống cấp và sự tàn phá ngôi nhà chung của chúng ta. Những thách thức này nhắc nhở chúng ta rằng không một khu vực hoặc vùng miền nào trong gia đình nhân loại chỉ nhìn riêng vào bản thân mình hoặc tương lai của mình trong sự cách ly hoặc vô can với người khác.

“Về vấn đề này, các tôn giáo, như các trường đại học, có nhiều khả năng để trao tặng, mà không làm mất đi đặc tính và ân ban đặc biệt của họ. Tất cả những gì chúng ta làm trong lĩnh vực này sẽ là một bước quan trọng để bảo đảm quyền đối với tương lai cho các thế hệ trẻ đồng thời phục vụ cho sự nghiệp công lý và hòa bình. Chỉ bằng cách này thì chúng ta mới cung cấp cho người trẻ những công cụ họ cần để đi đầu trong nỗ lực xây dựng những lối sống bền vững và bao gồm.”



Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha của Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

Thưa Đức Hồng y, thưa các Đại đức,

Thưa quý vị đại diện đáng kính của các nền tảng tôn giáo, quý vị đại diện của cộng đồng đại học,

Thưa các bạn,

Cảm ơn quý vị đã chào đón nồng hậu. Tôi xin cảm ơn Đức cha Sirisut và Tiến sĩ Bundit Eua- arporn vì những lời giới thiệu rất đẹp của các ngài. Tôi cũng vô cùng cảm kích về lời mời đến thăm trường đại học nổi tiếng này cùng các sinh viên, các vị giáo sư và nhân viên là những người làm chấn hưng nơi học tập này. Tôi cũng xin tri ân vì quý vị đã cho tôi cơ hội này để gặp gỡ đại diện của các cộng đồng Ki-tô giáo khác nhau và các nhà lãnh đạo những tôn giáo khác, những người làm cho chúng tôi cảm thấy rất vinh dự qua sự hiện diện của quý vị. Tôi xin cảm ơn quý vị đã đến và tôi xin bày tỏ lòng quý trọng sâu sắc đối với di sản văn hóa quý giá và các truyền thống tinh thần mà quý vị là những người thừa kế và làm chứng nhân.

Một trăm hai mươi hai năm trước, vào năm 1897, Đức Vua Chulalongkorn, tên của ngài được đặt cho trường đại học này, đã đến thăm Roma và gặp gỡ Đức Giáo hoàng Leo XIII, lần đầu tiên một vị Nguyên thủ Quốc gia không thuộc Ki-tô giáo được đón tiếp tại Vatican. Ước mong rằng ký ức về cuộc gặp gỡ vô cùng đặc biệt đó, cũng như vương triều của ngài, những nhân đức của ngài bao gồm việc xóa bỏ chế độ nô lệ, thách thức chúng ta theo đuổi con đường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau trong thời đại của chúng ta. Và thực hiện điều đó trong tinh thần đoàn kết huynh đệ để có thể giúp chấm dứt nhiều hình thức nô lệ ngày nay, đặc biệt là tai họa của nạn buôn người.

Sự cần thiết của lòng tôn trọng, quý trọng và sự hợp tác với nhau giữa các tôn giáo trở nên vô cùng cấp bách cho nhân loại ngày nay. Thế giới của chúng ta phải đối mặt với những thách thức phức tạp như toàn cầu hóa về kinh tế và tài chính, và những hậu quả nặng nề của nó đối với sự phát triển của các cộng đồng địa phương; những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ – thúc đẩy một thế giới tốt đẹp hơn thuộc bề ngoài – và sự tồn tại dai dẳng của những xung đột dân sự bi thảm dẫn đến các phong trào di cư, người tị nạn, nạn đói và chiến tranh. Rồi chúng ta cũng phải đối mặt với sự xuống cấp và sự tàn phá ngôi nhà chung của chúng ta. Những thách thức này nhắc nhở chúng ta rằng không một khu vực hoặc vùng miền nào trong gia đình nhân loại chỉ nhìn riêng vào bản thân mình hoặc tương lai của mình trong sự cách ly hoặc vô can với người khác. Tất cả những tình hình này đòi hỏi chúng ta phải mạnh dạn tìm ra những con đường mới để định hình cho lịch sử của thời đại chúng ta mà không làm mất danh dự hay xúc phạm bất cứ ai. Đã qua từ lâu những ngày khi lối suy nghĩ hẹp hòi quyết định cho cách tiếp cận thời gian và không gian, và xem như nó vạch ra được cách giải quyết đúng đắn cho những xung đột. Bây giờ là lúc phải mạnh dạn và hình dung ra luận lý của sự gặp gỡ và đối thoại với nhau như một lối đi, sự hợp tác chung như một quy tắc ứng xử, và sự hiểu biết lẫn nhau như là một phương pháp và tiêu chuẩn. Theo cách này, chúng ta có thể đưa ra một mô hình mới để giải quyết xung đột và giúp thúc đẩy sự hiểu biết rộng lớn hơn và bảo vệ tạo vật. Về vấn đề này, các tôn giáo, như các trường đại học, có nhiều khả năng để trao tặng, mà không làm mất đi đặc tính và ân ban đặc biệt của họ. Tất cả những gì chúng ta làm trong lĩnh vực này sẽ là một bước quan trọng để bảo đảm quyền đối với tương lai cho các thế hệ trẻ đồng thời phục vụ cho sự nghiệp công lý và hòa bình. Chỉ bằng cách này thì chúng ta mới cung cấp cho người trẻ những công cụ họ cần để đi đầu trong nỗ lực xây dựng những lối sống bền vững và bao gồm.

Những thời gian chúng ta sống hiệu triệu chúng ta để xây dựng các nền tảng vững chắc, giữ vững sự tôn trọng và công nhận phẩm giá con người, thúc đẩy một tính nhân văn toàn diện để cảnh báo và quan tâm đến việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, và là một người quản lý có trách nhiệm giữ gìn vẻ đẹp và sự phong phú của thiên nhiên như là một nền tảng căn bản cho sự sống. Các truyền thống tôn giáo lớn của thế giới chúng ta làm chứng cho một gia sản tinh thần chung và siêu việt có thể đưa ra sự đóng góp chắc chắn trong lĩnh vực này, nếu chúng ta có thể gặp gỡ nhau mà không hề e sợ.

Tất cả chúng ta được kêu gọi không những lắng nghe tiếng nói của người nghèo ở giữa chúng ta: những người bị tước bỏ các quyền, những người bị áp bức, những dân tộc bản địa và tôn giáo thiểu số, mà cũng không e ngại tạo ra các cơ hội để chung tay làm việc, như những gì đã âm thầm diễn ra. Về phần chúng ta, chúng ta có trách nhiệm nắm lấy mệnh lệnh đạo đức để nâng cao phẩm giá con người và tôn trọng quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Chúng ta cần tạo ra những không gian nơi chúng ta có thể để cho luồng khí trong lành thổi vào, với sự chắc chắn rằng không một người nào bị mất. Vì “con người, trong khi có thể làm những điều tồi tệ nhất, thì cũng có khả năng vượt lên trên chính bản thân họ, chọn lựa một lần nữa điều gì là tốt đẹp, và thực hiện một sự khởi đầu mới, bất kể đến điều kiện tinh thần và xã hội của họ” (Tông huấn Laudato Si’, 205).

Đất nước Thái Lan này, một đất nước có vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời, tôi muốn nêu bật một đặc điểm riêng biệt mà tôi cho là quan trọng, và về một phương diện nào đó nó là một phần của sự giàu có mà quý vị có thể “xuất khẩu” và chia sẻ với những khu vực khác trong gia đình nhân loại của chúng ta. Quý vị thể hiện sự kính trọng và quan tâm đến người cao tuổi, tôn trọng họ và trao cho họ một vị trí vinh dự. Điều này chứng minh rằng quý vị gìn giữ những cội rễ cần thiết để dân tộc của quý vị không bị lạc hướng, để rồi chạy theo những khẩu hiệu mà cuối cùng trở nên trống rỗng và cầm cố linh hồn của các thế hệ mới. Cộng thêm với xu hướng ngày càng làm mất uy tín các giá trị và văn hóa địa phương bằng cách áp đặt một mô hình đơn nhất, “chúng ta thấy xu hướng 'đồng nhất hóa' những người trẻ, làm mờ nhạt đi nét riêng biệt về nguồn gốc và lịch sử của họ, và biến họ thành một dòng sản phẩm mới dễ uốn nắn. Việc này gây nên một sự tàn phá văn hóa cũng nghiêm trọng giống như sự tuyệt chủng của các loài động vật và thực vật” (Tông huấn Christus Vivit, 186). Tôi bày tỏ niềm hy vọng rằng quý vị sẽ tiếp tục hỗ trợ người trẻ khám phá di sản văn hóa của xã hội nơi họ sinh sống. Giúp người trẻ khám phá gia tài sống của quá khứ, trân quý ký ức của nó, là một hành động thể hiện sự yêu thương chân thành dành cho họ, vì sự phát triển của họ và những quyết định họ được kêu gọi phải thực hiện (x. nt., 187).

Toàn bộ cách tiếp cận này nhất thiết đòi hỏi sự tham gia của các tổ chức giáo dục như đại học này. Những nghiên cứu và kiến thức có thể giúp mở ra các con đường mới để làm giảm bớt sự bất bình đẳng của con người, củng cố công bằng xã hội, nâng cao phẩm giá con người, tìm kiếm phương thức giải quyết những xung đột theo con đường hòa bình, và bảo tồn các nguồn tài nguyên mang lại sự sống trên trái đất của chúng ta. Tôi xin tỏ lòng cảm phục các nhà giáo dục và học giả của đất nước, là những người làm việc để cung cấp cho các thế hệ hiện tại và tương lai những kỹ năng và đặc biệt là sự khôn ngoan, có cội nguồn từ tổ tiên của họ, điều sẽ cho phép họ đóng góp vào việc thúc đẩy ích chung cho xã hội.

Các bạn thân mến, tất cả chúng ta đều là thành viên của gia đình nhân loại. Mỗi người, theo cách riêng của mình, được kêu gọi hãy tham gia tích cực và trực tiếp vào công cuộc xây dựng một nền văn hóa dựa trên các giá trị chung dẫn đến sự hiệp nhất, tôn trọng lẫn nhau và cùng chung sống hòa hợp.

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn về lời mời và sự chú ý của quý vị. Tôi xin gửi những lời nguyện chúc tốt đẹp cho các nỗ lực của quý vị để phục vụ sự phát triển của Thái Lan trong thịnh vượng và hòa bình. Tôi cầu xin mọi ơn phúc lành tuôn đổ xuống trên tất cả quý vị hiện diện, xuống trên gia đình của quý vị và những người quý vị phục vụ. Và tôi xin quý vị hãy cầu nguyện cho tôi.

Xin cảm ơn quý vị.

[01853-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Tây ban nha]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/11/2019]


Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

Đức Thánh Cha thuật lại chuyến tông du đến Thái Lan và Nhật Bản

Đức Thánh Cha thuật lại chuyến tông du đến Thái Lan và Nhật Bản
© Vatican Media

Đức Thánh Cha thuật lại chuyến tông du đến Thái Lan và Nhật Bản

Toàn văn Tiếp Kiến Chung ngày 27 tháng Mười Một

27 tháng Mười Một, 2019 15:12

Buổi Tiếp Kiến Chung được tổ chức lúc 9:00 sáng nay trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm tín hữu và khách hành hương đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung nói về chuyến Tông du của ngài đến Thái Lan và Nhật Bản, chuyến đi kết thúc tối hôm qua (Trình thuật Kinh thánh: Trích Tin mừng theo Thánh Mát-thêu 28:16-20).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *

Đức Thánh Cha thuật lại chuyến tông du đến Thái Lan và Nhật Bản

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Hôm qua cha đã trở về sau chuyến Tông du đến Thái Lan và Nhật Bản, một món quà mà cha vô cùng cảm tạ Thiên Chúa. Một lần nữa tôi xin cảm ơn các nhà Chức trách và các Giám mục của hai quốc gia này, những vị đã mời tôi và tiếp đón tôi với sự nồng hậu, và tôi đặc biệt xin cảm ơn người dân Thái Lan và người dân Nhật Bản. Chuyến thăm này thắt chặt thêm sự gần gũi và tình cảm của tôi với các dân tộc này: xin Chúa ban ơn phúc thịnh vượng và bình an dồi dào cho họ.

ZENIT English was on the Papal Flight.

Thái Lan là một Vương quốc cổ xưa, nay đã trở nên hiện đại hóa rất cao. Gặp gỡ nhà Vua, Thủ tướng và các nhà Chức trách khác, cha thể hiện lòng quý trọng đối với truyền thống văn hóa và tinh thần phong phú của người dân Thái Lan, dân tộc của “nụ cười xinh đẹp”. Người dân ở đó thường nở nụ cười. Cha khuyến khích cam kết sự hòa hợp giữa các thành phần khác nhau trong quốc gia, cũng như sự phát triển kinh tế là vì lợi ích của tất cả mọi người, và chữa lành các vết thương do sự bóc lột, đặc biệt là phụ nữ và trẻ vị thành niên. Phật giáo là một phần không thể thiếu trong lịch sử và đời sống của người dân nơi đây; do đó, cha đã đến thăm Đức Tăng thống của Phật giáo, tiếp nối con đường tôn trọng lẫn nhau do các Đấng Tiền nhiệm của cha đã khởi xướng, để lòng từ bi và tình huynh đệ có thể phát triển trên thế giới. Liên quan đến vấn đề này, sự kiện rất có ý nghĩa là cuộc họp đại kết và liên tôn, được tổ chức tại Đại học lớn nhất trong nước.

Chứng tá của Giáo hội tại Thái Lan thông qua các công cuộc phục vụ bệnh nhân và người bé mọn nhất. Nổi bật trong đó là Nhà thương Thánh Louis, nơi cha đến thăm, động viên các nhân viên y tế và gặp gỡ một số bệnh nhân. Sau đó, cha dành những giây phút đặc biệt cho các linh mục và những người tận hiến, các Giám mục và anh em Dòng Tên. Cha cử hành thánh lễ ở Bangkok với tất cả Dân Chúa trong Sân vận động Quốc gia và sau đó là với giới trẻ trong Nhà thờ Chính tòa. Ở đó mọi người nhìn thấy rằng trong gia đình mới do Chúa Giê-su Ki-tô thành lập cũng có những khuôn mặt và giọng nói của người Thái.

Sau đó cha sang Nhật Bản. Khi đến Tòa Khâm sứ Tokyo, cha được chào đón bởi các giám mục của đất nước, rồi cha và các ngài chia sẻ về thách đố làm người Mục tử của một Giáo hội nhỏ bé, nhưng là người mang đến nước hằng sống, là Tin mừng của Chúa Giê-su.

Đức Thánh Cha thuật lại chuyến tông du đến Thái Lan và Nhật Bản

Phương châm của chuyến thăm Nhật Bản của cha là “Bảo vệ mọi sự sống”, là một quốc gia đã in dấu những vết thương của vụ đánh bom nguyên tử và là người phát ngôn cho toàn thế giới về quyền căn bản đối với sự sống và hòa bình. Cha dừng chân cầu nguyện tại Nagasaki và Hiroshima; cha gặp gỡ một số người sống sót và thân nhân của các nạn nhân, và cha lặp lại sự lên án mạnh mẽ đối với vũ khí nguyên tử và tính giả hình của những lời nói về hòa bình trong khi vẫn chế tạo và buôn bán vũ khí chiến tranh. Sau thảm kịch đó, Nhật Bản đã thể hiện một khả năng phi thường để chiến đấu cho sự sống; và gần đây quốc gia cũng đã làm như vậy, sau ba thảm họa của năm 2011: động đất, sóng thần và sự cố trong nhà máy nguyên tử.

Để bảo vệ sự sống thì điều cần thiết là phải yêu nó, và ngày nay sự đe dọa nghiêm trọng là sự mất đi ý thức sống ở các nước phát triển.

Nạn nhân đầu tiên của sự trống rỗng về ý thức sống là những người trẻ; do đó, một buổi gặp gỡ tại Tokyo được dành riêng cho họ. Cha lắng nghe những câu hỏi và ước mơ của họ; cha khuyến khích họ cùng nhau chống lại mọi hình thức bắt nạt học đường và vượt qua nỗi sợ hãi và khép kín, mở rộng lòng trước tình yêu của Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và phục vụ anh em. Cha đã gặp những người trẻ khác tại Đại học Sophia, cùng với cộng đồng học thuật. Đại học này, giống như tất cả các trường Công giáo, được đánh giá rất cao ở Nhật.

Ở Tokyo, cha có cơ hội đến thăm Hoàng đế Naruhito, cha đã bày tỏ lòng tri ân với ngài; và cha đã gặp các nhà Chức trách của đất nước cùng với Ngoại giao đoàn. Cha hy vọng về một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại, mang nét đặc trưng của sự khôn ngoan và một chân trời rộng lớn. Bằng sự trung thành với các giá trị tôn giáo và đạo đức, và mở ra trước thông điệp rao giảng phúc âm, Nhật Bản sẽ có thể trở thành một quốc gia thúc đẩy cho một thế giới công bằng và hòa bình hơn và cho sự hòa hợp giữa con người và môi trường.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy phó thác dân tộc Thái Lan và Nhật Bản cho sự thiện hảo và sự quan phòng của Chúa. Cảm ơn anh chị em.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/11/2019]


Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

Đức Thánh Cha nói với giới trẻ Nhật: ‘Đừng bao giờ ngã lòng hoặc từ bỏ giấc mơ của chúng con’

Đức Thánh Cha nói với giới trẻ Nhật: ‘Đừng bao giờ ngã lòng hay từ bỏ giấc mơ của chúng con’
© Vatican Media

Đức Thánh Cha nói với giới trẻ Nhật: ‘Đừng bao giờ ngã lòng hoặc từ bỏ giấc mơ của chúng con’

‘Nhìn thấy và nghe thấy sinh lực và sự hăng hái của chúng con đem lại cho cha niềm vui và hy vọng’

25 tháng Mười Một, 2019 15:38
Đây không phải là lần đầu tiên một khung cảnh như vậy được tạo ra.



Những trẻ em Nhật này vô cùng phấn khởi với #PopeinJapan!

(Zenit is on Papal Flight)

Đức Thánh Cha nói với giới trẻ Nhật: ‘Đừng bao giờ ngã lòng hay từ bỏ giấc mơ của chúng con’




Đức Thánh Cha được giới trẻ đón tiếp với sự chào đón tưng bừng. Rõ ràng là ngài rất vui. Giới trẻ thật sự hân hoan được nhìn thấy ngài và lắng nghe những lời ngài nói.

Dĩ nhiên, ngài bắt đầu bằng việc lắng nghe những chứng ngôn của giới trẻ. Và ngài bày tỏ sự cảm phục và biết ơn đối với họ.

Đó là một khung cảnh Đức Thánh Cha lặp lại trong mỗi chuyến tông du của ngài và nó không bao giờ trở nên nhàm chán.

Ngày 25 tháng Mười Một năm 2019, câu chuyện lại diễn ra tại Nhà thờ Chính toà Thánh Mary, Tokyo. Những chứng ngôn của Leonardo, Miki, và Masako. 

Đức Thánh Cha nói: “Nhìn thấy và nghe thấy năng lượng và sự hăng hái của chúng con đem lại cho cha niềm vui và hy vọng …. Đừng bao giờ ngã lòng hoặc từ bỏ những giấc mơ của chúng con. Hãy cung cấp cho chúng thật nhiều không gian, hãy mạnh dạn hướng nhìn về những chân trời rộng lớn và xem điều gì đang chờ đợi chúng con nếu chúng con khao khát cùng nhau đạt được chúng. Nước Nhật đang cần chúng con, và thế giới cần chúng con, hãy quảng đại, vui tươi và hăng hái, có khả năng chào đón mọi người. Cha cầu nguyện cho chúng con phát triển sự khôn ngoan tinh thần và khám phá ra con đường dẫn đến hạnh phúc thực sự trong cuộc sống này.”

Deborah Castellano Lubov, phóng viên Vatican của ZENIT, tường thuật từ chuyên cơ giáo hoàng.



LOOK INSIDE: #PopeFrancis is soon meeting with #Japanese #young people at the Cathedral of Holy Mary #PopeinJapan (Papal Press Pool)

Đức Thánh Cha nói với giới trẻ Nhật: ‘Đừng bao giờ ngã lòng hay từ bỏ giấc mơ của chúng con’





Dưới đây là toàn văn bài nói chuyện của Đức Thánh Cha, của Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

Các bạn trẻ thân yêu,

Cảm ơn các con rất nhiều đã đến đây và ở đây. Nhìn thấy và nghe thấy sinh lực và sự hăng hái của chúng con đem lại cho cha niềm vui và hy vọng. Cha cám ơn chúng con rất nhiều về điều này. Cha cũng cảm ơn Leonardo, Miki và Masako vì những chứng ngôn của các con. Phải can đảm lắm mới có thể mở rộng tâm hồn và chia sẻ như chúng con đã làm. Cha chắc chắn rằng tiếng nói của chúng con là tiếng vang vọng của những tiếng nói của bạn bè cùng lớp chúng con đang có mặt ở đây. Cảm ơn chúng con! Cha biết rằng giữa chúng con có các bạn đến từ những quốc tịch khác, một số người đang tìm nơi nương náu. Chúng ta hãy học cách xây dựng một xã hội mà chúng ta muốn cho ngày mai.

Khi cha nhìn vào chúng con, cha có thể thấy sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo của những người trẻ sống ở Nhật Bản ngày nay, và một nét đẹp mà thế hệ chúng con giữ cho tương lai. Tình bạn của chúng con và sự hiện diện của con ở đây nhắc nhở mọi người rằng tương lai không là đơn sắc; nếu chúng ta can đảm, chúng ta có thể chiêm ngưỡng nó trong tất cả mọi sự phong phú và đa dạng của những khả năng mà mỗi cá nhân có để đóng góp. Gia đình nhân loại của chúng ta rất cần phải học cách sống hòa thuận và hòa bình với nhau, mà không cần tất cả chúng ta đều phải giống nhau! Chúng ta đang rất cần phát triển trong tình huynh đệ, trong sự quan tâm đến người khác và tôn trọng những kinh nghiệm và quan điểm khác nhau! Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay thật vui chính vì chúng ta đang nói rằng văn hóa gặp gỡ là có thể. Nó không phải là một điều không tưởng, và người trẻ chúng con có sự nhạy cảm đặc biệt cần thiết để làm cho nó phát triển.

Cha rất ấn tượng trước những câu hỏi các con đặt ra vì chúng phản ánh những kinh nghiệm cụ thể của các con, nhưng cũng là phản ánh những hy vọng và ước mơ của các con cho tương lai.

Đức Thánh Cha nói với giới trẻ Nhật: ‘Đừng bao giờ ngã lòng hay từ bỏ giấc mơ của chúng con’

Leonardo, cảm ơn con đã chia sẻ kinh nghiệm về việc bị bắt nạt tại trường và phân biệt đối xử. Ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm được sự can đảm để nói lên những kinh nghiệm như của con. Điều tàn nhẫn nhất của sự bắt nạt là nó tấn công vào lòng tự tin của chúng ta vào ngay thời điểm chúng ta cần nhất là khả năng chấp nhận bản thân và đương đầu với những thử thách mới trong cuộc sống. Có khi, nạn nhân của tình trạng bắt nạt thậm chí còn tự trách mình vì trở thành những mục tiêu “dễ dàng”. Họ có thể cảm thấy như là sự thất bại, yếu đuối và vô giá trị, và cuối cùng dẫn đến những tình huống bi thảm: “Ước gì tôi khác đi …” Nhưng nghịch lý thay, những kẻ bắt nạt lại chính là những người yếu đuối thật sự, vì họ nghĩ rằng họ chỉ có thể khẳng định giá trị của mình bằng cách làm tổn thương người khác. Có khi, họ tấn công bất cứ ai mà họ cho là khác biệt, là người đại diện cho điều gì đó họ thấy bị đe dọa. Trong thâm tâm, những kẻ bắt nạt lại sợ hãi, và họ che đậy nỗi sợ hãi của mình bằng cách thể hiện sức mạnh. Tất cả chúng ta phải hiệp nhất chống lại cái văn hóa bắt nạt này và học cách nói “Đã đủ rồi!” Đây là một căn dịch bệnh, và cùng với nhau chúng con có thể tìm ra loại thuốc tốt nhất để điều trị cho nó. Vẫn chưa đủ nếu chỉ có các tổ chức giáo dục hoặc những người lớn sử dụng các nguồn lực của họ để ngăn chặn bi kịch này; mà điều cần thiết là chính chúng con, bạn bè và đồng nghiệp, đều hợp lực lại và nói: “Không!”, nói “Như vậy là sai trái.” Không có vũ khí nào để chống lại những hành động này mạnh mẽ hơn là việc đứng lên với những bạn cùng lớp và bạn bè của chúng ta và nói: “Chuyện bạn đang làm là sai rồi.”

Sự sợ hãi luôn là kẻ thù của sự thiện hảo vì nó là kẻ thù của tình yêu và hòa bình. Các tôn giáo lớn dạy về lòng khoan dung, hòa hợp và lòng thương xót, không dạy sự sợ hãi, chia rẽ và xung đột. Chúa Giê-su liên tục nói với những môn đệ của Người là đừng sợ hãi. Tại sao vậy? Bởi vì nếu chúng ta yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em của mình, thì tình yêu này không biết đến sợ hãi (x. 1 Ga 4:18). Như Leonardo nhắc nhở chúng ta, với nhiều người trong chúng ta, khi nhìn vào cuộc đời của Chúa Giê-su sẽ cho chúng ta niềm an ủi, vì chính bản thân Chúa Giê-su đã biết việc bị khinh miệt và bị chối bỏ là như thế nào – thậm chí đến mức chịu đóng đinh. Ngài cũng hiểu rõ tình trạng một người ngoại kiều là như thế nào, là một người di cư, là một người “khác biệt”. Theo một nghĩa nào đó, Chúa Giê-su là một “người ngoài cuộc” tối thượng, một người ngoài cuộc tràn đầy sự sống để trao ban. Leonardo, chúng ta luôn có thể nhìn vào tất cả những thứ chúng ta không có, nhưng chúng ta cũng có thể bước đến để nhìn thấy tất cả sự sống mà chúng ta có thể cho đi và chia sẻ với những người khác. Thế giới cần chúng con. Đừng bao giờ quên điều đó! Chúa cần chúng con để chúng con có thể động viên tất cả những người xung quanh chúng ta đang tìm kiếm một bàn tay trợ giúp để nâng họ đứng dậy.

Điều này liên quan đến việc phải phát triển một phẩm chất rất quan trọng nhưng lại bị đánh giá thấp: đó là khả năng học cách dành thời gian cho người khác, lắng nghe họ, chia sẻ với họ, để thấu hiểu họ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể mở rộng những kinh nghiệm và những vấn đề của chúng ta cho một tình yêu có thể thay đổi chúng ta và bắt đầu thay đổi thế giới xung quanh chúng ta. Nếu chúng ta không hào phóng dành thời gian cho người khác, thì chúng ta sẽ lãng phí thời gian vào nhiều thứ, mà cuối cùng khiến chúng ta trống rỗng và bối rối; như ở đất nước của cha thì họ gọi là “bị nhồi”. Vì vậy, hãy dành thời gian cho gia đình và bạn bè chúng con, nhưng cũng dành thời gian cho Chúa qua việc suy niệm và cầu nguyện. Và nếu chúng con thấy khó cầu nguyện, đừng bỏ cuộc. Một hướng dẫn thiêng liêng đầy khôn ngoan nói: cầu nguyện hầu như chỉ là vấn vấn đề để lòng trí ở đó. Giữ thinh lặng; để chỗ trống cho Chúa; hãy để Ngài nhìn chúng con và Ngài sẽ đổ đầy chúng con bằng sự bình an của Ngài.

Đó chính là những gì Miki đã nói. Miki đặt câu hỏi là làm thế nào để người trẻ có thể tạo không gian cho Chúa trong một xã hội quay cuồng và chỉ tập trung vào việc cạnh tranh và làm việc đạt năng suất. Nếu chúng ta nhìn thấy một con người, một cộng đồng hay thậm chí là toàn xã hội càng ngày càng phát triển cao ở bề ngoài, nhưng lại có đời sống nội tâm nghèo nàn và kém phát triển, thiếu sự sống và sinh khí thật. Mọi thứ đều làm họ chán ngán; họ không còn mơ ước, không còn cười hay đùa vui. Họ không còn cảm giác kinh ngạc hay ngạc nhiên. Họ giống như những thây ma; con tim họ đã ngừng đập vì họ không thể ăn mừng cuộc sống với người khác. Có bao nhiêu người trên khắp thế giới của chúng ta giàu có về vật chất, nhưng sống như những nô lệ cho sự cô đơn không gì sánh bằng! Cha nghĩ đến sự cô đơn của rất nhiều người, trẻ và già trong những xã hội thịnh vượng của chúng ta nhưng thường lại vô danh. Mẹ Teresa, người hoạt động giữa những người nghèo nhất trong số những người nghèo, đã từng nói một lời tiên tri: “Cô đơn và cảm giác không được yêu thương là hình thức nghèo khổ khủng khiếp nhất.”

Chống lại sự nghèo nàn về tinh thần này là một nhiệm vụ mà tất cả chúng ta được kêu gọi, và trong đó các con có một vai trò đặc biệt vì nó đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong những sự ưu tiên và lựa chọn. Nó có nghĩa là phải nhận ra rằng điều quan trọng nhất không phải là những gì tôi có hoặc có thể đạt được, nhưng là tôi có thể chia sẻ nó với ai. Tôi sống cho cái gì không phải là điều quá quan trọng để tập trung vào, nhưng chính là tôi sống cho ai. Mọi điều mọi vật là quan trọng, nhưng con người còn quan trọng hơn. Không có chúng, chúng ta trở nên mất nhân cách, chúng ta mất khuôn mặt và tên gọi, và chúng ta trở thành một đồ vật, có thể tốt hơn những người khác, nhưng cuối cùng chẳng có gì hơn là một đồ vật. Sách Huấn ca nói: “Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng” (6:14). Đó là lý do tại sao điều vô cùng quan trọng là phải đặt câu hỏi: “Tôi sống cho ai? Đương nhiên, chúng con là sống cho Chúa. Nhưng Ngài định đoạt rằng chúng con cũng phải sống cho người khác, và Ngài cho chúng con nhiều giá trị, nhiều hướng đi, nhiều ơn và đặc sủng không dành riêng cho chúng con, nhưng để chia sẻ với những người xung quanh chúng con” (Tông huấn Christus Vivit, 286).

Đây là một điều rất đẹp mà các con có thể trao tặng cho thế giới. Hãy làm chứng rằng một “tình bạn xã hội” là có thể! Hãy đặt niềm hy vọng của các con vào một tương lai dựa trên văn hóa gặp gỡ, chấp nhận, huynh đệ và tôn trọng phẩm giá của mỗi người, đặc biệt là những người cần yêu thương và thấu hiểu nhất. Không cảm thấy cần phải tấn công hoặc khinh thường người khác, nhưng thay vào đó học cách chân nhận những món quà của họ.

Để thân xác sống được, chúng ta phải liên tục hít thở; đó là một điều chúng ta làm mà không nhận biết, theo cách tự nhiên là vậy. Để sống theo ý nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ này, chúng ta cũng cần phải học cách hít thở thiêng liêng, thông qua cầu nguyện và suy niệm, trong hoạt động hướng nội qua đó chúng ta có thể nghe tiếng Chúa nói với chúng ta trong sâu thẳm tâm hồn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần một hoạt động hướng ngoại, nhờ đó chúng ta tiếp cận được với những người khác trong các hoạt động yêu thương và phục vụ. Hoạt động kép này là điều giúp chúng ta có thể phát triển và khám phá được rằng chúng ta không những được Thiên Chúa yêu thương, mà Ngài còn kêu gọi mỗi người chúng ta đến với một sứ mạng và ơn gọi duy nhất. Chúng ta khám phá điều này đến mức độ chúng ta trao tặng chính mình cho người khác, cho những con người cụ thể.

Masako đã nói về tất cả những điều này từ kinh nghiệm riêng của bản thân khi còn là học sinh và là giáo viên. Bạn hỏi làm thế nào những người trẻ có thể được giúp đỡ để khám phá ra thiện tính và giá trị vốn có của họ. Ở đây một lần nữa, cha phải nói rằng để phát triển, để khám phá ra giá trị, thiện tính và vẻ đẹp bên trong của mình thì chúng ta không thể soi mình trong gương. Chúng ta đã phát minh ra tất cả các loại tiện ích, nhưng chúng ta vẫn không thể tự chụp ảnh linh hồn. Tạ ơn Chúa! Bởi vì để được hạnh phúc, chúng ta cần phải nhờ người khác giúp, để người khác chụp ảnh cho chúng ta. Chúng ta cần phải thoát ra khỏi chính mình để bước đến với người khác, đặc biệt là những người thiếu thốn nhất (x. Tông huấn Christus Vivit, 171). Cha yêu cầu chúng con hãy vươn bàn tay tình bạn cho những người đến miền đất này theo một cách đặc biệt; họ phải tìm kiếm nơi nương náu ở đất nước của chúng con, thường là sau những đau khổ lớn. Thật vậy, một nhóm nhỏ người tị nạn đang có mặt ở đây với chúng ta, và lòng tốt của các con dành cho họ sẽ cho thấy rằng họ không phải là người lạ lẫm. Chí ít, vì các con xem họ như những người anh chị em.

Một nhà giáo thông thái từng nói rằng chìa khóa để phát triển sự khôn ngoan không lệ thuộc quá nhiều vào việc tìm ra những câu trả lời đúng mà là tìm ra những câu hỏi đúng để hỏi. Không phải tất cả chúng con sẽ trở thành giáo viên như Masako, nhưng cha hy vọng rằng chúng con sẽ tiếp tục hỏi, và giúp những người khác đặt câu hỏi, những câu hỏi đúng về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta và về cách chúng ta có thể định hình cho một tương lai tốt đẹp hơn cho những người đến sau chúng ta.

Các bạn trẻ thân yêu, cha cảm ơn các con vì sự quan tâm đầy tình thân của chúng con, vì thời gian các con dành cho cha và vì sự chia sẻ những điều trong cuộc sống của chúng con. Đừng bao giờ ngã lòng hoặc từ bỏ những giấc mơ của chúng con. Hãy cung cấp cho chúng thật nhiều không gian, hãy mạnh dạn hướng nhìn về những chân trời rộng lớn và xem điều gì đang chờ đợi chúng con nếu chúng con khao khát cùng nhau đạt được chúng. Nước Nhật đang cần chúng con, và thế giới cần chúng con, hãy quảng đại, vui tươi và hăng hái, có khả năng chào đón mọi người. Cha cầu nguyện cho chúng con phát triển sự khôn ngoan tinh thần và khám phá ra con đường dẫn đến hạnh phúc thực sự trong cuộc sống này. Cha sẽ luôn nhớ đến chúng con trong lời cầu nguyện, và cha xin chúng con cũng hãy cầu nguyện cho cha.

Cha xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất và lời chúc lành của cha đến tất cả chúng con, và gia đình và bạn bè của chúng con.

Cảm ơn các con rất nhiều.

© Libreria Editrice Vatican

[01862-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/11/2019]