Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

Người đàn ông hét lớn tiếng bị cảnh sát Vatican và Vệ binh Thụy sĩ đưa ra khỏi buổi Tiếp Kiến chung

Người đàn ông hét lớn tiếng bị cảnh sát Vatican và Vệ binh Thụy sĩ đưa ra khỏi buổi Tiếp Kiến chung

Người đàn ông hét lớn tiếng bị cảnh sát Vatican và Vệ binh Thụy sĩ đưa ra khỏi buổi Tiếp Kiến chung

Một người đàn ông hét lớn tiếng trước Đức Giáo hoàng Phanxicô trong buổi Tiếp kiến chung bị đưa ra khỏi Khán phòng Phaolô VI, ngày 2 tháng Hai, 2022. | Daniel Ibáñez/CNA.


Blanca Ruiz

Vatican, 2 tháng Hai, 2022 / 13:50 pm


Hôm thứ Tư, Hiến binh Vatican và Vệ binh Thụy Sĩ đã đưa ra khỏi khán phòng tiếp kiến Phaolô VI một người đàn ông khoảng từ 40 đến 50 tuổi, thể hiện sự bất an, đã làm gián đoạn buổi Tiếp kiến chung của Đức Giáo hoàng Phanxicô bằng cách hét lên.

Nhiếp ảnh gia Daniel Ibáñez của EWTN News cho biết người đàn ông bắt đầu hét lên bằng tiếng Anh “đây không phải là giáo hội của Chúa” và sau đó nói bằng tiếng Ý: “không đeo khẩu trang trong nhà thờ nữa ... đây không phải là giáo hội của Chúa Giêsu ... Giáo hội là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền… Ông không phải là vua.”

Vào cuối bài giáo lý ngày 2 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến những gì đã xảy ra: “Cách đây vài phút, chúng ta nghe thấy một người la hét, hét lên, người này có vấn đề gì đó, tôi không biết đó là vấn đề thể chất, tâm lý, tinh thần: nhưng đó là một trong những người anh em của chúng ta đang gặp khó khăn,” ngài giải thích.

Đức Giáo hoàng cũng kêu gọi cầu nguyện cho người đàn ông.

Ngài nói: “Tôi muốn kết thúc bằng việc cầu nguyện cho anh ấy, người anh em đang đau khổ của chúng ta: nếu anh ấy hét lên thì đó là vì anh ấy đang đau khổ, anh ấy đang khó khăn. Chúng ta đừng làm ngơ trước sự khó khăn của người anh em này.”

Đức Giáo hoàng kết thúc bằng việc đọc Kinh Kính mừng cho người đàn ông, cùng với những người hành hương có mặt tại buổi Tiếp kiến chung.




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/2/2022]


Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 02 tháng 02, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 02 tháng 02, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 02 tháng 02, 2022

*****

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Giuse, tập trung vào chủ đề: “Thánh Giuse và sự hiệp thông của các thánh.”

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài ngỏ lời kêu gọi lên cộng đồng quốc tế cho nền hòa bình ở Myanmar, nhân Ngày Thế giới Tình huynh đệ Nhân loại lần thứ hai, được tổ chức vào thứ Sáu ngày 4 tháng Hai, và nhân dịp khai mạc Thế vận hội Mùa đông Olympic và người Khuyết tật ở Bắc Kinh.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

____________________________________


Bài Giáo lý về Thánh Giuse: 10. Thánh Giuse và sự hiệp thông của các thánh

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong những tuần qua chúng ta đã có thể đào sâu sự hiểu biết về Thánh Giuse, được hướng dẫn bởi một số thông tin ít ỏi nhưng quan trọng trong các Tin mừng, và bởi những khía cạnh về tính cách của ngài mà Giáo hội đã làm nổi bật lên trong suốt các thế kỷ qua lời cầu nguyện và lòng sùng kính. Bắt đầu chính từ sentire commune (“tình cảm chung”) của Giáo hội đã đi cùng với hình ảnh Thánh Giuse, hôm nay cha muốn tập trung vào một tín điều quan trọng làm phong phú đời sống Kitô giáo của chúng ta, và định hình cho mối tương quan của chúng ta với các thánh và những người thân yêu đã qua đời của chúng ta theo cách tốt nhất: cha muốn nói về sự hiệp thông của các thánh. Trong Kinh Tin Kính chúng ta đọc, “Tôi tin các thánh thông công.” Nhưng nếu anh chị em hỏi các thánh thông công (communion of saints) là gì, tôi nhớ khi còn nhỏ tôi thường trả lời ngay lập tức, “À, các thánh rước Mình Thánh.” (The saints receive Communion). Nó là một điều mà … chúng ta không hiểu chúng ta đang đọc gì. Các thánh thông công là gì? Đó không phải là các thánh rước Mình Thánh, không phải điều đó. Đó là điều khác.

Đôi khi, ngay cả Kitô giáo cũng có thể rơi vào những hình thức sùng kính dường như phản ánh một não trạng ngoại giáo hơn cả Kitô giáo. Sự khác biệt cơ bản là lời cầu nguyện của chúng ta và lòng sùng kính của người tín hữu không dựa trên sự tin tưởng đặt nơi một con người, một hình ảnh hoặc một vật thể, ngay cả khi chúng ta biết rằng chúng là thánh thiêng. Tiên tri Giêrêmia nhắc nhở chúng ta: “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, [...] Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa” (17: 5,7). Ngay cả khi chúng ta hoàn toàn tin cậy vào lời chuyển cầu của một vị thánh, hay thậm chí là lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, thì sự tin cậy của chúng ta chỉ có giá trị trong mối tương quan với Chúa Kitô. Con đường đến với vị thánh này hoặc đến với Đức Mẹ không kết thúc ở đó, không. Không phải ở đó, nhưng trong mối tương quan với Đức Kitô. Ngài là mối dây liên kết, Đức Kitô là mối dây liên kết chúng ta với Ngài và với nhau, và có một tên gọi cụ thể: mối dây liên kết tất cả chúng ta, giữa chúng ta và chúng ta với Đức Kitô, đó là “sự hiệp thông của các thánh”. Không phải các thánh là những người làm phép lạ! Không phải. Vị thánh này thật là phi thường…” Không, hãy dừng lại ở đó. Các thánh không làm phép lạ, mà chỉ có ân sủng của Thiên Chúa tác động qua các ngài. Phép lạ được thực hiện bởi Thiên Chúa, bởi ân sủng của Chúa hoạt động qua một con người thánh thiện, một người công chính. Điều này phải được làm rõ ràng. Có những người nói, “Tôi không tin vào Chúa, tôi không biết, nhưng tôi tin vị thánh này.” Không, điều này là sai. Thánh nhân là một người chuyển cầu, một người cầu nguyện cho chúng ta và chúng ta cầu nguyện với vị thánh, và ngài cầu nguyện cho chúng ta và Chúa ban cho chúng ta ân sủng: Thiên Chúa, qua vị thánh.

Vậy thì “sự hiệp thông của các thánh” là gì? Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo khẳng định: “Sự hiệp thông của các thánh là Hội thánh” (số 946). Đây là một định nghĩa rất đẹp! “Sự hiệp thông của các thánh là Giáo hội.” Điều này có nghĩa là gì? Có phải Giáo hội được dành riêng cho những con người hoàn hảo? Không. Nó có nghĩa là Giáo hội là một cộng đồng của những tội nhân được cứu độ [tiếng Ý: peccatori salvati]. Giáo hội là cộng đồng của những tội nhân được cứu độ. Định nghĩa này thật đẹp. Không ai có thể loại mình ra khỏi Giáo hội, tất cả chúng ta đều là những tội nhân được cứu độ. Sự thánh thiện của chúng ta là kết quả của tình yêu của Thiên Chúa được bày tỏ trong Đức Kitô, Đấng thánh hoá chúng ta bằng cách yêu thương chúng ta trong sự khốn khổ của chúng ta và cứu chúng ta thoát khỏi điều đó. Thánh Phaolô nói nhờ Người mà chúng ta tạo thành một thân thể duy nhất, trong đó Chúa Giêsu là đầu và chúng ta là chi thể (x. 1 Cr 12:12). Hình ảnh Thân thể Đức Kitô và hình ảnh thân thể này ngay lập tức làm cho chúng ta hiểu ý nghĩa của việc ràng buộc với nhau trong sự hiệp thông: Chúng ta lắng nghe những gì Thánh Phaolô nói: “Nếu một bộ phận nào đau,” Thánh Phaolô viết, “thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12:26-27). Đây là điều Thánh Phaolô nói: tất cả chúng ta là một thân thể, tất cả được hiệp nhất nhờ đức tin, qua Bí tích Rửa tội… Tất cả trong sự hiệp thông: hiệp nhất trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô. Và đây là sự hiệp thông của các thánh.

Anh chị em thân mến, niềm vui và nỗi buồn phiền chạm vào cuộc sống của tôi ảnh hưởng đến tất cả mọi người, cũng như niềm vui và nỗi buồn phiền chạm vào cuộc sống của anh chị em bên cạnh chúng ta cũng ảnh hưởng đến tôi. Tôi không thể thờ ơ với người khác, bởi vì tất cả chúng ta đều ở trong một thân thể, trong sự hiệp thông. Theo ý nghĩa này, ngay cả tội lỗi của một cá nhân cũng luôn ảnh hưởng đến mọi người, và tình yêu của mỗi cá nhân ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Nhờ sự hiệp thông của các thánh, sự kết hợp này, mọi thành phần của Giáo hội đều gắn bó với tôi một cách sâu xa. Nhưng tôi không nói “với tôi” bởi vì tôi là Giáo hoàng; [tôi nói] với mỗi người chúng ta, được liên kết, chúng ta được liên kết, và liên kết cách sâu xa, và mối liên kết này bền chặt đến mức nó không thể bị phá vỡ thậm chí bởi cái chết. Thậm chí cái chết. Thật vậy, sự hiệp thông của các thánh không chỉ liên quan đến những anh chị em đang ở bên cạnh tôi ngay tại thời điểm lịch sử này, hoặc những người đang sống trong thời điểm lịch sử này, mà còn là những người đã kết thúc hành trình của họ, cuộc hành hương trần thế và vượt qua ngưỡng cửa của cái chết. Họ cũng đang hiệp thông với chúng ta. Thưa anh chị em, chúng ta suy xét rằng trong Đức Kitô, không ai có thể tách chúng ta ra khỏi những người chúng ta yêu thương vì mối ràng buộc này là mối ràng buộc hiện sinh, mối ràng buộc bền chặt trong bản chất của chúng ta; chỉ có cách thức ở cùng với nhau thay đổi, nhưng không gì và không ai có thể phá vỡ mối ràng buộc này. “Thưa cha, chúng ta hãy nghĩ về những người đã chối bỏ đức tin, những người bỏ đạo, những kẻ bắt bớ Giáo hội, những người đã chối bỏ Phép Rửa của họ: [...]” Vâng, cả những người này. Tất cả bọn họ. Những người báng bổ, tất cả họ. Chúng ta là anh em. Đây là sự hiệp thông của các thánh. Sự hiệp thông của các thánh gắn kết cộng đồng các tín hữu trên dương thế và trên thiên đàng, và dưới đất, các thánh nhân, những người tội lỗi, tất cả.

Theo nghĩa này, mối tương quan tình bằng hữu mà tôi có thể xây dựng với một người em hay chị em bên cạnh tôi, tôi cũng có thể thiết lập với một người anh em hoặc chị em trên trời. Các thánh là những người bạn mà chúng ta thường thiết lập các mối tương quan thân thiện. Điều mà chúng ta gọi là lòng sùng kính đối với một vị thánh — “Tôi rất sùng kính vị thánh này hay vị thánh kia” — điều mà chúng ta gọi là lòng sùng kính thực ra là một cách thể hiện lòng yêu mến từ mối dây gắn kết chúng ta này. Cũng như vậy, trong cuộc sống hàng ngày, người ta có thể nói: “Người này có lòng sùng bái cha mẹ già như vậy”: không, đó là một cách yêu thương, một biểu hiện của lòng kính yêu. Và chúng ta đều biết rằng chúng ta luôn có thể hướng về một người bạn, đặc biệt là khi chúng ta gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ. Và chúng ta có những người bạn trên thiên đàng. Tất cả chúng ta đều cần bạn bè; tất cả chúng ta đều cần những mối tương quan có ý nghĩa để giúp chúng ta vượt qua cuộc sống. Chúa Giêsu cũng có những người bạn của Ngài, và Ngài hướng về họ vào những thời điểm mang tính quyết định nhất của kinh nghiệm làm người của Ngài. Trong lịch sử của Giáo hội, có một số điều bất biến đồng hành với cộng đoàn tín hữu: trước hết là tình cảm lớn lao và mối dây liên kết rất bền chặt mà Giáo hội luôn cảm nhận đối với Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Nhưng Giáo hội cũng dành sự tôn vinh và tình cảm đặc biệt cho Thánh Giuse. Sau cùng, Thiên Chúa giao phó cho ngài những gì quý giá nhất của Người: Con của Người là Chúa Giêsu và Mẹ Maria Đồng trinh. Luôn nhờ sự hiệp thông của các thánh mà chúng ta cảm nhận rằng các thánh nam nữ là những vị bổn mạng của chúng ta, gần gũi với chúng ta — vì tên mà chúng ta mang, vì Giáo hội mà chúng ta thuộc về, vì nơi chúng ta sống, v.v…, cũng như thông qua lòng sùng kính cá nhân. Và đây là sự tin tưởng luôn thúc đẩy chúng ta hướng về các ngài vào những thời điểm quyết định trong cuộc đời. Nó không phải là một loại phép thuật nào đó, không phải là mê tín dị đoan, đó là sự sùng kính đối với các vị thánh. Đó chỉ đơn giản là nói chuyện với một người anh, một người chị hiện diện trước mặt Chúa, người đã sống một cuộc sống công chính, một đời sống gương mẫu, và hiện đang ở trước mặt Chúa. Và tôi nói chuyện với người anh này, người chị này, và xin họ chuyển cầu cho những nhu cầu mà tôi có.

Chính vì lý do này, cha muốn kết thúc bài giáo lý này bằng một lời cầu nguyện với Thánh Giuse mà cha gắn bó cách đặc biệt và cha đọc hằng ngày trong hơn 40 năm qua. Đó là lời cầu nguyện cha tìm thấy trong một quyển sách cầu nguyện của các Nữ tu Chúa Giêsu và Mẹ Maria, từ những năm 1700, cuối thế kỷ thứ mười tám. Lời cầu nguyện rất đẹp, nhưng hơn cả một lời cầu nguyện, đó còn là một thách đố, đối với người bạn này, đối với người cha này, đối với vị bảo trợ chúng ta, là Thánh Giuse. Thật tuyệt vời nếu anh chị em có thể học và lặp lại lời cầu nguyện sau đây. Cha sẽ đọc lời cầu nguyện.

Lạy Thánh Giuse vinh hiển, quyền năng của ngài biến điều không thể thành có thể, xin đến để trợ giúp con trong những lúc đau khổ và khó khăn này. Xin đặt những tình huống nghiêm trọng và rắc rối mà con dâng lên dưới sự bảo vệ của ngài, để chúng có thể có một kết quả tốt đẹp. Lạy cha yêu quý của con, con đặt mọi sự tin tưởng của con ở cha. Con đặt mọi sự tin tưởng của con ở cha. Xin đừng để người ta nói rằng con cầu xin cha cách vô ích, và vì cha có thể làm mọi việc với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin hãy cho con thấy lòng tốt của cha cũng lớn lao như quyền năng của cha. Amen.

Và lời cầu nguyện kết thúc bằng một thách đố, đây là thách đố với Thánh Giuse: “Cha có thể làm mọi việc với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin hãy cho con thấy lòng tốt của cha cũng lớn lao như quyền năng của cha”. Đây là một lời cầu nguyện… tôi đã dâng mình cho Thánh Giuse mỗi ngày với lời cầu nguyện này trong hơn 40 năm qua: đó là một lời cầu nguyện xưa. Amen.

Cách đây vài phút, chúng ta nghe thấy một người la hét, hét lên, người này có vấn đề gì đó, tôi không biết đó là vấn đề thể chất, tâm lý, hay tinh thần: nhưng đó là một trong những người anh em của chúng ta đang gặp khó khăn. Tôi muốn kết thúc bằng việc cầu nguyện cho anh ấy, người anh em đang đau khổ của chúng ta: nếu anh ấy hét lên thì đó là vì anh ấy đang đau khổ, anh ấy đang khó khăn. Chúng ta đừng làm ngơ trước sự khó khăn của người anh em này. Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện lên Đức Mẹ cho anh ấy: Kính mừng Maria

Chúng ta hãy tiến bước, hãy can đảm, trong sự hiệp thông của tất cả các thánh chúng ta có trên thiên đàng và trên mặt đất: Chúa không bỏ rơi chúng ta. Cảm ơn anh chị em.

________________________________________

Lời kêu gọi

Trong một năm qua, chúng ta đau buồn chứng kiến bạo lực ở Myanmar. Tôi lặp lại lời kêu gọi của các giám mục Myanmar với cộng đồng quốc tế để làm việc cho sự hòa giải giữa các bên liên quan. Chúng ta không thể ngoảnh mặt trước nỗi đau khổ của quá nhiều anh chị em. Trong lời cầu nguyện chúng ta hãy xin Thiên Chúa an ủi dân tộc đau khổ này. Chúng ta phó thác những nỗ lực vì hòa bình lên Người.

*****

Hai ngày tới, ngày 4 tháng Hai, chúng ta sẽ kỷ niệm Ngày Quốc tế Tình Huynh đệ Nhân loại. Đó là một lý do để hài lòng rằng các dân tộc trên toàn thế giới cùng tham gia vào ngày kỷ niệm này, nhằm mục đích thúc đẩy đối thoại liên tôn và liên văn hóa, và cũng được kêu gọi trong Tài liệu về Tình Huynh đệ Nhân loại và về nền Hòa bình Thế giới và sự Chung sống, được ký ngày 4 tháng Hai năm 2019 ở Abu Dhaibi, bởi Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar, Muhammad Aḥmad al-Tayyib, và tôi. Tình anh em có nghĩa là tiến đến với người khác, tôn trọng họ và lắng nghe họ với một trái tim rộng mở. Tôi hy vọng rằng những bước đi cụ thể sẽ được thực hiện cùng nhau giữa các tín hữu và những tôn giáo khác, và với những người thiện chí, để khẳng định rằng ngày nay là thời đại của tình huynh đệ, tránh những đụng độ, chia rẽ, và đóng cửa. Chúng ta cầu nguyện và cam kết mỗi ngày để chúng tất cả chúng ta có thể sống trong hòa bình, như là những người anh chị em.

*****

Thế vận hội Mùa Đông Olympic và Người Khuyết tật sẽ được khai mạc ở Bắc Kinh ngày 4 tháng Hai và 4 tháng Ba. Tôi gửi lời chào nồng nhiệt đến tất cả những người tham gia. Tôi chúc các nhà tổ chức thành công và các vận động viên mọi điều tốt đẹp nhất. Với ngôn ngữ phổ quát, thể thao có thể xây dựng những cầu nối của tình bạn và tình liên đới giữa các cá nhân và dân tộc thuộc tất cả các nền văn hóa và tôn giáo. Vì thế tôi đánh giá cao khẩu hiệu của Olympic lịch sử “Citius, Altius, Fortius” — nghĩa là “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” — Ủy ban Olympic Quốc tế đã thêm vào từ “communiter”, nghĩa là “cùng nhau”: để Thế vận hội Olympic có thể mang đến một thế giới huynh đệ hơn. Cùng nhau.

Tôi có suy nghĩ đặc biệt về thế vận hội người Khuyết tật: chúng ta sẽ cùng nhau giành được huy chương quan trọng nhất, nếu tấm gương của các vận động viên khuyết tật giúp tất cả mọi người vượt qua các định kiến và nỗi sợ hãi và làm cho các cộng đồng của chúng ta trở nên chào đón hơn và hòa nhập hơn. Đây là huy chương vàng thực sự. Tôi cũng theo dõi với sự chú ý và xúc động về những câu chuyện cá nhân của các vận động viên tị nạn. Mong rằng những lời chứng của họ sẽ giúp khuyến khích các xã hội dân sự mở ra niềm tin lớn mạnh hơn bao giờ hết cho tất cả mọi người, không bỏ rơi ai ở phía sau. Tôi cầu chúc cho đại gia đình Olympic và Paralympic có một trải nghiệm độc đáo về tình anh em và hòa bình của con người: phúc cho những ai xây dựng hòa bình!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/2/2022]