Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Đức Thánh Cha tiếp tục giảng dạy về việc cầu nguyện trong buổi Tiếp Kiến Chung (Toàn văn)

Đức Thánh Cha tiếp tục giảng dạy về việc cầu nguyện trong buổi Tiếp Kiến Chung (Toàn văn)
© Vatican Media

Đức Thánh Cha tiếp tục giảng dạy về việc cầu nguyện trong buổi Tiếp Kiến Chung (Toàn văn)

‘Lời cầu nguyện của người công chính’

27 tháng Năm, 2020 16:20

Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 sáng trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican.

Tiếp tục loạt giáo lý về việc cầu nguyện, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy tư chủ đề: “Lời cầu nguyện của người công chính” (Tv 17:1-3.5).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Chúng ta dành riêng bài giáo lý hôm nay nói về lời cầu nguyện của người công chính.

Chương trình của Thiên Chúa cho nhân loại là tốt lành nhưng trong các hoạt động hàng ngày, chúng ta có kinh nghiệm về sự hiện hữu của sự dữ: đó là một kinh nghiệm hàng ngày. Những chương đầu tiên của Sách Sáng thế mô tả sự lan rộng ngày càng nhiều tội lỗi trong hoạt động của con người. Ađam và Eva (x. St 3:1-7) nghi ngờ về những dự định tốt lành của Thiên Chúa, nghĩ rằng đó là ý định của Thiên Chúa ghen tuông ngăn cản niềm hạnh phúc của họ. Từ đó sinh ra sự nổi loạn: tôi không còn tin vào một Đấng Tạo hóa quảng đại khao khát hạnh phúc cho họ. Đầu hàng trước cám dỗ của Ác thần, tâm hồn họ bị vây kín bởi những ảo tưởng về quyền năng vô biên: “Nếu ông bà ăn trái cây biết mọi sự đó, ông bà sẽ trở nên như Thiên Chúa” (x. c. 5). Và đây là cám dỗ; đây là sự tham vọng xâm nhập vào tâm hồn. Tuy nhiên, trải nghiệm đó đi theo hướng ngược lại: mắt họ mở ra và họ thấy mình trần truồng (c. 7), chẳng có gì cả. Đừng quên điều này: tên cám dỗ là một kẻ trả công rất tệ; hắn trả công vô cùng tệ.

Sự dữ bùng lên dữ dội hơn với thế hệ thứ hai của con người, nó mạnh mẽ hơn: đó là câu chuyện của Cain và Aben (x. St 4:1-16). Cain ghen tức với em trai của mình: đó là con sâu của lòng ghen tuông. Dù anh ta là con đầu lòng, anh ta lại xem Aben như là địch thủ, là người làm xói mòn sự riêng tư của anh ta. Sự dữ xuất hiện trong lòng anh ta và Cain không thể khống chế được nó. Sự dữ bắt đầu len lỏi vào tâm hồn: những suy nghĩ về người kia luôn luôn tiêu cực, đầy nghi ngờ. Và điều này cũng xảy ra với ý nghĩ rằng: “ này thì ác, hắn ta sẽ làm hại mình.” Và tư tưởng này đi vào tâm hồn … Và vì thế câu chuyện của tình anh em đầu tiên kết thúc với tội giết người. Cha nghĩ đến tình huynh đệ con người ngày nay … chiến tranh ở khắp nơi.

Những thủ đoạn và mưu mẹo của dòng giống Cain phát triển, và bạo lực cũng phát triển, được diễn tả bởi bài tụng ca báo điềm xấu của Laméc, nghe nó giống như một bài bi ca phục hận: “Vì một vết thương, ta đã giết một người, vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ. [...] Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng Laméc thì gấp bảy mươi bảy!” (St 4:23-24). Sự trả thù: “Hắn đã làm điều đó hắn sẽ phải trả giá cho nó.” Tuy nhiên, vị thẩm phán lại không nói điều này, chỉ tôi nói điều này thôi. Và tôi tự đặt mình ở vị trí quan tòa cho tình huống. Và vì thế sự dữ lan tràn như một vết dầu loang, cho đến khi nó phủ hết toàn bức tranh: “Đức Chúa thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày” (St 6:5). Bức bích họa của trận đại hồng thủy trên toàn cõi đất (các chương 6-7) và của Tháp Baben (chương 11) cho thấy rằng cần phải có một sự khởi đầu mới, giống như một công trình tạo dựng mới sẽ được kiện toàn trong Đức Giêsu Kitô.

Tuy nhiên, trong những trang đầu của Kinh Thánh có một câu chuyện khác được viết lên, ít được chú ý hơn, khiêm tốn và chân thành hơn đại diện cho sự cứu thoát của hy vọng. Nếu hầu như tất cả mọi người đều cư xử tàn nhẫn, biến lòng thù hận và sự xâm chiếm trở thành cỗ máy vĩ đại cho hoạt động của con người, thì vẫn có những con người có khả năng cầu nguyện chân thành với Thiên Chúa, có khả năng viết lên vận mệnh của con người theo một hướng khác. Aben dâng lên Thiên Chúa của lễ là hoa trái đầu mùa. Sau khi cậu chết, Ađam và Eva có người con trai thứ ba, là Sết, từ đó sinh ra Enót (có nghĩa là “ắt phải chết”), và kể rằng: “Bấy giờ, người ta bắt đầu kêu cầu danh Đức Chúa” (4:26). Rồi Enót xuất hiện, là người “đi với Thiên Chúa” và được đưa về Trời (x. 5:22.24). Và cuối cùng là câu chuyện của Nôê, một người công chính cùng “đi với Thiên Chúa” (6:9) mà nhờ ông Thiên Chúa đã rút lại ý định tiêu diệt con người (x. 6:7-8).

Đọc những câu chuyện này, chúng ta có cảm giác rằng lời cầu nguyện như là bờ đê che chắn, là nơi nương náu của con người trước cơn sóng của sự dữ dâng tràn trên thế gian. Trong phạm vi gần hơn, chúng ta cũng cầu nguyện để được giải thoát khỏi cái tôi của mình. Cần phải cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin hãy giải thoát con khỏi bản ngã của con, khỏi những tham vọng, khỏi những đam mê. Con người cầu nguyện của những trang đầu tiên trong Kinh Thánh là những người xây dựng hòa bình. Thật vậy, khi lời cầu nguyện thật chân thành, nó sẽ giải phóng chúng ta khỏi những bản năng của tính bạo lực, và hướng nhìn về Chúa, để Người sẽ đoái trông đến và chăm sóc cho tâm hồn con người. Chúng ta đọc thấy trong Giáo lý: “Nhiều người công chính thuộc tất cả các tôn giáo sống con đường cầu nguyện như vậy” (CCC, 2569). Cầu nguyện gieo trồng những luống hoa tái sinh ở những nơi mà lòng thù hận con người chỉ mở rộng thêm sa mạc. Và cầu nguyện có sức mạnh rất lớn, vì nó hút lấy sức mạnh của Thiên Chúa và sức mạnh của Thiên Chúa luôn luôn tạo sinh sự sống — luôn luôn. Người là Thiên Chúa của sự sống, và Người làm hồi sinh. Ta thấy tại sao uy quyền của Chúa truyền đi trong chuỗi dây liên kết những con người nam và nữ này, thường bị hiểu lầm hoặc bị gạt ra bên lề trên thế gian. Nhưng thế gian sống và phát triển nhờ sức mạnh của Chúa, điều mà những người tôi tớ của Ngài thu hút bằng lời cầu nguyện của họ. Họ hoàn toàn không phải là chuỗi liên kết ồn ào, hiếm khi có sự chú ý của báo chí, nhưng là vô cùng quan trọng để khôi phục lại lòng tin trên thế giới! Cha nhớ câu chuyện của một người đàn ông: một nhà lãnh đạo quan trọng của chính phủ, không thuộc thời đại này, nhưng trong quá khứ; một người vô thần hoàn toàn không có ý thức về tôn giáo trong lòng, nhưng khi còn bé đã nghe thấy người bà của ông cầu nguyện, và điều đó đọng lại trong lòng ông. Và trong một thời khắc khó khăn của cuộc sống, ký ức đó ùa về trong tâm hồn và ông nói: “Nhưng bà của ta đã cầu nguyện …” Vì thế ông bắt đầu cầu nguyện theo những công thức của người bà và ông đã tìm thấy Chúa Giêsu ở đó. Cầu nguyện là một chuỗi liên kết của cuộc sống — luôn luôn. Rất nhiều người nam và nữ cầu nguyện gieo mầm sự sống. Cầu nguyện gieo mầm sống, một lời cầu nguyện nhỏ bé; vì thế, dạy cho trẻ nhỏ cầu nguyện là rất quan trọng. Điều làm cha đau đớn là khi cha gặp những trẻ em không biết cách làm dấu thánh giá. Rất cần phải dạy chúng làm dấu thánh giá đúng cách, vì đó là lời cầu nguyện đầu tiên. Trẻ em học cầu nguyện là rất quan trọng. Sau này, có thể chúng quên, đi theo con đường khác; tuy nhiên, những lời cầu nguyện đầu đời học được khi còn bé lưu lại trong lòng, vì chúng là một hạt mầm của sự sống, một hạt mầm của sự đối thoại với Thiên Chúa. Hành trình của Chúa trong lịch sử truyền qua chúng: nó đã truyền qua một “dấu tích” của nhân loại, là điều đã không đi theo luật của kẻ mạnh nhất, nhưng xin Chúa kiện toàn những phép lạ của Người, đặc biệt là biến đổi những con tim bằng đá thành những con tim bằng thịt (x. Ed 36:26). Và điều này giúp lời cầu nguyện hữu hiệu, vì cầu nguyện mở ra cánh cửa đến với Thiên Chúa để biến đổi tâm hồn chúng ta, rất thường khi là bằng đá, trở thành tâm hồn của con người. Và đang cần thật nhiều nhân tính, và với nhân tính chúng ta sẽ cầu nguyện hữu hiệu.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Tiếng Ý

Cha chào các tín hữu nói tiếng Ý. Hai ngày nữa chúng ta sẽ cử hành phụng vụ Lễ nhớ Thánh Giáo hoàng Phaolô VI. Ước mong tấm gương của vị Giám mục Roma này, Đấng đã tiến lên đỉnh cao của sự thánh thiện, động viên mỗi người chúng ta quảng đại ôm lấy những lý tưởng rao giảng phúc âm.

Suy nghĩ cha hướng về các ông bà cao tuổi, các bạn trẻ, các bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Trong không khí chuẩn bị cho Đại Lễ Chúa Thánh Thần gần đến, cha kêu gọi anh chị em hãy luôn vâng nghe hoạt động của Chúa Thánh Thần, để đời sống anh chị em luôn được nồng ấm và được soi sáng bởi tình yêu mà Thần Khí Chúa rót đổ trong tâm hồn. Cha ban phép lành cho tất cả anh chị em!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/5/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico hồi tưởng lại thời học lớp 6

Đức Thánh Cha Phanxico hồi tưởng lại thời gian học lớp 6

Đức Thánh Cha Phanxico hồi tưởng lại thời học lớp 6
© AFP PHOTO/Bergoglio family

25 tháng Năm, 2020

Kể lại việc học từ các thầy dòng Salêdiêng cách để thưởng thức cái đẹp, việc làm, và niềm vui.

Có lẽ cũng chẳng có gì sai khi nói rằng vị Giáo hoàng dòng Tên của chúng ta cũng mang gốc tích của Dòng Salêdiêng. Đức Thánh Cha Phanxico nhắc thoáng qua về điều này hôm Chúa nhật, ngày 24 tháng Năm, Lễ Mẹ Maria hằng cứu giúp người Kitô hữu, và cũng là ngày lễ quan trọng của Dòng Salêdiêng.

Ngài nói trong giờ đọc Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng trong Thư viện của Điện Tông tòa: “Hôm nay là Ngày kính Mẹ Maria hằng cứu giúp người Kitô hữu, xin gửi lời chào thân ái và nồng ấm đến các nam nữ tu sĩ Dòng Salêdiêng. Với lòng tri ân, cha nhớ đến sự đào tạo thiêng liêng mà cha nhận đón được từ những người con của Thánh Don Bosco.”

Đức Thánh Cha không đề cập trực tiếp, nhưng ngài hàm ý về năm 1949 khi ngài và người em trai, Oscar, đăng ký học nội trú tại trường Colegio Wilfrid Barón de los Santos Ángeles do Dòng Salêdiêng điều hành tại Ramos Mejía.

Đức Thánh Cha trong trường Salêdiêng

Mẹ Maria Đồng trinh, với tước hiệu Maria Mẹ hằng cứu giúp người Kitô ‘hữu, là bổn mạng của Dòng Salêdiêng Don Bosco, dòng tu do Thánh Don Bosco thành lập năm 1859 tại thành phố Turin miền bắc nước Ý, để phục vụ thanh thiếu niên.

Vương cung Thánh đường Mẹ Maria hằng trợ giúp người Kitô hữu của thành phố, là đền thờ do chính Thánh Don Bosco ủy thác, vẫn duy trì là trung tâm của Dòng Salêdiêng Don Bosco.

Nhận xét của đức Giáo hoàng người Argentina hôm Chúa nhật không phải là lần đầu tiên ngài nói về ảnh hưởng của Dòng Salêdiêng Don Bosco đối với tuổi thơ của ngài.

Turin, 22 tháng Sáu, 2015

Đức Thánh Cha Phanxico đã đến thăm Turin ngày 21-22 tháng Sáu năm 2015, nhân dịp đó ngài đã cùng tham dự kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Thánh Don Bosco với dòng Salêdiêng, thánh nhân sinh ngày 16 tháng tám năm 1815, và qua đời ngày 31 tháng Một năm 1888. ‎

Trong chuyến thăm, Đức Giáo hoàng gặp gỡ các tu sĩ Dòng Salêdiêng, trong đó có Dòng Con cái Đức Mẹ hằng cứu giúp người Kitô hữu, được gọi là các nữ tu Salêdiêng, mà Thánh Don Bosco cùng thành lập với Dòng Thánh Mary Mazzarello.

Khi nói về sứ mạng của Thánh Don Bosco với giới trẻ, Đức Thánh Cha nhắc lại những kỷ niệm tuổi thơ đáng yêu về sự gần gũi của gia đình với Dòng Salêdiêng, và khi thân mẫu ngài bị bệnh, ngài được rút ra khỏi trường công để học một năm với các thầy Dòng Salêdiêng.

Đức Thánh Cha nói rằng ngài đã lớn lên rất gắn bó với cộng đoàn Salêdiêng trong một năm ngài ở với họ, và đặc biệt một vị linh mục đã đồng hành với ngài từ khi Rửa tội đến lúc nhận ra ơn gọi của ngài, đồng hành cùng ngài đến bước cuối cùng trên hành trình vào Dòng Tên.

Các linh mục Dòng Salêdiêng được Đức Thánh Cha đặc biệt nhớ đến là Cha Enrico Pozzoli và Cha Cayetano Bruno.

“Tông huấn Evangelii gaudium với Thánh Gioan Bosco”

Tháng Một năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxico viết lời tựa cho quyển sách “Evangelii gaudium con don Bosco” (Tông huấn Evangelii gaudium với Thánh Gioan Bosco), một tổng hợp những suy tư của 25 thành viên gia đình Salêdiêng.

Bình luận về tinh thần vui vẻ của Thánh Don Bosco, bất chấp hàng ngàn “khó khăn bủa vây ngài mỗi ngày,” Đức Thánh Cha nhớ lại sự liên đới của ngài với Dòng Salêdiêng khi còn là một cậu bé ở Argentina.

Ngài viết trong lời tựa, trong thời gian học trong trường Salêdiêng ngài đã tìm thấy cùng “không khí vui vẻ và gia đình” đó. Ngài nói các tu sĩ Dòng Salêdiêng đã huấn luyện cho ngài biết thưởng thức cái đẹp, việc làm, và sự vui vẻ – và ngài nói với các tu sĩ Salêdiêng, “đây là ơn gọi của anh chị em.”



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/5/2020]