Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Cố gắng đi vào cửa hẹp để lên Thiên đàng (TOÀN VĂN)

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Cố gắng đi vào cửa hẹp để lên Thiên đàng (TOÀN VĂN)
Angelus - Copyright: Vatican Media

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Cố gắng đi vào cửa hẹp để vào Thiên đàng (TOÀN VĂN)

“Nhưng thưa Chúa con là một phần trong hội đoàn đó, là bạn của đức ông, của đức hồng y đó, của nhóm đó, của linh mục kia.” Tước hiệu không có giá trị. Chúa chỉ nhận ra chúng ta qua … một đời sống đức tin’

25 tháng Tám, 2019 12:20

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, trước và sau giờ Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *

Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Tin mừng hôm nay (Lc 13:22-30), trình bày cho chúng ta việc Chúa Giê-su đi và giảng dạy trong các thành thị và làng mạc, trên hành trình lên Giê-ru-sa-lem, là nơi Ngài biết rằng Ngài phải hy sinh trên thập giá để cứu độ mọi người. Trong chuỗi sự kiện này, một người đặt ra cho Chúa một câu hỏi rằng: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” (c. 23). Đó là vấn đề được tranh cãi vào thời điểm đó, và có những cách giải thích Kinh Thánh khác nhau liên quan đến vấn đề này. Nhưng Chúa Giê-su lại đảo ngược vấn đề – vì câu hỏi đó tập trung nhiều hơn vào số lượng: “Số người được cứu thì ít phải không? …” – và thay vì vậy Ngài đặt lại câu trả lời trên mức độ trách nhiệm, mời gọi chúng ta hãy sử dụng thời gian hiện tại thật tốt. Thật vậy, Ngài nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (c. 24).

Với những lời này, Chúa Giê-su cho thấy rõ rằng nó không phải là một câu hỏi về số lượng, không có “chỉ tiêu” trong Thiên Đàng! Nhưng nó là một câu hỏi về việc đi trên con đường ngay thẳng, nó dành cho mọi người, nhưng nó là con đường hẹp. Đó là vấn đề. Chúa Giê-su không lừa dối chúng ta bằng cách nói rằng: “Đúng vậy, cứ thoải mái đi, nó rất dễ, có một đại lộ thênh thang rất đẹp và ở cuối đường là một cánh cửa rộng …” Không phải vậy, Chúa Giê-su nói cho chúng ta những điều theo đúng bản chất của chúng: con đường thì hẹp. Người có ý nói gì? Theo ý nghĩa để được ơn cứu độ, chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, và điều này thì không … dễ dàng! Nó là một “cửa hẹp” vì nó đòi hỏi nhiều, nó đòi hỏi sự cam kết, thật vậy, tức là “cố gắng thật nhiều,” một ý chí kiên định và gan lỳ sống theo Tin mừng. Thánh Phaolo gọi nó là “cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin” (1 Tm 6:12).

Và để giải thích ý của Ngài rõ hơn, Chúa Giê-su kể một dụ ngôn. Có một chủ nhà, đại diện cho Thiên Chúa. Nhà của ông tượng trưng cho đời sống trường tồn, đó là ơn cứu độ. Và đến đây hình ảnh của cánh cửa quay trở lại. Chúa Giê-su kể: “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’ thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!” (c. 25). Những người này sau đó cố gắng chứng minh rằng ông chủ biết họ, nhắc cho ông chủ biết rằng họ đã cùng ăn và uống và rằng họ đã lắng nghe những lời giảng dạy của ông trên đường phố (c. 26). Nhưng Chúa lặp lại rằng Người không biết họ, và gọi họ là “những quân làm điều bất chính.” Đây là vấn đề! Thiên Chúa sẽ không nhận biết chúng ta vì những danh hiệu chúng ta có … Nhưng thưa Chúa con là một phần trong hội đoàn đó, là bạn của đức ông, của đức hồng y đó, của nhóm đó, của linh mục kia. Tước hiệu không có giá trị. Chúa chỉ nhận ra chúng ta qua đời sống tốt lành và khiêm nhường, một đời sống đức tin được chuyển thành hành động.

Đối với người Ki-tô hữu chúng ta, điều này có nghĩa là chúng ta được kêu gọi để thiết lập một sự thông hiệp thật sự với Chúa Giê-su, cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, đến với các Bí tích và nuôi dưỡng bản thân bằng Lời Người. Việc này giữ gìn chúng ta vững vàng trong đức tin, nuôi dưỡng niềm hy vọng của chúng ta, làm hồi sinh lại đức ái. Và từ đó, với ơn của Chúa, chúng ta có thể và phải sống đời sống vì sự tốt lành của anh em chúng ta, chiến đấu chống lại mọi hình thức của sự ác và bất công.

Xin Mẹ Maria Đồng Trinh giúp chúng ta trên con đường này. Mẹ đã đi qua cửa hẹp, đó là Chúa Giê-su. Mẹ chào đón Người hết lòng hết trí và theo chân Người mọi ngày trong đời Mẹ, ngay cả khi Mẹ chẳng hiểu rõ, thậm chí cả khi một lưỡi gươm đâm thâu trái tim Mẹ. Vì lý do này, chúng ta hãy khẩn xin Mẹ như là “Cánh Cửa Thiên Đàng”; một cánh cửa đi theo trọn vẹn con đường của Chúa Giê-su: cánh cửa của thánh tâm Chúa, đòi hỏi cố gắng, nhưng mở ra cho tất cả mọi người.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của phóng viên Vatican cấp cao Deborah Castellano Lubov của ZENIT]



Sau Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến,

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương.

Đặc biệt cha gửi lời chào cộng đoàn Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ, đặc biệt là những tân khoa, những tân chủng sinh, với những lời cầu nguyện cho ơn gọi của họ. Cha gửi lời chào giới trẻ của Azione Cattolica (Công giáo Tiến hành) từ giáo phận Bologna; các thiếu niên nam của ban giúp lễ Rovato, thuộc giáo phận Brescia; và từ Ponte Nossa, thuộc giáo phận Bergamo.

Tất cả chúng ta đều lo lắng về những đám cháy khổng lồ đã lan rộng trong vùng Amazon. Chúng ta hãy cầu nguyện, bằng sự cam kết của mọi người, để những đám cháy này được dập tắt càng nhanh càng tốt. ‘Lá phổi rừng’ là yếu tố sống còn cho hành tinh của chúng ta.

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật tốt lành. Và đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của phóng viên Vatican cấp cao Deborah Castellano Lubov của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/8/2019]


Thông cáo báo chí chung của Nhóm Làm việc Việt Nam – Tòa Thánh



Thông cáo báo chí chung của Nhóm Làm việc Việt Nam – Tòa Thánh
St. Joseph's Cathedral - Hanoi, Vietnam - Wikimedia Commons

Thông cáo báo chí chung của Nhóm Làm việc Việt Nam – Tòa Thánh

Nhóm họp các ngày 21-22 Tháng Tám tại Vatican

23 tháng Tám, 2019 16:07


Một cuộc họp của Nhóm Làm việc Việt Nam – Tòa Thánh đã diễn ra trong các ngày 21-22 tháng Tám năm 2019 trong Thành Vatican. Ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, dẫn đầu phái đoàn Việt Nam, và Đức ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng Ngoại giao, dẫn đầu phái đoàn Tòa Thánh, cùng đồng chủ tọa cuộc họp.

Hai phái đoàn đã có những cuộc thảo luận sâu về những mối quan hệ giữa Việt Nam – Tòa Thánh, bao gồm các vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo ở Việt Nam. Cả hai bên đều cho thấy sự hài lòng về những phát triển tích cực trong các mối quan hệ song phương trong những năm gần đây, đặc biệt là những liên lạc thường xuyên giữa hai bên theo sau cuộc họp lần thứ bảy của nhóm làm việc chung Việt Nam – Tòa Thánh diễn ra tại Hà Nội vào tháng Mười Hai năm 2018 và những hội đàm giữa Nhóm Làm Việc Liên ngành Việt Nam và Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Không Thường trực của Giáo hoàng tại Việt Nam.

Phái đoàn Việt Nam lặp lại rằng Nhà nước Việt Nam đã và đang nâng cao việc thi hành chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo vệ sự tự do niềm tin và tôn giáo, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động và sự phát triển của cộng đồng Công giáo ở Việt Nam. Tòa Thánh bày tỏ sự đánh giá cao đối với sự hỗ trợ của Nhà nước cho Giáo hội Công giáo, và tái khẳng định mong muốn của người tín hữu Công giáo sống theo ơn gọi trở thành người Công giáo tốt và công dân tốt để góp phần tích cực cho công cuộc phát triển và sự thịnh vượng của Việt Nam, trung thành với giáo huấn của Giáo hội và tôn trọng luật pháp của đất nước.

Hai phái đoàn cũng thảo luận về những vấn đề liên quan đến tình hình hội thánh tại Việt Nam. Họ đạt được thỏa thuận về những con đường thúc đẩy nhiều hơn các mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh trong tương lai gần, và đặc biệt là những nguyên tắc chính đặt nền tảng cho những Quy tắc về tình trạng của Đại diện Giáo hoàng Thường trực và Văn phòng Đại diện Giáo hoàng Thường trực tại Việt Nam, hướng đến việc thiết lập Văn phòng trong một ngày gần nhất có thể.

Cả hai phía cũng bày tỏ cam kết tiếp tục đối thoại dựa trên lòng tin và tôn trọng những nguyên tắc hai bên cùng đồng thuận liên quan đến những mối quan hệ song phương. Họ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy thêm những sự liên hệ, bao gồm các cấp cao, giữa hai bên.

Nhân chuyến viếng thăm đến Vatican, phái đoàn Việt nam có cơ hội được Tiếp kiến với Đức Thánh Cha Phanxico và chuyến thăm ngoại giao với Đức Hồng y Phê-rô Parolin Quốc Vụ khanh, và Đức Tổng Giám mục Phaolo Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao. Những cuộc gặp gỡ này diễn ra trong không khí thân mật của thiện chí và sự tôn trọng lẫn nhau.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/8/2019]