Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Đức Thánh Cha thúc giục các bác sĩ Công giáo hãy nhớ cách Chúa Giê-su chữa lành

Đức Thánh Cha thúc giục các bác sĩ Công giáo hãy nhớ cách Chúa Giê-su chữa lành
© Vatican Media

Đức Thánh Cha thúc giục các bác sĩ Công giáo hãy nhớ cách Chúa Giê-su chữa lành

Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Y khoa Công giáo ở Roma tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giê-su

24 tháng Sáu, 2019 01:23

Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra lời khuyên cho các bác sĩ ngày 22 tháng Sáu năm 2019: hãy nhớ cách Chúa Giê-su chữa lành.

Những lời của Đức Thánh Cha trong khán phòng Sala Regia của Điện Tông Tòa Vatican, tại đây ngài tiếp các thành viên của Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Y khoa Công giáo (FIAMC), họp tại Roma để cử hành sự tận hiến của Liên đoàn cho Thánh Tâm Chúa Giê-su (Đại học Giáo hoàng Urban, từ 21 đến 22 tháng Sáu, 019).

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng những Ki-tô hữu tiên khởi thường miêu tả Chúa Giê-su như một thầy thuốc, như một người chữa lành cho các người bệnh. Và quan tâm chăm sóc cho người bệnh là một hoạt động trung tâm trong đời sống công khai của Chúa Giê-su. Chữa lành bao gồm việc chữa những căn bệnh về thể lý — và trừ quỷ cho những người đã bị quỷ ám. Nhưng không chỉ là việc Chúa làm nhưng chính là cách Chúa làm việc đó, Đức Thánh Cha nói.

“Cách Chúa Giê-su chăm sóc cho người bệnh và người đau khổ cũng rất quan trọng,” Đức Phanxico nói. “Người thường chạm đến những người này và cho phép mình được đụng chạm đến bởi họ, ngay cả trong những trường hợp bị coi là không được phép … Với Chúa Giê-su, chữa lành có nghĩa là đến gần với con người, cho dù có những lúc có người ngăn cản không cho Ngài làm việc đó, như trong trường hợp anh mù Ba-ti-mê, trong thành Giê-ri-cô.

“Cuối cùng, việc chăm sóc của Chúa Giê-su cũng đồng nghĩa với việc trỗi dậy và sai đi theo con đường của Ngài đối với những người được Ngài đụng chạm đến và chữa lành. Có nhiều người bệnh sau khi được Chúa Ki-tô chữa lành đã trở thành môn đệ và những người đi theo Ngài.”

Đức Thánh Cha công nhận những tiến bộ to lớn trong việc chăm sóc y tế trong thế kỷ qua. Nhưng ngài nhắc nhở những người hiện diện rằng trong cách điều trị thì phần thuộc về con người vẫn như vậy.

“Anh chị em được kêu gọi có sự chăm sóc dịu dàng và tôn trọng phẩm giá và tính toàn vẹn về thể lý và tinh thần của con người,” Đức Thánh Cha nói với các bác sĩ. “Anh chị em được kêu gọi phải biết chăm chú lắng nghe, trả lời bằng ngôn ngữ phù hợp, đi kèm với những cử chỉ chăm sóc, làm cho họ cảm nhận tình người hơn và từ đó đạt hiệu quả hơn. Anh chị em được kêu gọi hãy động viên, an ủi, vực dậy, trao niềm hy vọng. Không thể chăm sóc và chữa lành một người nếu không có hy vọng; về vấn đề này, tất cả chúng ta đều cần có và cảm tạ Chúa, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng. Nhưng cũng tri ân những người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu y khoa.”

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người hiện diện:



Diễn từ của Đứ Thánh Cha

Thưa đức Hồng y

Thưa ông Chủ tịch

Anh chị em thân mến!

Tôi xin chào mừng anh chị em và tôi cảm ơn Đức Hồng y Turkson vì những lời của ngài. Tôi rất trân trọng điều đó, trong cuộc họp này, anh chị em mong muốn thực hiện một hành động đặc biệt là Tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giê-su, và tôi sẽ dâng lời cầu nguyện để công việc trở nên đầy hoa trái cho anh chị em. Tôi muốn chia sẻ một vài suy tư đơn sơ với anh chị em.

Những Ki-tô hữu tiên khởi thường miêu tả Chúa Giê-su như một “thầy thuốc”, luôn đặt nặng vào sự quan tâm chú ý, đầy lòng trắc ẩn, mà Ngài dành cho những người chịu đau khổ ở mọi giai đoạn của căn bệnh. Sứ vụ của Ngài trên hết bao gồm sự gần gũi với người bệnh và những người chịu sự khuyết tật, đặc biệt là những người do tình trạng khuyết tật mà bị khinh bỉ hoặc bị gạt ra bên lề. Bằng cách này, Chúa Giê-su phá đổ cách phán xét kết án thường gán cho người bệnh một cái nhãn là người tội lỗi; qua sự gần gũi đầy lòng trắc ẩn như vậy, Người bày tỏ tình yêu vô biên của Chúa Cha dành cho những đứa con thiếu thốn nhất của Người.

Vì vậy, sự quan tâm chăm sóc cho người bệnh là một trong những chiều kích căn bản của sứ mạng của Đức Ki-tô; và vì lý do này, việc đó vẫn liên tục duy trì trong sứ mạng của Giáo hội. Trong các Tin mừng có thể thấy rõ một sự liên kết giữa việc giảng dạy của Đức Ki-tô và những việc chữa lành mà Ngài thực hiện cho những người “mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt” (Mt 4: 24).

Cách Chúa Giê-su chăm sóc cho người bệnh và người đau khổ cũng rất quan trọng. Người thường chạm đến những người này và cho phép mình được đụng chạm đến bởi họ, ngay cả trong những trường hợp bị coi là không được phép. Chẳng hạn, Người làm điều này với người phụ nữ đã nhiều năm bị băng huyết: Người cảm nhận rằng Người bị đụng chạm đến, Người nhận thấy sức mạnh chữa lành thoát ra từ Người, và khi người đàn bà đó quỳ xuống thú nhận những gì bà đã làm, Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy đi bình an (Lc 8: 48).

Với Chúa Giê-su, chữa lành có nghĩa là đến gần với con người, cho dù có những lúc có người ngăn cản không cho Ngài làm việc đó, như trong trường hợp anh mù Ba-ti-mê, trong thành Giê-ri-cô. Chúa Giê-su cho gọi anh ta lại và hỏi anh ta, “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10: 51). Có lẽ hơi ngạc nhiên vì “người thầy thuốc” lại hỏi bệnh nhân rằng anh ta muốn điều gì từ ông. Nhưng điều này rọi ánh sáng vào giá trị của lời nói và sự đối thoại trong mối quan hệ chữa lành. Đối với Chúa Giê-su, việc chữa lành có nghĩa là đi vào cuộc đối thoại để có thể làm nổi bật lên lòng khát khao của con người và quyền năng dịu hiền của tình yêu của Thiên Chúa, hoạt động nơi Con của Người. Vì chữa lành có nghĩa là bắt đầu một hành trình: một hành trình làm an lòng, an ủi, hòa giải và chữa lành. Khi một sự chữa lành được thực hiện cho người khác bằng tình yêu thương chân thành thì chân trời của người được chữa lành mở rộng, vì có thêm một người nữa: một sự hiệp nhất của tinh thần, linh hồn, và thân xác. Và điều này có thể nhìn thấy rõ trong sứ vụ của Chúa Giê-su: Người không bao giờ chữa lành một phần, nhưng là toàn bộ con người, trọn vẹn. Có những lúc bắt đầu từ thân xác, có những lúc bắt đầu từ tâm hồn – tức là, tha thứ tội (x. Mc 2: 5), nhưng luôn luôn là chữa lành tất cả.

Cuối cùng, việc chăm sóc của Chúa Giê-su cũng đồng nghĩa với việc trỗi dậy và sai đi theo con đường của Ngài đối với những người được Ngài đụng chạm đến và chữa lành. Có nhiều người bệnh sau khi được Chúa Ki-tô chữa lành đã trở thành môn đệ và những người đi theo Ngài.

Vì vậy, Chúa Giê-su đến gần, chăm sóc, chữa lành, hòa giải, kêu gọi và sai đi: như chúng ta thấy, mối quan hệ của Ngài với những người bị đè nặng bởi bệnh tật và yếu đuối thì đối với Ngài vẫn là một con người, giàu có, không phải là máy móc, không phải là một khoảng cách.

Và chính từ ngôi trường này của Chúa Giê-su, là người thầy thuốc, là người anh em của người đau khổ, mà anh chị em được gọi là bác sĩ là những người tin vào Ngài, là những chi thể của Giáo hội của Ngài. Anh chị em được kêu gọi hãy gần gũi với những người trải qua các thời khắc thử thách vì bệnh tật.

Anh chị em được kêu gọi có sự chăm sóc dịu dàng và tôn trọng phẩm giá và tính toàn vẹn về thể lý và tinh thần của con người.

Anh chị em được kêu gọi phải biết chăm chú lắng nghe, trả lời bằng ngôn ngữ phù hợp, đi kèm với những cử chỉ chăm sóc, làm cho họ cảm nhận tình người hơn và từ đó đạt hiệu quả hơn.

Anh chị em được kêu gọi hãy động viên, an ủi, vực dậy, trao niềm hy vọng. Không thể chăm sóc và chữa lành một người nếu không có hy vọng; về vấn đề này, tất cả chúng ta đều cần có và cảm tạ Chúa, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng. Nhưng cũng tri ân những người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu y khoa.

Trong một trăm năm qua đã có sự tiến bộ rất lớn. Đã có những liệu pháp chữa trị mới và những cách điều trị khác nhau trong các chặng đường nghiên cứu. Tất cả những sự chữa lành này là không thể tưởng tượng được đối với những thế hệ trước đây. Chúng ta có thể và phải làm giảm bớt sự đau khổ và giáo dục từng người trở nên có trách nhiệm hơn với sức khỏe của chính họ và sức khỏe của người khác và của người thân. Chúng ta cũng phải nhớ rằng chăm sóc cũng có nghĩa là tôn trọng món quà sự sống từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc. Chúng ta không phải là người chủ của nó: sự sống được trao cho chúng ta, và các bác sĩ là những người phục vụ nó.

Đồng thời sứ mạng của anh chị em là một chứng nhân của lòng nhân đạo, một con đường đặc biệt để làm cho mọi người nhìn thấy và nghe thấy rằng Thiên Chúa, là Cha, chăm sóc cho từng con người, không phân biệt bất kỳ ai. Để làm điều này, Người mong muốn sử dụng kiến thức, đôi bàn tay, và con tim của chúng ta để điều trị và chữa lành mọi người, vì Người mong muốn ban tặng sự sống và tình yêu cho từng người.

Điều này đòi hỏi năng lực, sự kiên nhẫn, sức mạnh tinh thần và tình đoàn kết huynh đệ của anh chị em. Phong cách của một bác sĩ Công giáo kết hợp giữa tính chuyên môn cùng khả năng cộng tác và tính nghiêm khắc về đạo đức. Và tất cả những điều này làm ích lợi cho cả bệnh nhân và môi trường mà anh chị em làm việc. Rất thường khi – chúng ta đều biết – chất lượng của phòng ban không tùy thuộc quá nhiều vào tài sản trang thiết bị được lắp đặt, nhưng tùy thuộc vào mức độ chuyên môn và lòng nhân đạo của người trưởng phòng và đội ngũ bác sĩ. Chúng ta nhìn thấy điều này hàng ngày, từ điều mà nhiều con người đơn sơ đến với bệnh viện: “Tôi muốn đến bác sĩ này, bác sĩ kia – Tại sao? – Vì tôi cảm thấy có sự gần gũi, sự tận tâm của họ.”

Bằng cách liên tục làm mới lại bản thân và kín múc từ suối nguồn của Lời Chúa và các Bí tích, anh chị em có thể thi hành sứ mạng của mình trọn vẹn, và Thần Khí sẽ trao cho anh chị em ơn phân định để đối mặt với những trường hợp hiểm nghèo và phức tạp, và nói những lời phù hợp và giữ im lặng đúng lúc.

Anh chị em thân mến, tôi biết rằng anh chị em đã thực hiện như vậy, nhưng tôi vẫn thúc giục anh chị em hãy cầu nguyện cho những người mà anh chị em chăm sóc và những người đồng nghiệp cùng làm với anh chị em. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn:zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/6/2019]


PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Thượng phụ Twal: Người Ki-tô hữu chúng tôi trong Đất Thánh vẫn có thể tồn tại, nhưng đã mất sức ảnh hưởng\

PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Thượng phụ Twal: Người Ki-tô hữu chúng tôi trong Đất Thánh vẫn có thể tồn tại, nhưng đã mất sức ảnh hưởng\
Wikimedia Commons - Medialpj

PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Thượng phụ Twal: Người Ki-tô hữu chúng tôi trong Đất Thánh vẫn có thể tồn tại, nhưng đã mất sức ảnh hưởng

Buổi nói chuyện về nhiều vấn đề của ZENIT với Đức Thượng phụ về hưu của Giê-ru-sa-lem ở Amman, Jordan

21 tháng Sáu, 2019 09:51

Người Ki-tô hữu trong vùng Đất Thánh vẫn có thể tồn tại, nhưng họ đã mất tầm ảnh hưởng như trước đây họ có trong chính trường quốc tế, Đức Thượng phụ Fouad Twal của Giê-ru-sa-lem nói.

Trong một phỏng vấn với ZENIT ở Amman, Jordan, Đức Thượng phụ nghỉ hưu của Giê-ru-sa-lem, ngụ tại Jordan, khẳng định điều này. Đức Thánh Cha Phanxico đã đến thăm Jordan, quê hương của địa điểm chịu Phép Rửa của Chúa Giê-su, năm 2014, trong chuyến thăm vùng Đất Thánh. Ngài thực hiện việc này theo những bước chân của Đức Benedict XVI (2009) và Thánh Gioan Phaolo II (2000). Jordan, với đại đa số là người Hồi giáo, nơi người Công giáo chỉ chiếm không đầy 1% dân số, nổi tiếng là một quốc gia hòa bình và khoan dung trong vùng Trung Đông.

Trong phỏng vấn này, Đức Thượng phụ Twal nói về sự hiện diện ít ỏi vẫn còn tồn tại trong Đất Thánh, và trong khi ngỏ lời tri ân với những người Ki-tô hữu vẫn còn ở đó, ngài than phiền: “Tôi nghĩ chúng tôi không còn ảnh hưởng trên chính trường quốc tế.”

Than phiền về sự hiện diện người Ki-tô hữu bị giảm bớt trong chính quyền, ngài nói: “Họ có chương trình hành động của riêng họ và chúng tôi không còn hiện diện trong chương trình hành động này. Sự có mặt hay không có mặt của họ không còn là vấn đề đối với chính trường quốc tế.”

Ngài cũng nói về Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại của Đức Thánh Cha, được ký bởi Đức Đại Imam của Đại học Al Azhar Al Tayyeb ngày 4 tháng Hai năm 2019, ở Abu Dhabi trong chuyến viếng thăm đầu tiên của một Giáo hoàng đến Bán đảo Ả-rập, hành động lịch sử của các tổng thống Israel và Palestine trồng một cây hòa bình trong vườn Vatican, và hội nghị quốc tế diễn ra tại Amman.


PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Thượng phụ Twal: Người Ki-tô hữu chúng tôi trong Đất Thánh vẫn có thể tồn tại, nhưng đã mất sức ảnh hưởng\


Đức thượng phụ #Twal của #Jerusalem, Đức Thượng phụ hưu của Giê-ru-sa-lem theo nghi lễ La-tinh, với phóng viên Vatian của Zenit, Deborah Lubov tại #Amman, #Jordan

Hội nghị quốc tế “Các Phương tiện Truyền thông và vai trò của chúng trong việc bảo vệ sự thật,” phản ánh về sự đối thoại giữa các tôn giáo và con người ở Trung Đông, đã diễn ra tại thủ đô của Jordan, từ ngày 18 đến 20 tháng Sáu năm 2019. Cuộc họp được tổ chức bởi Hội đồng các Thượng phụ Công giáo Đông phương, Trung tâm các Môn học và Truyền thông Công giáo ở Jordan, với sự hợp tác của Diễn đàn Đối thoại và Hợp tác giữa các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo và các Học viện của Thế giới Ả-rập” và Văn phòng Du lịch của Jordan.

Phóng viên Vatican của Zenit, Deborah Castellano Lubov, đã có mặt tại Amman để trình bày tại hội thảo trong phiên về chủ đề “Các Phương tiện truyền thông và sự thật: mối quan hệ là gì?”

Dưới đây là cuộc phỏng vấn riêng của Zenit ở Amman với vị lãnh đạo tôn giáo đóng trụ sở tại Jordan:



***

ZENIT: Thưa Đức Thượng phụ, lý do người có mặt ở đây hôm nay?

ĐTP Twal: À, tôi được mời đến nghe và theo dõi sự kiện mà tôi rất trân trọng, rất rất nhiều, vì truyền thông là vô cùng quan trọng. Chúng tôi ở Jordan, nhưng tôi nghĩ chúng tôi có quan điểm cởi mở với thế giới. Jordan là một điểm trung tâm của vùng Trung Đông. Và sự gặp gỡ là phổ biến. Chúng tôi biết những thách thức chống lại sự kiện này, chống lại truyền thông, chống lại truyền thông đại chúng. Truyền thông đại chúng phải được sử dụng vì lợi ích của con người. Một câu hỏi về sự tự do của truyền thông. Đây là vấn đề. Tôi nghĩ rằng mỗi chính phủ đều muốn có những nhà báo, có ngành báo chí, dưới sự bảo hộ của họ, phục vụ cho chính thể, hơn là phục vụ cho sự thật, hoặc cho thực tại. Đây là một thách thức lớn, để hoặc là chúng ta được hoàn toàn tự do hoặc có những lợi ích đặc biệt.

ZENIT: Đức Thượng phụ có ý kiến thế nào về tình hình báo chí ở Đất Thánh? Nó có công bằng hay không, hay là có một chương trình hoạt động của một số đảng nào đó?

ĐTP Twal: Không, không, tôi đã có kinh nghiệm về việc này khi tôi còn đương nhiệm, lúc chúng tôi có những nhà báo muốn đến phỏng vấn trong Tòa Thượng phụ ở Giê-ru-sa-lem. Những gì tôi thường kể ra thật sự chỉ là đời sống hàng ngày. Rồi điều mà tôi thường nghe thấy sau đó là ‘Con không biết là con sẽ có thể đăng lên những gì người đang nói hay không,’ họ cho biết là nó có thể bị sửa lại, bị cắt xén, hoặc điều chỉnh. Chính tôi có kinh nghiệm về điều này. Thật là buồn, nhưng đây là thực tế. Đây là những nhà báo đến từ khắp nơi trên thế giới, gồm cả từ Ý, Đức. Họ hiểu sự nhạy cảm liên quan đến Israel và Đất Thánh. Tuy nhiên, họ thường nói: ‘Con chẳng biết là con sẽ có thể đăng lên tất cả những gì người nói hay không …’

ZENIT: Tầm quan trọng của bộ Quy tắc Đạo đức Truyền thông gồm mười điểm, được chấp thuận bởi hội thảo truyền thông này ở Amman?

ĐTP Twal: Tôi không chắc là chúng tôi có thể đem nó ra thực hành hay không bởi vì sau nhiều, rất nhiều năm dưới sự kiểm soát sự tự do của chúng tôi, chúng tôi không thể thay đổi hoàn toàn tình hình chỉ bằng một tờ giấy. Chúng tôi cần phải có thêm nhiều giáo dục và nhiều độc lập hơn, kể cả độc lập về kinh tế, để nhìn thấy sự thật. Có rất nhiều yếu tố làm cho nó không thể dễ dàng. Bắt đầu vẫn là điều tốt. Chúng tôi hy vọng chúng tôi sẽ cố hết sức. Chúng tôi phải làm việc với các trường học, các đại học, với các học viện. Rất dễ để viết trên của tôi trên bản quy tắc, nhưng không hề dễ dàng thay đổi hoàn toàn môi trường.

ZENIT: Tình hình của người Ki-tô hữu trong vùng Trung Đông hiện nay thế nào?

ĐTP Twal: À, chúng tôi chỉ chiếm không đầy hai phần trăm. Tôi nghĩ là chúng tôi không còn ảnh hưởng trên chính trường quốc tế. Không còn nữa. Thật tuyệt vời nếu chúng tôi có thể vẫn tồn tại và tiếp tục sống trong Đất Thánh, để trở thành một nhân tố nhỏ, là muối, muối cho xã hội, muối cho đất. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì chúng tôi không còn ảnh hưởng như chúng tôi có trước đây. Trong chính quyền, sự hiện diện của chúng tôi đã bị thu hẹp quá nhiều. Chúng tôi không thể thay đổi được chính trị.

ZENIT: Dựa trên toàn bộ số người Ki-tô hữu đã phải chạy trốn khỏi Trung Đông, sự tồn tại của nguồn cội Ki-tô giáo trong vùng thật sự có nguy cơ. Có thể chặn đứng hiện tượng này bằng cách nào?

ĐTP Twal: Rất dễ. Chúng tôi cần có hòa bình. Nếu chúng tôi có được, nếu chúng tôi có hòa bình, họ sẽ ở lại. Nếu không có hòa bình thì họ phải chạy trốn. Họ sợ. Họ bỏ đi. Vấn đề cũng nằm ở chỗ câu hỏi đặt ra với những người Ki-tô hữu rời bỏ Đất Thánh, họ không quan tâm đến chính trị quốc tế. Họ có chương trình hành động của riêng họ và chúng tôi không còn hiện diện trong chương trình hành động này. Sự có mặt hay không có mặt của họ không còn là vấn đề đối với chính trường quốc tế. Họ đi theo những chương trình hành động chính trị của họ, và tùy vào chương trình đó diễn ra như thế nào, chúng tôi có thể trở thành nạn nhân, hoặc chúng tôi không phải là những nạn nhân. Điều đó chẳng có ý nghĩa gì nhiều đối với họ. Cho đến bây giờ, tạ ơn Chúa, chúng tôi vẫn có những người Ki-tô hữu, những gia đình Ki-tô hữu, nhưng chúng tôi không còn một chính phủ Ki-tô giáo. Những gì chúng tôi có chỉ là một chính quyền, nhưng không phải là một chính quyền Ki-tô giáo, một chính quyền Do thái giáo. Nó không còn là một chính quyền Ki-tô giáo nữa. Người dân? Vâng, chúng tôi vẫn còn có người dân. Chúng tôi vẫn có những con người, những gia đình, các nhóm, các hiệp hội tốt lành. Tạ ơn Chúa. Nhưng đây là vấn đề nan giải cho sự hiện diện của chúng tôi ở đây.

ZENIT: Có những tin gì tốt lành về người Ki-tô hữu? Có những điều gì không thường được báo chí đề cập đến mà người muốn chia sẻ?

ĐTP Twal: Chúng tôi vẫn còn những người ở đây, sống ở đây. Họ là chứng nhân cho biết chúng tôi vẫn còn ở đây. Tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ luôn luôn hiện diện ở đây. Tôi chắc chắn chúng tôi ghi nhớ lời của Chúa khi Người nói rằng đừng lo lắng, cho dù điều gì xảy ra thì Ta sẽ không bao giờ rời bỏ anh em một mình là những người bạn của Ta. Ta luôn ở với anh em mọi ngày. Vì vậy câu hỏi về đức tin vẫn còn ở đó. Vì thế, đây là sự hỗ trợ của chúng tôi, lời cầu nguyện và lòng can đảm của chúng tôi, để ở lại và làm việc cho dù có chuyện gì xảy ra. Biết rằng trong sứ mạng này chúng tôi không cô đơn. Có một người đang trông giữ cùng với chúng tôi.

ZENIT: Trong hội nghị này có sự chú ý rất lớn đến truyền thông và sự thật. Trong bối cảnh đối thoại liên tôn, khi nói về sự thật với Hồi giáo, có đúng đắn hoặc phù hợp khi nói toàn bộ sự thật hay cần phải mang tính ngoại giao hơn?

ĐTP Twal: Tôi rất vui khi thấy có một số nhà báo ở đây nói lên vấn đề, và ý thức của họ về tình hình. Họ cũng ý thức được rằng mỗi nhà nước, mỗi chính thể, đều muốn giữ họ trong tầm kiểm soát. Họ đều ý thức rõ về tất cả những điều này. Tôi rất vui được nghe thấy họ nói về tình hình thật và nói lên sự thật. Mỗi sự thật đều có một chút liên quan đến các chính phủ và liên quan đến chúng tôi. Tôi biết chính phủ, thể chế, ngay cả khi tôi còn là Thượng phụ, họ luôn muốn tôi đứng về phía của họ, trong mọi lúc. Đúng là không phải nói ra mọi sự thật đều là tốt, còn tùy vào công chúng của bạn, và tùy vào ai là người đón nhận sự thật này. Ở đây, đôi lúc sự thật không luôn được sử dụng vì lợi ích của mọi người. Nó rất, rất quan trọng nhưng đồng thời cũng rất phức tạp. Nhưng chúng tôi nhờ cậy vào các bạn là phóng viên phải nói lên sự thật càng nhiều càng tốt, để giúp mọi người, để nêu bật lên được sự thật, cho dù có khi sự thật làm bạn đau khổ.

ZENIT: Như nhiều người đề cập đến Văn kiện Abu Dhabi về tình Huynh đệ Nhân loại, Đức Thượng phụ có xem đây là một bước tiến tích cực hay ngược lại?

ĐTP Twal: Nó rất tốt, nhưng đó mới là giữa hai nhà lãnh đạo. Đối với công chúng của chúng tôi, trên đường phố, trong làng mạc, những con người đơn sơ, nó vẫn là một vấn đề xa xôi. Rất xa vời … Người Ki-tô hữu chúng tôi đã sống với người Hồi giáo từ những thế kỷ đầu, chẳng có văn kiện nào, chúng tôi không cần nó.

ZENIT: Câu hỏi cuối cùng. Sau gần 5 năm kể từ khi trồng cây trong vườn Vatican với các Tổng thống của Israel và Palestine, trong một hành động lịch sử của hòa bình. Ảnh hưởng của thời khắc đó như thế nào, sau năm năm?

ĐTP Twal: À, tôi có tham dự nghi thức đó. Chúng tôi rời Giê-ru-sa-lem khi Đức Giáo hoàng không thể họp các tổng thống ở Giê-ru-sa-lem hay Bê-lem. Ngài nói: “Chúng ta sẽ thực hiện ở Vatican.” Vì vậy chúng tôi đến khu vườn, và họ trồng cái cây nhỏ đó. Cái cây đó, tôi nghĩ vẫn đang phát triển, tạ ơn Chúa, nhưng không phải là dự án, không phải là con người. Điều đó thuộc quá khứ rồi.

ZENIT: Đức Thượng phụ có muốn đưa ra lời kêu gọi gì không?

ĐTP Twal: Đừng đánh mất hy vọng. Chúng ta giữ vững niềm hy vọng này. Cái cây phát triển ở Vatican, nhưng con người và dự án đã thuộc về quá khứ.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/6/2019]