Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

Đức Thánh Cha, Đức Đại Imam phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Đức Thánh Cha, Đức Đại Imam phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Đức Thánh Cha, Đức Đại Imam phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc


Kathleen N. Hattrup

19/06/23

Đức Thánh Cha đã gửi một bài phát biểu và Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar đã gửi một bài phát biểu video, cả hai đều kêu gọi tình huynh đệ. “Thế giới toàn cầu hóa ngày nay đã đưa tất cả chúng ta lại gần nhau hơn, nhưng nó đã không làm cho chúng ta trở nên huynh đệ hơn. Thật vậy, chúng ta đang phải chịu đựng nạn đói tình huynh đệ…”

Đức Sheikh Ahmed al-Tayeb, Đại Imam của Đại học Al-Azhar, và Đức Giáo hoàng Phanxicô có bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tuần trước.

Bài diễn từ của Đức Thánh Cha là một bản văn được đọc bởi Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, thư ký Phòng Quan hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế, và bài diễn văn của Đức Imam là một phát biểu video.

Cả hai nhà lãnh đạo tôn giáo đều kêu gọi tình huynh đệ nhân loại, như hai vị đã làm từ khi lời kêu gọi chung được ký năm 2019.

Nêu ra Iraq, Afghanistan, Syria, Libya và Yemen, Al-Tayeb kêu gọi chấm dứt các cuộc chiến vô nghĩa và ám chỉ đến cuộc xung đột Ukraine là mối đe dọa khiến loài người thoái trào “trở về thời nguyên thủy”.

Đức Imam nói rằng các nhà lãnh đạo chính trị phải thực hiện lời kêu gọi tình huynh đệ do tài liệu năm 2019 đưa ra.

Sau đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha:

___________________________________________________________

Thưa bà Chủ tịch Hội đồng Bảo an,
Thưa ông Tổng thư ký,
Thưa Hiền huynh Đại Imam của Đại học Al-Azhar,
Thưa quý ông quý bà,

Tôi xin cám ơn quý vị về nhã ý mời tôi phát biểu, và tôi sẵn sàng nhận lời vì chúng ta đang sống trong một thời điểm quan trọng đối với nhân loại, trong đó hòa bình dường như nhường chỗ cho chiến tranh. Những xung đột ngày càng gia tăng và sự ổn định ngày càng gặp nguy hiểm. Chúng ta đang trải qua cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng vùng, mà theo thời gian, dường như ngày càng lan rộng hơn. Hội đồng này, với nhiệm vụ bảo vệ an ninh và hòa bình của thế giới, đôi khi trong mắt mọi người dường như bất lực và tê liệt. Tuy nhiên, công việc của quý vị, được Tòa Thánh đánh giá cao, là rất cần thiết để thúc đẩy hòa bình. Chính vì lý do này, tôi muốn gửi đến quý vị lời mời gọi chân thành hãy đối mặt với những vấn đề chung của chúng ta, gạt bỏ những hệ tư tưởng và tầm nhìn hẹp hòi, những ý tưởng và lợi ích đảng phái, và nuôi dưỡng một mục đích duy nhất: làm việc vì lợi ích của toàn nhân loại. Thật vậy, Hội đồng này được chờ đợi sẽ tôn trọng và áp dụng “Hiến chương Liên hợp quốc một cách minh bạch và chân thành, không có động cơ thầm kín, như một điểm tham chiếu bắt buộc của công lý chứ không như một phương tiện để che đậy ý định sai trái”. [1]

Thế giới toàn cầu hóa ngày nay đã đưa tất cả chúng ta lại gần nhau hơn, nhưng nó không làm cho chúng ta trở nên huynh đệ hơn. Thật vậy, chúng ta đang phải chịu đựng nạn đói tình huynh đệ, một tình trạng phát sinh từ nhiều hoàn cảnh bất công, nghèo đói và bất bình đẳng và cũng từ việc thiếu một văn hóa liên đới. “Các hệ tư tưởng mới, mang nét đặc trưng của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa hưởng thụ vật chất đang lan rộng, làm suy yếu các mối liên kết xã hội, thúc đẩy não trạng ‘vứt bỏ’, dẫn đến sự khinh miệt và bỏ rơi những người yếu thế nhất và những người bị coi là ‘vô dụng’. Theo cách này, sự chung sống của con người ngày càng có xu hướng giống như một điều đơn thuần chỉ là do ut des (có qua có lại), vừa thực dụng vừa ích kỷ”. [2] Tuy nhiên, hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng đói tình huynh đệ này là xung đột vũ trang và chiến tranh, khiến không chỉ các cá nhân mà cả các dân tộc trở thành kẻ thù của nhau, và những hậu quả tiêu cực của chúng tiếp tục kéo dài qua nhiều thế hệ. Với việc thành lập Liên Hợp Quốc, dường như thế giới đã học được, sau hai cuộc đại chiến thế giới kinh hoàng, cách để hướng tới một nền hòa bình ổn định hơn, cuối cùng để trở thành một đại gia đình các quốc gia. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta đang đi ngược dòng lịch sử, với sự trỗi dậy của các chủ nghĩa dân tộc thiển cận, cực đoan, hung hăng và hiếu chiến đã châm ngòi cho những xung đột không chỉ lỗi thời mà thậm chí còn bạo lực nhiều hơn. [3]

Là một người có đức tin, tôi tin rằng hòa bình là ước mơ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Tuy nhiên, thật đáng buồn, tôi nhấn mạnh rằng vì chiến tranh, giấc mơ tuyệt vời này đang biến thành một cơn ác mộng. Theo quan điểm kinh tế, chắc chắn chiến tranh thường hấp dẫn hơn hòa bình, vì nó thúc đẩy lợi nhuận, nhưng chỉ lợi cho một số ít người và gây tổn hại đến hạnh phúc của toàn dân chúng. Do đó, tiền kiếm được từ việc buôn bán vũ khí là tiền vấy máu của những người vô tội. Cần nhiều can đảm hơn để từ bỏ lợi nhuận dễ dàng vì mục đích gìn giữ hòa bình hơn là buôn bán các loại vũ khí tinh vi và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cần nhiều can đảm hơn để tìm kiếm hòa bình hơn là tiến hành chiến tranh. Cần nhiều can đảm hơn để thúc đẩy sự gặp gỡ hơn là đối đầu, ngồi vào bàn đàm phán hơn là tiếp tục thù địch.

Để biến hòa bình thành hiện thực, chúng ta phải tránh xa luận lý về tính hợp pháp của chiến tranh: nếu điều này có giá trị trong những thời kỳ trước, khi các cuộc chiến tranh có phạm vi hạn chế hơn, thì trong thời đại của chúng ta, với vũ khí nguyên tử và những vũ khí hủy diệt hàng loạt, chiến trường trở nên không giới hạn và những ảnh hưởng có thể dẫn đến thảm họa. Đã đến lúc nói “không” một cách dứt khoát với chiến tranh, tuyên bố rằng chiến tranh không công bằng, mà chỉ có hòa bình mới công bằng: một nền hòa bình ổn định và dài lâu, được xây dựng trên tình huynh đệ đoàn kết chúng ta, không phải trên sự cân bằng mong manh của tính răn đe.

Thật vậy, tất cả chúng ta đều là anh chị em, cùng hành trình trên trái đất, cùng ở trong một ngôi nhà chung duy nhất, và chúng ta không thể che khuất bầu trời nơi chúng ta đang sống bằng những đám mây của chủ nghĩa dân tộc. Chúng ta sẽ kết thúc ở đâu nếu mỗi người chỉ nghĩ đến bản thân mình? Vì vậy, những người nỗ lực xây dựng hòa bình phải cổ võ tình huynh đệ. Xây dựng hòa bình là một công việc thủ công đòi hỏi sự đam mê và kiên nhẫn, kinh nghiệm và tầm nhìn xa, sự kiên trì và cống hiến, đối thoại và ngoại giao. Và cả sự lắng nghe: lắng nghe tiếng khóc của những người đau khổ vì chiến tranh, đặc biệt là trẻ em. Đôi mắt đẫm lệ của họ phán xét chúng ta: tương lai mà chúng ta chuẩn bị cho họ sẽ là tòa án cho những lựa chọn hiện tại của chúng ta.

Hòa bình là có thể nếu con người thực sự mong muốn nó! Trong Hội đồng Bảo an này hòa bình phải tìm thấy “những đặc tính căn bản của nó, đó là mà một ý tưởng sai lầm về hòa bình dễ khiến người ta quên đi. Hòa bình phải đặt trên lý trí, không phải cảm tính; cao thượng, không phải ích kỷ. Hòa bình không mang tính trì trệ và thụ động, mà phải năng động, tích cực và tiến bộ theo những yêu cầu chính đáng của những quyền của con người về công bằng và đã được tuyên bố đòi hỏi những cách diễn đạt mới và tốt hơn của hòa bình. Hòa bình không được yếu ớt, kém hiệu quả và nô lệ, mà phải mạnh mẽ trong những lẽ phải của đạo đức giải thích cho nó và trong sự hỗ trợ vững chắc của các quốc gia phải bảo vệ nó”. [4]

Vẫn còn thời gian để viết một chương hòa bình mới trong lịch sử: chúng ta có thể làm việc đó theo cách chiến tranh sẽ thuộc về quá khứ, không thuộc tương lai. Các cuộc thảo luận tại Hội đồng Bảo an này hướng đến và phục vụ cho mục đích này. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh một từ mà tôi muốn nhắc lại, vì tôi coi đó là từ quyết định: tình huynh đệ. Tình huynh đệ không thể mãi là một ý tưởng trừu tượng, nhưng phải trở thành một điểm xuất phát thực sự: thật vậy, nó là “một chiều kích trọng yếu của con người, là một hữu thể tương quan. Ý thức sống động về mối tương quan này khiến chúng ta nhìn và đối xử với mỗi người như anh chị em thực sự; không có nó thì không thể xây dựng được một xã hội công bằng, một nền hòa bình vững chắc và lâu dài”. [5]

Tôi cam kết ủng hộ quý vị, dâng những lời cầu nguyện của tôi và lời cầu nguyện của tất cả các tín hữu của Giáo hội Công giáo nhân danh hòa bình và mọi tiến trình và sáng kiến hòa bình. Tôi tha thiết mong muốn rằng không chỉ Hội đồng Bảo an này mà toàn bộ Tổ chức Liên Hợp Quốc, các Quốc gia Thành viên và mỗi vị hữu trách, luôn phục vụ con người cách hiệu quả, chịu trách nhiệm bảo vệ tương lai không chỉ của chính họ mà còn của tất cả mọi người, với sự can đảm mạnh mẽ ngay bây giờ, không sợ hãi, bảo vệ những gì cần thiết để thúc đẩy tình huynh đệ và hòa bình cho toàn hành tinh. “Phúc thay ai xây dựng hoà bình” (Mt 5:9).

______________________________________________



[3] Cf. Francis, Fratelli tutti, 11.

[4] Paul VI, Message for the VI World Day of Peace, 1 January 1973.




[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/6/2023]


Tại sao thời Trung cổ được gọi là “thời kỳ tăm tối”?

Tại sao thời Trung cổ được gọi là “thời kỳ tăm tối”?

Tại sao thời Trung cổ được gọi là “thời kỳ tăm tối”?

Shutterstock | David Herraez Calzada

Monasterio de Veruela

Daniel Esparza

25/06/23


Dán nhãn “tăm tối” cho 10 thế kỷ của lịch sử là một đánh giá không hiểu rõ tính phức tạp và đa dạng của xã hội thời trung cổ.

Thời Trung cổ, kéo dài từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 15, thường được gọi là “Thời kỳ tăm tối” – một thuật ngữ khá xúc phạm. Nhãn hiệu này nổi lên trong thời kỳ Phục hưng và phần lớn chịu ảnh hưởng của các tác giả, nghệ sĩ và những nhà tư tưởng muốn làm nổi bật sự khác biệt giữa thời đại của họ – thời đại mà họ hiểu là sự hồi sinh của văn hóa Hy-La cổ điển – và các thế kỷ trước.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là việc dán nhãn “tăm tối” cho 10 thế kỷ lịch sử là một đánh giá chủ quan, chịu ảnh hưởng rất nặng bởi định kiến và thành kiến, đồng thời không đánh giá đúng mức độ phức tạp và đa dạng của xã hội thời trung cổ, đặc biệt là vì một khoảng thời gian dài như vậy không thể đơn giản gộp lại dưới một danh mục duy nhất.

Petrarch, học giả và nhà thơ nổi tiếng người Ý của thế kỷ 14, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức tiêu cực này về thời Trung cổ – liệu đó có phải là ý định của ông hay không lại là một câu hỏi khác. Trang Medievalists.net viết rằng một người sống trong “thời kỳ tăm tối” hoặc trong “thời đại ánh sáng” “là một phép ẩn dụ dễ dàng để giải thích rằng bạn đang sống trong thời kỳ tốt hay xấu.” Petrarch đã sử dụng phép ẩn dụ nói trên, so sánh thời Cổ đại và Hậu Cổ đại với thời đại của ông, “và nhận thấy rằng ông không hài lòng lắm với tình hình ngày nay.” Trong một tác phẩm của mình, ông viết:

“Số phận của tôi là sống giữa những cơn bão đầy những đổi thay và khó hiểu. Nhưng nếu như tôi hy vọng và mong muốn bạn sẽ sống lâu hơn tôi, có lẽ với bạn sẽ có một thời đại tốt đẹp hơn. Giấc ngủ quên này sẽ không kéo dài mãi mãi. Khi bóng tối bị xua tan, con cháu của chúng ta sẽ có thể trở lại trong ánh hào quang thuần khiết trước đây.”

Rõ ràng, sự hiểu biết của Petrarch về thời đại của ông bị ảnh hưởng sâu sắc bởi lòng ngưỡng mộ đối với những thành tựu của Hy Lạp và La Mã cổ đại; do đó, ông coi thời đại của mình là thời kỳ suy tàn và thiếu hiểu biết, so sánh nó với những thành tựu trí tuệ của thế giới cổ đại một cách thiếu cảm tình.

Tuy nhiên, điều cần thiết là phải nhận ra rằng sự miêu tả có phần tiêu cực này về thời Trung cổ phần lớn là một sự phóng đại. Các nhà tư tưởng thời Phục hưng có xu hướng lý tưởng hóa quá khứ xa xưa, coi đó là thời kỳ hoàng kim của trí tuệ và sự tinh tế về văn hóa, điều này không nhất thiết phải như vậy. Ngược lại, họ coi thời Trung cổ là thời kỳ của sự trì trệ về trí tuệ, chủ nghĩa giáo điều tôn giáo và sự lạc hậu của xã hội, nhắm mắt làm ngơ trước sự thật (hiển nhiên) rằng thời Phục hưng không tự nhiên mà đến.

Thành kiến chống lại thời Trung cổ có thể là do một số yếu tố. Ví dụ, các nhà tư tưởng thời Phục hưng có sự tiếp cận rất hạn chế vào các nguồn văn học và lịch sử của thời Trung cổ, điều này góp phần vào việc thiếu hiểu biết và không đánh giá đúng những thành tựu của 10 thế kỷ này. Ngoài ra, thời kỳ Phục hưng mang đậm dấu ấn của mong muốn đặt khoảng cách với kỷ nguyên trước đó, và việc làm mất thanh thế của thời Trung cổ nhằm mục đích nhấn mạnh sự vượt trội về văn hóa và trí tuệ được cho là của cuối thế kỷ 15 và 16. Nhưng chủ yếu, những xung đột và căng thẳng tôn giáo giữa Giáo hội Công giáo và các phong trào Tin lành mới nổi trong thời kỳ Phục hưng đã thúc đẩy việc chỉ trích về thời Trung cổ.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính chính xác của lịch sử, việc thách thức nhận thức thành kiến này về thời Trung cổ là rất quan trọng. Mặc dù thời kỳ này đúng là có nhiều khó khăn, nhưng đó cũng là thời kỳ của những thành tựu lớn về trí tuệ, nghệ thuật và văn hóa.

Thời Trung cổ chứng kiến sự phát triển của các trường đại học, việc bảo tồn và lưu truyền các văn bản cổ điển, những tiến bộ trong kiến trúc và kỹ thuật, và sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật Gothic. Trên thực tế, nếu không có công việc cần mẫn của những người ghi chép và sao chép thời trung cổ, thì các học giả thời Phục hưng sẽ khó biết đến những nhà tư tưởng của La Mã và Hy Lạp.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/6/2023]