Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 13 tháng 11, 2022

 Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 13 tháng 11, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha, 13.11.2022

*******

Trưa nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Truyền tin:

____________________________________________

Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno, chúc anh chị em Chúa nhật phúc lành!

Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta đến Giêrusalem, vào trong nơi thánh thiêng nhất: đền thờ. Ở đó, xung quanh Chúa Giêsu, một số người nói về sự tráng lệ của tòa nhà vĩ đại đó, “được trang hoàng bằng những viên đá đắt tiền” (Lc 21: 5). Nhưng Chúa nói: “sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21:6). Sau đó, Chúa thêm vào câu chuyện bằng cách giải thích rằng trong lịch sử hầu hết mọi thứ đều sụp đổ: Chúa nói, sẽ có những cuộc nổi dậy và chiến tranh, động đất và đói kém, dịch bệnh và bắt bớ (xem các câu 9-17). Như thể muốn nói rằng: người ta không nên quá tin tưởng vào những thực tại trần thế qua đi. Đây là những lời khôn ngoan, tuy nhiên có thể khiến chúng ta hơi cay đắng. Có nhiều điều vốn đã xảy ra không đúng cách. Tại sao Chúa còn đưa ra những tuyên bố tiêu cực như vậy? Trong thực tế, ý định của Chúa không phải là tiêu cực, mà ngược lại – để cung cấp cho chúng ta một lời dạy có giá trị, đó là con đường thoát khỏi tất cả sự bấp bênh này. Và đâu là lối thoát? Làm thế nào chúng ta có thể thoát ra khỏi thực tại đang qua đi, và sẽ không còn nữa?

Nó nằm trong một từ ngữ có lẽ sẽ làm chúng ta ngạc nhiên. Chúa Kitô tiết lộ điều đó trong câu cuối cùng của Tin Mừng, khi Ngài nói: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (câu 19). Kiên trì. Kiên trì là gì? Từ này thể hiện tính “vô cùng nghiêm khắc”; nhưng nghiêm khắc theo nghĩa nào? Đối với bản thân, coi mình chưa đạt tiêu chuẩn? Không phải. Với những người khác, trở nên cứng nhắc và thiếu linh hoạt? Điều này cũng không phải. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta phải “nghiêm khắc”, không nhượng bộ, bền chí với những gì tâm niệm trong lòng, những gì là quan trọng. Bởi vì, những điều thực sự quan trọng thường không trùng khớp với những gì thu hút sự quan tâm của chúng ta. Cũng như những người ở đền thờ đó, chúng ta thường đặt ưu tiên đối với công trình do bàn tay của chúng ta, những thành tựu của chúng ta, các truyền thống tôn giáo và dân sự của chúng ta, những biểu tượng thiêng liêng và xã hội của chúng ta. Điều này là tốt, nhưng chúng ta đã dành quá nhiều ưu tiên cho chúng. Những điều này quan trọng, nhưng chúng sẽ qua đi. Thay vào đó, Chúa Giêsu nói hãy tập trung vào những gì còn tồn tại, tránh việc cống hiến hết cuộc đời của chúng ta để xây dựng một thứ gì đó sẽ bị phá hủy về sau, như ngôi đền thờ kia, và lại quên xây dựng những gì sẽ không bị sụp đổ, xây dựng dựa trên Lời của chúa, trên tình yêu thương, trên sự thiện toàn. Kiên trì, nghiêm khắc và kiên quyết xây dựng những gì không qua đi.

Vì vậy, đây là sự kiên trì: xây dựng việc thiện mỗi ngày. Kiên trì là luôn luôn làm việc thiện, nhất là khi thực tế xung quanh thúc giục chúng ta làm ngược lại. Chúng ta hãy suy ngẫm về một vài ví dụ: tôi biết rằng cầu nguyện là quan trọng, nhưng, giống như mọi người, tôi luôn có rất nhiều việc phải làm, và vì vậy tôi gạt đi: “Không, tôi đang bận, tôi không thể, tôi sẽ làm việc đó sau”. Hoặc, tôi thấy nhiều người mánh khóe lợi dụng các tình huống, họ lách luật, và vì vậy tôi cũng chẳng cần tuân theo các luật đó và kiên trì với công lý và sự hợp pháp: “Nhưng nếu những kẻ vô lại này làm được điều đó, thì tôi cũng vậy!”. Hãy cẩn thận với điều này! Và lại nữa: tôi thi hành việc phục vụ Giáo hội, phục vụ cộng đoàn, phục vụ người nghèo, nhưng tôi thấy nhiều người trong thời gian rảnh rỗi chỉ nghĩ đến việc tận hưởng bản thân, nên tôi cảm thấy muốn buông bỏ và làm những gì họ làm. Bởi vì tôi không nhìn thấy kết quả, hoặc tôi cảm thấy buồn chán, hoặc nó không làm cho tôi hạnh phúc.

Thay vào đó, sự kiên trì là luôn ở trong sự thiện hảo. Chúng ta hãy tự hỏi mình: sự kiên trì của tôi là như thế nào? Tôi có trung kiên không, hay tôi sống đức tin, công bình và bác ái theo thời điểm: Tôi chỉ cầu nguyện nếu tôi cảm thấy thích; tôi công bằng, sẵn lòng và giúp đỡ nếu điều đó phù hợp với tôi; ngược lại nếu tôi không hài lòng, nếu không ai cảm ơn tôi, tôi có dừng lại không? Tóm lại, việc cầu nguyện và sự phục vụ của tôi phụ thuộc vào hoàn cảnh hay vào tấm lòng kiên vững trong Chúa? Nếu chúng ta kiên trì – Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta – chúng ta không có gì phải sợ hãi, ngay cả trong những biến cố đau buồn và tồi tệ của cuộc sống, thậm chí trước những sự dữ mà chúng ta thấy xung quanh mình, bởi vì chúng ta luôn đặt nền tảng trên sự tốt lành. Văn hào Dostoevsky viết: “Đừng sợ tội lỗi của con người. Hãy yêu thương một người ngay cả khi người đó ở trong tội, vì đó là thể hiện Tình Yêu của Thiên Chúa và là tình yêu cao cả nhất trên mặt đất” (The Brothers Karamazov, II, 6, 3g). Kiên trì là tấm gương phản chiếu trong thế giới tình yêu của Thiên Chúa, bởi vì tình yêu thương của Chúa là trung kiên, nó bền bỉ, nó không bao giờ thay đổi.

Xin Đức Mẹ, người nữ tỳ của Chúa, người kiên trì cầu nguyện (x. Cv 1:12), thêm sức cho sự kiên trì của chúng ta.

__________________________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Ngày mai sẽ là kỷ niệm lần thứ nhất ra mắt Nền tảng Hành động Laudato si’, thúc đẩy sự hoán cải môi sinh và lối sống phù hợp với nó. Tôi xin cảm ơn tất cả những người đã đón nhận sáng kiến này: có khoảng sáu nghìn người tham gia, bao gồm các cá nhân, gia đình, hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức tôn giáo, văn hóa và chăm sóc sức khỏe. Đây là một khởi đầu tuyệt vời cho hành trình kéo dài bảy năm để đáp lại tiếng khóc của trái đất và tiếng khóc của người nghèo. Tôi khuyến khích sứ mệnh này, có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của nhân loại, để nó có thể thúc đẩy mọi người cam kết thực sự trong việc chăm sóc tạo vật.

Từ góc độ này, tôi muốn nhắc lại Hội nghị Cấp cao COP27 về Biến đổi Khí hậu đang diễn ra tại Ai Cập. Tôi hy vọng rằng các bước tiến tới sẽ được thực hiện, với lòng can đảm và quyết tâm, tiếp theo sau Hiệp định Paris.

Chúng ta hãy luôn gần gũi với những người anh chị em của chúng ta ở Ukraine chịu tử vì đạo. Gần gũi trong lời cầu nguyện và với tình liên đới cụ thể. Hòa bình là có thể! Chúng ta đừng cam chịu chiến tranh.

Và cha xin chào tất cả anh chị em hành hương đến từ nước Ý và các quốc gia khác, các gia đình, các giáo xứ, hội đoàn và những cá nhân tín hữu. Đặc biệt, cha gửi lời chào nhóm đoàn sủng “El Shaddai” đến từ Hoa Kỳ, các nhạc sĩ “bandoneon” người Uruguay – cha nhìn thấy cờ của anh chị em ở đằng kia, chúc mừng! – các đại diện mục vụ trường học đến từ Limoges và Tulle cùng với các đức giám mục, và các thành viên của cộng đoàn Eritrean ở Milan, là những người mà cha sẽ cầu nguyện cho đất nước của họ. Cha rất vui gửi lời chào các lễ sinh của Ovada, hợp tác xã “Nuova Famiglia” của Monza, các bảo vệ dân phố của Lecco, các tín hữu của Perugia, Pisa, Sassari, Catania và Bisceglie, và các thiếu niên nam nữ của nhóm Immacolata.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/11/2022]



Đức Giáo hoàng: “Đối thoại Liên tôn và Đại kết phải được phát triển hơn nữa” - Tiếp Quốc vương Abdullah II

Đức Giáo hoàng: “Đối thoại Liên tôn và Đại kết phải được phát triển hơn nữa”

Jordan: Tiếp Quốc vương Abdullah II

Đức Giáo hoàng: “Đối thoại Liên tôn và Đại kết phải được phát triển hơn nữa” - Tiếp Quốc vương Abdullah II

Vatican Media



Sáng nay, trong Điện Tông tòa của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Quốc vương Abdullah II của Jordan, và sau đó Quốc vương đã gặp gỡ Đức Hồng y quốc vụ khanh Pietro Parolin, cùng với Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với Các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế.

Trong các cuộc thảo luận thân mật tại Phủ Quốc vụ khanh, để bày tỏ sự đánh giá cao đối với mối quan hệ song phương tốt đẹp hiện tại, nhu cầu tiếp tục phát triển đối thoại liên tôn và đại kết, luôn bảo đảm rằng Giáo hội Công giáo ở Jordan có thể tự do thực thi sứ mệnh của mình đã được đề cập đến.

Cuối cùng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự ổn định và hòa bình ở Trung Đông, đặc biệt đề cập đến vấn đề người Palestine và người tị nạn, sự cần thiết phải duy trì và khuyến khích sự hiện diện của người Kitô hữu trong khu vực đã được nhắc lại. Về vấn đề này, cần tiếp tục phải bảo tồn nguyên trạng các Thánh địa ở Giêrusalem đã được nhấn mạnh, đây là nơi gặp gỡ và là biểu tượng của sự chung sống hòa bình, nơi vun đắp sự tôn trọng và đối thoại với nhau.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/11/2022]