Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

Đức Thánh Cha giảng Lễ: ‘Đức Ki-tô ban sự tự do thật’

Đức Thánh Cha giảng Lễ: ‘Đức Ki-tô ban sự tự do thật’


Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong nhà nguyện Thánh Marta hôm thức Sáu (Vatican Media)

 

Đức Thánh Cha giảng Lễ: ‘Đức Ki-tô ban sự tự do thật’

Trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Sáu trong nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng sự tự do đích thực của người Ki-tô hữu là có sự mở lòng mở trí để tạo không gian cho Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta và để bước đi theo Chúa Giê-su.

13 tháng Tư 2018, 12:49

Trong Thánh Lễ sáng thứ Sáu Đức Thánh Cha Phanxico suy tư về ba mẫu gương của sự tự do – Ga-mi-li-ên người Pha-ri-sêu, Thánh Tông đồ Phê-rô và Gioan, và Chúa Giê-su – ngài nói rằng sự tự do đích thực của người Ki-tô hữu là có sự mở lòng mở trí để tạo không gian cho Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta và để bước đi theo Người.

Đức Thánh Cha nói rằng sự tự do mà chúng ta nghe trong suốt mùa Phục sinh này là sự tự do của những người con cái của Thiên Chúa. Chúa Giê-su ban cho chúng ta sự tự do đó “qua hành động cứu chuộc của Người” trên Thập giá.

Ga-mi-li-ên: người Pha-ri-sêu

Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng Ga-mi-li-ên là ví dụ đầu tiên về sự tự do trong các bài đọc hôm nay. Ông là một kinh sư và là người Pha-ri-sêu, ông thuyết phục Thượng Hội đồng trả tự do cho các Thánh Tông đồ Phê-rô và Gioan.

Đức Thánh Cha nói rằng Ga-mi-li-ên là “một con người tự do, ông lập luận bằng một trí óc trong sáng,” và ông thuyết phục những người đồng nghiệp của ông rằng “thời gian sẽ có câu trả lời” về hoạt động của người Ki-tô hữu trong thời của ông.

“Con người tự do không e sợ thời gian: người ấy để cho Thiên Chúa thực hiện công việc của Ngài. Anh ta để cho Thiên Chúa lấy thời gian của anh ta. Con người tự do rất kiên trì. Ga-mi-li-ên là một người Do thái, không phải là một Ki-tô hữu, và ông không nhận biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu độ. Nhưng ông là một con người tự do. Ông suy nghĩ kỹ về mọi việc và đưa ra những lập luận để làm người khác chấp nhận. Sự tự do không nôn nóng.”

Đức Thánh Cha nói rằng Phi-la-tô cũng lập luận tốt với trí óc sáng suốt, nhận rằng Chúa Giê-su là vô tội. Nhưng vì không có tự do, ông ta không thể vượt qua khao khát được thăng quan tiến chức. “Ông ta thiếu lòng can đảm của sự tự do vì ông ta là một nô lệ cho sự nghiệp, cho tham vọng, và thành công,” Đức Thánh Cha nói.

Phê-rô và Gioan

Đức Thánh Cha Phanxico sau đó nói về ví dụ thứ hai của sự tự do, Phê-rô và Gioan. Hai ông đã chữa lành người bị liệt, bị đưa vào trước Thượng Hội đồng, và được thả sau khi bị đánh đòn, dù rằng hai ông vô tội.

Đức Thánh Cha nói, “Hai ông ra đi lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.” Ngài nói, “Đây là niềm vui được noi gương Chúa Giê-su. Đó là một hình thức tự do lớn hơn, rộng hơn, và mang tính Ki-tô nhiều hơn.”

“Đây là sự tự do của một người yêu mến Đức Giê-su Ki-tô. Họ được đóng ấn bởi Thần Khí qua niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô. ‘Ngươi đã làm điều đó cho Ta, vì vậy Ta làm điều này cho ngươi.’ Ngay trong thời đại của chúng ta, có nhiều người Ki-tô hữu bị cầm tù và bị tra tấn, họ mang lấy sự tự do để tuyên xưng Chúa Giê-su Ki-tô.”

Chúa Giê-su: mẫu gương tự do tốt nhất

Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng mẫu gương thứ ba và thật nhất đó là chính Chúa Giê-su.

Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng, khi Người làm phép hóa bánh ra nhiều trong hoang mạc, người dân đến để tôn vinh Người làm vua. Nhưng Người đã trốn lên núi và thoát khỏi điều đó. “Người tránh sự vinh quang trần thế và không bị nó lừa gạt. Người tự do, vì sự tự do của Người là làm theo thánh ý của Chúa Cha.” Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng cuối cùng thì Chúa Giê-su đã chết trên Thập giá. Ngài nói, vì thế “Chúa Giê-su là tấm gương lớn nhất của sự tự do.”

“Hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ về sự tự do của chúng ta. Chúng ta có ba tấm gương: một của Ga-mi-li-ên, một của Phê-rô và Gioan, và của Chúa Giê-su. Tôi có mang trong mình sự tự do của người Ki-tô hữu không? Tôi có thật tự do, hay tôi là một nô lệ cho những đam mê, những tham vọng, cho của cải, hay những hào nhoáng chóng qua? Nghe có vẻ là chuyện đùa, nhưng rất nhiều người đang là nô lệ cho thời trang! … Chúng ta hãy suy tư về sự tự do của chúng ta giữa một thế giới ‘tâm thần phân liệt.’ Nó hét lên ‘Tự do, Tự do, Tự do!’ nhưng nó thật sự lại là một nô lệ. Chúng ta hãy suy tư về sự tự do mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Đức Giê-su.”


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/4/2018]


Vatican kêu gọi người Ki-tô hữu, Phật tử cùng hoạt động để chấm dứt tình trạng tham nhũng

Vatican kêu gọi người Ki-tô hữu, Phật tử cùng hoạt động để chấm dứt tình trạng tham nhũng

Lời kêu gọi hợp tác trong thông điệp gửi nhân ngày Lễ Phật đản

11 tháng Tư, 2018
Vatican kêu gọi người Ki-tô hữu, Phật tử cùng hoạt động để chấm dứt tình trạng tham nhũng
Wikimedia Commons
Ngày 11 tháng Tư, 2018, Vatican kêu gọi sự hợp tác giữa người Ki-tô hữu và Phật tử để chấm dứt nạn tham nhũng.

Lời kêu gọi được đưa ra trong một thông điệp chúc mừng nhân ngày Lễ Phật đản, được Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn (PCID) gửi tới các Phật tử. Lễ Phật đản là sự kiện quan trọng nhất trong lịch Phật giáo và kỷ niệm ngày sinh, sự khai sáng, và cái chết của Đức Phật. Hầu hết mọi quốc gia đều mừng Lễ này ngày 29 tháng Năm.

Thông điệp của Vatican được ký bởi Đức Hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch PCID, viết: “Nạn tham nhũng là tình trạng lạm dụng chức quyền để đạt những lợi ích cá nhân, cả trong những khu vực công và tư nhân, đã trở thành sự hủ hóa lan tràn trên thế giới hôm nay đến mức Liên Hợp quốc phải chọn ngày 9 tháng Mười Hai là Ngày Chống Tham Nhũng Quốc Tế. Khi hiện tượng tham nhũng lan rộng khắp nơi, các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, truyền thông, và công dân trên khắp địa cầu phải cùng chung sức để chống lại tội ác ghê tởm này. Là các nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng ta cũng phải góp phần trong việc thúc đẩy một văn hóa thượng tôn pháp luật và minh bạch.”

Ý cầu nguyện tháng Hai, 2018, của Đức Thánh Cha là: “Cầu cho tất cả những người có quyền lực về vật chất, chính trị hoặc tinh thần có thể chống lại được miếng mồi tham nhũng.”

Thông điệp thừa nhận rằng cho dù các truyền thống của Công giáo và Phật giáo đều cự tuyệt với nạn tham nhũng, nhưng một số thành viên của cả hai tôn giáo đã sa vào những hành động tham nhũng. Việc này dẫn đến những hành động xấu trong việc cai quản.

Theo thông điệp, “Tình trạng tham nhũng đặt cuộc sống con người vào những mối nguy hiểm vì nó gây ra sự phát triển kinh tế chậm chạp, đầu tư yếu kém, lạm phát, đồng tiền mất giá, trốn thuế, bất bình đẳng lớn, giáo dục nghèo nàn, cơ sở hạ tầng dưới mức tiêu chuẩn, và sự suy giảm môi trường. Nó cũng đe dọa sự vững mạnh và an toàn của các cá nhân và các cộng đồng.”



Thông điệp gửi các Phật tử của Vatican



Người Ki-tô hữu và Phật tử: Chung sức ngăn chặn và chống lại nạn tham nhũng

Các bạn Phật tử thân mến,

Thay mặt Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, chúng tôi xin gửi những lời chào nồng hậu và những lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày Phật đản. Ước mong cho ngày lễ này đem lại niềm vui và bình an cho tất cả các bạn, các gia đình và các cộng đồng của các bạn trên khắp thế giới.

Năm nay chúng tôi muốn nhấn mạnh đến nhu cầu bức thiết phải thúc đẩy một văn hóa phi tham nhũng. Nạn tham nhũng là tình trạng lạm dụng chức quyền để đạt những lợi ích cá nhân, cả trong những khu vực công và tư nhân, đã trở thành sự hủ hóa lan tràn trên thế giới hôm nay đến mức Liên Hợp quốc phải chọn ngày 9 tháng Mười Hai là Ngày Chống Tham Nhũng Quốc Tế. Khi hiện tượng tham nhũng lan rộng khắp nơi, các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, truyền thông, và công dân trên khắp địa cầu phải cùng chung sức để chống lại tội ác ghê tởm này. Là các nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng ta cũng phải góp phần trong việc thúc đẩy một văn hóa thượng tôn pháp luật và minh bạch.

Ý cầu nguyện tháng Hai, 2018, của Đức Giáo hoàng Phanxico khẳng định phải “Nói ‘Không’ với Tham nhũng.” Qua cách tố cáo nó là “tội tham nhũng,” ngài nói rằng tình trạng tham nhũng được phát hiện trên khắp thế giới giữa các chính trị gia, các nhà quản lý doanh nghiệp, và các giáo chức. Ngài bình luận rằng những người cuối cùng phải trả giá cho sự tham nhũng là những người nghèo. Nhắc lại lời của Chúa Giê-su nói với các môn đệ của Ngài: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20:26), Đức Giáo hoàng khẳng định rằng “con đường duy nhất để thoát khỏi tham nhũng [...] là phục vụ. Vì tham nhũng xuất phát từ sự kiêu ngạo, từ sự kiêu căng, mà phục vụ thì khiêm nhường: giúp đỡ tha nhân chính là đức ái khiêm nhường” (Bài giảng lễ sáng, Domus Santae Marthae, 16 tháng Sáu 2014).

Các bạn thân mến, là những người Phật tử, các bạn xét tham nhũng là một tình trạng tâm trí không lành mạnh, nó gây ra sự đau khổ và góp phần gây nên một xã hội suy yếu. Các bạn đã chỉ ra ba tính xấu chính – tham lam, thù hận, hoang tưởng – là những nguồn gốc chính gây nên tai họa xã hội này và phải bị loại trừ vì ích lợi của mỗi người và xã hội. Giới luật Thứ Hai của Phật giáo nói, “Tôi cam kết tuân theo giới luật để tránh không lấy những gì không thuộc về tôi,” dạy cho các Phật tử biết phân định những thứ đi vào tay của họ có thực sự họ đáng được hưởng không. Nếu những thứ như vậy được lấy đi từ người khác một cách không hợp pháp thì họ không có quyền được giữ chúng. Những lời dạy và cách thực hành của Đức Phật không chỉ phản đối sự tham nhũng, nhưng còn cố gắng biến đổi tâm tính, ý định, thói quen, và hành động không lành mạnh của những người bị hủ hóa.

Cho dù cả hai truyền thống tôn giáo của chúng ta mạnh mẽ lên án tội ác của tham nhũng, nhưng đáng buồn chúng ta phải thừa nhận rằng một số tín đồ và môn đệ của chúng ta tham gia trong những hoạt động tham nhũng, nó và điều này dẫn đến sự điều hành yếu kém, hối lộ tập thể và vơ vét tài sản quốc gia. Tình trạng tham nhũng đặt cuộc sống con người vào những mối nguy hiểm vì nó gây nên sự phát triển kinh tế chậm chạp, đầu tư yếu kém, lạm phát, đồng tiền mất giá, trốn thuế, bất bình đẳng lớn, giáo dục nghèo nàn, cơ sở hạ tầng dưới mức tiêu chuẩn, và sự suy giảm môi trường. Nó cũng đe dọa sự vững mạnh và an toàn của các cá nhân và các cộng đồng. Người dân kinh hoàng trước những người làm chính trị bất tài và tham nhũng, hệ thống luật pháp không hiệu quả và sự thất bại trong việc điều tra những vụ tham nhũng lớn. Các phong trào dân túy, đôi khi có động lực và được duy trì bởi trào lưu tôn giáo chính thống, nổi lên để chống lại sự đổ vỡ của tính liêm chính công.

Chúng ta tin rằng không thể dùng sự im lặng để trả lời cho nạn tham nhũng, và rằng những thiện ý sẽ không dẫn đến kết quả tốt nếu chúng không được đem ra thực hành, và việc áp dụng này là vô cùng cần thiết để loại trừ nạn tham nhũng. Là những Phật tử và Ki-tô hữu, chúng ta lấy cội nguồn từ những giáo huấn đạo đức của tôn giáo mình, phải cùng chung sức để ngăn chặn nạn tham nhũng bằng cách tiêu diệt những nguyên nhân gốc rễ của nó và đánh bật sự tham nhũng ở bất kỳ nơi nào. Trong nỗ lực này, sự đóng góp chính của chúng ta là động viên các tín đồ và giáo hữu phát triển tính toàn vẹn đạo đức và một ý thức về sự công bằng và trách nhiệm. Cam kết chung của chúng ta chống lại nạn tham nhũng phải bao gồm sự hợp tác với truyền thông và xã hội dân sự trong việc ngăn chặn và phơi trần tình trạng tham nhũng; xây dựng ý thức chung về nạn tham nhũng; buộc những tội phạm hành chính tham ô tài sản quốc gia phải chịu trách nhiệm về những hành vi của họ, bất kể tư cách sắc tộc, tôn giáo, hay giai cấp; giáo dục và khuyến khích tất cả mọi người, đặc biệt là các nhà chính trị và những người phục vụ công, phải làm việc với tính liêm chính ở mức độ cao nhất; kêu gọi tiến trình pháp lý để lấy lại những tài sản đã bị tham ô qua sự tham nhũng và đưa những người chịu trách nhiệm về tội ác này ra công lý: khuyến khích nhiều phụ nữ tham gia vào chính trị hơn: từ chối trao phó trách nhiệm cho những người tham gia vào những hoạt động phi pháp; và giới thiệu những thể chế minh bạch và bao gồm đặt nền tảng trên pháp quyền để đạt được sự cai quản, tính trách nhiệm, và sự liêm chính tốt.

Các bạn thân mến, ước mong rằng chúng ta tích cực cam kết thúc đẩy trong gia đình, trong môi trường xã hội, chính trị, dân sự và tôn giáo một môi trường phi tham nhũng qua cách sống trung thực và chính trực. Với tinh thần này, một lần nữa chúng tôi cầu chúc các bạn Lễ Phật đản bình an và vui mừng!

Hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch

Giám mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ, Thư ký

[00576-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Anh]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/4/2018]