Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Trong thành phố Marawi, người Hồi giáo che giấu Ki-tô hữu thoát khỏi các chiến binh Jihad

Trong thành phố Marawi, người Hồi giáo che giấu Ki-tô hữu thoát khỏi các chiến binh Jihad

Thành phố Marawi là một trong vài nơi của đất nước có người Ki-tô hữu từ những tỉnh lân cận làm việc cho các ông chủ người Hồi giáo
16 tháng Sáu, 2017
Trong thành phố Marawi, người Hồi giáo che giấu Ki-tô hữu thoát khỏi các chiến binh Jihad
ACN Photo
Josemaria Claro
Bà Farida, một chủ cửa hàng người chủ Hồi giáo ở thành phố Marawi, không có lựa chọn nào khác buộc phải để cho những tay khủng bố tràn vào cửa hàng của bà hôm 24 tháng Năm cướp bóc hàng hóa và sản phẩm. Nhưng khi nhóm người vũ trang này quay sự chú ý vào 13 người công nhân nam của bà trong góc cửa hàng, bà Farida nhìn vào những kẻ vũ trang và nói với họ bằng tiếng Maranao, “Các anh phải giết tôi trước khi các anh có thể đụng đến họ.”
Những kẻ khủng bố, hầu hết ở độ tuổi thiếu niên, cảm thấy sự nghiêm trọng trong tính kiên quyết của bà Faridad và bằng lòng với những đồ chúng cướp được. Bà Farida biết rằng bà phải dùng tới biện pháp cực đoan như vậy để ngăn chặn bất kỳ sự tiếp xúc nào giữa những tay súng và người làm công cho bà, hầu hết họ là di dân người Ki-tô hữu từ những tỉnh lân cận. Họ đã làm việc cho bà Farida gần một thập niên. Nếu những tay súng này tiếp xúc với họ, chúng sẽ nhanh chóng phát hiện ra họ là người Ki-tô hữu và chúng sẽ bắt họ cùng với gia đình của họ.
Sau khi những kẻ khủng bố bỏ đi, bà Farida liền ra lệnh cho tất cả người làm công của bà trốn ở nhà một người họ hàng. Sau đó bà liên lạc với một người chú để tạo điều kiện cho những công nhân Ki-tô hữu của bà trốn bằng thuyền sang bên kia hồ Maranao, và từ đó chuyển sang thành phố Iligan một cách an toàn. Câu chuyện của bà Farida được tờ Philippine Daily Inquirer (PDI) đăng tải, một trong những tờ báo có nhiều độc giả nhất trong nước.
Trong ngôn ngữ của họ, Maranao có nghĩa là người của hồ vì thành phố Marawi nằm dọc theo các bờ hồ Lanao xinh đẹp và yên bình. Người Maranao là nhóm sắc tộc lớn nhất trong số 13 nhóm sắc tộc Hồi giáo ở Philippine, mỗi nhóm có văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ riêng. Họ rất nổi tiếng với âm nhạc, các bài hùng ca, và ngành dệt. Họ cũng rất nổi tiếng với khả năng thương mại đã làm cho thành phố Marawi nổi lên như một trung tâm kinh doanh từ đầu những thập niên 1900.
Là những thương nhân giỏi, người Maranao nằm trong số những nhóm Hồi giáo giàu có ở Philippine và thành phố Marawi là một trong vài khu vực trong nước có người Ki-tô hữu từ những tỉnh lân cận làm công cho những người chủ Hồi giáo. Một số người Ki-tô hữu quyết định chuyển đến Marawi do sự đối đãi tốt của những người chủ Hồi giáo như bà Farida, bà để cho công nhân của bà sống trong khu nhà của gia đình họ.
Có những câu chuyện giống như chuyện của bà Farida được tường thuật trên nhiều tờ báo của Philippine trong những ngày qua. Và câu chuyện của Zaynab, một nhân viên nhân đạo tự mình đi cùng với 20 người Ki-tô hữu trên một lộ trình theo hướng khác kéo dài 15 giờ đồng hồ để tránh những người chạy trốn bị kẹt ở phía bắc thành phố Marawi. “Tôi không màng đến sự nguy hiểm. Tôi sẵn sàng chết trước khi họ (những kẻ khủng bố) có thể đụng đến được những người Ki-tô hữu,” PDI trích lời của Zaynab.
Một tờ báo khác, tờ The Philippine Star, kể chuyện một công tố viên người Hồi giáo đã che giấu 42 người Ki-tô hữu trong một tòa nhà ông sở hữu trước khi tìm cách cho họ trốn thoát theo từng nhóm. Tờ báo cũng đăng câu chuyện của bảy sinh viên người Ki-tô hữu đang học tại Đại học Mindanao của nhà nước bị kẹt trong các ký túc xá nhiều ngày với ba người Hồi giáo khác. Trong suốt thời gian kẹt lại đó, những sinh viên Hồi giáo bảo đảm với những bạn học người Ki-tô giáo rằng nếu họ bị bắt, những người Hồi giáo sẽ không bao giờ bỏ rơi họ.
Đức Giám mục Edwin dela Peña thuộc thành phố Marawi nói với Tổ chức Bác ái Công giáo Quốc tế Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn việc một nhân viên người Hồi giáo địa phương hướng dẫn gia đình người tài xế riêng của ông và những người Ki-tô hữu khác trong nhóm cách trả lời với những tay khủng bố trong trường hợp đụng mặt. Sau đó chính ông dẫn họ ra các xe buýt đưa họ an toàn đến thành phố Iligan. “Tôi xem ông ta là một anh hùng khi dẫn những nhóm người Ki-tô hữu và người Hồi giáo cùng với nhau, cố gắng thoát khỏi mối nguy hiểm đang chờ đợi họ,” Đức Giám mục dela Peña nói.
***
Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn là một Tổ chức Bác ái Công giáo Quốc tế dưới sự hướng dẫn của Tòa Thánh, cung cấp sự cứu trợ cho Giáo hội đau khổ và bị bách hại ở trên 140 quốc gia. www.churchinneed.org (Hoa kỳ);www.acnuk.org (Anh); www.aidtochurch.org (Úc); www.acnireland.org (Ireland); www.acn-aed-ca.org (Canada)

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 17/06/2017]



Đức Thánh Cha: quyền năng Thiên Chúa cứu chúng ta thoát khỏi sự yếu đuối và tội

Đức Thánh Cha: quyền năng Thiên Chúa cứu chúng ta thoát khỏi sự yếu đuối và tội

Đức Thánh Cha: quyền năng Thiên Chúa cứu chúng ta thoát khỏi sự yếu đuối và tội
Đức Thánh Cha dâng Lễ sáng trong Vatican ngày 16 tháng Sáu, 2017.
16/06/2017 14:06
(Vatican Radio)  Để được Thiên Chúa giải thoát và chữa lành, chúng ta phải thừa nhận rằng mình yếu đuối, mỏng giòn và tội lỗi như những chiếc bình sành, Đức Thánh Cha Phanxico nói hôm thứ Sáu. Và điều này dẫn chúng ta đến hạnh phúc, ngài trình bày trong bài giảng Lễ sáng tại nhà nguyện Thánh Marta trong Vatican. Ngài suy tư về Thư thứ Hai gửi tín hữu Cô-rinh-tô, trong đó Thánh Phao-lô nói về mầu nhiệm của Đức Ki-tô, và trình bày rằng chúng ta có được gia tài này của Đức Ki-tô trong tính mỏng giòn và yếu đuối của chúng ta vì chúng ta là những bình sành được làm từ đất.

Không biết xấu hổ là giả hình
"Tất cả chúng ta đều mong manh, mỏng giòn, yếu đuối và cần được chữa lành,” Đức Thánh Cha nói. Nhưng biết thừa nhận tính mỏng giòn của chúng ta là một trong những điều khó khăn nhất trong đời. Có những lúc, chúng ta cố tìm cách bao che cho tính mỏng giòn này bằng những lớp trang điểm để có thể che giấu nó, ra vẻ như nó không tồn tại. Và những che giấu như vậy là đáng hổ thẹn, Đức Thánh Cha nói. “Chúng là thói giả hình.”

Cám dỗ che giấu tính yếu đuối và tội lỗi của chúng ta
Đức Thánh Cha Phanxico giải thích rằng ngoài thói giả hình trước những người khác, chúng ta còn giả hình ngay cả với chính chúng ta vì tin rằng “nó là chuyện khác,” vì thế không cần chữa lành hay trợ giúp. Đức Thánh Cha phân tích rằng điều này là con đường dẫn đến tính kiêu căng, tự phụ và xem mình là trung tâm đối với những người không cảm thấy mình được tạo dựng nên bởi bụi đất và do vậy không cần tìm đến ơn cứu độ và sự viên mãn cho mình. Nhưng, như Thánh Phao-lô nói, chính quyền năng của Thiên Chúa giải thoát chúng ta vì tính mỏng giòn của chúng ta. Vì thế chúng ta hoang mang nhưng không bị đè bẹp; chúng ta run rẩy nhưng không tuyệt vọng; chúng ta bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi; bị gục ngã nhưng không bị chết. Luôn luôn có mối tương quan này giữa bụi đất và quyền năng, giữa bụi đất và gia tài. Nhưng sự cám dỗ, Đức Thánh Cha nói, luôn luôn giống nhau: che giấu, che đậy và không tin rằng chúng ta được tạo dựng từ bụi đất. Đây là sự giả hình đối với chính bản thân chúng ta.

Khi chúng ta thừa nhận tính yếu đuối, Thiên Chúa liền đến với sự cứu độ và hạnh phúc của Ngài
Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nói về việc cáo giải khi chúng ta xưng tội theo cách giấu giếm một chút bụi đất để trông có vẻ mạnh mẽ. Nhưng, Đức Thánh Cha nói, chúng ta phải thừa nhận tính yếu đuối và sự mỏng giòn của chúng ta, cho dù nó rất “khó” thực hiện. Do đó tính “biết xấu hổ” rất quan trọng. Chính sự xấu hổ này mở rộng tâm hồn chúng ta để cho quyền năng Thiên Chúa đi vào - cũng như vậy biết mình là bụi đất chứ không phải là cái rương bằng bạc hay vàng. Khi Phê-rô phản đối việc Chúa Giê-su rửa chân cho ông, ông không nhận ra rằng ông được tạo dựng bởi bụi đất cần có quyền năng của Thiên Chúa để được giải thoát. Chỉ khi chúng ta biết thừa nhận mình được tạo dựng từ bụi đất và quyền năng vô biên của Thiên Chúa sẽ đến và ban tặng cho chúng ta sự trọn vẹn, ơn cứu độ, sự hạnh phúc và niềm vui được giải thoát, từ đó đón nhận “gia tài” của Thiên Chúa.”

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 17/06/2017]