Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

Đức Bà Mân Côi đã cứu thoát Philippines như thế nào

Đức Bà Mân Côi đã cứu thoát Philippines như thế nào

Đức Bà Mân Côi đã cứu thoát Philippines như thế nào

09 tháng Mười Một, 2019

Giám mục của Manila tuyên bố chiến thắng là một phép lạ.

Người Công giáo ở Philippines có lòng sùng kính đặc biệt với Mẹ Maria Đồng trinh Diễm phúc. Họ tìm không biết bao nhiêu cách khác nhau để tôn vinh Mẹ trong cuộc sống hàng ngày của họ. Trong số những cách tôn vinh này là một cuộc rước kiệu trọng thể được tổ chức hàng năm vào Chúa nhật thứ Hai của tháng Mười, để tôn vinh Đức Bà Rất Thánh Mân côi La Naval de Manila. Cuộc rước lần đầu tiên của lễ này diễn ra 373 năm trước, vào ngày 8 tháng Mười năm 1646. Và tất cả bắt đầu từ một bức tượng.

Năm 1593, Don Luis Perez Dasmarinas được bổ nhiệm làm toàn quyền Tây Ban nha ở Philippines. Ít lâu sau khi được bổ nhiệm, cha của ông qua đời, và ông yêu cầu người trợ lý tín cẩn của mình, Đại úy Hernando Coronel, thực hiện một bức điêu khắc để tôn vinh Mẹ. Đại úy Coronel ủy thác cho một nghệ nhân Trung hoa nhập cư thực hiện công việc. Người đàn ông này cũng là một người trở lại Ki-tô giáo và có một lòng yêu mến chân thành dành cho Mẹ Đồng trinh Diễm phúc.

Nghệ nhân điêu khắc (thật đáng tiếc tên ông ta đã bị mất theo dòng lịch sử) điêu khắc bức tượng trên gỗ sồi. Tượng cao 4 feet 8 inch (hơn 142 cm). Ông chạm trổ tinh xảo khuôn mặt và bàn tay của Đức Đồng trinh Diễm phúc và Chúa Giê-su Hài đồng bằng ngà voi. Những đường nét của khuôn mặt Đức Bà và khuôn mặt Trẻ thơ Giê-su phản ánh tính sắc tộc của nghệ nhân điêu khắc.

Toàn quyền Dasmarinas rất quý bức tượng và dành tặng cho người cha quá cố của mình. Bức tượng được đặt tên Đức Bà Rất Thánh Mân côi. Không lâu sau đó, bức tượng được chuyển đến cho các cha dòng Đa-minh, và được đặt trong Nhà thờ Santo Domingo.

Vài năm sau, nước Cộng hòa Hà lan muốn thiết lập một con đường thương mại ngắn hơn đến Châu Á. Con đường ngắn nhất phải đi qua Philippines, vì vậy họ muốn xâm chiếm nước này. Việc đó đòi phải có một hạm đội hải quân tinh nhuệ, và họ đã thành lập nó. Người Hà lan bắt đầu các cuộc tấn công năm 1646.

Lực lượng của Philippines chỉ có hai thuyền buồm lớn để chống lại hạm đội khổng lồ của Hà lan. Họ cầu nguyện trước tượng Mẹ Đồng trinh Diễm phúc, cầu xin Mẹ can thiệp cho họ trong trận chiến sắp xảy ra. Đặt mình dưới sự bảo trợ của Đức Bà Mân côi, họ bắt đầu đọc kinh Mân côi liên lỷ. Họ hứa rằng nếu chiến thắng họ sẽ thực hiện cuộc hành hương chân đất đến đền thờ của Mẹ ở nhà thờ Santo Domingo ở Manila.

Năm trận hải chiến lớn nổ ra sau đó, và lực lượng hải quân nhỏ bé của Philippines, một sự tổng hợp các thủy thủ người Tây Ban nha và Philippines, mỗi lần đều đẩy lùi lực lượng của Hà lan. Chỉ có 15 thành viên của hải quân Tây Ban nha bị thiệt mạng. Cuối cùng khi quân Hà lan đầu hàng, những thủy thủ còn lại của Philippines và Tây Ban nha, thực hiện trọn vẹn lời hứa của họ, đi bộ chân đất với lòng tri ân đến Đền thờ Đức Bà ở Manila. Mẹ Diễm phúc được đặt tước hiệu La Naval và từ đó trở đi được gọi là Đức Bà Rất Thánh Mân côi La Naval của Manila.

Ngày 6 tháng Mười năm 1646, kỷ niệm chiến thắng vinh quang lần đầu tiên được tổ chức ở Manila. Ngày 9 tháng Tư năm 1662, đức giám mục trong Tổng Giáo phận Manila tuyên bố chiến thắng hải quân đó là một phép lạ nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria Đồng trinh Diễm phúc. Kèm theo trong tuyên bố là lời hướng dẫn cử hành, giảng, và tổ chức các lễ hội để ghi nhớ những phép lạ được thực hiện bởi “Mẹ Maria Đồng trinh Diễm phúc và Tràng Mân Côi của Mẹ.”

Năm giáo hoàng đã tôn vinh bức tượng và những phép lạ qua sự cầu bầu của Đức Bà:

  • Đức Giáo hoàng Leo XIII năm 1903.
  • Đức Giáo hoàng Piô X, ngài đã đặt triều thiên lên tượng Mẹ năm 1906.
  • Đức Giáo hoàng Piô XII cũng gửi một Tông thư nhân dịp kỷ niệm 300 năm Hải chiến La Naval de Manila ngày 31 tháng Bảy năm 1946.
  • Đức Giáo hoàng Phaolo VI tuyên bố Mẹ là Bổn mạng của Thành phố Quezon năm 1973.
  • Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II dâng toàn bộ lục địa Châu Á cho Mẹ năm 1981.

Ngày nay Nhà thờ Santo Domingo được biết đến như là Đền thờ Quốc gia Đức Bà Rất Thánh Mân Côi La Naval de Manila. Trước Lễ Đội Triều thiên hơn 310.000 người đã dâng tặng những trang sức, đá quý, vàng, và bạc để trang điểm cho tượng. Bức tượng được xem là tượng chạm khắc ngà voi cổ xưa nhất ở Philippines. Nhà thờ lớn nhất ở Manila và là một trong những nhà thờ lớn nhất ở toàn Châu Á.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/11/2019]


Đức Thánh Cha kêu gọi các nhạc sĩ hãy trở thành những người thể hiện âm nhạc đầy niềm vui

Đức Thánh Cha kêu gọi các nhạc sĩ hãy trở thành những người thể hiện âm nhạc đầy niềm vui
© Vatican Media

Đức Thánh Cha kêu gọi các nhạc sĩ hãy trở thành những người thể hiện âm nhạc đầy niềm vui

‘Giáo hội, Âm nhạc, những Người Trình bày: Một sự Đối thoại Cần thiết’

NOVEMBER 09, 2019 20:15

Ngày 9 tháng Mười Một năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxico tiếp các tham dự viên của Đại hội Quốc tế lần Thứ 3 của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa với chủ đề, “Giáo hội, Âm nhạc, Những người trình bày: Một sự Đối thoại Cần thiết.”



Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào (buổi sáng) anh chị em!

Tôi xin gửi lời chào mừng thân ái đến anh chị em tham dự Đại hội Quốc tế Lần Thứ Ba thảo luận về chủ đề: Giáo hội, Âm nhạc, những Người trình bày: Một sự Đối thoại Cần thiết. Tôi xin cảm ơn Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, cùng cộng tác với Học viện Giáo hoàng về Thánh Nhạc và Viện Phụng vụ thuộc Trường Athenaeum Sant’Anselmo Giáo hoàng, đã tổ chức buổi họp này. Tôi xin chào tất cả mọi người tham dự, và đặc biệt, tôi xin cảm ơn Đức Hồng y Ravasi về những lời giới thiệu rất đẹp của ngài. Tôi hy vọng rằng công trình được hoàn thành trong những ngày này có thể trở thành một trải nghiệm đầy nguồn cảm hứng về Tin mừng, về đời sống phụng vụ, và về sự phục vụ cho Giáo hội và văn hóa, cho mọi người.

Chúng ta thường nghĩ về một người trình bày như là một người phiên dịch, một người với công tác là chuyển tải một điều gì đó mà người đó đã nhận được theo một cách thức để người khác có thể hiểu được nó. Là một người trình bày, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, cần phải “chuyển tải” theo một cách duy nhất và rất riêng – theo một cách độc nhất và rất riêng – những gì nhà soạn nhạc đã viết nên, để tạo ra một trải nghiệm về nghệ thuật thật đẹp và nổi bật. Về căn bản, một tác phẩm âm nhạc chỉ sống độn khi nó được truyền tải, tức là khi có một ai đó trình bày nó.

Một người trình bày giỏi là người, trước một tác phẩm nghệ thuật, với lòng khiêm nhường rất lớn cảm nhận rằng nó không phải là tài sản của mình. Chân nhận rằng họ dùng chuyên môn của họ để phục vụ cho cộng đoàn, những người trình bày như vậy liên tục cố gắng rèn luyện và thay đổi, tâm hồn và khả năng chuyên môn, để mang đến cái đẹp của âm nhạc, và trong bối cảnh phụng vụ, là để phục vụ tha nhân qua những tác phẩm họ trình bày (x. Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 115). Mỗi người trình bày được kêu gọi phát triển tri giác và tài năng trong việc phục vụ nghệ thuật qua đó làm tươi mới tâm hồn con người, và trong việc phục vụ cộng đoàn. Trường hợp này còn đặc biệt hơn nhiều khi người trình bày thi hành thừa tác vụ phụng vụ.

Người trình bày âm nhạc có điểm chung giống với nhà học giả về kinh thánh, với người loan truyền lời Chúa, nhưng cũng giống như người tìm cách làm sáng tỏ những dấu chỉ của thời đại, và thậm chí theo cách tổng quát hơn, giống như tất cả những người mở rộng lòng và chú ý đến tha nhân trong sự đối thoại chân thành – và mỗi chúng ta nên trở thành một người như vậy! Thật vậy, mỗi người Ki-tô hữu là một người truyền tải ý định của Thiên Chúa trong đời sống riêng của họ, và bằng đời sống họ hát vang lên bài thánh ca hân hoan ngợi khen và tạ ơn Chúa. Qua bài thánh ca đó, Giáo hội truyền tải Tin mừng trong cuộc lữ hành xuyên suốt lịch sử của Giáo hội. Mẹ Maria Diễm phúc đã làm điều này như một mẫu gương trong bài ca Magnificat của Mẹ, trong khi các Thánh truyền tải ý định của Chúa bằng đời sống và sứ vụ của họ.

Thánh Phaolo VI, trong cuộc gặp gỡ lịch sử với các nghệ sĩ vào năm 1964, đã đưa ra suy tư này: “Như anh chị em đã biết, thừa tác vụ của chúng ta bao gồm trong việc rao giảng và diễn đạt những điều có thể hiểu được, có thể lĩnh hội được, và đầy cảm xúc của của tinh thần, của những điều vô hình, của những điều không thể tả được, những điều của chính Thiên Chúa. Và trong hoạt động này, hoạt động chuyển đổi thế giới vô hình thành những thể thức có thể hiểu được, có thể nhận thức được, anh chị em là những bậc thầy. Nó là công việc của anh chị em, là sứ mạng của anh chị em; và nghệ thuật của anh chị em gồm có trong việc hiểu được những gia tài thuộc phạm vi tinh thần của nước trời và mặc cho chúng bộ áo bằng từ ngữ, màu sắc, hình thái, từ đó làm cho chúng trở nên dễ hiểu” (Insegnamenti II [1964], 313). Trong khả năng thưởng thức này, người trình bày, giống như người họa sĩ, diễn đạt những điều không thể tả được bằng cách sử dụng những từ ngữ và chất liệu để làm rõ những khái niệm, để truyền đạt “tính bí tích” qua cách thể hiện thẩm mỹ.

Có một sự đối thoại vì sự trải nghiệm một tác phẩm nghệ thuật không bao giờ là một điều gì đó mang tính chất tĩnh hoặc như toán học. Có một sự đối thoại giữa tác giả, tác phẩm và người trình bày. Nó là một sự đối thoại ba chiều. Và sự đối thoại này mang tính độc đáo cho mỗi người trình bày: người trình bày này hiểu nó theo cách này, và diễn tả nó theo cách này; người khác lại thể hiện theo cách khác. Nhưng điều quan trọng đó là sự đối thoại, nó cũng cho phép sự phát triển trong cách trình bày một tác phẩm nghệ thuật. Chẳng hạn tôi đang nghĩ đến một tác phẩm của Bach được trình bày bởi Richter hoặc Gardiner: đó là hai cách khác nhau. Sự đối thoại là điều khác, và người trình bày phải đi vào cuộc đối thoại này giữa tác giả, tác phẩm và chính bản thân mình. Chúng ta không bao giờ được quên điều đó.

Người nghệ sĩ, người trình bày và – trong trường hợp âm nhạc – là người nghe, tất cả đều có cùng mong muốn: hiểu được những gì mà cái đẹp, âm nhạc, và nghệ thuật cho phép chúng ta biết được sự cao cả của Thiên Chúa. Bây giờ có lẽ hơn bao giờ hết, con người cần có điều này. Làm sáng tỏ thực tại đó là vô cùng quan trong cho thế giới hôm nay.

Anh chị em thân mến, một lần nữa tôi cảm ơn anh chị em vì cam kết nghiên cứu âm nhạc và đặc biệt là âm nhạc trong phụng vụ. Ước mong của tôi là dần dần, anh chị em có thể trở thành những người truyền tải Tin mừng – mỗi người theo cách riêng của mình, để truyền tải vẻ đẹp mà Chúa Cha đã mạc khải cho chúng ta trong Chúa Ki-tô Giê-su, và những lời ca khen diễn tả mối quan hệ của người làm con với Thiên Chúa. Tôi chúc lành cho anh chị em, và tôi xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/11/2019]