Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

Lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại - Cử hành Giờ Kinh Chiều Thứ Hai

Lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại - Cử hành Giờ Kinh Chiều Thứ Hai

Lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại - Cử hành Giờ Kinh Chiều Thứ Hai

Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành

17:30

Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo lần thứ 54

Do cơn đau thần kinh tọa tái phát, thánh lễ sáng mai tại Bàn thờ Ngai tòa trong Vương cung Thánh đường Vatican sẽ không do Đức Thánh Cha chủ tế, nhưng bởi Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella. Cuộc gặp gỡ với Ngoại giao đoàn vào ngày 25 tháng Một đã được hoãn lại, trong khi những Giờ Kinh Chiều để bế mạc Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo trong Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô sẽ được chủ tế bởi Đức Hồng y Kurt Koch. Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ tiếp tục giờ Kinh Truyền tin trong thư viện của Điện Tông tòa vào ngày mai lúc 12.00 trưa, như kế hoạch.


*****


CỬ HÀNH GIỜ KINH CHIỀU THỨ HAI

TUẦN LỄ CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT KITÔ GIÁO LẦN THỨ 54

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành

Thứ Hai, 25 tháng Một, 2021






[Đức Hồng y Kurt Koch đọc bài giảng đã soạn của Đức Thánh Cha Phanxicô]

“Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15:9). Chúa Giêsu liên kết lời yêu cầu này với hình ảnh cây nho và cành nho, là hình ảnh cuối cùng Ngài cung cấp cho chúng ta trong các Tin mừng. Chính Chúa là cây nho, cây nho “thật” (câu 1), người không phụ lòng những mong đợi của chúng ta, nhưng luôn trung tín trong tình yêu, bất kể những tội lỗi và chia rẽ của chúng ta. Trên cây nho là chính Ngài, tất cả những người được rửa tội chúng ta được ghép lại như những cành cây. Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ có thể phát triển và sinh hoa trái nếu chúng ta duy trì kết hiệp với Chúa Giêsu. Tối nay chúng ta hãy cân nhắc về sự kết hiệp không thể thiếu này, là sự kết hiệp có một số cấp độ. Với hình ảnh cây nho trong tâm trí, chúng ta có thể hình dung sự kết hiệp bao gồm ba vòng tròn đồng tâm, như những vòng tròn của một thân cây.

Vòng tròn đầu tiên, vòng trong cùng, là ở lại trong Chúa Giêsu. Đây là điểm khởi đầu trong hành trình của mỗi con người hướng tới sự hiệp nhất. Trong thế giới rất phức tạp và với nhịp độ rất nhanh ngày nay, chúng ta dễ dàng đánh mất la bàn, bị lôi kéo từ mọi phía. Nhiều người cảm thấy nội tâm bị phân tán, không thể tìm được điểm cố định, chỗ đứng vững vàng giữa những thay đổi của cuộc sống. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng bí mật cho sự vững vàng đó là hãy ở trong Ngài. Trong bài đọc tối nay, Ngài nói điều này bảy lần (xem câu 4-7,9-10). Vì Ngài biết rằng “không có Ngài, chúng ta không thể làm gì được” (xem câu 5). Chúa Giêsu cũng cho chúng ta biết cách ở trong ngài như thế nào. Ngài đã để lại cho chúng ta tấm gương của chính Ngài: mỗi ngày Ngài đều lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện. Chúng ta cần cầu nguyện, cũng như cần nước, để sống. Cầu nguyện riêng, dành thời gian với Chúa Giêsu, tôn thờ, đây là những điều trọng yếu nếu chúng ta muốn ở trong Ngài. Bằng cách này, chúng ta có thể đặt những sự lo lắng, hy vọng và sợ hãi, những niềm vui và nỗi buồn của mình vào lòng Chúa. Trên hết, tập trung vào Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện thì chúng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu của Ngài. Và bằng cách này, chúng ta đón nhận được sức sống mới, giống như những cành cây hút nhựa sống từ thân cây. Đây là sự hiệp nhất đầu tiên, sự nguyên tuyền của cá nhân chúng ta, là công việc của ân sủng mà chúng ta đón nhận khi ở trong Chúa Giêsu.

Vòng tròn thứ hai là sự hiệp nhất với các Kitô hữu. Chúng ta là những cành của cùng một cây nho, chúng ta là những “mạch truyền tải”, theo ý nghĩa rằng điều thiện hay điều ác mà mỗi chúng ta làm đều ảnh hưởng đến tất cả những người khác. Vì vậy, trong đời sống thiêng liêng, cũng có một loại “quy luật động lực”: khi chúng ta ở lại trong Chúa thì chúng ta tiến đến gần người khác, và khi chúng ta tiến đến gần người khác là chúng ta ở trong Chúa. Điều này có nghĩa là nếu chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa trong thần khí và sự thật, thì chúng ta sẽ nhận ra sự cần thiết yêu thương người khác, mặt khác, “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta” (1 Ga 4:12). Cầu nguyện luôn luôn dẫn đến yêu thương; nếu không, nó chỉ là nghi thức trống rỗng. Vì không thể gặp được Chúa Giêsu ngoài Thân thể của Người, gồm nhiều chi thể, là tất cả những người đã được rửa tội. Nếu sự thờ phượng của chúng ta là đích thực, chúng ta sẽ phát triển tình yêu thương với tất cả những người theo Chúa Giêsu, bất kể họ thuộc tông phái Kitô nào, vì họ có thể không phải là “người của chúng ta”, nhưng họ là của Ngài.

Dù vậy, chúng ta biết rằng yêu thương anh chị em của mình không phải là dễ dàng, bởi vì những khiếm khuyết và thiếu sót của họ ngay lập tức bày ra trước mắt, và những tổn thương trong quá khứ lại hiện lên trong tâm trí. Ở đây Chúa Cha đến trợ giúp chúng ta, vì cũng như một người nông dân dày kinh nghiệm (xem Ga 15: 1), Người biết chính xác phải làm gì: “Cành nào không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15: 2). Chúa Cha cắt tỉa. Tại sao? Bởi vì để yêu thương, chúng ta cần phải lột bỏ tất cả những gì khiến chúng ta lầm đường lạc lối và khiến chúng ta thu mình vào, và do đó không sinh hoa trái. Vì vậy, chúng ta hãy xin Chúa Cha cắt tỉa những định kiến của chúng ta về người khác, và những ràng buộc thế gian cản trở con đường hiệp nhất trọn vẹn với tất cả con cái của Người. Nhờ đó, được thanh tẩy trong tình yêu, chúng ta sẽ có thể bớt bận tâm đến những chướng ngại thuộc thế gian và những viên đá gây vấp ngã trong quá khứ, mà ngày nay chúng đang làm chúng ta xao lãng khỏi Tin Mừng.

Vòng hiệp nhất thứ ba, vòng lớn nhất, là toàn thể nhân loại. Ở đây, chúng ta có thể suy ngẫm về hoạt động của Chúa Thánh Thần. Trong cây nho là Chúa Kitô, Thần Khí là nhựa sống lan tỏa đến tất cả các cành. Thần Khí thổi hơi đến nơi Người muốn, và ở mọi nơi Người muốn khôi phục sự hiệp nhất. Người thúc đẩy chúng ta không chỉ yêu những người yêu chúng ta và suy nghĩ như chúng ta, nhưng là yêu thương tất cả mọi người, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Người làm cho chúng ta có thể tha thứ cho kẻ thù và những điều sai trái mà chúng ta đã phải chịu đựng. Người truyền cảm hứng cho chúng ta trở nên năng động và sáng tạo trong tình yêu. Người nhắc nhở chúng ta rằng người lân cận của mình không chỉ là những người cùng chia sẻ các giá trị và ý tưởng riêng của chúng ta, và chúng ta được kêu gọi để trở thành người lân cận của tất cả mọi người, trở thành người Samari nhân hậu cho một nhân loại mong manh, nghèo khó, và đang phải chịu nhiều đau khổ trong thời đại của chúng ta. Một nhân loại đang nằm bên những lề đường của thế giới chúng ta, mà Chúa với lòng trắc ẩn muốn nâng dậy. Xin Chúa Thánh Thần là nguồn mạch ân sủng, giúp chúng ta sống trong tính nhưng không, yêu thương cả những người không yêu thương chúng ta, vì chính nhờ tình yêu thuần khiết và vô vị lợi mà Tin Mừng sinh hoa kết trái. Cây được biết đến nhờ hoa trái của nó: bởi tình yêu nhưng không của chúng ta, người ta sẽ biết chúng ta có phải là một phần của cây nho của Chúa Giêsu hay không.

Do đó, Chúa Thánh Thần dạy chúng ta tính cụ thể của tình yêu dành cho tất cả những anh chị em mà chúng ta chia sẻ cùng một nhân tính, nhân tính mà Chúa Kitô đã kết hợp không thể tách rời với bản thân Ngài bằng cách nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ luôn tìm thấy Người trong người nghèo và những người túng thiếu nhất (xem Mt 25,31-45). Bằng cách phục vụ họ, một lần nữa chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta là anh chị em, và sẽ phát triển trong sự hiệp nhất. Thần Khí, Đấng đổi mới bộ mặt trái đất, cũng truyền cảm hứng cho chúng ta để chăm sóc cho ngôi nhà chung của mình, đưa ra những lựa chọn táo bạo về cách chúng ta sống và tiêu dùng, vì trái ngược với kết quả tốt đẹp là sự bóc lột, và thật đáng xấu hổ khi chúng ta lãng phí những nguồn tài nguyên quý giá mà nhiều người khác bị tước đoạt mất.

Cũng chính Thần Khí đó, vị kiến ​​trúc sư của hành trình đại kết, tối nay đã dẫn dắt chúng ta đến cầu nguyện bên nhau. Khi chúng ta trải nghiệm sự hiệp nhất đến từ việc cùng dâng lên Chúa bằng một tiếng nói, tôi muốn cảm ơn tất cả những người trong tuần này đã cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô giáo. Tôi xin gửi lời chào huynh đệ tới các vị đại diện của các Giáo hội và Cộng đồng Hội thánh đang tụ họp ở đây, tới các bạn trẻ Chính thống giáo và Chính thống giáo Đông phương đang học ở Roma dưới sự bảo trợ của Hội đồng Thúc đẩy sự Hiệp nhất Kitô giáo, và tới các giáo sư và sinh viên của Viện Đại kết tại Bossey, những người đáng lẽ đã đến Roma như những năm trước, nhưng không thể đến vì đại dịch, và đang theo dõi chúng ta qua các phương tiện truyền thông. Anh chị em thân mến, xin cho chúng ta luôn được hiệp nhất trong Đức Kitô. Xin Chúa Thánh Thần rót đổ vào tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta cảm nhận là con cái của Chúa Cha, là anh chị em của nhau, là anh chị em trong một gia đình nhân loại của chúng ta. Xin Thiên Chúa Ba Ngôi, tình yêu hiệp thông, làm cho chúng ta phát triển trong sự hiệp nhất.


[Nguồn: vatican]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2021]


25 năm trước, một nữ tu Dòng Phan Sinh đã cài đặt mạng internet trong Vatican

25 năm trước, một nữ tu Dòng Phan Sinh đã cài đặt mạng internet trong Vatican

25 năm trước, một nữ tu Dòng Phan Sinh đã cài đặt mạng internet trong Vatican

ARTURO MARI | VATICAN POOL | AFP

I.Media for Aleteia

23/01/21

Vị nữ tu người Mỹ ban đầu chịu trách nhiệm “chăm sóc các máy vi tính.”

Vào đầu những năm 1990, một tu sĩ dòng Phan Sinh người Mỹ, Sơ Judith Zoebelein, được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II giao phó nhiệm vụ khó khăn là đưa Vatican bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số. 25 năm sau khi mở trang web đầu tiên của Vatican, trang web của Giáo hội Công giáo ở Đức katholisch.de đã phỏng vấn người tiên phong thầm lặng này, người đã thay đổi lịch sử của quốc gia nhỏ nhất thế giới.

Năm 1991, Sơ Judith đến Vatican để “chăm sóc các máy tính,” Sơ nói, do Hồng Y Rosalio Castillo Lara, tân Tổng Trưởng Phòng Quản Lý Tài sản Tông Tòa (APSA), đưa đến. Máy tính không giống như ngày nay — đặc biệt là ở Ý — và đức hồng y đã giao cho chị nữ tu người Mỹ nhiệm vụ thiết lập các quy chuẩn để tiêu chuẩn hóa việc sử dụng thiết bị máy tính ở Vatican.

Năm 1994, “Internet đã phát triển”, đặc biệt là email. Một số vị chức sắc Vatican bắt đầu quan tâm, Sơ nói. Ông Joaquín Navarro-Valls, giám đốc có uy tín của Văn phòng Báo chí Tòa thánh, đã đề xuất đưa Vatican lên “mạng trực tuyến”. Theo Sơ Zoebelein, ý tưởng đã được trình lên Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, là “một người có tầm nhìn xa trông rộng”. Đức Giáo hoàng chấp nhận “ngay lập tức”, xem nó là cơ hội tuyệt vời để rao giảng phúc âm. Vào ngày lễ Giáng sinh năm 1995, trang đầu tiên của website chính thức của Vatican, vatican.va, đã lên mạng.

Sau đó, mọi thứ đều tăng tốc, các trang ngày càng “mọc lên như nấm”, mỗi bộ của Tòa thánh thêm vào viên đá của họ cho tòa nhà — theo sáng kiến của vị nữ tu. Sơ Zoebelein gần như làm việc một mình, với sự giúp đỡ của một kỹ thuật viên phụ trách máy chủ. Sơ phụ trách phần nội dung và phát triển bố cục dàn trang. Chúng ta mang một món nợ với Sơ về nền “giấy da” vẫn được website của Vatican sử dụng ngày nay. Sơ giải thích rằng Sơ chọn nó để tượng trưng cho “2.000 năm lịch sử của Giáo hội.”

Có thể tiếp cận ngay cả đức giáo hoàng

Sơ Zoebelein giải thích rằng chị đặc biệt quan tâm đến việc truyền đạt hai phần thiết yếu trong công việc của mình: kỹ thuật và con người. Tuy nhiên, chị đã gặp phải một số sự dè dặt trong Giáo triều Roma, chẳng hạn như một đức ông nói với chị rằng internet “là cửa ngõ cho ma quỷ.” Tuy nhiên, chị được sự ủng hộ của những vị đứng đầu chính của Giáo triều, và đặc biệt là của Đức Giáo hoàng, người vào năm 2001 đã quyết định ban hành tông huấn trực tiếp trên mạng, Ecclesia in Oceania.

Sơ Zoebelein cũng thiết lập địa chỉ email của Đấng Kế vị Thánh Phêrô, địa chỉ này đã gặt hái được nhiều thành công kể từ khi ra mắt. Khi ngài bị bệnh cúm vào ngày 24 tháng Mười Hai năm 1995, Đức Giáo hoàng thấy hộp thư của ngài tràn ngập những lời khuyên và phương thuốc điều trị để giúp ngài bình phục. Vị nữ tu người Mỹ giải thích, “Giáo hoàng luôn là một người bí ẩn, không thể tiếp cận và xa cách, sau khi có internet, thì đột nhiên ngài trở thành một người có vẻ dễ tiếp cận hơn nhiều”.

Ban đầu, đức giáo hoàng nhận tất cả các email. Tuy nhiên, số lượng trở nên quá lớn và ngài được gửi các thư chọn lọc, những thư khác được lưu trữ trên CD-ROM bởi cơ quan lưu trữ của Tòa thánh.

Tinh thần của công nghệ

Sơ Zoebelein không chấp nhận việc xem thế giới kỹ thuật số như ma quỷ: nó “cũng là một phần của Công trình Sáng tạo” thông qua công việc của con người, Sơ nhấn mạnh, chắc chắn rằng “Chúa cũng có một vị trí trong kế hoạch của Ngài cho công nghệ.” Hơn nữa, Sơ sẽ rất ủng hộ Carlo Acutis là người gần đây đã được phong chân phước, là vị thánh bổn mạng chính thức của internet. Sơ nói, chàng trai trẻ này đã “sống và hít thở internet” cả đời, và có sự hiểu biết thật sự về “tinh thần của công nghệ”.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2021]