Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

Hướng dẫn của Thánh Gioan Phaolô II về việc sử dụng phương tiện truyền thông và màn hình trong gia đình

Hướng dẫn của Thánh Gioan Phaolô II về việc sử dụng phương tiện truyền thông và màn hình trong gia đình

Hướng dẫn của Thánh Gioan Phaolô II về việc sử dụng phương tiện truyền thông và màn hình trong gia đình

Fabio Principe | Shutterstock

Philip Kosloski 

27/04/22


Thánh Gioan Phaolô II đã cho các gia đình một hướng dẫn để điều chỉnh việc sử dụng các phương tiện truyền thông trong gia đình, nhằm bảo đảm rằng nó sẽ giúp gia đình phát triển trong đời sống thiêng liêng.

Tiếp cận các phương tiện truyền thông và truyền thông xã hội tại nhà là một điều phúc lành đối với nhiều người, mở ra những con đường đầy ân sủng gắn kết các gia đình theo nhiều cách khác nhau.

Tuy nhiên, chính sự tiếp cận này cũng đưa nhiều phần tử độc hại vào trong gia đình, phá hủy gia đình và nuôi dưỡng những nghiện ngập khiến con người xa rời Thiên Chúa.

Thánh Gioan Phaolô II đã viết về khía cạnh này của phương tiện truyền thông trong Thông điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 38 của ngài năm 2004. Ngài thậm chí còn cho các gia đình một hướng dẫn để giúp họ định hướng trong thế giới phức tạp của truyền thông.

Trước khi đề cập đến các gia đình, ngài giải thích cách thức “chính những phương tiện truyền thông này cũng có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng cho các gia đình bằng cách trình bày cái nhìn không đầy đủ hoặc thậm chí méo mó về cuộc sống, về gia đình, về tôn giáo và về đạo đức. Sức mạnh này nhằm để củng cố hoặc đè bẹp các giá trị truyền thống như tôn giáo, văn hóa và gia đình.”

Đặc biệt, “gia đình và đời sống gia đình rất thường được miêu tả không thích đáng trên các phương tiện truyền thông. Sự không chung thủy, hoạt động tình dục ngoài hôn nhân, và việc thiếu cái nhìn đạo đức và thiêng liêng về giao ước hôn nhân được miêu tả cách phiến diện, đồng thời thường xuyên thể hiện sự ủng hộ tích cực đối với việc ly hôn, tránh thai, phá thai và đồng tính luyến ái.”

Điểm then chốt cho các gia đình là không cho phép việc tiếp cập vô hạn đối với các phương tiện truyền thông, và phải bảo đảm rằng kênh truyền thông và truyền hình xây dựng gia đình.


1. ĐIỀU TIẾT VIỆC SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG

“Cha mẹ cũng cần quy định việc sử dụng các phương tiện truyền thông trong gia đình. Điều này bao gồm việc lập kế hoạch và lên lịch việc sử dụng phương tiện truyền thông, hạn chế nghiêm ngặt thời gian trẻ em dành cho phương tiện truyền thông.”

Thánh Gioan Phaolô II không ủng hộ việc sử dụng phương tiện truyền thông “không hạn chế” hoặc “không bị giám sát”. Cha mẹ cần biết mức độ thường xuyên của con cái họ sử dụng các phương tiện truyền thông và đưa ra các giới hạn thời gian.


2. PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG PHẢI LÀ TRẢI NGHIỆM GIA ĐÌNH

Thánh Gioan Phaolô II giải thích cách các bậc cha mẹ cần phải biến “giải trí trở thành một trải nghiệm gia đình, đặt một kênh truyền thông nào đó hoàn toàn ra ngoài các giới hạn và theo định kỳ loại bỏ tất cả chúng để dành thời gian cho các hoạt động khác của gia đình.”

Thông thường trong văn hóa hiện tại của chúng ta, các phương tiện truyền thông được sử dụng mang tính cá nhân, và có thể dẫn đến tình trạng cô lập nhiều hơn đối với nhau.

Điểm then chốt đó là biến việc sử dụng phương tiện truyền thông hoặc sử dụng màn hình trở thành trải nghiệm gia đình nhiều hơn thay vì một hoạt động khiến trẻ em xa cha mẹ.


3. CHA MẸ CẦN ĐƯA RA MẪU GƯƠNG TỐT

Thánh Gioan Phaolô II lưu ý, “Trên hết, cha mẹ phải nêu gương tốt cho con cái bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông cách thận trọng và có chọn lọc”.

Nếu cha mẹ không chọn lọc hoặc hạn chế trong việc sử dụng phương tiện hoặc màn hình của họ, làm sao họ có thể yêu cầu con cái họ tuân theo một số quy tắc?

Điều này đòi hỏi sự phân định cẩn thận và tự suy xét về việc sử dụng phương tiện truyền thông của chính bạn và liệu có cần phải có những thay đổi lớn để nêu gương tốt hay không.


4. HÃY CHỌN KÊNH TRUYỀN THÔNG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH

Thánh Gioan Phaolô II kết thúc tông thư của ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải lựa chọn các kênh truyền thông xây dựng gia đình. Nếu kênh truyền thông đó không làm điều này, thì cần phải đánh giá lại nó.

Các phương tiện truyền thông xã hội có tiềm năng vô cùng to lớn trong việc thúc đẩy các giá trị gia đình và con người lành mạnh, từ đó góp phần đổi mới xã hội. Trước sức mạnh to lớn của chúng trong việc định hình ý tưởng và tác động đến hành vi, các nhà làm truyền thông chuyên nghiệp phải nhận biết rằng trách nhiệm đạo đức của họ không những mang đến cho gia đình những sự động viên, trợ giúp và hỗ trợ để đạt được mục tiêu đó, mà còn vận dụng sự khôn ngoan, sự đánh giá tốt lành và tính công bằng trong cách trình bày của họ về các vấn đề liên quan đến tình dục, hôn nhân và cuộc sống gia đình.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/4/2022]


3 khía cạnh về lòng thương xót của Thiên Chúa: Bài giảng của Đức Thánh Cha (toàn văn)

3 khía cạnh về lòng thương xót của Thiên Chúa: Bài giảng của Đức Thánh Cha (toàn văn)

3 khía cạnh về lòng thương xót của Thiên Chúa: Bài giảng của Đức Thánh Cha (toàn văn)

Antoine Mekary | ALETEIA

Kathleen N. Hattrup 

24/04/22


Chúng ta hãy suy ngẫm về 3 lần Chúa Giêsu nói 'Bình an cho anh em.' Trong đó, chúng ta sẽ khám phá ra 3 khía cạnh của lòng Chúa thương xót đối với chúng ta.

Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc âm hóa, chủ tế Thánh lễ Chúa Nhật Lòng Thương xót tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha Phanxicô giảng lễ.

Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu phản ứng với “mọi yếu đuối và lỗi lầm của con người” bằng lời chào mà chúng ta nghe thấy ba lần trong Tin Mừng: “Bình an cho anh em!”

3 khía cạnh về lòng thương xót của Thiên Chúa: Bài giảng của Đức Thánh Cha (toàn văn)

Sau đây là toàn văn bài giảng:

*****

Hôm nay Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ. Với những người đã bỏ rơi Ngài, Ngài thể hiện lòng thương xót và cho nhìn thấy những vết thương của Ngài. Những lời Ngài nói với họ được đánh dấu chấm bằng câu chào mà chúng ta nghe thấy ba lần trong Tin Mừng: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19.21.26). Bình anh cho anh em! Đây là những lời của Chúa Giêsu Phục Sinh khi Ngài gặp bất kỳ sự yếu đuối và lỗi lầm của con người. Chúng ta hãy suy ngẫm về ba lần Chúa Giêsu nói những lời đó. Trong đó, chúng ta sẽ khám phá ra ba khía cạnh của lòng Chúa thương xót đối với chúng ta. Những lời nói đó trước hết mang đến niềm vui, sau đó ban ơn tha thứ và cuối cùng là trao ban sự an ủi trong mọi khó khăn.

Trước hết, lòng thương xót của Chúa trao ban niềm vui, một niềm vui đặc biệt, niềm vui khi biết rằng chúng ta đã được tha thứ. Vào buổi tối Phục Sinh, các môn đệ nhìn thấy Chúa Giêsu và nghe Ngài nói lần đầu tiên: “Bình an cho anh em” thì họ vui mừng (câu 20). Các ông nhốt mình sau những cánh cửa đóng kín vì sợ hãi; nhưng họ cũng tự thu mình, bị đè nặng bởi cảm giác bất xứng. Họ là những người môn đệ đã bỏ rơi Thầy; tại thời điểm Ngài bị bắt, họ đã bỏ chạy. Phêrô thậm chí còn chối Thầy ba lần, và một người trong số đó – một trong số họ! – đã phản bội Thầy. Họ có lý do chính đáng để cảm thấy không chỉ sợ hãi mà còn vô dụng; họ đã thất bại. Trong quá khứ, chắc chắn họ đã có những lựa chọn rất can đảm. Họ theo Thầy với lòng nhiệt thành, cam kết và quảng đại. Vậy mà cuối cùng, mọi thứ diễn ra quá nhanh. Nỗi sợ hãi thắng thế và họ đã phạm tội lớn: họ đã bỏ Chúa Giêsu một mình vào giờ phút bi thảm nhất của Ngài. Trước Phục sinh, họ đã nghĩ rằng họ sẽ có kết thúc huy hoàng; các ông tranh luận về việc ai sẽ là người lớn nhất trong số họ… Bây giờ họ đã xuống đến tận cùng.

Trong bầu không khí như vậy, lần đầu tiên họ nghe thấy lời “Bình an cho anh em!” Các môn đệ lẽ ra cảm thấy xấu hổ, nhưng họ lại vui mừng. Tại sao? Bởi vì nhìn thấy dung mạo và nghe thấy lời chào của Chúa đã làm cho sự chú ý của họ không còn hướng vào bản thân mà hướng về Chúa Giêsu. Như Tin Mừng cho chúng ta biết, “các môn đệ vui mừng khi được nhìn thấy Chúa” (câu 20). Họ không còn chú ý vào bản thân và những bất xứng của mình, nhưng bị thu hút bởi ánh mắt của Chúa, ánh mắt không nghiêm khắc nhưng đầy xót thương. Chúa Kitô không khiển trách các môn đệ về những gì họ đã làm, nhưng thể hiện cho các ông thấy lòng từ bi của Ngài. Và điều này làm họ hồi sinh, lấp đầy tâm hồn họ với sự bình an đã mất và khiến các ông trở thành những con người mới, được thanh tẩy bởi sự tha thứ mà họ hoàn toàn không xứng đáng.

Đó là niềm vui mà Chúa Giêsu mang đến. Đó là niềm vui mà chúng ta cũng cảm nhận được mỗi khi chúng ta nhận được sự tha thứ của Ngài. Bản thân chúng ta cũng biết những môn đệ đó cảm nhận điều gì vào ngày Phục sinh, vì những sa ngã, tội lỗi và bất xứng của chúng ta. Những lúc như vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng không thể làm được gì. Nhưng đó chính là lúc Chúa làm mọi điều. Ngài ban cho chúng ta sự bình an của Ngài, qua việc xưng tội, qua lời nói của một người nào đó đến với chúng ta, qua sự an ủi trong lòng của Thần Khí, hoặc qua một biến cố bất ngờ và đầy ngạc nhiên nào đó… Bằng bất kỳ cách nào, Chúa luôn cho thấy rằng Ngài muốn làm cho chúng ta cảm nhận được vòng tay thương xót của Ngài, niềm vui được sinh ra khi nhận được “sự tha thứ và bình an”. Niềm vui Chúa ban được sinh ra từ sự tha thứ. Nó ban sự bình an. Đó là niềm vui nâng chúng ta lên mà không hạ nhục chúng ta. Cứ như thể Chúa không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thưa anh chị em, chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những lần chúng ta nhận được sự tha thứ và bình an của Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta đã nhận được chúng; mỗi người chúng ta đã có kinh nghiệm đó. Thật tốt cho chúng ta khi nhớ lại những khoảnh khắc đó. Chúng ta hãy đặt ký ức về vòng tay ấm áp của Thiên Chúa lên trước ký ức về những sai lỗi và bất xứng của chúng ta. Bằng cách này, chúng ta sẽ phát triển trong niềm vui. Vì sẽ chẳng có điều gì trở lại như cũ đối với bất kỳ ai đã trải nghiệm niềm vui của Chúa! Đó là một niềm vui biến đổi chúng ta.

3 khía cạnh về lòng thương xót của Thiên Chúa: Bài giảng của Đức Thánh Cha (toàn văn)


Bình an cho anh em! Chúa nói lời này lần thứ hai và nói thêm, “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (câu 21). Sau đó, Ngài ban cho các môn đệ Chúa Thánh Thần để biến họ thành những tác nhân của ơn hòa giải: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (câu 23). Các môn đệ không những đón nhận được lòng thương xót; họ trở thành những người phân phát lòng thương xót mà chính họ đã nhận được. Họ nhận được sức mạnh này không phải do công trạng hay sự học tập của họ, mà là một món quà ân sủng, tuy nhiên dựa trên kinh nghiệm của họ về việc bản thân họ đã được tha thứ. Bây giờ cha nói với anh em, những nhà thừa sai của lòng thương xót: nếu anh em không cảm nhận được tha thứ, đừng thực hiện công việc của mình như một nhà thừa sai của lòng thương xót cho đến khi anh em cảm nhận được sự tha thứ đó. Lòng thương xót mà chúng ta đã đón nhận cho phép chúng ta phân phát thật nhiều lòng thương xót và tha thứ. Hôm nay và mọi ngày, sự tha thứ phải được đón nhận theo cách tương tự như vậy trong Giáo hội, qua lòng nhân hậu khiêm nhường của vị giải tội đầy xót thương không coi mình là người nắm giữ một quyền lực nào đó nhưng là một kênh chuyển tải lòng thương xót, rót đổ cho người khác ơn tha thứ mà bản thân người đó đã đón nhận được. Từ đó làm nảy sinh khả năng tha thứ mọi điều vì Chúa luôn tha thứ mọi sự. Chúng ta là những người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ nhưng Người luôn tha thứ. Anh em phải là kênh chuyển tải ơn tha thứ đó thông qua kinh nghiệm của chính mình về việc được thứ tha. Không cần phải làm khổ các tín hữu khi họ đến tòa Giải tội. Cần phải hiểu hoàn cảnh của họ, lắng nghe, tha thứ và đưa ra lời khuyên tốt để họ có thể tiến bước. Chúa tha thứ mọi sự và chúng ta không được đóng cánh cửa đó lại với con người.

“Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.” Những lời này là nguồn gốc của Bí tích Hòa giải, nhưng không chỉ có thế. Chúa Giêsu đã biến toàn thể Giáo hội trở thành một cộng đoàn phân phát lòng thương xót, một dấu chỉ và khí cụ hòa giải cho toàn thể nhân loại. Thưa anh chị em, mỗi người chúng ta, trong phép rửa tội đã nhận được ơn Chúa Thánh Thần để trở thành người của ơn hòa giải. Bất cứ khi nào chúng ta trải nghiệm niềm vui được giải thoát khỏi gánh nặng tội lỗi và vấp ngã của mình; bất cứ khi nào chúng ta trực tiếp biết được ý nghĩa của việc tái sinh sau một tình huống tưởng chừng như vô vọng, chúng ta cảm thấy cần phải chia sẻ với những người xung quanh tấm bánh của lòng thương xót. Chúng ta hãy cho phép bản thân cảm nhận được lời kêu gọi này. Và chúng ta hãy tự hỏi: ở nhà, trong gia đình, tại nơi làm việc, trong cộng đồng của tôi, tôi có thúc đẩy tình bằng hữu, tôi có phải là người đan dệt hòa giải không? Tôi có cam kết xoa dịu xung khắc, mang đến sự tha thứ thay cho hận thù, và hòa bình thay cho oán hận không? Tôi có tránh làm tổn thương người khác bằng cách không phao tin đồn thổi không? Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành chứng nhân của Người trên thế giới với những lời đó: Bình an cho anh em!

Bình yên cho anh em! Tám ngày sau, Chúa nói những lời này lần thứ ba khi Ngài hiện ra với các môn đệ và củng cố đức tin đang bị hoài nghi của Tôma. Tôma muốn nhìn thấy và chạm vào. Chúa không thấy bị xúc phạm bởi sự nghi ngờ của Tôma, nhưng đã đến hỗ trợ ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy” (câu 27). Đây không phải là những lời thách thức mà là thương xót. Chúa Giêsu hiểu những khó khăn của Tôma. Ngài không đối xử khe khắt với Tôma, và Thánh Tông đồ vô cùng cảm động trước sự nhân hậu này. Từ một người không tin, Tôma trở thành một người tin, và tuyên xưng đức tin cách đơn sơ nhất và đẹp nhất: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (câu 28). Đây là những lời rất đẹp. Chúng ta có thể lấy những lời đó làm của riêng mình và lặp lại cả ngày, đặc biệt là khi chúng ta gặp phải những hoài nghi và khó khăn giống như Thánh Tôma.

Bởi vì câu chuyện của Thánh Tôma thực ra là câu chuyện của mọi người tín hữu. Có những lúc khó khăn khi cuộc sống tưởng chừng như niềm tin là không thật, những lúc khủng hoảng khi chúng ta cần phải chạm và vào và nhìn thấy. Giống như Tôma, chính trong những giây phút đó, chúng ta tái khám phá trái tim của Đức Kitô, tái khám phá lòng thương xót của Chúa. Trong những tình huống đó, Chúa Giêsu không đến với chúng ta trong sự đắc thắng và với những bằng chứng áp đảo. Ngài không thực hiện những phép lạ kinh thiên động địa, nhưng thay vào đó Ngài cung cấp cho chúng ta những dấu hiệu ấm áp về lòng thương xót của Ngài. Chúa an ủi chúng ta giống như cách Người làm trong Tin Mừng hôm nay: Người mang đến cho chúng ta những vết thương của Người. Chúng ta không được quên sự thật này. Để phản ứng lại với tội lỗi của chúng ta, Chúa luôn hiện diện để cho chúng ta thấy những vết thương của Người. Trong thừa tác vụ giải tội của chúng ta, chúng ta phải cho mọi người thấy rằng trước những tội của họ, Chúa đưa đến cho họ những vết thương của Người. Những vết thương của Chúa mạnh hơn tội lỗi.

3 khía cạnh về lòng thương xót của Thiên Chúa: Bài giảng của Đức Thánh Cha (toàn văn)


Chúa Giêsu làm cho chúng ta nhìn thấy các vết thương của anh chị em chúng ta. Giữa những khủng hoảng và khó khăn của chính chúng ta, lòng thương xót của Chúa làm cho chúng ta ý thức được những đau khổ của người lân cận. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang trải qua nỗi đau khôn xiết tả và những hoàn cảnh đau khổ, và chúng ta đột nhiên khám phá ra rằng người xung quanh chúng ta đang âm thầm chịu đựng những điều thậm chí còn tồi tệ hơn. Nếu chúng ta quan tâm đến các vết thương của người lân cận và đổ dầu thơm của lòng thương xót trên những vết thương đó, chúng ta sẽ tìm thấy một niềm hy vọng tái sinh trong chúng ta, an ủi khi chúng ta rã rời. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng chúng ta đã giúp được ai đó đau khổ về tinh thần hay thể xác; liệu chúng ta đã mang đến sự bình an cho người nào đó đang khổ đau về thể xác hoặc tinh thần; dù chỉ là dành ít thời gian để lắng nghe, hiện diện hay mang đến sự an ủi cho người khác. Vì bất cứ khi nào chúng ta làm những việc này, chúng ta gặp được Chúa Giêsu. Từ đôi mắt của tất cả những người đang bị đè nặng bởi các thử thách của cuộc sống, Chúa nhìn ra chúng ta với lòng thương xót và nói: Bình an cho anh em! Về điều này, tôi nghĩ đến sự hiện diện của Đức Mẹ với các Tông đồ. Tôi cũng nhắc lại rằng chúng ta kính nhớ Mẹ là Mẹ Giáo Hội vào ngày sau Lễ Hiện Xuống và là Mẹ của Lòng Thương Xót vào Thứ Hai sau Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Nguyện xin Mẹ Maria giúp chúng ta tiến bước trong thừa tác vụ của mình.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2022]