Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

TIẾP KIẾN CHUNG: Điều Răn thứ Sáu: ‘Chớ làm sự dâm dục’ (TOÀN VĂN)

TIẾP KIẾN CHUNG: Điều Răn thứ Sáu: ‘Chớ là sự dâm dục’ (TOÀN VĂN)
© Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG: Điều Răn thứ Sáu: ‘Chớ làm sự dâm dục’ (TOÀN VĂN)

‘Lòng trung thành của chúng ta xuất phát từ Cái chết và Sự Phục sinh của Người, từ tình yêu vô điều kiện của Người trổ sinh sự trung thành trong các mối quan hệ’

24 tháng Mười, 2018 15:54

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về Các Điều Răn, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về: “Chớ làm sự dâm dục” (Trích đoạn Kinh Thánh theo Tin mừng Mác-cô, 10:2-9).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

Dưới đây là bài dịch của ZENIT huấn từ trong Buổi Tiếp Chung:


* * *


Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong loạt bài giáo lý về Các Điều Răn hôm nay chúng ta đến với Điều Răn Thứ Sáu, đó là điều răn nói về chiều kích nhục dục, nói rằng: “Chớ làm sự dâm dục.” Đó là tiếng gọi trực tiếp đến với lòng chung thủy, và thật vậy, không có mối quan hệ nào của con người trở nên đích thực nếu không có sự chung thủy và lòng trung thành.

Con người không thể nào chỉ yêu khi thấy “thuận lợi”; Tình yêu tỏ lộ bản chất của nó vượt ra ngoài sự tư lợi, khi nó trao tặng tất cả mà không dành riêng điều gì. Như Giáo lý khẳng định: “Tình yêu tìm cách thể hiện tính dứt khoát; nó không phải là một sự sắp xếp ‘cho đến khi có thêm thông tin’” (s. 1646). Lòng chung thủy là đặc điểm của mối quan hệ tự do, trưởng thành và có trách nhiệm của con người. Một người bạn thật sự là người luôn luôn thể hiện những đặc điểm đó, bất kể hoàn cảnh như thế nào; bằng không thì anh ta không phải là một người bạn. Đức Ki-tô tỏ lộ tình yêu đích thực, Đấng sống cho tình yêu vô biên của Chúa Cha, và vì vậy Người là một người Bạn trung tín chào đón chúng ta ngay cả khi chúng ta phạm lỗi lầm và Người luôn muốn những điều tốt cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta không xứng đáng có được điều đó.

Con người rất cần được yêu thương vô điều kiện, và nếu một người không đón nhận được sự yêu thương như vậy sẽ mang trong mình tình trạng thiếu thốn, nhưng thường lại không nhận ra. Tâm hồn con người tìm cách lấp đầy khoảng trống này bằng những sự thay thế khác, chấp nhận những thỏa hiệp và tính tầm thường, là những điều chỉ tạo ra một sự phảng phất mơ hồ của tình yêu. Sự nguy hiểm ở đây là tiếng gọi đi vào “tình yêu” đối với những mối quan hệ cay đắng và non nớt, với ảo tưởng rằng đã tìm ra được ánh sáng của sự sống trong một thứ thật ra chỉ là bóng hình phản chiếu của nó.

Ví dụ cho tình trạng này là sự hấp dẫn về hình dáng bên ngoài của thân thể được đánh giá quá mức, trong khi chính nó là món quà của Thiên Chúa, và mục đích cuối cùng của nó là sự chuẩn bị cho một mối quan hệ đích thực và chung thủy với con người. Như Đức Gioan Phaolo II nói, con người “được kêu gọi đạt đến sự tự do trọn vẹn và trưởng thành trong các mối quan hệ,” nó “là kết quả tiệm tiến của sự phân định do những thôi thúc của con tim.” Nó là một điều đạt được từ giây phút mỗi con người “phải học trong sự kiên trì và gắn kết chặt chẽ với những điều thuộc về ý nghĩa của thân xác” (x. Giáo lý, 13 tháng Mười Một, 1980).

Vì thế, tiếng gọi đến với đời sống hôn nhân đòi hỏi một sự phân định cẩn trọng về đặc tính của mối quan hệ và một thời gian đính hôn để thẩm định nó. Khi tiến tới Bí tích Hôn phối, cặp đính hôn phải trưởng thành trong ý thức chắc chắn rằng bàn tay của Thiên Chúa đặt trong mối dây ràng buộc họ, Đấng đứng trước họ và đồng hành với họ, và khiến họ có thể thốt lên rằng: “Nhờ ơn sủng của Đức Ki-tô anh/em hứa luôn mãi chung thủy.” Họ không thể nào hứa sự chung thủy “khi vui cũng như khi buồn, khi mạnh khỏe cũng như lúc ốm đau,” và yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày cho đến trọn đời, nếu chỉ đơn thuần đặt nền tảng trên tính thiện chí hoặc với hy vọng rằng “mọi việc rồi sẽ tốt đẹp.” Họ cần phải đặt trên nền tảng vững chắc của Tình yêu Trung tín của Thiên Chúa. Và vì lý do này, trước khi đón nhận Bí tích Hôn nhân, bắt buộc phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cha muốn nói là thời gian chuẩn bị tiền hôn nhân, vì người này sẽ đi trọn vẹn vào cuộc đời của người kia trong tình yêu, và không ai được đùa giỡn với tình yêu. Không thể xác định rõ “sự chuẩn bị cho hôn nhân” chỉ bằng ba hay bốn buổi thảo luận được tổ chức trong giáo xứ. Không, đó chưa phải là chuẩn bị: nó chỉ là một sự chuẩn bị hình thức thôi. Và trách nhiệm là thuộc về người thực hiện việc này: đó là linh mục xứ, là Giám mục người có quyền trong những vấn đề này. Sự chuẩn bị phải nghiêm túc và cần có thời gian. Nó không phải là hoạt động theo nghi thức: nó là một Bí tích, và phải chuẩn bị nó thật chu đáo trong thời gian chuẩn bị tiền hôn nhân.

Quả thật, sự chung thủy là một cách sống. Chúng ta làm việc với lòng trung thành, chúng ta nói với sự chân thành, chúng ta giữ lòng trung tín với sự thật trong tư tưởng, trong hành động. Một đời sống được dệt bằng lòng chung thủy được thể hiện trong mọi chiều kích và khiến con người trở nên trung tín và chân thành trong mọi hoàn cảnh.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào bản tính của con người để đạt được một cuộc sống như vậy thì chưa đủ, nhưng sự trung tín của Thiên Chúa phải đi vào và thấm đẫm vào đời sống của chúng ta. Điều Răn Thứ Sáu này kêu gọi chúng ta hướng mắt nhìn về Đức Ki-tô, Đấng với lòng trung tín có thể tháo cởi một trái tim đầy nhục dục của chúng ta và trao tặng cho chúng ta một trái tim thủy chung. Trong Ngài, và chỉ duy nhất nơi Ngài, mới có tình yêu biết cho đi tất cả và không toan tính, hoàn toàn trao hiến và gan lỳ trong sự chấp nhận cho đến cùng.

Lòng trung thành của chúng ta xuất phát từ Cái chết và Sự Phục sinh của Người, từ tình yêu vô điều kiện của Người trổ sinh sự trung thành trong các mối quan hệ. Sự kết hợp giữa chúng ta, và khả năng sống những mối dây ràng buộc đó với lòng chung thủy, đều xuất phát từ sự kết hiệp với Ngài, với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Tiếng Ý

Cha gửi lời chào đặc biệt đến các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân, và những đôi uyên ương mới.

Các con thân yêu, trích đoạn Phúc âm của Đức Ki-tô không yêu cầu chúng ta làm những việc phi thường, nhưng hãy để cho Thiên Chúa hoạt động trong đời sống của chúng ta. Người đã nói với chúng ta: “Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì” (Ga 15:5). Đời sống người Ki-tô hữu là sự gặp gỡ giữa những yếu đuối của chúng ta với sức mạnh ơn sủng của Thiên Chúa, nó làm chúng ta có khả năng sống mỗi ngày trọn vẹn và tràn đầy niềm vui, trong đó bác ái có nghĩa là làm tất cả bằng niềm vui và lòng khiêm nhường, vì vinh quang của Chúa và vì sự tốt lành cho con người.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/10/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 14-24/10, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 14-24/10, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 14-24/10, 2018


14 tháng Mười: Thế giới đang cần những vị thánh, và tất cả chúng ta, không ngoại trừ ai, đều được kêu gọi để nên thánh. Chúng ta đừng sợ!


16 tháng Mười: Hãy mở rộng tâm hồn chúng ta và để cho ơn sủng của Chúa đi vào. Ơn cứu độ là một ân ban, không phải là một cách để chúng ta phô trương bên ngoài. #SantaMarta

17 tháng Mười: Khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa, chúng ta đạt được sự can đảm và kiên trì để trao tặng những gì tốt nhất của chúng ta cho tha nhân.

18 tháng Mười: Con đường của người môn đệ là con đường của sự nghèo khó. Các môn đệ thì nghèo khó vì sự giàu có của họ là Chúa Giê-su. #SantaMarta

19 tháng Mười: Men của người Ki-tô hữu là Chúa Thánh Thần cho phép chúng ta lớn lên giữa những khó khăn trên hành trình, nhưng luôn có niềm hy vọng. #SantaMarta

20 tháng Mười: Thiên Chúa có thể hoạt động trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả trong những tình huống rõ ràng đã bị đánh bại.

21 tháng Mười: Trung tâm sứ mạng của Giáo hội là sự truyền đạt đức tin lớn lên bởi “sự lan truyền” của tình yêu thương. #Missio https://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/missions/documents/papa-francesco_20180520_giornata-missionaria2018.html …

22 tháng Mười: Sự đông đảo các thánh giúp chúng ta nhận biết rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, để chúng ta có thể sống và làm chứng tá cho niềm hy vọng trên trần gian.

23 tháng Mười: Sự hy vọng không phải là một ý tưởng, nó là một sự gặp gỡ; như một người phụ nữ mong chờ gặp được đứa con sẽ chào đời từ trong cung lòng của bà. #SantaMarta

24 tháng Mười: Thượng Hội đồng này trở thành một dấu chỉ cho thấy Giáo hội thật sự lắng nghe và không phải là Giáo hội luôn luôn có câu trả lời soạn sẵn. #Synod2018




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/10/2018]