Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

Tiếp kiến chung: Đức Thánh Cha kết thúc loạt giáo lý về Thánh Lễ (Toàn văn)

Tiếp kiến chung: Đức Thánh Cha kết thúc loạt giáo lý về Thánh Lễ (Toàn văn)

‘Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì hành trình tái khám phá Thánh lễ.’

4 tháng Tư, 2018
Tiếp kiến chung: Đức Thánh Cha kết thúc loạt giáo lý về Thánh Lễ (Toàn văn)
© Vatican Media
Đức Thánh Cha Phanxico kết thúc loạt giáo lý về Thánh Lễ, tập trung phân tích về các nghi thức Kết Lễ, tại buổi Tiếp Kiến Chung ngày 4 tháng Tư, 2018, trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

* * *
Tiếp kiến chung: Đức Thánh Cha kết thúc loạt giáo lý về Thánh Lễ (Toàn văn)
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em và chúc anh chị em Phục sinh Hạnh phúc!

Anh chị em thấy hôm nay có rất nhiều hoa: hoa nói lên niềm vui và sự hân hoan. Ở một số nơi, Phục sinh cũng được gọi là “Phục sinh nở hoa,” vì Đức Ki-tô Phục sinh làm nở hoa: Người là bông hoa mới; sự nên công chính của chúng ta nở hoa, tính thánh thiêng của Giáo hội nở hoa. Vì thế có rất nhiều hoa — nó là niềm vui của chúng ta. Chúng ta cử hành Lễ Phục sinh trong suốt tuần lễ, suốt một tuần. Vì vậy tất cả chúng ta một lần nữa hãy chúc nhau câu “Chúc Phục sinh Hạnh phúc.” Chúng ta hãy đồng thanh nhé: “Chúc Phục sinh Hạnh phúc,” — tất cả mọi người! [Họ đồng thanh: Chúc Phục sinh Hạnh phúc!] Cha cũng muốn tất cả anh chị em hãy nói câu Chúc Phục sinh Hạnh phúc với Đức Giáo hoàng Benedict thân yêu của chúng ta — vì ngài đã là Đức Giám Mục của Roma, ngài theo dõi chúng ta trên truyền hình. Tất cả chúng ta hãy đồng thanh Chúc Phục sinh Hạnh phúc đến Đức Giáo hoàng Benedict [Mọi người cùng nói: “Chúc Phục sinh Hạnh phúc!] và vỗ tay vang dậy.

Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta kết thúc loạt bài nói về Thánh Lễ, quả thật, đó là một sự tưởng nhớ, không chỉ đơn thuần là ký ức, nhưng trong đó chúng ta sống lại Cuộc Khổ Nạn và Sự Phục Sinh của Chúa Giê-su. Lần trước chúng ta nói về việc Rước Lễ và Lời nguyện sau Rước Lễ. Sau lời nguyện này, Thánh Lễ kết thúc bằng lời chúc lành của linh mục và mọi người ra về (x. Ordinamento Generale del Messale Romano, 90). Cũng như Thánh Lễ bắt đầu bằng Dấu Thánh Giá, Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, thì lại một lần nữa Nhân Danh Chúa Ba Ngôi mà Thánh Lễ được đóng ấn, đó là sinh hoạt phụng vụ.

Tuy nhiên, chúng ta biết rõ rằng khi Thánh Lễ kết thúc thì sự cam kết làm chứng nhân Ki-tô hữu được mở ra. Người Ki-tô hữu không tham dự Thánh Lễ chỉ để thực hiện một bổn phận hàng tuần và rồi lãng quên. Không phải như vậy. Người Ki-tô hữu đi Lễ để thông phần vào Cuộc Khổ Nạn và Sự Phục Sinh của Chúa để rồi sau đó sống xứng đáng là người Ki-tô hữu hơn: sự cam kết làm chứng nhân Ki-tô được mở ra. Chúng ta rời khỏi nhà thờ để “ra về bình an,” để đem sự bình an của Chúa vào trong những hoạt động hàng ngày của chúng ta, trong gia đình, trong môi trường làm việc, giữa mọi công việc của trần gian, “làm vinh danh Chúa bằng đời sống của chúng ta.” Nhưng nếu chúng ta ra khỏi nhà thờ và tán chuyện với nhau: “Nhìn cái này này,” “Nhìn cái kia kìa …,” “Nói nhiều quá,” tức là Thánh Lễ chưa đi vào tâm hồn chúng ta. Tại sao? — vì chúng ta không thể sống chứng nhân Ki-tô. Mỗi lần tôi trở về sau Thánh Lễ, tôi phải trở nên tốt hơn như khi tôi đi vào, với sức sống nhiều hơn, với sức mạnh nhiều hơn, với khát khao lớn hơn nữa để làm chứng nhân Ki-tô. Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su đi vào con người chúng ta, vào trong tâm hồn và trong thân xác của chúng ta, để chúng ta có thể “thể hiện Bí tích đã lãnh nhận trong cuộc sống” (Messale Romano, Lời nguyện Nhập lễ của Thứ Hai trong Tuần Bát nhật Phục sinh).

Tiếp kiến chung: Đức Thánh Cha kết thúc loạt giáo lý về Thánh Lễ (Toàn văn)
Vì thế, từ việc cử hành ra đến cuộc sống, ý thức rằng Thánh Lễ đạt đến sự kiện toàn trong những quyết định cụ thể của mỗi người tham dự một cách riêng tư trong mầu nhiệm của Đức Ki-tô. Chúng ta không được quên rằng chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể là để học cách trở thành những con người của Bí tích Thánh Thể. Điều đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là hãy để cho Đức Ki-tô hoạt động trong những công việc của chúng ta: để những tư tưởng của Người là tư tưởng của chúng ta, tình cảm của Người trở thành tình cảm của chúng ta, quyết định của Người trở thành quyết định của Chúng ta. Và đây là sự lên thánh: hành động như Đức Ki-tô đã hành động là sự lên thánh của người Ki-tô hữu. Thánh Phaolo diễn tả thật chính xác khi ngài nói về sự đồng hóa của ngài với Đức Ki-tô, và ngài nói như vầy: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:19-20). Đây là chứng nhân Ki-tô. Kinh nghiệm của Thánh Phaolo cũng soi sáng cho chúng ta: tới mức chúng ta phải triệt hạ thói tự cao tự đại của chúng ta, tức là chúng ta phải diệt trừ đi những gì nghịch lại với Tin mừng và chết cho tình yêu của Chúa Giê-su, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần tạo ra không gian rộng lớn hơn trong chúng ta. Người Ki-tô hữu là những người cho phép linh hồn của họ được mở rộng bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần sau khi lãnh nhận Mình và Máu Đức Ki-tô. Hãy cho phép linh hồn của chúng ta được mở rộng! Không phải là những linh hồn hẹp hòi và khóa chặt, nhỏ mọn và ích kỷ. Hoàn toàn không! Nhưng là những linh hồn lớn lao, những linh hồn vĩ đại, với những chân trời bao la … Hãy để cho linh hồn của anh chị em được mở rộng bằng sức mạnh của Thần Khí, sau khi lãnh nhận Mình và Máu Đức Ki-tô.

Sự hiện diện thật của Đức Ki-tô trong Mình Thánh được truyền phép không kết thúc cùng với Thánh Lễ (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1374), Thánh Thể được cất giữ trong Nhà Tạm để cho những bệnh nhân lãnh nhận và để thinh lặng tôn thờ Thiên Chúa trong Bí tích Cực Thánh; sự tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, bất kể theo cách riêng tư hay cộng đoàn, đều giúp chúng ta luôn ở trong Đức Ki-tô (x. Ibid., 1378-1380).

Vì thế, những hoa trái của Thánh Lễ là kết quả của sự trưởng thành trong đời sống hàng ngày. Chúng ta có thể nói như thế này, tạm lấy hình ảnh: Thánh Lễ cũng giống như hạt lúa, hạt lúa mì, nó mọc lên trong đời sống hàng ngày, nó phát triển và trưởng thành trong những công việc tốt lành, trong những hành động khiến chúng ta trở nên giống Chúa Giê-su. Vì vậy, hoa trái của Thánh Lễ là kết quả của sự trưởng thành trong đời sống hàng ngày. Quả thật, củng cố sự kết hiệp của chúng ta với Đức Ki-tô, Thánh Thể liên tục cập nhật ơn sủng mà Thần Khí ban cho chúng ta trong Bí tích Rửa tội và trong Bí tích Thêm sức để chứng tá Ki-tô hữu của chúng ta trở nên hữu hình (x. Ibid., 1391-1392).

Một lần nữa, qua cách khơi lên đức ái trong tâm hồn chúng ta, Thánh Thể hoạt động như thế nào? Thánh Thể chia cắt chúng ta khỏi tội. “Chúng ta càng chia sẻ sự sống của Đức Ki-tô và phát triển trong tình bạn hữu với Người, thì tội trọng càng khó chia cách chúng ta khỏi Người (Ibid., 1395). Việc thường xuyên đến với Bàn tiệc Thánh Thể canh tân, củng cố và đào sâu mối dây liên kết với cộng đoàn Ki-tô hữu mà chúng ta thuộc về, theo cách mà Thánh Thể xây dựng Giáo hội (x. Ibid., 1396), Thánh Thể hiệp nhất tất cả chúng ta.

Cuối cùng, tham dự Thánh Lễ cam kết chúng ta trong mối quan hệ với tha nhân, đặc biệt với những người nghèo, dạy cho chúng ta biết chuyển từ thân xác của Đức Ki-tô sang thân xác của anh em, trong đó Người chờ đợi để được chấp nhận, được phục vụ, được tôn vinh và được yêu thương bởi chúng ta (x. Ibid., 1397). Chứa đựng kho tàng của sự hiệp nhất với Đức Ki-tô trong những bình sành (x. 2 Cr 4:7) chúng ta luôn luôn phải trở lại với bàn thánh cho đến khi chúng ta được hưởng phúc trọn vẹn tiệc cưới của Con Chiên trên Thiên đàng (x. Kh 19:9).

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì hành trình tái khám phá Thánh lễ, đó là điều Người ban cho chúng ta để cùng nhau thực hiện trọn vẹn, và chúng ta hãy cho phép bản thân được cuốn hút đến với sự gặp gỡ đích thực với Chúa Giê-su bằng niềm tin được canh tân, Người đã chết và sống lại cho chúng ta. Và ước mong cho đời sống của chúng ta luôn luôn “trổ hoa,” như Mùa Phục sinh, với những bông hoa của hy vọng, những bông hoa của đức tin và những bông hoa của việc làm tốt lành. Mong sao chúng ta luôn tìm được sức mạnh cho điều này trong Thánh Thể, trong sự kết hiệp với Chúa Giê-su.

Chúc anh chị em Phục sinh Hạnh phúc!

© Libreria Editrice Vatican


[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/4/2018]


THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC (Phần 1)

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

ĐẠI HỘI ĐỒNG THÔNG THƯỜNG XV

“GIỚI TRẺ, ĐỨC TIN VÀ SỰ PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI”

HỌP TIỀN-THƯỢNG HỘI ĐỒNG


THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

TÀI LIỆU

ROMA, 19‐24 THÁNG BA 2018

Giới thiệu

Giới trẻ ngày nay đang phải đối mặt với những thách đố và những cơ hội thuộc ngoại giới và nội tâm, trong đó nhiều thách đố và cơ hội mang tính đặc thù của các bối cảnh riêng và một số mang nét chung trên các châu lục. Đứng trước vấn đề này, điều cần thiết là Giáo hội phải xét lại cách Giáo hội suy nghĩ về những vấn đề đó và cam kết trở thành người hướng dẫn hiệu quả, thích đáng và truyền sức sống trong suốt cuộc sống của họ.

Tài liệu này là một cương lĩnh tổng hợp bày tỏ một số ý tưởng và kinh nghiệm của chúng con. Điều quan trọng cần lưu ý rằng đây là những phản ánh của giới trẻ thuộc thế kỷ 21 từ nhiều nền tảng tôn giáo và văn hóa khác nhau. Vì thế Giáo hội không nên xem những phản ánh này như một sự phân tích dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của một thời gian nào đó trong quá khứ, nhưng nên xem đó là cách diễn tả chúng ta đang ở đâu, chúng ta đang đi về hướng nào, và như một gợi ý cho những gì Giáo hội cần làm để tiếp tục tiến bước.

Trước hết điều quan trọng là phải làm rõ những giới hạn của tài liệu này. Nó không nhằm tạo ra một thiên khảo luận thần học, cũng không phải thiết lập giáo huấn mới của Giáo hội. Nhưng, nó là một báo cáo phản ánh lại những thực tại, những cá tính, những niềm tin và kinh nghiệm cụ thể của giới trẻ trên thế giới. Tài liệu này sẽ được gửi đến các Nghị Phụ Thượng Hội đồng. Nó nhằm mục đích đưa ra cho các đức Giám mục một định hướng, hướng đến sự hiểu biết rõ hơn về giới trẻ: một sự hỗ trợ cho hành trình tiến đến Thượng Hội đồng Giám mục sắp diễn ra về “Giới trẻ, Đức tin, và sự Phân định Ơn gọi” vào tháng Mười năm 2018. Điều quan trọng là những kinh nghiệm này phải được xem xét và hiểu tùy theo những bối cảnh khác nhau nơi giới trẻ đang sống.

Những phản ánh này là đúc kết của cuộc họp hơn 300 đại diện giới trẻ từ khắp thế giới, họp tại Roma từ 19-24 tháng Ba, 2018, tại phiên họp khai mạc tiền-Thượng Hội đồng về Giới trẻ và của 15.000 bạn trẻ tham gia trực tuyến qua các nhóm Facebook.

Tài liệu này được hiểu là một bản tóm lược tất cả những ý kiến của các tham dự viên chúng con trên nền tảng công việc của 20 nhóm ngôn ngữ và 6 nhóm trên truyền thông xã hội. Tài liệu này sẽ là một nguồn tài nguyên, cùng với những nguồn khác, đóng góp vào Instrumentum Laboris (tài liệu làm việc) cho Thượng Hội đồng Giám mục năm 2018. Chúng con hy vọng rằng Giáo hội và những tổ chức khác có thể nhìn thấy từ tiến trình của cuộc họp Tiền-thượng Hội đồng này và lắng nghe tiếng nói của giới trẻ.

Hiểu rõ điều này, chúng con có thể tiến bước để khám phá với tấm lòng rộng mở và niềm tin tại nơi mà người trẻ đang sống hôm nay, nơi mà người trẻ tìm thấy bản thân mình trong mối quan hệ với những người khác, và cách thức Giáo hội chúng ta có thể đồng hành tốt nhất với các bạn trẻ để tiến đến sự hiểu biết sâu hơn về bản thân họ và vị trí của họ trên thế giới.





Phần Một

Những thách đố và cơ hội của giới trẻ trong thế giới ngày nay

1. Sự đào tạo nhân cách

Người trẻ đi tìm một ý thức về bản ngã bằng cách tìm kiếm những cộng đoàn hỗ trợ, nâng đỡ, đích thực và dễ tiếp cận: những cộng đoàn trao quyền cho họ. Chúng con rất trân trọng những nơi tạo điều kiện tốt cho sự phát triển nhân cách của họ, cụ thể gia đình chiếm một vị trí đặc biệt. Ở nhiều nơi trên thế giới, vai trò của người lớn tuổi và sự tôn kính tiền nhân góp phần trở thành những nhân tố cho sự đào tạo nên những nét đặc thù của họ. Tuy nhiên, đây không phải là một điểm chung trên toàn thế giới, vì những mô hình gia đình truyền thống ở các nơi khác đang bị suy tàn. Việc này cũng làm cho giới trẻ chịu đau khổ. Một số người trẻ rời bỏ khỏi những truyền thống gia đình của họ, hy vọng được là chính mình nhiều hơn những gì họ xem như “bị kẹt lại trong quá khứ” và “lỗi thời.” Về mặt khác, ở một số vùng trên thế giới, giới trẻ tìm lấy nét đặc thù bằng cách giữ lại cội nguồn trong những truyền thống gia đình của họ và cố gắng sống đúng theo cách họ được dạy bảo.

Vì vậy, Giáo hội cần phải hỗ trợ tốt hơn cho gia đình và sự đào tạo của họ. Điều này đặc biệt vô cùng thích hợp ở một số quốc gia không có quyền tự do bày tỏ, nơi mà những người trẻ – đặc biệt là nhóm vị thành niên – bị ngăn cản không được đi nhà thờ, và do vậy phải được đào tạo đức tin tại nhà bởi cha mẹ của họ.

Một cảm thức hệ thuộc là yếu tố nền tảng để định hình cho nét đặc thù của một người. Sự loại trừ xã hội là một yếu tố góp phần đánh mất giá trị bản thân và nét đặc thù của nhiều bạn. Ở vùng Trung Đông, nhiều bạn trẻ cảm thấy bị bắt buộc phải chuyển sang các tôn giáo khác để được bạn bè đồng trang lứa và văn hóa đang chi phối môi trường xung quanh chấp nhận. Điều này cũng được những cộng đồng người nhập cư ở Châu Âu cảm nhận sâu sắc, họ cảm thấy những sức ép của sự loại trừ xã hội và sức ép phải bỏ đi giá trị văn hóa của riêng họ và phải đồng hóa vào văn hóa đang chi phối. Đây là một phạm vi mà Giáo hội cần phải đưa ra mẫu gương, và tạo ra không gian, chữa lành cho gia đình của chúng con, trả lời cho những vấn đề này bằng cách cho thấy rằng có không gian cho tất cả mọi người.

Một điều cũng đáng lưu ý rằng nét đặc thù của giới trẻ cũng được định hình bởi sự tương tác ngoại giới và vai trò là thành viên trong các nhóm, các hội đoàn và phong trào cụ thể kể cả bên ngoài Giáo hội. Đôi khi, các giáo xứ không còn là nơi cho sự nối kết. Chúng con cũng công nhận vai trò của các nhà giáo dục và bạn bè, chẳng hạn những người lãnh đạo các nhóm giới trẻ, họ có thể là những tấm gương tốt. Chúng con cần những mẫu gương cuốn hút, trong sáng và đáng tin cậy. Chúng con cần những sự giải thích hữu lý và mang tính phê phán cho những vấn đề phức tạp – những câu trả lời quá đơn giản là không đủ.

Đối với một số bạn trẻ, tôn giáo bây giờ được xem là một vấn đề riêng tư. Đôi khi, chúng con cảm thấy rằng sự thánh thiêng là một điều gì đó tách biệt khỏi đời sống hàng ngày. Giáo hội thường quá khắt khe và thường gắn chặt với luân lý quá mức. Đôi khi trong Giáo hội, thật khó để vượt qua được luận lý theo cách “nó vẫn luôn được thực hiện theo cách này.” Chúng con cần một Giáo hội chào đón và thương xót, một Giáo hội thấu hiểu những cội nguồn và gia sản của mình và một Giáo hội yêu thương mọi người, ngay cả những người không đi theo những tiêu chuẩn được chấp nhận. Rất nhiều bạn tìm kiếm một cuộc sống bình an cuối cùng lại bước theo những triết lý hay những kinh nghiệm thay thế.

Những nơi khác để xây dựng tính tương thuộc là các nhóm, chẳng hạn những mạng lưới xã hội, bạn bè và bạn học cũng như những môi trường xã hội và tự nhiên. Đây là những nơi mà rất nhiều người chúng con dành hầu hết thời gian ở đó. Thường thường, trường học không dạy cho chúng con biết cách phát triển tư duy phê phán.

Những thời điểm quyết định cho sự phát triển nét đặc thù của mình bao gồm: quyết định chọn môn học, chọn ngành học, quyết định tín ngưỡng, khám phá giới tính và đưa ra những cam kết làm thay đổi cuộc sống.

Những yếu tố khác có thể định hình và ảnh hưởng đến sự hình thành các nét đặc thù và tính cách của chúng con là những kinh nghiệm với Giáo hội. Giới trẻ rất quan tâm và chú ý đến những chủ đề như giới tính, sự nghiện ngập, hôn nhân thất bại, gia đình tan vỡ cũng như những vấn đề xã hội trên phạm vi rộng hơn chẳng hạn tội phạm có tổ chức, buôn bán người, bạo lực, tham nhũng, bóc lột, sự hãm hại phụ nữ, mọi hình thức bắt bớ và sự suy thoái môi trường tự nhiên. Đây là những điều được quan tâm rất lớn trong các cộng đồng yếu kém trên khắp thế giới. Chúng con rất e sợ vì tại nhiều quốc gia của chúng con luôn có sự bất ổn về xã hội, chính trị và kinh tế.

Khi chúng con phải vật lộn với những thách đố này, chúng con cần có sự bao dung, chào đón, thương xót và nhân từ từ phía Giáo hội – vừa như một tổ chức và vừa như một cộng đoàn đức tin.


2. Mối quan hệ với người khác

Giới trẻ đang cố gắng làm sáng tỏ ý nghĩa của một thế giới rất phức tạp và đa dạng. Chúng con đã tìm cách tiếp cận với những khả năng mới để vượt qua những sự khác biệt và chia rẽ trên thế giới, nhưng điều này được thực hiện trong những thực tại khác nhau và với nhiều mức độ khác nhau. Nhiều bạn trẻ quen với cách nhìn nhận sự đa dạng như một sự giàu có và tìm kiếm cơ hội trong thế giới mang tính đa nguyên. Chủ nghĩa đa văn hóa có tiềm năng tạo điều kiện cho một môi trường đối thoại và khoan dung. Chúng con coi trọng sự đa dạng của các ý tưởng trong thế giới toàn cầu hóa, sự tôn trọng những suy nghĩ và sự tự do bày tỏ của người khác. Nhưng chúng con vẫn muốn bảo tồn nét đặc thù văn hóa của chúng con và tránh sự đồng hóa và một văn hóa loại bỏ. Chúng con không e sợ sự đa dạng của chúng con nhưng chúng con thích những sự khác biệt và muốn mỗi người chúng con trở thành duy nhất. Đôi khi, chúng con cảm thấy bị loại trừ vì là người Ki-tô hữu trong môi trường xã hội thù nghịch với tôn giáo. Chúng con ý thức rằng chúng con cần phải đối mặt với bản thân và với người khác để xây dựng những mối dây ràng buộc sâu sắc hơn.

Ở một số quốc gia, niềm tin Ki-tô giáo là một thiểu số trong khi một tôn giáo khác chiếm đa số. Ngày nay những quốc gia với nguồn gốc Ki-tô giáo đang có khuynh hướng dần dần chối bỏ Giáo hội và tôn giáo. Một số bạn trẻ đang cố gắng làm sáng tỏ đức tin trong một xã hội ngày càng trần tục hóa, nơi sự tự do lương tâm và tôn giáo đang bị tấn công. Chủ nghĩa phân biệt sắc tộc ở nhiều mức độ khác nhau đang ảnh hưởng đến giới trẻ của nhiều vùng trên thế giới. Vẫn còn cơ hội để Giáo hội vạch ra một “con đường” khác cho giới trẻ sống đời sống của họ, nhưng điều này cần phải được thực hiện trong những khuôn khổ xã hội thường là phức tạp.

Trong bối cảnh này thường rất khó cho người trẻ nghe được thông điệp của Tin mừng. Điều này nổi bật lên trong những vùng mà sự căng thẳng giữa các dân tộc trở nên phổ biến, không màng đế sự tôn trọng tính đa dạng chung. Cần phải hướng sự chú ý đặc biệt đến những anh chị em Ki-tô hữu của chúng ta, họ đang bị bách hại trên khắp thế giới. Chúng ta nhớ đến nguồn gốc Ki-tô giáo của chúng ta trong máu của các vị tử đạo, và khi chúng ta cầu nguyện cho sự chấm dứt mọi hình thức bách hại, chúng ta tạ ơn những chứng tá đức tin của họ cho thế giới. Ngoài ra, vẫn không có sự thống nhất ràng buộc về vấn đề chào đón người di cư và tị nạn, hay những nguyên nhân ban đầu gây ra hiện tượng này. Cho dù đã có sự thống nhất trong tiếng gọi toàn cầu về sự chăm sóc phẩm giá cho mọi con người.

Trong một thế giới toàn cầu hóa và liên tôn giáo, Giáo hội không những cần là một mẫu gương nhưng còn phải soạn thảo tỉ mỉ những hướng dẫn thần học hiện nay để có sự đối thoại hòa bình và xây dựng với những người thuộc tôn giáo và truyền thống khác.


3. Giới trẻ và tương lai

Giới trẻ luôn mơ ước về sự an toàn, ổn định và sự trọn vẹn. Nhiều bạn ước mong một đời sống tốt đẹp hơn cho gia đình của họ. Ở nhiều nơi trên thế giới, điều này có nghĩa là tìm kiếm sự an toàn cho con người; với những nơi khác điều này liên quan nhiều hơn đến vấn đề tìm được việc làm tốt hoặc một lối sống nào đó. Một ước mơ chung trên mọi châu lục và đại dương là khao khát tìm được một nơi để người trẻ tuổi cảm nhận được sự thuộc về.

Chúng con hình dung ra những cơ hội lớn hơn, một xã hội tương thân và tin tưởng chúng con. Chúng con tìm cách để được lắng nghe và tìm cách để không chỉ đơn thuần là những khán giả ngồi xem nhưng là những người tham gia tích cực. Chúng con tìm kiếm một Giáo hội giúp chúng con tìm thấy được ơn gọi của mình, trong tất cả mọi ý nghĩa của nó. Ngoài ra, đáng buồn là không phải tất cả chúng con đều tin rằng việc lên thánh là một điều có thể đạt được và đó là một con đường dẫn đến hạnh phúc. Chúng ta cần phải làm sống lại ý thức cộng đoàn giúp dẫn đưa chúng con đến với cảm thức thuộc về.

Một số vấn đề quan tâm mang tính thực dụng làm cho cuộc sống chúng con trở nên khó khăn. Nhiều bạn trẻ đã trải qua những cú sốc tinh thần mạnh theo nhiều cách khác nhau. Nhiều bạn vẫn chịu đựng sự đau khổ dưới sức nặng của bệnh tâm thần và những khuyết tật cơ thể. Giáo hội cần phải hỗ trợ chúng con tốt hơn và đưa ra cho chúng con những con đường để giúp đỡ chúng con trong việc chữa lành. Ở một số vùng trên thế giới, cách duy nhất để tìm được một tương lai an toàn là phải có học thức cao hoặc việc làm thật tốt. Cho dù đây là một tiêu chuẩn chung, nhưng nó không luôn luôn là đúng vì còn tùy thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau nơi các bạn trẻ đang sống. Ý kiến này là một khái niệm phổ biến và do đó đã ảnh hưởng đến cách hiểu của chúng con về việc làm. Dù thực tại ra sao đi nữa, giới trẻ vẫn mong muốn khẳng định giá trị vốn có của việc làm. Đôi khi, cuối cùng chúng con lại vứt bỏ những ước mơ của mình. Chúng con quá sợ hãi, và một số người chúng con đã từ bỏ ước mơ. Điều này được nhìn thấy dưới nhiều áp lực kinh tế xã hội mà chúng có thể làm khô kiệt cảm thức của hy vọng nơi người trẻ. Có những lúc, chúng con thậm chí không có cơ hội để tiếp tục ước mơ.

Vì lý do này, giới trẻ tìm cách để đối phó và giải quyết những vấn đề công bằng xã hội của thời đại chúng ta. Chúng con tìm kiếm cơ hội hoạt động để hướng đến việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Về vấn đề này, Giáo huấn Xã hội Công giáo là một công cụ hướng dẫn rất quan trọng cho giới trẻ Công giáo là những người muốn theo đuổi ơn gọi này. Chúng con muốn một thế giới hòa bình, một thế giới cân đối giữa sinh thái toàn diện và một nền kinh tế toàn cầu bền vững. Với các bạn trẻ sống trong những khu vực bất ổn và mong manh của thế giới, họ hy vọng và mong chờ những hành động cụ thể từ phía các chính phủ và từ phía xã hội: chấm dứt chiến tranh và tham nhũng, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, những bất bình đẳng và an toàn xã hội. Điều quan trọng đáng lưu ý là bất kể bối cảnh như thế nào, tất cả các bạn đều chia sẻ cùng một khát khao sâu thẳm hướng đến những lý tưởng cao thượng: hòa bình, sự yêu thương, sự tin tưởng, công lý, tự do và công bằng.

Giới trẻ mơ ước một đời sống tốt đẹp hơn, tuy nhiên nhiều bạn bị buộc phải di cư để tìm kiếm một hoàn cảnh kinh tế và môi trường tốt hơn. Họ mong chờ hòa bình và đặc biệt bị thu hút bởi “thần thoại phương Tây,” như được thể hiện trên truyền thông. Các bạn trẻ Châu Phi mơ ước một Giáo hội địa phương tự lực, một Giáo hội không yêu cầu sự cứu trợ dẫn đến tình trạng lệ thuộc, nhưng là một xã hội truyền sức sống cho các cộng đoàn của mình. Cho dù có nhiều cuộc chiến và liên tiếp bùng nổ bạo lực, giới trẻ vẫn giữ vững hy vọng. Ở những quốc gia Tây phương, mơ ước của các bạn là tập trung vào sự phát triển cá nhân và phát triển năng khiếu bản thân.

Ở nhiều nơi có một khoảng cách rất lớn giữa những khát khao của tuổi trẻ và khả năng của họ để đưa ra những quyết định lâu dài.


4. Mối quan hệ với công nghệ

Khi nói đến công nghệ, chúng ta phải hiểu về tính hai mặt trong cách ứng dụng của nó. Dù những tiến bộ hiện đại trong công nghệ đã cải thiện rất lớn cuộc sống của chúng ta, chúng ta cũng phải thận trọng với cách sử dụng chúng. Cũng như tất cả mọi vấn đề khác, sự ứng dụng thiếu thận trọng có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Trong khi với một số người, công nghệ làm gia tăng những mối quan hệ của chúng ta, thì với nhiều người khác nó đã biến tướng thành một hình thức nghiện, trở thành một sự thay thế cho mối quan hệ của con người và thậm chí với Thiên Chúa. Dù thế nào đi nữa, hiện nay công nghệ là một phần bất ly thân trong đời sống của giới trẻ và phải được hiểu như vậy. Thật ngược đời, tại một số quốc gia công nghệ và đặc biệt là internet có thể dễ dàng truy cập trong khi hầu hết những nhu cầu và dịch vụ căn bản khác vẫn thiếu thốn.

Không thể xem nhẹ tác động của truyền thông xã hội trong đời sống của giới trẻ. Truyền thông xã hội là một phần quan trọng của nét đặc thù và lối sống của các bạn trẻ. Các môi trường kỹ thuật số có một tiềm năng rất lớn trong việc liên kết con người vượt những khoảng cách về địa lý mà trước đây chưa từng có. Việc trao đổi thông tin, những lý tưởng, những giá trị và những quan tâm chung hiện nay trở nên dễ dàng hơn. Việc truy cập đến những công cụ học tập trên mạng đã mở ra những cơ hội học hành cho giới trẻ ở các vùng xa xôi và mang kiến thức thế giới đến trên đầu ngón tay của chúng ta.

Tuy nhiên, tính hai mặt của công nghệ trở nên rõ ràng khi nó dẫn đến việc phát triển những sự đồi trụy. Mối nguy hiểm này được thể hiện qua sự cách ly, tính lười biếng, tình trạng cô độc và chán chường. Điều quá rõ là giới trẻ trên toàn thế giới tiêu thụ quá mức những sản phẩm truyền thông. Cho dù sống trong một thế giới kết nối mạng liên tục, nhưng sự giao tiếp giữa những người trẻ tuổi vẫn bị giới hạn với những người cùng kết nối mạng như họ. Còn thiếu những không gian và cơ hội để gặp gỡ sự khác biệt. Văn hóa truyền thông đại chúng vẫn gây nhiều ảnh hưởng trên đời sống và lý tưởng của giới trẻ. Với sự ứng dụng của truyền thông xã hội, việc này dẫn đến những thách đố mới tới mức những công ty truyền thông mới có quyền lực đối với đời sống của giới trẻ.

Thường thường, giới trẻ có khuynh hướng tách rời thái độ của họ trong hai môi trường trên mạng (online) và môi trường sống thật (offline). Điều cần thiết là phải đào tạo cho giới trẻ biết cách sống đời sống kỹ thuật số. Những mối quan hệ trên mạng có thể trở thành phi nhân. Những không gian số làm chúng ta mù trước sự mong manh của người khác và ngăn chặn việc tự suy tư của chúng con. Những vấn đề như khiêu dâm bóp méo nhận thức của giới trẻ về tính dục của con người. Công nghệ sử dụng theo cách này tạo ra một thực tại song song ảo làm mất nhân phẩm.

Những mối nguy hiểm khác bao gồm: đánh mất nét đặc thù do cách thể hiện không đúng về một con người, xây dựng nhân cách ảo và đánh mất tính hiện thực xã hội của con người. Ngoài ra còn có những nguy cơ về lâu dài như: mất trí nhớ, mất văn hóa và tính sáng tạo do sự tiếp cận thông tin trực tiếp và mất khả năng tập trung do sự phân tán. Ngoài ra, nó còn tồn tại một văn hóa và tính độc tài của hình dáng bên ngoài.

Cuộc đối thoại về công nghệ không chỉ giới hạn trong internet. Trong lĩnh vực luân lý sinh học, công nghệ đặt ra những thách đố và nguy cơ mới liên quan đến tính an toàn của sự sống con người ở mọi giai đoạn. Sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo và những công nghệ mới, chẳng hạn ngành rô-bốt và kỹ thuật tự động, tạo ra những nguy cơ cướp mất cơ hội việc làm đối với những cộng đồng lao động. Công nghệ có thể gây thiệt hại cho nhân phẩm nếu nó không được sử dụng theo lương tâm và cẩn trọng và nếu nhân phẩm không được đặt vào trung tâm của cách sử dụng.

Chúng con đưa ra hai đề nghị cụ thể liên quan đến công nghệ. Trước hết, bằng cách gắn kết trong sự đối thoại với giới trẻ, Giáo hội nên đào sâu sự hiểu biết của mình về công nghệ để hỗ trợ chúng con trong việc phân định cách sử dụng nó. Hơn nữa, Giáo hội nên xem công nghệ – đặc biệt là internet – như là một mảnh đất màu mỡ cho việc Tân Phúc Âm hóa. Kết quả của những phản ánh này phải được chính thức hóa trong một tài liệu chính thức của Giáo hội. Thứ hai, Giáo hội nên xử lý sự khủng hoảng lan rộng của tình trạng khiêu dâm, trong đó có việc lạm dụng tính dục trẻ em trên mạng, cũng như tình trạng bạo lực internet và sự mất mát mà những điều này gây ra cho nhân loại.

5. Tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống

Nhiều bạn trẻ khi được hỏi “Ý nghĩa cuộc sống của bạn là gì?” đều không biết trả lời ra sao. Họ không luôn luôn thiết lập được sự kết nối giữa đời sống và tính siêu việt. Nhiều bạn trẻ bị mất niềm tin vào các tổ chức đã rời bỏ tôn giáo có tổ chức và không xem bản thân họ là “người theo tôn giáo.” Tuy nhiên, giới trẻ rất mở lòng với vấn đề tâm linh.

Nhiều bạn cũng than phiền rằng ít khi giới trẻ tìm được câu trả lời cho ý nghĩa cuộc sống trong bối cảnh đức tin và Giáo hội. Trong nhiều vùng trên thế giới, giới trẻ gắn liền ý nghĩa cuộc sống của họ qua công việc và sự thành công của bản thân. Khó khăn trong việc tìm kiếm sự ổn định trong những vùng này tạo ra sự bất an và sự lo âu. Nhiều bạn phải di cư để tìm việc làm ở nơi tốt hơn. Những bạn trẻ khác, do sự bất ổn kinh tế, đã phải rời bỏ gia đình và văn hóa.

Cuối cùng, những bạn khác nói rằng dù giới trẻ có thể đặt những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, điều này cũng không luôn mang ý nghĩa rằng họ sẵn sàng cam kết dứt khoát bản thân với Chúa Giê-su hay với Giáo hội. Ngày nay, tôn giáo không còn được xem như là kênh chính để một người trẻ đi tìm ý nghĩa, vì họ thường chuyển qua những kênh và những hệ tư tưởng hiện đại khác. Những vụ tai tiếng trong Giáo hội – cả những vụ thật hoặc theo nhận thức – ảnh hưởng đến lòng tin của giới trẻ vào Giáo hội và vào những tổ chức truyền thống của Giáo hội.

Giáo hội có thể đóng một vai trò then chốt để bảo đảm rằng những bạn trẻ này không bị gạt ra bên lề nhưng cảm thấy được đón nhận. Điều này có thể xảy ra khi chúng ta tìm cách thăng tiến phẩm giá của phụ nữ, cả trong Giáo hội và ngoài xã hội rộng lớn. Ngày nay, xã hội có một vấn đề chung là phụ nữ vẫn không được trao vị trí bình đẳng. Vấn đề này cũng tương tự như vậy trong Giáo hội. Có những mẫu gương phụ nữ phục vụ trong các cộng đoàn tôn giáo tận hiến và trong các vai trò lãnh đạo giáo dân. Tuy nhiên, đối với một số bạn trẻ nữ, những mẫu gương này không luôn luôn được thể hiện rõ ràng. Một câu hỏi then chốt nổi lên trong các suy tư này: đâu là những nơi để phụ nữ có thể phát huy tốt trong Giáo hội và xã hội? Giáo hội có thể tiếp cận với những vấn đề này bằng sự thảo luận thật sự và cởi mở với những ý kiến và kinh nghiệm khác nhau.

Thường có một sự bất đồng rất lớn giữa các bạn trẻ, cả trong Giáo hội và trên thế giới, về một số giáo huấn hiện đang gây tranh cãi mạnh ngày nay. Chẳng hạn các vấn đề: ngừa thai, phá thai, đồng tính luyến ái, sống thử, hôn nhân, và sự nhận thức về thiên chức linh mục trong những thực tại khác nhau trong Giáo hội. Một điều quan trọng đáng lưu ý là bất kể mức độ hiểu giáo huấn của Giáo hội của họ, thì vẫn có sự bất đồng ý kiến và sự tranh cãi đang diễn ra giữa các bạn trẻ về những vấn đề này. Vì vậy, dường như họ muốn Giáo hội thay đổi giáo huấn của mình hay ít nhất có sự giải thích tốt hơn hoặc huấn luyện nhiều hơn về những vấn đề này. Cho dù có sự tranh luận bên trong, những bạn trẻ Công giáo có sự xác tín xung khắc với giáo huấn chính vẫn khao khát là một phần trong Giáo hội. Nhiều bạn trẻ Công giáo đón nhận những giáo huấn này và tìm thấy trong đó một nguồn mạch niềm vui. Các bạn mong mỏi rằng Giáo hội không chỉ bó khuôn họ trong những điều không mang nhiều tính cộng đồng nhưng nên công bố cho họ những giáo huấn mang chiều sâu nhiều hơn.

Trên khắp thế giới, mối quan hệ với sự thánh thiêng là rất phức tạp. Ki-tô giáo thường bị xem như là một điều gì đó thuộc về quá khứ và giá trị hoặc tính thích đáng của nó chẳng còn ai hiểu được. Trong khi đó, ở những cộng đồng khác, sự ưu tiên được dành cho tính thánh thiêng vì cuộc sống hàng ngày được xây dựng xoay quanh tôn giáo. Trong một số bối cảnh của Châu Á, ý nghĩa của cuộc sống có thể được kết hợp với những triết học Đông phương.

Cuối cùng, nhiều người chúng con khát khao muốn biết Chúa Giê-su, tuy nhiên thường phải chiến đấu để nhận ra rằng chỉ mình Người là nguồn mạch cho sự tìm hiểu bản ngã, vì chính trong mối quan hệ với Ngài mà con người cuối cùng khám phá ra bản thân. Từ đó, chúng con tìm ra rằng giới trẻ muốn những chứng nhân đích thực – những con người bày tỏ niềm tin và mối quan hệ với Chúa Giê-su một cách mạnh mẽ đồng thời động viên những người khác tiến tới, gặp gỡ, và yêu mến Giê-su.


Ảnh bìa là một đám mây các chữ viết được từng bạn trẻ tham dự chọn để miêu tả kinh nghiệm của họ tại cuộc Họp Tiền-Thượng Hội đồng


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/3/2018]