Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Thánh Lễ cho Đội Hiến binh Vatican

Thánh Lễ cho Đội Hiến binh Vatican

© Vatican Media

Thánh Lễ cho Đội Hiến binh Vatican

Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết vì sự phục vụ của họ

28 tháng Chín, 2020 15:52

ZENIT STAFF

 
Thứ Bảy, ngày 26 tháng Chín năm 2020, tại Bàn thờ Thánh Phêrô của Vương cung thánh đường Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tế Thánh Lễ cho đội Hiến binh Vatican, nhân Lễ Thánh Micae Tổng lãnh Thiên thần, là thánh bổn mạng, người bảo vệ của Cảnh sát Nhà nước Ý và Đội Hiến binh Vatican.

Dưới đây chúng tôi xin tường thuật nội dung bài giảng mà Đức Giáo Hoàng giảng ứng khẩu trong Thánh Lễ:


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Các bài đọc Chúa nhật này nói cho chúng ta biết về sự sám hối. Sự sám hối tâm hồn; sám hối có nghĩa là “thay đổi lối sống”, nghĩa là, tâm hồn chưa đi theo con đường tốt lành sẽ tìm thấy một con đường tốt lành.

Nhưng nó không chỉ là sự thay đổi của chúng ta: nó cũng là sự thay đổi của Thiên Chúa: “Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm – như chúng ta nghe thấy trong bài đọc một – mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống” (Ed 18: 27-28). Kẻ dữ hối cải. Chúng ta nói một cách dễ hiểu hơn: người tội lỗi hối cải và Thiên Chúa hoán cải tội nhân. Sự gặp gỡ với Thiên Chúa, sự thay đổi, là từ cả hai phía; cả hai đều cố gắng gặp gỡ. Tha thứ không chỉ đơn thuần là chuyện đi đến đó, gõ cửa và nói: “Xin tha cho tôi,” và rồi họ trả lời cho bạn từ hệ thống điện thoại gọi cửa: “Tôi tha cho anh. Đi đi.” Tha thứ luôn luôn là một cái ôm của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa cũng lên đường để gặp gỡ chúng ta, cũng như chúng ta lên đường.

Đây là sự tha thứ của Chúa, con đường hoán cải. “Nhưng làm sao tôi đến được với Chúa? Tôi là một tội nhân trọng tội như vậy! Điều Chúa muốn là; là bạn hãy đến, bạn hãy đến với Người. Người cha của đứa con hoang đàng làm gì? – đứa con đã bỏ đi với số tiền và tiêu hết gia tài vào những điều trụy lạc – người cha đã làm gì? Khi ông nhìn thấy đứa con trở về – vì đứa con đã bỏ đi và nó phải trở về với cha nó; nó phải trở về vì sự cần thiết, nhưng dù sao đi nữa, đứa con đã cất bước – người cha đứng trên sân nhà, liền vội vã đi ra và đến gặp đứa con. Ông không chờ đứa con tại cửa với ngón tay chỉ vào đứa con, ông ôm nó! Và khi đứa con cất lời xin tha thứ, cái ôm chặn lại lời nói của nó. Đây là sự thay đổi. Đây là tình yêu của Chúa. Đó là con đường của sự gặp gỡ lẫn nhau.

Và về vấn đề này cha muốn nhấn mạnh rằng: một tâm hồn luôn rộng mở để gặp gỡ Chúa – đây là sự hoán cải, mở rộng lòng để gặp gỡ Chúa – đâu là mẫu gương? Mẫu gương đó là của Tin mừng, của người giàu, của người nghèo, mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô. Người đi ra để gặp gỡ chúng ta. Chúng ta đã nghe trong bài đọc hai: “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa – Chúa Giêsu là Thiên Chúa – mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa – tức là giữ nguyên địa vị – nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. [...] Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”(Phl 2,5-8).

Con đường hoán cải là sự tiếp cận, nó là sự gần gũi, nhưng là sự gần gũi phục vụ. Và câu nói này khiến cha phải nói với anh em, anh em đội Hiến binh thân mến. Bất cứ khi nào anh em tiếp cận để phục vụ, noi gương Chúa Giêsu Kitô. Mỗi lần anh em bước tới một bước để giữ trật tự, anh em hãy nghĩ rằng anh em đang phục vụ, anh em đang thực hiện một sự hoán cải phục vụ. Và cách anh em làm điều đó, anh em sẽ làm điều tốt cho người khác. Và vì điều đó, cha xin nói lời cảm ơn anh em. Sự phục vụ của anh em là một sự thay đổi hai chiều: sự thay đổi của anh em – giống như sự thay đổi của Chúa Giêsu Kitô -, bỏ lại sự thoải mái của mình, bỏ lại … “tôi sẽ đi phục vụ”; và sự thay đổi khác là sự thay đổi của người khác, là người không cảm thấy bị phạt, nhưng lắng nghe điều phải, với sự khiêm nhường của Chúa Giêsu. Do đó, Chúa Giêsu yêu cầu anh em hãy nên giống như Người: mạnh mẽ, kỷ luật, nhưng khiêm nhường và phục vụ.

Cha có lần nghe chuyện một ông cụ nói khi ông kể về người con trai của ông mắng chửi con anh ta: “Con trai tôi không hiểu rằng mỗi khi nó mắng chửi con cái là nó đánh mất uy quyền”. Uy quyền của anh em là ở sự phục vụ: đặt ra những giới hạn, để làm cho mọi việc diễn ra, nhưng trong sự phục vụ, trong đức ái, trong sự tốt lành. Và đây là sự thay đổi lớn lao của anh em. Với cha, thật là điều rất buồn nếu có người nói với cha: “Không phải vậy, đội Hiến binh của cha …, họ chỉ là người làm thuê, những người làm thuê, họ chỉ làm theo lịch công việc và chẳng quan tâm …” Không, không. Đây không phải là con đường thay đổi và làm người khác thay đổi. Con đường của anh em là con đường phục vụ, giống người cha đến thăm đứa con, giống như một người anh em nhìn thấy điều gì đó và nói: “Không được, không làm như vậy được, điều này không tốt.” Đây là cách thức nhưng phải nói với con tim, nói với sự khiêm nhường, nói với sự gần gũi.

Trong Tin mừng, Kinh Thánh nói rằng Chúa Giêsu luôn đến với các tội nhân, với cả những người làm điều ác, nhưng họ cảm thấy gần gũi với Chúa Giêsu, họ không cảm thấy bị kết án. Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ nói dối, không nói dối, Không: “Đây là sự thật, đây là con đường.” Nhưng Ngài nói với sự nhã nhặn, Người nói với con tim, Người nói như một người anh em.

Cảm ơn vì sự phục vụ của anh em. Cảm ơn anh em, Cha nhìn thấy sự phục vụ của an em theo con đường này. Đôi lúc có người vấp ngã một chút, nhưng trong cuộc sống ai là người không vấp ngã? Tất cả! Nhưng chúng ta đứng dậy: “Tôi đã không làm điều tốt, nhưng bây giờ …”. Luôn luôn phục hồi lại con đường vì sự thay đổi của con người và vì sự thay đổi của chính mình. Trong phục vụ Ngài không bao giờ sai lầm vì phục vụ là yêu thương, nó là đức ái, nó là sự gần gũi. Phục vụ là con đường Chúa đã chọn nơi Chúa Giêsu Kitô để tha thứ cho chúng ta, để biến đổi chúng ta.

Cảm ơn vì sự phục vụ của anh em, và hãy tiến bước, luôn luôn với sự gần gũi khiêm nhường và mạnh mẽ mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Cảm ơn anh em.

[01117-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển VIệt ngữ: TRI KHOAN 29/9/2020]


Phỏng vấn của ACN với ông Ján Figel’, cựu đặc phái viên thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng bên ngoài EU

Phỏng vấn của ACN với ông Ján Figel’, cựu đặc phái viên thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng bên ngoài EU

Ján Figel’, Cựu đặc phái viên EU về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng bên ngoài EU.

Phỏng vấn của ACN với ông Ján Figel’, cựu đặc phái viên thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng bên ngoài EU

‘Chúng ta cần một ‘sự biến đổi khí hậu’ về vấn đề tự do tôn giáo

09 tháng Chín, 2020 00:59

ZENIT STAFF


‘Chúng ta cần một ‘sự biến đổi khí hậu’ về vấn đề tự do tôn giáo

Lần thứ hai kể từ khi được Liên hợp quốc thành lập vào năm 2019, “Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân của các Hành vi Bạo lực vì Tôn giáo hoặc Niềm tin” được tổ chức ngày 22 tháng Tám. Những phát hiện của một báo cáo về tình hình của những người bị đàn áp tôn giáo trên toàn thế giới hoàn toàn không khả quan. Tổ chức bác ái mục vụ Công giáo quốc tế Aid to the Church in Need (ACN - Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn) đã trao đổi về vấn đề này với ông Ján Figel’, một chính trị gia người Slovakia sẽ kết thúc nhiệm kỳ là Đặc phái viên của Liên minh Châu Âu về việc thúc đẩy Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng bên ngoài EU.


Ông có những suy nghĩ gì nhân Ngày Quốc tế Tưởng niệm các Nạn nhân của Hành động Bạo lực vì Tôn giáo hoặc Niềm tin?

Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của sự ngược đãi tôn giáo là một sự kiện rất quan trọng trong lịch các ngày tưởng niệm của quốc tế vì có quá nhiều nạn nhân của sự ngược đãi tôn giáo; con số ước tính là cả hàng trăm triệu. Sự ngược đãi tôn giáo đang gia tăng trên khắp thế giới; điều này khiến thêm nhiều triệu người phải chịu đựng sự phân biệt đối xử. Thực tại rất đau đớn là những nạn nhân của nạn diệt chủng thật sự vẫn tồn tại trong thế giới ngày nay. Trong quá khứ, các hiệp ước quốc tế thường bỏ qua, chểnh mảng và ít khi công nhận sự tự do tôn giáo, nhưng ngày nay tự do tôn giáo và niềm tin đã trở thành yếu tố quyết định cho tình trạng nhân quyền.


Cách tốt nhất để tổ chức ngày này là gì?

Chứng tá của những người thoát khỏi sự ngược đãi tôn giáo là vô cùng quan trọng. Những trình bày, các hội nghị, họp trực tuyến, hội thảo, và hội thảo trực tuyến được tổ chức. Mục đích chính của những sự kiện này là làm tăng ý thức của chúng ta về tầm quan trọng của tự do tôn giáo cho tất cả mọi người và để tưởng nhớ các nạn nhân của sự ngược đãi tôn giáo. Xét cho cùng, nếu bạn mất ký ức, bạn sẽ đánh mất bản sắc và định hướng. Điểm thứ hai, yếu tố quan trọng hơn nữa là giáo dục mọi người về cách chung sống trong sự đa dạng, vì sống chung vượt xa việc đơn thuần tồn tại bên nhau. Thứ ba, các chính phủ và giới chức quốc gia phải thúc đẩy công bằng cho mọi người, vì hòa bình là kết quả của công bằng. Lấy một ví dụ, sự bình đẳng trong quyền dân sự là một cách thể hiện tuyệt vời của sự công bằng cho mọi người, cho cả nhóm đa số trong xã hội và cho những nhóm thiểu số.


Ông có những kinh nghiệm gì khi còn trẻ đã sống trong một đất nước Cộng sản dưới chế độ Xô viết của Czechoslovakia trước đây?

Cả nửa cuộc đời, tôi sống thiếu tự do. Nó thật sự là một hoàn cảnh phi nhân tính và là thời điểm rất khó khăn. Tên tôi là Ján Figel’, giống như bác tôi, là anh trai của cha tôi, người đã bị cơ quan mật vụ của hệ thống mà thời đó gọi là nhà nước Tiệp Khắc của Stalin sát hại trong thập niên 1950. Tự do là sự thể hiện phẩm giá con người, và phẩm giá con người là nền tảng cho tất cả các quyền của con người. Do đó, chối bỏ sự tự do của con người cũng là phủ nhận nhân phẩm của họ.

Phỏng vấn của ACN với ông Ján Figel’, cựu đặc phái viên thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng bên ngoài EU

Tại sao bảo vệ tự do tôn giáo lại quan trọng?

Tự do tôn giáo và niềm tin là cách thể hiện cao nhất của tự do. Nó được định nghĩa là sự tự do tôn giáo, niềm tin và lương tâm. Vì vậy, nó có tầm quan trọng như nhau đối với cả những người tin và không tin. Đây là một quyền trung tâm của con người và là quyền sâu rộng vì nó liên kết chặt chẽ với các quyền tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến, hội họp và hiệp hội. Khi quyền tự do tôn giáo bị cấm, nó sẽ dẫn đến việc đàn áp các quyền và những sự tự do khác. Đó là lý do tại sao việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo là rất quan trọng, không chỉ vì nó ảnh hưởng đến các quyền khác, mà nó còn là yếu tố quyết định cho tất cả các quyền khác của con người.


Chúng ta có thể bảo vệ tự do tôn giáo và những người đang bị ngược đãi vì niềm tin của họ như thế nào?

Nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ các nạn nhân của sự ngược đãi. Đó là trách nhiệm con người của chúng ta, nhưng nó cũng là ích lợi căn bản của tất cả chúng ta. Chúng ta phải nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của tự do tôn giáo. Các phương tiện truyền thông phải tập trung nhiều hơn vào những hoàn cảnh và chủ đề này. Trách nhiệm của chúng ta là phải trao tiếng nói cho những người không có tiếng nói và không thể tự bảo vệ. Tôi xin kêu gọi cộng đồng quốc tế: thế giới ngày nay đang cần một sự “biến đổi khí hậu” về các vấn đề tự do tôn giáo, vì tình hình hiện rất xấu và đáng lo ngại. Hàng triệu người trên khắp thế giới đang bị đàn áp tôn giáo và xu hướng này là đáng báo động. Hai sự thật khủng khiếp này cần làm thức tỉnh một ý thức lớn hơn trong cộng đồng quốc tế về sự cần thiết phải duy trì tự do tôn giáo và bảo vệ phẩm giá của mọi người trên toàn thế giới.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/9/2020]