Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Đức Hồng y Turkson: Nước uống an toàn, vệ sinh là nhân quyền

Đức Hồng y Turkson: Nước uống an toàn, vệ sinh là nhân quyền

Phiên họp Quốc tế được điều phối bởi Đức Tổng Giám mục Jurkovic
19 tháng Chín, 2017
WikimediaĐức Hồng y Turkson: Nước uống an toàn, vệ sinh là nhân quyền
Wikimedia
“Nhân Quyền Với Nước Uống An Toàn và Sự Vệ Sinh” là chủ điểm của một sự kiện bên lề được tổ chức song song với Phiên họp thứ 36 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc ngày 14 tháng Chín, 2017 tại Palais des Nations ở Geneva.
Đức Hồng y Phê-rô Turkson, Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện của Tòa Thánh, đọc diễn văn chính. Phiên họp được điều phối bởi Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovic, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc và các Tổ Chức Quốc tế khác ở Geneva.  Đại diện của nhiều phái đoàn các quốc gia và các tổ chức phi chính phủ tham dự.
Trong bài diễn văn chính, Đức Hồng y bày tỏ một nguyện vọng toàn cầu về việc chính thức hóa và củng cố việc tiếp cận với nước và sự vệ sinh như là một quyền của con người. Ngài phân tích rằng “là một tinh túy của tạo hóa, nước được dành cho tất cả mọi con người và cộng đồng của họ,” một quan điểm được xem là quan trọng của Giáo hội Công giáo trong nhiều thập niên.
Tuy nhiên, Đức Hồng y Turkson chỉ ra rằng “cho dù có những tiến trình lâu dài cho các cuộc đàm phán quốc tế và liên chính phủ, nhưng thiếu những nền tảng vững chắc nên các nghị quyết và tuyên ngôn của chúng ta đương nhiên không được tôn trọng.” Ngài tiếp tục rằng Giáo hội Công giáo muốn gia tăng ý thức về vấn đề “đặt nền móng vững cho cuộc thảo luận về quyền đối với nước uống và vệ sinh trên những nền tảng về nhân loại học.”
Đức Hồng y nhấn mạnh đến sự tiếp cận với nước và vệ sinh không chỉ là một nhu cầu căn bản của con người nhưng “là một yếu tố cốt lõi của sự tự do.”

Dưới đây là Thông cáo Báo chí liên quan đến Sự kiện này được Vatican phát hành

NHÂN QUYỀN ĐỐI VỚI NƯỚC UỐNG AN TOÀN VÀ SỰ VỆ SINH
Ngày 14 tháng Chín, 2017, Phái bộ Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc và các Tổ chức Quốc tế khác tại Geneva, Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Dòng Malta tại Liên Hợp Quốc ở Geneva và Tổ chức Caritas in Veritate, đã tổ chức một sự kiện bên lề, được tổ chức song song với Phiên họp thứ 36 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, với chủ đề “Nhân Quyền Với Nước Uống An Toàn và Sự Vệ Sinh.” Sự kiện được đặt cơ sở trên một ấn bản về Quyền đối với Nước do Tổ chức Caritas in Veritate phát hành. Đức Hồng y Phê-rô Kodwo Appiah TURKSON, Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện của Tòa Thánh, đã đọc bài diễn văn chính. Rất nhiều các Phái đoàn (trong đó có Andorra, Bangladesh, Brazil, Ecuador, Ethiopia, Ghana, Đức, Ý, Maldives, Morocco, Nicaragua, Peru, Tây Ban nha, Hoa kỳ) và các tổ chức phi chính phủ tham dự buổi họp này, phiên họp được điều phối bởi Đức Tổng Giám mục Ivan JURKOVIČ, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc và các Tổ chức Quốc tế khác tại Geneva.
Sự kiện được khai mạc bởi Tiến sĩ David NABARRO, cựu Cố vấn Đặc biệt cho Tổng thư ký Liên Hợp quốc cho Chương trình Nghị sự 2030 cho sự Phát triển Bền vững và Biến đổi Khí hậu. Ông làm nổi bật tầm quan trọng của việc áp dụng thành công Chương trình Nghị sự 2030 qua việc công nhận những giá trị chung, nơi mọi con người phải được tiếp cận với những nhu cầu căn bản. Ông phân tích rằng Chương trình Nghị sự 2030 phải đi theo đúng những nguyên tắc của nó, tập trung vào con người và biết nhạy cảm đối với trái đất. Những Mục tiêu Phát triển Bền vững phải giống như một tấm thảm không thể chia tách được và cuối cùng ngài nhấn mạnh đến chiến lược “không để một ai rơi lại phía sau,” tức là mỗi con người đều là quan trọng. Ông Nabarro sau đó khai mạc phiên thảo luận bằng ý kiến rằng “để những Mục tiêu Phát triển Bền vững trở thành hiện thực [đặc biệt liên quan đến mục tiêu có nước uống an toàn cho tất cả mọi người], một nhu cầu vô cùng khẩn thiết là mau chóng hành động theo trình tự.”
Trong bài diễn văn chính, Đức Hồng y Phê-rô Kodwo Appiah TURKSON bày tỏ một nguyện vọng toàn cầu nhắm việc chính thức hóa và củng cố việc tiếp cận với nước và sự vệ sinh như là một quyền của con người. Ngài phân tích rằng “là một tinh túy của tạo hóa, nước được dành cho tất cả mọi con người và cộng đồng của họ,” cả Giáo hội Công giáo và Cộng đồng Quốc tế đã nâng tầm quan trọng của vấn đề bức thiết này trong nhiều thập niên qua, với những buổi tranh luận đặc biệt liên quan đến cuộc chiến chống nghèo đói và sự bảo tồn và bóc lột các hệ sinh thái. Tuy nhiên, Đức Hồng y Turkson phân tích rằng cho dù có những tiến trình lâu dài cho các cuộc đàm phán quốc tế và liên chính phủ, nhưng “thiếu những nền tảng vững chắc nên các nghị quyết và tuyên ngôn của chúng ta đương nhiên không được tôn trọng.” Để đạt được mục đích này, đối với Giáo hội Công giáo, vấn đề tối quan trọng là phải nâng cao ý thức về tính chất cơ sở và tính chất không thể thiếu được của nước để “đặt nền móng vững cho cuộc thảo luận về quyền đối với nước uống và vệ sinh trên những nền tảng về nhân loại học.” Từ đó, quyền được tiếp cận với nước và sự vệ sinh phải được công nhận không chỉ là một nhu cầu căn bản của con người nhưng “là một yếu tố cốt lõi của sự tự do” và của quyền được thụ hưởng, nó là một sự tốt lành mà mỗi thể chế phải trao quyền tiếp cận và cung cấp (“bất kỳ xã hội nào từ chối sự tiếp cận với nước đối với một số người là đang phản bội lại những nền tảng con người quý giá nhất”), và cuối cùng, nó là một quyền cần thiết để hòa nhập con người với thiên nhiên, xã hội với các hệ sinh thái. Đây là điều mà Đức Thánh Cha Phanxico gọi là “sinh thái học xã hội toàn diện” (integral ecology).
Đối với ông Léo HELLER, Phúc trình viên đặc biệt của Liên Hợp quốc về Nhân quyền đối với Nước uống An toàn và sự Vệ sinh, mối quan hệ giữa những Mục tiêu Phát triển Bền vững và chiều kích nhân quyền là vô cùng quan trọng; tuy nhiên, trong tiến trình áp dụng có những nguy cơ rất cao đánh mất sự liên kết căn bản này. Yếu tố nhân quyền phải được hòa nhập rõ rệt hơn trong hệ thống giám sát việc trao quyền tiếp cận công bằng đối với nước và sự vệ sinh. Ông làm nổi bật rằng quyền đối với nước là một trong vài quyền được đề cập một cách dứt khoát trong Những Mục tiêu Phát triển Toàn diện. Thật tình mà nói, này nay chúng ta ủng hộ cho những sự bất bình đẳng giữa các nhóm dân bản địa và nhóm dân không phải bản địa, những khu vực thành thị và nông thôn, v.v.. Vì thế, cần phải giới thiệu khía cạnh về khả năng tài chính. Nếu chúng ta tạo ra những khoảng trống giữa Chương trình Nghị sự và quyền đối với nước và sự vệ sinh, chúng ta sẽ không có khả năng “không để một ai rơi lại phía sau.”
Bà Rose Osinde ALABASTER, Giám đốc Chương trình Waterlex cho Khu vực Châu Phi, phân tích vai trò về trách nhiệm giải trình về nước của thương mại quốc tế và trong nước. Trong phần trình bày, bà đặt vấn đề liệu giải pháp cho sự khan hiếm nước sẽ biến nước thành hàng hóa bằng cách tạo ra những thị trường nước nơi đó nước trong tương lai được bán như dầu và khí gas. Nhân quyền đối với nước đặt con người vào trung tâm của mọi nỗ lực để phân phối những nguồn nước một cách công bằng, vì vậy phải xét rằng “nước không chỉ một một sự tốt lành của xã hội và văn hóa, nhưng còn là một sản phẩm kinh tế không được phép dẫn đến kết quả xem nước như một mặt hàng chiếm vị trí cao hơn nhân quyền đối với nước.” Liên quan đến vấn đền này, các chính phủ giữ một vai trò then chốt vì họ có trách nhiệm phải bảo vệ sự ưu tiên cho nhân quyền vượt trên chính sách kinh tế và những hiệp ước thương mại quốc tế và bảo đảm không phân biệt đối xử trong việc tiếp cận. Cuối cùng, khả năng tài chính được trình bày qua lăng kính nhân quyền, cho thấy rằng ở mức độ tiếp cận an toàn, nước rất ít khi được định giá theo cách phản ánh sự cung và cầu, các tiến trình tư nhân hóa phải thật minh bạch, và phải được thực hiện theo cách cho cá nhân tham gia.
Ông Denys NEYMON, Nhóm CEO Treatment Infrastructure của Kênh đào Suez, trình bày một triển vọng thuộc khu vực tư nhân cho buổi thảo luận. Ông phác thảo những dữ liệu về tình hình đáng báo động do thiếu sự tiếp cận được với nước trong một số khu vực, ông cho biết hiện nay cứ 10 người thì có 5 người không có sự tiếp cận được với nước uống an toàn và sự vệ sinh. Liên quan đến vấn đề này, khu vực tư nhân có không gian hành động rất giới hạn, vì “vấn đề về nước là một vấn đề thuộc chính trị, vì nó liên quan đến các thành phố và đời sống xã hội.” Với rất nhiều tiềm lực cho những mục tiêu bị giới hạn, các công ty tư nhân đã tạo ra những tiến bộ đáng kể trong 15 năm qua, và đã có những đóng góp rất lớn đặc biệt cho việc nghiên cứu và đổi mới việc xử lý nước, nhờ những chuyên gia giàu chuyên môn, họ là những người có khả năng huấn luyện và truyền đạt lại kiến thức cho người khác. Ngoài ra, ông nhấn mạnh rằng ở những nơi Chính phủ có ít nguồn tài chính, khu vực tư nhân có thể mang đến một giải pháp ngắn hạn, trong những quốc gia nghèo các thách đố này còn rất cao.
Bà Dina IONESCO, Trưởng phòng Di cư, Môi trường và Biến đổi Khí hậu và đồng tác giả của tập bản đồ Di cư vì Môi trường cho Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), tập trung vào cách gỡ rối cho những mối quan hệ phức tạp giữ di cư, môi trường, và biến đổi khí hậu từ một triển vọng có sẵn nguồn nước ngọt. Trong mười năm qua đã có những tiến bộ lớn được thực hiện trong việc nghiên cứu, chính sách và hoạt động hướng đến việc thừa nhận đúng hơn những động lực môi trường trong các chiến lược di cư, cũng như hướng đến một cách hiểu tốt hơn về tác động của sự dịch chuyển của con người lên môi trường. Sự tác động của biến đổi khí hậu phải được bàn luận thật kỹ khi nói về sự di cư và nước, và Bà Ionesco bày tỏ hy vọng rằng Hiệp ước Di cư Toàn cầu (GCM) sẽ được công nhận trọn vẹn tính quan trọng của những động lực về môi trường và đặc biệt là nguồn nước ngọt và sự tiếp cận trở thành những quan tâm chính của việc di cư.
Bà Maria Amparo ALONSO ESCOBAR, Trưởng Phái đoàn Caritas Quốc tế tại Liên Hợp quốc ở Geneva, tập trung phần phát biểu của bà vào những hoạt động của Caritas Quốc tế trong vấn đề nước và sự vệ sinh như là con đường để thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện. “Trong mỗi Châu lục, các tổ chức Caritas thực hiện những dự án cải thiện sự tiếp cận với nước và sự vệ sinh cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương” và đóng góp cho ấn bản Caritas in Veritate với những nghiên cứu tại hiện trường ở Châu Phi (được thực hiện bởi Caritas Malawi, Senegal và Burkina Faso) và ở Châu Mỹ La-tinh (được thực hiện bởi REPAM, Red Ecclesial Panamazonica). Những ví dụ này làm nổi rõ tính bấp bênh của việc được hưởng quyền lợi đối với nước có liên quan đến sự phân bố thiên vị các vùng đất, minh họa những thách đố, trong đó do những điều kiện tự nhiên toàn cầu, áp lực về nhân khẩu đối với những nguồn tài nguyên thiên nhiên nhạy cảm và độ phủ rộng của các dịch vụ về nước rất giới hạn. Sự công khai của Caritas minh họa cho thấy tầm quan trọng phải đạt được ảnh hưởng tích cực, và đưa ra các đề nghị cho những Chính phủ và cơ cấu Liên Hợp quốc để đặt dấu chấm hết cho những tình hình thảm họa này.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 19/09/2017]


Đức Thánh Cha Phanxico giảng Lễ: Sự thân tình với Chúa Giê-su làm cho chúng ta được tự do

Đức Thánh Cha Phanxico giảng Lễ: Sự thân tình với Chúa Giê-su làm cho chúng ta được tự do

Đức Thánh Cha Phanxico giảng Lễ: Sự thân tình với Chúa Giê-su làm cho chúng ta được tự do
Đức Thánh Cha Phanxico giảng Thánh Lễ thường nhật trong nhà nguyện Thánh Marta. - ANSA
26/09/2017 11:59
“Những ai lắng nghe Lời Chúa và thực hành nó”: đây là khái niệm về gia đình đối với Chúa Giê-su, một khái niệm gia đình còn “lớn hơn cả thế giới.” Đó là trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ sáng tại nhà nguyện Thánh Marta. Trong bài Tin mừng, Chúa Giê-su nói rằng những ai đến với Ngài, lắng nghe lời dạy của Ngài, đó là “mẹ”, là “anh em” của Ngài: là gia đình của Ngài. Đức THánh Cha nói điều này làm cho chúng ta suy nghĩ đến khái niệm về sự thân tình với Thiên Chúa và với Chúa Giê-su, một điều gì đó còn hơn cả việc trở thành “những môn đệ” hay thậm chí là “bạn bè”; đây không phải là một thái độ “trịnh trọng” hay “lịch thiệp”, và còn xa mới gọi là “khéo léo trong ứng xử.” Vì thế, Đức Thánh Cha nói, “cụm từ  – thân tình – cụm từ mà các Giáo phụ trong Giáo hội thường xử dụng, và dạy chúng ta thực sự nghĩa là gì?”
Ngài nói, trước hết nó có nghĩa là “đi vào nhà của Chúa Giê-su, bước vào bầu khí, sống trong bầu khí đó tức là nhà của Chúa Giê-su. Sống trong đó, chiêm ngắm, tự do. Vì con cái thì được tự do, những người ngụ cư trong nhà của Chúa được tự do, những người có mối quan hệ thân tình với Người được tự do. Những người khác, dùng cụm từ trong Kinh Thánh, là con cái của ‘người đàn bà nô lệ.’ Chúng ta có thể nói rằng họ cũng là người Ki-tô hữu, nhưng họ không dám lại gần Ngài, họ không dám có sự thân tình với Ngài. Luôn luôn có một khoảng cách phân chia giữa họ và Thiên Chúa.”
Nhưng sự thân tình với Chúa Giê-su, như những vị đại Thánh dạy chúng ta, cũng có nghĩa là “cùng đứng với Ngài, hướng nhìn về Ngài, lắng nghe lời Ngài, làm theo lời Ngài, chuyện trò với Ngài.” Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh, chúng ta hãy chuyện trò với Ngài trong lời cầu nguyện, và chúng ta thậm chí có thể cầu nguyện bằng ngôn ngữ rất bình dị: “Nhưng thưa Chúa, Người nghĩ sao?” “Đây là sự thân tình, đúng không?” Đức Thánh Cha hỏi. “Luôn luôn là như vậy. Các Thánh cũng làm như vậy. Thánh Teresa rất tuyệt vời, vì Thánh nữ nói rằng ngài tìm thấy Chúa ở mọi nơi, thậm chí ở cả giữa đống chảo trong nhà bếp.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng sự thân tình có nghĩa là “ở lại” trong sự hiện diện của Chúa Giê-su, như Người dạy chúng ta trong Bữa Tiệc Ly; hay như chúng ta nhìn thấy được ghi lại ngay khởi đầu Tin mừng Gio-an viết, “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Và An-rê và Gio-an đi theo Chúa Giê-su” và như trình thuật được viết tiếp, “các ông ở lại, ở cùng với Người suốt ngày.”
Đức Thánh Cha lặp lại một lần nữa, và đây là thái độ của sự thân tình; nó rất khác với “sự tốt lành” của những người Ki-tô hữu dù sao vẫn giữ một khoảng cách với Chúa Giê-su, họ nói “Người ở đó, và con ở đây.” Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Chúng ta hãy tiến một bước để đến với thái độ thân tình này với Thiên Chúa. Một người Ki-tô hữu, với tất cả những vấn đề của mình, lên xe buýt, hay đi xe điện, hãy cứ thì thầm chuyện trò với Chúa – hay ít nhất biết rằng Chúa đang quan sát người ấy – là gần gũi với Ngài: đây là sự thân tình, sự gần gũi, cảm nhận mình là một phần trong gia đình của Chúa Giê-su. Chúng ta hãy cầu xin được ơn sủng này cho tất cả chúng ta, để hiểu được sự thân tình với Thiên Chúa. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sủng này.”

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/09/2017]