Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 23 tháng 3, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 23 tháng 3, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khán phòng Phaolô VI

Thứ Tư, 23 tháng Ba, 2022

___________________________

Giáo lý về tuổi già

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Kinh Thánh, trình thuật về cái chết của ông Môsê được đặt sau di chúc thiêng liêng của ông, có tên là “Bài ca của ông Môsê”. Bài ca này trên hết là một bản tuyên xưng đức tin rất đẹp, và bài ca đó như sau: “Này tôi xưng tụng thánh danh Đức Chúa, trời đất hãy suy tôn Thiên Chúa ta thờ! Người là Núi Đá: sự nghiệp Người hoàn hảo, vì mọi đường lối Người đều thẳng ngay. Chúa tín thành, không mảy may gian dối, Người quả là chính trực công minh” (Đnl 32:3-4). Nhưng nó cũng là ký ức về lịch sử sống với Thiên Chúa, về những cuộc phiêu lưu của dân tộc được tạo thành từ niềm tin vào Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của Isaac và của Giacóp. Và ông Môsê cũng nhớ đến sự cay đắng và thất vọng của chính Thiên Chúa, và ông nói điều đó như sau: sự tín thành của Thiên Chúa liên tục bị thử thách bởi sự bất trung của dân tộc của Người. Thiên Chúa tín trung và sự đáp trả của dân tộc bất trung: dường như dân tộc muốn thử thách lòng trung tín của Thiên Chúa. Và Người vẫn luôn luôn tín trung, gần gũi với dân Người. Đây chính là cốt lõi của Bài ca của ông Môsê: lòng tín thành của Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc đời.

Khi ông Môsê công bố bản tuyên xưng đức tin này, ông đang ở ngưỡng cửa của miền đất hứa, và cũng là ngưỡng cửa từ giã cõi đời của ông. Trình thuật lưu ý ông đã một trăm hai mươi tuổi, “nhưng mắt ông không mờ” (Đnl 34:7). Khả năng nhìn thấy đó, thật sự nhìn thấy, cũng là sự nhìn thấy mang tính tượng trưng, cũng như người già có khả năng nhìn thấy mọi sự, [nhìn thấy] ý nghĩa cơ bản nhất của mọi sự. Khí lực tầm nhìn của ông là một món quà quý giá: nó giúp ông có thể truyền lại di sản kinh nghiệm sống và đức tin dài lâu của ông, với sự sáng suốt cần thiết. Ông Môsê chứng kiến lịch sử và truyền lại lịch sử; người già chứng kiến lịch sử và truyền lại lịch sử.

Một tuổi già được ban tặng sự sáng suốt này là món quà quý giá cho thế hệ tiếp nối. Lắng nghe cá nhân và lắng nghe trực tiếp câu chuyện của đức tin đã sống với tất cả những thăng trầm của nó là không gì thay thế được. Đọc về nó trong sách, xem trong phim ảnh, tra cứu trên internet, dù có hữu ích, cũng sẽ không bao giờ được như vậy. Sự truyền đạt này – là truyền thống đúng đắn và đích thực, sự truyền đạt cụ thể từ người già cho người trẻ! – ngày nay sự truyền đạt này đang thiếu đối với các thế hệ mới, một sự thiếu vắng đang tiếp tục phát triển. Tại sao? Vì nền văn minh mới này quan niệm rằng người già là loại phế liệu, người già phải bị loại bỏ. Điều này thật tàn bạo! Không, không, nó không được theo cách đó. Có một tinh thần và phong cách giao tiếp để kể chuyện trực tiếp, người với người, mà không có phương tiện truyền thông nào có thể thay thế. Một người cao tuổi đã sống lâu và đón nhận được món quà rõ ràng và say mê của lịch sử là một phúc lành không gì thay thế được. Chúng ta có khả năng nhận ra và tôn vinh món quà này của người già hay không? Liệu rằng việc truyền lại đức tin – và ý nghĩa của cuộc sống – ngày nay có đi theo con đường lắng nghe người già hay không? Tôi có thể đưa ra một lời chứng cá nhân. Tôi đã học được sự sự thù ghét và tức giận đối với chiến tranh từ ông của tôi, ông đã chiến đấu tại chiến trường Piave vào những năm ‘14, và ông đã truyền lại cho tôi sự giận dữ đối với chiến tranh. Vì ông đã nói cho tôi về sự đau khổ của chiến tranh. Và không thể học điều này trong sách hoặc theo những cách khác … nó phải được học theo cách này, được truyền lại từ ông bà sang các cháu. Và điều này là không thể thiếu. Thật đáng buồn, ngày nay điều này không còn là vấn đề, và chúng ta cho rằng ông bà là vật liệu bỏ đi. Không! Họ là ký ức sống động của một dân tộc, và lớp người trẻ và con cái phải lắng nghe ông bà của chúng.

Trong văn hóa của chúng ta, cái văn hóa “đúng về mặt chính trị”, con đường này dường như bị cản trở theo nhiều cách: trong gia đình, trong xã hội, trong cộng đoàn Kitô giáo. Một số người thậm chí còn đề xuất bãi bỏ dạy lịch sử, vì thông tin không cần thiết về các thế giới không còn phù hợp nữa là điều lấy mất đi những tài nguyên từ kiến thức của hiện tại. Như thể chúng ta được sinh ra ngày hôm qua, đúng không?

Mặt khác, việc truyền lại đức tin thường thiếu cảm xúc mạnh mẽ của một “lịch sử đã sống”. Truyền lại đức tin không phải chỉ là nói ra mọi điều, “bla, bla, bla.” Không! Nó là việc nói về kinh nghiệm của đức tin. Và như vậy, làm sao có thể lôi kéo người ta chọn tình yêu mãi mãi, chung tín với lời đã nói, kiên trì cống hiến, động lòng trắc ẩn trước những khuôn mặt bị thương tổn và chán nản? Dĩ nhiên, những câu chuyện cuộc sống phải được chuyển thành lời chứng, và lời chứng phải trung tín. Một hệ tư tưởng bẻ cong lịch sử theo những kế hoạch của nó chắc chắn không tín trung; tuyên truyền phỏng theo lịch sử để quảng bá cho nhóm riêng của mình là không trung tín; biến lịch sử thành một tòa án trong đó quá khứ bị kết án và tương lai bị ngã lòng là không trung tín. Không. Trung tín là kể lại lịch sử theo đúng như nó diễn ra; và chỉ những người đã sống lịch sử đó mới có thể kể được. Vì lý do này, điều quan trọng là phải lắng nghe người già, lắng nghe ông bà: con cháu chuyện trò với họ là rất quan trọng.

Các Tin mừng kể lại câu chuyện của Chúa Giêsu cách trung thực mà không che giấu những sai lầm, những hiểu lầm, và thậm chí là sự phản bội của các môn đệ. Đây là lịch sử, nó là sự thật, đây là chứng tá. Đây là món quà ký ức mà “những vị trưởng lão” của Giáo hội truyền lại, ngay từ khởi đầu, truyền lại “tay sang tay” cho thế hệ tiếp nối. Sẽ thật tốt cho chúng ta khi tự hỏi: chúng ta đánh giá thế nào về cách truyền lại niềm tin này, truyền lại chiếc gậy chỉ huy từ các trưởng lão của cộng đồng cho những người trẻ đang mở ra tương lai? Và đến đây lại hiện lên trong đầu điều mà cha đã nói nhiều lần, và là điều cha muốn lặp lại: Đức tin được truyền lại như thế nào? “À, sách đây, học đi.” Không. Đức tin không thể truyền lại theo cách đó. Đức tin phải được truyền lại theo phương ngữ, nghĩa là theo cách nói quen thuộc, giữa ông bà và cháu chắt, giữa cha mẹ và con cái. Đức tin luôn được truyền lại trong phương ngữ, trong phương ngữ quen thuộc và kinh nghiệm của năm tháng. Đây là lý do tại sao đối thoại trong gia đình là vô cùng quan trọng, đối thoại của con cháu với ông bà, là những người có đức tin khôn ngoan.

Đôi khi tôi suy tư về sự dị thường kỳ lạ này. Ngày nay, giáo lý khai tâm của Kitô giáo tập trung vào Lời Chúa và chuyển tải thông tin chính xác về các tín điều, luân lý đức tin, và các bí tích. Tuy nhiên, điều thường bị thiếu là sự hiểu về Giáo hội đến từ việc lắng nghe và chứng kiến lịch sử và đời sống thật của cộng đoàn Giáo hội, từ đầu cho đến hôm nay. Khi còn nhỏ chúng ta học Lời Chúa trong các lớp giáo lý; nhưng khi là thanh niên, chúng ta học về Giáo hội trong các lớp học, và trên truyền thông thông tin toàn cầu.

Việc kể lại lịch sử đức tin cần phải giống như Bài ca của ông Môsê, như lời chứng của các Tin mừng và sách Tông đồ Công vụ. Nói cách khác là một câu chuyện có khả năng kể lại những ân phúc của Thiên Chúa với cảm xúc và những khuyết điểm của chúng ta cách chân thành. Sẽ rất tốt nếu ngay từ đầu, việc giảng dạy giáo lý phải bao gồm thói quen lắng nghe những kinh nghiệm đã sống của người cao tuổi, sự tuyên xưng chân thành những ân phúc đón nhận từ Thiên Chúa là điều chúng ta phải nâng niu; và lắng nghe chứng ngôn trung thực của các thất bại về lòng trung thành của chúng ta, điều mà chúng ta phải sửa chữa. Người già đi vào miền đất hứa, nơi Thiên Chúa mong muốn cho mọi thế hệ, khi họ trao cho thế hệ trẻ chứng tá khởi đầu tốt đẹp của họ và truyền lại câu chuyện đức tin, đức tin, trong phương ngữ, cách nói thân quen đó, phương ngữ của người già cho người trẻ. Và được hướng dẫn bởi Chúa Giêsu, người già và người trẻ cùng nhau tiến vào Vương quốc sự sống và tình yêu của Người. Nhưng tất cả cùng nhau. Mọi người trong gia đình, với gia tài to lớn đó là đức tin được truyền lại bằng phương ngữ. Cảm ơn anh chị em.

___________________________________

Sau bài Giáo lý:

Cha muốn dành một phút để tưởng nhớ các nạn nhân chiến tranh. Tin tức về những người di tản, người bỏ chạy, người bị giết, bị thương, của rất nhiều tử sĩ đã ngã xuống ở cả hai bên, là bản tin của thần chết. Chúng ta xin Chúa của sự sống cứu chúng ta thoát khỏi cái chết của chiến tranh: với chiến tranh mọi thứ bị mất mát, mọi thứ. Không có chiến thắng trong chiến tranh; mọi thứ đều bị đánh bại. Xin Chúa sai Thần Khí của Người giúp chúng ta hiểu rằng chiến tranh là sự thất bại của nhân loại mà chúng ta phải đánh bại, tất cả chúng ta; rằng khởi chiến là tiêu diệt chúng ta, và cứu chúng ta thoát khỏi sự tự hủy diệt này. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo hiểu rằng mua bán vũ khí và chế tạo vũ khí không phải là giải pháp cho vấn đề. Giải pháp là cùng nhau làm việc cho hòa bình, và như Tin mừng nói, biến vũ khí thành khí cụ hòa bình. Chúng ta cùng cầu nguyện với Đức Mẹ: Kính mừng Maria …



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/3/2022]


Trong cuộc điện đàm mới, Tổng thống Zelenskyy của Ukraine nói với Đức Giáo hoàng Phanxicô rằng ông sẽ hoan nghênh sự hòa giải của Vatican

Trong cuộc điện đàm mới, Tổng thống Zelenskyy của Ukraine nói với Đức Giáo hoàng Phanxicô rằng ông sẽ hoan nghênh sự hòa giải của Vatican

Trong cuộc điện đàm mới, Tổng thống Zelenskyy của Ukraine nói với Đức Giáo hoàng Phanxicô rằng ông sẽ hoan nghênh sự hòa giải của Vatican
Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraine. | Quirinale.it/President.gov.ua via Wikimedia.


Hannah Brockhaus

Rome Newsroom, 22 tháng Ba, 2022 / 05:55 am


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm thứ Ba cho biết ông đã có cuộc điện đàm với Đức Giáo hoàng Phanxicô, nói với Đức Giáo hoàng rằng ông sẽ hoan nghênh sự hòa giải của Vatican để chấm dứt đau khổ ở đất nước của ông.

Viết trên Twitter vào ngày 22 tháng Ba, ông Zelenskyy cho biết ông đã nói với Đức Giáo hoàng “về tình hình nhân đạo khó khăn và việc quân đội Nga phong tỏa các hành lang cứu hộ”.

Trong cuộc điện đàm mới, Tổng thống Zelenskyy của Ukraine nói với Đức Giáo hoàng Phanxicô rằng ông sẽ hoan nghênh sự hòa giải của Vatican

Tổng thống Ukraine cũng nói rằng “vai trò trung gian của Tòa thánh trong việc chấm dứt đau khổ của con người sẽ được đánh giá cao” và cảm ơn Đức giáo hoàng “vì những lời cầu nguyện cho Ukraine và hòa bình.”

Ông Zelenskyy cũng đề cập đến cuộc gọi của ông với Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài phát biểu trước quốc hội Ý vào ngày 22 tháng Ba.

Phát biểu qua đường liên kết video, tổng thống Ukraine cho biết ông đã nói chuyện với đức giáo hoàng, người đã có “những lời rất quan trọng.”

Tổng thống nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với ông: “Tôi hiểu rằng ngài mong muốn hòa bình. Tôi hiểu rằng ngài phải tự vệ, binh lính và dân thường bảo vệ cho đất nước của họ, mỗi người đều phải tự vệ”.

Ông Zelenskyy kể lại rằng,“Và tôi đã trả lời rằng người dân của chúng tôi đã trở thành quân đội, [họ đã trở thành] quân đội khi họ nhìn thấy điều ác mà kẻ thù của họ gây ra, sự tàn phá mà kẻ thù đã để lại.”

Ông Zelenskyy nói rằng trong cuộc xung đột với Nga, ít nhất 117 trẻ em đã thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương, hàng chục nghìn gia đình bị phá vỡ và hàng triệu ngôi nhà bị bỏ hoang.

Ông nói, “Và tất cả những điều này bắt đầu từ một người.”

Ông Andrii Yurash, đại sứ của Ukraine tại Tòa thánh, cũng đã chia sẻ thông tin về cuộc trò chuyện giữa Đức giáo hoàng và tổng thống trên Twitter hôm thứ Ba.

Trong cuộc điện đàm mới, Tổng thống Zelenskyy của Ukraine nói với Đức Giáo hoàng Phanxicô rằng ông sẽ hoan nghênh sự hòa giải của Vatican

Ông Yurash mô tả cuộc điện đàm, mà ông cho biết đã diễn ra vào sáng ngày 22 tháng Ba, là một “cử chỉ ủng hộ cụ thể mới” đối với Ukraine.

Đại sứ nhận xét rằng cuộc trò chuyện “rất hứa hẹn”, đồng thời nói thêm rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đang cầu nguyện và làm mọi việc có thể để giúp chấm dứt chiến tranh.

Theo ông Yurash, Tổng thống Zelenskyy đã lặp lại lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Ukraine.

Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã nói chuyện với Tổng thống Zelenskyy trong một cuộc điện đàm vào ngày 26 tháng Hai, hai ngày sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào nước láng giềng Ukraine do Tổng thống Vladimir Putin phát động.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/3/2022]