Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại giáo xứ Thánh Crispin Viterbo

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại giáo xứ Thánh Crispin Viterbo
© Vatican Media

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại giáo xứ Thánh Crispin Viterbo

Chuyến thăm mục vụ ngày 4 tháng Ba, 2019, tại giáo xứ của Roma nằm trong vùng North Sector của Giáo phận Roma.

04 tháng Ba, 2019 18:19

Chiều Chúa nhật thứ 8 Mùa Thường niên (4 tháng Ba, 2019), Đức Thánh Cha Phanxico thực hiện chuyến thăm mục vụ đến giáo xứ Thánh Crispin Viterbo al Labaro thuộc Roma, nằm trong vùng North Sector của giáo phận Roma.

Đức Hồng y Angelo De Donatis, Tổng Đại diện Giáo phận Roma; Đức Giám mục Guerino Di Tora, Giám mục Phụ tá của North Sector; linh mục quản xứ Cha Luciano Cacciamani; linh mục phó xứ Cha Andrea Lamonaca và tất cả các linh mục phục vụ trong cộng đoàn, đã đón tiếp Đức Thánh Cha khi ngài đến lúc 3:50 chiều.

Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các thiếu nhi đang học Giáo lý chuẩn bị Rước Lễ Lần Đầu và Thêm Sức trong hội trường giáo xứ ở tầng một, nhóm thiếu niên lớp Sống đạo. Các thiếu nhi nhỏ tuổi nhất chào đón Đức Thánh Cha bằng một bài hát và đọc một lá thư, trong khi các thiếu niên hỏi ngài một số câu hỏi.

Ngay sau khi cuộc gặp với các thiếu nhi lớp giáo lý, Đức Thánh Cha gặp gỡ cha mẹ của những thiếu nhi đã hoặc chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong phòng kế cận. Sau đó Đức Thánh Cha xuống tầng trệt để gặp một nhóm những người nghèo khổ và vô gia cư, được giúp đỡ bởi hội Caritas của giáo xứ và gặp gỡ Cộng đoàn Sant’Egidio. Nhiều người thiện nguyện cũng có mặt. Sau đó Đức Thánh Cha gặp các bệnh nhân và người khuyết tật, ngài chào các linh mục của cộng đoàn và thực hiện Bí tích Hòa giải cho năm giáo dân thuộc các độ tuổi khác nhau.

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại giáo xứ Thánh Crispin Viterbo

Lúc 5:20 chiều Đức Thánh Cha chủ tế cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ xứ. Sau bài Tin mừng, Đức Thánh Cha có bài giảng ứng khẩu.

Cuối Thánh Lễ và trước khi ban phép lành cuối lễ, linh mục xứ, Cha Luciano Cacciamani, có đôi lời thưa với Đức Thánh Cha, bày tỏ lòng tri ân về chuyến viếng thăm của ngài và tặng ngài một bức tranh của họa sĩ Meo Carbone, mô tả về chủ đề di cư.

Trước khi rời giáo xứ và trở về Vatican, Đức Thánh Cha chào những tín hữu đang chờ ngài ở phía ngoài nhà thờ.

Dưới đây là bản dịch văn bản ghi chép bài giảng ứng khẩu của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ.



* * *

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Chúng ta đã nghe Tin mừng trong đó Chúa Giê-su giải thích sự khôn ngoan của người Ki-tô hữu cho dân chúng bằng các dụ ngôn. Chẳng hạn, một người mù không thể dẫn dắt một người mù khác; rồi học trò thì không thể giỏi hơn thầy; không một cây tốt nào lại sinh trái xấu. Và với những dụ ngôn này, Ngài dạy bảo dân chúng.

Cha muốn dừng lại một dụ ngôn mà cha chưa đề cập đến. Bây giờ cha mới nói về nó [ngài đọc]: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” Và bằng dụ ngôn này, Chúa muốn dạy chúng ta đừng lên án người khác và nhìn vào những thiếu sót của người khác: trước hết hãy nhìn vào thiếu sót của chính minh — những thiếu sót của anh chị em. “Nhưng thưa cha, con chẳng có thiếu sót nào!” — À, chúc mừng! Cha bảo đảm rằng nếu anh chị em nghĩ là mình không có thiếu sót nào, thì anh chị em sẽ tìm ra trong Luyện tội! Tốt hơn là phải nhìn thấy chúng ở đây. Tất cả chúng ta đều có những thiếu sót — tất cả chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta trở nên quen — một phần là do tính ù lì không muốn thay đổi, một phần là do sự đè nặng của tính kiêu ngạo, luôn nhìn đến những thiếu sót của người khác. Tất cả chúng ta đều là các chuyên gia trong vấn đề này. Chúng ta ngay lập tức tìm được những sai sót của người khác, và chúng ta nói về chúng vì hạ thấp được người khác xem ra có vẻ dễ chịu, nó làm chúng ta hài lòng. Không phải vậy, có lẽ chuyện đó không xảy ra trong giáo xứ này [mọi người cười] nhưng ở những nơi khác, nó rất phổ biến. Chuyện luôn luôn xảy ra như vầy: “À, anh khỏe không?” – À, à, với thời tiết như vầy thì tôi khỏe … ? “Này, anh có nhìn thấy người kia không … ? Và ngay lập tức [người ta đi vào vấn đề này].

Cha không biết anh chị em có nghe những điều này chưa, nhưng nó là vấn đề khủng khiếp. Nhưng nó lại không phải là điều gì mới mẻ: điều này cũng đã có từ thời Chúa Giê-su. Nó là điều mà chúng ta mắc phải cùng với tội tổ tông, nó khiến chúng ta kết án người khác — kết án. Và ngay lập tức chúng ta trở thành những chuyên gia soi mói những điều xấu của người khác, mà chẳng nhìn thấy của riêng mình. Và Chúa Giê-su nói: “Ngươi kết án người đó về một điều nhỏ nhặt, và ngươi lại có những vấn đề lớn hơn, mà ngươi lại không nhìn thấy chúng.” Và điều này là đúng. Cái xấu của chúng ta không lớn lắm vì chúng ta quen với thái độ không nhìn thấy những giới hạn của mình, không nhìn thấy những thiếu sót của mình, nhưng lại là những chuyên gia trong việc săm soi những sai sót của người khác.

Và Chúa Giê-su nói một câu rất nặng với chúng ta, rất nặng: “nếu ngươi tiếp tục làm như vậy, ngươi là những kẻ đạo đức giả.” Từ đạo đức giả là rất nặng. Chúa Giê-su dùng từ đó với những người Pha-ri-sêu, các luật sĩ, là những người nói một đàng nhưng làm một nẻo. Những kẻ giả hình. Giả hình có nghĩa là một người có suy nghĩ hai mặt, phán xét hai mặt: người đó một mặt nói công khai, và mặt khác nói theo kiểu sau lưng, và đây là cách anh ta kết án người khác. Đó là một lối tạo suy nghĩ hai mặt, một con đường hai mặt để thể hiện mình. Họ ra vẻ cho mọi người thấy họ là những con người tốt, hoàn hảo, nhưng đằng sau là họ kết án. Vì vậy, Chúa Giê-su thoát ra khỏi sự giả hình này và khuyên chúng ta: “Tốt hơn là ngươi hãy nhìn vào những thiếu sót của mình và để người khác sống trong an bình. Đừng soi mói vào đời sống của người khác: hãy nhìn vào chính mình.”

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại giáo xứ Thánh Crispin Viterbo

Và đây là một điều không kết thúc ở đó; người buôn chuyện không dừng việc ngồi lê mách lẻo. Người buôn chuyện còn đi xa hơn, anh ta gieo sự bất hòa, anh tao gieo sự thù hằn, anh ta gieo cái ác. Hãy nghe kỹ điều này, cha không cường điệu vấn đề: chiến tranh bắt đầu từ cái lưỡi. Qua việc nói xấu người khác là anh đã bắt đầu một cuộc chiến — bước thêm một bước là đến với chiến tranh, đến với sự hủy diệt. Vì cái lưỡi nó cũng tàn phá tương tự một trái bom nguyên tử; giống như vậy. Anh tàn phá. Và cái lưỡi có sức mạnh tàn phá giống như một trái bom nguyên tử. Nó rất mạnh mẽ. Và không phải cha nói điều này, chính Thánh Tông đồ Gia-cô-bê nói trong Thư của ngài. Hãy mở Kinh Thánh ra và tìm xem. Nó rất mạnh mẽ! Nó có khả năng tàn phá. Và với sự lăng mạ, với việc nói xấu người khác, nhiều cuộc chiến tranh bắt đầu: những cuộc chiến trong nhà — khi một người bắt đầu to tiếng –, những cuộc chiến trong khu xóm, trong chỗ làm việc, trong trường học, trong giáo xứ … Vì thế Chúa Giê-su nói: “Trước khi nói xấu người khác, hãy lấy một cái gương và nhìn vào chính mình; hãy nhìn vào những thiếu sót của mình và cảm thấy xấu hổ vì những thiếu sót đó. Và rồi anh sẽ trở nên câm lặng trước những sai sót của người khác.” “Không, thưa cha, vấn đề ở chỗ rất nhiều lần có những con người xấu và họ có rất nhiều lỗi lầm …”. “À, được, vậy thì hãy can đảm, hãy can đảm và nói ngay trước mặt họ rằng: ‘Anh rất tệ vì anh đang làm điều này và điều kia.’ Hãy nói ngay trước mặt họ, đừng nói sau lưng, đừng nói ở đằng sau. Cứ nói thẳng với họ. Nhưng tốt hơn là đừng đem chuyện đi ngồi lê mách lẻo, vì buôn chuyện không giải quyết được vấn đề gì, ngược lại nó làm cho mọi việc xấu hơn và dẫn đến chiến tranh.

Chúng ta sắp bước vào Mùa Chay: thật tốt cho mỗi người chúng ta suy tư vào Mùa Chay này. Tôi cư xử với mọi người như thế nào? Tâm hồn của tôi trước mọi người ra sao? Tôi có phải là một người giả hình không, là người trước mặt thì mỉm cười nhưng sau lưng lại chỉ trích và tàn phá họ bằng cái lưỡi của tôi? Và nếu vào cuối Mùa Chay chúng ta có thể sửa chữa lại điều này một chút, là không thường xuyên chỉ trích người khác sau lưng họ, cha bảo đảm rằng Lễ Phục sinh của Chúa Giê-su sẽ đẹp hơn rất nhiều, sẽ huy hoàng hơn ở giữa chúng ta. “Ôi, cha ơi, cái đó khó lắm, vì con thích chỉ trích người khác” – có thể có người nói như vậy vì đây là một thói quen mà ma quỷ đã gieo vào trong chúng ta. Đúng như vậy, thật không dễ chút nào. Tuy nhiên, có hai loại thuốc rất có công hiệu. Trước hết là cầu nguyện. Nếu cảm thấy mình muốn “soi” một người nào đó, muốn chỉ trích ai đó, hãy cầu nguyện cho anh ta, cầu nguyện cho cô ấy, và xin Chúa giúp giải quyết vấn đề; nó làm cho anh chị em giữ mồm miệng mình lại. Liệu pháp thứ nhất: cầu nguyện. Không có cầu nguyện, chúng ta chẳng làm được gì. Và loại thuốc thứ hai, có một loại thuốc thứ hai cũng giống như cầu nguyện, nó cũng cần phải được tập luyện: khi nào anh chị em cảm thấy muốn nói xấu về một ai đó, hãy cắn lưỡi của mình. Cắn mạnh vào! Vì sau đó nó bị sưng lên và anh chị em không thể nói được [Mọi người cười]. Nó là một loại thuốc thực tế; nó rất thực tế. 

Hãy suy nghĩ thật nghiêm túc về những điều Chúa Giê-su nói: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” Hãy suy nghĩ về nó. Hãy nghĩ rằng thói quen rất xấu này là khởi đầu cho rất nhiều sự chia rẽ, của rất nhiều cuộc chiến trong gia đình, cuộc chiến trong xóm làng, cuộc chiến trong nơi làm việc, của rất nhiều sự thù hằn. Hãy suy nghĩ về nó, và cầu nguyện với Chúa, cầu xin Người ban ơn không nói xấu về người khác. Và mỗi ngày hãy sẵn sàng bộ răng giả cho loại thuốc thứ hai!

Xin Chúa ban ơn lành cho anh chị em!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/3/2019]


Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 1 (số 1-4)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 1
Thượng Hội đồng - Vatican Media

Tài liệu gồm nhiều phần và TRI KHOAN trích đăng từng phần nhỏ. Bải đăng cuối cùng sẽ kèm theo bản PDF toàn bộ tài liệu. Nếu quý vị cần toàn bộ tài liệu có thể download trong bài đăng cuối. Cảm ơn quý vị)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức)

‘Mọi ơn gọi khác nhau đều quy về một tiếng gọi chung duy nhất là nên thánh, đó là sự viên mãn của tiếng gọi đến với niềm vui yêu thương vang lên trong tâm hồn của mỗi người trẻ’

15 tháng Một, 2019 12:47

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican tài liệu đúc kết của thượng hội đồng giám mục về giới trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi, diễn ra vào tháng Mười, 2018.


* * *

Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục


về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định Ơn gọi



Bài đăng 1 (Số 1 - 4):

Nội dung:



GIỚI THIỆU



LỜI NÓI ĐẦU

PHẦN I “NGƯỜI CÙNG ĐI VỚI HỌ”

Chương 1 Một Giáo hội lắng nghe

Chương II Ba yếu tố then chốt

Chương III Bản sắc và những mối quan hệ

Chương IV Người trẻ ngày nay

PHẦN II “MẮT HỌ LIỀN MỞ RA”

Chương I Hồng ân của tuổi trẻ

Chương II Mầu nhiệm của ơn gọi

Chương III Sứ mạng đồng hành

Chương IV Nghệ thuật phân định

PHẦN III HỌ LIỀN LÊN ĐƯỜNG

Chương I Tính Công đồng Thừa sai của Giáo hội

Chương II Đồng hành trong cuộc sống mỗi ngày

Chương III Sức mạnh thừa sai được canh tân

Chương IV Sự Đào tạo toàn diện

KẾT LUẬN


***

GIỚI THIỆU

Sự kiện Công đồng mà chúng tôi trải nghiệm

1. Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng” (Cv 2:17; x. Ge 3:1). Đây là điều chúng tôi đã trải nghiệm trong suốt Thượng Hội đồng, cùng nhau bước đi và lắng nghe tiếng nói của Thần Khí. Người làm chúng tôi kinh ngạc với sự dồi dào ơn sủng của Người, Người đổ đầy cho chúng tôi sự can đảm và sức mạnh của Người để mang niềm hy vọng đến cho thế giới.

Chúng tôi cùng đồng hành với nhau, với Đấng Kế nhiệm Thánh Phê-rô, người củng cố cho chúng tôi thêm niềm tin và truyền cho chúng tôi sức mạnh tươi mới và lòng nhiệt thành cho sứ mạng. Cho dù chúng tôi đến từ nhiều nền tảng hoàn toàn khác nhau về văn hóa và hội thánh, nhưng ngay từ đầu chúng tôi đã ý thức được mối ràng buộc về tinh thần hiệp nhất chúng tôi, một khao khát đối thoại và một sự thấu cảm thật sự. Chúng tôi cùng làm việc, chia sẻ những điều quan tâm sâu sắc nhất, trao đổi những điều lo lắng, không che giấu những gánh nặng của chúng tôi. Nhiều bài phát biểu đã chạm vào sâu thẳm tâm hồn chúng tôi và làm thức tỉnh mong muốn rao giảng phúc âm của chúng tôi: chúng tôi cảm nhận như một thân thể, cùng chịu chung sự đau khổ và niềm vui. Chúng tôi muốn chia sẻ với mọi người ơn sủng mà chúng tôi đã trải nghiệm và chúng tôi muốn truyền đạt niềm vui của Tin mừng về cho các Giáo hội của chúng tôi và cho toàn thế giới.

Sự hiện diện của các bạn trẻ là một sự khởi đầu mới: qua họ tiếng nói của tất cả một thế hệ được lắng nghe thật dõng dạc và rõ ràng tại Thượng Hội đồng. Cùng đồng hành với họ như là những người hành hương về mộ của Thánh Phê-rô, chúng tôi có kinh nghiệm về cách thức cùng đồng hành như vậy tạo ra những điều kiện để Giáo hội trở thành một không gian cho sự đối thoại và một chứng tá cho tình huynh đệ trao tặng sự sống. Sức mạnh của kinh nghiệm này vượt qua mọi sự mệt mỏi và yếu đuối. Thiên Chúa tiếp tục nói với chúng tôi nhiều lần: Đừng sợ, Ta ở cùng các con.



Tiến trình chuẩn bị


2. Chúng tôi đã thu được những ích lợi rất lớn từ những đóng góp của các giám mục và từ những sự hiểu biết sáng suốt của các linh mục, các tu sĩ, các giáo dân, các chuyên gia, các nhà giáo và nhiều người khác. Ngay từ đầu các bạn trẻ đã tham gia vào trong tiến trình của thượng hội đồng: bản câu hỏi đăng trên mạng, rất nhiều những đóng góp của cá nhân và trên tất cả đó là cuộc Họp Tiền Thượng Hội đồng là một dấu chỉ hùng hồn cho điều này. Sự đóng góp của họ là vô cùng quan trọng, cũng giống như câu chuyện những ổ bánh và những con cá: Chúa Giê-su đã có thể thực hiện phép lạ nhờ vào những hành động hữu ích của một cậu bé quảng đại dâng lên Người những gì cậu có (x. Ga 6:8-11).

Tất cả những đóng góp đều được tóm tắt trong Instrumentum Laboris (Tài liệu làm việc), nó cung cấp một nền tảng vững chắc cho việc thảo luận trong suốt các tuần lễ diễn ra Đại Hội đồng. Bây giờ Tài liệu Đúc kết tập hợp lại những kết quả của tiến trình này và sẽ phát hành nó trong tương lai: nó cho biết những gì đã được các Nghị phụ công nhận, làm sáng tỏ và lựa chọn dưới ánh sáng của Lời Chúa.


Tài liệu Đúc kết của Đại Hội Thượng Hội đồng

3. Điều quan trọng là phải làm rõ về mối quan hệ giữa Instrumentum Laboris (Tài liệu Làm việc) và Tài liệu Đúc kết. Tài liệu ban đầu là một khung tham chiếu toàn diện và tổng hợp những gì đã lắng nghe trong suốt hai năm; tài liệu về sau là kết quả của sự phân định về sau và nó tổng hợp những điểm thảo luận then chốt theo chủ điểm mà các Nghị Phụ đã dành rất nhiều thời gian và sự quan tâm tập trung vào. Vì vậy chúng tôi đánh giá rất cao tính đa dạng và sự bổ khuyết của hai văn bản này.

Tài liệu này được trình lên Đức Thánh Cha (x. Francis, Episcopalis Communio, 18; Instruction, art. 35 §5) và cùng với toàn thể Giáo hội như là hoa trái của Thượng Hội đồng lần này. Vì tiến trình Thượng Hội đồng vẫn chưa kết thúc và giai đoạn áp dụng vẫn còn ở phía trước (x. Episcopalis Communio, 19-21), Tài liệu Đúc kết sẽ là một bản đồ chỉ dẫn cho những bước đi tiếp theo mà Giáo hội được kêu gọi phải thực hiện.

* Trong tài liệu này thuật ngữ “Thượng Hội đồng” có thể chỉ về toàn bộ tiến trình Thượng Hội đồng hoặc là Đại Hội đồng Chung diễn ra từ ngày 3 đến 28 tháng Mười năm 2018.


LỜI MỞ ĐẦU

Chúa Giê-su đồng hành với các môn đệ về làng Ê-mau

4. Chúng ta lấy trình thuật hành trình về làng Ê-mau (x. Lc 24:13-35) như là một văn bản mẫu để hiểu về sứ mạng của Giáo hội cho các thế hệ trẻ. Trình thuật này miêu tả thật đúng những gì chúng tôi đã trải nghiệm tại Thượng Hội đồng và những gì chúng tôi muốn mọi người trong các Giáo hội địa phương của chúng tôi có thể có kinh nghiệm đối với giới trẻ. Chúa Giê-su cùng đi với hai người môn đệ, họ không hiểu được ý nghĩa của những gì đã xảy ra cho Ngài, trong khi họ đang rời khỏi Giê-ru-sa-lem và rời bỏ cộng đoàn. Để có thể trở thành người bạn đường của họ, Người cùng đi với họ. Người hỏi họ những câu hỏi và kiên nhẫn lắng nghe các biến cố theo cách kể của họ, để giúp họ nhận biết những gì họ đang trải nghiệm. Rồi, với tình yêu thương và sự sinh động, Người công bố Lời cho họ, giúp họ làm sáng tỏ các biến cố mà họ đã trải qua dưới ánh sáng của các Sách Thánh. Người nhận lời mời ở lại với họ khi trời đã tối: Người đi vào đêm tối của họ. Khi họ lắng nghe, tâm hồn họ rực cháy cùng với họ và tâm trí của họ được soi sáng; khi bẻ bánh mắt của họ được mở ra. Bây giờ chính họ là những người lựa chọn ngay lập tức lên đường đi theo hướng ngược lại, trở về với cộng đoàn, chia sẻ kinh nghiệm cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Sống Lại.

Tiếp nối với Tài liệu Làm việc, Tài liệu Đúc kết bao gồm ba phần phù hợp với các giai đoạn của câu chuyện Tin mừng này. Phần đầu được lấy chủ đề là “Người cùng đi với họ” (Lc 24:15) và nó làm rõ những điều các Nghị Phụ nhận biết ra bối cảnh mà những người trẻ đang ở trong đó, làm rõ những điểm mạnh và những thách đố. Phần thứ hai, “Mắt họ liền mở ra” (Lc 24:31), là phần làm sáng tỏ và cung cấp một số công cụ căn bản để hiểu được chủ đề của thượng hội đồng. Phần thứ ba, với chủ đề “Họ liền lên đường” (Lc 24:33), trình bày những lựa chọn cho sự hoán cải tinh thần, mục vụ và thừa sai.


(Còn tiếp)


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/1/2019]