Thứ Hai, 6 tháng 6, 2022

ĐẠI LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG BÀI GIẢNG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 5.6.2022

ĐẠI LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG BÀI GIẢNG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 5.6.2022

ĐẠI LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

BÀI GIẢNG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Đền Thánh Phêrô

Chúa nhật, 5 tháng Sáu, 2022

*******

Trong các câu cuối cùng của bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nói những lời mang đến cho chúng ta niềm hy vọng và khiến chúng ta phải suy nghĩ. Người nói với các môn đệ: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14:26). “Mọi điều” – lời này thật mạnh mẽ; nó khiến chúng ta kinh ngạc: Thánh Thần ban sự thấu hiểu mới mẻ và trọn vẹn này cho những ai đón nhận Ngài bằng cách nào? Nó không phải là số lượng, cũng không phải là một câu hỏi mang tính học thuật: Chúa không muốn biến chúng ta thành những quyển bách khoa toàn thư hay những nhà thông thái. Không. Đó là vấn đề thuộc phẩm chất, quan điểm, nhận thức. Thánh Thần làm cho chúng ta nhìn mọi thứ theo một cách mới, với con mắt của Chúa Giêsu. Tôi sẽ trình bày theo cách như sau: trong hành trình vĩ đại của cuộc đời, Thánh Thần dạy chúng ta phải bắt đầu từ đâu, đi theo con đường nào và đi như thế nào.

Trước hết là bắt đầu từ đâu. Thánh Thần chỉ cho chúng ta điểm khởi đầu của đời sống thiêng liêng. Điểm khởi đầu đó là gì? Chúa Giêsu nói về điều đó trong câu đầu tiên của đoạn Tin mừng, khi Ngài nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (câu 15). Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ…. Đây là “luận lý” của Thánh Thần. Chúng ta có xu hướng nghĩ hoàn toàn ngược lại: nếu chúng ta tuân giữ các điều răn, chúng ta sẽ yêu mến Chúa Giêsu. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng tình yêu đến từ việc tuân giữ, sự trung thành và sùng kính của chúng ta.

Tuy nhiên, Thánh Thần nhắc nhở chúng ta rằng nếu không có tình yêu làm nền tảng cho chúng ta, thì tất cả những gì còn lại đều vô ích. Và tình yêu đó không phải đến từ khả năng của chúng ta nhưng là món quà của Người. Người dạy chúng ta yêu thương và chúng ta phải cầu xin món quà này. Thần Khí Tình yêu rót đổ tình yêu thương vào trái tim chúng ta, Thánh Thần làm cho chúng ta cảm thấy được yêu thương và Người dạy chúng ta cách yêu thương. Người là “động cơ” cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Người làm cho nó chuyển động trong chúng ta. Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu từ Thánh Thần, cùng với Thánh Thần hoặc qua Thánh Thần, chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu.

Chính Thần Khí nhắc nhở chúng ta về điều này, bởi vì Người là ký ức của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta nhớ lại tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói (xem câu 26). Chúa Thánh Thần là một ký ức sống động; Người không ngừng nhóm lên ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Người trong sự tha thứ tội lỗi của chúng ta, trong những thời khắc chúng ta tràn đầy sự bình an, tự do và niềm an ủi của Người. Điều cần thiết là phải trân quý ký ức thiêng liêng này. Chúng ta luôn ghi nhớ những điều sai trái; chúng ta lắng nghe tiếng nói bên trong nhắc nhở chúng ta về những thất bại và sa ngã của mình, tiếng nói cứ liên tục nói: “Hãy nhìn đi, thêm một thất bại, thêm một thất vọng. Ngươi sẽ không bao giờ thành công; ngươi không thể làm được điều đó”. Cách nói này là một điều kinh khủng. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần nói với chúng ta điều hoàn toàn khác. Người nhắc nhở chúng ta: “Con bị vấp ngã ư? Con là người con của Chúa. Con là người con duy nhất, được chọn, quý giá và được yêu thương. Ngay cả khi con đánh mất niềm tin vào bản thân, Chúa vẫn có niềm tin nơi con!” Đây là “ký ức” của Thánh Thần, điều mà Thần Khí liên tục nhắc chúng ta: Thiên Chúa thấu biết con. Con có thể quên Chúa, nhưng Người không quên con. Người luôn nhớ đến con.

Tuy nhiên, có thể chúng ta vẫn phản đối: đây là những lời tốt đẹp, nhưng tôi có những vấn đề, những tổn thương và lo lắng không thể xóa bỏ bằng các lời an ủi đơn thuần! Tuy nhiên, đó chính là nơi Chúa Thánh Thần yêu cầu chúng ta để cho Người đi vào. Bởi vì Người, Đấng Bảo Trợ, là Thần Khí chữa lành, phục sinh, là Đấng có thể biến đổi những tổn thương đang hừng hực trong bạn. Người dạy chúng ta không nên bám vào ký ức về tất cả những người và những hoàn cảnh đã làm tổn thương chúng ta, nhưng hãy để cho Người tẩy sạch những ký ức đó bằng sự hiện diện của Người. Đó là những gì Người đã làm với các tông đồ và những thất bại của họ. Họ đã bỏ rơi Chúa Giêsu trước cuộc Khổ nạn; Phêrô đã chối Người; Phaolô thì bắt bớ các Kitô hữu. Chúng ta cũng suy nghĩ về những lỗi lầm của chính mình. Thật quá nhiều sai lỗi, và rất nhiều tội lỗi! Để tự bản thân những lỗi lầm đó, chúng không có lối thoát. Để tự bản thân những sai lỗi đó, không được. Nhưng với Đấng An ủi thì được. Vì Thần Khí chữa lành những ký ức. Bằng cách nào? Bằng cách đặt lên đầu danh sách điều gì thật sự quan trọng: sự ghi nhớ về tình yêu của Thiên Chúa, ánh mắt đầy yêu thương của Người. Bằng cách này, Thần Khí sắp xếp cuộc sống của chúng ta đi vào trật tự. Người dạy chúng ta biết chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau và tha thứ cho chính bản thân; Người dạy chúng ta hòa giải với quá khứ. Và đặt ra một sự khởi đầu mới.

Ngoài việc nhắc nhở chúng ta phải bắt đầu từ đâu, Thánh Thần còn dạy chúng ta đi theo con đường nào. Chúng ta nhìn thấy điều này trong bài đọc hai, trong đó Thánh Phaolô giải thích rằng những người “được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn” (Rm 8:14), “không sống theo tính xác thịt, nhưng theo Thần Khí” (c. 4). Ở mọi ngã rẽ trong cuộc sống của chúng ta, Thần Khí gợi cho chúng ta con đường tốt nhất để đi theo. Vì vậy, điều quan trọng là có khả năng phân biệt tiếng nói của Thần Khí với tiếng nói của ác thần. Cả hai đều nói với chúng ta: chúng ta cần phải học cách phân biệt được tiếng nói của Thánh Thần, để có thể nhận ra tiếng nói đó và đi theo sự dẫn dắt của tiếng nói, làm theo những điều Người nói với chúng ta.

Chúng ta hãy xét đến một số ví dụ. Chúa Thánh Thần sẽ không bao giờ nói với chúng ta rằng mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp trong suốt hành trình của chúng ta. Người sẽ không bao giờ nói với chúng ta điều này, bởi vì nó không phải là sự thật. Không, Người sửa chữa chúng ta; Người làm cho chúng ta biết khóc vì tội của mình; Người thúc đẩy chúng ta thay đổi, chiến đấu chống lại những sự dối trá và lừa gạt, cho dù điều đó đòi hỏi chúng ta phải làm việc mệt nhọc, đấu tranh nội tâm và hy sinh. Trái lại, ác thần luôn thúc đẩy chúng ta làm những gì chúng ta muốn, những gì chúng ta thấy hài lòng. Hắn khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta có quyền sử dụng tự do của mình theo bất kỳ cách nào chúng ta muốn. Sau đó, khi chúng ta cảm thấy trống rỗng trong lòng – và biết bao nhiêu người chúng ta đã biết được cảm giác trống rỗng khủng khiếp đó! – rồi hắn đổ lỗi cho chúng ta và hạ gục chúng ta. Ác thần đổ lỗi cho chúng ta, hắn trở thành kẻ tố cáo. Hắn hạ gục và tiêu diệt chúng ta. Chúa Thánh Thần, sửa chữa chúng ta trên đường, không bao giờ để chúng ta nằm gục trên mặt đất: Người cầm tay chúng ta, an ủi và không ngừng động viên chúng ta.

Rồi khi chúng ta cảm thấy phiền muộn vì cay đắng, bi quan và tiêu cực – chúng ta đã rơi vào trạng thái này biết bao lần rồi! – thì cần phải nhớ rằng những điều này không bao giờ đến từ Chúa Thánh Thần. Cay đắng, bi quan, suy nghĩ sầu não, những điều này không bao giờ đến từ Chúa Thánh Thần. Chúng đến từ ác thần, tức là nằm trong tính tiêu cực. Nó thường sử dụng chiến lược này: nó làm mất kiên nhẫn và tự thương khốn, và với tính tự thương khốn, nó cần phải đổ lỗi cho người khác về tất cả các vấn đề của chúng ta. Nó làm cho chúng ta trở nên cáu kỉnh, nghi ngờ, phàn nàn. Phàn nàn là ngôn ngữ của tà thần; hắn muốn làm cho chúng ta kêu ca càm ràm, ủ rũ, mang bộ mặt đưa đám. Ngược lại, Chúa Thánh Thần thúc giục chúng ta không bao giờ ngã lòng và luôn khởi sự lại từ đầu. Người luôn động viên chúng ta đứng dậy. Người cầm tay chúng ta và nói: “Hãy đứng dậy!” Chúng ta làm việc đó cách nào? Bằng cách thực hành ngay mà không chờ đợi người khác. Và bằng cách làm lan tỏa niềm hy vọng và niềm vui, không phải là những lời phàn nàn; không bao giờ ghen tị với người khác. Không bao giờ! Đố kỵ là cánh cửa để ác thần đi vào. Kinh Thánh cho chúng ta biết điều này: bởi sự ghen tị của ma quỷ, sự dữ đã xâm nhập vào thế giới. Vì vậy, đừng bao giờ ghen tị! Chúa Thánh Thần mang đến cho chúng ta sự tốt lành; Người khiến bạn vui mừng trước thành công của người khác.

Chúa Thánh Thần thì thực tế, Ngài không phải là một người lý tưởng hóa. Ngài muốn chúng ta tập trung vào tại đây và bây giờ, bởi vì thời gian và địa điểm chúng ta đang ở được đầy ân sủng. Đây là những thời gian và địa điểm cụ thể của ân sủng, ở đây và bây giờ. Đó là nơi Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn chúng ta. Ngược lại, tà thần sẽ kéo chúng ta ra khỏi nơi đây và bây giờ, và đặt chúng ta ở một nơi khác. Hắn thường đẩy chúng ta về với quá khứ: về với những nuối tiếc, hoài niệm, thất vọng. Hoặc không thì hắn chỉ cho chúng ta về tương lai đầy ắp những nỗi sợ hãi, ảo tưởng và hy vọng hão huyền của chúng ta. Nhưng không phải Chúa Thánh Thần. Thánh Thần dẫn đưa chúng ta đến tình yêu, một cách cụ thể, ở đây và bây giờ, không phải là một thế giới lý tưởng hay một Giáo hội lý tưởng, một hội dòng lý tưởng, nhưng là những thế giới thực, thế giới đang hiện hữu, được nhìn thấy dưới ánh sáng chan hòa của ban ngày, với sự minh bạch và đơn sơ. Hoàn toàn khác với ác thần, hắn xúi bẩy buôn chuyện và những chuyện xằng quấy. Nói chuyện xằng quấy là một thói quen xấu; nó phá hủy tính cách của một người.

Chúa Thánh Thần muốn chúng ta ở cùng nhau; Người làm cho chúng ta trở thành Giáo hội và ngày nay – đây là khía cạnh thứ ba và là cuối cùng – Người dạy Giáo hội cách tiến bước như thế nào. Các môn đệ đang thu mình trong Phòng Tiệc Ly; Khi đó, Thánh Thần hiện xuống và làm cho họ lên đường. Không có Thần Khí, họ cô đơn, một mình, tụ lại với nhau. Có Thánh Thần, họ mở lòng ra với tất cả mọi người. Trong mọi thời đại, Thần Khí lật đổ những định kiến ​​của chúng ta và mở ra cho chúng ta sự mới mẻ của Ngài. Thiên Chúa, Thần Khí, luôn luôn mới! Người không ngừng dạy cho Giáo hội tầm quan trọng của việc lên đường, được thúc đẩy loan báo Tin Mừng. Tầm quan trọng của hữu thể chúng ta, không phải là một bãi chăn chiên rào kín an toàn, mà là một đồng cỏ rộng mở, nơi tất cả mọi người có thể thưởng thức vẻ đẹp của Thiên Chúa. Người dạy chúng ta trở thành một ngôi nhà rộng mở không có những bức tường ngăn cách. Tinh thần thế gian thúc đẩy chúng ta tập trung vào các vấn đề và lợi ích của riêng mình, tập trung vào việc chúng ta phải xuất hiện sao cho ra dáng, vào việc nỗ lực bảo vệ đất nước hoặc nhóm mà chúng ta thuộc về. Đó không phải là cách của Chúa Thánh Thần. Ngài mời gọi hãy quên đi bản thân và mở lòng với tất cả mọi người. Bằng cách đó, Người làm cho Giáo hội trở nên trẻ trung. Chúng ta cần nhớ điều này: Thần Khí làm cho Hội Thánh luôn trẻ trung. Không phải chúng ta và những cố gắng của chúng ta tô điểm cho Hội Thánh. Vì Giáo hội không thể được “lập trình” và cố gắng để “hiện đại hóa” là không đủ. Thánh Thần giải phóng chúng ta khỏi nỗi ám ảnh về những sự cấp bách. Người hướng dẫn chúng ta đi trên con đường của Người, cổ xưa nhưng luôn mới, con đường làm chứng, nghèo khó và sứ mệnh, và bằng cách này, Người giải phóng chúng ta và sai chúng ta tiến bước đi vào thế giới.

Và cuối cùng, thật kỳ lạ, Chúa Thánh Thần là tác giả của sự phân chia, của sự náo động, của một sự rối loạn nào đó. Hãy nghĩ về buổi sáng ngày Lễ Ngũ Tuần: Người là tác giả… Người tạo ra sự phân chia các ngôn ngữ và những thái độ… đó là một sự náo động! Nhưng đồng thời, Người là tác giả của sự hòa hợp. [...] Người tạo ra sự phân chia với các đặc sủng và Người tạo ra sự hài hòa với tất cả sự phân chia này. Đây là sự phong phú của Giáo hội.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy học trong trường học của Chúa Thánh Thần, để Người dạy dỗ chúng ta mọi điều. Chúng ta hãy khẩn cầu Người mỗi ngày, để Người có thể nhắc nhở chúng ta luôn lấy điểm xuất phát là cái nhìn của Thiên Chúa, đưa ra quyết định qua việc lắng nghe tiếng nói của Người, và cùng nhau tiến bước như một Giáo hội, ngoan ngoãn với Người và mở lòng với thế giới. Amen.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/6/2022]