Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

UNESCO tôn vinh Thánh Têrêsa Lisieux

UNESCO tôn vinh Thánh Têrêsa Lisieux

UNESCO tôn vinh Thánh Têrêsa Lisieux

Manuel Cohen / AFP

Matilde Latorre 

30/09/22 - updated on 09/30/22


UNESCO chính thức công nhận những đóng góp về tinh thần, văn hóa và giáo dục cho nhân loại của Thérèse Martin, là Thánh Têrêsa thành Lisieux.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) sẽ chính thức kỷ niệm 150 năm ngày sinh của một trong những vị thánh vĩ đại nhất mọi thời đại, Thánh Têrêsa thành Lisieux vào hai năm 2022-2023.

Quyết định này, được Đại hội đồng các nước thành viên UNESCO biểu quyết vào ngày 11 tháng Mười Một năm 2021, nhằm ghi nhận những đóng góp về tinh thần, văn hóa và giáo dục cho nhân loại của Thérèse Martin (tên riêng của thánh nữ). Sinh ngày 2 tháng Một năm 1873, thánh nữ trở thành nữ tu Dòng Cát Minh, và qua đời năm 24 tuổi. Thánh nhân đã dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa trong tu viện Lisieux, trong vùng Normandy của Pháp.


Ngôn ngữ tình yêu vượt biên giới

“Cứ hai năm một lần, UNESCO vinh danh những nhân vật đã làm việc và tiếp tục làm việc trong lĩnh vực giáo dục, mỗi người theo cách riêng của họ, trong việc thăng tiến phụ nữ, văn hóa, khoa học và xây dựng hòa bình,” Cha Thierry Hénault-Morel giải thích. Ngài là cha sở Đền thờ Alençon, thị trấn nơi thánh nữ chào đời.

Vị linh mục cho biết thêm: “Thánh Têrêsa, người được toàn thế giới biết đến, đã góp phần vào việc thúc đẩy các giá trị phổ quát bằng các tác phẩm và chứng tá của mình. Thông qua phẩm chất và chiều sâu của cuộc sống, thánh nữ đã nói một ngôn ngữ vượt mọi biên giới: đó là Tình yêu.”


Đến những “vùng ngoại vi” xa xôi nhất

Cha Olivier Ruffray, cha sở Đền thờ Lisieux, nơi tọa lạc của tu viện Cát Minh của thánh nữ, cho rằng “việc UNESCO công nhận Thánh Têrêsa thành Lisieux, theo đề nghị của nước Pháp, đã mở ra những triển vọng mới cho việc truyền bá thông điệp cuộc sống của thánh nữ, hòa bình, và yêu thương đối tới tận ‘những hòn đảo xa xôi nhất,’ như chính Thánh Têrêsa Lisieux đã nói, hoặc theo cách nói của Đức Thánh Cha Phanxicô là ‘những vùng ngoại vi’.”

Đức Gioan Phaolô II đã tuyên nhận Thánh Têrêsa Lisieux là Tiến sĩ Hội thánh ngày 19 tháng Mười năm 1997, và đặt cho thánh nữ cái tên “tiến sĩ khoa học tình yêu.”


“Tiến sĩ khoa học tình yêu”

Trong số 36 tiến sĩ của Giáo hội suốt 2.000 năm lịch sử, chỉ có 4 phụ nữ nhận được sự công nhận này. Ngoài Thánh Têrêsa còn có Thánh Hildegard thành Bingen người Đức (1098-1179), Thánh Catarina Siena người Ý (1347-1380), và Thánh Teresa Avila người Tây Ban Nha (1515-1582).

Cả bốn vị đều làm chứng cho sự phong phú của đời sống chiêm niệm cho Giáo Hội và thế giới: một vị thuộc dòng Biển Đức, một vị khác thuộc dòng Đa Minh, và hai vị còn lại là Dòng Cát Minh.


Khoa học vượt thời gian và văn hóa

Cha sở Đền thờ Lisieux nhấn mạnh rằng việc tuyên bố Thánh Têrêsa là Tiến sĩ Giáo hội có nghĩa là “giáo lý, lời giảng dạy và con đường mà thánh nữ đã đi được gửi đến toàn thể nhân loại”.

Lời dạy này được tóm tắt là “khoa học tình yêu”, một khoa học mà linh mục nói là “vượt thời gian và không gian và được tìm thấy trong mọi nền văn hóa.”

“Khoa học tình yêu,” mà chúng ta có thể học được từ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, “hiệp nhất tất cả mọi người trên thế giới này vì nó phù hợp cho việc tìm kiếm ý nghĩa của thế giới chúng ta, phù hợp cho việc tìm kiếm những gì sâu thẳm nhất trong con người, đó là tình yêu.”


Bí mật: tuổi thơ thiêng liêng

“Khoa học tình yêu,” mà Thánh Têrêsa thấu hiểu và diễn đạt, đặt nền tảng trên nhận thức rằng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân không phụ thuộc vào khả năng, phẩm chất hay công trạng của một người: Đúng hơn, nó dựa trên khả năng con người biết chấp nhận sự mong manh của mình và tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người.

Đức Thánh Cha Phanxicô, một người vô cùng ngưỡng mộ Thánh Têrêsa, mô tả rằng “khoa học” này đòi hỏi một hành động tin tưởng: “Hãy tin tưởng như một đứa trẻ phó thác trong bàn tay của Thiên Chúa.”


Tự do nội tâm

Cha Olivier Ruffray, người có sứ mệnh tiếp tục truyền bá thông điệp của Thánh Têrêsa từ Lisieux, tin rằng tuyên bố của UNESCO cho phép thông điệp của thánh nữ tiến đến với những người thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau.

“Ngay cả ngày nay, sự gần gũi thiêng liêng của Thánh Têrêsa cho phép nhiều người“ trên khắp thế giới “được hưởng lợi ích của cùng một lời mời gọi hãy đi theo con đường tự do nội tâm này, nó đơn giản là con đường của tuổi thơ thiêng liêng mà Thánh Têrêsa Lisieux đã khám phá ra. Thánh nữ chia sẻ kinh nghiệm về điều đó với những người cùng thời với chúng ta, những người đón nhận thông điệp của thánh nữ và cho phép bản thân được chạm đến.”

“Khoa học tình yêu” này của Thánh Têrêsa Lisieux “giúp cho những ai cố gắng sống tình yêu đó, trải nghiệm sự bình an trong tâm hồn. Nó xây dựng con người và nuôi dưỡng tinh thần hòa bình,” cha sở của đền thờ kết luận.

Quý vị bấm vào đường dẫn ở dưới để xem một số bức ảnh quý của Thánh Têrêsa, do chính chị gái Céline của thánh nữ chụp.


UNESCO tôn vinh Thánh Têrêsa Lisieux



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/10/2022]


Phát biểu của Đức Hồng y Pietro Parolin tại Cuộc họp Cấp cao Liên Hợp Quốc

Phát biểu của Đức Hồng y Pietro Parolin tại Cuộc họp Cấp cao Liên Hợp Quốc

Đức Hồng y Pietro Parolin tại LHQ. Photo: America Digital

Phát biểu của Đức Hồng y Pietro Parolin tại Cuộc họp Cấp cao Liên Hợp Quốc

*******

Tại Cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc kỷ niệm 30 năm ngày thông qua Tuyên ngôn về Quyền Con người thuộc Quốc gia hoặc Dân tộc, Tôn giáo và các Ngôn ngữ Thiểu số.

SEPTEMBER 24, 2022 00:31

REDACCIÓN


(ZENIT News / Nueva York, 23.09.2022).- Ngày 21 tháng Chín năm 2022, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có bài phát biểu tại Cuộc họp Cấp cao của Liên hợp quốc kỷ niệm 30 năm ngày thông qua Tuyên ngôn về Quyền Con người thuộc Quốc gia, Dân tộc, Tôn giáo và các Ngôn ngữ thiểu số. Là một phần của hoạt động kéo dài một năm kỷ niệm 30 năm Tuyên ngôn, Cuộc họp Cấp cao này được triệu tập để đánh giá những hạn chế và thành tựu, chia sẻ các ví dụ về những cách thực hiện tốt nhất và thiết lập các ưu tiên trong tương lai.

Trong bài phát biểu, Đức Hồng Y Parolin tuyên bố rằng các thuật ngữ ‘thiểu số’ và ‘đa số’ là những nhãn hiệu mang tính mô tả, và việc sử dụng chúng không được làm xói mòn nguyên tắc rằng mọi người đều bình đẳng về phẩm giá và do đó có quyền bình đẳng. Ngài rất lo lắng nhấn mạnh rằng người Kitô hữu tiếp tục là nhóm bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới. Ước tính có khoảng 360 triệu người Kitô hữu trên 76 quốc gia phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, bạo lực và ngược đãi, trong khi các nhóm tôn giáo thiểu số khác cũng bị đối xử tương tự.

Đức Hồng y Parolin kết luận bằng lời tuyên bố rằng việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người cơ bản của những người thuộc các quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số cần được thiết lập trên cơ sở đối thoại, hợp tác với nhau và hiểu biết lẫn nhau.

Sau đây là bản văn của bài phát biểu:

____________________________________________

Bài phát biểu của Đức Hồng y Pietro Parolin

tại Cuộc Họp Cấp cao của LHQ nhân kỷ niệm

năm thứ 30 thông qua

Tuyên ngôn về Quyền Con người thuộc

các Quốc gia, Dân tộc, Tôn giáo và Ngôn ngữ Thiểu số

Phát biểu của Đức Hồng y Pietro Parolin tại Cuộc họp Cấp cao Liên Hợp Quốc

New York, 21 tháng Chín, 2022

Thưa ngài Chủ tịch,

Tòa thánh vui mừng tham gia Cuộc họp cấp cao này đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày thông qua Tuyên bố về Quyền Con người thuộc quốc gia hoặc dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ Thiểu số.

Khi sử dụng thuật ngữ ‘thiểu số’ và ‘đa số’, chúng ta nên nhớ rằng những nhãn hiệu mô tả này không được làm xói mòn nguyên tắc làm nền tảng cho nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của con người: mọi người đều bình đẳng về phẩm giá và do đó có quyền bình đẳng. Vì vậy, điều quan trọng là phải “từ chối việc sử dụng thuật ngữ ‘thiểu số’ theo cách phân biệt đối xử vốn gây ra cảm giác cô lập và tự ti.” [1] Đồng thời, quan điểm đối lập thúc đẩy sự đồng hóa có nguy cơ xóa bỏ những nét đặc thù và giá trị của quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ riêng biệt, “làm mờ nhạt những điểm khác biệt về nguồn gốc và xuất thân và biến [con người] thành một loại hàng hóa mới dễ uốn nắn.” [2]

Trên khắp thế giới, các nhóm quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số đều có chung nguyện vọng khẳng định bản sắc của họ và chung sống hòa bình với những người khác. Do đó, việc bảo vệ họ là không thể đạt được nếu không tôn trọng các nguyên tắc then chốt, đó là bảo vệ sự sống, không loại trừ, không phân biệt đối xử và không đồng hóa [3] – không làm cho sự hội nhập biến thành đồng hóa.

Đối với các nhóm thiểu số tôn giáo, Tòa Thánh rất lo lắng rằng người Kitô hữu tiếp tục là nhóm bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới, và không chỉ ở các quốc gia nơi họ là nhóm thiểu số. Ước tính có khoảng 360 triệu người Kitô hữu trên 76 quốc gia phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, bạo lực và ngược đãi vì đức tin của họ. Rõ ràng, các nhóm tôn giáo thiểu số khác cũng chịu cảnh bị đối xử tương tự. Đây là một sự vi phạm trắng trợn quyền căn bản về tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. [4] Điều này cũng đe dọa đến các quyền liên quan, chẳng hạn như quyền thực hành tôn giáo ở nơi công cộng và riêng tư, cả với các cá nhân và tập thể; quyền sở hữu, xây dựng, duy trì và sử dụng các công trình và tài sản tôn giáo; quyền của các nhà thờ và cộng đoàn tôn giáo được tự tổ chức theo cơ cấu tổ chức riêng của họ; và quyền đào tạo, lựa chọn và đề cử các giáo sĩ của riêng họ.

Thưa ngài chủ tịch,

Việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền căn bản của những người thuộc các quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số cần được đặt nền tảng trên cơ sở “đón nhận văn hóa đối thoại làm đường lối; hợp tác với nhau làm quy tắc ứng xử; hiểu biết lẫn nhau làm phương pháp và tiêu chuẩn.” [5] Bản sắc và đối thoại không phải là hai thái cực mâu thuẫn. Bản sắc riêng của chúng ta “được củng cố và phong phú nhờ kết quả của việc đối thoại với những người không giống chúng ta. Và bản sắc đích thực của chúng ta cũng không được bảo tồn bởi một sự cô lập nghèo nàn”. [6]

Cảm ơn ngài Chủ tịch.

________________________________________

[1] Pope Francis and Grand Imam of Al-Azhar Ahmad Al-Tayyeb, A Document on Human Fraternity for World Peace and Living Together.

[2] Pope Francis, Post-Synodal Apostolic Exhortation, Christus Vivit, 186.

[3] Commentary of the Working Group on Minorities to the United Nations Declaration on the Rights of Persons belonging to National or Ethnic, Religious and Linguistic Minorities.

[4] Universal Declaration of Human Rights, Article 18.

[5] A Document on Human Fraternity for World Peace and Living Together.

[6] Pope Francis, Post-Synodal Apostolic Exhortation, Querida Amazonia, 37.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/9/2022]