Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi (24 tháng Bảy, 2022), 10.05.2022

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi (24 tháng Bảy, 2022), 10.05.2022

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi (24 tháng Bảy, 2022), 10.05.2022

*****

Sau đây là toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Ông bà và người Cao tuổi lần Thứ Hai sẽ được tổ chức vào Chúa nhật thứ Tư của Tháng Bảy – năm nay rơi vào ngày 24 tháng Bảy – với chủ đề, “Trong tuổi già họ vẫn sinh hoa kết quả” (Thánh vịnh 92:15):

____________________

Sứ điệp của Đức Thánh Cha

"Trong tuổi già họ vẫn sinh hoa kết quả” (Thánh vịnh 92:15)

Các bạn thân mến,

“Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả” (Tv 92:15). Những lời này của tác giả Thánh vịnh là tin vui, một “tin mừng” thật sự mà chúng ta có thể công bố cho tất cả mọi người vào Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ Hai. Họ chống lại những gì thế giới suy nghĩ về giai đoạn này của cuộc đời, và cũng chống lại thái độ buồn rầu cam chịu của một số người già chúng ta, những người ít hy vọng cho tương lai.

Nhiều người rất sợ tuổi già. Họ coi đó là một loại bệnh mà mọi sự tiếp xúc đều cần phải tránh. Họ nghĩ rằng người già không phải là mối quan tâm của họ và cần phải gạt sang một bên, có lẽ ở nhà hoặc những nơi mà người già có thể được chăm sóc, vì sợ rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với các vấn đề của họ. Đây là lối suy nghĩ của “văn hóa vứt bỏ”, nó khiến chúng ta nghĩ rằng ở một khía cạnh nào đó chúng ta khác với những người nghèo và người dễ bị tổn thương ở giữa chúng ta, không bị sự mong manh của họ chạm đến và tách biệt khỏi “họ” cùng những rắc rối của họ. Kinh Thánh nhìn mọi điều theo cách khác. Kinh Thánh dạy rằng sống lâu là một phúc lành, và người già không phải là người bị ruồng bỏ xa lánh nhưng là dấu chỉ sống động của lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng ban sự sống dồi dào. Phúc cho ngôi nhà có một người già sống! Phúc cho gia đình tôn vinh người cao tuổi!

Tuổi già không phải là một thời điểm của cuộc sống có thể dễ hiểu ngay cả với những người trong chúng ta đã và đang trải qua nó. Mặc dù cuối cùng thì dòng thời gian cũng trôi qua, nhưng không ai chuẩn bị cho chúng ta tuổi già, và đôi khi nó dường như làm chúng ta bất ngờ. Các xã hội phát triển hơn chi tiêu những khoản tiền lớn cho giai đoạn này của cuộc đời nhưng không thực sự giúp mọi người hiểu và trân trọng nó; họ cung cấp các chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi nhưng không có những kế hoạch để sống viên mãn tuổi này. [1] Điều đó khiến khó có thể nhìn về tương lai và phân định hướng đi. Một mặt, chúng ta bị cám dỗ để né tránh tuổi già bằng cách che giấu những nếp nhăn và ra vẻ như trẻ mãi không già, mặt khác, chúng ta tưởng tượng rằng điều duy nhất chúng ta có thể làm là chịu đựng thời gian, suy nghĩ cách rầu rĩ rằng chúng ta không thể nào “vẫn còn sinh hoa kết quả”.

Việc nghỉ hưu và con cái đã trưởng thành khiến nhiều công việc từng chiếm nhiều thời gian và sức lực của chúng ta không còn là áp lực. Thừa nhận rằng sức mạnh của chúng ta đang xuống dốc hoặc sự bùng phát bệnh tật có thể làm yếu đi những điều chắc chắn của chúng ta. Tốc độ hối hả của thế giới – mà chúng ta phải vật lộn để bắt kịp – dường như khiến chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc mặc nhiên chấp nhận ý nghĩ rằng chúng ta là vô dụng. Chúng ta có thể ngâm nga lời cầu nguyện chân thành của tác giả Thánh vịnh: “Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn.” (71:9).

Tuy nhiên, cùng bài thánh vịnh đó – suy ngẫm về cách Thiên Chúa hiện diện trong mọi giai đoạn cuộc đời của chúng ta – thúc giục chúng ta kiên trì trong hy vọng. Cùng với tuổi già và mái tóc bạc trắng, Thiên Chúa tiếp tục ban cho chúng ta món quà sự sống và gìn giữ chúng ta không bị điều ác khuất phục. Nếu tin cậy nơi Người, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để ngợi khen Người (xem các câu 14-20). Chúng ta sẽ thấy rằng già đi không chỉ là sự suy tàn tự nhiên của cơ thể hoặc là dòng thời gian trôi qua không thể tránh khỏi, nhưng nó là món quà của một sự sống dài lâu. Tuổi tác không phải là một sự kết án, mà là một phúc lành!

Vì lý do này, chúng ta nên chăm sóc bản thân và duy trì tính tích cực trong những năm cuối đời. Điều này cũng đúng với quan điểm thiêng liêng: chúng ta phải trau dồi đời sống nội tâm của mình qua việc siêng năng đọc Lời Chúa, cầu nguyện hàng ngày, lãnh nhận các bí tích và tham dự phụng vụ. Ngoài mối quan hệ với Thiên Chúa, chúng ta cũng cần phải vun trồng mối quan hệ với những người khác: trước hết bằng cách bày tỏ sự quan tâm trìu mến đối với gia đình, con cháu, nhưng cả đối với những người nghèo và những người đau khổ, bằng cách đến gần họ với những sự trợ giúp thiết thực và lời cầu nguyện của chúng ta. Những điều này sẽ giúp chúng ta không cảm thấy là người ngoài cuộc, ngồi trên hiên nhà hoặc nhìn ra ngoài từ cửa sổ, trong khi cuộc sống vẫn diễn ra xung quanh chúng ta. Thay vào đó, chúng ta nên học cách phân định sự hiện diện của Chúa ở khắp mọi nơi. [2] Giống như “cây ô-liu xanh rờn trong nhà Thiên Chúa” (xem Tv 52:10), chúng ta có thể trở thành một phúc lành cho những người sống bên cạnh chúng ta.

Tuổi già không phải là lúc để từ bỏ và hạ những cánh buồm xuống, nhưng là mùa để sinh sôi nảy nở bền bỉ: một sứ mệnh mới đang chờ đợi chúng ta và yêu cầu chúng ta nhìn về tương lai. “Sự nhạy cảm đặc biệt mà người cao tuổi chúng ta dành cho những điều quan tâm, những suy nghĩ và tình cảm khiến chúng ta một lần nữa trở thành ơn gọi cho nhiều người. Đó sẽ là một dấu chỉ tình yêu của chúng ta dành cho các thế hệ trẻ”. [3] Đây sẽ là sự đóng góp của chúng ta vào cuộc cách mạng lòng nhân hậu, [4] một cuộc cách mạng tinh thần và bất bạo động, trong đó tôi khuyến khích những người ông người bà và người cao tuổi thân yêu đóng một vai trò tích cực.

Thế giới của chúng ta đang trải qua thời gian thử thách, bắt đầu từ sự bùng phát dữ dội và đột ngột của đại dịch, và sau đó bằng một cuộc chiến tranh làm tổn hại nền hòa bình và sự phát triển trên quy mô toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà chiến tranh quay trở lại Châu Âu vào thời điểm khi thế hệ từng nếm trải nó trong thế kỷ trước đang qua đi. Những cuộc khủng hoảng lớn này có nguy cơ khiến chúng ta tê liệt trước thực tế về những “bệnh dịch” khác và những hình thức bạo lực lan rộng khác đang đe dọa gia đình nhân loại và ngôi nhà chung của chúng ta.

Tất cả những điều này chỉ ra sự cần thiết của một sự thay đổi sâu sắc, một sự hoán cải, trút bỏ vũ khí khỏi tâm hồn và làm cho chúng ta coi người khác là anh chị em của mình. Ông bà và những người cao tuổi chúng ta có trách nhiệm cao cả: dạy cho con người ở thời đại chúng ta biết quan tâm đến người khác bằng sự hiểu biết và ánh mắt yêu thương như chúng ta dành cho con cháu của mình. Bản thân chúng ta đã trưởng thành về lòng nhân ái bằng cách quan tâm đến người khác, và bây giờ chúng ta có thể trở thành những người dạy về cách sống hòa bình và ân cần với những người đang cần giúp đỡ nhất. Thái độ này có thể bị nhầm lẫn với sự nhu nhược hoặc cam chịu, nhưng đó là con người hiền lành, không hung hăng và lăng mạ, sẽ thừa kế đất trời (x. Mt 5:5).

Một hoa trái mà chúng ta được kêu gọi để làm trổ sinh đó là bảo vệ thế giới. “Ông bà bồng ẵm chúng ta trên tay và mang chúng ta trên đôi chân của họ”; [5] bây giờ là thời gian chúng ta phải gánh vác trên đôi chân của mình – bằng sự trợ giúp thiết thực hoặc chỉ bằng lời cầu nguyện – không phải chỉ con cháu của chúng ta mà còn rất nhiều con cháu đang khiếp đảm mà chúng ta chưa từng gặp mặt và những người cháu đang tháo chạy khỏi chiến tranh hoặc đang phải gánh chịu nó. Chúng ta hãy ôm lấy trong lòng mình những trẻ nhỏ của Ukraine, của Afghanistan, của Nam Sudan… – giống như Thánh Giuse là một người cha đầy lòng yêu thương và chu đáo.

Nhiều người trong chúng ta đã nhận ra một cách khôn ngoan và khiêm tốn về điều mà thế giới của chúng ta rất cần: chân nhận rằng chúng ta không được cứu một mình, và rằng hạnh phúc là chiếc bánh mà chúng ta cùng bẻ ra. Chúng ta hãy làm chứng cho điều này trước những người có nghĩ sai lầm rằng họ có thể tìm được sự hoàn thiện cá nhân và thành công trong sự xung khắc. Tất cả mọi người, ngay cả những người yếu nhất trong chúng ta, đều có thể làm được điều này. Việc chúng ta cho phép mình được chăm sóc – thường là bởi những người đến từ các quốc gia khác – chính là một cách cho biết rằng chung sống trong hòa bình không chỉ là có thể mà còn rất cần thiết.

Thưa những người ông người bà, những người cao tuổi thân mến, chúng ta được kêu gọi trở thành những nghệ nhân của cuộc cách mạng lòng nhân hậu trong thế giới của chúng ta! Chúng ta hãy làm điều đó bằng cách học sử dụng cách tốt hơn và thường xuyên hơn khí cụ giá trị nhất mà chúng ta có sẵn, và quả thực là khí cụ phù hợp nhất với tuổi của chúng ta: cầu nguyện. “Chúng ta hãy trở thành những thi sĩ cầu nguyện: chúng ta hãy phát triển sự tinh tế tìm kiếm những lời nói của chính mình, chúng ta hãy một lần nữa tiếp thu những lời của Chúa dạy”. [6] Lời cầu nguyện tín thác của chúng ta có thể làm được rất nhiều: nó có thể đồng hành với tiếng kêu đau đớn của những người đau khổ, và nó có thể giúp làm biến đổi tâm hồn. Chúng ta có thể là “bản hợp xướng” bền bỉ của thánh địa thiêng liêng vĩ đại, nơi những lời khẩn nguyện và những bài ca ngợi khen nâng đỡ cộng đồng đang gặp khó khăn và vất vả trong cuộc sống”. [7]

Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi là một cơ hội để một lần nữa công bố với niềm vui rằng Giáo hội muốn cùng nhau mừng những người mà Thiên Chúa – theo lời Kinh thánh – đã “lấp đầy những ngày tháng”. Chúng ta hãy cùng nhau mừng ngày lễ! Tôi yêu cầu anh chị em hãy làm cho Ngày này được biết đến trong các giáo xứ và cộng đồng của anh chị em; tìm kiếm những người cao tuổi cảm thấy cô đơn nhất, ở nhà hoặc trong khu dân cư nơi họ sống. Chúng ta hãy bảo đảm rằng không người già nào cảm thấy cô đơn vào ngày này. Mong đợi một cuộc thăm viếng có thể làm thay đổi những ngày mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta không có gì để mong chờ; từ một cuộc gặp gỡ ban đầu, một tình bạn mới có thể xuất hiện. Thăm người già sống cô đơn là một việc làm của lòng thương xót trong thời đại chúng ta!

Chúng ta hãy xin Đức Mẹ, Mẹ của Tình Yêu Dịu Dàng, biến tất cả chúng ta trở thành những nghệ nhân của cuộc cách mạng nhân ái, để chúng ta cùng nhau giải thoát thế giới khỏi bóng ma của sự cô đơn và ác quỷ của chiến tranh.

Tôi ban phép lành cho anh chị em, và những người thân yêu của anh chị em, cùng với sự gần gũi và tình cảm của tôi. Và tôi xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi!

Roma, Đền thánh Gioan Lateran, 3 tháng Năm, 2022, Lễ các Thánh Philipphê và Giacôbê Tông đồ

PHANXICO

______________________

[1] Catechesis on Old Age – 1. The Grace of Time and the Covenant of the Ages of Life (23 February 2022).

[2] Catechesis on Old Age – 5. Fidelity to God’s Visitation for the Next Generation (30 March 2022).

[3] Catechesis on Old Age – 3. Old Age, A Resource for Lighthearted Youth (16 March 2022).

[4] Catechesis on Saint Joseph – 8. Saint Joseph, Father of Tenderness (19 January 2022).

[5] Homily at the Mass for the World Day for Grandparents and the Elderly (25 July 2021).

[6] Catechesis on the Family – 7. Grandparents (11 March 2015).

[7] Ibid.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/5/2022]


Bản tin: Đức Thánh Cha hoãn chuyến đi đến Li Băng vào Tháng Sáu vì cơn đau đầu gối tiếp tục

Bản tin: Đức Thánh Cha hoãn chuyến đi đến Li Băng vào Tháng Sáu vì bệnh đau đầu gối tiếp tục

Bản tin: Đức Thánh Cha hoãn chuyến đi đến Li Băng vào Tháng Sáu vì cơn đau đầu gối tiếp tục

Antoine Mekary | ALETEIA

Kathleen N. Hattrup 

I.Media for Aleteia 

10/05/22


Ngoài tình trạng khủng hoảng về kinh tế và chính trị của đất nước, hiện nay sức khỏe của Đức Giáo hoàng là một trở ngại cho chuyến đi.

Bộ trưởng Du lịch của Li Băng, ông Walid Nassar, nói rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ không thực hiện chuyến đi tới Li Băng theo kế hoạch từ ngày 12 đến 13 tháng Sáu vì sức khỏe của ngài tiếp tục gặp khó khăn.

Vatican chưa công bố ngày cho chuyến đi, cũng như không xác nhận rằng chuyến đi có bị hoãn lại hay không, nhưng chứng viêm đầu gối phải của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khiến ngài phải sử dụng xe lăn trong những ngày gần đây.

Cuối tháng Tư, Đức Phanxicô thông báo rằng bác sĩ yêu cầu ngài không được đi bộ, và cho biết ngài hy vọng việc điều trị chứng viêm có nghĩa là ngài sẽ có thể hồi phục nhanh chóng.

Đức Thánh Cha đã bày tỏ mối quan tâm của ngài đối với tình hình ở Li Băng trong một số trường hợp.

Đất nước đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử và sự bấp bênh đeo bám tương lai chính trị của đất nước sau cuộc bầu cử ngày 15 tháng Năm. Đồng Bảng của Li Băng đã sụp đổ và không còn giá trị so với đồng Mỹ kim. Toàn bộ tầng lớp trung lưu của đất nước hiện đang phải vật lộn để tự kiếm sống. Trước đây, một giáo viên có thể nhận được số tiền tương đương 2.000 Mỹ kim mỗi tháng bằng đồng Bảng Li Băng. Bây giờ lương của người ấy là $120, Cha Giuse Chlela, Bề trên của trường Thánh Elie ở Tripoli, nói: “Đủ để trả hóa đơn máy phát điện và một bịch kẹo.”

Đức Cha Edouard Daher, Tổng Giám mục Giáo hội Melkite Hy Lạp của Tripoli, nhận xét: “Những người có đủ phương tiện đã rời bỏ đất nước và chỉ những người Kitô giáo không có đủ tiền thì ở lại.”


Cho dù Đức Giáo hoàng có khỏe mạnh …

Một số người tin rằng chuyến đi của Đức Giáo hoàng có thể giúp mang lại một giải pháp, trước hết là ở mức độ nhân đạo.

Chuyến thăm sẽ là cơ hội để giới truyền thông chú ý đến Li Băng và huy động viện trợ quốc tế. “Chúng tôi xoay sở để cân đối ngân sách của các trường học nhờ vào 55% viện trợ từ bên ngoài. Nếu không có sự hỗ trợ này, chúng tôi sẽ đóng cửa trường học vào ngày mai,” Cha Chlela nhấn mạnh, và hy vọng rằng chuyến đi sẽ tạo ra kết quả cụ thể. Cha nói ngay cả những người Hồi giáo ngày nay cũng cần đến Đức Giáo hoàng Phanxicô, “bởi vì cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến tất cả mọi người và Đức Thánh Cha có thể mang lại hy vọng về sự thay đổi cho tất cả mọi người.”

Mặt khác, các vị chức sắc Giáo hội đang tự hỏi có thể tìm được nguồn tiền từ đâu, ngay cả với việc đưa mọi người đến các sân vận động để nhìn thấy Đức Giáo hoàng.

Một vị giám mục giải thích: “Nếu ngài đến, tất nhiên chúng tôi sẽ rất vui mừng vì đây luôn là một lễ mừng và niềm hy vọng khi được đón tiếp Đức Thánh Cha.” Vị giám mục nói thêm rằng ngài sẽ bán đồ đạc và quần áo của mình nếu cần thiết để trang trải tài chính cho chuyến đi. “Nhưng nói thật, người ta đã hết tiền đổ xăng. Viện trợ mà chúng tôi nhận được từ phương Tây, chúng tôi phân phát cho người nghèo qua các túi thực phẩm”.

Một vị giám mục khác lại nêu lên những khó khăn. “Nếu Đức Giáo hoàng đến Beirut, chúng tôi sẽ phải thuê xe buýt để chở các tín hữu đến tham dự Thánh lễ. Tôi làm phép tính: Tôi sẽ phải trả 300 triệu Bảng Li Băng. Nhưng điều đó là không thể!”

Anh Vincent Gelot, giám đốc dự án của L’Œuvre d’Orient ở Li Băng và Syria, nhận xét: “Người Li Băng hiện đang ở bờ mép cuối cùng của giới hạn. Nếu chuyến đi diễn ra, đó sẽ là một chuyến đi rất đặc biệt, trái ngược với những đám đông tưng bừng chào đón Đức Giáo hoàng Benedict XVI vào năm 2010. Người Li Băng chắc chắn sẽ truyền tải sự tuyệt vọng của họ tới Đức Thánh Cha và xin ngài làm điều gì đó: ‘Hãy cứu chúng tôi khỏi các nhà chính trị và tình hình kinh tế kinh khủng của chúng tôi’.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/5/2022]