Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Toàn văn huấn từ Tiếp kiến chung ngày 16 tháng Chín của Đức Thánh Cha

Toàn văn huấn từ Tiếp kiến chung ngày 16 tháng Chín của Đức Thánh Cha

© Vatican Media

Toàn văn huấn từ Tiếp kiến chung ngày 16 tháng Chín của Đức Thánh Cha

‘Chữa lành thế giới’

16 tháng Chín, 2020 14:44

ZENIT STAFF

 


Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi Tiếp kiến chung hàng tuần hôm nay ngày 16 tháng Chín năm 2020 trước các tín hữu hiện diện trong Sân San Damaso của Điện Tông tòa Vatican.

******

Bài giáo lý “Chữa lành thế giới”: 7. Chăm sóc ngôi nhà chung và chiều kích chiêm niệm

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Để vượt qua đại dịch, chúng ta cần phải quan tâm và chăm sóc cho nhau, quan tâm và chăm sóc cho nhau. Và chúng ta phải hỗ trợ cho những người chăm sóc cho người yếu đuối nhất, người bệnh và người già. À, đang có khuynh hướng gạt bỏ người già sang một bên, bỏ rơi họ. Và điều này thật là tệ. Những người này – được định nghĩa rất rõ ràng bằng thuật ngữ tiếng Tây Ban nha “cuidadores” (người chăm sóc), những người chăm sóc bệnh nhân – đóng một vai trò quan trọng trong xã hội, cho dù họ thường không nhận được sự tưởng thưởng và đền bù xứng đáng. Chăm sóc là một quy tắc vàng của bản chất con người chúng ta và nó mang đến sức khỏe và hy vọng (x. Tông huấn Laudato Si’ [LS], 70). Chăm sóc cho những người bệnh, cho những người thiếu thốn, cho người bị gạt ra bên lề: đây là gia tài của con người, và cũng là gia tài của Kitô giáo.

Chúng ta cũng phải mở rộng sự chăm sóc này ra cho ngôi nhà chung của chúng ta: cho trái đất và mọi loài thụ tạo. Mọi hình thức sống đều được liên kết với nhau (xem nt., 137-138), và sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào sức khỏe của các hệ sinh thái mà Thiên Chúa đã tạo dựng và trao phó cho chúng ta chăm sóc (xem St 2:15). Ngược lại, ngược đãi chúng là một trọng tội phá hủy chúng ta, và làm nguy hại đến chúng ta, và làm chúng ta trở nên bệnh tật (x. LS, 8; 66). Phương thuốc giải để chống lại sự lạm dụng ngôi nhà chung của chúng ta là chiêm ngắm (xem nt., 85, 214). Nhưng bằng cách nào? Liệu rằng có một loại vaccine cho điều này không, cho việc chăm sóc ngôi nhà chung, để không tàn phá nó? Phương thuốc giải để chống lại căn bệnh không chăm sóc cho ngôi nhà chung là gì? Đó chính là chiêm ngắm. “Nếu ai đó không học cách dừng lại và chiêm ngắm ngợi khen vẻ đẹp của một điều gì đó, thì chúng ta cũng chẳng ngạc nhiên khi người đó đối xử với mọi thứ như một đồ vật để sử dụng và lạm dụng không một chút đắn đo” (nt., 215). Tuy nhiên, nói đến việc sử dụng mọi vật và loại bỏ chúng, ngôi nhà chung của chúng ta, tạo vật, không phải là một “nguồn tài nguyên” đơn thuần. Các loài thụ tạo có một giá trị bên trong chúng và với chính bản thân chúng, và mỗi loài “phản ánh một phần của sự khôn ngoan và tốt lành của Thiên Chúa theo cách riêng của nó” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 339). Phải khám phá ra giá trị và nguồn ánh sáng này của Thiên Chúa, và để khám phá được thì chúng ta cần phải chiêm ngắm. Chiêm ngắm cũng là cách chữa lành linh hồn.

Không có sự chiêm ngắm thì rất dễ trở thành miếng mồi cho chủ nghĩa trung tâm luận lệch lạc và kiêu ngạo, cái “tôi” trở thành trung tâm của mọi thứ, nó đặt tầm quan trọng quá mức vào vai trò con người của chúng ta, đưa chúng ta trở thành những kẻ thống trị tuyệt đối trên tất cả các loài thụ tạo khác. Sự giải thích méo mó các văn bản kinh thánh về công trình tạo dựng đã góp phần vào việc diễn giải sai lệch này, nó dẫn đến việc bóc lột trái đất đến mức làm nó nghẹt thở. Bóc lột công trình tạo dựng: đây là tội. Chúng ta tin rằng chúng ta là trung tâm điểm, đòi chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa và vì thế chúng ta phá hỏng sự hài hòa của công trình tạo dựng, sự hài hòa của chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta trở thành dã thú, quên đi ơn gọi của chúng ta là những người chăm sóc sự sống. Dĩ nhiên, chúng ta được phép và phải canh tác đất đai để sống và phát triển. Nhưng canh tác không đồng nghĩa với bóc lột, và nó luôn được đồng hành bởi sự chăm sóc: canh tác và bảo vệ, làm việc và chăm sóc … Đây là sứ mạng của chúng ta (x. St 2:15). Chúng ta không thể mong chờ tiếp tục phát triển trên mức độ thuần vật chất, mà không chăm sóc ngôi nhà chung chào đón chúng ta. Những người anh chị em nghèo khó nhất và mẹ trái đất của chúng ta than khóc về sự tàn phá và bất công mà chúng ta đã gây ra, và đòi hỏi chúng ta phải đi theo con đường khác. Nó buộc chúng ta phải hoán cải, một sự thay đổi lối đi; chăm sóc cho trái đất, công trình tạo dựng.

Do đó, điều quan trọng là khám phá ra chiều kích chiêm ngắm, nghĩa là ngắm nhìn trái đất, công trình tạo dựng như một món quà, không phải là một thứ để bóc lột tìm lợi nhuận: không phải. Khi chúng ta chiêm ngắm, chúng ta khám phá nơi người khác và trong thiên nhiên một điều gì đó lớn lao hơn tính hữu dụng của chúng. Đây là trung tâm của vấn đề: chiêm ngắm là vượt xa hơn tính hữu dụng của một thứ gì đó. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp không có nghĩa là bóc lột nó, không: chiêm ngắm. Nó là tự do. Chúng ta khám phá được giá trị thực chất của mọi vật được Thiên Chúa ban tặng. Như nhiều bậc thầy về tinh thần đã dạy chúng ta, trời, đất, biển, và mọi loài sinh vật đều có năng lực tượng trưng này, hoặc là năng lực huyền bí để đưa chúng ta trở về với Đấng Tạo Hóa, và sự kết hợp với trời đất vạn vật. Chẳng hạn, Thánh Ignatius Loyola, ở phần cuối các bài Linh Thao của ngài, mời gọi chúng ta thực hành “việc chiêm ngưỡng để đến với tình yêu,” nghĩa là, ngắm nhìn cách Thiên Chúa nhìn tạo vật của Người và để mừng vui với chúng; để khám phá sự hiện hữu của Chúa trong các tạo vật của Người, và với sự tự do và ân sủng, để yêu thương và chăm sóc chúng.

Chiêm ngưỡng là điều dẫn chúng ta đến thái độ chăm sóc, không phải là vấn đề nhìn ngắm thiên nhiên từ bên ngoài, xem như chúng ta không được đắm chìm trong nó. Nhưng chúng ta ở trong thiên nhiên, chúng ta là một phần của thiên nhiên. Hơn thế nữa, nó được thể hiện từ trong nội tâm, chân nhận chúng ta là một phần của công trình tạo dựng, làm cho chúng ta trở thành những vai chính và không phải là những khán giả của một thực tại mơ hồ chỉ để bóc lột. Những người biết chiêm ngưỡng theo cách này trải nghiệm sự kinh ngạc không chỉ trước những gì họ nhìn thấy nhưng còn vì họ cảm nhận họ là một phần không thể thiếu của vẻ đẹp này; và họ cũng cảm nhận được tiếng gọi để bảo vệ và giữ gìn nó. Và có một điều chúng ta không được quên: những ai không thể chiêm ngưỡng thiên nhiên và trời đất vạn vật thì không thể chiêm ngắm con người trong giá trị thật của họ. Và những ai sống để bóc lột thiên nhiên thì cuối cùng là bóc lột con người và đối xử với họ như những nô lệ. Đây là quy luật chung. Nếu anh không thể chiêm ngưỡng thiên nhiên, thì anh sẽ thấy rất khó để chiêm ngưỡng con người, vẻ đẹp của con người, của anh em của anh, chị em của anh. Tất cả chúng ta.

Những người biết cách chiêm ngưỡng sẽ thấy dễ dàng bắt tay làm việc để thay đổi những gì tạo ra sự suy thoái và tàn phá sức khỏe. Họ sẽ cố gắng giáo dục và thúc đẩy những thói quen sản xuất và tiêu dùng mới, để góp phần xây dựng mô hình mới của sự phát triển kinh tế biết tôn trọng ngôi nhà chung của chúng ta và tôn trọng con người. Sự chiêm ngưỡng trong hành động: đây là điều rất tốt! Mỗi người chúng ta cần phải trở thành một người bảo vệ môi trường, bảo vệ sự trong sạch của môi trường, tìm kiếm sự kết hợp giữa kiến thức của tiền nhân thuộc những nền văn hóa kéo dài hàng thiên niên kỷ với kiến thức kỹ thuật mới, để cách sống của chúng ta luôn có thể bền vững.

Cuối cùng, chiêm ngưỡng và chăm sóc: đây là hai thái độ cho thấy con đường để sửa lại và tái cân bằng mối tương quan con người chúng ta với trời đất vạn vật.

Thường thường mối tương quan của chúng ta với trời đất vạn vật dường như là mối tương quan giữa những kẻ thù: tàn phá công trình tạo dựng để tìm lợi ích. Bóc lột công trình tạo dựng để tìm lợi nhuận. Chúng ta đừng quên rằng điều này sẽ phải trả giá rất đắt; chúng ta không quên câu nói của người Tây Ban nha rằng: “Thiên Chúa luôn luôn tha thứ; chúng ta thỉnh thoảng tha thứ; thiên nhiên không bao giờ tha thứ.” Hôm nay cha đọc trong một tờ báo về hai con sông băng lớn ở Nam Cực, gần Biển Amundsen: chúng sắp sụp đổ. Điều này thật khủng khiếp vì mực nước biển sẽ dâng cao và điều này sẽ mang đến nhiều, rất nhiều khó khăn và gây ra rất nhiều sự nguy hại. Và tại sao vậy? Vì nhiệt độ nóng lên toàn cầu, không chăm sóc cho môi trường, không quan tâm đến ngôi nhà chung. Ngược lại nếu chúng ta có mối tương quan này – cho phép cha nói cụm từ – “huynh đệ”: nó là một hình thái ngôn ngữ; một mối tương quan “huynh đệ” với trời đất vạn vật, chúng ta sẽ trở thành những người bảo vệ cho ngôi nhà chung, trở thành người bảo vệ sự sống, và người bảo vệ hy vọng. Chúng ta sẽ bảo vệ gia tài mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta để các thế hệ tương lai có thể được chung hưởng nó. Nhưng có thể có người sẽ nói: “Nhưng tôi có thể làm điều đó theo cách này.” Nhưng vấn đề không phải là anh sẽ quản lý như thế nào – đây là lời của nhà thần học người Đức, một người Tin lành, một con người tốt lành: Bonhoeffer – vấn đề là anh đang quản lý như thế nào ngày hôm nay; vấn đề là di sản, sự sống để lại cho các thế hệ tương lai sẽ là gì? Chúng ta hãy nghĩ đến con cái của mình, cháu chắt của mình: chúng ta sẽ để lại gì nếu chúng ta bóc lột công trình tạo dựng? Chúng ta hãy bảo vệ con đường của “những người canh giữ” ngôi nhà chung của chúng ta, những người canh giữ sự sống, và những người canh giữ hy vọng. Họ bảo vệ gia tài mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta (con người, tất cả mọi người) để các thế hệ tương lai có thể thừa hưởng nó. Cha đặc biệt nghĩ đến các dân tộc bản địa, là những người mà tất cả chúng ta đều mang món nợ ân tình – cũng là sự hối lỗi, để sửa lại sự dữ mà chúng ta đã làm với họ. Nhưng cha cũng nghĩ đến những phong trào, các hiệp hội, các nhóm bình dân, cam kết bảo vệ địa hạt của họ với những giá trị thiên nhiên và văn hóa. Những thực thể xã hội này thường không được đánh giá đúng, và thậm chí có những lúc họ bị cản trở; vì họ không kiếm tiền, nhưng trong thực tế họ góp phần cho cuộc cách mạng hòa bình mà chúng ta có thể gọi tên là “cuộc cách mạng chăm sóc.” Chiêm ngưỡng là để chăm sóc, chiêm ngưỡng để bảo vệ, để bảo vệ chính chúng ta, bảo vệ công trình tạo dựng, con cháu chúng ta, và để bảo vệ tương lai. Chiêm ngưỡng là quan tâm và bảo vệ, và để lại một di sản cho thế hệ tương lai.

Và điều này không được ủy quyền cho người khác: đây là trách nhiệm của mỗi con người. Mỗi người chúng ta có thể là và phải là một “người canh giữ ngôi nhà chung”, ngợi khen Thiên Chúa vì những tạo vật của Người, và chiêm ngưỡng vạn vật, và bảo vệ chúng. Cảm ơn anh chị em.

_________________________________________

Những lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào thân ái đến các tín hữu nói tiếng Anh. Trong những ngày này, suy nghĩ của cha đặc biệt hướng về người già và người bị giam cầm, và những người đang quảng đại chăm sóc cho họ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

__________________________________________

Tóm tắt lời của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, trong những suy tư liên tục của chúng ta về đại dịch đang diễn ra dưới ánh sáng của giáo huấn xã hội của Giáo hội, chúng ta đã chứng kiến vai trò then chốt của nhiều người quảng đại chăm sóc cho tha nhân, đặc biệt là những bệnh nhân, người già, và người dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta cũng đã nhận thấy trách nhiệm của chúng ta chăm sóc cho thế giới tự nhiên, mà vẻ đẹp của nó rất thường bị bỏ qua trong khi những tài nguyên của nó thì bị hoang phí. Để tìm lại được ý thức đúng về vị trí của chúng ta trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, và về tiếng gọi tôn trọng và chăm sóc cho trái đất và chăm sóc cho nhau, một lần nữa chúng ta cần phải học nghệ thuật chiêm ngưỡng. Vì khi chúng ta đi vào sự tĩnh lặng và chiêm ngắm thế giới được liên kết của chúng ta, chúng ta mới nhận biết ý nghĩa và giá trị thật sự của tất cả tạo vật, vì mỗi loài phản ánh một điều gì đó thuộc về sự khôn ngoan, sự tốt lành, và vẻ đẹp của Thiên Chúa theo cách riêng của nó. Chiêm ngắm dạy chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là phần không thể thiếu trong toàn bộ công trình tạo dựng, tiếng gọi trở thành những người quản lý trung tín cho sự phong phú của nó, và sự cần thiết phải bảo tồn nó cho các thế hệ tương lai.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/8/2020]


Đức Thánh Cha nhớ đến ‘phúc tử đạo’ của Cha Roberto Malgesini, Linh mục bị sát hại ở ComoPope Remembers ‘Martyrdom’ of Fr. Roberto Malgesini, Priest Murdered in Como

Đức Thánh Cha nhớ đến ‘phúc tử đạo’ của Cha Roberto Malgesini, Linh mục bị sát hại ở ComoPope Remembers ‘Martyrdom’ of Fr. Roberto Malgesini, Priest Murdered in Como

The Pope Prays - Vatican Media Copyright

Đức Thánh Cha nhớ đến ‘phúc tử đạo’ của Cha Roberto Malgesini, Linh mục bị sát hại ở Como

Vị linh mục người Ý đã giúp đỡ người di dân Tunisia bị bệnh tâm thần nặng, là người đã sát hại ngài

16 tháng Chín, 2020 11:20

DEBORAH CASTELLANO LUBOV

 
“Cha dâng lời cảm tạ Chúa vì chứng tá, là phúc tử đạo, chứng nhân bác ái dành cho những người nghèo nhất.”

Đây là những lời Đức Thánh Cha nhớ đến Cha Roberto Malgesini, bị sát hại hôm qua ngày 15 tháng Chín năm 2020 ở Como, Ý.

Những lời của Đức Thánh Cha khi kết thúc buổi Tiếp kiến chung hàng tuần vào Thứ Tư, được tổ chức với sự tham dự của các tín hữu trong Sân San Damaso trong Điện Tông tòa của Vatican.

Đức Phanxico bắt đầu, “Giờ đây cha tưởng nhớ đến Cha Don Roberto Malgesini, linh mục của giáo phận Como, người bị sát hại sáng hôm qua bởi một người cần được giúp đỡ.”

Người này, theo các nguồn tin xác định là một di dân người Tunisia bị bệnh tâm thần, Đức Thánh Cha Phanxico nói “chính Cha Malgesini đã giúp đỡ,” và nhấn mạnh rằng thủ phạm là “một người bị bệnh tâm thần nặng.”

Ngài nói, “Cha cùng chia sẻ nỗi đau đớn và lời cầu nguyện với gia đình của ngài và cộng đoàn Como, và như Đức Giám mục nói, cha dâng lời cảm tạ Chúa vì chứng tá, là phúc tử đạo, chứng nhân bác ái dành cho những người nghèo nhất.”

Đức Thánh Cha yêu cầu, “Chúng ta thầm thĩ cầu nguyện cho Cha Roberto Malgesini và cho tất cả các linh mục, nữ tu, giáo dân, những giáo dân đang hoạt động với người cần được giúp đỡ bị xã hội gạt bỏ.”

Sau lời chào thăm các tín hữu, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến những ông bà cao tuổi, các bạn trẻ, bệnh nhân và những đôi vợ chồng mới cưới. Nhắc lại Lễ Suy tôn Thánh Giá của Giáo hội vừa qua, Đức Thánh Cha cầu nguyện: “Nguyện xin Thánh Giá, dấu chỉ của niềm tin vào Đức Kitô, trở thành nguồn an ủi và hình ảnh cho niềm hy vọng không thể lay chuyển cho tất cả mọi người.”


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/9/2020]