Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2023

Tiếp kiến chung 15.03.2023 - Bài giáo lý thứ 7 của ĐTC Phanxicô: "Tất cả chúng ta được gọi để trở thành các tông đồ"

Tất cả chúng ta được gọi để trở thành các tông đồ

Bài giáo lý thứ bảy của Đức Thánh Cha Phanxicô về nhiệt tâm rao giảng Tin mừng

Tiếp kiến chung 15.03.2023 - Bài giáo lý thứ 7 của ĐTC Phanxicô: "Tất cả chúng ta được gọi để trở thành các tông đồ"

© Vatican Media


*******

Buổi tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9:00 sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Nhiệt tâm Rao giảng Tin Mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung suy niệm về chủ đề: “Công đồng Vatican II. Là người Tông đồ trong Giáo Hội Tông truyền” (Bài đọc: Lc 10:1-2).

______________________________________________


Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha


Nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu 7. Công đồng Vatican II. 2. Là người Tông đồ trong Giáo hội Tông truyền

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về sự nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng: không chỉ về “việc rao giảng Tin Mừng”, sự nhiệt tâm loan báo Tin Mừng, và trong trường học của Công đồng Vatican II, hôm nay chúng ta tìm hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc trở thành “người tông đồ”. Từ “tông đồ” nhắc chúng ta nhớ đến nhóm Mười hai môn đệ được Chúa Giêsu tuyển chọn. Đôi khi chúng ta nói đến một vị thánh nào đó, hoặc nói cách chung chung hơn đó là các giám mục, là “tông đồ”: họ là các tông đồ, vì họ nhân danh Chúa Giêsu mà đi. Nhưng chúng ta có ý thức được rằng việc trở thành tông đồ đều liên quan đến mỗi người Kitô hữu không? Chúng ta có biết rằng nó liên quan đến mỗi người chúng ta không? Thật vậy, chúng ta được yêu cầu trở thành người tông đồ – nghĩa là những sứ giả – trong một Giáo hội chúng ta tuyên xưng là tông truyền, như trong Kinh Tin kính.

Vậy, là người tông đồ có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là được sai đi rao giảng. Biến cố Chúa Kitô Phục Sinh sai các tông đồ đi khắp thế gian, trao cho các ông quyền năng mà chính Người đã nhận được từ Chúa Cha và ban cho các ông Thần Khí của Người, là một biến cố điển hình và căn bản. Chúng ta đọc trong Tin Mừng Thánh Gioan: “Người lại nói với các ông: ‘Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.’ Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’” (20:21-22).

Một khía cạnh căn bản khác của việc trở thành người tông đồ đó là ơn gọi, tức là tiếng gọi. Việc đó đã xảy ra từ thuở ban đầu, khi Chúa Giêsu “gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người” (Mc 3:13). Người lập các ông thành một nhóm, đặt cho các ông tước hiệu “tông đồ”, để các ông đi với Người và sai các ông đi thi hành sứ vụ (x. Mc 3:14; Mt 10:1-42). Thánh Phaolô, trong các thư của ngài, tự giới thiệu mình là “Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông đồ”, nghĩa là một sứ giả (1 Cr 1:1), và một lần nữa, “Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu; tôi được gọi làm Tông đồ” (Rm 1:1). Và ông nhấn mạnh rằng ông là “Tông đồ không phải do loài người, cũng không phải nhờ một người nào, nhưng bởi Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha, Đấng đã cho Người từ cõi chết trỗi dậy” (Gl 1:1); Thiên Chúa đã gọi ông từ trong lòng mẹ để loan báo Tin Mừng giữa muôn dân tộc (x. Gl 1:15-16).

Kinh nghiệm của Mười hai tông đồ và chứng ngôn của Thánh Phaolô cũng thách đố chúng ta ngày nay. Nó mời gọi chúng ta kiểm tra lại thái độ của mình, kiểm tra lại những lựa chọn, những quyết định của chúng ta, dựa trên những điểm bất biến này: mọi sự tùy thuộc vào tiếng gọi nhưng không của Thiên Chúa; Thiên Chúa cũng chọn chúng ta cho những công việc phục vụ đôi khi dường như vượt quá khả năng hoặc không đáp ứng được những mong đợi của chúng ta; tiếng gọi nhận được như một món quà cho không phải được trả lời một cách nhưng không.

Công Đồng nói: “ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ” (Sắc lệnh Apostolicam actuositatem [AA], 2). Đó là một ơn gọi chung, giống như “cùng chung một phẩm giá giữa các chi thể do được tái sinh trong Đức Kitô, cùng chung một ơn là con cái Thiên Chúa và cùng chung một ơn gọi hướng tới sự hoàn thiện; chỉ có một ơn cứu độ, một niềm hy vọng và một đức ái không phân chia” (Hiến chế Lumen gentium, 32).

Đó là một tiếng gọi cho tất cả những người đã lãnh nhận bí tích Truyền chức thánh, những người tận hiến, và tất cả mọi người tín hữu giáo dân, nam cũng như nữ: đó là tiếng gọi cho tất cả mọi người. Thưa anh chị em, kho tàng mà anh em đã lãnh nhận với ơn gọi làm Kitô hữu của mình, phải được trao tặng nó: đó là bản chất của ơn gọi, bản chất của sự sống. Đó là một tiếng gọi trao quyền cho họ thực hiện nhiệm vụ tông đồ của mình một cách tích cực và sáng tạo, trong một Giáo hội mà ở đó “có nhiều tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ mệnh. Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông Ðồ và những người kế vị các ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân. Thiên Chúa trong Giáo Hội và ở giữa trần gian” (Sắc lệnh AA, 2).

Trong khuôn khổ này, Công đồng có ý nói điều gì qua sự cộng tác của giáo dân với hàng giáo phẩm? Nó có nghĩa như thế nào? Đó có phải là một sự thích ứng mang tính chiến lược trước các tình huống mới khi chúng xảy đến không? Không, không: có một điều gì đó hơn thế, vượt ngoài những biến cố bất ngờ của thời điểm và cũng duy trì giá trị riêng của nó đối với chúng ta. Giáo hội là như vậy, được tạo thành và tông truyền.

Trong khuôn khổ của sự hiệp nhất trong sứ vụ truyền giáo, sự đa dạng của các đặc sủng và thừa tác vụ không được tạo ra những loại đặc quyền trong giáo hội: không có sự tiến thân ở đây, và khi bạn quan niệm đời sống Kitô hữu như một sự tiến thân, rằng một người ở trên ra lệnh cho tất cả những người khác vì người đó đã thành công trong việc leo lên trên, đây không phải là Kitô giáo. Đây thuần túy là dị giáo. Ơn gọi Kitô hữu không phải là một sự tiến thân, để leo lên, không phải! Nó là một điều khác. Đó là một điều lớn lao, vì mặc dù theo ý của Đức Kitô, có người ở vị trí quan trọng, có thể là các tiến sĩ, “là thầy dạy, là người phân phát các mầu nhiệm và làm chủ chăn vì những người khác, nhưng tất cả mọi người đều thực sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của mọi tín hữu trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô” (Hiến chế LG, 32). Ai có phẩm giá hơn trong Giáo hội: giám mục, linh mục? Không, tất cả chúng ta đều là những Kitô hữu phục vụ tha nhân. Ai quan trọng hơn trong Giáo Hội: nữ tu hay người thường, đã rửa tội hay chưa rửa tội, trẻ em, giám mục…? Tất cả đều bình đẳng, chúng ta bình đẳng và bên nào tự cho mình là quan trọng hơn bên kia, hếch mũi lên, đó là một sai lầm. Đó không phải là ơn gọi của Chúa Giêsu. Ơn gọi mà Chúa Giêsu ban cho mọi người, kể cả những người dường như ở những vị trí cao nhất, là phục vụ, phục vụ người khác, hạ mình xuống. Nếu anh chị em tìm thấy một người trong Giáo hội có ơn gọi cao hơn và anh chị em thấy người đó kiêu ngạo, hãy nói: “Linh hồn tội nghiệp”, hãy cầu nguyện cho người đó, vì người đó chưa hiểu ơn gọi của Thiên Chúa là gì. Ơn gọi của Chúa là tôn thờ Chúa Cha, yêu thương cộng đoàn, và phục vụ. Việc trở thành tông đồ là như vậy, chứng tá của người tông đồ là như vậy.

Vấn đề bình đẳng về phẩm giá đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ lại về những khía cạnh trong các mối quan hệ của chúng ta, có tính quyết định đối với việc loan báo Tin Mừng. Ví dụ, chúng ta có ý thức được rằng lời nói của chúng ta có thể làm tổn hại phẩm giá con người, do đó làm hỏng các mối quan hệ trong Giáo hội không? Trong khi chúng ta cố gắng tham gia đối thoại với thế giới, chúng ta có biết cách đối thoại với nhau với tư cách là những người có niềm tin hay không? Hay trong giáo xứ, người này chống người kia, người này nói xấu người kia để leo lên cao hơn? Chúng ta có biết cách lắng nghe để hiểu lý do của người khác, hay chúng ta áp đặt theo ý mình, thậm chí bằng cả những lời dỗ dành? Lắng nghe, khiêm tốn, phục vụ tha nhân: đây là việc phục vụ, đây là Kitô hữu, đây là tông đồ.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng ngại hỏi những câu hỏi này. Chúng ta hãy tránh xa sự phù phiếm, sự phù phiếm của địa vị. Những lời này có thể giúp chúng ta khẳng định cách chúng ta sống ơn gọi rửa tội của mình, cách chúng ta sống trong vai trò là những người tông đồ trong một Giáo hội tông truyền phục vụ tha nhân. Cảm ơn anh chị em.

____________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào thân ái đến những anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Thụy Điển và Hoa Kỳ. Với những lời nguyện chúc tốt lành rằng Mùa Chay này là thời gian ân sủng và canh tân tinh thần cho anh chị em và gia đình, cha nguyện xin cho tất cả anh chị em niềm vui và sự bình an trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/3/2023]


Đức Thánh Cha chia sẻ kỷ niệm đẹp nhất của ngài trong 10 năm qua

Đức Thánh Cha chia sẻ kỷ niệm đẹp nhất của ngài trong 10 năm qua

Đức Thánh Cha chia sẻ kỷ niệm đẹp nhất của ngài trong 10 năm qua

Antoine Mekary | ALETEIA | I.MEDIA

I.Media for Aleteia

13/03/23


Cuộc bầu chọn ngài “dường như mới vừa hôm qua,” Đức Thánh Cha nhận xét và nhấn mạnh, “Thời gian thật vội vàng.”

“Hòa bình, chúng ta cần hòa bình,” lời kêu gọi tha thiết của Đức Thánh Cha Phanxicô như một lời ước của lễ kỷ niệm trong một chương trình podcast công bố ngày 13 tháng Ba năm 2023, nhân kỷ niệm 10 năm ngài được bầu chọn. Trong đoạn ghi âm suy ngẫm dài 10 phút này, bổ sung cho danh sách các phương tiện truyền thông mà Đức Thánh Cha đã trả lời phỏng vấn trong những ngày gần đây, ngài cũng trở lại với ký ức “đẹp nhất” trong triều đại giáo hoàng của mình.

Ngày kỷ niệm là một ngày lễ nghỉ của Vatican; chỉ có một sự kiện được lên kế hoạch trong chương trình nghị sự chính thức của Đức Thánh Cha Phanxicô: Thánh lễ với các hồng y tại nhà nguyện Casa Santa Marta, nơi ngài sống. Bài giảng không được công bố công khai. Thay vào đó, các phương tiện truyền thông của Vatican đã đăng podcast này, được nhà báo Salvatore Cernuzio ghi âm.

Ngài được bầu chọn ngày 13 tháng Ba năm 2013 — “Nó dường như mới hôm qua,” vị Giáo hoàng người Argentina suy tư, và bình luận về thời gian cách triết lý. “Thời gian thật gấp gáp, nó luôn vội vàng, và khi bạn muốn nắm lấy hôm nay thì nó đã trở thành ngày hôm qua. Và nếu bạn muốn nắm lấy ngày mai thì nó vẫn chưa có ở đây.”

Đức Thánh Cha đặt triều đại giáo hoàng của ngài “trong sức căng giữa hôm qua và ngày mai.”

Ngài kể lại kỷ niệm “đẹp nhất” của ngài trong mười năm: cuộc gặp gỡ người già trong Quảng trường Thánh Phêrô ngày 28 tháng Chín năm, cũng có sự tham dự của Đức Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI.

“Người già là sự khôn ngoan và họ giúp tôi rất nhiều,” ngài khẳng định, đồng thời bày tỏ sự kính trọng đối với người già “như rượu ngon, những người có lịch sử chín muồi”. Và ngài dí dỏm: “Những cuộc gặp gỡ người già khiến tôi trẻ ra”.

Còn về “những khoảnh khắc tồi tệ” trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha liên kết chúng với chiến tranh. Ngài buồn bã nhắc lại chuyến viếng nghĩa trang Redipuglia vào ngày 13 tháng Chín năm 2014, và sau đó đến nghĩa trang Nettuno của Mỹ, nơi ngài cử hành Thánh lễ vào ngày 2 tháng Mười Một năm 2017. Ngài cũng nói rằng ngài ghi nhớ lễ kỷ niệm 75 năm cuộc đổ bộ Normandy được tổ chức vào ngày 6 tháng Sáu năm 2019.

Ngài lên án: “Tôi nghĩ đến những người mẹ đã nhận được một lá thư: Thưa bà, tôi rất vinh dự được nói với bà rằng bà là mẹ của một vị anh hùng… Lá thư, huy chương — nhưng người con trai thì không còn nữa.”

Vị giáo hoàng thứ 266, người chưa bao giờ ngừng than phiền về điều mà ngài gọi là “Chiến tranh thế giới thứ ba theo từng khu vực”, thú thật rằng ngài không ngờ nhìn thấy một thế giới bị chia cắt như vậy. Ngài nhấn mạnh: “Tôi nghĩ Syria là một trường hợp cá biệt, sau đó là Yemen, rồi tôi nhìn thấy thảm kịch của người Rohingya, Miến Điện…”

Ngài cũng đề cập đến cuộc chiến tranh Nga-Ukraine: “Tôi đau khổ khi nhìn thấy những người chết, những người trẻ tuổi – không phân biệt người Nga hay người Ukraine, cả hai – những người không quay trở về.”

Và ngài khẳng định, “Đằng sau các cuộc chiến tranh là ngành công nghiệp vũ khí.”

“Thật là độc ác.”

Vị đứng đầu Giáo hội Công giáo bày tỏ ba ước muốn cho thế giới: “tình huynh đệ, nước mắt và nụ cười.”

Ngài động viên chúng ta “đừng sợ khóc và cười.”

Ngài kết luận: “Người biết khóc biết cười là người có đôi chân chạm đất và đôi mắt nhìn về chân trời tương lai. Nếu một người quên khóc, điều đó là không tốt… và nó còn tồi tệ hơn khi bạn quên mỉm cười.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/3/2023]