‘Hãy mở ra trước mặt Chúa mọi điều và để đạt được mục tiêu này, hãy chọn Ngài, hãy luôn chọn Ngài. Đừng ngã lòng …’
16 tháng Năm, 2018 14:36
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:25 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về Phép Rửa: 6. Hãy mặc lấy Đức Ki-tô (Trình thuật Kinh thánh: Thư của Thánh Phaolo gửi tín hữu Ga-lát 3:26-27).
Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài lên tiếng thỉnh cầu cho tình hình đáng lo ngại ở Đất Thánh và Trung Đông.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta kết thúc những bài giáo lý về Phép Rửa tội. Những kết quả thiêng liêng của Bí tích này, không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng hoạt động trong tâm hồn của người đã được trở thành một tạo vật mới, được thể hiện dứt khoát qua việc trao tấm áo trắng và ngọn nến sáng. Sau khi được thanh tẩy để tái sinh, người đó có khả năng để trở thành con người mới theo Thiên Chúa, trong tính thánh thiêng thật (x. Eph 4:24). Từ những thế kỷ đầu tiên, việc mặc tấm áo trắng lên trên người vừa được rửa tội tương tự như ánh huy hoàng của đời sống trong Đức Ki-tô và trong Thánh Thần dường như là một điều rất tự nhiên. Trong khi tấm áo trắng diễn tả tượng trưng cho những gì đã diễn ra trong Bí tích, nó cũng công bố tình trạng của những người đã được biến đổi trong vinh quang nước trời.
Thánh Phaolo nhắc lại ý nghĩa của việc mặc lấy Đức Ki-tô, giải thích đâu là những nhân đức mà người được rửa tội phải tu dưỡng: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3:12-14).
Nghi thức trao ngọn lửa từ nến Phục sinh cũng nhắc lại kết quả của Phép Rửa tội: “Hãy nhận lấy ánh sáng của Đức Ki-tô.”, linh mục nói. Những lời này nhắc chúng ta rằng chúng ta không phải là ánh sáng nhưng Chúa Giê-su Ki-tô là ánh sáng (Ga 1:9; 12:46), Đấng sống lại từ cõi chết, đã vượt qua bóng tối của sự dữ. Chúng ta được kêu gọi đón nhận lấy ánh hào quang của Người! Khi ngọn lửa của nến Phục sinh thắp sáng những ngọn nến của mỗi người, thì đức ái của Thiên Chúa Phục sinh làm bừng sáng tâm hồn của người được rửa tội, làm họ ngập tràn ánh sáng và hơi ấm. Và vì lý do này, từ những thế kỷ đầu Phép Rửa tội cũng được gọi là “sự khai sáng,” và người được rửa tội được gọi là “người được khai sáng.”
Thật vậy đây chính là ơn gọi của người Ki-tô hữu: “hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng” (x. Nghi thức Khai tâm Ki-tô giáo cho người lớn, s. 226; Ga 12:36).
Đối với trẻ em thì đó là trách nhiệm của cha mẹ, cùng với cha mẹ đỡ đầu, phải chăm sóc và nuôi dưỡng ngọn lửa của ơn phép rửa tội cho những đứa con của họ, giúp chúng kiên vững trong đức tin (x. Nghi thức Rửa tội cho Trẻ em, s. 73). “Giáo dục Ki-tô giáo là một quyền của trẻ em; nó hướng dẫn cho các bé từng bước từng bước biết được chương trình của Thiên Chúa qua Đức Ki-tô: từ đó bản thân chúng có thể thông hiểu đức tin mà qua đó chúng được rửa tội” (nt., Giới thiệu, 3). Sự hiện hữu sống động của Đức Ki-tô, bảo vệ, giữ gìn và phát triển trong chúng ta, là ngọn đèn soi sáng cho những bước đi của chúng ta, là ánh sáng hướng dẫn cho những lựa chọn của chúng ta, là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn để tiến đến gặp gỡ Chúa, làm cho chúng ta có khả năng giúp đỡ người cùng đồng hành với mình trên hành trình tiến đến sự hiệp nhất không thể chia cắt với Người. Ngày đó như sách Khải huyền nói, “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (x. Kh 22:5)
Nghi thức Rửa tội kết thúc với Kinh Lạy Cha, xứng đáng để gia nhập vào cộng đoàn con cái của Thiên Chúa. Quả thật, những đứa con được tái sinh trong Phép Rửa tội sẽ đón nhận trọn vẹn ơn của Thần Khí trong Bí tích Thêm sức và chúng sẽ được rước Thánh Thể, học biết ý nghĩa của việc hướng lên Thiên Chúa và gọi người là “Cha.”
Đúc kết những bài giáo lý về Bí tích Rửa tội, cha lặp lại lời mời gọi trong Tông Huấn Gaudete et Exsultate (Hãy vui mừng và hân hoan) với từng người anh chị em, trong đó cha nói rằng: “Hãy để cho ơn sủng của Bí tích Rửa tội của anh chị em sinh hoa kết trái trên con đường nên thánh. “Hãy mở ra trước mặt Chúa mọi điều và để đạt được mục tiêu này, hãy chọn Ngài, hãy luôn chọn Ngài. Đừng ngã lòng, vì anh chị em có sức mạnh của Thánh Thần để việc nên thánh trở thành hoa quả của Chúa Thánh Thần trong đời sống của anh chị em (x. Gl 5:22-23)” (s. 15).
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
Lời thỉnh cầu của Đức Thánh Cha
Tôi rất lo ngại về những căng thẳng đang ngày càng xấu đi trong vùng Đất Thánh và Trung Đông, và sự leo thang bạo lực đang làm xa dần con đường hòa bình, đối thoại và đàm phán.
Tôi bày tỏ sự đau buồn rất lớn đối với những người đã chết và bị thương và bày tỏ sự hiệp thông với những người đang chịu đau khổ qua lời cầu nguyện và tình cảm. Tôi khẳng định rằng việc dùng bạo lực sẽ không bao giờ dẫn đến hòa bình. Chiến tranh dẫn đến chiến tranh, bạo lực dẫn đến bạo lực.
Tôi mời gọi tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế hãy làm mới lại cam kết của họ, để đối thoại, công bằng và hòa bình sẽ chiến thắng.
Chúng ta cùng khẩn cầu lên Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa bình. “Kính mừng Maria …”
Xin Chúa thương xót chúng con!
Tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất nhân tháng Ramadan, sẽ bắt đầu từ ngày mai. Ước mong rằng thời gian đặc biệt cho sự cầu nguyện và chay tịnh này trợ giúp để bước đi trên con đường của Thượng đế, đó là con đường của hòa bình.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/5/2018]