Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Những gì Đức Phanxico nghĩ về Đức Gioan Phaolo II: sách phỏng vấn mới về “Đức Gioan Phaolo Cả”

Những gì Đức Phanxico nghĩ về Đức Gioan Phaolo II: sách phỏng vấn mới về “Đức Gioan Phaolo Cả”

Những gì Đức Phanxico nghĩ về Đức Gioan Phaolo II: sách phỏng vấn mới về “Đức Gioan Phaolo Cả”

19 tháng Hai, 2020

Đức Thánh Cha Phanxico cũng nói về hệ tư tưởng giới tính là một trong những sự dữ lớn.

Hiện đã có mặt trong các tiệm sách của Ý (và các bản dịch đang được thực hiện) là quyển sách mới nhất của Đức Giáo hoàng Phanxico, dành riêng để nói về đấng tiền nhiệm người Ba Lan, với tựa đề “Thánh Gioan Phaolo Cả” (“San Giovanni Paolo Magno”). Đúng hơn, nó là quyển sách phỏng vấn cùng hợp tác với một linh mục trẻ người Ý (cũng là một giáo sư và nhà văn), Cha Luigi Maria Epicoco.

Chúng tôi trao đổi với người viết:

Aleteia: Ý tưởng về quyển sách mới ra đời khi nào và như thế nào?

Cha Luigi Maria Epicoco: Ý tưởng ra đời trong một cuộc đối thoại với đức Thánh Cha vào tháng Sáu năm ngoái: tôi trao đổi với ngài dự án về một quyển tiểu sử thiêng liêng ngắn nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Giáo hoàng Wojtyła. Lúc đó Đức Thánh Cha kể cho tôi nghe một số giai thoại riêng về đấng tiền nhiệm của ngài, và từ đó đưa đến ý tưởng thu thập những câu chuyện của ngài và lồng vào trong quyển sách này. Từ lúc đó đến Giáng sinh chúng tôi gặp gỡ theo lịch trình để cùng tổ chức và sắp xếp dự án chung này.

Aleteia: Giữa Đức Gioan Phaolo II và Đức Phanxico … có không gian cho Đức Benedict XVI không?

Cha Luigi Maria Epicoco: Chúng ta không thể nghĩ đến vị thứ nhất và thứ hai mà không có vị thứ ba: ngài Benedict vẫn là cầu nối thật sự giữa hai đầu của một giáo triều quan trọng như của Đức Gioan Phaolo II và một triều đại giáo hoàng quan trọng khác, là triều đại chắc đã không tồn tại nếu không có những lựa chọn và trực giác của Đức Giáo hoàng Benedict.

Ngoài ra, rất nhiều lần trong suốt chặng đường của những cuộc đối thoại, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại rằng, theo suy nghĩ của ngài, năm 2005 người duy nhất có thể nắm bắt được di sản của Đức Gioan Phaolo II là Đức Hồng y Ratzinger.

Aleteia: Phần nào trong quyển sách là tâm đắc nhất đối với cha?

Cha Luigi Maria Epicoco: Trong chương “Người Linh mục” tôi hỏi xin Đức Thánh Cha một lời linh hướng, cứ cho là trong Tông huấn Christus Vivit ngài cũng đã mời gọi người trẻ để được đồng hành trong sự phát triển của họ, và rằng chính Đức Gioan Phaolo II có một số vị đồng hành đặc biệt, trong đó có vị thánh giáo dân là Jan Tyranowski. Đức Thánh Cha liên tục nhấn mạnh rằng trước hết không nên nghĩ rằng thừa tác vụ linh hướng là một điều gì đó Giáo hội có thể quy tắc hóa và nên quy tắc hóa, theo cách của những thừa tác vụ đã được chính thức hóa:

… về cơ bản, linh hướng là một đặc sủng. Nó không thiên quá nhiều về chức năng, nhưng là một tình phụ tử, một tình huynh đệ tìm thấy nguồn cội nền tảng không phải trong tổ chức của chúng ta, nhưng trong sự sống của Thần Khí. Chắc chắn, điều hiển nhiên trong trách vụ của người linh mục là đưa ra những hướng dẫn, nhưng tôi nhắc lại ý tưởng căn bản rằng linh hướng là một đặc sủng, mà trong một số trường hợp được tỏ lộ rất mạnh mẽ và trong những trường hợp khác khó nhận biết hơn, và nó không chỉ là một điều được tặng ban cho các linh mục nhưng cũng cho các giáo dân và phụ nữ tận hiến, vì nó là một đặc sủng của người được rửa tội.

Đức Thánh Cha Phanxico (với Lm Luigi Maria Epicoco), Thánh Gioan Phaolo Cả, 76-77

Aleteia: Và phần nào trong quyển sách này cha cho là tâm đắc nhất với Đức Thánh Cha?

Cha Luigi Maria Epicoco: Rất khó để nói rằng ngài thích phần nào. Đức Thánh Cha muốn duyệt lại các bản nháp thật cẩn thận, và tôi có được niềm vui đích thân trao cho ngài hai bản sao của quyển sách đã in, và ngài đón nhận thật nồng nhiệt. Tôi nghĩ tôi sẽ không làm người khác hiểu sai nếu tôi tiết lộ rằng sự tập trung của ngài, trong giai đoạn duyệt, một lần nữa lại chú ý vào câu trả lời của ngài cho câu hỏi của tôi về những con đường cụ thể hơn qua đó sự dữ hiện diện và hoạt động trong giai đoạn lịch sử ngày nay. Đức Thánh Cha cho một câu trả lời rất rõ ràng rằng “một trong những con đường này” là “thuyết giới tính,” và thêm một số chi tiết làm rõ rất quan trọng rằng ngay cả trong những tranh luận đang diễn ra (đôi khi rất độc hại) thì người ta phải suy xét thật kỹ.

Vì sự tinh tế của chủ đề và tầm quan trọng của những sắc thái, với sự cho phép của nhà xuất bản, chúng tôi trích đăng câu trả lời này của Đức Thánh Cha, và đây là bản dịch (tiếng Anh) riêng của chúng tôi.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, sự dữ thể hiện dưới những hình thức khác nhau. Theo suy nghĩ của cha, trong thời điểm lịch sử này, đâu là con đường cụ thể nhất qua đó sự dữ hiện diện và hoạt động?

Một trong những con đường này là thuyết giới tính. Tuy nhiên, tôi muốn giải thích ngay lập tức thật rõ rằng khi tôi nói điều này là tôi không ám chỉ đến những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái. Ngược lại, Giáo lý Giáo hội Công giáo mời gọi chúng ta đồng hành và chăm sóc mục vụ cho những anh chị em này. Sự nhắc đến của tôi bao hàm rộng lớn hơn và liên quan đến một nguồn gốc văn hóa nguy hiểm. Nó nhằm mục đích phá hủy tận gốc rễ dự án của công trình tạo dựng mà Thiên Chúa đã dự định cho mỗi người chúng ta: tính đa dạng, tính khác biệt. [Nó nhằm mục đích] biến mọi thứ trở nên đồng nhất, trở nên vô tính. Nó là một cuộc tấn công vào sự khác biệt, vào sự sáng tạo của Thiên Chúa, vào người nam và người nữ. Khi tôi nói điều này rõ ràng, không phải là sự kỳ thị chống lại bất kỳ ai, nhưng đơn giản là lời cảnh báo mọi người hãy chống lại cám dỗ rơi vào vết xe đổ của dự án điên cuồng của cư dân Ba-ben: thủ tiêu sự đa dạng để tìm kiếm trong đó một ngôn ngữ duy nhất, một hình thức duy nhất, một dân tộc đồng nhất.

Sự đồng nhất này rõ ràng đã dẫn họ đến sự tự sụp đổ vì nó là một dự án thuộc ý thức hệ không suy xét đến thực tế, là tính đa dạng thật sự của con người, là tính duy nhất của mỗi con người, sự khác biệt của mỗi con người. Không phải việc hủy bỏ sự khác biệt sẽ làm cho chúng ta đến gần nhau hơn, nhưng chính là việc chấp nhận người khác với sự khác biệt của họ, để khám phá ra sự phong phú trong tính khác biệt. Chính sự phong phú hiện hữu trong tính khác biệt làm cho con người của chúng ta trở nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng trên hết là có thể chào đón người khác với con người thật của họ chứ không phải với những gì chúng ta muốn biến đổi họ trở thành.

Ki-tô giáo luôn luôn đặt ưu tiên cho sự thật thực tế hơn là những tư tưởng. Trong thuyết giới tính, chúng ta nhìn thấy cách mà tư tưởng muốn áp đặt lên thực tế, và nó đi theo một con đường xảo quyệt. Nó muốn ngầm phá hoại nhân loại trong tất cả mọi lĩnh vực và trong tất cả mọi phạm vi khả dĩ của giáo dục, và nó đang trở thành một sự áp đặt văn hóa, vì ngoài việc được phát sinh ra từ dưới, nó bị áp đặt từ bên trên bởi chính một số nhà nước như là con đường văn hóa khả dĩ duy nhất mà chúng ta phải thích ứng.

Nt, t. 103-105

~

Đức Thánh Cha Phanxico cũng nói về “sự hài hòa” theo quan điểm của ngài về chức tư tế và những quan điểm của ngài Gioan Phaolo II. Chẳng hạn nói về đời sống độc thân, ngài nói:

Tôi tin rằng đời sống độc thân là một món quà, một ân sủng, và tiếp nối những bước đi của Đức Phaolo VI, Gioan Phaolo II và Benedict XVI, tôi cảm nhận mạnh mẽ một mệnh lệnh phải suy nghĩ về đời sống độc thân như là một ân sủng then chốt là đặc điểm của Giáo hội Công giáo Latinh. Tôi lặp lại: đó là một ân sủng.




[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/2/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 6-10/2/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 6-10/2/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 6-10/2/2020



7 tháng Hai: Cả Gioan Tẩy giả, người nam vĩ đại nhất được sinh ra bởi một người phụ nữ, và Con Thiên Chúa đã chọn con đường chịu khổ nhục. Thiên Chúa chỉ ra con đường này cho người Ki-tô hữu để họ có thể tiến bước. Người ta không thể trở nên khiêm nhường nếu không nhẫn nhục. #HomilySantaMarta

8 tháng Hai: Thánh Bakhita, bổn mạng của các nạn nhân buôn người, đối mặt với sự đau đớn của thân phận nô lệ và là chứng nhân của sự tự do và niềm vui được gặp gỡ Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả mọi người có thể sống niềm vui này và bẻ gãy những xiềng xích của nô lệ. #PrayAgainstTrafficking

8 tháng Hai: Cùng nhau chống lại nạn buôn người. Chỉ khi cùng hợp sức thì chúng ta mới có thể đánh bại được tai họa này và bảo vệ được các nạn nhân. Cầu nguyện là sức mạnh gìn giữ cam kết của chúng ta. #PrayAgainstTrafficking

9 tháng Hai: Trong #Tin mừng trong ngày (Mt 5:13-16), Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ của Ngài trở nên muối và ánh sáng cho trần gian. Những ai sống và làm lan tỏa ân sủng của Đức Ki-tô là muối. Những người để cho Tin mừng chiếu tỏa qua các việc làm tốt lành là ánh sáng.

9 tháng Hai: Những bản tin đau thương về tình trạng mà phụ nữ và trẻ em đang phải đối mặt vẫn đang đến từ #Syria. Tôi lặp lại lời thỉnh cầu đến tất cả các bên liên quan đến với sự đối thoại và tôn trong Luật Nhân đạo để bảo đảm sự sống của người dân.

10 tháng Hai: Đức tin phát triển khi chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa với lòng tin tưởng, mang đến cho Chúa Giê-su chính con người của chúng ta, với tâm hồn rộng mở, không cha giấu những đau khổ của mình.




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/2/2020]